người bình xuyên

Thực ra ở VN, cũng có nhiều người viết văn theo lối “nửa thực, nửa hư” như thế (và họ nói rõ ràng đây là văn, không phải sử), viết để trình bày một dạng sử ít chính thức hơn. Ví dụ thú vị là nhà văn Nguyên Hùng, tác giả những cuốn Người Bình Xuyên, Nguyễn Bình – huyền thoại và sự thật, Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ… những sách nói cho độc giả biết về các nhân vật kháng chiến, tôn giáo, quân phiệt miền Nam 1945 ~ 1975, một giai đoạn cũng gần giống như thời Dân quốc bên TQ vậy! Sách của ông nói cho chúng ta về những góc ít biết của lịch sử: Huỳnh Phú Sổ, Phạm Công Tắc, Lê Văn Viễn, Dương Văn Dương, Nguyễn Bình…

Nhưng khác là Nguyên Hùng thực sự là người trong cuộc, tham gia kháng chiến từ đầu đến cuối! Vì là người trong cuộc nên Nguyên Hùng có khả năng phác họa chân dung con người với những hiểu biết sống động: ngôn ngữ, giáo dục, văn hoá, tâm lý, và nhiều chi tiết khác liên quan đến đời sống, xã hội đương thời! Còn với trường hợp Huy Đức, ông ấy chỉ là người đến sau, mãi về sau, tìm cách hình dung lại lịch sử qua những gì được nghe kể lại, hay qua những gì mình tưởng tượng ra, tìm cách lắp ghép, sắp xếp thông tin thu nhặt được theo những định kiến có sẵn, nên sách nghe rất khiên cưỡng, máy móc và vô hồn…

bên thắng cuộc

Giữa trưa 7-1-1979, khi nghe con rể là Giáo sư Hồ Ngọc Đại đánh thức báo tin quân ta đã vào Phnom Penh, ông Lê Duẩn chỉ ừ rồi ngủ tiếp… Đọc đến đây là tôi vất cuốn truyện qua một bên, không cần phải đọc nữa, vì những tình tiết kiểu như thế nó xuất hiện quá quá nhiều! Tác giả viết giống như thể lúc đó, ông ta đang nằm dưới gầm giường của ông Lê Duẩn nên biết được sự việc vậy! Mặc dù một số tình tiết trong truyện tôi cũng muốn tin lắm, nó giống những truyền khẩu dân gian người ta thường kể cho nhau nghe lúc trà dư tửu hậu! Nhưng lịch sử mà viết theo lối “tiểu thuyết dã sử, giả sử” như thế không hề ổn tí nào!

Lần cuối cùng người ta làm như thế có lẽ là từ thời của Homer (Trường ca Iliad và Odyssey) kia! Mà tất cả những kiểu như Đèn cù, Đêm giữa ban ngày, Bên thắng cuộc, etc… đều cùng một kiểu, cùng một giọng văn, cùng một phong cách: nói giống như là đúng rồi vậy, đưa tin theo kiểu “từ trên trời rơi xuống”, tìm cách nhào nặn những sự thật nhiều người biết, trộn thêm vào đó những tình tiết tưởng tượng theo cảm tính, tìm cách tô màu mức tranh theo ý của mình, hư hư thực thực đan xen vào nhau! Và có cơ sở để tin rằng tất cả những thủ pháp “sáng tác văn chương” như thế đã được đúc kết để dạy thành bài bản!

rú chá

Nhiều năm trước, thấy mọi người nói nhiều về Rú Chá, chụp ảnh thấy cũng đẹp, “khu rừng” ngập mặn, hệ sinh thái đầm phá ven biển Thừa Thiên. Nghe danh mà đến, trên đường chạy xe máy xuyên Việt, tôi ghé qua thử xem sao, ghé rồi mới chạy quanh vài phút thì hết mịa nó cái Rú Chá! Nói cho đúng, đó chỉ là mảnh đất rộng 5 hecta, trong khi một cái khu dân cư nho nhỏ ở SG có thể rộng đến hơn 50 hecta. Chưa đi thì cứ tượng tượng ra cả một khu rừng rộng lớn, nhưng tới rồi chỉ thấy một mảnh vườn con con! Nên mạng xã hội là tác nhân chính tạo ra những hình ảnh sai lệch về thực tại! Nhưng đó vẫn chưa phải là điều nguy hiểm nhất! Nguy hiểm nhất là mạng xã hội tạo ra những cái tôi méo mó về tính cách, lệch lạc về nhận thức! Nó tạo ra những “phiên bản thay thế”, các “hình ảnh đại diện”, những “bộ lọc lung linh”…

Toàn những thứ ảo giác giả tạo, để cho con người ta lạc vào đó, tự đánh mất chính mình lúc nào không hay! Đó chính là một sự “đánh tráo”, mà người ta dùng đến thủ thuật đánh tráo chỉ khi nào muốn lừa bịp hay cướp đoạt cái gì đó mà thôi! Con người ta sinh ra trong đời có hai mối kết nối quan trọng, cái đầu tiên là kết nối với tự nhiên, khi chỉ cần thảy ra một cây phượng, một cây vông đồng “cô đơn” cho bà con bu vào chụp ảnh, là ta đã thấy nó rất kỳ cục, vô duyên rồi, họ không tắm rừng, tắm biển thực sự, tất cả những gì họ muốn là có cái hình post Facebook! Và cái kết nối thứ hai là giữa con người với nhau, một môi trường sống nơi người ta còn cảm nhận thấy sự chân thành, tử tế, dù chỉ là nhỏ nhoi, đơn giản, nhưng cái kết nối này cũng đã đứt gãy từ lâu! Khủng hoảng xã hội là điều không thể tránh khỏi!

ma tăng

Quê hương của Đức Phật, tiểu quốc Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu) ngày nay nằm ở Nepal, chồng lấn lên biên giới với Ấn Độ, là vùng cận nhiệt đới chịu ảnh hưởng bởi gió mùa, khí hậu có thể được xem là tương đối ôn hòa, và đất đai thì phì nhiêu màu mỡ. Đây là cơ sở khiến cho đời sống dân chúng không đến nổi quá khó khăn, việc xin một bát cơm, mỗi ngày ăn một bữa, là việc hoàn toàn có thể chấp nhận được, để có thể dành thời gian cho việc tu tập! Nhưng khi Phật giáo truyền lên phía bắc, vào Tây Tạng, Mông Cổ, Trung Quốc… thì lại hoàn toàn khác, đây phần lớn là những nơi có khí hậu lạnh giá khắc nghiệt. Ở những xứ ôn đới, hàn đới, không có quần áo ấm thì chưa chắc sống được qua vài giờ, không có giày mũ bảo vệ đầy đủ thì khó sống qua vài ngày. Còn không có dự trữ lương thực thì không thể sống qua mùa đông.

Do điều kiện như thế nên hình thành tâm thức và văn hóa, người phương Bắc có “bản năng” tích trữ, phòng xa lớn hơn so với người phương Nam. Ở những nơi như thế, ngửa tay xin một bát cơm là người ta nhìn anh như kẻ từ trên trời rơi xuống vậy, đây không phải là chuyện đúng hay sai, chỉ là văn hóa nó thế! Nên khi Thiền tông thành lập ở TQ, họ chủ trương “bất tác bất thực – không làm thì không ăn”, sư cũng làm ruộng, làm việc như những người khác! Tuy như vậy nghĩa là thời gian dành cho việc tu tập phải bớt lại, nhưng có thế thì Phật giáo mới hòa nhập được vào với xã hội! Nên khất thực hay không khất thực đều do điều kiện thực tế cụ thể, chứ không mang tính đúng sai gì cả! Còn đương nhiên cái thể loại đi khất thực mà chỉ nhận tiền, không nhận đồ ăn (khất: xin, thực: thức ăn) thì chỉ có thể là ma-tăng mà thôi!

mượn hoa kính Phật

Vài câu hỏi sơ khai về Phật giáo, nhân sự việc có quá nhiều người “mượn hoa kính Phật”, mà ở VN, thường là “Tá hoa hiến Phật” thì ít, mà “Tá đao sát nhân” (mượn đao giết người) lại nhiều! Em dự là sau cơn hả hê, tất cả vẫn hoàn u mê như cũ! Theo dõi các clip, quan tâm ông MT thì ít mà xem cách Nhà nước xử lý sự kiện này thì nhiều! Các anh CA chìm bao quanh ông MT xem cách ăn nói cho thấy phần lớn là người có học, ít nhất cũng hiểu sơ về Phật giáo, xem ra Nhà nước đã khổ tâm huy động lực lượng có trình độ, như thế mới sàng lọc, đấu tranh được với đám “Giả hành tôn” để mà bảo vệ cho “Tôn hành giả”! Ngày xưa thì Tôn hành giả bảo vệ Đường tăng khỏi đám yêu ma, nhưng với đám yêu ma ngày nay thì ngay đến cả Tôn hành giả cũng cần phải được bảo vệ! 😀

+ Khổ hạnh không phải là con đường đúng, Trung đạo mới là điều Đức Phật đề nghị! ==> Hầu hết những lối tu hiện đại, kể cả hạnh đầu đà, đều chưa phải là khổ hạnh hiểu theo nghĩa như thời của Đức Phật!

+ Đi như thế ích gì, ở nhà phụng dưỡng cha mẹ mới là chân tu. ==> Đức Phật bỏ nhà vào rừng tu khổ hạnh đúng vào cái ngày con ông ta là La-hầu-la sinh ra đời, mặc cho bao nhiêu ngăn cản từ gia đình.

+ Ông ta tu thế chỉ ích mỗi ông ta thôi, lợi gì cho XH!? ==> Đúng vậy, Phật giáo đầu tiên và trên hết là vấn đề cá nhân, những cái khác chỉ là hệ quả. Đến mình còn chưa tự giúp được thì sẽ giúp được ai!?

+ Khất thực là ăn bám, không tạo ra của cải vật chất gì! ==> Chừng nào XH còn có người tự nguyện cúng dường thì đó không thể xem là ăn bám. Không phải ai cũng “ăn bám” được vậy đâu, số này rất ít!

+ Nếu ai cũng bỏ nhà đi như vậy thì lấy đâu ra người sản xuất, phát triển XH? ==> Đúng vậy, viễn cảnh mọi chúng sinh đều nhập Niết bàn cả rồi thì XH sẽ “giải tán”, nhưng việc này không biết đến bao giờ.

tâm bệnh

Về chuyện cuối cùng ông Minh Tuệ gì đó phải dừng “bộ hành, khất thực”… Cảm thấy thất vọng vô cùng, một cái dân tộc gì mà què quặt, khuyết tật, yếu đuối, nhược tiểu, cuối cùng rồi cũng chọn những giải pháp như thế! Nó làm tôi nhớ đến hồi còn ở ngoài quê, có cặp vợ chồng hàng xóm, thường xuyên xích mích với nhau, nhưng không công khai, không chửi bới, không đập chén bát, mà chỉ xích mích ngấm ngầm, một kiểu bạo hành gia đình kín cứ âm ỉ suốt hàng chục năm! Cứ hễ có việc gì xảy ra mà một bên không bằng lòng, là bắt đầu… đau, bịnh, ốm, nằm liệt giường! Mà cả vợ, cả chồng đều hành xử như thế, những “cái tôi” cứ mãi không chịu lớn. Ban đầu chỉ là một cách tỏ thái độ, nhưng mấy chục năm sống với nhau mà cứ diễn mãi cái vở kịch nhàm chán như thế, riết rồi thì bệnh giả nó… trở thành bệnh thật!

Mà đây là “tâm bệnh”, không cách nào trị khỏi! Cái nhà không có sinh khí, đụng đâu cũng mệt, bệnh, dỗi, rồi từ đó đẻ ra tâm lý ghét bất kỳ thứ gì vận động! Và cái MXH bây giờ cũng là một dạng “không chịu lớn” y như thế, luôn nói ra nói vào, anh thế này, tôi thế kia, cứ y như con nít bù lu bù loa vậy, chỉ có im lặng, suy nghĩ, làm việc để trưởng thành thì không làm được mà thôi! Nói về các phương thức rèn luyện trong Phật giáo thì vô chừng, người ta đã làm rất nhiều chuyện “dời non lấp bể”, nhưng quay về gốc, Phật luôn là vấn đề của cá nhân, là do chính ta, và vì chính bản thân ta, không liên quan ai khác! Nên ông MT làm gì thì đó là việc của riêng ổng, là sự rèn luyện mang tính chất rất cá nhân! Còn đám MXH đạp lên mồ mả để quay phim chụp ảnh (như trong truyện Số đỏ – Vũ Trọng Phụng) thì đó là vấn nạn của thời đại!

Về chuyện những người đi theo ông MT có người “tử vong”, có người “ngất xỉu” do trời nắng nóng, sốc nhiệt, chuyện như thế này trong giới chơi thuyền xảy ra vô số! Thấy người ta chèo thuyền vượt thác đẹp quá mà, cũng thả thuyền qua ghềnh, kết quả là đập đầu vô đá chết! Thấy người ta chạy jet – ski sướng quá mà, cũng leo lên phóng hết ga, không kiểm soát được tốc độ, đâm vô xà lan chết! Thấy người ta chèo SUP điệu nghệ quá mà, cũng nhảy lên SUP rồi bị sóng cuốn trôi chết! Và những cái chết lãng xẹt trong giới chơi thuyền và thể thao dưới nước có thể nói là… không thể đếm hết, và nó cứ lặp đi lặp lại, từ năm này qua tháng khác! Nguyên nhân do đâu!? Là do ngay từ nhỏ đã lười vận động, thiếu hiểu biết sơ đẳng về bản thân và môi trường xung quanh, nhưng tâm thì lại vọng động không có điểm dừng!

Nhìn muốn được như người ta, nhưng không muốn cố gắng rèn luyện, không hiểu rằng việc gì cũng phải có quá trình! Nôm na và thẳng thừng thì ta nói: ngu thì chết thôi, ai vẹ?! Đây mới là chuyện đi bộ bình thường, chưa phải là vận động gì ghê gớm, chưa phải là cái gì khó khăn đến mức không tưởng! Thế nên, cho đến khi dân trí có thể tự hiểu ra rằng người ta vận động vì tìm kiếm một sự đổi thay trong “thân & tâm”, chứ không phải vì vài tấm hình chỉ để đăng lên Facebook, cho đến lúc đó thì vẫn tiếp tục chết thôi! Những chuyện như thế này, này pháp luật nên phải xử lý ra làm sao? Trong chừng mực các hoạt động không cố ý gây ảnh hưởng đến người khác thì không thể cấm được, vẫn cứ phải để cho sự vận động diễn ra, cần thiết phải như thế! Còn nghiệp của ai thì người đó gánh thôi, đơn giản là như thế!

tôn hành giả, giả hành tôn…

Trong vùng núi Bỉ Duệ (比叡山 – Hiei) Nhật Bản, có nhánh Phật giáo Thiên Thai tông mang tên Hồi Phong Hành (回峰行 – Kaihōgyō). Họ có hình thức tu tập độc đáo: trong 7 năm, các “hành giả – người đi” sẽ phải làm 1000 ngày hành trình vòng quanh núi, 40 km mỗi ngày trong 100 ngày với năm đầu tiên, tăng dần lên 84 km mỗi ngày trong 100 ngày ở năm cuối cùng. Điều đáng nói là hành trình đi qua những vùng núi non hiểm trở, không phải là 84 km trên đất bằng, trong mọi điều kiện thời tiết! Các hành giả không chỉ có đi mà vẫn phải tham gia hoạt động trong chùa, làm việc, học kinh sách, với chế độ ăn uống đạm bạc. Đến năm cuối cùng, cuộc marathon trường kỳ này đã tăng lên đến mức chỉ có thể ngủ khoảng 2 tiếng mỗi ngày, liên tục như thế 100 ngày! Tổng hành trình là hơn 40 ngàn km, hơn một vòng quanh quả đất! Người tham gia sẽ phải tự ép mình đến giới hạn của thể chất…

Chạm đến ranh giới giữa sự sống và cái chết! 100 ngày đầu tiên, hành giả có quyền bỏ cuộc, nhưng kể từ ngày thứ 101 trở đi, những ai bỏ cuộc, theo luật sẽ phải tự sát. Dọc theo con đường mà các hành giả đã đi trong suốt mấy trăm năm, rải rác hàng chục ngôi mộ những người đã tham gia nhưng thất bại, không thể kết thúc hành trình! Và họ cứ đi như thế, trên người dắt sẵn một con dao và một dải lụa trắng, chọn lựa kết thúc theo cách nào là tùy ý! Mãi đến sau này, một sắc lệnh Hoàng gia mới chấm dứt cái giới luật tự sát khắc nghiệt đó. Cho đến ngày nay, có chưa đến 50 người đã hoàn tất thử thách 1000 ngày này! Nên các nhà sư Phật giáo trên thế giới (và cả VN, như Thích Quảng Đức) đã từng làm nhiều chuyện vượt qua sự tưởng tượng của con người, đi bộ vài ngàn km đã là gì!? Nên khi ta thấy cái Báo Bồn Cầu – BBC bỗng dưng xưng tụng nhảm nhí “là người được chọn” này nọ…

Ta lại bỗng thấy nó giống hệt như ngày xưa, mấy chục năm trước, tờ Times giật tít: “Thích Trí Quang, người làm rung chuyển thế giới”, v.v. và v.v. thì ta biết rằng chúng nó lại đang tìm cách ném ra một cái “bánh vẽ”, có những nỗ lực của đám truyền thông bẩn, có sự giật dây của các thành phần tuyên truyền nước ngoài tìm cách biến một sự việc, một hoạt động mang tính chất cá nhân bình thường trở thành dậy sóng, trở thành siêu phàm, được khuếch đại lên qua cái lăng kính của sự vô minh, của dân trí thấp lè tè! Nên xưng tụng giả tạo, hão huyền là chúng nó, rồi tìm cách vấy bẩn, dàn cảnh, gán ghép, chụp mũ thì… cũng chính là chúng nó, cũng một đám, tự phân chia thành các “vai” chứ không ai khác! Nên, ở đây ta sẽ thấy có đủ các thể loại “hành giả”: Tôn hành giả, Hành giả tôn, Giả hành tôn, Hành tôn giả, .v.v. truyện Tây du ký, đoạn viết về các loại “hành giả” này thật là thú vị! 😀

sốc nhiệt

Chuyện này rất phổ biến với người vận động, lao động ngoài trời. Nhưng nhiều người không kịp nhận biết trước khi đã muộn! Tôi đã trãi qua một vài lần, quan trọng là phải tự quan sát, cảm nhận được tình trạng sức khỏe của bản thân! Những “triệu chứng” bác sĩ nói trong bài báo không sai, nhưng vô dụng với chủ thể người bị sốc nhiệt! Biểu hiện đầu tiên của sốc nhiệt là bị mất “ý thức”, mất “kiểm soát” cơ thể trong một hoặc vài đoạn thời gian ngắn, thường chỉ kéo dài vài giây!

Cơ thể bỗng dưng trở nên “lơ mơ”, không “phản hồi”! Quan trọng là phải tự nhận ra được tình trạng ấy (chẳng phải “kết nối với bản thân” là gì?!) để có biện pháp lập tức: tìm chỗ mát nghỉ ngơi, uống nước. Cũng như chuột rút vậy, trong những hành trình phải chèo liên tục 12~16 tiếng, tôi có thể nhận ra được lúc nào mình sắp bị chuột rút, và lập tức phải có biện pháp nghỉ, phục hồi hợp lý, chỉ cần 15, 30 phút thôi là đủ để không quá ngưỡng, để vẫn có thể chèo 16h+ nếu cần!

Czardas – Monti

Khi đã bước qua ngưỡng 4x, những khoảnh khắc như vầy… sẽ không còn tới nhiều nữa, những điều rất thường gặp khi ta 20 và bớt dần theo năm tháng, khi mà mức năng lượng nội sinh của bạn bỗng dưng chợt nhảy lên một tầng cao, một quỹ đạo mới, mọi thứ bỗng trở nên tuôn chảy, nhẹ nhàng, tự nhiên, tươi sáng. Khi mà người khác nhìn vào bạn mà cứ tưởng như người mất trí…

Đang nhìn xa xăm, cười vô lý, dường như vẫn còn đang ở đây, hay là đã ở chỗ nào khác?! Nên âm nhạc, thực chất chính là sự vận động, âm nhạc không tách rời âm thanh, nhưng âm nhạc éo phải là âm thanh, cũng như tình yêu không tách rời tình dục, mà tình yêu éo phải là tình dục… Khi nhạc trưởng chỉ tay vào đồng hồ, nghĩa là thời gian đang hết, phải chảy nhanh hơn nữa! 🙂

Đậu phụ làng cắn đậu phụ chùa

Haizza, do dân trí quá thấp nên mới dẫn đến tình trạng như vậy, chuyện không có gì lại trở thành những thanh âm vang vọng qua lại giữa những cái tôi “trống hoác” giống như nhau, cứ như là gió lùa qua hang trống vậy! Chuyện này phải nói làm sao cho rõ… Một mặt, tinh thần Phật giáo chính là không chấp nhất vào bất kỳ một con đường, một phương thức nào, một vị hòa thượng 50 năm tu hành chưa chắc đã được công đức như một đệ tử tục gia bình thường. Nhưng mặt khác, đã là con người thì phải có đoàn thể, luật lệ, và những giới luật của Tăng đoàn đã được đặt ra ngay từ thời Đức Phật còn sống chứ không phải bây giờ mới có, một số là do chính Đức Phật đặt ra! Sâu xa hơn, cái tranh luận giữa “đốn ngộ” và “tiệm ngộ” là một sự tranh luận xưa nay chưa có điểm dừng. Sự giác ngộ có thể đến, tại bất kỳ một giây phút nào, nhưng cũng có thể là phải trên căn bản của tinh tấn, của kỷ luật, cũng phải có một quá trình “hóa duyên” nào đó! Nên Đại thừa và Tiểu thừa, tuy khác nhau chút đỉnh về hình thức và phương pháp, nhưng tinh thần chung thì vẫn là… “bất nhị”! Quay trở lại với cái xã hội đã bị lưu manh hóa thời Mạt Pháp, chính vì không thể đánh đồng tất cả, nên cần phân biệt ra các kiểu lưu manh khác nhau! Em xin lỗi, nhưng cứ phải dùng đúng từ, đúng nghĩa, thẳng thắn như thế!

Kiểu lưu manh lớn: tổ chức thành công ty, kinh doanh vì lợi nhuận, đi theo con đường mê tín, tà đạo! Cái này vô cùng dễ thấy, ai ai cũng có thể nhìn thấy! Nhưng ở hướng ngược lại, có vô số sự lưu manh nhỏ mà người ta khó thấy hơn! Phần nhiều ở Nam tông, do giới luật lỏng lẻo, nên có vô số thành phần lười lao động, cũng bày đặt khoác y cầm bát, khất thực qua ngày, ở chùa rảnh rỗi nhàn cư sinh ra vô số tệ nạn! Đây là thực trạng khá phổ biến của Nam tông mà có vị từng thú nhận: suốt mấy chục năm đã tìm mọi cách nhưng vẫn không thể nào chấn chỉnh được! Trở lại một quan điểm trung dung, đã là người thì đều phải có hội đoàn, luật lệ, đều phải có quá trình! Như xưa mà dưới 10 năm hành trì thì chỉ gọi là “chú Tiểu”, 10 ~ 20 năm mới gọi là Đại Đức, từ 20 ~ 50 năm mới gọi là Thượng Tọa, và trên 50 năm tuổi Hạ mới mang danh Hòa Thượng! Chứ không phải bất kỳ một đứa thần kinh, tay cầm cái nồi cơm điện nào cũng có thể gọi là Sư được! Hoàn toàn không có ý phê phán ông Minh Tuệ gì đó, ông ta có đủ mọi quyền làm những gì mình muốn theo pháp luật! Chỉ là ở đây thấy rõ: những sự lưu manh nhỏ (của một xã hội dân trí thấp lè tè) đang tìm cách “mượn” ông ấy, “leo” sự kiện để bất mãn với những lưu manh lớn, nói một cách nôm na, hài hước thì chính là: đậu phụ làng cắn đậu phụ chùa! 😀

Viết tiếp ý, vì ngôn từ vắn tắt, nên có thể tạo ra cái nhận định thiên lệch là mình có thành kiến với ông Minh Đức gì đó! Đầu tiên nói rõ là việc “hành thiền” như thế này là một bài tập phổ biến trong Phật giáo, đã từng có rất nhiều người làm, thậm chí có người từng làm theo kiểu đau khổ hơn nhiều: đi 2 bước, lạy 1 bước, lạy đến khi sấp toàn bộ cơ thể xuống mặt đường, và lặp lại như thế suốt nhiều năm cho đến hết hành trình! Đây là 1 hình thức tu tập tương đối phổ biến, nhưng do các con ranh trên MXH chưa từng thấy, nên lấy đó làm điều kỳ diệu rồi tán tụng này nọ! Ma chướng xem ra vẫn còn nhiều lắm, kiếp nạn không phải chỉ có 72 lần! Mà ma chướng đến từ đâu!? Đầu tiên chính những thành phấn xưng tụng, bốc thơm là một dạng ma chướng, mục đích là tạo sự kiện, là câu view trên MXH! Tiếp nữa là vô số dạng ma chướng khác, vài năm trước, với 1 vị “hành giả” khác, từng xảy ra hiện tượng có nhóm người xăm trổ, hò hét dẹp đường cho “sư phụ”, thậm chí đánh người khác bị thương! “Hành giả” vẫn im lặng không nói, không thanh minh bất kỳ điều gì cho đến khi người ta hiểu ra đám “đệ tử” dẹp đường đó không biết là phường lưu manh ở đâu, chả có liên hệ gì với vị “hành giả”, nhưng dàn cảnh như đúng rồi vậy! Vụ việc tuy không đáng gì, nhưng xem ra lại là 1 phép thử đối với dân trí! Phải hành xử làm sao cho đúng với tinh thần: Bồ đề bản vô thụ, Minh kính diệc phi đài!