records

Đã vượt qua bạc (50km-12h) nhiều năm nay, nhưng từ đây đến vàng (100km-24h) vẫn còn đôi chút khoảng cách! Sea-kayak hơi giống Ultra-Trail, nhưng tốc độ trung bình chỉ khoảng 4, 5kmph, ngang với đi bộ! Càng ngày, người ta càng thích chạy trail hơn là marathon trong môi trường đô thị, vì nó đi qua nhiều địa hình, phong cảnh ngoạn mục!

Thứ anh bỏ lại đằng sau trong lúc đang cắm cổ chạy về phía trước, hoá ra lại có một tác động tâm lý ngấm ngầm không hề nhỏ! Riêng với chèo thuyền, vì trên mặt nước nên hiệu quả vật lý, tâm lý đối với chủ thể lại càng có nhiều khác biệt, đương nhiên mọi so sánh đều tương đối! Nếu chèo nhiều ngày liền, thực ra cũng chỉ sẽ đạt cỡ 40 ~ 50 km / ngày là tối đa!

năng lượng hao phí

Có người bảo mặt nhăn nhúm, nhưng như vậy đã đỡ lắm rồi, sau 12 tiếng chèo, nó nhìn giống trái mướp khô kia! Một cách không chính xác, nhưng cỡ 1/3 năng lượng trong nhưng chuyến đi xa là hao phí cho các khoản trù trừ, lo lắng, sợ hãi, vì có rất nhiều yếu tố rủi ro ảnh hưởng đến hành trình! Dần dà, có thêm nhiều kinh nghiệm, kỹ năng và trang bị tốt, khả năng đọc và kiểm soát tình huống tốt hơn, thì sự lo lắng, sợ hãi cũng bớt đi!

Giả sử như (đương nhiên cũng không chính xác) có thể bớt 1/10 hao phí, thì đã tiết kiệm được hơn 20%, và sẽ chèo xa hơn được 20% quãng đường! Nói mọi người không hiểu, nhưng sự khác biệt giữa sức người, sức máy và sức buồm là rất lớn. Trước khi chất hàng lên xuồng, tôi cân từng thứ, từng thứ một, tìm cách bớt từng 50 gram một, cái gì giảm được là giảm hết, áo ấm cũng không mang theo, chỉ mang hai cái áo mưa tiện lợi vì nó gọn, nhẹ!

rốn bể, đáy sông

E thay những dạ phi thường,
Dễ dò rốn bể, khôn lường đáy sông!

Sự khác nhau giữa sea-kayak, whitewater kayak và surfski, nhiều người vô tình (hay cố ý) nhầm lẫn giữa các thể loại như whitewater-kayak chuyên vượt thác hay surfski, chuyên lướt những con sóng cao kinh hoàng. Bạn có để ý thấy là hai loại đó vốn rất nhẹ, khi chơi không chở theo thứ gì ngoài người chèo không? Và cũng chỉ chơi 1, 2 tiếng rồi nghỉ, chứ không chèo ngày này sang ngày khác không? Bạn có bao giờ đi leo núi không mang theo gì và leo núi mà cõng cái balo 50 kg, nếu có sẽ hiểu sự khác biệt!

Em đúng sợ mấy ông suốt ngày coi youtube, mà không chịu động tay chân nên đến những nguyên tắc vật lý cơ bản không hiểu, lúc nào cũng: ah ta biết rồi, nó là như thế này, thế kia! Thể thao người ta đã phát triển đến mức chi li, ví dụ như riêng xe đạp cũng đã có cả tá thể loại khác nhau, chiếc mountain-bike 20kg làm sao so được với chiếc race 7kg? Từng thể loại chia ra làm cả chục thể loại, thể thức con. Thích và hợp cái nào thì đã có quy định trong DNA của bạn rồi, nên đừng so sánh, đừng so bì, cứ làm đi để hiểu!

buratino

Thiết kế thuyền kiểu Buratino / Pinocchio 😅, ở VN thỉnh thoảng bắt gặp những mẫu thuyền rất quái lạ, cái mũi to và dài thế kia, không biết công năng để làm gì! Bọn Tây gọi đó là “dead-wood”, gỗ chết, nếu đã không có công năng rõ ràng thì nên bỏ đi, để vậy làm sao thấy đường mà lái tàu!?

vàm láng, 2021

Lại là một chuyến đi “đầu voi đuôi chuột”, như người ta hay nói, không có kết quả gì thì cũng có được kinh nghiệm! Kinh nghiệm thì có 2 chuyện đáng nhớ, một là chuyện đối đầu trực diện với dòng chảy ở ngã ba Vàm Cỏ đã nói trong một post trước, hai là kinh nghiệm chèo sóng lớn. Thú thật là vì tôi ở sâu trong đất liền nên kinh nghiệm chèo biển, chèo sóng to không có được nhiều. Khu vực “dữ” nhất là ngã 3 Bình Khánh, trong cơn giông gió đôi khi cũng có sóng lên đến 1m, nhưng cũng chỉ tới thế! Lần này, vừa chèo qua ngã ba Vàm Cỏ xong là cơn giông kéo đến, kéo dài suốt 2 tiếng!

Thời tiết điển hình của mùa mưa, từ khuya cho tới gần trưa, gió lặng, biển êm thuận lợi! Gần trưa, giông gió bắt đầu nổi lên, hoành hành vài tiếng đồng hồ, đến cuối giờ chiều, lại sóng yên biển lặng trở lại! Mẫu thời tiết cứ lặp đi lặp lại như thế, hầu như ngày nào cũng giống nhau! Nên quãng thời gian đầu giờ sáng là thời gian thuận lợi nhất để chèo được xa. Đã dự kiến là những hành trình như thế này phải dậy thật sớm, ăn uống chuẩn bị mọi thứ để 4h sáng là xuất phát! Thậm chí nếu cần thiết thì chèo đêm, dự kiến là như thế, nhưng cụ thể thế nào còn tuỳ thuộc vào tình hình cụ thể!

Trong cơn giông, lúc đầu thấy cũng hơi “khớp”, sóng gió càng lúc càng dữ, nhưng sau nghĩ, mình đã có “trang bị” mạnh, đã có “kỹ năng” mạnh, có gì phải sợ! Thế nên hăng hái chèo tới, sóng cao hơn 1.5m, đầu bạc trắng xoá, liên tục tràn qua! Cảm giác “khớp” lúc đầu nhanh chóng bị thay thế bằng cảm giác “hưng phấn”, rõ ràng nó không làm gì được mình, “tao ở đây nè, lại đây mà giết tao đi!” 😅 Sóng cuồn cuộn hết lớp này đến lớp khác, cảm giác như đang bị “luộc” trong nồi nước sôi, gió, sóng đổi hướng 2, 3 lần khác nhau, bủa vây tứ phía! Nhưng chiếc Serenity điềm tĩnh vượt qua tất cả!

Đúng là một cảm giác “say sưa” đáng nhớ, 2 lần liên tiếp trãi qua khó khăn, rất hao tổn sức lực, đôi lúc cảm giác như 2 cánh tay sắp chuột rút đến nơi, phải giảm cường độ chèo, nhưng đến cuối ngày vẫn cảm thấy tràn đầy năng lượng. Bị một cái tai nạn ở trạm biên phòng, té từ trên bậc tam cấp trơn tuột đầy rêu xuống, mấy con hàu cào rách hết tay chân, rất nhiều vết thương, may là đầu và mặt không bị sao. Tối lên cơn sốt nhẹ, lại thêm mấy anh biên phòng “tuyên truyền, giáo dục” về Covid-19, nên sáng hôm sau quyết định dừng cuộc chơi, chở xe tải chiếc xuồng phút chốc về lại Nhà Bè!

mùa gió chướng

Lạy trời cho cả gió nồm,
Cho thuyền chúa Nguyễn thuận buồm trẩy ra…

Ngồi nghe anh đại uý Biên phòng “giảng bài” về “gió chướng”, đều là những điều mình biết cả rồi, nhưng vẫn nghe để xem có gì mới: mùa Chướng xen giữa hai mùa Bấc và Nồm, gọi là “chướng” vì không có quy luật nhất định, có khi gió hướng Tây Nam, có khi hướng Nam, Đông Nam, Đông, thậm chí xen cả gió Đông Bắc, thay đổi nhiều lần trong ngày. Nếu anh vẫn muốn chèo đi Côn Đảo thì nên chọn vào đúng mùa Nồm, gió thuần hướng Tây Nam, sau khi thổi qua 1 dải đất liền miền Tây Nam Bộ sẽ yếu đi rất nhiều, chỉ còn 5, 10kmh, người đi biển rất thích gió này. Nhưng nhiều năm gần đây, thời tiết thay đổi, khó xác định lúc nào Nồm, lúc nào Chướng…

ngôn hoài

Chọn nơi xa vắng sống thong dong,
Vui vẻ từng ngày thoả tính ngông.
Đôi lúc trèo ngay lên đỉnh vắng,
Hét dài một tiếng lạnh tầng không!

Trạch đắc long xà địa khả cư, Dã tình chung nhật lạc vô dư. Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh, Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư! (Không Lộ – Lý quốc sư). 倥路禪師 – 言懷 擇得龍蛇地可居,野情終日樂無餘。有時直上孤峰頂,長叫一聲寒太虛。

vàm cỏ

Xưa giờ đã biết ngã ba Vàm Cỏ, Soài Rạp khét tiếng là nước dữ, từng đi qua nhiều lần, cũng từng gặp khó khăn, nhưng chưa lần nào kỳ lạ như lần này, chèo gần hai tiếng không qua nổi ngã ba sông chỉ có 5km! Vốn đã sớm có “chiến thuật” tiếp cận “hợp lý”: xuất phát từ SG lúc 4h sáng là để kịp đến ngã 3 sông vào khoảng 9h30, theo lịch thì giờ này nước lên tới đỉnh, dòng chảy xuôi và thuỷ triều trung hoà lẫn nhau, là thời điểm thích hợp để băng qua. Đến nơi quan sát rõ ràng là nước đứng, gió nhẹ, mưa lất phất, sóng nhỏ dưới 0.5m, lý tưởng rồi còn gì!? Thế nên tự tin băng qua!

15 phút quan sát thấy chuyện kỳ lạ, thuyền không tiến, cứ đứng yên một chỗ. Biết là có dòng nước ngược, rút Garmin ra xem vết đường đi như trong hình (chỗ khoanh đỏ). Nhưng vẫn tự tin, quan sát tốc độ nước không thể hơn 4knot, cố chèo mạnh hơn nhưng xuồng vẫn không tiến. Nhìn vết lưu GPS thấy rõ người và nước giằng co, sàng qua sàng về không ai thắng! Cuối cùng, tấp vào bờ, tiếp cận đi ven, không đối đầu trực diện thì qua được. Quên yếu tố quan trọng là địa hình dòng chảy, sông Vàm Cỏ ngược từ hướng Tây Nam lên, triều đứng, nước sông chảy ngược một nửa bên tả ngạn!

vàm láng

Đúng số con rệp, chèo ra tới Vàm Láng bị Biên phòng bắt quay trở lại! “Bình thường thì em cho anh đi, nhưng nay dịch bệnh, blabla…” Bị “thẩm vấn” cả tiếng đồng hồ: anh là ai, từ đâu tới, anh đi về đâu, vâng, là những câu hỏi đầy “triết học”! 😃 Haiza, Côn Đảo, vẫn là giấc mơ xa vời! 😢😢

serenity-1 kayak

Ngẫm lại cả một quá trình “đo ni đóng giày”, cảm giác “xoa tay hài lòng”, giày đi có vừa không, chỉ có người đi mới biết! Chiếc Serenity đạt đúng cảm giác cân bằng giữa mọi thứ. Dĩ nhiên đã manh nha những ý tưởng cải tiến mới ngay từ bây giờ, nhưng cũng sẽ chỉ là những thay đổi nhỏ, căn bản cái hull-shape sẽ không đổi mấy!

Tập luyện như thế này, càng lúc càng thấy thể hình to cao, cánh tay dài như bọn Tây là lợi thế kinh khủng, làm cái gì cũng thuận lợi dễ dàng! Nhưng cũng đừng quên rằng, kayak vốn là từ những người thổ dân Eskimo, Inuit… mà ra! Chiếc Serenity này hẹp hơn những chiếc kayak “chuẩn” 4 ~ 6 cm, và ngắn hơn 60 ~ 90 cm, thật sự là “dưới chuẩn” khá nhiều!

Sống gần cực Bắc, tài nguyên khan hiếm, họ đóng xuồng bằng tất cả những gì kiếm được. Cuộc sống sinh tồn khắc nghiệt qua nhiều ngàn năm tạo ra một loại xuồng rất đặc biệt, rất self-sufficient, với vô số kỹ thuật đi kèm. Cái gọi là kayak ngày nay thực chất là một phiên bản tân-cổ-điển (neo-classical) của những chiếc đi săn hải cẩu, hải mã ngày xưa.

Ở nơi ấy, đàn ông săn bắt, phụ nữ dệt vải, ở một nơi lạnh giá, khắc nghiệt như thế, thì cuộc sống chỉ có hai thứ thiết yếu mà thôi: thức ăn và quần áo ấm! Tỷ lệ ly hôn của những người thổ dân vùng cực Bắc này siêu thấp, vì sự sinh tồn quan trọng hơn tất cả, vợ chồng gắn bó với nhau cả đời, chứ không “rửng mỡ” như những vùng đất dễ sống hơn!

Lan man chuyện “thổ dân” nhiều rồi, quay trở lại chiếc xuồng, vẫn là cảm giác nhỏ nhắn, xinh xắn, những đường cong duyên dáng! Có thể brace, roll, reentry dễ dàng, có khả năng chịu sóng gió tốt. Chiếc xuồng đầu tiên sau bao nhiêu là chiếc đã đóng cho mình cảm giác có thể điều khiển, kiểm soát nó một cách toàn bộ, triệt để! 🙂