dòng sông lơ đãng

Từng ngón tay khép như nụ hoa trắng, Bỏ lại hàng cây ngơ ngác sau lưng, Và nỗi đau rơi trong lòng đêm vắng… Ở chốn nào, dòng sông đã hòa cùng đại dương. Cạn bến bờ, chiều nay thẫn thờ nhìn hoàng hôn. Rồi chúng ta sẽ đôi lần nuối tiếc, để một dòng sông lơ đãng trôi qua. Một sớm kia xuôi theo dòng anh đến, cớ sao em chẳng đứng chờ…

Dòng sông lơ đãng - Mỹ Linh 

miền sâu khói sóng

Thế sự thăng trầm người chớ hỏi, Miền sâu khói sóng chiếc thuyền câu. Vắt tay nằm nghĩ chuyện đâu đâu, So giấc mộng với thân ta… y hệt! Duy chỉ có thanh phong, minh nguyệt,
 Của trời chung mà vô tận riêng mình. 
Sự bại thành để mặc u linh, 
Người đô hội, kẻ vui miền rừng rú. 
Tay gõ nhịp, hát câu Tương tiến tửu:
 Anh có thấy dòng Hoàng hà? 
Con sông vĩ đại nước sa lưng trời! 
Làm chi cho mệt một đời!?

chơi xuân kẻo hết

Gẫm cho kỹ đến bất nhân là tạo vật, Ðã sinh người lại hạn lấy năm. Kể chi thằng lên bảy, đứa lên năm, Dẫu ba vạn sáu nghìn ngày là mấy chốc! Lại mang lấy lợi danh vinh nhục, 
Cuộc đời kia lắm lúc bi hoan. 
E đến khi hoa rữa trăng tàn, 
Xuân một khắc dễ nghìn vàng đổi chác!
 Tế suy vật lý tu hành lạc, 
An dụng phù danh bạn thử thân. 
Song bất nhân mà lại chí nhân,
 Hạn lấy tuổi để mà chơi lấy. 
Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy!
 Nếu không chơi thiệt ấy ai bù? 
Nghề chơi cũng lắm công phu…


trưa nay phố biển

Gió đưa mây trời bay, về nơi xa lắm, Sóng nhấp nhô ngoài xa, biển trưa lấp lánh, Gió không ngừng thổi, áng mây bồi hồi vẫn không ngừng trôi, Để trưa nay phố biển mình em thôi. Vẫn biết mây trời bay, là bay đi mãi,
 Vẫn biết anh chẳng như lời anh vẫn nói..

Trưa vắng - Mỹ Linh 

nam quốc sơn hà

Đã đọc nhiều hoành phi ca tụng công đức nghe sến, nhàm… Riêng tại miếu Lam Sơn động chủ (Lê Thái Tổ – Lê Lợi), Lam Kinh, bức hoành đề 6 chữ rất hay: 南國山河自此Nam quốc sơn hà tự thử – Sông núi nước Nam… từ đó… Kiểu như bây giờ hiện đại viết phải có dấu 3 chấm lửng, muốn ngắt câu thế nào, muốn điền gì vào chỗ trống thì điền.

hội thề lũng nhai

Nhân dịp đi thăm khu di tích Lam Kinh vừa rồi, tám chơi một vài chuyện lịch sử vặt vãnh. Nguyễn Trãi, như lịch sử kể lại, là bậc anh hùng dân tộc, là danh nhân văn hoá lớn của Việt Nam, người đã giúp Lê Lợi đánh đuổi quân Minh, xây nên triều đại nhà Lê. Kháng chiến thành công, Lê Thái Tổ xuống chiếu ban thưởng cho các vị khai quốc công thần, gồm 2 đợt: Đợt 1 (1428): ban thưởng cho 121 người, không có tên Nguyễn Trãi. Đợt 2 (1429): ban thưởng cho 93 người, cũng không có tên Nguyễn Trãi.

Nguyễn Trãi làm quan dưới các triều vua Lê, chức: Nhập nội hành khiển, tước: Triều liệt đại phu, hàm: Tam phẩm, vẫn còn dưới nhiều quan to khác (Nhất phẩm, Nhị phẩm). Tại sao thế!? Muốn hiểu tại sao, phải truy nguyên về Hội thề Lũng Nhai, năm 1416. Lịch sử chép về hội thề Lũng Nhai có nhiều phiên bản khác nhau chút ít, nhưng đại để: Lê Lợi, Lê Lai, Lê Thận, Lê Văn An, Bùi Quốc Hưng, Trịnh Khả, Trương Lôi, Vũ Uy, Đinh Liệt… cả thảy 19 người thề cùng ra sức chống giặc ngoại xâm.

Trong danh sách này không có Nguyễn Trãi! Thực tế, hội thề diễn ra vào năm 1416, thì mãi 4 năm sau, Nguyễn Trãi mới gia nhập phong trào Lam Sơn, mặc dù vai trò của ông trong cuộc kháng chiến dài 11 năm này không ai có thể phủ nhận. Phong trào Lam Sơn thời gian đầu nhiều gian khó, bản thân Lê Lợi từng 2 lần phải chui vào bụi cây trốn chó săn của quân Minh lùng sục. Hai lần chui vào bụi rậm trốn, cả 2 lần đều xuất hiện một con cáo (hồ ly) ở đâu ra, đánh lạc hướng chó săn của quân Minh.

Những chi tiết này là thật, các sử quan vài thế kỷ sau, khi vào điện chầu thời Lê, vẫn còn thấy bức tượng đầu là thiếu nữ xinh đẹp, thân là cáo, thờ trong điện, ấy là Lê Lợi nhớ “ơn cứu mạng” ngày xưa mà tạc tượng thờ. Các vị họ Lê, đa số là con cháu, họ hàng trong gia tộc Lê Lợi, kẻ chết vì sự truy đuổi của quân thù, người hy sinh vì mũi tên hòn đạn nơi trận tiền, nhiều không sao kể xiết. Không chỉ có Lê Lai hy sinh cứu chúa, cả 3 người con trai của Lê Lai đều lần lượt bỏ mình trong chiến trận.

Lam Sơn không chỉ phải đấu tranh với một mình quân Minh, còn có cả quân Ai Lao, Chămpa cũng vây đánh Lam Sơn theo sự điều động của Bắc triều, ấy là chưa kể bao nhiêu nội gian, nội phản. Thế nên, máu đã đổ, đổ rất nhiều. Nói theo ngôn từ của quốc ca Pháp ấy là: L’étendard sanglant est levé, tiêu chí chọn lựa được đo… bằng máu! Thế nên, tuy là người tham mưu, hoạch định sách lược, công lao vô kể như Nguyễn Trãi, nhưng trong 2 đợt “phong thần” đầu tiên đều không có tên ông.

Ấy là vì ông không nằm trong số những người phải “đổ máu” những ngày đầu gian khó! Nguyễn Trãi là bậc Nho học uyên thâm, để lại nhiều tác phẩm văn học có giá trị, tên tuổi lưu vào sử sách, còn những người dẫn quân xông pha trận mạc như Lê Ê, Lê Văn Lễ, Ngô Kinh, Nguyễn Xí… đa phần còn không biết chữ! Kể chuyện vặt vãnh để thấy rằng, trong “lý lịch cán bộ” của giai đoạn lịch sử gần đây, cái chi tiết “năm vào Đảng”, trước / sau 45, trước / sau 54, trước / sau 75 là tối quan trọng! 😬

ngói đỏ lợp nghè

Ngói đỏ lợp nghè, lớp trên đè lớp dưới.
Đá xanh xây cống, hòn dưới chống hòn trên.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy, dù dân số đông gấp vài lần ĐNA, nhưng sự đa dạng sinh học của dân TQ (dưới góc độ đa dạng các phân tử di truyền DNA) lại ít hơn nhiều lần. Thế có nghĩa là: không chỉ đông hơn, họ còn đồng nhất hơn hẳn, từ trong… máu huyết. Hiểu điều đó như thế nào, dùng sự đa dạng để tạo ra những giá trị khác biệt, hay cứ mãi tủn mủn, lặt vặt, kình chống nhau, chẳng ai chịu ai, sự lựa chọn là ở các bạn!

đại hùng

Gặp trên đường xuyên Việt gần Sa Huỳnh, Quảng Ngãi… đã đi được hai năm rưỡi, hơn nửa đường từ Cà Mau về Yên Tử. Cứ đi hai bước, lại cúi một lạy sát đất. Mọi người có biết tại sao hầu hết các chùa, tại ngôi điện trung tâm, đều treo một bức hoành đề: 大雄寶殿 – ĐẠI HÙNG bảo điện!?

Trong cái thời “Mạt Pháp” này, người người, nhà nhà “bi bô” tụng niệm, rao giảng về “từ bi”, “trí tuệ”, nhưng cố tình lờ đi, quên đi lời Phật đầy đủ phải có 3 yếu tố: bi, trí, dũng. Những loại “bi và trí” phiến diện, lặt vặt, đơn thuần chỉ là “tiểu xảo ngôn từ”, mà không có “dũng” thì làm được việc gì?