trường hận ca, 2

Bữa rảnh rỗi nhảy vô hỏi ChatGPT: bài Trường hận ca của Bạch Cư Dị bắt đầu thế này, “Hán hoàng trọng sắc tư khuynh quốc… – Hoàng đế nhà Hán say mê nữ sắc, luôn nghĩ đến giai nhân nghiêng nước nghiêng thành”, vậy cụm từ “Hán hoàng” thực ra là nói về ai!? ChatGPT trả lời : “Hán hoàng” là nói về Đường Minh hoàng, vị hoàng đế thứ 7 đời Đường. Khá là kinh ngạc vì ChatGPT thông minh như vậy, liền hỏi tiếp: nhưng “Hán hoàng” nghĩa đen tức là hoàng đế nhà Hán mà, sao lại nói về hoàng đế nhà Đường được?! ChatGPT liền giải thích loanh quanh: đây là một cách diễn đạt mang tính thi ca, ước lệ, thực chất không đề cập đến Hoàng đế nhà Hán!

Nghĩ kỹ, hóa ra ChatGPT không thông minh đến như thế, nó chỉ lặp lại những gì được nhồi nhét cho mà thôi, thực sự không có chút tìm hiểu hay suy luận nào! Một ví dụ nữa là bài “Yên ca hành” của Cao Thích, mở đầu thế này: “Hán gia yên trần tại đông bắc”, rõ ràng là nói chuyện thời nhà Đường, nhưng mở đầu cứ phải là “Hán hoàng, Hán gia”. Đơn giản là vì Bạch Cư Dị, Cao Thích là quan lại, thần tử của Đường Huyền tông, người đương thời không ai dám nói về “đương kim hoàng đế” một cách trực tiếp thẳng thừng cả, đều phải nói chệch, nói tránh đi! Đây là điều mà ChatGPT không hiểu, nhưng thực ra kiến thức của nó cũng đã hơn rất nhiều người!

trường hận ca, 1

Rất lâu về trước, đọc Trường hận ca – Bạch Cư Dị, đến đoạn: Quy lai trì uyển giai y cựu, Thái Dịch phù dung Vị Ương liễu. Phù dung như diện liễu như mi, Đối thử như hà bất lệ thùy… 歸來池苑皆依舊,太液芙蓉未央柳。芙蓉如面柳如眉,對此如何不淚垂。 để ý thấy: “cựu” và “liễu” không được hợp vận cho lắm, còn nếu đọc là “kiệu”, theo cùng một cách như rượu – riệu…

Thì lại rất đúng vần, hợp với “liễu”, từ đó có thể suy ra, ngay từ thời Đường, âm của nó đã là “kiệu”, “riệu”, còn “cựu” và “rượu” có lẽ là âm còn xưa hơn nữa. Đương nhiên, vấn đề ngữ âm không thể chỉ suy luận đơn giản như vậy, nhưng cũng có lý do để tin rằng lối đọc “kiệu, riệu….” không phải là một loại giọng địa phương của VN, mà chính là ảnh hưởng từ TQ!

bát trạo ca

Facebook nhắc lại ngày này năm trước, chùm thơ “Bát trạo ca” của “Đức Thành thuyền tử” (cái tên này có nghĩa là: người chèo thuyền Đức Thành), thi nhân, thiền sư thời Đường. Đây là một chùm nhiều bài lấy chủ đề sông, nước, thuyền, trăng, câu cá (vì là nhà sư nên ông ta luôn câu bằng lưỡi câu thẳng, nôm na, thực chất chính là… đi cho cá ăn). Các làng chài ven biển miền Trung Việt Nam có lối “Hát bả trạo”, chính là từ chữ “bát trạo” mà ra! Bát trạo ca, tức là bài ca chèo thuyền, chỉ là một trong vô số nội dung của thơ Đường. Nói về các chủ đề của Đường thi…

Đầu tiên là dòng thơ cung đình, toàn những lời chúc tụng, hoa mỹ, sáo rỗng. Đối lập với nó là dòng thơ điền viên, diễn tả niềm vui, sự an lạc của cuộc sống nơi thôn dã. Một dòng nữa tạm gọi là “khuê trung oán”, mô tả nỗi ai oán, sầu não của người phụ nữ chốn khuê phòng khi trượng phu ra trận đã lâu ngày. Dòng mà tôi thích đọc nhất là Biên tái, có nội dung về chiến trận, sa mạc, đời sống nơi biên ải, kiểu như: Chiến sĩ quân tiền bán tử sinh, Mỹ nhân trướng hạ do ca vũ!Chiến sĩ nơi trận tiền nửa sống nửa chết, Mà dưới trướng, người đẹp vẫn múa hát!

Có dòng thơ hiện thực khốc liệt của Đỗ Phủ, hay lãng mạn cao vời của Lý Bạch, lại có những dòng thơ thể hiện rõ ảnh hưởng của Đạo giáo, Phật giáo như của Vương Duy, Mạnh Hạo Nhiên. Cứ thử đọc thử vài ngàn bài, để thấy cái thế giới tâm hồn, cái kỹ năng sử dụng ngôn từ của người ta phong phú đến cỡ nào, mà đó đã là thời của hơn một ngàn năm ba trăm trước nhé! Có tác giả đã nhận xét về Đường thi: Từ khi nhà Đường dựng nghiệp đến nay, ngữ ngôn ra ngoài trời đất, tư tưởng vượt xa quỷ thần… Không phải là lời của thế gian, thì có thơ Lý Bạch!

Nhiều khi nghĩ mà buồn, có những loại bên trong trống hoác, đến bản thân dốt, kém chỗ nào cũng chưa thể tự nhận thức, không thể tự luận ra được! Lại có những loại ngồi trước TV xem toàn phim Trung Quốc suốt mấy chục năm, ấy thế mà vẫn không học được điều gì! Và cũng có những loại, loay hoay hiểu được một vài câu chữ rồi… mắc cứng luôn vào đó, dùng câu chữ như một loại “bùa chú” để “lòe người” chứ không thực sự lĩnh hội được cái tinh thần, hồn cốt bên trong! Và khổ nỗi, đó chính là những loại vỗ ngực: “ta đây là nhà thơ” các kiểu!

thi ca

Đường thi là một đỉnh cao, cao vời vợi của thi ca cổ điển TQ, sẽ không bao giờ có lại một thời đại mà nhà nhà làm thơ, tạo ra không biết bao nhiêu cách diễn đạt, ý tưởng mới lạ, làm giàu thêm đời sống văn hóa. Sang đến thời Tống, dù văn nhân vẫn tiếp tục làm thơ theo thể Đường luật, họ tiếp tục sáng tạo ra thể loại Tống từ mới, cách diễn đạt uyển chuyển, gần với âm nhạc hơn. Sang đến thời Nguyên, với sự cai trị của đế chế Nguyên Mông, ngôn ngữ có sự thay đổi lớn, dần dần trở thành có 4 âm thay vì 6 âm như trước. Nên rất nhiều thơ làm theo lối Đường luật trở nên… sai âm luật. Dù vẫn tiếp tục làm theo thể Đường thi, Tống từ, nhưng thời Nguyên phát triển mạnh về Nguyên khúc, hình thức hý kịch mang tính âm nhạc sinh động. Sang đến thời Minh, dù vẫn thấy Đường thi, Tống từ, nhưng đời sống tinh thần sang một trang mới, văn xuôi dạng tiểu thuyết phát triển mạnh!

Nên cụ Nguyễn Du mới chuyển thể Kim Vân Kiều truyện thành thể lục bát vốn quen thuộc với người Việt, chứ văn xuôi nhiều chữ như thế, đa số không đọc nổi. Sang đến thời hiện đại, các văn nhân thi thoảng vẫn làm Đường thi, Tống từ, nhưng đó chỉ là sự “hoài cổ” bất chợt, không ai muốn tiếp tục một cái thể loại đã không còn đúng, hay về âm điệu, không có sự mới mẻ trong ý tưởng. Ngay tại TQ, thi ca hiện đại đã như một dòng sông ngừng chảy, chưa biết đi về đâu. So với Hoa ngữ, tiếng Việt vẫn giữ được một lợi thế rõ rệt là còn bảo lưu đủ 5, 6 âm! Nhưng bù lại, sự tìm tòi sáng tạo trong ý tưởng, trong cách diễn đạt thực sự không thể so bì được. Mà nói cho cùng thì, thời thế góp một phần vô cùng quan trọng trong việc việc định hình nên ngôn ngữ thi ca, chỉ có số phận bi thảm như Văn Thiên Tường mới viết lên nổi một bản “Chính khí ca” hùng tráng đến vậy!

Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh, những dòng thơ mà người người, đời đời truyền tụng và ngưỡng vọng, đấy là loại thơ ca được viết ra bằng mồ hôi và máu, so với những kiểu được viết bằng… nước bọt hẳn không cùng một loại! Phải có thời thế đổi thay, lịch sử biến động, phải có cuộc sống phong phú, con người vận động thì mới có cảm hứng và chất liệu cho những loại thơ ca đích thực được. Tại Việt Nam, thơ Mới cũng giống như một buổi hoàng hôn rực rỡ, chính là báo hiệu màn đêm sắp buông xuống! Với những tia nắng cuối ngày: Anh đi đấy, anh về đâu? Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm! (Nguyễn Bính) Về đâu thì chưa biết, nhưng chắc chắn là phải có cách diễn đạt mới lạ cũng như ý tưởng khác biệt. Không thể cứ lặp lại mãi vài câu chữ nghèo nàn trong cái thể lục bát cũ rích rồi vỗ ngực “ta đây nhà thơ” được!

Mà để tạo ra sự khác biệt, cũng có người đã vò đầu, bứt tai, dày vò bản thân để tạo ra câu chữ hiểm hóc, kiểu như Giả Đảo, Lý Hạ, Mạnh Giao thời Đường, tạo ra cả một “trường phái khổ thi”, suốt ngày chỉ vặn vẹo câu chữ! Tuy cũng có người khen ngợi, nhưng toàn là loại thi ca thiếu sức sống, thực chất chính là phản ánh sự đau khổ, ốm yếu, bệnh tật của các tác giả làm ra nó! Ngay ở thời Đường, đã có nhiều dòng thơ và vô số tác giả khác đáng đọc hơn nhiều: Từ khi nhà Đường dựng nghiệp đến nay, ngữ ngôn ra ngoài trời đất, tư tưởng vượt xa quỷ thần… không phải là lời của thế gian, thì có thơ Lý Bạch! Giả, Mạnh so với Lý-trích-tiên như đom đóm với trăng rằm mà thôi. Mà để được như họ Lý, đầu tiên là phải cỡi ngựa, đánh kiếm, chèo thuyền… sống một cuộc đời cho nó đủ đầy ý nghĩa đã! Nôm na, ngắn gọn là cứ tập thể dục đi rồi hẵng nói chuyện thi ca, nhé! :D

lắng nghe thinh lặng

Nằm đây tưởng chuyện ngàn sau,
Lung linh nến cháy hai đầu áo quan…

Lắng nghe sự thinh lặng, hơn 30 năm trước, hồi đó tôi mới có 14 tuổi, viết văn “cưa gái”! Mà “gái” cũng thuộc dạng “đọc hiểu” tốt, nên cô ấy giữ lá thư lại cho đến bây giờ, nhờ đó mà vẫn còn nhớ được đại ý hồi đó mình viết gì… “Những năm còn thiếu niên, nghe tiếng mưa rơi mà tưởng đến những cây nến hồng, nhỏ từng giọt từng giọt trong đêm tân hôn.

Khi ở tuổi trung niên, ngồi trên chiếc xuồng nhỏ giữa dòng sông, nghe tiếng mưa rơi mà nghĩ đất trời mênh mông, cuộc đời phiêu bạt. Đến lão niên, nghe tiếng mưa rơi trên mái ngói, đều đặn như tiếng kinh cầu trong một ngôi chùa…” Nên nói là “nghe mưa”, thực ra là “nghe tâm” mà thôi! 14 tuổi đã viết như thế, dường thấy trước được nhiều điều….

ngữ văn

Đề Ngữ văn quốc gia mà câu cú thế này đây: Người nghệ sĩ tôi luyện bản thân trong mối tương quan liên tục giữa mình với người khác, tại quãng đường giữa cái đẹp không thể bỏ qua và cộng đồng không thể tách khỏi… Câu sượng như cơm sống, viết tiếng Việt còn chưa suông, ngữ nghĩa mơ hồ! Nguyên văn tiếng Pháp, Albert Camus: L’artiste se forge dans cet aller retour perpétuel de lui aux autres, à mi-chemin de la beauté dont il ne peut se passer et de la communauté à laquelle il ne peut s’arracher Cụm từ “à mi-chemin” phải dịch là nửa đường, lưng chừng, dịch “tại quãng đường” là hoàn toàn vô nghĩa, tôi nghĩ đây là… dịch tự động bằng máy tính! Các cụm từ “tương quan liên tục”, “tôi luyện bản thân” đều không đúng!

Lỗi là ở người ra đề, trích dẫn những ấn phẩm mới xuất bản gần đây, mà những ấn phẩm đó, nói thật, rất có vấn đề! Câu từ nhộn nhạo, chắc chắn là dịch tự động bằng máy tính, hành văn trúc trắc, nhiều chỗ hoàn toàn xàm xí, vô nghĩa! Dù biết rằng: Traduire, c’est trahir – Dịch, tức là phản, nhưng nếu là tôi thì sẽ phỏng dịch như sau: Người nghệ sĩ buộc mình trong những mối “quan hệ đẩy tới đẩy lui” thường trực với mọi người, lơ lửng lưng chừng ở đâu đó giữa hai bờ, một bên là nghệ thuật mơ mộng, đẹp đẽ, và bên kia là cái cộng đồng “ngu dốt, xàm l…” nhưng lại không thể tách rời khỏi nó được! :D Đương nhiên là tôi có thêm vào mấy chữ cho nó “rõ ràng” hơn, nhưng đề này chẳng có gì trừu tượng, cũng không khó nghị luận!

les miserables

Cafe sáng, bàn kế bên có một ku đang hăng say nói về những “Những người khốn khổ” – Victor Hugo, mà chuyện này nghe nó giống như “thời trang” vậy, tôi đã nghe lặp đi lặp lại vài ba lần, ở 2, 3 nơi khác nhau, chỉ trong mấy ngày gần đây thôi, nghe là biết “bài” chúng nó đang “diễn”, thế nên ngứa miệng hỏi một câu: “Anh có vẻ mê tác phẩm Những người khốn khổ nhỉ, vậy con gái nhân vật Jean Valjean tên là gì ấy nhỉ?!” Thế là ú ớ, không trả lời được, mình dự là nếu anh ta trả lời được sẽ hỏi tiếp: “Thế người yêu của cô con gái của ông Jean Valjean tên gì ấy nhỉ?”, nếu mà vẫn trả lời được sẽ hỏi tiếp: “Thế người con gái yêu đơn phương anh chàng người yêu của cô con gái của ông Jean Valjean tên là gì?” Giờ sao toàn người cứ muốn “kể chuyện”, nhưng lại không hề chịu đầu tư công sức đọc truyện, cứ nghĩ đọc được vài “câu kinh” là trở thành “Phật” được chăng!? Phật thì chắc chắn là không thành được rồi, còn em thì chỉ muốn làm rõ là đến cả vài “câu kinh” cũng chưa đọc cho nó đàng hoàng! “Ngứa miệng” hỏi ngang thế thôi, đúng ra nên để cho mọi thứ nhân quả vận hành theo lẽ tự nhiên!

Đạo lý nếu chỉ nói đằng mồm, chỉ “đĩ miệng” mà có được thì chúng ta đã ở “nước thiên đàng” lâu rồi! Về cô gái mang cái tên Eponine, người đơn phương yêu chàng thanh niên quý tộc nghèo Marius, chồng tương lai của Cosette, con gái ông Jean Valjean, đây có lẽ là nhân vật được xây dựng cá tính hấp dẫn nhất trong toàn bộ bộ tiểu thuyết đồ sộ 3 ngàn trang, 600 ngàn chữ này, không phải là nhân vật chính Jean Valjean, không phải viên thanh tra Javert, cũng không phải là ông giám mục Myriel! Mà là Eponine, con gái nhà Thenardiers, một gia đình tội phạm bất hảo, nhưng vì tình yêu với Marius mà cứu rỗi được tâm hồn! Cách mạng Pháp bùng nổ, chết trên chiến lũy dựng lên trên đường phố Paris ngày hôm đó, kỳ lạ thay là hai đứa con rất sáng giá của cái gia đình vô cùng hắc ám là Thenardiers. Cậu bé Gavroche chết khi đang gom nhặt đạn hỗ trợ các chiến sĩ cách mạng, còn người chị gái Eponine chết vì đỡ đạn thay cho Marius, hai tay chụp lấy nòng súng, đạn xuyên qua cả hai bàn tay và đi vào ngực! – Et puis, tenez, monsieur Marius, je crois que j’étais un peu amoureuse de vous!

moby dick, 2

Đọc cái loại văn này mà không bị “loạn óc” mới lạ, ấy thế mà cũng gọi là “dịch thuật, văn học” chứ phải! Éo hiểu đang là cái thời buổi suy đồi nào, toàn thứ cặn bã, rác rưởi mà vẫn dám “nhân danh” đủ thứ! Kiểu văn này chính xác là dịch tự động bằng máy tính, cứ để nguyên cái văn thiểu năng đó, đề một cái tên rồi xuất bản. Theo tôi, phải biết cách tẩy chay những thể loại “văn” như vầy, chứ một năm đọc 10 quyển thế này thì chắc chắn sẽ bị tâm thần, loạn óc mất! Cứ như thế này mà muốn giới thiệu cho đám trẻ rằng đây là đỉnh cao của văn học thế giới, là thành tựu nổi bật nhất của văn học lãng mạn Mỹ thì hơi bị quái lạ! Thậm chí, bất kỳ ai viết kiểu tiếng Việt như thế này, tôi cho rằng nên đi Biên Hòa sớm!

Những bản dịch cũ mấy chục năm trước, bây giờ ta biết chúng không hoàn hảo, vẫn còn khiếm khuyết, nhưng ít ra vẫn là một thứ tiếng Việt đọc được, câu cú suôn sẻ, trình bày ý tứ có cân nhắc trước sau, chất lượng có thể xem là tiếp cận văn học. Còn kiểu văn thế này mà cũng có người gật gù khen hay, viết bình luận cảm xúc này nọ như đúng rồi luôn! Toàn bán giấy lộn chứ xuất bản cái gì, nói thẳng ra, chỉ cần đọc mấy câu hành văn trúc trắc không nên thân là biết ngay cái thể loại vừa trí năng trì độn, vừa… tâm thần bất ổn, mà cái thời buổi gì kỳ cục, trì độn lại cũng chính là đồng nghĩa với bất ổn! Toàn những thứ cặn bã, rác rưởi, mà tôi đã dùng từ nào thì nên hiểu chính xác từ đó như thế!

olympic

Mặt cúi, mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau,
Quay theo tám hướng hỏi trời sâu.
Một câu hỏi lớn, không lời đáp!
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau!

Chính là khẳng định vị trí số 2, ngấp nghé vị trí dẫn đầu! Kỷ lục thế giới mà bị phá những 0.4 giây thì ai cũng phải tâm phục khẩu phục, mà đánh ngay vào chính điền kinh, bơi lội, những môn được xem là trọng yếu, cốt lõi của Olympic! Kiểu này, trong tương lai gần, chuyện Trung Quốc vươn lên dẫn đầu thế giới là hoàn toàn có thể dự báo được!

Thực tế đã ngang với Mỹ về số HCV, tạm giữ ngôi nhì do kém số HCB! Dân tộc như thế, nói được làm được, còn tại sao VN vẫn là con số 0 tròn trĩnh, còn không tự luận ra được ngu chỗ nào! Tại sao XH toàn loại bệnh hoạn, không bệnh thì cũng… hoạn! Haizza, mấy câu hỏi này, những pho tượng chùa Tây Phương không biết cách trả lời…

phong hoá… phong hóa

Facebook nhắc lại ngày này năm trước… Lý Bạch, một tính cách thi ca “lớn hơn cả cuộc đời – larger than life”. Thiếu niên lên núi Nga Mi ngắm trăng, thanh niên xách kiếm đến Trường An, tương truyền chỉ riêng khoản đấu kiếm là ông ta đã giết cả chục mạng người! Cả đời xê dịch đi khắp Trung Quốc, lúc đi ngựa, lúc đi thuyền! Dấu vết về sông, hồ, biển, sóng và thuyền trong thơ của họ Lý thì nhiều vô số. Mới ngồi nhẩm mấy phút đã trích được cả chục bài, ngũ ngôn, thất ngôn đủ cả!

Giang thôn thu vũ yết, Tửu tận nhất phàm phi.
江村秋雨歇,酒尽一帆飞。
Thiên thanh nhất nhạn viễn, Hải khoát cô phàm trì.
天清一雁远,海阔孤帆迟。
Phiêu phiêu giang phong khởi, Tiêu táp hải thụ thâu.
飘飘江风起,萧飒海树秋。
Minh triêu quải phàm khứ, Phong diệp lạc phân phân.
明朝挂帆去,枫叶落纷纷。
Lưỡng ngạn viên thanh đề bất tận, Khinh chu dĩ quá vạn trùng san.
两岸猿声啼不住,轻舟已过万重山。
Trường phong phá lãng hội hữu thời, Trực quải vân phàm tế thương hải.
长风破浪会有时,直挂云帆济沧海。
Cô phàm viễn ảnh bích không tận, Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu.
孤帆远影碧空尽,惟见长江天际流。
Bạch lãng như sơn na khả độ, Cuồng phong sầu sát tiễu phàm nhân.
白浪如山那可渡,狂风愁杀峭帆人。
Lý Bạch thừa chu tương dục hành, Hốt văn ngạn thượng đạp ca thanh.
李白乘舟将欲行,忽闻岸上踏歌声。

Qua đó thấy được hồn thơ như sông dài, biển rộng! Hơn 1300 năm trước người ta như thế, nhìn lại hiện tại xem, toàn những loại thiểu năng, xàm xí kiểu như: “Vợ tôi nửa dại nửa khôn, Làm thơ phải tránh vần ‘ồn’ biết chưa!?”, nói ra là đụng phải hàng vạn “nhà thơ” lổm nhổm như chấy rận! Đĩ miệng thì rất giỏi, chỉ là không tự luận ra được ngu dốt ở chỗ nào! Haiza, cái thời mà phong hóa (丰化) đã bị… phong hóa (风化), suy đồi, biến dạng đến mức dị hợm, khuyết tật!

nguyên hùng

Lại nói về văn và sử, sử và văn, hư và thực, thực và hư… Có nhưng thứ văn chương nghe có vẻ hư cấu, nhưng lại cực kỳ thực. Và có những thứ sử tưởng chừng thực, kỳ thực lại rất hư. Văn mà mô tả đầy đủ chi tiết về văn hóa, cuộc sống đương thời, từ địa lý, sắc tộc cho đến ngôn ngữ, ẩm thực, ăn mặc, v.v. thì đó là lối văn cực kỳ thực, không có hiểu biết, từng trãi cuộc sống thì không thể nào viết ra như vậy được. Sử mà chỉ gồm toàn những cái gạch đầu dòng giản đơn, tìm cách máy móc kết nối các điểm lại với nhau, kỳ thực là một lối sử rất là hư! Lại nói về những nhân vật trong các cuốn sách của nhà văn Nguyên Hùng: Lê Văn Viễn có cha là người Triều Châu, mẹ người Việt, là một tướng cướp lừng danh. Huỳnh Văn Trí cũng là một tay anh chị khét tiếng, cả 2 vào tù ra khám không biết bao nhiêu lần, quen nhau trong tù, nhiều lần vượt ngục cùng nhau và kết nghĩa làm anh em.

CMT8 nổ ra, cả hai tổ chức những đơn vị vũ trang đầu tiên chống Pháp, cả 2 đều là đàn em dưới trướng của Dương Văn Dương, thủ lĩnh “nghĩa quân” Bình Xuyên, người ngay từ năm 1948 đã được truy phong Thiếu tướng! Nhưng Mười Trí đi kháng chiến đến cùng, còn Bảy Viễn như ta biết, trở về làm ông trùm Chợ Lớn. Không thuyết phục được người anh em kết nghĩa, Mười Trí bày tỏ nỗi lòng qua một bài thơ, lối văn dân dã Nam bộ. Hư hay là thực thì để cho người đọc suy nghĩ, nhưng lối văn này, dù người ta cũng đã tìm cách giả, nhưng tối hậu vẫn không thể nào giả được: Thế là hết, tôi với anh đành đoạn tuyệt, Vì anh ơi, đời hồ hải hết tung hoành. Anh giam mình vào lưới sắt, bả hư danh, Thân lồng chậu, anh mong nằm trên nệm ấm. Anh có biết tay quân thù còn đỏ thắm, Máu đồng bào ngùn ngụt lửa căm thù. Kiếp tôi đòi, anh nhớ lại mùa Thu, Mùa lịch sử đã mở tù cho dân tộc…

người bình xuyên

Thực ra ở VN, cũng có nhiều người viết văn theo lối “nửa thực, nửa hư” như thế (và họ nói rõ ràng đây là văn, không phải sử), viết để trình bày một dạng sử ít chính thức hơn. Ví dụ thú vị là nhà văn Nguyên Hùng, tác giả những cuốn Người Bình Xuyên, Nguyễn Bình – huyền thoại và sự thật, Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ… những sách nói cho độc giả biết về các nhân vật kháng chiến, tôn giáo, quân phiệt miền Nam 1945 ~ 1975, một giai đoạn cũng gần giống như thời Dân quốc bên TQ vậy! Sách của ông nói cho chúng ta về những góc ít biết của lịch sử: Huỳnh Phú Sổ, Phạm Công Tắc, Lê Văn Viễn, Dương Văn Dương, Nguyễn Bình…

Nhưng khác là Nguyên Hùng thực sự là người trong cuộc, tham gia kháng chiến từ đầu đến cuối! Vì là người trong cuộc nên Nguyên Hùng có khả năng phác họa chân dung con người với những hiểu biết sống động: ngôn ngữ, giáo dục, văn hoá, tâm lý, và nhiều chi tiết khác liên quan đến đời sống, xã hội đương thời! Còn với trường hợp Huy Đức, ông ấy chỉ là người đến sau, mãi về sau, tìm cách hình dung lại lịch sử qua những gì được nghe kể lại, hay qua những gì mình tưởng tượng ra, tìm cách lắp ghép, sắp xếp thông tin thu nhặt được theo những định kiến có sẵn, nên sách nghe rất khiên cưỡng, máy móc và vô hồn…

từ điệu

Nhiều ngàn năm trước thời không thể nói rõ, nhưng độ một ngàn năm đổ lại (kể từ thời Tống) thì trình độ thưởng thức âm nhạc của dân chúng (chính xác hơn là của tầng lớp văn nhân, tri thức, có học) dừng ở mức “từ điệu”. Như thế nào là một “từ điệu”, đó là những khúc ca có nhạc điệu cố định, được truyền lại qua nhạc phổ hay được giảng dạy tại các nhạc phường! Những điệu nhạc này thường có tên, ví dụ như: Bốc toán tử, Giá cô thiên, Niệm nô kiều, Hoán khê sa, Điệp luyến hoa, Giang thành tử, Thu phố ca, Đạp sa hành, Thái tang tử, Lãng đào sa, Ngọc lâu xuân, Bồ tát man, Thiếu niên du, Vũ lâm linh, Định phong ba, v.v… Chỉ có các ca nương được đào tạo tại các nhạc phường mới rành rẽ về các ca điệu này. Còn giới văn nhân, trừ một vài ngoại lệ, do quá trình giáo dục, đa số cũng chỉ biết rõ phần “lời – chữ” chứ không tường tận phần “âm – nhạc”! Hình thức nó gần giống như ca trù vậy (thực chất đây có lẽ chính là thủy tổ của ca trù). Mỗi khi giới văn nhân tụ tập lại với nhau, họ thường làm “từ”.

Từ là một thể thơ đời Tống mà âm luật tự do hơn, để ráp vào các điệu ca cho dễ! Như thế, các văn nhân “phụ trách” phần lời, các ca nương “phụ trách” phần nhạc, và các bài từ được đặt tên theo tên điệu hát là như thế! Hình thức này có ảnh hưởng sâu đậm về sau, đến tận thời của “cải lương”, ví dụ như có vô số bài, nhạc điệu thì chỉ có một, nhưng có nhiều lời ca khác nhau được đặt ra để hát theo điệu đó. Mọi thứ nó là như thế, cho đến khi tiếp xúc với văn minh và âm nhạc phương Tây, người ta mới biết đến những loại âm nhạc phong phú và phức tạp hơn, còn trước đó, “nhạc” và “lời” được truyền tải qua những “format” cứng như vậy! Cũng vì trình độ của “đại chúng” đang ở mức đó, cứ phải lặp đi lặp lại những “định dạng” cố định! Xem ra “tân nhạc và thơ mới” đã trăm năm có dư rồi, mà trình thưởng thức âm nhạc của một bộ phận lớn thính giả Việt vẫn như ngàn năm trước, cứ phải vin vào những hình thức cố định và giản đơn thì mới hiểu nổi! Clip, từ điệu: Đãn nguyện nhân trường cữu – Vương Phi.

xuân tứ

Bữa hôm nọ, bỗng dưng nảy ra ý định viết một cuốn truyện, có thể là dạng truyện vừa, mà cũng có thể là dạng tiểu thuyết dài hơi. Và để bắt đầu, như nó thường phải bắt đầu từ đâu đấy, bỗng dưng nhớ đến mấy câu trong bài Xuân tứ của Lý Bạch: Yên thảo như bích ty, Tần tang đê lục chi… Vậy là đã có ý tưởng rồi… nữ chính của chúng ta sẽ đặt tên là Yên Thảo, vừa hay, Yên (Yến) là một cái họ, còn nam chính của chúng ta sẽ mang tên là Tần Tang (cũng vừa hay, Tần cũng là một cái họ)!

Mà nữ chính Yên Thảo chắc chắn phải có một con nha hoàn đi theo, đặt tên là Bích Ty, còn người hầu của nam chính Tần Tang đương nhiên sẽ là Lục Chi rồi. Mới dùng có 2 câu thơ cổ, tổng cộng 10 chữ, là đã đặt được tên cho 4 nhân vật rồi. Chỉ cần thêm vài chục bài Đường thi, độ một tá Tống từ, lại dặm ghém thêm đôi ba Nguyên khúc nữa, chắn chắn sẽ vẽ ra được một cái truyện kiếm hiệp hay ngôn tình “cẩu lương, cẩu huyết” ngay thôi! Viết văn là dễ, nào ta bắt đầu thôi…

chữ

Đầu năm nói chuyện “chữ”… Trước em có biết một số vị làm việc liên quan đến cổ ngữ! Chữ các vị ấy đương nhiên nhiều rồi, em không bằng được! Nhưng làm bộ hỏi vài câu Đường thi thông dụng, các vị ấy đều lơ ngơ, ướm thử vài câu Tống từ phổ biến, các vị ấy đều lấp lửng! Nên em tạm rút ra nhận định: chữ của các bác ấy nhiều, nhưng lại không hàm thụ được vẻ đẹp của thi ca cổ, hay ít nhất là tâm trí các bác không quan tâm những điều ấy! Em băn khoăn tự hỏi tâm các bác ấy đặt ở chỗ nào!? Sau thì phát hiện ra, phần lớn thời gian các bác dùng “chữ” để khoe mẽ, đấu tố nhau, kích động ghen ghét cá nhân, phân biệt vùng miền, thường khi là lồng ghép trong đó những đấu đá chính trị, tôn giáo, một số trường hợp rõ ràng là “bồi bút” được các thế lực ngoài giật dây, dùng “chữ” kích động mâu thuẫn, đánh vào cái tôi “vừa ghen ghét, vừa tự ti vặt của người Việt”, đánh vào cái dân trí lè tè không tự luận ra được. Với những người ấy, tốt nhất là cứ… “kính nhi viễn chi”.

Vấn đề quay lại điểm khởi đầu, học để làm gì!? Lịch sử Trung Quốc lâu dài như vậy, văn minh Hoa Hạ rực rỡ như vậy, họ làm ra biết bao nhiêu chuyện kỳ vĩ, từ văn hoá, thi ca cho đến các công trình quốc kế, dân sinh, đào Vận hà, xây Trường thành, và biết bao nhiêu thành tựu to lớn khác! Em chỉ cần nhìn vào một thoáng là em biết, họ học chữ để đấu đá và kèn cựa nhau, chứ trong tâm không có cái mộng học được cái đẹp, cái hay của thiên hạ! Nói nghe có vẻ to lớn, nhưng học chưa chắc đã làm được như người ta, trở thành sĩ phu kẻ sĩ, kinh bang tế thế, chuyện đời đâu có dễ thế! Nhưng ít nhất và đầu tiên, học có thể thay đổi tính cách, tâm hồn con người! Bản thân còn không thay đổi được, làm sao thay đổi ngoại giới!? Muốn xem công phu của một người tới đâu, đầu tiên hãy xem cách anh ta nhìn nhận, đặt ra yêu cầu đối với… chính bản thân mình! Em lạy các bác, mở mắt ra xem người ta sống như thế nào, đừng bám vào mấy cái gốc tre làng mãi như thế nữa!

hạnh hoa thôn

Đêm qua ngủ, nằm mơ thấy câu: Tá vấn tửu gia hà xứ hữu? Mục đồng dao chỉ Hạnh Hoa thôn – 借問酒家何處有?牧童遙指杏花村。 – Hỏi thăm quán rượu nơi đâu? Mục đồng chỉ hướng thôn đầu Hạnh Hoa! (Thanh minh – Đỗ Mục). Sáng dậy lên net tìm tư liệu thẩm tra lại, hoá ra, Trung Quốc có cả vài chục cái “Hạnh hoa thôn” khác nhau, nhưng không thể khẳng định “Hạnh hoa thôn” mà Đỗ Mục nhắc tới chính xác là chỗ nào! Nhưng chỉ cần vin vào một câu thơ như thế mà ngày nay, Hạnh hoa thôn – Phần Dương – Sơn Tây đã trở thành kinh đô của ngành công nghiệp rượu TQ, danh tiếng thậm chí có phần còn vượt qua cả Mao Đài. Cũng tương tự như bài Đào Nguyên hành – Vương Duy vậy: Cư nhân cộng trú Vũ Lăng nguyên, Hoàn tùng vật ngoại khởi điền viên – 居人共住武陵源,還從物外起田園。。。

Không ai có thể khẳng định Đào nguyên – Vũ Lăng nguyên mà Vương Duy nói đến là ở đâu, là địa danh có thật hay chỉ là nơi chốn tưởng tượng! Nhưng lại vin vào câu đó thơ nên ngày nay, Trương Gia giới – Vũ Lăng nguyên có được cái tên rất đẹp! Rất lâu về trước, mới nghe đến khu du lịch nổi tiếng này là tôi đã luận ra được tên được lấy từ đâu ra! Nên cái quan trọng của văn chương, văn hoá viết nó là như thế, lịch sử, cư dân biến đổi, thành quách, thiên nhiên đều có thể hư hoại, nhưng chữ nghĩa thì còn đó! Và đôi khi những thứ tưởng tượng, hư cấu lại trở ngược lại thành hiện thực! Nên bảo Trung Quốc nó bẻ một vài chữ cũng ra tiền, quả không sai, văn hoá nó đẻ ra tiền, điều ngược lại chưa chắc đã đúng! Chỉ có thiểu năng mới nghĩ rằng có thể cứ đầu tư tiền để đẻ ra văn hoá!

thuyền sắp đắm

Trí nhớ, ký ức của “người già” ấy mà, đôi khi không thể nào lý giải cho tỏ tường được. Đây là một truyện rất hấp dẫn, khi còn nhỏ xíu mê truyện này lắm! Nhưng lớn lên rồi thì chẳng còn nhớ được mấy, thậm chí còn không nhớ tác giả là ai! Mấy lần cố ý lần mò các hàng sách cũ tìm lại, nhưng chả có cách nào tìm được!

Mà trên internet thì những truyện như thế này không có đâu, thật đúng là mò kim đáy bể! Ấy thế mà nay tìm được, chẳng phải người hoài cổ gì, đôi khi còn cố tình quên quá khứ, nhưng có nhiều cái đọc rồi không quên! Và cái tên Bùi Đức Ái thực ra là một bút danh khác của nhà văn Anh Đức, tác giả tiểu thuyết Hòn Đất!

believe

Peter-the-great, khi hãy còn rất trẻ, có lần tham gia một nghi lễ triều đình và… quên mất lời thoại, những câu chữ có tính công thức, khuôn mẫu đã được sắp đặt trước mà một vị vua phải nói, mà thời đó thì không có máy nhắc chữ! Thế là ông ta cứ đứng đó ấp a ấp úng: Ta, ta sợ rằng… Vị tổng giám mục đứng bên cạnh liền nhắc rằng:

Thưa Sa-hoàng, ngài không sợ điều gì cả, ngài tin tưởng… (Sir, you don’t fear anything, you believe…) Thế là Peter nhớ ra và hoàn thành hết câu nói mang tính chất nghi lễ đó! Trích đoạn tiểu thuyết Pie đệ nhất – Aleksei Tolstoi! Hơn 30 năm sau, vẫn nhớ từng sự kiện, từng diễn biến trong cuốn tiểu thuyết rất hay từng đọc lúc nhỏ!

hồng lâu mộng

Đầy trang những chuyện hoang đường,
Tràn trề nước mắt bao nhường chua cay.
Đừng cho tác giả là ngây,
Ai hay ý vị chứa đầy bên trong!

Chương trình âm nhạc cuối tuần… Khi xưa cực kỳ thích nghe bài này, Hồng Lâu Mộng phiến đầu khúc, nhưng không cách nào biết chính xác trong đó xài những nhạc cụ gì, âm thanh phức tạp, nghe ra được: đàn nhị, sáo, tì bà, cổ tranh, cổ cầm, và dương cầm, có thể còn những nhạc cụ khác (dương cầm tiếng Trung là cây đàn tam thập lục, còn piano tiếng Trung gọi là “cương cầm”). Post ở đây để lâu lâu nghe lại…

thời xa vắng

Lâu lắm rồi mới cầm lại cuốn sách này, tác giả của nó vừa mới ra đi hôm qua. Phải lật cẩn thận, vì sách đã rất cũ, cuốn này xuất bản năm 1986, giấy vừa đen vừa xấu, các trang sách như muốn rời vụn ra từng mảnh. Nói chung, sức đọc của em khá là lớn, và cũng từng thích đọc rất nhiều thể loại khác nhau, nhưng giờ có tuổi chút rồi, ai mà nói đến chuyện “đọc sách” là em cứ “chửi phủ đầu” cái đã, mọi người thông cảm…

Nói cho ngay, sách vở không phải là thứ gì “tốt đẹp”! Em từng chứng kiến vô số người “tẩu hoả nhập ma” vì sách, huyên thuyên một mớ từ ngữ tào lao, vô nghĩa, sáo rỗng mà lại cứ cho rằng mình hay. Ở một khía cạnh khác, tất cả những thứ thuộc về thức ăn tinh thần, âm nhạc, sách vở, etc… là chuyện rất cá nhân, người ta lẳng lặng đọc, lẳng lặng nghe, éo có cái học thức nào oang oang như “bolero” và ầm ĩ như mạng xã hội!