KFC

Ngày xưa, họ lăn lộn nhiều năm, sống trong các làng bản xa xôi, ăn cùng, ngủ cùng người dân địa phương, trãi qua vài mối tình với các cô thôn nữ, hay như Phạm Duy, còn phải vài lần “hủ hoá” với các “công nông tử đệ”, rồi lâu về sau, mới đẻ ra được những giai điệu như thế. 😀 Ngày nay, “nhạc sĩ” đi chợ internet, tìm mua MIDI files, gì cũng có bán: bè trầm, bè nổi, hoà âm, tổng phổ… đem về xào xáo, đặt một cái tên…

Rồi bày ra một cái máy nghe đĩa Lenco, một bút máy Mont Blanc, gạt tàn, bản nhạc chép tay, chụp bức hình chứng minh lao tâm khổ tứ làm “nhạt sĩ”! Chỉ cần kết quả sau cùng, cách làm không quan trọng! Tuy nói là vậy, nhưng mọi người chắc cũng hiểu đôi khi là hoàn toàn ngược lại: gà đồi nướng mắc khén so với gà rán KFC hoàn toàn khác nhau! Tiếc là đám trẻ bây giờ chỉ biết KFC thôi, nhiều cái không thấy được sự khác biệt!

liên tài

Một trong những trình bày tôi yêu thích nhất; dù tôi biết rõ một điều là Nguyễn Đình Nghĩa, ông ấy giúp Thanh Hải vô thượng sư truyền bá tôn giáo bằng kỹ năng âm nhạc của mình, mà Thanh Hải là thứ tào lao như thế nào thì ai cũng rõ. Nhưng cũng như với Phạm Duy vậy…

Thái độ của tôi trước sau vẫn là… “liên tài” – 憐才, yêu mến tài năng mà thôi, XH Việt vô cùng phức tạp, đó lại là một chuyện khác! XH cần những tấm gương cho người khác soi vào, nhưng gương thì chỉ có một mặt, còn tài năng, đó là những viên kim cương có muôn ngàn mặt phản chiếu lấp lánh!

my workshop – 2

Như dòng sông ra đại dương, qua bao ghềnh và đá cheo leo.
Đấu tranh này bền lòng em ơi, mới tới ngày nắng ấm…

Lời người ra đi - Trần Hoàn - Khí nhạc: Nguyễn Đình Nghĩa 

Take my little free time to do some updates for the workshop, it’s covered with layers of dust after months without any woodworking projects 😢. First is the wall – mounted kayak rack, a simple structure to stack – up my boats to better utilize the room’s space. Seen mounted on the rack are my HW – 2 & HW – 3 kayaks. The HW – 1 canoe has been in dis – use for a very long time already, so I decided to turn it into… a shelf!

Cut out the aft part, attach a MDF sheet to make a standing base, erect it upright et voilà, you have a shelf to store various miscellaneous things! 😀 I was a bit hesitating in “scarifying” a canoe in such a way, but I would stick with sea kayaks for some years to come, would be back to canoes at an uncertain time. Also, I’m in the initial stage of planning for my next build, something I would start by designing it, or at least learn to design it!

tình ca – 2

…Tiếng nước tôi,
bốn ngàn năm ròng rã buồn vui,
khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi!

Lâu lâu nghe lại những bản nhạc kinh điển một chút. Cách đây vài năm trên Wikipedia tiếng Việt còn tranh cãi Tình ca nào phải của NS Phạm Duy, mà là của NS Hoàng Việt 😬. Nếu Tình ca Hoàng Việt là một tình khúc “đỏ” rất hay thì Tình ca Phạm Duy, ở một mức độ phổ quát hơn, là bản tuyên ngôn tuyệt vời nhất cho cái gọi là bản sắc Việt! Trình bày của Thái Thanh dưới đây có tempo khá chậm, những ai muốn một thể hiện hiện đại hơn có thể nghe Mỹ Linh bên đây.

Tình ca - Thái Thanh - 1969 
Tình ca - Thái Thanh 
Tình ca - Mỹ Linh 
Tình ca - Nguyễn Đình Nghĩa 

Hàng chục năm trở về trước, khi tôi giới thiệu bài này với bạn bè mình, họ đã không hiểu được phần nhạc và cả phần lời của bài này, nhìn nó với con mắt lạ lẫm, nghi hoặc. 😢 Sau khi nhạc sĩ Phạm Duy trở về nước, sau khi nhiều đài, báo đã cho âm nhạc Phạm Duy một sự “bảo đảm” nhất định, thì họ có vẻ “hiểu” bài này hơn. Nên dĩ nhiên đến tận bây giờ tôi vẫn không cho là như thế!! 😢

Tình ca – Phạm Duy

Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời, người ơi. Mẹ hiền ru những câu xa vời, à à ơi, tiếng ru muôn đời. Tiếng nước tôi, bốn ngàn năm ròng rã buồn vui, khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi. Tiếng nước tôi, tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi, thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi. Tôi yêu tiếng ngang trời, những câu hò giận hờn không nguôi. Nhớ nhung hoài mảnh tình xa xôi, vững tin vào mộng đẹp ngày mai.

Một yêu câu hát truyện Kiều lẳng lơ, như tiếng sáo diều (diều) làng ta. Và yêu cô gái bên nhà miệng xinh, ăn nói mặn mà (mà) có duyên.

Tôi yêu đất nước tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanh. Ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình, nhìn trùng dương hát câu no lành. Đất nước tôi, dãy Trường Sơn ẩn bóng hoàng hôn. Đất miền Tây chờ sức người vươn, đất ơi. Đất nước tôi, núi rừng cao miền Bắc lửa thiêng. Lúa miền Nam chờ gió mùa lên, lúa ơi.

Tôi yêu những sông trường. Biết ái tình ở dòng sông Hương. Sống no đầy là nhờ Cửu Long. Máu sông Hồng đỏ vì chờ mong.

Người yêu thế giới mịt mùng cùng tôi ôm ấp ruộng đồng (ừ đồng) Việt Nam. Làm sao chắp cánh chim ngàn, nhìn Trung Nam Bắc kết hàng (là hàng) mến nhau.

Tôi yêu bác nông phu, đội sương nắng bên bờ ruộng sâu. Vài ngàn năm đứng trên đất nghèo. Mình đồng da sắt không phai mầu. Tấm áo nâu, những mẹ quê chỉ biết cần lao, những trẻ quê bạn với đàn trâu, áo ơi. Tấm áo nâu, rướn mình đi từ cõi rừng cao, dắt dìu nhau vào đến Cà Mâu, áo ơi.

Tôi yêu biết bao người, Lý, Lê, Trần… và còn ai nữa, những anh hùng của thời xa xưa, những anh hùng của một ngày mai.

Vì yêu, yêu nước, yêu nòi, ngày xuân tôi hát nên bài (ư bài) tình ca. Ruộng xanh tươi tốt quê nhà, lòng tôi đã nở như là (là) đóa hoa.

nhạc vàng – nhạc đỏ

Bài Lời người ra đi này sáng tác năm 1949 trong kháng chiến 9 năm, của tác giả Trần Hoàn, nguyên bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin. Thời gian ấy, lòng người còn lý tưởng, tâm hồn còn tươi trẻ, những Lời người ra đi, Sơn nữ ca… là những ca khúc đẹp, để rồi sau 1975, tác giả không còn sáng tác được một bài hát nào cho ra hồn nữa.

Khí nhạc: Nguyễn Đình Nghĩa 
Thanh nhạc: Ngọc Cẩm & Nguyễn Hữu Thiết 

Hãy nghe lại dáng nhạc ca khúc này, qua hai phần trình bày, phần thanh nhạc của cặp song ca Ngọc Cẩm & Nguyễn Hữu Thiết (tôi rất thích những phong cách trình bày rất Vietnamese – native như thế này), và nhất là phần khí nhạc của sáo thần Nguyễn Đình Nghĩa. Nhạc vàng, nhạc đỏ, dù vàng hay đỏ cũng là hai mầu của lá cờ, dù là cờ của bên nào – hay – bên thì ít vàng nhiều đỏ, bên thì đỏ ít vàng nhiều – Việt cộng, Việt kiều, hai Việt cũng đều chỉ là Việt cả mà thôi! 😬

sáo thần nguyễn đình nghĩa


Có lẽ tôi phải dùng những ngôn từ tốt đẹp nhất để ngợi ca tiếng sáo thần Nguyễn Đình Nghĩa, tiếng sáo trúc Việt mê hồn này là thành qủa của một đời nghiên cứu và diễn tấu. Sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng, cựu học sinh trường Phan Châu Trinh, từ nhỏ được học khai tâm về sáo với một nghệ nhân gốc Hoa, tiếng sáo đã theo ông suốt một đời nghệ sĩ.

Polonaise (M.K. Oginsky) 
Badinerie (J.S. Bach) 
Tình ca (Phạm Duy) 
Nhạc sầu tương tư (Hoàng Trọng) 

Từ đầu những năm 60, tiếng sáo của ông đã nổi tiếng và được gọi là tiếng sáo thần. Ông dạy trường Quốc gia Âm nhạc và phụ trách môn Quốc nhạc tại Đại học Vạn Hạnh. Ông cũng tham gia nhiều liên hoan âm nhạc ở nước ngoài và thường được Hoàng gia các nước Thái Lan, Lào… mời trình diễn. Sau 1975, bị cấm trình diễn, ông chuyển qua nghiên cứu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc. Ông là người đã cải tiến đàn T’rưng, mở rộng âm vực từ 1 octave lên 4 octave, cải tiến sáo trúc Việt Nam từ 6 lỗ thành 11 lỗ (rồi 16 lỗ).

Các nhạc cụ cải tiến đó đã có khả năng trình tấu nhạc cổ điển Tây phương, mà vẫn không mất đi âm sắc nguyên thủy của nhạc cụ truyền thống. Năm 1984 ông sang Mỹ, cùng với gia đình (vợ và 5 người con) tham gia trình diễn trên đài phát thanh, tham gia giảng dạy nhiều khoá học. Ông được nhiều giải thưởng của chính quyền Mỹ. Người Mỹ trong quá trình đi tìm những cái gọi là “complementary music” đã đánh giá những công trình của Nguyễn Đình Nghĩa rất cao. Nhiều thông tin về người cố nghệ sĩ có thể tìm thấy ở đây.

Xin giới thiệu đến các bạn hai bản nhạc Việt và hai bản cổ điển Tây phương qua tiếng sáo Nguyễn Đình Nghĩa. Phần nhạc cổ điển là hai bản nhạc tôi rất ưa thích và thường nghe, phần nhạc Việt là hai tác phẩm, một của Phạm Duy và một của Hoàng Trọng. Nghe tiếng sáo này rồi mới hiểu tại sao trong văn hóa Tây phương, danh từ The piper lại ám chỉ một “thế lực” quyến rũ ma quái đến vậy. Cũng xin nói thêm là chính nhờ bản trình tấu sáo này mà tôi nhận ra và cảm thấy dáng nhạc thượng du miền Bắc rất duyên dáng trong Nhạc sầu tương tư, một bản nhạc tôi đã nghe nhiều nhưng vẫn không cảm được cho dù là qua sự trình diễn của nhiều giọng ca nổi tiếng.