les feuilles mortes

Lìa cành lá úa,
Tả tơi nhảy múa.
Rụng ngập đầy sân,
Gợi sầu thi nhân…

Chương trình âm nhạc cuối tuần… Thời tiết chớm vào thu, đã lâu không có được tâm trạng ấy, không đạt được đến tầng cảm xúc như vậy, phần lớn là vì ngập trong những nỗi bận tâm, lo âu thường nhật! Đôi khi là nhớ lại trong lời Việt qua giọng ca Thái Thanh.

Đôi khi tự hát bằng tiếng Pháp, nguyên bản Les Feuilles Mortes – Những chiếc lá úa: …Et la mer efface sur le sable, les pas des amants désunis… Muốn tìm lại một chút gì đó giống như La Bohème (Charles Aznavour) nhưng biết chắc là không thể nữa rồi!

bên cầu biên giới

Dưới chân cầu Cốc Lếu, Lào Cai, nơi đầu nguồn sông Hồng, có một cô hàng nước. Người thường chả ai hiểu tại sao ở nơi thâm sơn cùng cốc, khỉ ho cò gáy như thế lại có cô gái xinh đẹp, học thức bày bán quán? Người hiểu thì biết cô ấy là một đầu mối điệp báo viên chuyên nghe ngóng tình hình phía bên kia biên giới. Phạm Duy có biết cô ấy là người của TC2 không, dĩ nhiên là biết, ấy thế mà vẫn cứ đâm đầu vào! Thế nên để lại cho hậu thế bài tình ca tuyệt tác!

Em đến bên tôi, một chiều khi nắng phai rồi,
Nắng ngừng bên chiếc cầu biên giới…
Bên cầu biên giới, tôi lặng nghe dòng đời từ từ trôi…
Ôi giấc mơ qua, mộng đời phiêu lãng giang hồ.
Sống trong lòng người đẹp Tô Châu,
Hay là chết bên dòng sông Danube?

quê em miền trung du

Bao là gươm, bao la súng,
rừng lưỡi lê đi chiếm lại làng quê xưa…

Điệu valse nhẹ nhàng cho buổi sáng, vẫn là giọng cả Thái Thanh… Face lại nhắc những hình ảnh về biết bao vùng đất tươi đẹp mà ta đã đi qua! Bài này có 1001 lời chế, kiểu như: “ba em trồng khoai lang, đào lên thấy khoai mì, thiệt là điều vô lý” hay là: “quê em miền Sơn Tây, em gọi bố bằng thầy, em còn bé tí, em còn chưa có ti…”

phạm duy & thái thanh

Lỗi tất cả là ở nhạc sĩ Phạm Duy và ca sĩ Thái Thanh!!! Từ 7 tuổi cho tới 77 tuổi của một đời người, lúc nào, âm nhạc của họ cũng xen vào được! Người thì đã ra đi, nhưng di sản âm nhạc của họ sẽ còn sống mãi!

Ngày xưa Hoàng thị - Thái Thanh 

Thái Thanh – 2020

Riposa in pace è inestinguibile l’antico ardor! – Rest in peace is the inextinguishable antique fire! – Ngọn lửa bất diệt xa xưa đã yên nghỉ vĩnh hằng! Danh ca Thái Thanh đã ra đi – 17/3/2020 !

Chiều nào nơi bãi hoang, Lại ghé thăm mộ nàng, Nhặt đoá hoa rụng vàng, Thế thôi ngủ ngon em nhé, một giấc mơ màng. Nhìn hàng cây liễu dương, Chạy suốt muôn dặm đường, Chạnh nhớ câu đoạn trường. Cố nhân vừa rũ áo, về với vô thường. Chiếc bóng khoác nón ra đi cuối nơi con đường.

tt,  văn cao

tiếp tục post để thành một series, Thái Thanh hát nhạc của Lâm Tuyền, Đặng Thế Phong, Hoàng Trọng, Trịnh Công Sơn, và tiếp theo là Văn Cao. Nhạc của Văn Cao không nhiều, nếu không muốn nói là ít, nhưng chỉ thế thôi cũng đủ để nhạc sĩ Phạm Duy “nhận thua”. Ở một số bài, một số chủ đề, NS Phạm Duy từng nhận rằng ông không thể sánh bằng! NS Phạm Duy có thể có rất nhiều điểm khiến người ta không thích, nhưng ông có một điểm rất hay là đánh giá, nhận xét về những nhạc sĩ khác rất công tâm!

Bến xuân - Thái Thanh 
Buồn tàn thu - Thái Thanh 
Cung đàn xưa - Thái Thanh 
Trương Chi - Thái Thanh 
Suối mơ - Thái Thanh 
Thiên Thai - Thái Thanh 

3 tập hồi ký của ông là một nguồn đồ sộ với vô số những thông tin chi tiết về nền Tân nhạc Việt Nam, suốt từ những năm 30 cho đến 75 và sau này. Một chàng thanh niên bỏ nhà đi theo gánh hát Đức Huy, lang thang trên khắp các nẻo đường đất Việt, làm bạn với rất rất nhiều người, những người sau này là những tên tuổi lớn trong làng âm nhạc, nghệ thuật Việt. Qua 3 tập hồi ký đó, ta biết thêm được rất nhiều điều về lịch sử âm nhạc nói riêng và lịch sử VN nói chung, trong một giai đoạn đầy thăng trầm và biến động!

tt, Trịnh Công Sơn

thái Thanh hát nhạc Trịnh Công Sơn không nhiều, đếm đi đếm lại chỉ có mấy bài! Có lẽ chất giọng bà không hợp để hát nhạc Trịnh, hay ít nhất là không hát được theo cách mà nhiều người mong muốn! Thẩm âm của đa số thính giả Việt Nam chỉ dừng ở mức “âm thanh” (thậm chí chưa đạt), chứ chưa lên tới mức “âm nhạc”, họ không hiểu rằng còn có rất nhiều dòng nhạc nhiều sức sống và phong phú hơn là nhạc Trịnh, và âm nhạc trước tiên là “nhạc” chứ không phải loay hoay trong mớ ngôn từ chết!

Ca dao me - Thái Thanh 
Diễm xưa - Thái Thanh 
Em đã cho tôi bầu trời - Thái Thanh 
Nghe những tàn phai - Thái Thanh 
Tôi ru em ngủ - Thái Thanh 
Tuổi đá buồn - Thái Thanh 

Chữ “nhạc” trong “âm nhạc”, , cũng đọc là “lạc”, còn có nghĩa là vui vẻ, như “an lạc”, “lạc quan”, “âm nhạc” đơn giản là… âm thanh vui. Trong thời gian TCS còn đang loay hoay với ngôn từ, thuốc lá và rượu, thì Phạm Duy đã có thêm vài mối tình “thơ – nhạc”, hoặc là có thêm vài đứa con rơi ở đâu đó! Cái sự loay hoay với ngôn từ của TCS thực sự đã “quyến rũ” một lượng lớn thính giả, cơ mà chẳng hề lôi cuốn được tôi, người hiểu rằng “ngôn từ” chỉ là cái vỏ ngoài, cái áo của cảm xúc âm nhạc chân thật mà thôi!

tt,  Hoàng Trọng  

Không biết thế nào hôm nay lại có tâm trạng nghe Thái Thanh hát nhạc Hoàng Trọng… nhân tiện, post luôn một số hình ảnh Thái Thanh trên các bìa nhạc cũ. Âm nhạc của một dân tộc chỉ có loại hay và dở, chứ không có loại ngăn cách bởi địa lý và chính trị, hơi dị ứng với các kiểu “đặt tên hàm hồ” như “âm nhạc pre 75”, “âm nhạc miền Nam”, cố gắng xây dựng một cái “thực thể” không có thật, hoặc cũng có những là với các loại “èo uột”, không có tí sức sống, sức sáng tạo nào như Chế Linh, Vinh Sử, etc…

Bóng trăng xưa - Thái Thanh 
Dừng bước giang hồ - Thái Thanh 
Hoa xuân - Thái Thanh 
Hương mộc lan - Thái Thanh 
Hương ngọc lan - Thái Thanh 
Một thủa yêu đàn - Thái Thanh 
Muôn kiếp ngậm ngùi - Thái Thanh 
Ngàn thu áo tím - Thái Thanh 
Tôi vẫn yêu màu hoa tím - Thái Thanh 
Ru ta ngậm ngùi - Thái Thanh 

Phạm Duy, Dương Thiệu Tước, Phạm Đình Chương, Lê Thương, Cung Tiến, Văn Phụng, Thẩm Oánh, Vũ Thành, Ngọc Bích, Xuân Tiên, Nguyễn Hiền, etc… là người Hà Nội. Đặng Thế Phong, Hoàng Trọng, Vũ Thành An, etc… là người Nam Định. Văn Cao, Ngô Thuỵ Miên, Đoàn Chuẩn, Hoàng Quý, Tô Vũ, etc… là người Hải Phòng. Tôi không nói “miền Nam” không có nhân tài, nhưng số đó trong âm nhạc không nhiều! Nói ngắn gọn là thế này: về rượu, chè, thuốc lào và âm nhạc, thì miền Nam cứ phải nhường miền Bắc!

chú cuội

Như ai đó có nói, đại ý: các tổ chức chính trị, xã hội cần 1 tấm gương, vì nó chỉ có 1 mặt phản chiếu, còn Phạm Duy, cũng như những con người tài hoa khác, là những viên kim cương, họ có không biết bao nhiêu là mặt cắt long lanh…

Bài ca mà nhạc sĩ Phạm Duy viết cho vợ mình, ca sĩ Thái Hằng, hay “cô Hằng” và “chú Cuội”, trình “cưa gái” đúng là khó ai bằng: Trăng soi sáng ngời, treo trên biển trời, tình ơi. Một đàn con trai, rủ đàn con gái, ra ngồi nhìn trăng. Ra nghe chú Cuội, ngồi gốc cây đa, Cuội ơi, để trâu ăn lúa, nhìn mây theo gió, miệng ca bồi hồi. Ta yêu cô Hằng, đêm xưa xuống trần…

Chú Cuội - Thái Thanh 
Chú Cuội - Ái Vân 

Ca sĩ Ái Vân hát bài này ở Hà Nội những năm đầu 80, và còn hát thêm nhiều ca khúc khác của nhạc sĩ Phạm Duy. Tại một thời điểm mà âm nhạc của Phạm Duy còn bị cấm triệt để, cấm hoàn toàn trên cả nước, và tuyệt đại đa số dân chúng còn không biết Phạm Duy là ai, thì một số ít giới chuyên môn vẫn công tâm có những hiểu biết và đánh giá của riêng mình!

8 bài bé ca

Lại qua giọng ca Thái Hiền (TH), post thêm ở đây một số bài ca viết cho lứa tuổi nhi đồng của nhạc sĩ Phạm Duy, ông hay có thói quen tập hợp các ca khúc cùng chủ đề thành những bộ 10 bài: 10 bài Đạo ca, 10 bài Hương ca, 10 bài Tâm ca… nhưng ca khúc chủ đề “nhi đồng” của ông thực ra nhiều hơn thế, chỉ post lại ở đây một số bài thường nghe lúc nhỏ! Sự phong phú, đa dạng trong âm nhạc Phạm Duy là điều không cần phải bàn cãi!

Bé bắt dế - Thái Hiền 
Chú bé bắt được con công - Thái Hiền 
Đốt lá trên sân - Thái Hiền 
Ông trăng xuống chơi - Thái Hiền 
Thằng bờm không đổi quạt mo - Thái Hiền 

Bầy trẻ thăm hỏi cung trăng, chú Cuội đâu vắng, cô Hằng đâu xa!? Từ ngày có vệ tinh bay, bay có 3 ngày lên tới mặt trăng, Cuội đành đem chị Hằng Nga, tìm xứ xây nhà không biết ở đâu! (bài Một đàn chim nhỏ) Những ca từ siêu dể thương, chú Cuội ở đây chính là Phạm Duy tự ám chỉ mình, là bài ca “cưa gái” viết cho vợ ông, Thái Hằng (cô Hằng), trước khi hai người cưới nhau… (tìm nghe bài Chú Cuội do Thái Thanh hay Ái Vân trình bày)

Kỷ niệm - Thái Thanh 
Em bé quê - ban Tuổi Xanh 
Một đàn chim nhỏ - Hoàng Oanh 

bài không tên

Không hâm mộ nhạc của Vũ Thành An lắm, thành thực mà nói, dù đôi khi vẫn nghêu ngao: Một làn khói trắng, ru đời vào quên lãng… Biết nói làm sao nhỉ, có nhiều nhạc sĩ thật sự tài năng, trình độ sáng tác điêu luyện, hiểu biết nhạc thuật sâu sắc .v.v… nhưng nhạc của họ đa phần vẫn không… thật hay, như Vũ Thành An, Trịnh Công Sơn, etc… biết nói sao, thôi cứ cho như là khẩu vị cá nhân của tôi vậy! Kiểu như Thái Thanh hát Nghe những tàn phai của TCS ấy, chiều nay em ra phố về, thấy đời là những chuyến xe…, hát “nhạc buồn” mà nghe đời vẫn cứ vui phơi phới!

Bài không tên số 7 - Khánh Ly 
Nghe những tàn phai - Thái Thanh 

sơn ca 10

Các ca khúc của băng nhạc Sơn ca 10 này đã post rải rác khắp nơi trên blog của tôi, nay tập hợp lại đầy đủ thành một bộ 18 bài hoàn chỉnh. Không cần phải nói thêm dài dòng, lời giới thiệu ở đầu băng nhạc, một cách khá ngắn gọn nhưng rất chính xác, đã nói thay tất cả: Hân hạnh giới thiệu một chương trình ca nhạc đặc biệt, Sơn Ca số 10, với tiếng hát Thái Thanh và ban hợp ca Thăng Long, qua những ca khúc tuyển chọn, từng làm rung cảm cả một dân tộc, thấm sâu vào lòng đất nước và tạo thành danh, tiếng hát Thái Thanh và ban hợp ca Thăng Long!

Sơn ca 10 - lời giới thiệu 

Mặt A

1. Các anh đi - Văn Phụng - Thái Thanh 
2. Nhớ người ra đi - Phạm Duy - Thái Thanh 
3. Sáng rừng - Phạm Đình Chương - ban Thăng Long 
4. Về mái nhà xưa - Nguyễn Văn Đông - Thái Thanh 
5. Những bước chân âm thầm - Y Vân - Kim Tuấn - ban Thăng Long 
6. Đêm ngắn tình dài - Dương Thiệu Tước - Thái Thanh 
7. Giã từ đêm mưa - Văn Phụng - ban Thăng Long 
8. Hoài cảm - Cung Tiến - Thái Thanh 
9. Xóm đêm - Phạm Đình Chương - ban Thăng Long 

Mặt B

1. Tình ca - Phạm Duy - Thái Thanh 
2. Sang ngang - Đỗ Lễ - Thái Thanh 
3. Khúc nhạc ly hương - Lâm Tuyền - Thái Thanh 
4. Tiếng sông Hồng - Phạm Đình Chương - ban Thăng Long 
5. Tiếng sông Hương - Phạm Đình Chương - ban Thăng Long 
6. Tiếng sông Cửu Long - Phạm Đình Chương - ban Thăng Long 
7. Mấy dặm sơn khê - Nguyễn Văn Đông - Thái Thanh 
8. Hẹn hò - Phạm Duy - Thái Thanh 
9. Bài hương ca vô tận - Trầm Tử Thiêng - Thái Thanh 

tt, đặng thế phong

Ai nức nở thương đời,
châu buông mau, dương thế bao la sầu…

trừ bài cuối có chất lượng âm thanh hơi kém, hai ca khúc đầu thể hiện rõ chất giọng Thái Thanh, người đọc lời dẫn là ca sĩ Quỳnh Giao. Ba ca khúc ít ỏi còn sót lại: Đêm thu, Con thuyền không bến và nhất là Giọt mưa thu, hay như cái tên ban đầu của nó: Vạn cổ sầu, dường đã khóc trước cho số phận của người nhạc sĩ tài hoa nhưng đoản mệnh này!

Đêm thu, Con thuyền không bến & Giọt mưa thu - Thái Thanh 

Khi nhạc sĩ Phạm Duy theo chân gánh hát Đức Huy đến Nam Định thì Đặng Thế Phong đã qua đời được vài năm, khi mới 24 tuổi, ông (PD) chỉ còn biết tìm lại người xưa qua những nét nhạc… và cũng chỉ có ông mới nhìn ra những nét dân ca VN (sa mạc, bồng mạc) trong thể loại âm nhạc tưởng chừng như là thuần “thất cung”, thuần Tây phương của Đặng Thế Phong…

cỏ hồng

Rước em lên đồi, cỏ hoang ngập lối, rước em lên đồi, hẹn với bình minh. Đôi chân xinh xinh như tình thôi khép nép, hãy vứt chiếc dép, bước đi ôm cỏ mềm. Đồi êm êm, cỏ im im, ngủ yên yên, mộng rất hiền. Giọt sương đêm còn trinh nguyên, nằm mê man chờ nắng sớm lên…

Cỏ hồng - Thái Thanh 
Cỏ hồng - Quỳnh Giao 

dantri.com.vn – Đồi cỏ hồng đẹp như tranh ở Đà Lạt hút khách ngày đầu đông.

chiều về trên sông – 1

Chiều buông trên dòng sông cuốn mau, thương đời thương lẫn nhau trong chiều. Về đây bọt bèo muôn khắp nơi, vui buồn cho có đôi không nhiều…

Cách đã vài tháng, có dịp thử cái “máng heo” – thuyền buồm nhỏ Optimist này trên một đoạn sông Sài Gòn gần An Phú Đông, quận 9. Một chiều gió rất nhẹ, vừa đủ để chiếc xuồng nhẹ nhàng chậm rãi lướt đi…

Chiều về trên sông - Thái Thanh 
Chiều về trên sông - Quỳnh Giao 

tt – lâm tuyền

Chiều chiều ngồi trông ra khơi mờ xa.
Từng đàn chim bay trong ánh hoàng hôn…

Nhạc của Lâm Tuyền có nét riêng, mang màu sắc nhạc thuật, cũng từ một không gian và thời gian của Nguyễn Hữu Ba, Lê Quang Nhạc, Văn Giảng, etc… mà ra, nên có lẻ “hợp gu” các cụ Hoàng Trọng, Văn Phụng, Vũ Thành, Nghiêm Phú Thi… Mí lại các vị ấy hãy còn cố gắng gìn giữ một đường lối âm nhạc mang tính giáo dục thẩm âm, định hướng thẩm mỹ trên sóng radio. Cá nhân tôi thấy âm nhạc của ông khá nhàm chán (thêm nữa số lượng sáng tác còn lại cũng không nhiều), riêng Khúc nhạc ly hương qua giọng ca Thái Thanh là một kỷ niệm thủa nhỏ!

Khúc nhạc ly hương - Thái Thanh 
Hình ảnh một buổi chiều - Thái Thanh 
Tiếng thời gian - Thái Thanh 
Trở về dĩ vãng - Thái Thanh 
Tơ sầu - Thái Thanh 

tt

Với tôi, TT là viết tắt của Thái Thanh, cũng tương tự như MM là viết tắt của Marilyn Monroe hay BB là viết tắt của Brigitte Bardot vậy! Hình bên dưới đây: Thái Thanh trên một chiếc thuyền buồm, hồ Xuân Hương, Đà Lạt, 1953. Bên thềm năm mới, hãy nghe lại một số bài nhạc xuân do Thái Thanh trình bày!

Bến xuân - Thái Thanh 
Bến xuân xanh - Thái Thanh 
Đêm xuân - Thái Thanh 
Hoa xuân - Thái Thanh 
Xuân ca - Thái Thanh 
Ly rượu mừng - Thái Thanh 
Xuân họp mặt - Thái Thanh 
Xuân nghệ sĩ hành khúc - Thái Thanh 
Xuân tha hương - Thái Thanh 
Xuân và tuổi trẻ - Thái Thanh 

ly rượu mừng – 2

… Nhấc cao ly này, hãy chúc ngày mai sáng trời tự do. Nước non thanh bình, muôn người hạnh phúc chan hoà. Ước mơ hạnh phúc nơi nơi, hương thanh bình dâng phơi phới!

Mất hơn 40 năm để bài hát này được cấp phép lưu hành trở lại. Nhiều năm trước, đã post nhiều về nó: ở đây, ở đây… giờ không muốn nói nhiều nữa. Những trớ trêu của lịch sử, âm nhạc chẳng phải là hội hoạ, ấy thế mà người ta vẫn đợi đến khi người nhạc sĩ qua đời lâu rồi, mới bắt đầu công nhận tài năng và giá trị các tác phẩm âm nhạc của ông ấy!

Ly rượu mừng - Thái Thanh 
Ly rượu mừng - Thái Thanh và Hợp ca Thăng Long 
Ly rượu mừng - Hợp ca Ngàn Khơi 
Ly rượu mừng - Hợp ca Hy Vọng 
Ly rượu mừng - dàn nhạc Lê Văn Khoa 

bắc hành – 2016, phần 24

Cách hay nhất để tham quan một nơi là đi chậm, thật chậm, ví dụ như đi bộ hay xe đạp, như thế thì mới có thể nhìn thấy hết tất cả các góc cạnh, ngõ ngách khác nhau của nó. Thực ra khi bắt đầu đi xe máy xuyên Việt, tôi nghĩ rằng đi như thế đã là đủ chậm, chậm hơn ôtô hay máy bay nhiều lần, nhưng đến bây giờ thì lại nhận ra… như thế vẫn là chưa đủ chậm!

Bỏ ra một ngày để đi bộ khắp thung lũng, leo lên đồn Đồng Văn (do người Pháp xây) nằm trên đỉnh ngọn núi đá ngay giữa thị trấn, ngồi nhìn ra bốn bề xung quanh, trong ánh mặt trời đang lặn, lắng nghe gió lạnh lồng lộng thổi! Toàn bộ cái thị trấn con con này gói gọn trong tầm mắt, những ngôi nhà bé tí, những thửa ruộng bậc thang xanh xanh vừa gieo sạ xong!

Đêm xuống dần dương trần, gợi niềm vương vấn, từ năm ấy đã bao nhiêu lần… thời đại của mobile internet, của thông tin cập nhật, của instant message, của fast food… mà một mình lang thang trèo lên ngọn núi cô độc này, ngồi cả buổi chiều và ca những loại nhạc này, có phải là lạc loài quá không nhỉ!? Thoáng nghĩ thế, nhưng cũng chả quan tâm lắm!

Trăng mơ màng khắp làng, lặng nhìn mây nước, đẹp cho những giấc mơ huy hoàng… Rằng: từ sau ánh mắt xanh, bồ câu xâm chiếm tim anh, quên lãng sao đành! Cái thế giới bên trong vẫn thế, như những bức tranh Bùi Xuân Phái, chỉ độc có màu nguyên không pha, ấy là tự giữ cho mình những tự do cuối cùng, tự do suy nghĩ và sống một cuộc sống như mình muốn!

xuân nghệ sĩ hành khúc

Tới sau, ngày tươi vui ấy đã qua,
Thật không khác với giấc mơ, ngồi nghĩ đến lúc ngây thơ,
Lòng bâng khuâng ta sẽ tiếc thương cho bao nhiêu ngày vui đẹp,
Chúng ta nhủ thầm: ngày vui xưa nay đã mất qua bao lần!

Thời gian cuối năm vẫn còn dài, mà sao thấy cứ nôn nao muốn bước sang năm mới… Kỳ thực đời người ta sống, quang âm như bóng câu qua cửa sổ, nói Nôm na thì: “chả lo gì” mà “chỉ lo già”… hoặc phỏng như Lý Bạch: người xưa đốt đuốc chơi đêm, thiệt là có lýcổ nhân bỉnh chúc dạ du, lương hữu dĩ dã古人秉烛夜游良有以也.

Xuân nghệ sĩ hành khúc - Thái Thanh 

Về các anh em nhà Phạm Xuân (nhạc sĩ Xuân Lôi, Xuân Tiên…) đó thật sự là những con người đặc biệt của làng nhạc Việt. Tuy không hâm mộ âm nhạc của họ cho lắm, nhưng lại rất thích những cuộc đời năng động, đầy sức sống, đa tài, đa nghệ, muôn màu muôn vẻ như họ. Một chút âm nhạc sinh động trong không gian gió mùa xuân đương tới.