chính Bắc

Báo với chả chí… bắt đầu từ đám “lá cải và tin giả” phương Tây, sau đó được đám “thiểu năng và trì độn” VN dịch lại, tạo nên một đống nhảm nhí. Đương nhiên, không loại trừ khả năng con người làm thay đổi trục nghiêng của trái đất, nhưng phải lập luận chứng minh một cách thuyết phục, chứ không thể đơn giản dựa vào Bắc Đẩu. Việc Bắc Đẩu xoay quanh trục trái đất, một cách biểu kiến và không luôn luôn chỉ đúng hướng Bắc, việc này người ta đã biết từ cả ngàn năm trước. Nhà khoa học đời Tống, Thẩm Quát – 沈括 đã phát hiện và lý giải được điều này!

Chính xác thì quả đất không phải chỉ chuyển động quay tròn mà còn “lắc nhẹ”, khiến trục trái đất vẽ nên vòng tròn, đi hết vòng này chu kỳ khoảng 26 ngàn năm. Điều này dẫn đến phương hướng của Bắc Đẩu thay đổi rất nhỏ, rất chậm và tuần hoàn theo thời gian, hiện tại Bắc Đẩu đang lệch trục khoảng 2/3 độ, nhưng đã có thời, nó thực sự chỉ đúng hướng Bắc. Cụ thể là thời Đường, nhà sư Nhất Hạnh (không nên nhầm với thiền sư VN đương đại cùng tên) đã xác định Bắc Đẩu nằm ở hướng chính Bắc, nhưng sang thời Tống, Thẩm Quát đo đạc lại và phát hiện ra độ sai lệch!

Việc phát hiện ra Bắc Đẩu (Polaris) không thực sự đúng hướng Bắc đã góp phần dẫn đến… một phen đấu đá chính trị kinh hoàng ở triều đình nhà Tống! Phe “cải cách – tân pháp” do Vương An Thạch cầm đầu, có nhà khoa học Thẩm Quát “chống lưng”, và phe “bảo thủ – cựu pháp” do Tư Mã Quang cầm đầu, có nhà thiên văn Tô Tụng – 蘇頌 làm công tác “bảo đảm toán học” 🙂! Tại sao vấn đề hướng chính Bắc lại quan trọng đến như vậy? Vì nó ảnh hưởng đến việc tính toán lịch, sai một ly là đi một dặm! Lịch ngày xưa là do triều đình làm ra và “ban xuống” cho người dân dùng!

Với nền kinh tế nông nghiệp thì xác định đúng thời & tiết rất quan trọng cho việc canh tác! Ở một thời mà trình độ KHKT phát triển cao như triều Tống, có thể nói là trước phương Tây đương thời hơn 500 năm, thì “thiên văn” chỉ là cái cớ, là “phát súng mở màn” của đấu đá chính trị. Các phe phái, dù chủ trương cải cách hay bảo thủ, dù quan điểm rất khác biệt nhau, nhưng đều coi trọng khoa học kỹ thuật! Cái đối đầu “tân pháp – cựu pháp”, Vương An Thạch và Tư Mã Quang ấy, xứng đáng được phân tích để trở thành một bài học phát triển cho những xứ Á Đông!

Cả hai nhân vật, họ Vương và họ Tư Mã kia, đều là những chính nhân quân tử đích thực, học thức và tài năng của họ được toàn xã hội nể trọng! Nhưng “cựu pháp” ôm khư khư những thể chế xưa cũ mà không chịu thay đổi. Còn “tân pháp”, tuy đề ra những giải pháp hết sức thực tế và khá đúng đắn, như phép “thanh miêu”, phép “bảo mã”, .v.v. nhưng đến khi thực hiện lại sử dụng toàn một đám tham quan, ô lại chỉ biết lợi dụng, lũng đoạn chính sách và sách nhiễu dân chúng, dẫn đến cải cách sớm thất bại từ trong trứng nước! Vấn đề muôn thủa ở đây chính là… “dân trí”!

polaris

Bóng Ngân Hà khi mờ khi tỏ,
Độ Khuê triền buổi có buổi không.
Thức mây đòi lúc nhạt nồng,
Chuôi sao Bắc Đẩu thôi đông lại đoài.

Thực ra về thiên văn rất là dễ hiểu, hình dung Bắc đẩu như con dao, thì Polaris nằm ngoài cùng đằng cán, và nằm gần sát với phương chính Bắc, ngay trên trục quả đất, nên khi trái đất xoay luân chuyển giữa ngày và đêm thì “con dao” Bắc đẩu đó cũng xoay tròn tương đối (chuyển động biểu kiến) quanh cán, nếu cán nằm thẳng đứng thì chính là ban đêm!

bắc đẩu

徐安貞 – 聞鄰家理箏

北斗橫天夜欲闌
愁人倚月思無端

Hai bức “sơ đồ” chòm sao Bắc Đẩu, cái đầu vào nửa đêm, chòm sao thẳng đứng, cái sau ban ngày, chòm sao nằm ngang. Thơ của Từ An Trinh thời Đường: – Bắc đẩu hoành thiên dạ dục lan, Sầu nhân ỷ nguyệt tứ vô đoan – Đêm tàn, Bắc đẩu quay sang, Người ngồi dựa nguyệt, ngổn ngang mối tình… Sao Bắc đẩu xoay ngang tức là trời sắp sáng… 🙂

thiên văn

Dạo này suốt ngày… dưới xem thiên văn, trên nhìn địa lý thôi! 😀 Trời SG ô nhiễm, nhưng những chùm sao chủ yếu vẫn quan sát được, trong ảnh là Polaris, gần như chính Bắc và Southern Cross – Chữ thập phương Nam, VN tuy ở Bắc bán cầu nhưng do gần xích đạo nên vẫn thấy được!

Thời buổi công nghệ, dùng app này hướng lên trời, trỏ vào đâu là nó sẽ tự động xác định các ngôi sao, các hành tinh ở đó! Sau này con cháu chúng ta sẽ hoài niệm một thời đã là quá khứ hoàn thành, một thời tiền công nghiệp, đêm đêm nằm trên mái nhà đếm sao mà có cảm giác say, hoa mắt…

copyscope

Nhân sự kiện nhật-thực trưa nay, lúc 12h, post chút thông tin về kính-thiên-văn để các ông bố có thể tự làm cho con chơi. Mười mấy năm trước, tui có tự chế cái kính-thiên-văn, gọi là “copyscope” vì vật-kính (objective lens, bộ phận quan trọng nhất) làm từ thấu-kính của máy photocopy. Lê la mấy buổi ở đường Trần Hưng Đạo (đối diện trụ sở bộ CA) khu ngày xưa bán/sửa máy photo. Máy photo về nguyên-lý chính là cái máy ảnh, thấu-kính của nó rất tốt, lúc đó bán rẻ như cho 50~100K/cái.

Thị-kính (eyepiece) khó hơn chút, lục tung các nhà sách, các nơi bán dụng cụ HS, nhất là các cửa hàng y tế… để tìm mua loại một bộ 2, 3 cái có tiêu cự phù hợp. Thân kính (body) chỉ là những ống nhựa PVC lồng vào nhau. Advanced hơn có thể mua một cái webcam, lột phần vỏ, lấy cái “sensor” rồi gắn vào copyscope ở khoảng cách phù hợp, connect máy tính qua cổng USB, như thế có thể quan sát rất tiện lợi, to và rõ trên màn hình. Google với từ khoá “copyscope” sẽ thấy rất nhiều hướng dẫn chế tạo…

Một cái kính-thiên-văn đơn-giản theo kiểu Galileo, “xịn” hơn phần lớn các loại kính phổ-thông bán trên thị-trường, trong nhà sách. Tiếc là hồi đó, kỹ-năng cơ-khí của mình có hạn, nên phần chỉnh 2 ống PVC chạy tới lui để thay đổi tiêu-cự ko được tốt lắm. Nếu tay nghề tốt, hoàn toàn có thể làm ra một cái kính-thiên-văn đủ xịn để quan sát Mặt trăng và các hành-tinh khác trong Thái-Dương-hệ. Còn khi ko dùng làm kính-thiên-văn thì vẫn có thể dùng làm “siêu viễn-vọng-kính”, độ phóng đại khoảng 12~24x!

Dĩ nhiên nên đọc một chút về lý thuyết kính-thiên-văn, các thể loại Newtonian, Galilean, Keplerian, etc… ôn lại kiến thức vật lý cấp 2 một chút về cách tính tiêu-cự của các loại thấu-kính… để có thể chế tạo một cái copyscope hoạt động tốt! Quan trọng ko kém là phần cơ-khí, tinh chỉnh tiêu-cự, hoặc advanced hơn nữa, cơ chế “giá” kính (mounting) làm sao để có thể chỉnh kính dõi theo (follow) liên tục một thiên thể (celestial body) suốt thời gian dài dọc theo “mặt phẳng hoàng đạo” của nó… 😀