tình hoài hương

Bắt chước bạn Trường hói “lăng-xê” (lancer) ở đây ca khúc Tình Hoài Hương – Phạm Duy. Không lần nào nghe bài này mà tôi lại không có cảm giác lâng lâng khác lạ, trăm lần như một, nghe hoài không chán. Mời các bạn thưởng thức bài hát này qua hai giọng ca, một giọng thái dương là Anh Ngọc, một giọng thái âm là Thái Thanh.

Tình hoài hương - Anh Ngọc 
Tình hoài hương - Thái Thanh 

Xin post những bản mp3 chất lượng tốt để các bạn thưởng thức được đầy đủ các chi tiết của bài nhạc. Với những giọng hát như Anh Ngọc hay Thái Thanh, âm thanh từ 128 kbps trở xuống sẽ cắt hết các bội âm, làm cho giọng hát mất hơi rung, mất đi các âm sắc đầy đủ và chiều sâu của nó. Những giọng hát “phẳng” hơn như của Khánh Ly, Lệ Thu thì nhiều khi 64 kbps cũng là tạm đủ.

Ngọc Hạ, giọng ca “trẻ” (1980) nổi tiếng gần đây trên sân khấu Thúy Nga. Cũng là người hát theo phong cách cũ: tự nhiên, chân phương, nặng về luyến láy; hát khá tốt, tuy nhiên hình như đó là kỹ năng bắt chước hơn là cảm; trong bài hát, nhiều chỗ chưa xử lý được cái giọng Quảng Nôm – Đòa Nẽng của mình! 😀

sơn ca

Sơn ca 7 - Intro 

Hân hạnh giới thiệu cùng quý vị một chương trình ca nhạc đặc biệt, Sơn Ca số 7, với tiếng hát Khánh Ly qua những nhạc phẩm lừng danh của Trịnh Công Sơn, một thời khuấy động hàng triệu con tim qua những giai đoạn dầu sôi lửa bỏng… Với hai giai đoạn của một đời nghệ sĩ, Sơn Ca 7 sẽ đưa quý vị về những khung trời hoa bướm ngày xưa, với tiếng hát nồng nàn tình ái của Khánh Ly trong những ca khúc trữ tình hay nhất, muôn đời của người nghệ sĩ lãng mạn…

Sơn ca 10 - Intro 

Hân hạnh giới thiệu một chương trình ca nhạc đặc biệt, Sơn Ca số 10, với tiếng hát Thái Thanh và ban hợp ca Thăng Long, qua những ca khúc tuyển chọn từng làm rung cảm cả một dân tộc, thấm sâu vào lòng đất nước và tạo thành danh, tiếng hát Thái Thanh và ban hợp ca Thăng Long.

Cái này dành cho những ai thích sưu tầm đồ cổ… Sê-ri 11 băng nhạc (cassette tape) Sơn Ca ngày trước (1970 – 1975). Một sê-ri những ca sĩ ăn khách nhất thời bấy giờ, bất kể trình độ, khuynh hướng âm nhạc. Trong những băng nhạc Sơn Ca này, các bạn sẽ tìm thấy Giao Linh, Tuấn Vũ, Chế Linh… và cả Khánh Ly, Lệ Thu, Thái Thanh… Đúng là vàng thau lẫn lộn, nhưng có như thế chúng ta mới hiểu được một giai đoạn lịch sử nước nhà…

Có thể chúng ta không thích tất cả 11 băng nhạc, mỗi người sẽ có một gu riêng, nhưng ít ra đó là một trong những gì còn lại để chúng ta hiểu về tình hình âm nhạc ngày trước, hiểu tất cả những khác biệt, dằn vặt, đau khổ… hiểu cái gọi là con người Việt Nam. Đến lúc này rồi, tôi nghĩ không nên lấy quan điểm chính trị để mà đánh giá con người, nhất là những người nghệ sĩ.

Như Trịnh Công Sơn ca tụng mẹ Việt Nam anh hùng bằng một bài ca rất hay: Huyền thoại Mẹ, cũng như cầu nguyện cho một người bạn, đại tá không quân VNCH (Lưu Kim Cương) tử trận năm 1968, bằng một bài ca tuyệt vời: Cho một người nằm xuống (bài này, theo tôi xét về cả nhạc và lời đều hay hơn bài trước).

Quá khứ đấy có nhiều người nghĩ là đã xa, nhưng tôi lại nghĩ là nó rất gần, nó vẫn còn dấu vết sâu đậm đâu đó trong nhịp sống hàng ngày của chúng ta, trong chính con người chúng ta. Tôi chỉ nhớ khi nhỏ, những băng nhạc này đã quá quen thuộc, đến mức, chỉ cần nghe một phần đoạn intro đầu tiên, tôi đã biết ngay đó là băng nào… Một giọng nữ Sài Gòn “chính hiệu con nai vàng”, vừa sang trọng, vừa đầy chất tiếp thị 😀. Mời các bạn nghe lại, chỉ những phần intro thôi, tôi nghĩ là chúng đã khá quen thuộc với nhiều người…

Trên đây là bìa trước của 3 băng nhạc Sơn ca 7, 9 và 10. Kỹ thuật in offset 4 màu thời bấy giờ vẫn còn vụng về quá, không khác bây giờ chúng ta in hàng mã là mấy… Hiện tại tôi có đầy đủ những bản mp3 chất lượng cao (196 kbps) của 11 băng nhạc này (khoảng 150 bài). Bạn nào cần, xin liên hệ, tôi sẵn sàng chia xẻ. Hình trên, từ trái quá phải: Sơn ca 7: Khánh Ly và ca khúc Trịnh Công Sơn, Sơn Ca 9: Lệ Thu và những ca khúc tiền chiến, Sơn Ca 10: Thái Thanh và ban hợp ca Thăng Long.

thiên thai

Anh Ngọc (đứng giữa) và ban nhạc Tiếng Tơ Đồng trình bày ca khúc Thiên Thai.

Xin giới thiệu đến các bạn một bản thu âm hiếm, ca khúc Thiên Thai của nhạc sĩ Văn Cao. Tham gia trình bày ca khúc này có nhiều nghệ sĩ tài danh: Anh Ngọc (giọng nam chính), Thái Thanh (hát bè nữ chính) và những thành viên của ban nhạc Tiếng Tơ Đồng vang bóng một thời: Mai Hương, Kim Tước, Quỳnh Giao, Hà Thanh, Bạch La, Hoàng Oanh…

Tuy chất lượng âm thanh không thật tốt (do thời gian và do cả kỹ thuật studio lúc bấy giờ), nhưng bản thu âm này thể hiện một trình độ hợp xướng điêu luyện: “tiếng hát trượng phu” Anh Ngọc với phần hát bè nữ (gồm toàn những ngôi sao) phong phú, biến hóa. Và cả phần hòa âm tài ba do chính nhạc sĩ Hoàng Trọng thực hiện.

Thiên Thai - ban Tiếng tơ đồng 

Nếu bỏ qua những yếu tố kỹ thuật, mà chỉ tập trung vào “dáng nhạc”, các bạn sẽ nhận thấy một điều: trình độ thẩm âm, khả năng sáng tạo của lớp nhạc sĩ trước thật tuyệt vời. Chỉ vì thiếu hiểu biết nên một số người bây giờ mới đánh đồng nhạc này với những loại nhạc của Chế Linh – lính chê, Chế Thanh – thánh chê 😀… dưới cái tên nhạc vàng.

Phải chăng âm nhạc đương đại của chúng ta, dù có rất nhiều điều mới, vẫn yếu kém ở những điểm cốt yếu nhất!? Thật là điều đáng buồn về khả năng thẩm âm khi mà những nhạc sĩ, nhạc công nhạc cổ truyền bây giờ (như Nhã nhạc, Ca trù…) đã và đang chơi nhạc ngũ cung với tai nhạc thất cung, không những không hiểu được những tinh túy của âm nhạc ngũ cung và phát triển được cái vốn mình có, mà còn làm nó mai một thêm.

thật và giả – giả và thật

Có đôi điều thật và giả về giọng hát Thái Thanh, cũng như về muôn chuyện thật giả khác trong đời. Giả và thật, thật và giả, nhiều khi khó phân biệt, nhưng đã trải qua nhiều chuyện đau buồn của cuộc sống, tôi có đôi điều muốn nói về “thật” và “giả”, chỉ qua một số nhận xét về giọng hát Thái Thanh. Giọng hát Thái Thanh, từ nhỏ được mẹ cho nghe, tôi đã thấy có điều gì “siêu nhiên” trong giọng hát này, nó quá cao vời, quá điêu luyện, một giọng hát “cưỡng lại sức hút của quả đất”, mà vẫn rõ chữ, chân phương theo đúng tiêu chuẩn đầu tiên của người làm ca sĩ. Có nhiều cách đánh giá, nhưng xin nói từ đầu, đối với tôi, chuẩn mực đầu tiên là hát tròn và rõ chữ, hát như thể là tiếng nói hàng ngày. Xin nói rõ điều này bởi đa số ca sĩ Việt đương đại đều mượn giọng, bắt chước giọng… từ chỗ phát âm đã không là chính mình thì còn nói gì đến những bước đường nghệ thuật khác.

Le beau Danube bleu 

Lời Việt: Dòng sông xanh, PD

Les flots du Danube 

Lời Việt: Sóng nước biếc, PDC

Chọn hai bài để “phô diễn” giọng hát Thái Thanh, thật tình cờ đều là hai bài valse rất nổi tiếng về dòng sông Danube, một bài do Phạm Duy, bài kia do Phạm Đình Chương đặt lời. Về nhạc, tôi thích âm giai minor buồn man mác của bài thứ hai hơn.

Lớn lên một chút, tôi được nghe nhiều hơn và đồng ý với nhận định của nhiều người đây là một giọng hát Việt đặc biệt mà trong thời gian một vài trăm năm không dễ gì có được. Ngưỡng mộ hết mực, nhưng thi thoảng tôi vẫn có chút ngờ vực, có chút băn khoăn: có điều gì khang khác sâu thẳm trong giọng hát ấy. Đến bây giờ, khi điều kiện phương tiện nghe nhìn tương đối đầy đủ hơn xưa, tôi có nhiều dịp kiểm chứng điều mình cảm nhận. Những ai thích ca hát, hay tập hát một chút (như karaoke chẳng hạn) sẽ dễ dàng nhận thấy điều này: ai cũng có nhiều loại giọng, cơ bản là có hai:

  • Chest voice (giọng ngực): là giọng mà chúng ta nói hàng ngày, như khi bạn cất tiếng hát một bài hát yêu thích, quen thuộc, thì chính là bạn đang dùng loại giọng đó. Khi bài hát có những nốt quá cao (hay quá thấp), vượt ra ngoài âm vực quen thuộc, bạn khó có thể phát âm chuẩn tại cao độ đó, hoặc là âm sắc sẽ méo mó, hoặc bạn buộc phải chuyển qua sử dụng một giọng khác.

  • Head voice (tôi gọi là giọng mũi): lúc này âm không còn phát ra tự nhiên từ ngực, bụng nữa mà chủ yếu từ cổ và mũi, nên dễ đạt cao hơn, nhưng mỏng và yếu hơn. Các ca sĩ đương đại không mấy ai sử dụng hai loại giọng trong cùng một ca khúc, đơn giản là vì hai giọng đó có âm sắc rất khác nhau, không thể để chung trong một bài hát nếu không muốn phạm một lỗi sơ đẳng. Lưu ý là đôi khi chúng ta hát lên (hay xuống) một tông (một octave), nhưng vẫn còn trong giọng cũ, chưa hẳn là đã chuyển qua giọng mới.

(Lạm bàn một chút, qua kinh nghiệm bản thân, tôi thấy một người có thể có nhiều loại giọng hơn nữa, phụ thuộc vào kỹ thuật thẩm âm và phát âm: có loại giọng “rung đổ hột” như trong Ca trù, có loại giọng luyến láy bay nhảy như trong Chèo, có loại giọng lạc nửa vời như trong Ca Huế… Dĩ nhiên là giọng và làn điệu ngũ cung là khác nhau, nhưng có thể nói một loại ngũ cung sẽ có những giọng của riêng mình.)

Điều mỉa mai là khá nhiều ca sĩ đương đại Việt Nam pha trộn cả hai loại giọng trên (head & chest voices) trong cùng một bài hát mà không cảm thấy hổ thẹn vì khinh thường khán giả. Các ca sĩ thật sự không ai làm thế, họ chọn bài hát phù hợp với chất giọng mình, nếu bài hát trải trên một âm vực quá rộng thì hoặc là tìm người có âm vực cũng rộng như thế, hoặc là hát đôi, hát ba… hoặc thay đổi bài hát…

Những bài nhạc phổ biến thường có biên độ trong khoảng 1.5 octave, một số bài khó có biên độ hơn 2 octave thì cần những ca sĩ điêu luyện mới biểu diễn được. Ca sĩ thật sự ít dùng giọng mũi, để khán giả biết đến mình từ chất giọng bình thường tự nhiên. Thường thì một ca sĩ dựa quá nhiều vào giọng mũi quyết không thể là một ca sĩ tốt.

Nếu như nghe Dòng sông xanh do Thái Thanh biểu diễn, bạn sẽ thấy một ca sĩ hát chanson musique với chất giọng opéra, vẫn rõ chữ rõ lời, như là thứ tiếng nói tự nhiên thường nhật. Nghe nhiều bản nhạc khác nữa của Thái Thanh, cũng như một số ca sĩ khác (như Mai Hương, Kim Tước…) dần dần tôi nhận ra một điều: thực sự họ hát bằng giọng mũi!. Một số ví dụ: Thu Chiến Trường (Kim Tước), Bà mẹ Gio Linh (Mai Hương), Ngày Trở Về (Ánh Tuyết)… chúng ta có thể nhận ra các ca sĩ này hát bằng giọng mũi rất rõ.

Một số ca sĩ như Lệ Thu, Khánh Ly… thì luôn hát với giọng thật của mình, cơ bản vì họ đã chọn hát ở một âm vực khá thấp. Còn với Thái Thanh, phải là người nghe và hiểu Thái Thanh nhiều thì mới có thể đoán biết được. Trong hai bài hát dưới đây, mỗi khi giọng Thái Thanh từ chỗ hơi chua đột nhiên chuyển sang rất tình cảm là lúc Thái Thanh trở về với giọng thật của mình. Khi nhận ra được điều này, tôi thật sự ngỡ ngàng, nhưng ngỡ ngàng để rồi yêu mến hơn.

Điều thực sự đặc biệt ở đây là: âm sắc giọng mũi của Thái Thanh giống, cũng vang, dày và mạnh như giọng ngực, được như thế đã là một điều kỳ lạ, còn kỳ lạ hơn nữa là lúc chuyển giữa giọng ngực và giọng mũi, hầu như không ai nhận thấy. Tại điểm break-up (điểm gãy) đó, người hát phải thay đổi cách thức vận động bên trong con người mình, khó có ai có thể chuyển giọng tự nhiên đến vậy được. Đến bây giờ thì tôi hiểu hơn những hạn chế của người Việt và cách họ khắc phục những hạn chế đó. Và tôi cũng “ngộ” được đôi chút về lẽ thật giả của cuộc sống:

  • Có nhiều người vốn thật, lại cứ muốn giả, khi đã giả rồi không về thật được nữa, vẫn muốn người khác nghĩ mình thật. Những trò hề đó ở ngoài đời thiệt không kể xiết, có quá nhiều tấn tuồng được diễn vụng về và ngây ngô, hằng ngày trước mắt. Thật đáng buồn và đáng buồn cười lắm thay!

  • Lại có người hiểu được lẽ đời là giả, vẫn gắng đem cái thân phận giả tạo này để làm thành điều thật, và được mọi người chấp nhận là thật. Ai đó tinh tế thấy được bản chất “không thật lắm” ở họ thì vẫn đem lòng yêu mến, vì hiểu rằng chẳng gì thật hơn được cái “giả” đó. Người như thế thực là hiếm và đáng quý lắm thay!

nhất phiến băng tâm

王昌齡 – 芙蓉樓送辛漸

寒雨連江夜入吳
平明送客楚山孤
洛陽親友如相問
一片冰心在玉壺

Nhiều lúc trong lòng buồn bã quá, đem cổ thi ra đọc, để cái phong vị tự tại, vô ngã ấy giúp mình được ít nhiều chăng? Đã bao năm rồi không màng đến thơ cũ, không tập thư pháp, bao nhiêu việc xảy ra trong đời… Lòng lúc này chẳng khác nào một mảnh băng lạnh giá trong chiếc bình ngọc…

Phù Dung lâu tống Tân Tiệm
Hàn vũ liên giang dạ nhập Ngô,
Bình minh tống khách Sở sơn cô.
Lạc Dương thân hữu như tương vấn,
Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ.

Tiễn Tân Tiệm tại lầu Phù Dung
Mưa lạnh tràn sông đêm đến Ngô,
Sáng ra tiễn khách núi trơ vơ.
Lạc Dương nếu có người thân hỏi,
Một mảnh lòng băng tại ngọc hồ.

Một chút vấn đề về âm điệu: Đường thi hình như chỉ đọc trong âm Hán Việt mới thấy hay – ít nhất là đối với người Việt. Hẳn là vì âm gốc Trường An nay chắc không còn ai biết nữa, còn lại một chút dấu tích trong âm Hán Việt? Còn âm Bắc Kinh đương đại thì thiếu quá nhiều thanh, đủ để làm Đường Thi trở nên “thất luật”. Một vấn đề nữa là nhạc điệu (ít ảnh hưởng lên Đường Thi, nhưng ảnh hưởng nặng đến Tống Từ), không biết ai hiểu biết về vấn đề thanh điệu ngày trước, những điệu: Lâm giang tiên, Niệm nô kiều, Định phong ba, Trường tương tư… để biết được Từ được sáng tác và biểu diễn như thế nào…

scim

After decorating my Linux box with all newest GUI components, next things are for work. I found out that all Vietnamese keyboard softwares is broken on Hardy Heron: xvnkb stops kde_init and x-unikey crashes other applications all the time. Then come the wonderful thing scim. scim is a global input software designed for almost every languages. Mathematically speaking, the job is just mapping between one key-combination to a character-code. In this view, mostly any languages could be supported without any difficulties.

On every day works, I mostly use English, and Vietnamese, Chinese is just for entertainment. Please note that Chinese input is done via vi-nomtelex method, which bases on Hán-Việt (the Vietnamese phonetical transcribe of Chinese) to retrieve the correct Unicode character, thus we have a double mapping here: from raw keystrokes to Vietnamese and from Vietnamese (Hán-Việt) to the final characters. Actually, this method is designed primarily not for Chinese, but for Nôm, the ancient Vietnamese writing system.