120 bpm

Nhìn chung là đã đi khá đều và đẹp, nhưng mà cái nhịp chậm lê thê phát chán… người Nga thường đi với tempo – nhịp là 120 bpm – beat per minute, trông vô cùng sinh động. Người Trung Quốc thường đi với tempo khoảng 100 bmp, chậm hơn chút, cũng rất là khí thế. Mà người VN toàn đi với tempo vừa chậm lê thê, vừa không chuẩn, đâu đó trong khoảng 85 ~ 90.

Xem clip thấy các bạn TQ phải cố tình kéo nhịp chậm lại cho khớp với các khối quân khác mà thấy tội! Haiza, đều và đẹp là một chuyện, nhưng nhịp là một cái gì đó rất căn cơ, thể chất kiểu này ngó bộ phải nhiều thế hệ nữa! Hãy xem & nghe clip để hình dung nhịp 120 bpm nó như thế nào nhé. Chương trình âm nhạc cuối tuần, Bài ca người lính – Ballad of a Soldier!

Russophobia

Tinh thần “bài Nga” đã lên đến cực điểm, khoảng 30 ngàn lệnh cấm vận, và vô số chiêu thức bẩn khác, có những chiêu bạn không thể nào ngờ tới hay hiểu được, ví dụ như các video nhạc đỏ Nga – Xô viết trên Youtube đều bị xử lý lại, kéo cho nó chậm hơn chút xíu, thêm các loại tiếng bass ngu xuẩn vào, các phim Nga – xô kinh điển (ví dụ như phim: Bình minh nơi đây yên tĩnh”) đều bị xử lý lại làm mất đi tông màu tươi sáng ban đầu, tất cả là để làm cho thông tin trở nên u ám, mất đi cái tính tích cực, sinh động vốn có!

Đương nhiên những sự điều chỉnh này khá khéo léo để đa số khó nhận ra, nhưng người nghe, xem tinh ý là nhận ra ngay, có mấy ku cứ xào xáo mấy thủ thuật “âm thanh, ánh sáng” rồi cho rằng mình hiểu “điện ảnh và âm nhạc”! Nên văn minh hiện đại, là tự do ngôn luận gì chúng nó, toàn là thủ đoạn bẩn cả đấy! Mà thôi kệ, cứ để cho chúng nó hoang mang, dao động giữa hai cái thái cực Russophobia và Russophilia như thế! Chương trình nhạc Nga – Xô viết cuối tuần, bài ca quen thuộc: Ngày chiến thắng!

CMT11

Một cuộc cách mạng mới đã được manh nha ngay từ bây giờ, đã được trước đặt tên là “Cách mạng tháng 11”! Cái vòng xoáy như vậy, trí tuệ nhân tạo, máy móc ngày càng thay thế con người trong càng nhiều công việc, mà con người thì kỹ năng, trí tuệ có hạn, không theo kịp với máy móc, cái “tâm” lại nhiễu loạn không ngừng, sinh ra không biết bao nhiêu tệ nạn!

Cái vòng xoáy đó cứ quay càng lúc càng nhanh, đến một lúc không thể tự thoát ra được nữa thì một là tự hũy diệt, hai là… như mấy trăm năm trước, lại phải đi đập phá máy dệt thôi! Bấm nút RESET làm lại mọi thứ từ đầu, phân chia lại tài nguyên và tư liệu sản xuất. Cái vòng quay “hũy diệt và tái tạo” cứ thế luân hồi! Một bài ca, một niềm cảm hứng bất tận…

giải trí đến chết

Facebook nhắc lại ngày này năm trước, đọc lại những dòng chính mình viết, bỗng thấy nó giống hệt như những gì được viết trong cuốn Giải trí đến chết – Amusing Ourselves to Death – Neil Postman, dù chưa thực sự đọc cuốn sách này một cách đầy đủ bao giờ. Nói theo kiểu phương Tây thì như vậy, nói theo kiểu phương Đông thậm chí còn trực quan dễ hiểu hơn: phải tìm cách đánh vào “cái tôi”, phải làm cho nó được thỏa mãn, hài lòng.

Bằng cách cung cấp những nội dung “sốt dẻo, kích thích, thỏa mãn”, phải kích hoạt cái phản xạ “tôi hiểu biết, như tôi mới đúng”. Cách thức nô dịch con người chính là thế, phải làm cho họ hài lòng với những thứ vô thưởng vô phạt, để họ quên đi điều gì là quan trọng trong cuộc sống! Nhân tiện nói về cái clip, với việc Nga & Mỹ ngồi lại với nhau để chia miếng bánh, thì thời gian của vị trong clip chỉ còn tính bằng ngày mà thôi! :D

Konarmeyskaya

Chương trình âm nhạc cuối tuần… nếu bầu chọn cho một ca khúc Nga-Xô điển hình, tôi sẽ chọn bài này, không phải vì là bài hay nhất, mà vì nó ngắn gọn, dễ thuộc, dễ hát, giai điệu hùng tráng: Konarmeyskaya – Hồng kỵ! Bài ca có phần nhạc và lời đơn giản lặp đi lặp lại: Nếu lần nữa chiến tranh nổ ra trên đất nước thanh bình này, thì khắp nơi nơi, từ Kuban cho đến Volga…

Lũ lượt tuôn chảy như là mưa đạn súng máy, chúng ta lại dắt ngựa của mình lên đường ra trận! Và mặc dù giai điệu nghe có vẻ hoàn toàn Tây phương như vậy, nhưng nghe kỹ có thể truy về nguồn gốc châu Á xa xưa, bài ca của thảo nguyên rộng lớn. Nhưng đương nhiên, chỉ qua một giai điệu mà nhìn thấu vài thế kỷ lịch sử không phải là điều mà ai cũng làm được.

tiểu nông

Nói đúng, nhưng chưa thực sự sâu sắc và đầy đủ… Khi mà cái sự lưu manh lặt vặt nó phát triển qua một thời gian hàng chục năm, có sự tương tác của hàng triệu người… thì nó trở thành giống như loại tội phạm có hệ thống, nó trở thành một kiểu “dân tộc tính” cố hữu! Người ngoài họ tế nhị không nói thẳng ra thôi, chứ thực ra họ nhìn như kiểu “một giống loài hiếm có trong sở thú“, làm cái gì cũng giống như con “bonobo” vậy! Nó hiện diện thường trực trong cuộc sống hàng ngày mà chúng ta, hoặc là xuề xòa cho qua, hoặc thậm chí không để ý đến! Những thành phần ít học không nói làm gì, những thành phần gọi là có học cũng y thế, chỉ chờ chực cơ hội mà bộc lộ cái “dân tộc tính” ấy ra mà thôi! Nên tôi thường nói với bạn bè mình: học mà không thay đổi được con người thì học làm cái gì!? Đó là nói về đầy đủ, còn sau đây sẽ nói về phần sâu xa…

Thực chất, căn nguyên của tất cả những vấn đề trên nó nằm ở tầng… vật lý, thể chất! Thể trạng ốm yếu, làm gì cũng quẹt quẹt cho xong, không có công phu. Tinh thần bạc nhược, không trì định được điều gì cho lâu dài, từ cái căn bản như vậy, cộng thêm sự tương tác qua lại giữa hàng triệu cá thể què quặt, đã sinh ra đủ thứ loại “thần kinh bệnh”! Nên nói muốn phát triển, muốn khoa học kỹ thuật, muốn vâng vâng, đủ kiểu… mà không thay đổi được con người thì làm thế quái nào được!? Ngày xưa, Liên Xô sau Cách mạng tháng 10 đã tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa lên tầm cường quốc hàng đầu thế giới chỉ mất… 18 năm, chưa đến một thế hệ (Trung Quốc làm được điều tương tự mất cỡ 3 thế hệ). Để làm được điều đó, Liên Xô đã phải tiến hành một cuộc cách mạng cải tạo con người có thể nói là… tàn khốc, đẫm máu nhất trong lịch sử!!!

Ne zhaley, ni sebya, ni vragov

Ngay sau Chiến tranh thế giới lần 2, Liên Xô bắt tay vào tái thiết đất nước, nhưng đồng thời, cuộc chạy đua vũ trang Đông – Tây cũng chưa bao giờ dừng lại. Ba dự án lớn: dự án tên lửa liên lục địa, dự án bom hạt nhân, và dự án radar cảnh giới tầm xa, được nâng lên thành cấp Bộ, ngang cấp với Bộ hải quân, Bộ lục quân, etc… và được ưu tiên cao nhất! Từ những bài học lịch sử của Thế chiến 2, và cả từ trước đó nữa, nếu Nato mở rộng về phía Đông thì vùng xảy ra xung đột đầu tiên là sẽ Ukraine, Donbas. Chính vì thế mà Liên Xô ngay từ đầu đã xây dựng lại Donbas với tâm lý phòng thủ: các tòa nhà đều được xây dựng vô cùng kiên cố, có hầm ngầm, các công trình công nghiệp, hầm mỏ đều có vô số tầng hầm, đường ngầm dưới đất.

Cũng vì đó mà cuộc chiến Donbas ngày nay trở thành một cuộc “khổ chiến”, nhà nhà là pháo đài, mỗi công trình đều là vật cản. Với hình thái chiến tranh như vậy thì những gì thường thấy trên phim ảnh: các đội tinh nhuệ đột kích vào từng căn nhà, đấu súng với bên phòng thủ là chuyện… chỉ có trong phim Hollyweed! Với đối phương hỏa lực mạnh, bố trí trong điều kiện thuận lợi thì cách duy nhất là… lấy thịt đè người, phía Nga đã và đang xài lượng lớn bom, pháo, mìn, đạn nhiệt áp, đạn cháy… Và như ta có thể dự đoán, cuộc chiến giữa những người anh em, nếu để cho xảy ra, sẽ vô cùng khốc liệt! Như lời một bài hát Nga: Ne zhaley, ni sebya, ni vragov – không tha thứ cho một ai, dù là đối phương hay chính bản thân mình!

oreshnik

Ku Nga mà, từ trong lịch sử dựng nước và giữ nước, ảnh đã luôn có một cái “ám ảnh lớn lao”, đó là phải chế tạo vũ khí, phải có lợi thế dẫn đầu! Oreshnik về cơ bản là tên lửa đạn đạo tầm trung, nhiều nước có chứ không riêng gì Nga. Nhưng sự khác biệt là “tốc độ hypersonic” và “điều khiển được ở pha cuối”. Cái chính là làm sao điều khiển được ở tốc độ bội siêu thanh, chứ nếu chỉ là một cục sắt rơi tự do thì nhiều nước làm được! Chính vì cái khả năng điều khiển được đó nên đẻ ra các tính năng kỹ chiến thuật mới!

Lợi thế thứ nhất là có thể xuyên qua hàng chục (thậm chí hàng trăm) mét đất đá, không một hầm ngầm, không một bongke nào là an toàn! Lợi thế thứ nhì là đánh siêu chính xác, kiểu như nếu dùng để đánh tàu sân bay thì xác suất tiêu diệt là gần như 100%. Và lợi thế thứ ba là… không cách nào đánh chặn được! Cứ tưởng tượng một tòa nhà như tháp đôi, nó có thể chẻ từ trên xuống dưới, mà vẫn không phải mang tiếng là xài VKHN! Xem clip thì cứ như “thiên thượng hỏa”, lửa từ trên trời đánh xuống vậy!

CMCN 4.0

Cách mạng công nghiệp đã tạo ra một tầng lớp vô sản thành thị mới. Bây giờ chúng ta đang chứng kiến ​​sự ra đời của một tầng lớp vô dụng vô cùng đông đảo. Khi máy tính ngày càng tốt hơn trong nhiều việc, khả năng rõ ràng là máy tính sẽ vượt trội hơn chúng ta trong hầu hết các nhiệm vụ và khiến con người trở nên không cần thiết. Và câu hỏi chính trị và kinh tế lớn của thế kỷ 21 sẽ là: chúng ta cần con người để làm gì, hoặc ít nhất, chúng ta cần rất nhiều người để làm gì? Hiện tại, điều tốt nhất chúng ta có thể làm là giữ cho chúng nó được vui vẻ bằng ma túy và trò chơi điện tử…

Nói rất sốc, nhưng rất đúng, chỉ nhìn xem gần gần quanh đây, thực trạng Việt Nam đã có phần giống thế, một bộ phận lớn xã hội đã bị rút mất phần hồn từ lâu rồi, những cái xác sống không hơn không kém! Sau một ngày vật vã từ khu chế xuất ra, làm những công việc chân tay siêu đơn giản, thì bắt đầu nhậu nhẹt, hát hò, lên mạng tìm đọc “tin tức”, những loại càng “giật gân”, càng “thỏa mãn” càng tốt! Chương trình âm nhạc Xô – viết đầu tuần… đôi khi vẫn băn khoăn tự hỏi có khi nào lịch sử đi một vòng lớn, và lặp lại những điều đã xảy ra cách đây hơn 125 năm!?

KAL-007

Hơn 25 năm trước, khi đọc thông tin về chuyến bay KAL-007, tôi đã không thực sự tin chuyện đó có thể xảy ra, chuyến bay từ New York, Mỹ đi Seoul, Nam Hàn bị bắn hạ vì xâm phạm không phận Liên Xô. Nếu trên bản đồ bạn vẽ một đường thẳng giữa New York và Seoul, thì có vẻ như nó sẽ hoàn toàn nằm ngang, cắt qua Thái Bình Dương. Nhưng thực sự là địa lý (hay đúng hơn là cách dạy môn địa lý ở trường phổ thông) đã lừa dối chúng ta, vì quả đất hình cầu, nên “đường thẳng” ngắn nhất giữa New York và Seoul cắt qua phía trên Alaska, và đi ngang vùng Viễn Đông của nước Nga, ai không tin có thể mở phần mềm Google Earth lên và thử vẽ một “đường thẳng” xem là sẽ thấy rất rõ. Vài tuần trước khi vụ việc xảy ra, bão đã đánh hỏng hệ thống radar cảnh báo sớm của Liên Xô, và khi họ phát hiện ra sự việc thì máy bay KAL-007 đã bay lạc sâu vào vùng cấm bay.

Các chiến đấu cơ LX được cử lên chặn đường lại không thể… bay chậm hơn 400 kmph, còn KAL-007 không hiểu vì sao lại bay rất chậm cỡ 400 kmnph. Nỗ lực thiết lập liên lạc qua sóng radio không thành công, KAL-007 không trả lời, các máy bay quân sự LX bắn hơn 200 phát đạn cảnh cáo, nhưng 007 cũng không phản ứng gì! Có quá nhiều sự “không may mắn”, bắt đầu bằng việc KAL-007 đã mắc lỗi định vị và bay chệch từ không phận quốc tế vào lãnh thổ Xô-Viết, lệch đến 500km, rất có thể phi công đã đặt chế độ lái tự động. Sau khi làm đủ mọi cách mà KAL-007 vẫn không trả lời, phi công LX bắn hạ nó, 269 người thiệt mạng! Sau vụ việc, tổng thống Mỹ Reagan ra lệnh đem hệ thống GPS (cho đến lúc đó vẫn là hệ thống dành riêng cho quân sự) áp dụng cho các phi cơ thương mại, và đó cũng là lý do mà chúng ta có GPS, GLONASS… để xài ngày nay!

Ludmila Zykina

Chương trình âm nhạc… đầu tuần, một điệu valse chậm – Xe đưa thư tam mã, dân ca Nga, đây là một bản dân ca thực sự, không phải là một nhạc hiện đại vì quá phổ biến nên một cách tự nhiên, tự biến thành loại “dân ca mới” trong nhận thức của đại chúng. Tuy gọi là valse chậm, nhưng đoạn sau tempo được đẩy lên và bài ca chuyển sang một sắc thái khác.

Một thuộc tính của những bản nhạc hay là… tự nó chứa trong đó nhiều màu sắc đa dạng, phong phú, nhiều khi đối nghịch nhau, tùy người trình diễn lựa chọn cách thể hiện cảm xúc, khác với các loại nhạc dở, nhạc rẻ tiền… là chúng nó cứ đơn giản, thô thiển, đơn điệu, đến mức nghe như bị thiểu năng, trì độn vậy! Narodnyy artist – NSND Ludmila Zykina!

về nước

Đã từng có những cặp vợ chồng điệp viên Nga sinh sống ở nước ngoài hàng mấy chục năm… Để tạo ra vỏ bọc, thâm nhập cuộc sống sở tại, họ tự đặt ra luật không được xài tiếng Nga, kể cả khi chỉ có vợ chồng với nhau! Cả trong suy nghĩ cũng không xài tiếng Nga, tránh lộ vết trong trường hợp bị thẩm vấn căng thẳng, hóa thân vào vai diễn hoàn hảo! Đến khi hoàn thành nhiệm vụ, được rút về nước, các điệp viên đồng nghiệp nhìn họ như người ngoài hành tinh vậy! Vì họ đã mất khả năng nói tiếng Nga một cách suôn sẻ, và tiếng Nga hiện đại sau 30, 40 năm cũng đã thay đổi khá nhiều! Phải mất thời gian dài để tái hòa nhập, thậm chí phải chịu đựng sự xa lánh, nghi kỵ của chính một số người Nga!

Phương Tây thường lợi dụng những điểm này để tuyên truyền về một nước Nga “hắc ám, đen tối”, nhưng họ khó lòng hiểu được rằng, sức mạnh và ý chí sinh tồn của một dân tộc nó sâu thẳm và dữ dội đến mức nào! Kịch bản của các “games” phương Tây đôi khi đơn giản và nông cạn, như trong Mario, bạn phải chiến đấu, giết được “con rồng”, “giải cứu công chúa” rồi “về nước”! Như thế, một sự nghiệp anh hùng được hình dung như một trận chiến ngắn ngủi, không phức tạp! Nhưng tính cách Nga dữ dội hơn nhiều, trong mô hình “games” Nga, để được “về nước”, bạn sẽ phải chiến đấu với lý tưởng, cuộc chiến kéo dài hàng chục năm, đôi khi phải biến đổi, hy sinh bản thân vì lợi ích dân tộc!

maskirovka

Trung Đông là kiểu một nồi canh hẹ, không thể rối hơn, chia 5 xẻ 7 để cho thằng Do Thái và Mỹ nó lợi dụng, ám sát hết người này đến người khác! Đây căn bản là vấn đề của con người, không phải là vấn đề của vũ khí và công nghệ! Các bài bản “maskirovka” – nghi binh chắc là ku Nga đã dạy cho hết rồi, nhưng không hiểu sao khi áp dụng lại kém đến thế! Ví dụ như ở VN trước 75, chiến trường ở đâu có điểm nóng là TW lại gởi tướng Lê Trọng Tấn đến! Được xem như fire-fighter, lính chữa cháy, tướng VN giỏi nhất đương thời, những trận quan trọng, ông Tấn trực tiếp cầm quân, như chiến dịch Lam Sơn 719 / Đường 9 – Nam Lào.

Nhưng cũng có khi ông ta chỉ đóng vai trò giám sát, để cho các sĩ quan trẻ hơn thực hành! Chỉ cần biết tướng Tấn đang ở đâu, các sư đoàn chủ lực VN đang ở đâu là đã có thể đoán ra thế trận rồi! Nên chuyện nghi binh, bảo mật nó phải trở thành một nghệ thuật! Thế là hàng ngày vẫn có ô-tô đến đón tướng Tấn (giả) đi họp ở BQP, cuối giờ chiều, người qua đường vẫn nghe thấy Tấn (giả) chơi bóng chuyền với cảnh vệ, hò reo ý ới, gọi tên như đúng rồi luôn! Nhưng thực ra trong lúc đó, tướng Tấn thật đang nằm trên một con tàu không số nào đó, chạy lòng vòng trên biển Đông, tìm cách cập vào một bến bí mật nào đó ở miền Nam!

the good, the bad…

Làm nhớ đến một đoạn thoại trong bộ phim nổi tiếng “Thiện, Ác, Tà – The good, the bad, the ugly”: Bạn thấy không, thế giới này có 2 loại người, 1 loại súng đã nạp đạn, và loại kia thì đào (mồ) – You see, in this world, there’re two kinds of people, my friend: those with loaded guns and those who dig. You dig!!! dantri.com.vn – Chiến sự Ukraine 19/7: Rộ tin Nga đã thọc sâu vào trung tâm Chasov Yar

tar and feather

17/7/1944 sau chiến dịch Bagration, Hồng quân Liên Xô phản công chiếm lại được Belarus và một phần Ba Lan, Romania… họ bắt hơn 150 ngàn tù binh Đức với thương vong chưa đến 1/5 của đối phương! Thắng lợi là rất rõ ràng, nhưng Anh, Mỹ và một số nước Đồng Minh lúc bấy giờ công khai bày tỏ nghi ngờ, con số 150K lớn quá, có khi nào là xạo!? Không còn cách nào khác, Stalin đành phải tìm cách chứng minh!

57 ngàn tù binh khỏe mạnh, còn khả năng đi lại được chọn ra, cứ như thế đi bộ qua các đường phố Moscow trước sự chứng kiến của báo chí quốc tế! Theo tiêu chuẩn đạo đức của ngày nay, theo công ước Geneva 1949, thì những kiểu sỉ nhục công khai như thế này đã bị cấm! Nhưng vậy vẫn còn tốt chán so với thời Miền Tây hoang dã (wide wild west) ở Mỹ, tội nhân bị trét hắc ín và lông chim đem đi diễu phố!

gazyr

Facebook nhắc ngày này năm trước… Những cái ống gắn trên ngực áo choàng Cossack là gì!? Nguyên gốc ngày xưa thời còn xài súng nạp đạn từ đầu nòng (muzzle loading) những cái ống đó gọi là “Gazyr”, được làm bằng gỗ, ống sậy, chứa sẵn thuốc súng và đầu đạn, được thiết kế để không bị ướt khi trời mưa, tuyết, và để có thể nạp đạn nhanh từ trên lưng ngựa!

Những ống này cũng có chức năng như một loại giáp nhẹ bảo vệ ngực! Đến khi đạn hiện đại xuất hiện, chúng mất đi vai trò cũ, được chuyển sang dùng làm ống đựng thuốc lá, hoặc trở thành vật trang trí đơn thuần và được làm rất cầu kỳ, tinh xảo! Đồ vật của hơn 500 năm trước vẫn còn lại đến ngày nay, một dạng skeuomorph – “ruột thừa”!

poltava

Trong phát biểu nhậm chức, Belousov đem tính mạng ra bảo đảm hoàn thành trách nhiệm được giao! Như ngày xưa Vasily Chuikov được giao nhiệm vụ bảo vệ Stalingrad vậy… Hỏi: anh nhận thức như thế nào về nhiệm vụ này? Đáp: hoặc là hoàn thành nó, hoặc là chết khi làm điều đó!

Người Nga là dân tộc rất, rất nghiêm túc, nói thế nào thì làm đúng như thế! Xem ra lần này ku Nga đã quyết tâm chơi lớn! Mạnh dạn dự đoán là họ sẽ không dừng lại cho đến khi tới được Poltava, là nơi 300 năm trước, Peter-the-great đã làm nên chiến thắng!

parade

Thông lệ hàng năm, 9 tháng Năm là ngày Gấu Nga trình diễn, khoe cơ bắp! Xem mãi các cuộc diễu binh cũng chán, mời các bạn xem trích đoạn bộ phim Người thợ hớt tóc ở Siberia, đoạn Sa-hoàng Alexander-3 dự lễ tốt nghiệp của các sĩ quan. Phim dựng lại theo đúng lịch sử, Alexander-3 là người to lớn, vạm vỡ với sức mạnh phi thường, cầm nguyên bộ bài Tây 54 quân, ông ta xé nó thành 2 mảnh. Hay đang ăn với chiếc đĩa bạc, ông ta dùng tay cuộn tròn cái đĩa lại như người ta cuộn bánh tráng vậy! Cái trò dùng tay cuộn đĩa kim loại này, đã có nhiều đời Sa-hoàng biểu diễn trên các bàn tiệc ngoại giao như một cách… hù đối phương!

Phim có đoạn Sa-hoàng Alexander-3 trò chuyện với hoàng hậu Maria Feodorovna bằng tiếng Anh: – Em còn phải lặp đi lặp lại bao nhiêu lần nữa, tại sao anh không bao giờ nghe em, Michael còn quá nhỏ, nó rất dễ bị kích động bởi các cuộc diễu binh cũng như các trò chơi quân sự. Alexander 3 trả lời rất hóm hỉnh, cũng bằng tiếng Anh: – Nếu tôi mà nghe theo em á, thì đến tận giờ chúng ta còn chưa có con được đâu! Haiza, xem phim để thấy rằng, đây đúng là một dân tộc kiêu hãnh và mạnh bạo, một nền văn hóa đầy màu sắc, một loại âm nhạc sinh động, tuôn chảy, phức tạp! Luôn tràn đầy sức sống, luôn tiến về phía trước!

nông trại

Tốt nghiệp xong, về làm việc tại trung tâm máy tính, ĐH KHTN, rồi trung tâm máy tính ĐH Quốc gia TPHCM. Cái trung tâm mới xây, đúng là thiên đường cho những ai đam mê, chuỗi (cluster) 64 máy con hàng xịn, cộng với những con server hàng khủng, và nhiều loại thiết bị mà tôi còn chưa nhìn thấy bao giờ, chưa biết là cái gì, tất cả được đặt trong phòng riêng, cùng với nhiều cục lưu điện – UPS to hơn cái tủ lạnh 200 lít. Nếu cúp điện thì những cục UPS này vẫn đủ khả năng giữ cho toàn hệ thống chạy suốt hơn nửa ngày, và khi lượng điện trong UPS xuống dưới một mức nào đó, thì do đã được lập trình sẵn, hệ thống sẽ tự khởi động cái máy phát đặt ở phòng kế bên, cấp điện cho toàn hệ thống, tất cả chạy hoàn toàn tự động!

Và đồng thời hệ thống cũng gởi tin nhắn qua điện thoại về tình hình hiện tại của các loại máy móc đến cho quản trị viên – admin, thường là đang đi uống cafe ở đâu đó biết để còn chạy về xử lý nếu cần! Vâng, giai đoạn khá là ngu ngơ, nhiệt huyết và lý tưởng, từ chối những “lời mời gọi tình yêu” của một số em gái, về đó nghiên cứu grid – computing, mà bây giờ người ta hay gọi là computing – farm – nông trại tính toán! Và vâng, đi vòng quanh, vòng quanh cái nông trang tập thể, năng lực tính toán thì có thừa, chỉ thiếu… bài toán cho nó giải quyết mà thôi! Hơn 25 năm sau, chuyện làm “nông trại” bây giờ thật quá dễ dàng, và cũng không thiếu bài toán cho nó giải quyết… Ekh, yedem my, yedem, Yedem, a krugom kolkhozy…

trên núi đồi Mãn Châu

Trên núi đồi Mãn Châu – On the hills of Manchuria! Trở lại một chút cái cái mood nhạc Nga, nếu nghe kỹ (và đọc lời) thì mới thấy rằng, bài ca là sự than khóc, cầu nguyện được ngụy trang (a mourning and praying in disguise), tác giả bài hát, nhạc sĩ Ilya Alekseevich Shatrov, đã có mặt ở đó, đã chứng kiến tất cả… là thành viên của băng nhạc Trung đoàn Mokshansky trong trận Phụng Dương (Mukden) với quân Nhật!

Chỉ 700 trong số 4000 người ban đầu của Trung đoàn còn sống sót sau trận chiến phá vòng vây, và băng nhạc thì… chơi nhạc để động viên tinh thần binh sĩ trong suốt thời gian chiến trận đó! Bài ca được viết sau đó để tưởng nhớ những đồng đội đã ngã xuống! Chiến tranh cũng đồng nghĩa là chết chóc, thương đau, chỉ là anh đối diện với nỗi đau như thế nào mà thôi… Bài ca trên nền clip phim Anna Karenina (2017).