Vật vạ chập chờn ngủ trong lúc xe âm thầm leo dốc, mỗi lúc tai cảm thấy ù ù là biết đã lên thêm một cao độ đáng kể nữa… Mở mắt trông ra những con phố, những trảng rừng lẩn khuất trong sương, qua hết một quãng mù lại hiện ra bầu trời đêm trong veo với hàng ngàn đốm sao lung linh, cứ như thế lặp lại nhiều lần. Nhìn thời khí đoán biết những ngày đến, trời sẽ trong, mát và ít mưa… tiết trời lý tưởng cho một chuyến đi. Nhà xe mở một đĩa nhạc không lời, âm lượng nhỏ thật nhỏ, chập chờn trong giấc ngủ vẫn mỉm cười vì sự tình cờ thú vị, lại được nghe cái giai điệu thượng du miền ngược đầy mê hoặc của Nhạc sầu tương tư giữa chốn này.
Suy nghĩ bổng dưng không còn dùng tiếng Việt, nào là lý trí và logic trong nghệ thuật, nào là đức tin và lý tính thuần túy (Immanuel Kant), nào là duy danh và duy thực (norminalism & realism), nào là tiên nghiệm và hậu nghiệm (a priori & a posteriori)… Những vấn đề từ lâu chẳng còn mấy quan tâm, cũng đã bước qua những “khung cửa hẹp” ấy một đôi lần. Sao còn có người băn khoăn và gợi lên những câu hỏi đó nhỉ, lại thêm một cái mỉm cười trong giấc ngủ. Dù sao thì còn có người quan tâm những điều như thế cũng tốt, những người dám bắt đầu bước đi trên con đường của riêng mình. Tâm trí cứ phiêu du miền metaphysics cho đến khi trời ửng sáng.
Qua hết đèo Prenn là vào thành phố, bước xuống xe vẫn còn chưa thấm hơi giá lạnh, nhưng khi chiếc phone cần đến 2, 3 cái touch để bắt đầu hoạt động đúng thì biết ngay là thời khí đã thay đổi, vội khoác lên người thêm chiếc áo gió. Đây rồi cái không gian để sống cho riêng mình, tạm bỏ lại sau lưng một nơi mà người người sống vì những giá trị của kẻ khác, vì những hình bóng trong mắt người khác, chẳng mấy ai có ý thức và khả năng theo đuổi những giá trị cá nhân tự thân. Nơi ấy người ta vẫn tiếp tục tự huyễn hoặc mình và huyễn hoặc nhau bằng những chuyện giả dối tầm phào… Biết bao nhiêu lần một nụ cười khinh thị thoáng hiện trên môi.
Những góc phố cũ kỹ đầy rêu và hoa, ly cafe bốc khói, những câu chuyện luôn dở dang với một vài người bạn cũ. Những bài nhạc Pháp dễ thương ở quán Tùng, ly da – ua đậm mùi “sữa”, một loại “sữa” còn sót lại từ thời bao cấp chỉ toàn có mùi đường và bột. Tối tối lại ghé qua Cung Tơ Chiều cùng hát với chị chủ quán 2, 3 bài. Giọng hát ấy trầm đục, không liêu trai mà luyến láy đầy cảm xúc. Chưa khi nào tôi hát Thuyền viễn xứ say sưa đến thế. Thật tội nghiệp, chỉ có hai người biết với nhau tại sao “Những đồi hoa sim” (Dũng Chinh) và “Áo anh sứt chỉ đường tà” (Phạm Duy) chẳng thể đi chung đường, tại sao vẫn phải nhìn thính giả bằng ánh mắt nửa buồn nửa vui lẫn lộn…
Nhưng “thu hoạch” lớn nhất của chuyến đi này là hai chiếc đĩa than ghi âm tiếng hát Thái Thanh và hợp ca Thăng Long (xem 4 bức hình chụp bên đây), trong đó có đủ 3 bản: Tiếng sông Hồng, Tiếng sông Hương và Tiếng sông Cửu Long của trường ca Hội Trùng Dương. Những thu âm rất lạ: hòa âm và hát bè không giống bất kỳ thu âm Hội Trùng Dương nào tôi đã từng nghe trước đây! Cầm trên tay hai chiếc đĩa microsillon mà không dấu được sự xúc động, đây là bản gốc của những nhạc phẩm: từng làm rung cảm cả một dân tộc, thấm sâu vào lòng đất nước và tạo thành danh
, đây là âm thanh nguyên thủy của tiếng hát trên trời: Thái Thanh!