sơn mài, sơn & mài



Trước quen một số bạn Mỹ thuật Gia Định, chuyên ngành Sơn mài. Có thể nhiều người chưa biết, Sơn mài là một ngành mỹ thuật rất đặc thù của VN. Cứ sơn lên rồi lại mài đi, làm như thế 10, 15 lớp, thậm chí nhiều hơn. Làm tranh sơn mài tốn công hơn các loại tranh khác rất nhiều, nhưng bù lại, tranh có độ trong, độ sâu huyền ảo, do có nhiều lớp chất liệu chồng lên nhau. Nhắc nhớ vụ án gần đây, kiệt tác, bảo vật quốc gia đã “lên đường” do bị “phục chế” bằng… nước rửa chén. Cũng có ý kiến (có khả năng cao) cho rằng: có ai đó đã mượn việc “phục chế” này để tráo một bức tranh giả, tranh chép vào đấy, còn bức “gin” của hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí thì đã biến mất.

Quay lại chuyện sơn và mài… với đồ gỗ nội thất, thường chỉ 2, 3 lớp sơn là đủ, nhưng với vật dụng ngoại thất, đặc biệt là thuyền bè, thì phải sơn 5 ~ 7 lớp là bình thường. Cực kỳ tốn công: sơn xong một lớp, đợi cho khô, dùng máy chà nhám chà cho bay bớt đi, rồi lại sơn chồng lên, lặp đi lặp lại như thế 5, 7 lần. Với đồ nội thất, sơn là để tạo ra bề mặt bóng đẹp, đồ ngoại thất thì lại cần lớp phủ bảo vệ bền. Nên sơn xong là chà, là mài đi, cái gì bám thì bám, cái gì bay là bay, cứ như thế 5, 7 lần mới có được lớp sơn bền đẹp. Chẳng liên quan gì, nhưng em mèo ngồi quan sát mình làm việc, giờ này qua giờ khác, mãi làm ko để ý thấy, lúc nhìn lại thì thấy nguyên bộ mặt tức tối, giận dỗi 🙂

cao khảo

Cao khảo – 高考, giống kỳ thi ĐH ở VN (âm Bắc Kinh hiện đại, hai từ cao & khảo đọc gần giống hệt nhau). Là một sự thách đố, làm khó các bạn trẻ giai đoạn đầu đời mà chẳng cần lý do vì sao. Một năm trước khi kỳ thi diễn ra, thầy cô chủ nhiệm họp phụ huynh và đề nghị: nếu muốn ly hôn, phá sản, cưới vợ lẻ, hay muốn qua đời vâng vâng… thì nên hoãn đến sau khi kỳ thi kết thúc, để con em tập trung ôn thi! 😀

Mình chưa bao giờ biết cảm giác đó là thế nào: không đi học thêm, không giải bộ đề, cũng vẫn tự ôn thi nhưng túc tắc một cách cầm chừng nhỏ giọt, kết quả không cao không thấp, 27.5/30 điểm. Vẫn luôn có những cách để các bạn trẻ thoát ra được những định kiến, lề thói, ràng buộc của xã hội để mà chọn hướng đi cho riêng mình, hay ít ra vẫn luôn có cách để giữ cho tâm hồn mình được tự do, thanh thản, mạnh khoẻ! 😀

con quay hồi chuyển

Báo chí VN tràn ngập những kiểu thông tin như thế: con quay hồi chuyển giúp loại bỏ 90% tròng trành của thuyền. Những tay “nhà báo” chuyên la liếm các trang tin nước ngoài rồi copy lại mà không có tẹo suy nghĩ! Trước hết, đúng là thiết bị này có một số ứng dụng thực tế chứ không phải là không. Những “gyroscopic device” thế này đã được phát minh ít nhất cách đây hơn… 100 năm, nhưng tại sao đến bây giờ vẫn không phổ biến!?

Thứ nhất là khối lượng của con quay hồi chuyển phải khá lớn mới có thể cân thuyền, điều này làm giảm trọng tải hữu ích, chưa kể năng lượng hao phí để giữ cái “gyroscopic device” đó quay liên tục ở tốc độ rất cao hàng ngàn vòng / phút. Thứ hai, quan trọng hơn nhiều: giúp cho thuyền có ổn định ở vị trí bình thường cũng có nghĩa là giúp thuyền có “ổn định” ở mọi vị trí, hiểu theo nghĩa: khó nghiêng, nhưng khi nghiêng cũng rất lâu quay lại vị trí cân bằng.

Khi sóng gió nhỏ, thuyền có vẻ như bớt lắc, nhưng trong sóng to gió lớn, thuyền rất lâu quay về vị trí cân bằng, điều này tạo nên cảm giác “say sóng” cực kỳ khó chịu, nếu không muốn nói là nguy hiểm. Những thí nghiệm cách đây gần 100 năm cho thấy: đúng là thuyền bớt lắc trong sóng gió nhỏ, nhưng nó cũng có xu hướng cứ giữ mãi tư thế nghiêng trong sóng to gió lớn, chính là vì con quay hồi chuyển giúp ổn định vật thể ở *trạng thái hiện tại*!

USS Henderson là con tàu đầu tiên được trang bị thiết bị ổn định con quay hồi chuyển (1917). Nhưng chính nhà sản xuất thiết bị cũng khuyến cáo chỉ dùng trong điều kiện sóng nhỏ, nếu sóng lớn thì nên “tắt” thiết bị này đi (!!??) 😅. Trãi qua hơn 100 năm phát triển, người ta thấy rằng, trên tàu biển, con quay hồi chuyển vừa nặng nề, vừa phức tạp, lại không hữu ích bằng “stabalizing fins”, các “vây, cánh” ổn định.

Có lúc, ai cũng nói, ai cũng nhắc: “con quay hồi chuyển”, xem nó như “thiết bị vạn năng”, “công nghệ toàn năng” giải quyết được mọi vấn đề. Tôi thì đơn giản nghĩ là sự lặp lại như con vẹt những khái niệm hình thức mà không thực sự hiểu nội dung, nội hàm của nó, điều đó chỉ phản ánh sự “thiểu năng trí tuệ” của người nói, nói mà không hiểu mình nói cái gì, đơn giản chỉ vì mọi người ai cũng đang “nói” về cái đó! Tập tính bầy đàn cố hữu của người Việt!