giãn cách, 1

Gần 3 tuần giãn cách đã gột sạch lớp da kayaker, chỉ còn lại lớp da coder, người thì trắng như Delilah, mà tóc tai thì hơn cả Samson, tiếc là đi ra đi vào đá cái cột nhà, chứ không có sức mạnh xô ngã 2 cái cột đền của anh ấy!

3 tuần giãn cách, em thề chỉ giặt đúng 3 cái quần đùi, cân nặng tăng 3kg, người cứ trắng nhẽ ra. Không mấy liên quan nhưng minh hoạ “dân chài” bên dưới có gì đó sai sai, buồm thì lug-rig nhưng có batten như junk-rig!

tt,  Hoàng Trọng  

Không biết thế nào hôm nay lại có tâm trạng nghe Thái Thanh hát nhạc Hoàng Trọng… nhân tiện, post luôn một số hình ảnh Thái Thanh trên các bìa nhạc cũ. Âm nhạc của một dân tộc chỉ có loại hay và dở, chứ không có loại ngăn cách bởi địa lý và chính trị, hơi dị ứng với các kiểu “đặt tên hàm hồ” như “âm nhạc pre 75”, “âm nhạc miền Nam”, cố gắng xây dựng một cái “thực thể” không có thật, hoặc cũng có những là với các loại “èo uột”, không có tí sức sống, sức sáng tạo nào như Chế Linh, Vinh Sử, etc…

Bóng trăng xưa - Thái Thanh 
Dừng bước giang hồ - Thái Thanh 
Hoa xuân - Thái Thanh 
Hương mộc lan - Thái Thanh 
Hương ngọc lan - Thái Thanh 
Một thủa yêu đàn - Thái Thanh 
Muôn kiếp ngậm ngùi - Thái Thanh 
Ngàn thu áo tím - Thái Thanh 
Tôi vẫn yêu màu hoa tím - Thái Thanh 
Ru ta ngậm ngùi - Thái Thanh 

Phạm Duy, Dương Thiệu Tước, Phạm Đình Chương, Lê Thương, Cung Tiến, Văn Phụng, Thẩm Oánh, Vũ Thành, Ngọc Bích, Xuân Tiên, Nguyễn Hiền, etc… là người Hà Nội. Đặng Thế Phong, Hoàng Trọng, Vũ Thành An, etc… là người Nam Định. Văn Cao, Ngô Thuỵ Miên, Đoàn Chuẩn, Hoàng Quý, Tô Vũ, etc… là người Hải Phòng. Tôi không nói “miền Nam” không có nhân tài, nhưng số đó trong âm nhạc không nhiều! Nói ngắn gọn là thế này: về rượu, chè, thuốc lào và âm nhạc, thì miền Nam cứ phải nhường miền Bắc!

8 bài bé ca

Lại qua giọng ca Thái Hiền (TH), post thêm ở đây một số bài ca viết cho lứa tuổi nhi đồng của nhạc sĩ Phạm Duy, ông hay có thói quen tập hợp các ca khúc cùng chủ đề thành những bộ 10 bài: 10 bài Đạo ca, 10 bài Hương ca, 10 bài Tâm ca… nhưng ca khúc chủ đề “nhi đồng” của ông thực ra nhiều hơn thế, chỉ post lại ở đây một số bài thường nghe lúc nhỏ! Sự phong phú, đa dạng trong âm nhạc Phạm Duy là điều không cần phải bàn cãi!

Bé bắt dế - Thái Hiền 
Chú bé bắt được con công - Thái Hiền 
Đốt lá trên sân - Thái Hiền 
Ông trăng xuống chơi - Thái Hiền 
Thằng bờm không đổi quạt mo - Thái Hiền 

Bầy trẻ thăm hỏi cung trăng, chú Cuội đâu vắng, cô Hằng đâu xa!? Từ ngày có vệ tinh bay, bay có 3 ngày lên tới mặt trăng, Cuội đành đem chị Hằng Nga, tìm xứ xây nhà không biết ở đâu! (bài Một đàn chim nhỏ) Những ca từ siêu dể thương, chú Cuội ở đây chính là Phạm Duy tự ám chỉ mình, là bài ca “cưa gái” viết cho vợ ông, Thái Hằng (cô Hằng), trước khi hai người cưới nhau… (tìm nghe bài Chú Cuội do Thái Thanh hay Ái Vân trình bày)

Kỷ niệm - Thái Thanh 
Em bé quê - ban Tuổi Xanh 
Một đàn chim nhỏ - Hoàng Oanh 

8 bài nữ ca

tám ca khúc nhạc sĩ Phạm Duy viết cho tuổi teen, mà cụ thể là cho Thái Hiền, con gái ông hát! Giai điệu bay bổng, tiết tấu rộn ràng, phối khí hay, những bài này đến giờ vẫn là những ca khúc hay nhất viết cho lứa tuổi: Tuổi thần tiên nép trong tay mẹ hiền, một dòng sữa thơm xa xưa còn truyền. Tuổi thần tiên đến khi em vừa lớn, áo ngắn đi dần, may áo mới luôn… (Tuổi thần tiên), hay như là: Xin cho em, một chiếc áo dài, cho em đi, mùa xuân tới rồi. Mặc vào người rồi ra, rồi lạy chào mẹ cha, hàng lụa là thơm dáng tiểu thơ… (Tuổi ngọc) vẫn luôn là những ký ức âm nhạc rất đẹp của tôi!

Tuổi mộng mơ - Thái Hiền 
Tuổi ngọc - Thái Hiền 
Tuổi hồng - Thái Hiền 
Tuổi thần tiên - Thái Hiền 
Tuổi sợ ma - Thái Hiền 
Tuổi xuân - Thái Hiền 
Tuổi ngu ngơ - Thái Hiền 
Tuổi bâng khuâng - Thái Hiền 

bài không tên

Không hâm mộ nhạc của Vũ Thành An lắm, thành thực mà nói, dù đôi khi vẫn nghêu ngao: Một làn khói trắng, ru đời vào quên lãng… Biết nói làm sao nhỉ, có nhiều nhạc sĩ thật sự tài năng, trình độ sáng tác điêu luyện, hiểu biết nhạc thuật sâu sắc .v.v… nhưng nhạc của họ đa phần vẫn không… thật hay, như Vũ Thành An, Trịnh Công Sơn, etc… biết nói sao, thôi cứ cho như là khẩu vị cá nhân của tôi vậy! Kiểu như Thái Thanh hát Nghe những tàn phai của TCS ấy, chiều nay em ra phố về, thấy đời là những chuyến xe…, hát “nhạc buồn” mà nghe đời vẫn cứ vui phơi phới!

Bài không tên số 7 - Khánh Ly 
Nghe những tàn phai - Thái Thanh 

sơn ca 10

Các ca khúc của băng nhạc Sơn ca 10 này đã post rải rác khắp nơi trên blog của tôi, nay tập hợp lại đầy đủ thành một bộ 18 bài hoàn chỉnh. Không cần phải nói thêm dài dòng, lời giới thiệu ở đầu băng nhạc, một cách khá ngắn gọn nhưng rất chính xác, đã nói thay tất cả: Hân hạnh giới thiệu một chương trình ca nhạc đặc biệt, Sơn Ca số 10, với tiếng hát Thái Thanh và ban hợp ca Thăng Long, qua những ca khúc tuyển chọn, từng làm rung cảm cả một dân tộc, thấm sâu vào lòng đất nước và tạo thành danh, tiếng hát Thái Thanh và ban hợp ca Thăng Long!

Sơn ca 10 - lời giới thiệu 

Mặt A

1. Các anh đi - Văn Phụng - Thái Thanh 
2. Nhớ người ra đi - Phạm Duy - Thái Thanh 
3. Sáng rừng - Phạm Đình Chương - ban Thăng Long 
4. Về mái nhà xưa - Nguyễn Văn Đông - Thái Thanh 
5. Những bước chân âm thầm - Y Vân - Kim Tuấn - ban Thăng Long 
6. Đêm ngắn tình dài - Dương Thiệu Tước - Thái Thanh 
7. Giã từ đêm mưa - Văn Phụng - ban Thăng Long 
8. Hoài cảm - Cung Tiến - Thái Thanh 
9. Xóm đêm - Phạm Đình Chương - ban Thăng Long 

Mặt B

1. Tình ca - Phạm Duy - Thái Thanh 
2. Sang ngang - Đỗ Lễ - Thái Thanh 
3. Khúc nhạc ly hương - Lâm Tuyền - Thái Thanh 
4. Tiếng sông Hồng - Phạm Đình Chương - ban Thăng Long 
5. Tiếng sông Hương - Phạm Đình Chương - ban Thăng Long 
6. Tiếng sông Cửu Long - Phạm Đình Chương - ban Thăng Long 
7. Mấy dặm sơn khê - Nguyễn Văn Đông - Thái Thanh 
8. Hẹn hò - Phạm Duy - Thái Thanh 
9. Bài hương ca vô tận - Trầm Tử Thiêng - Thái Thanh 

tt, đặng thế phong

Ai nức nở thương đời,
châu buông mau, dương thế bao la sầu…

trừ bài cuối có chất lượng âm thanh hơi kém, hai ca khúc đầu thể hiện rõ chất giọng Thái Thanh, người đọc lời dẫn là ca sĩ Quỳnh Giao. Ba ca khúc ít ỏi còn sót lại: Đêm thu, Con thuyền không bến và nhất là Giọt mưa thu, hay như cái tên ban đầu của nó: Vạn cổ sầu, dường đã khóc trước cho số phận của người nhạc sĩ tài hoa nhưng đoản mệnh này!

Đêm thu, Con thuyền không bến & Giọt mưa thu - Thái Thanh 

Khi nhạc sĩ Phạm Duy theo chân gánh hát Đức Huy đến Nam Định thì Đặng Thế Phong đã qua đời được vài năm, khi mới 24 tuổi, ông (PD) chỉ còn biết tìm lại người xưa qua những nét nhạc… và cũng chỉ có ông mới nhìn ra những nét dân ca VN (sa mạc, bồng mạc) trong thể loại âm nhạc tưởng chừng như là thuần “thất cung”, thuần Tây phương của Đặng Thế Phong…

gởi người em gái miền nam

Đọc ca từ này, có thêm “chứng cứ” để nghĩ rằng người trong mộng của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn chính là ca sĩ Mộc Lan, người hát trên sóng radio miền Nam: Đêm hôm nao, ngồi nghe qua không gian, em tôi mơ miền xưa qua hương lan. Trời Bắc lóa ánh đèn, một người trên đất Bắc chờ em.

Gửi người em gái miền Nam – 1956 . Bài hát đáng yêu được viết bởi Đoàn công tử – Đoàn Dự, ý quên, Đoàn Chuẩn! Phải đọc lời đầy đủ thì mới hiểu ngữ cảnh của bài nhạc. Nhạc Đoàn Chuẩn, trong khẩu vị của tôi, có phần hơi đơn giản, nhưng vẫn bàng bạc trong đó một sắc mầu đã phai của dân ca cổ Việt Nam, một chút “lục – bát” cố hữu còn vương vấn lại: đường xưa lối ngập lá vàng, đường nay thong thả bao nàng đón xuân…

thói rất xấu của người Việt, tuỳ tiện thay đổi, diễn dịch khác đi ý tứ sáng tác của người khác, dù là vô ý hay cố tình! Một tâm sự rất đặc biệt đến như thế lại bị sửa đổi thành một lời ca chung chung, chẳng có ý vị gì! Không những chỉ diễn dịch sai ý của tác giả mà còn tách rời bài hát ra khỏi bối cảnh lịch sử của nó! Ngay ca sĩ Hồng Nhung hát bài này vẫn cắt bớt lời. Hãy đọc kỹ phần bên dưới để biết rõ ca từ gốc!

Gởi người em gái miền Nam - Hồng Nhung 

Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng. Rừng đào phong kín cánh mong manh hé hoa lòng. Hà Nội mừng đón tết, hoa chen người đi, liễu rũ mà chi. Đêm tân xuân, hồ Gươm như say mê. Chuông reo ngân, Ngọc Sơn sao uy nghi. Ngàn phía đến lễ đền, chạnh lòng tôi nhớ tới người em.

Tôi có người em gái, tuổi chớm dâng hương, mắt nồng rộn ý yêu thương. Đôi mắt em nói nhiều, tha thiết như dáng kiều, hoa tình yêu! Nhưng một sớm mùa thu khép giữa trời tím ngắt. Nàng đi gót hài xanh, người đi trong dạ sao đành, đường quen lối cũ ân tình nghĩa xưa.

Rồi từ ngày ấy sống trong Nam nơi kim tiền. Ngục trần giam hãm tấm thân xinh, đôi mắt huyền. Đời nghèo không lối thoát, em tôi đành thôi, cúi đầu mà đi. Xuân năm nay, đường đêm Catinat, hoa mai rơi, rủ nhau nơi phương xa. Dần trắng xóa mặt đường, một người em gái nhớ người thương!

Rồi ngày thống nhất đến rất nhanh không ai ngờ, cầu chia giới tuyến đến mai đây san đất bằng. Nụ cười trong gió sớm, anh đến chờ em giữa cầu Hiền Lương. Em tôi đi, màu son lên đôi môi, khăn san bay, lả lơi trên vai ai. Trời thắm gió trăng hiền, Hà Nội thêm bóng dáng nàng tiên.

Em, tháp Rùa yêu dấu, còn đó như thơ, lớp người đổi mới khác xưa. Thu đã qua những chiều, song ý thơ rất nhiều, cả tình yêu. Em, nhẹ bước mà đi, giữa khung trời bát ngát, tình ta hết dở dang. Đường xưa lối ngập lá vàng, đường nay thong thả bao nàng đón xuân.

Lòng anh như giấy trắng thanh tân ép hoa tàn. Thời gian vẫn giữ nét yêu đương nơi hoa vàng. Dịu lòng đàn dẫn phím, ý thơ trào dâng, viết gửi về Nam. Đêm hôm nao, ngồi nghe qua không gian, em tôi mơ, miền xưa qua hương lan. Trời Bắc lóa ánh đèn, một người trên đất Bắc chờ em.

Một vài bìa nhạc Đoàn Chuẩn – Từ Linh:

tt – lâm tuyền

Chiều chiều ngồi trông ra khơi mờ xa.
Từng đàn chim bay trong ánh hoàng hôn…

Nhạc của Lâm Tuyền có nét riêng, mang màu sắc nhạc thuật, cũng từ một không gian và thời gian của Nguyễn Hữu Ba, Lê Quang Nhạc, Văn Giảng, etc… mà ra, nên có lẻ “hợp gu” các cụ Hoàng Trọng, Văn Phụng, Vũ Thành, Nghiêm Phú Thi… Mí lại các vị ấy hãy còn cố gắng gìn giữ một đường lối âm nhạc mang tính giáo dục thẩm âm, định hướng thẩm mỹ trên sóng radio. Cá nhân tôi thấy âm nhạc của ông khá nhàm chán (thêm nữa số lượng sáng tác còn lại cũng không nhiều), riêng Khúc nhạc ly hương qua giọng ca Thái Thanh là một kỷ niệm thủa nhỏ!

Khúc nhạc ly hương - Thái Thanh 
Hình ảnh một buổi chiều - Thái Thanh 
Tiếng thời gian - Thái Thanh 
Trở về dĩ vãng - Thái Thanh 
Tơ sầu - Thái Thanh 

văn giảng


Tựa: trong thời đại nhạc thương mãi đang hoành hành trên nửa phần đất nước nầy, thính giả hầu như đã lãng quên những nét vàng son vang bóng thời qua, những nét nhạc hiện thiếu người nuôi dưỡng, phải lép vế dưới thế lực của những nhà thương mãi và những người có uy thế phổ biến loại nhạc thời trang hiện nay.

Những ca khúc thời gian qua sáng tác hoàn toàn bằng cảm hứng, không gượng gạo hay uốn nắn theo một đường hướng khác với ý tác giả, viết bằng những tình cảm trung thực nên dễ làm xúc cảm người nghe, gợi hoặc để lại cho thính giả những cái gì cao đẹp mà thời gian khó xoá bỏ được. Họ viết là để ghi lại những cái gì muốn nói và hy vọng truyền cảm qua người khác dìu – dắt nhau cũng đi trên con đường xây dựng Thiện – Mỹ.

Tác phẩm thời ấy như một đứa con xuất thân một gia đình thanh – cảnh có truyền thống tốt, lại được nuôi dưỡng tử – tế, làm sao không trở nên một đứa con hữu ích cho xã hội. Người nuôi dưỡng nó là ai ? nhiều khi không phải là người sinh ra nó, mà lại là những người hâm mộ giá trị của nó, tự thấy có trách – nhiệm phải giới thiệu cái hay, cái đẹp cho người khác. Chính nhờ tinh – thần vị – tha và giá trị của tác phẩm, nhiều ca, nhạc sĩ và cơ – quan phổ biến được nổi danh và nhận được nhiều thiện cảm của thính giả.

Ngược lại thời nay, những tác phẩm giá trị lại không được trình bày nhiều vì thiếu người nuôi dưỡng vô vị lợi, những ca khúc kém phần nghệ thuật lại được nghe hoài qua các làn sóng điện. Những bài hát này cũng như những đứa con hư xuất thân những gia đình truyền thống kém nếu không muốn nói là hạ cấp, có những nét phù phiếm bên ngoài mà nội dung rỗng tuếch. Nhưng chúng lại gặp may, được sinh sản trong một cái thế giới đảo – điên, tâm hồn con người đang thác – loạn chạy theo cái hào hoa bên ngoài, được săn – sóc bằng những bàn tay trục lợi của những kẻ có thế lực. Có lẽ vì hiện trạng chiến – tranh, vì thế lực kim tiền của ngoại nhân, những người kém trí thức, thiếu tự trọng đã gặp nhiều cơ – hội tốt trở nên giàu có trong nháy mắt, và những kẻ đứng đắn lại phải cam chịu phận nghèo vì tự – ái. Có lẽ vì hạng người thứ nhất khá nhiều, nên loại nhạc thời trang hiện nay đã phục vụ đắc lực cho họ, và loại nhạc đứng đắn có nghệ – thuật không đứng vững được vì hạng người thứ hai quá ít. Đây là điều mà chúng tôi và những người tha – thiết muốn xây dựng cho nền nhạc Việt rất buồn phiền, nhưng không biết làm sao lật đổ những tệ đoan ấy vì khả năng phổ biến nhạc hiện nay đang ở trong tay những kẻ thủ lợi có thế – lực.

Thấy thực tại mà càng thương mến dĩ vãng. Cho nên ngay phút đầu tiên tiếp xúc với nhóm “Đất Lành” chủ trương tuyển tập nhạc “Vang bóng một thời”, tôi đã có cảm tình ngay. Đây là một việc làm đáng ca ngợi và khuyến khích, một việc làm vô vị lợi. Chúng tôi thiết – tha mong Quý Vị đón tiếp tập tuyển nhạc nầy với một thiện cảm nồng nhiệt, và miễn thứ cho nhóm chủ trương những thiếu sót vì hoàn cảnh khó khăn trong việc thực hiện.

Hè 1971, Văn Giảng

Một vài bìa nhạc Văn Giảng:

bìa nhạc phạm duy, 4

Bìa nhạc Phạm Duy,
phần 1, phần 2, phần 3, phần 4

Nhiều người vẫn có “thói quen” dùng ngôn từ theo kiểu “chụp mũ” như thế, và không có đủ nhận thức rằng thật ra chúng khác nhau một trời một vực, và vô hình chung tự gài bẫy chính mình bằng những khái niệm không thể nhảm nhí hơn. Giống như người am hiểu thư pháp, chỉ cần cầm bút lên, chấm đúng một chấm thôi cũng đã đủ biết công phu đến đâu rồi, người hiểu biết không cần đến 3 giây để nghe ra sự khác biệt. Đã là thế kỷ thứ 21 mà nhìn chung dân trí và sự thẩm âm ở cái xứ này vẫn chưa qua được châu Âu thời kỳ Trung cổ!

bìa nhạc phạm duy, 3

Bìa nhạc Phạm Duy,
phần 1, phần 2, phần 3, phần 4

Cái sự gom nhóm theo kiểu cá mè một lứa đó là do những người không hiểu biết muốn đánh đồng tất cả những loại hay dở, hay ngu xuẩn hơn, là muốn thể hiện một quan điểm chính trị xã hội gì đó. Đó là một kiểu suy nghĩ nông dân ấu trĩ, người ta đã đi đến tận đâu đâu, mình còn ngồi đây, không có được một hiểu biết sơ đẳng thì sẽ luôn mắc phải những lỗi tư duy logic hình thức lớp 3 như thế như gà mắc tóc mãi. Không cớ gì là Bắc, Nam, Quốc, Cộng… tất cả đều có những người tốt xấu, những loại hay dở khác nhau, ở đâu và thời nào cũng vậy.

bìa nhạc phạm duy, 2

Bìa nhạc Phạm Duy,
phần 1, phần 2, phần 3, phần 4

Tiện thể nói chuyện bên lề, xin nói rõ một vấn đề về cách gọi, những khái niệm như: nhạc vàng, nhạc tiền chiến, nhạc xưa, nhạc sến, nhạc miền nam, etc… chỉ là những umbrella term, những cách gom nhóm hết sức tuỳ tiện, thô thiển. Nếu ai đó tìm hiểu kỹ, sẽ thấy không phải bây giờ mà từ ngày xa xưa, văn hoá nghệ thuật Việt Nam cũng đã là một nồi lẩu thập cẩm đủ loại thượng vàng hạ cám, không thiếu một điều gì từ âm nhạc đích thực, loại làng nhàng, rồi loại ba xu rẻ tiền, cho đến loại lưu manh, đĩ điếm (kiểu như Em ơi chiều nay 100%).

bìa nhạc phạm duy, 1

Bìa nhạc Phạm Duy,
phần 1, phần 2, phần 3, phần 4

Tập hợp khoảng 150 bìa nhạc Phạm Duy… đây chỉ là một phần nhỏ trong số cả ngàn tác phẩm âm nhạc của ông, còn nhiều ca khúc khác không có bìa nhạc tương ứng, hoặc là thời gian đã quá xa xăm để có thể tìm lại được. Một số là những minh hoạ, giới thiệu đơn giản, một số có vẻ “ngây ngô” theo cái nhìn thời bây giờ, nhưng một số khác là những tiểu phẩm hội hoạ thực sự độc đáo do các hoạ sĩ tên tuổi thực hiện. Một thời, những tác phẩm âm nhạc được phổ biến theo cách như thế, những bản in lụa, in typo công phu, xinh xắn…

văn phụng

Các anh về tưng bừng trước ngõ, lớp lớp đàn em hớn hở theo sau.
Mẹ già bịn rịn áo nâu, vui đàn con ở rừng sâu mới về…

Nói về nhạc cảm, trước khi hiểu được phần nào âm hưởng dân ca Việt Nam trong nhạc Phạm Duy, Lê Thương, Văn Cao, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh… một điều mà tôi phải qua 25, 30 tuổi mới cảm được phần nào, thì, nó giống như một đường vòng, con đường cảm nhận âm nhạc dễ dàng nhất là qua nét nhạc… Tây phương. Có một nhóm các nhạc sĩ trước 75 chuyên sáng tác thuần theo phong cách Tây phương, ít hoặc không sử dụng các nét dân ca VN: Văn Phụng, Cung Tiến, Vũ Thành

Tiếng dương cầm - Thái Thanh 
Bóng người đi - Thái Thanh 
Các anh đi - Thái Thanh 

Đa số các vị này đều là Công giáo, con đường âm nhạc của họ bắt đầu từ… nhạc nhà thờ, họ học nhạc lý vỡ lòng với các linh mục, và đa số đồng thời là những nhạc sĩ hòa âm tài năng. Nhạc của họ nghe rất dể nhận ra và dể nhập tâm… dĩ nhiên điều đó không có nghĩa là nhạc của họ thuộc loại “easy – listening”. Nói cho đúng thì tôi đã thích những tác phẩm của ông: Tiếng dương cầm, Bóng người đi, Tôi đi giữa hoàng hôn, Ô mê ly… những circle of fifths dạng như: trao ai duyên ban đầu, dù muôn năm trọn kiếp không phai mầu, thương cho ai dãi dầu…, nhiều năm trước khi hiểu rằng Các anh đi mới là ca khúc mình thực sự yêu thích!

Một vài bìa nhạc Văn Phụng:

hoàng thi thơ

Nếu ai đó để cho trí nhớ của mình quay lại những khoảnh khắc mong manh xa xưa sẽ không dấu được trên môi những nụ cười nhẹ như thời gian thoáng qua… những đứa bé chưa lớn ngày xưa nghêu ngao những lời hát: Thi ơi Thi, Thi biết không Thi, khi con tim yêu đương là sống với đau thương… hay Anh xin đưa em về, về quê hương yêu dấu, Anh xin đưa em về, về quê hương tuyệt trần… Những đứa bé đó đang hát nhạc của Hoàng Thi Thơ và dám cá là về sau, đa số sẽ bắt gặp lại chính mình với cảm giác ngượng ngùng khi nghe lại những bản nhạc ấy: phải chăng đó chính là chúng ta một thời như thế?

Phút đầu tiên – Thái Thanh 
Đường xưa lối cũ – Thái Thanh 

Nhạc của Hoàng Thi Thơ rất quen thuộc qua nhiều thế hệ, những bản Gạo trắng trăng thanh, Trăng rụng xuống cầu, Tà áo cưới rất phổ biến ở thế hệ cha mẹ tôi. Riêng cá nhân tôi thì chỉ thích một phần các tác phẩm của Hoàng Thi Thơ, và biết rằng nhạc của ông, cũng như của nhiều tác giả khác, thuộc loại phải cần một không gian, một giọng ca phù hợp, một cảm nhận thực sự để không bao giờ phải thấy ngỡ ngàng, xa lạ với chính mình. Trong số những tác phẩm của Hoàng Thi Thơ, tôi đặc biệt thích Phút đầu tiên, một bản nhạc có phần đi trước thời gian của nó…

Một vài bìa nhạc Hoàng Thi Thơ:

hoài cảm

Một chiều bâng quơ, thầm hát câu: chờ nhau hoài cố nhân ơi, sương buồn che kín muôn nơi, hẹn nhau một kiếp xa xôi…, hát rồi tự hỏi không biết đây là bài gì, nhạc của ai. Mất một phút suy nghĩ mới nhớ ra bài Hoài cảm của Cung Tiến. Nghĩ rồi cười một mình.

Hoài cảm - Thái Thanh 

Một bài hát nổi tiếng và phổ biến như thế này, nhiều người nghe, nhiều người biết nhưng không chắc mấy ai cảm được, nhạc Cung Tiến là như thế! Những Mắt biếc, Thu vàng, Lệ đá xanh, Hoàng hạc lâu, Hương xưa, Nguyệt cầm… mãi mãi là những ngón tay chỉ đến một mặt trăng xa xôi nào đó…

⓵⏎ Bản thu âm này trích từ trong băng nhạc Sơn ca 10: giọng hát Thái Thanh và ban hợp ca Thăng Long.

mầu kỷ niệm dvd

Trời thần tiên, đôi bướm nhịp nhàng lả lơi,
Nương cánh nhau đi xa hơn cả cuộc đời!

Tập hợp 25 ca khúc tưởng niệm sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Hòa âm phối khí và kỹ thuật thâu âm tốt, a must – see DVD. Những ca khúc vang bóng một thời: Xóm đêm, Người đi qua đời tôi, Đêm nhớ trăng Sài gòn, Ly rượu mừng, trường ca Hội trùng dương, Tiếng dân chài, Sáng rừng… và đặc biệt là: Mầu kỷ niệm và Đôi mắt người Sơn Tây.

Mầu kỷ niệm - Thái Hiền 
Đôi mắt người Sơn Tây - Bích Liên 

Một số bìa nhạc Phạm Đình Chương:

thẩm oánh

Hãy nhìn lại một góc ngôi trường của chúng ta, cái sân lát gạch và những gốc vông đồng sau này đã được thay thế bằng sân xi-măng và những cây bàng.

Âm nhạc cải cách phải theo ý nhạc Việt Nam và phải có cảm tưởng thuần túy Á Đông. (Thẩm Oánh)

Ai cũng biết Thẩm Oánh là nhạc sĩ tiên phong của Tân nhạc, nhưng ít người biết dù là chút ít về ông. Wiki viết được đúng 1 dòng, thậm chí còn không giới thiệu được một sáng tác nào của nhạc sĩ. Trường cấp 2 của tôi, PTCS Trưng Vương, Đà Nẵng (trước 1975 là trường tiểu học Thánh Tâm), hàng năm đều kỷ niệm ngày truyền thống trường. Tôi còn nhớ lễ kỷ niệm 10 năm được tổ chức rất hoành tráng, có nhiều hoạt động văn nghệ, và Trưng nữ vương của nhạc sĩ Thẩm Oánh được dùng như ca khúc chính thức của trường.

Trưng nữ vương 
Nhà Việt Nam 

Bài hát này tôi còn nhớ mãi đến bây giờ, cùng với rất nhiều kỷ niệm khác dưới mái trường dấu yêu. Lũ học sinh chúng tôi được tập bài hát này nhiều lần, nhưng với nhạc cảm của tôi lúc ấy, tập mãi mà tôi cũng chỉ hát được một nữa bài. Ngay từ lúc ấy, tôi đã cảm nhận loại nhạc này khác hẳn với loại nhạc đỏ mà lũ học sinh dưới mái trường XHCN chúng tôi thường nghe và hát. Bài này so với: em mang trên vai màu khăn tươi thắm, bao niềm mơ ước tươi sáng ngày mai… hẳn không cùng một loại như nhau.

Là thành viên nhóm nhạc Myosotis cùng với Dương Thiệu Tước, nhạc sĩ Thẩm Oánh là thế hệ đầu tiên, là người có tuyên ngôn sáng tác rất rõ ràng về Tân nhạc. Ông sáng tác rất nhiều tác phẩm thuộc các thể thoại hùng ca (như bài Nhà Việt Nam, một bài hát cho hướng đạo), tình ca, nhạc thiếu nhi và nhạc Phật giáo. Gia tài âm nhạc của ông có hơn 1000 bài, nhưng đến nay chỉ còn lưu truyền 5, 7 bài thi thoảng được vài người nhắc đến. Một phần vì tác giả hạn chế không phổ biến nhạc của mình (cái chữ nhạc tài tử thực chất là để “bao biện” cho quan niệm chung xem âm nhạc là “xướng ca vô loài”, phần lớn lứa nhạc sĩ tiên phong đều muốn gọi nó là thú vui tài tử hơn là nghề nghiệp thật sự). Phần khác vì nhạc của ông (ngoại trừ một vài bản hùng ca dễ hát dễ nghe) còn thì phần lớn không dành cho đại chúng, chỉ phù hợp với một lớp thính giả ít ỏi.

Âm nhạc của Thẩm Oánh có thể được mô tả bằng một chứ “hoà”: hoà điệu với thiên nhiên, hoà vào lòng người. So với Tân nhạc về sau, nhạc của ông có phần “đơn giản”. Tuy vậy, thứ nhạc “đơn giản” ấy mang tôi đi từ hết ngạc nhiên này đến thú vị khác… Điều tinh tuý trong âm nhạc Thẩm Oánh là sự hoà trộn của ngũ cung Việt Nam và ngũ cung Trung Hoa, cũng như cách chuyển hệ (métabole) giữa hai loại ngũ cung đó. Ông dùng ngũ cung Trung Hoa theo một cách gần như là vô thức, có lẽ thừa hưởng từ gốc gác người Hoa xa xưa (họ Thẩm) của mình. Hãy tìm nghe một số nhạc phẩm trữ tình của ông như: Toà miếu cổ, Khúc yêu đương, Xuân về… để cảm nhận dáng nhạc rất đặc biệt của Thẩm Oánh!

Một vài bìa nhạc Thẩm Oánh: