thành ý, chính tâm

Khi những chuyện đơn giản mà nói hoài không hiểu, những việc rất nhỏ mất hàng chục năm không làm được, đó chính thực là vấn đề… rất lớn! Thật ngạc nhiên khi chẳng ai dám nói ra nguyên nhân, bản chất thực bên dưới, chỉ lảm nhảm những cái hình thức trên bề mặt! Trộm vặt khắp nơi, từ sân bay cho tới bến xe, đinh rải đầy đường, ma tuý và thuốc lắc nhan nhản! Mạng xã hội thì hết hơn 8, 9 phần nội dung là đĩ điếm, lưu manh, xàm xí, xã hội thì tràn ngập không thiếu thứ tệ nạn nào! Báo chí cũng dần xem sự lưu manh trong xã hội là bình thường, thậm chí còn hùa theo! Khi bạn nhìn vào đó đủ kỹ, sẽ thấy chúng như 2 mặt của một đồng xu, tuy 2 mà 1, tuy 1 mà 2! Đầu óc trống rỗng và hoa ngôn xảo ngữ đi đôi với nhau, chính là mặt này, mặt kia vì nhau mà có, lặp lại như cái máy một số câu chữ tào lao, nhưng hiểu một từ cho kỹ, viết một câu cho đúng cũng không làm được!

Hai vấn đề tương sinh – tương diệt nữa: bản thân không tự định hình được niềm tin, giá trị gì, nhưng ai nói gì cũng tin, nói năng hùng hồn như đúng rồi luôn, nhưng bên trong không xác tín, không cố định được điều gì! Luôn ghen ghét vặt vãnh, tự ti và mặc cảm, nhưng lúc nào cũng “tôi biết, tôi đúng”, ai khác “tôi” là không được, đó cũng lại là 2 mặt tương sinh – tương diệt nữa! Không lớn về mặt tư cách, những “cái tôi” nhỏ nhoi suốt ngày đấu đá, tính kế nhau, không xây dựng được giá trị, ý thức cộng đồng, đó cũng là 2 mặt của cùng một vấn đề nữa. Thực chất, mọi chuyện đều là những biểu hiện, phản ánh từ cái “tâm” mà ra! Và cứ phải nói thẳng ra như thế, thực trạng XH Việt như ngày nay, chính là kết quả của những cái tâm bất thiện! Mọi lý do đều là lý trấu khi chưa nói đến đó: người Việt không thiếu sự “thông minh, chịu khó”, “chả thiếu thứ gì”, chỉ thiếu mỗi sự tử tế!

Không có sự tự tế nhỏ nhoi này thì không làm được việc gì cho ra hồn cả, làm gì cũng hỏng, càng làm càng đẻ thêm ra vấn đề! Chưa nói đến những đại sự “trị quốc, bình thiên hạ”, thậm chí còn chưa nói đến “tu thân, tề gia” nhé, vì trước “tu thân” vẫn còn mấy chữ: “cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm”, mà sao không thấy ai nói! Em biết nói ra như thế là sẽ ăn vô số gạch đá: mày là ai, mày đã làm được gì mà dám nói như thế… nhưng em cứ nói, chuyện rất đơn giản mà sao tổ chức hết hội nghị này đến nghiên cứu kia, tốn hết bao nhiêu giấy mực và nước bọt mà mấy chục năm rồi mà sao không ai nhìn ra!? Đừng đổ lỗi cho giáo dục, phe phái, ý thức hệ, tôn giáo, vùng miền, đừng tìm cách lấp liếm và nguỵ biện! Cứ nói thẳng ra như thế, mọi vấn đề của xã hội Việt, đều có cùng một lý do: “tâm địa bất chính”! Nói “tâm địa bất chính” đôi khi vẫn là “mỹ từ”, nói thẳng ra là đủ trò lưu manh vặt hạ cấp!

Biết là nói ra sẽ có người nhảy vào tìm cách xảo ngôn xảo ngữ ngay, nên… em dự đoán trước một số tình huống một số người có thể sẽ nói: “cách vật” – tức là phải cách xa sự vật (chữ cách này là – suy xét, không phải – xa cách nhé), “tu thân” – “tu” theo Phật giáo phải là như thế này thế kia, khái niệm “tu thân” của Khổng tử chả liên quan gì tới Phật (phải hơn 500 năm sau nữa thì Phật giáo mới bắt đầu truyền đến TQ) mặc dù dùng chung chữ “tu”: tu sửa, tu bổ, tu chính… Cứ như thế, người Việt sẽ dùng những mẹo chơi chữ “thiểu năng” để lươn lẹo chứ không bao giờ chịu hiểu vào bản chất, cái “tôi” đổi màu liên tục như con salamander vậy! TQ thì xem như đã bước vào giai đoạn “bình thiên hạ”, còn chúng ta vẫn còn mãi mắc ở khâu “chính tâm”! Nên tuy chỉ là một phàm phu tục tử, chẳng phải thánh nhân gì, đôi lúc cũng đành phải gượng gạo rằng: Hà lậu chi hữu – 何陋之有?!

thanh xuân, 2

Có một thời phim thanh xuân TQ tập trung vào phân tích, giảng giải những chiêu thức lừa đảo thường gặp trong xã hội. Một học sinh thành tích kém, vì tuyệt vọng nên đăng ký vào các trung tâm “luyện thi”, nhưng ở đó suốt ngày chẳng học hành gì, toàn dạy mấy chiêu “tự kỷ ám thị”: quấn băng “quyết thắng” lên đầu, rồi gào thét: “tôi sẽ thành công, sẽ thành công”! Thành công mà văng ra từ đằng miệng như nước bọt được thì cuộc đời đã quá dễ dàng! Đến cả những chiêu thức gian manh của học sinh cũng được phổ cập, có một vài thí sinh thi vẽ biết chắc là không đạt, nên bôi đầy màu nước lên mặt sau bài thi, để khi thu bài xếp chồng lên nhau sẽ lem qua, phá hoại bài của thí sinh khác! Đây chính là phổ biến cho các thầy cô coi thi, phải kiểm tra kỹ bức vẽ, nếu thấy thí sinh nào có dấu hiệu lưu manh là sẽ bị huỹ tư cách thi vĩnh viễn, không được dự thi lần sau! Luôn không hết ngạc nhiên về cách phim thanh xuân TQ phổ biến những kiến thức chống tiêu cực xã hội.

Một số, như phim này, có chiều sâu tâm lý đáng kể, kịch bản rất ổn, tiếc là vẫn còn một số chỗ hơi gượng ép! Những tính cách đa dạng của lứa tuổi, những nẻo đường phát triển cá nhân khác nhau, không ai giống ai, đều được mô tả theo một cách phong phú, đầy màu sắc! Như kiểu một người mới học vẽ chỉ có nửa năm mà đã đạt được tiến bộ còn hơn người có mười năm học vẽ ở Cung thiếu nhi, gây ra một sự ganh ghét không nhỏ trong đám bạn, chuyện như vậy tôi đã từng thấy khi còn ở tuổi đó! Muôn hướng phát triển tính cách, yêu, ghét, hờn ghen, giận dỗi, vừa yêu thương, vừa mâu thuẫn, thể hiện được sự phức tạp, nhạy cảm của lứa tuổi! Xem để hiểu vì sao người ta “lớn”, đừng để trở thành như xã hội Việt, trong đám bạn cũ ngày xưa quanh tôi, ngày xưa chưa lớn thì thôi cũng đành, đến hơn 20 năm sau, rất nhiều người vẫn không chịu “lớn”! Nếu xem hãy tự mình xem kỹ, đừng xem review nhảm trên mạng, chúng nó cũng chỉ thấy điều chúng nó muốn thấy mà thôi!

tom, 7

Ku Tom vẫn còn biết nhà là nơi có thể về, được tắm rửa, lau sạch vết thương, được cho ăn đầy đủ và cho uống kháng sinh chống viêm nhiễm! Cố gắng làm “con ngoan trò giỏi” được vài ngày, ăn đẫy rồi lại ngủ, ngủ đẫy rồi lại ăn, lại trở thành con mèo văn minh, béo tốt, sạch sẽ!

“Văn minh” được vài ngày thì bản tính hoang dã trỗi dậy, lại bỏ nhà đi 2, 3 ngày không về, khi trở về thì lấm lem, bẩn thỉu, trên người đầy vết thương và sưng tấy, bộ mặt giống như một tên “khố rách áo ôm” đúng nghĩa… lại quay về làm con ngoan trò giỏi, ăn và ngủ, ngủ và ăn!

biking, 6

Các kiểu ánh sáng trên đường đạp xe, có khi là sáng sớm, có khi là chiều tối… Sài Gòn vào “thu”, mùa “thu” phương Nam tuy không rõ rệt như ở phía bắc, nhưng nền nhiệt độ vẫn có giảm đôi chút, vẫn có chút “heo may”, đạp xe nhiều là vẫn cảm nhận được rõ ràng! Hít luồng gió tươi mát căng lồng ngực, cảm giác phấn chấn lạ thường.

Mùa này trên sông, nền nhiệt độ cũng đã giảm xuống, ít tuần nữa, ra tới biển sẽ bắt đầu nghe gió Đông Bắc tràn về, gió mùa Đông Bắc dù sao cũng mạnh hơn gió mùa Tây Nam trung bình chừng 1, 2 nấc trên thang Beaufort! Hiện tại vẫn đang bận khá là nhiều việc, nhưng sẽ cố gắng để không bỏ lỡ mùa gió này!

nhất lộ

Có thể thấy rõ lệnh chỉnh đốn các vai “ẻo lả, phi giới tính” của điện ảnh TQ có tác dụng rõ ràng! Các vai nam trong những phim TQ vài năm gần đây có sự chuyển biến khác hẳn, thực tế, sinh động hơn, có nội dung mang tính hiện thực, thể hiện các vẻ đa dạng của cuộc sống! Các vai nữ cũng vậy, mềm mại, uyển chuyển hơn, đi vào chiều sâu tâm lý chứ không phải chỉ có ưỡn ẹo, đơ cứng như trước! Đây đương nhiên là một chuyển biến tốt, trong vô số vấn đề của điện ảnh phổ thông TQ. Vì sao công chúng lại ưa các vai “đỉnh lưu” đơ cứng, máy móc, vô hồn như vậy!? Nhìn giống tượng sáp hay cao su, vô hồn, vô cảm đến mức… phản cảm!

Vì bộ phận không nhỏ khán giả thực ra đã “chết não” từ lâu rồi, chúng nó không hiểu sự sinh động của cuộc sống, chúng nó chỉ muốn những cái mang tính “phản xạ, kích thích”, cái gì đó “đánh vào cái tôi, được thoả mãn”! Đương nhiên, giới showbiz tìm ngay ra cái công thức “chết não, vô hồn” ấy, tất cả chỉ để thoả mãn đám zombie – xác sống kia! Mà “chết não” thì không có tự phản ánh, tự nhận thức đâu! Đáng thương một bộ phận đáng kể cư dân mạng hiện đại, “tâm & não” đã chết từ lâu, nghĩ rằng chỉ cần học đâu đó vài “bài” và cứ thế mà “diễn”, càng “diễn” chỉ càng cho thấy cái “trí” thiểu năng và cái “tâm” trống hoác!

vịnh mốc

Tự dưng ngồi nhớ nghĩ linh tinh “hồi đó”, thời điểm là khoảng năm 2014, 2015, lang thang bằng xe máy xuyên Việt, là chuyến đi thứ 3, thứ 4 gì đó không nhớ rõ… nổi hứng ghé thăm địa đạo Vịnh Mốc. Khi chưa tới nghĩ rằng nó chắc cũng giống như địa đạo Củ Chi, nhưng thực ra lại hoàn toàn khác! Tuy quy mô không dài, rộng như Củ Chi, nhưng mang tính chất “pháo đài trong lòng đất”, hoàn chỉnh hơn nhiều! 3 tầng đào sâu vào đất đỏ bazalt, bên trong rộng rãi có thể đi lại thoải mái!

Có những góc riêng cho những hộ gia đình nhỏ có thể sống lâu dài, có hệ thống kho tàng hoàn thiện! Xung quanh khu địa đạo có các hệ thống hầm hào, và trận địa pháo bờ biển do các nữ dân quân vận hành để chống tàu Mỹ đổ bộ! Củ Chi mang tính “ẩn nấp” là chủ yếu, còn Vịnh Mốc thì giống như một căn cứ quân sự hoàn chỉnh, mang tính pháo đài kiên cố, làm ra là để đứng vững trước đối phương! Một vài bức ảnh không thấy được nhiều, phải đến tận nơi mới cảm nhận được lịch sử!

Valeriepieris circle

Đây gọi là vòng tròn Valeriepieris, lấy tâm là Việt Nam, vẽ đường tròn bán kính 4000km, hơn nửa dân số toàn cầu, khoảng 4.3 tỷ dân trên tổng số 8 tỷ, là sống trong cái vòng tròn nhỏ xíu chỉ chiếm chừng 6.7% diện tích quả đất đó! Haiza, rồi lại xây nhà hộp diêm, xếp chặt như sardine trong hộp! Ở đây đất chật người đông, Thạch Sanh thì ít, Lý Thông lại nhiều, tài nguyên cạn kiệt, giẫm đạp lên nhau mà sống, rồi lại đẻ ra đủ thứ vấn nạn môi trường và tệ nạn xã hội…

nhất sinh

Công nhận phim thanh xuân TQ luôn có những thủ pháp thú vị, nhiều “bài” hay… Hai học sinh được giao nhiệm vụ treo cái băng-rôn đề 8 chữ: 辛苦三年 幸福一生 – Tân khổ tam niên, Hạnh phúc nhất sinh, ý là: hãy cố gắng học tập trong 3 năm (cấp 3) để sau này sẽ có cuộc sống hạnh phúc. Hai đứa loay hoay làm rớt xuống đầu đoàn kiểm tra, bị phạt ra hành lang đứng cầm biểu ngữ, hành lang hẹp nên phải gấp đôi lại, chỉ còn một nữa. Nên hai anh chị cứ đứng cầm cái bảng 4 chữ: “Một đời hạnh phúc” như thế, mới mở đầu phim là đã biết tỏng nội dung rồi!

Người Nga thường nói: trên thế giới có 3 loại phim: phim dở, phim hay và loại thứ 3 là… phim Trung Quốc. Ý nói nhiều khi không biết phải hiểu như thế nào, Trung Quốc là một không gian văn hoá quá phức tạp và riêng biệt mà người ngoài nhiều khi không thể hiểu hết, đôi khi còn cảm thấy nó kỳ quặc! Quả thực như vậy, cả mấy ngàn năm ở bên cạnh họ mà chúng ta cũng còn chưa hiểu được mấy, học đâu được mấy ngôn từ lảm nhảm, nông cạn trên bề mặt, chứ không hiểu được hết nội dung, càng không thể đạt đến được cái trình dụng tâm, công phu như họ!

Hãy cứ phát minh lại cái bánh xe

Có một dạo thời còn đại học, bị ám ảnh với những thứ 3D, nên tự đi viết một cái 3D-engine: phối cảnh vật thể trong không gian 3 chiều! Mà tôi biết thừa là chỉ làm cho vui, chứ những engine 3D đã có như OpenGL, DirectX nó làm tốt hơn tôi một triệu lần! Nhưng xem như bài tập, cứ làm thử xem sao! Nhờ đó mà đọc qua các lý thuyết về một tá các phép chiếu (projection) khác nhau, ôn lại một mớ Toán vector, ma trận. Cái engine tôi viết ra hiển thị tốt các đối tượng 3D phức tạp, nhưng chưa có đổ bóng hay các thao tác advanced khác!

Bạn bè cùng lứa là toàn dùng ngôn ngữ và công nghệ cấp cao, kéo thả, cắt dán các kiểu rồi, còn tôi vẫn lập trình DOS với Turbo C++ sơ đẳng như thế! Và cực kỳ ghét những câu chữ bóng bẫy, trơn tuột (catching, slippery phrases) kiểu: Don’t reinvent the wheel – Đừng phát minh lại cái bánh xe! Không làm được cái đơn giản, sao làm được cái phức tạp!? Mà điều đó thấy rất rõ ở những coder trẻ: cái gì cũng biết, mà không làm được những điều đơn giản! Mà những điều đơn giản nó không có đao to búa lớn, không huênh hoang chữ nghĩa!

Và thế rồi đi chê Trung Quốc toàn chỉ biết copy (mà mình thì đến copy vẫn chưa làm được)! Copy hay không không quan trọng, quan trọng là bắt đầu với việc đơn giản đã! Và họ cứ “trường kỳ copy” như thế hàng chục năm, trước khi có được khả năng sáng tạo cái mới! Cũng như hoạ sĩ học vẽ thôi, trước khi tạo thành phong cách, thành danh thì hàng chục năm trước, họ đã dày công học hỏi, copy hết phong cách này đến xì-tai khác! Tự dưng mới sinh ra đã thành phong cách, đã thành sáng tạo, đã có kết quả thì chỉ có “cuội VN” thôi!

Nhưng nói điều đơn giản, làm điều cơ bản, ở cái thời gian và không gian này, có khi bị coi là ngu và ngố á! Đồ dở người, đồ hâm hấp, cứ mấy cái đơn giản, cơ bản đem ra nói hoài, chả có cái gì “cao siêu” cả, toàn cộng trừ nhân chia, toán hình toán số cơ bản thôi, xem có làm được không đã! Bữa xài cái app trả tiền điện nước, mới thấy mấy cái dòng tô đỏ bên dưới, nào là “Simulate”, nào là “Giả lập”, đem cả code test vào production – môi trường chạy thật như thế, có mỗi một dòng “#if DEBUG” cũng không thêm vào được, chả hiểu làm gì để ăn!? :(

my patents

Lảm nhảm cuối tuần, suy nghĩ miên man về nghề nghiệp! 8 năm trước, tôi là tác giả, đồng đứng tên đăng ký cái “patent” – bằng phát minh sáng chế này tại Mỹ. Patent đã được cấp (approved), không phải “pending” hay “reviewing” nhé! Một đống công thức toán (xem hình) là chụp từ bản viết tay của tôi ra. Patent này chỉ có tính “defensive” chứ không phải “offensive”, mục đích là để tự bảo vệ sản phẩm do mình làm ra.

Tôi vẫn còn 1 cái patent nữa đang pending, chưa approved! Từ xưa đến giờ vẫn cho là “đầu tiên” không cần phải… “tiền đâu”, nhưng đúng là từ đó đến giờ vẫn tự hỏi… “tiền đâu”! Ý tưởng thì không thiếu, trong đầu tôi suy nghĩ không thiếu chuyện có thể đăng ký thành “patent”, nhưng có thể đăng ký thành công, và tạo thành giá trị thật hay không lại là một chuyện khác, vẫn còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố!

carbon mast

Works done with some little free time last weekend & holidays, carbon mast up! Can be lowered / erected with a line running from stern back to cockpit! When not in use, can be stowed down, flat on the aft deck! On its top is the signal light, could easily attach a (voice – activated) action cam, maybe also serve as a flag pole, or even add an AIS device later…

mèo 3 cẳng

Ku Tom đi đâu về, đang yên đang lành bỗng dưng trở thành “mèo 3 cẳng”, hình như là bị chó cắn nên một chân trước bỗng thành què, đi đâu cũng co hẳn một chân lên chỉ còn có ba chân, ấy vậy mà leo lên bàn lên ghế vẫn nhanh nhẹn, dễ dàng, nhưng cứ khập khiễng như vậy suốt hơn tuần!

Nhớ hồi ảnh 3 tháng tuổi, lần đầu tiên tự ôm cột lên được nóc nhà, đi từ nhà sau ra nhà trước kêu vang, kiểu như khoe một “chiến công” đáng tự hào lắm! Thế rồi càng lúc càng lớn, càng muốn tìm hiểu “thế giới”, càng đi xa và “ít nói”, có khi bỏ nhà đi 2 ngày về không nói tiếng nào!

tư duy hình thức

Nhân một tranh luận gần đây trên báo chí: “trẻ em như tờ giấy trắng là một suy nghĩ sai hoàn toàn”… nhân chuyện này bàn về kiểu tư duy máy móc, hình thức của người Việt! “Trẻ em như tờ giấy trắng”, câu cũng có phần đúng, chúng nó chưa biết gì và chỉ tiếp thu, tiêm nhiễm những gì được dạy, được thấy! Nhưng câu đó cũng không đúng hoàn toàn, trẻ em như một hạt giống mang thông tin di truyền, và biết đâu đó, có thể được thừa hưởng cả những “duyên nghiệp” từ kiếp trước (từ ngữ hơi duy tâm một tí)! Nên hành trình phát triển của một đứa bé, rất thường khi là nằm ngoài tiên liệu của phụ huynh và giáo viên! Trẻ em vừa là tờ giấy trắng, vừa không phải là tờ giấy trắng, đó đơn giản chỉ là những cách diễn đạt khác nhau, hình thức lý luận nhị nguyên, một điểm yếu cố hữu của tư duy con người!

Nhưng 99% người Việt (có khi là nhiều hơn) chấp vào cái hình thức nhị nguyên thô thiển, sơ khai đó! Họ chấp vào đó như “gà mắc tóc”, điều đó dẫn đến sự “đối kháng” giữa những “suy nghĩ” khác nhau! Theo tôi, ai còn mắc vào những lỗi “tư duy hình thức” như vậy là chỉ cho thấy tầm tư duy nông cạn, hời hợt trên bề mặt, không nghĩ ra được những nội dung sâu xa hơn, không thể đi hết độ phức tạp của vấn đề, nên đành đứng trên bề mặt trắng đen như thế. Bao nhiêu “học hỏi, tư duy”, lên mạng đọc này kia, biết được một vài “ngôn từ lảm nhảm” là đã tự cho mình giỏi, nghĩ rằng bao nhiêu đó là đủ rồi! Sự việc trở nên tồi tệ hơn khi họ ngày càng “chấp ngã”, bám vào những cái lý lẽ đó theo kiểu “take position” – giữ vị trí y như trong quân sự vậy, bên này là “ta”, bên kia là “địch”!

Các tranh luận ở VN đều mang tính “đối kháng”, “chiếm lĩnh vị trí” như thế, kiểu tư duy bên kia là “địch”, bên này là “ta”, trắng đen rõ ràng! Nhưng tiếc thay, kiến thức không phải 3D hay 4D như quân sự, nó là không gian n-D vô cùng phức tạp, bao gồm rất nhiều chiều kích, thay vì đối kháng, cần phải gợi mở, để cùng phát triển, đó mới là tranh luận thực sự. Trong giáo dục, “giữ vị trí”, cố sống chết bám vào một điểm thì cũng chẳng khác nào tự giới hạn mình! Chuyện này cũng như khác biệt giữa cờ vây và cờ vua vậy! Cờ vua có tính đối kháng rõ ràng, mục tiêu là ăn “hậu” của đối phương! Nhưng cờ vây không có tính “đối kháng, ăn quân” rõ ràng, mục tiêu là chiếm lĩnh càng nhiều “dư địa”, tạo ra càng nhiều “không gian phát triển” càng tốt, nói theo ngôn ngữ cờ vây là có thêm nhiều “khí” để “thở”.

Tôi rất sợ những kiểu người bám víu vào lý luận hình thức… Họ “take position, hold the line, take the side”, ngôn ngữ của họ cứ “điểm, tuyến & diện” như thế! Mọi cách diễn đạt đều tương đối, đều không chính xác hoàn toàn, dùng nó như thế nào là cả một sự cân nhắc! Phải bước qua được rào cản của ngôn ngữ thì mới hiểu được những nội dung khác truyền tải bên dưới! Nhưng không, họ bám víu vào mớ ngôn từ chết ấy, tìm cách “tranh tiên”, chiếm lấy một lợi thế nho nhỏ bằng ngôn từ, rồi mắc cứng luôn ở đó, sau đó bằng những kiểu: do đó, cho nên, vì vậy, suy ra… tìm cách chứng minh chỉ có tôi đúng và đối phương là sai! Tranh đấu với đối phương thực chất chỉ thể hiện những mâu thuẫn, lúng túng, hạn chế nội tại mà thôi, vẫn là kiểu “tôi đúng anh sai” chứ chưa phải là khai mở kiến thức!

les feuilles mortes

Lìa cành lá úa,
Tả tơi nhảy múa.
Rụng ngập đầy sân,
Gợi sầu thi nhân…

Chương trình âm nhạc cuối tuần… Thời tiết chớm vào thu, đã lâu không có được tâm trạng ấy, không đạt được đến tầng cảm xúc như vậy, phần lớn là vì ngập trong những nỗi bận tâm, lo âu thường nhật! Đôi khi là nhớ lại trong lời Việt qua giọng ca Thái Thanh.

Đôi khi tự hát bằng tiếng Pháp, nguyên bản Les Feuilles Mortes – Những chiếc lá úa: …Et la mer efface sur le sable, les pas des amants désunis… Muốn tìm lại một chút gì đó giống như La Bohème (Charles Aznavour) nhưng biết chắc là không thể nữa rồi!

hỏi & đáp

Người ta nói: hỏi cũng chính là trả lời, nói một cách dễ hiểu hơn là: cách anh hỏi cũng chính là cách anh nhận được câu trả lời! Nói một cách tường tận là: vạn vật chỉ là sự phản ánh của cái “tâm” con người, “tâm” như thế nào, “hỏi” điều gì thì nhận lại như thế! Có nhiều người không thể thấy được cái gì khác ngoài cái “tôi” của mình, nên nhiều vấn đề mà khi ta vừa nói tới thì vừa hay, cũng biết rằng nó… đã không có ở đó, một khoảng trống hoác như thế, đâu có tự “luận” ra được! Đương nhiên, người ta sẽ tìm lý do: học vấn, ngôn ngữ, đào tạo, môi trường, v.v…

Nhưng còn chưa nói tới chữ “tâm” là vẫn chưa rốt ráo, vẫn đi rải đinh đầy đường, vẫn lên mạng lừa gạt tìm gái, vẫn đủ trò lưu manh vặt đó thôi… Nói đơn giản thế này, về nền tảng thể chất, rồi cả tinh thần, người Ấn Độ chắc là tốt hơn người Trung Quốc nhiều. Nhưng Ấn vĩnh viễn không thể trở thành Trung Quốc, là do yếu tố đạo đức cá nhân & luật lệ cộng đồng của nó! Xây cái cầu mấy trăm triệu đô sập, chỉ có vài quan chức bị miễn nhiệm! Ở Trung Quốc nếu xảy ra tình huống như thế là sẽ có kha khá người bị bắt đi dựa cột, đơn giản và rõ ràng như thế!