Tại sao Bao Công – Bao Thanh Thiên lại sống vào thời Tống!? Một câu hỏi có vẻ ngây ngô nhưng lý giải nó cũng có thể cho đáp án, cách nhìn thú vị! Phim ảnh Đài Loan, Hồng Công, Đại lục đều đã làm quá nhiều về Bao Chửng rồi, nào là Công Tôn Sách, Triển Chiêu, Trương Long, Triệu Hổ, Vương Triều, Mã Hán .v.v. Đầu tiên, Bao Chửng là một nhân vật lịch sử có thật, làm quan nổi tiếng thanh liêm, và thực sự đã “xử” khá nhiều tham quan ô lại, kể cả hoàng thân quốc thích. Bao Chửng sống dưới triều Tống Nhân Tông, đây là giai đoạn cực thịnh của thời Bắc Tống, có thể nói đây là giai đoạn thịnh vượng nhất trong suốt lịch sử Trung Quốc!
Nhưng trước đó, triều Tống khởi đầu từ đống tro tàn. Trung Quốc sau loạn An – Sử cuối thời Đường dân số đã chết hơn 60, 70%, nhiều vùng 10 phần đã chết 9! Chiến loạn dẫn đến việc di dân hàng loạt, Hà Bắc, Hà Nam vĩnh viễn không thể phục hồi như trước! Thủ phủ của nghề trồng dâu nuôi tằm chuyển xuống phía Nam về Chiết Giang, Giang Tô. Chính khởi đầu gian khó như thế nên đẻ ra thứ Lý học của Chu Đôn Di, Chu Hy, Trình Di, Trình Hạo, một phiên bản sửa đổi khắt khe của Nho giáo! Đầu thời Tống, chính vì phải xây lại từ đống đổ nát nên xã hội đặt rất nặng vấn đề luân lý cá nhân: tam cương, ngũ thường, tam tòng, tứ đức .v.v.
Nhưng rồi họ vực dậy thành công, giống lúa mới du nhập từ Chăm-pa và Giao Chỉ đã tăng sản lượng lương thực lên nhiều lần, lượng dự trữ trong kho đủ cho toàn dân ăn trong… hơn 50 năm! Công, thương nghiệp phát triển như vũ bão, căn bản là: lượng của cải thặng dư vô cùng lớn! Triều Tống chứng kiến sự bùng nổ về dân số (tăng hơn gấp đôi), về khoa học kỹ thuật và văn hoá! Xã hội TQ chưa bao giờ giàu có như thế, nhưng giàu có cũng có mặt trái: con người ta trở nên ưa hưởng thụ, tham sống sợ chết, về mặt võ bị, quân sự, triều Tống cực kỳ yếu đuối, đây là tiền đề của việc mất đất, mất nước về tay người Kim, người Mông Cổ sau này!
Mặt trái nữa là khoảng cách giàu nghèo, bất công xã hội tích tụ! Và mặt trái nghiêm trọng nhất chính là xã hội dung dưỡng lòng tham của con người, của người dân nói chung và quan lại nói riêng, dẫn tới sự tha hoá về đạo đức! Quan lại thì mưu mô, xảo trá, tư lợi, nhà Tống vong quốc cũng vì những viên quan như Giả Tự Đạo, nhưng quan… thì thực ra cũng từ dân bước ra mà thôi! Xã hội đô thị, đời sống tập trung, dân số quá đông, nhiều sinh hoạt dân sự phức tạp, đương nhiên sẽ nảy sinh rất nhiều tranh chấp, mưu mô, thủ đoạn. Và lẽ tự nhiên là vì thực trạng xã hội như thế nên người dân có nhu cầu… công lý, và cái nhu cầu ấy rất bức thiết!
Chính giai đoạn chuyển đồi từ nghèo đói, khó khăn, khắc nghiệt sang có dư, sung túc… là giai đoạn đổ vỡ các giá trị xã hội! Cái văn hoá sinh tồn đầu thời Tống vô cùng khắc nghiệt, con người được yêu cầu phải đáp ứng những chuẩn mực về kỷ luật cá nhân, về giá trị cộng đồng! Nhưng đến khi no đủ rồi thì nôm na gọi là “rửng mỡ”… xuất hiện vô số hình thức tư lợi, gian manh, xảo trá, xuất hiện hàng loạt các loại án mà trước đây hiếm gặp! Xuất hiện nhiều kiểu tâm lý cá nhân bệnh hoạn đến mức phi nhân tính, nhiều vấn nạn xã hội quái dị, kỳ quặc, những điều trước đây vốn không hề có, hoặc có nhưng đã bị cái kỷ luật sinh tồn kia trấn áp!
Nên Bao Công chính là đại diện cho cái nhu cầu công lý, công bằng và tiến bộ xã hội vô cùng lớn đó! Không phải chỉ là công lý chung chung, thời Tống nổi tiếng là một giai đoạn tư pháp phát triển, phát triển về luật lệ, xuất hiện nhiều kỹ thuật điều tra, phá án mới, ngay cả ngành pháp y cũng có nhiều tiến bộ vượt bậc! Đó là kết quả của một xã hội… nhiều tội phạm, từ dân cho đến quan! Thấy thấp thoáng bóng dáng xã hội VN hiện tại trong nhưng bài học lịch sử đó, nhưng e là nghiêm trọng hơn nhiều, vì VN thì chỉ có cái tâm lưu manh dẫn đến tội phạm, chứ kỹ năng xây dựng kinh tế, xã hội, văn hoá như người ta thì… không thấy có!