OTP takes a security problem and changes it into a
distribution problem. Modern cryptography takes a
distribution problem and changes it into a security problem.
Chuỗi khoá được in trên một cuốn sổ bé xíu, để dễ cất dấu hay tiêu huỷ khi cần thiết. Mỗi lần mã hoá dùng một (hay nhiều) tờ trong cuốn sổ, những tờ đó sẽ bị huỷ sau khi dùng, do vậy mà có cái tên one-time-pad
Hình bên: một cuốn sổ OTP của KGB, được in trên giấy phim để dể cháy khi đốt
đĩa Vigenere
Tôi đến với Computer Science khá trể, nhớ lại hồi năm nhất đại học, khi lần đầu tiên học về toán tử XOR (bit-wise operator XOR), tôi đã nghĩ ngay đến phương pháp mã hoá đơn giản và hiệu quả: thông điệp cần gửi được XOR với một chuỗi ký tự ngẫu nhiên (chuỗi khoá), ở đầu nhận, người ta XOR chuỗi đã được mã hoá với chuỗi khoá lần nữa để giải mã thông điệp. Đây chính là biểu diễn máy tính của phương pháp mã hoá cổ xưa OTP (one-time-pad) được dùng từ thời đệ nhất thế chiến.
OTP được các điệp viên CIA, KGB, MI6… dùng phổ biến trong hai cuộc thế chiến. Lý do thứ nhất là vì nó đơn giản: mã & giải mã chỉ cần dùng đến tính nhẩm (có thể dùng thêm bút chì và giấy), lý do thứ hai là nó rất an toàn. Tuy đã được dùng rất lâu từ trước nhưng mãi đến khoảng năm 1940, phương pháp này mới được chứng mình bằng lý thuyết về tính an toàn tuyệt đối của nó. Chứng minh được đưa ra đồng thời và độc lập bởi Claude Shannon (nhà toán học Mỹ, cha đẻ lý thuyết thông tin) và Vladimir Kotelnikov (viện sĩ khoa học Liên bang Nga, kỹ sư chế tạo rađa).
Mã & giải mã với OTP rất đơn giản, tương đương phép XOR, ta định nghĩa phép biến đổi như sau. Mã hoá = (text T(19) + khoá X(23)) mod 26 = Q(16). Giải mã = (Q(16) – khoá X(23)) mod 26 = text T(19), với 26 là kích thước bản chữ cái (phép XOR thực chất là phép cộng và modulo cho 2, với 2 là kích thước bảng chữ cái nhị phân: 0 & 1). Những người không giỏi tính nhẩm có thể dùng “thiết bị” sau (gọi là đĩa Vigenere), đĩa gồm 2 vòng giấy đặt đồng trục. Mã hoá text T với khoá X: gióng (xoay) vị trí [X] của vòng trong với vị trí [A] của vòng ngoài, tìm [T] tại vòng ngoài, ví trí tương đương [Q] tại vòng trong chính là kết quả. Giải mã là quá trình ngược lại: gióng [Q] của vòng trong với [A] của vòng ngoài, tìm [X] tại vòng trong, vị trí tương đương [T] tại vòng ngoài là văn bản gốc.
Có một cách sử dụng OTP đặc biệt gọi là chia xẻ bí mật (secret splitting), sau khi mã hoá, văn bản gốc bị huỷ thay vì khoá, sau đó khoá và văn bản mã hoá được đưa cho hai người khác nhau cất giữ. Chỉ khi hai người này cũng đồng ý nối hai “khoá” lại với nhau thì mới giải mã ra được văn bản gốc. Tương tự, có thể chia xẻ bí mật cho 3, 4,… người bằng cách sử dụng 2, 3,… khoá. Đây là cách bảo vệ các tài nguyên đặc biệt quan trọng, trách nhiệm bảo vệ đó được chia xẻ cho nhiều người, tuy nhiên lưu ý rằng nếu chỉ một phần của bí mật bị mất đi, thì bí mật đó cũng sẽ mất đi vĩnh viễn.
OTP là phương pháp mã hoá tuyệt đối an toàn nếu được sử dụng đúng cách, và là phương pháp tuyệt đối an toàn duy nhất cho đến thời điểm hiện tại. Văn bản được mã hoá với OTP không cho biết bất kỳ thông tin gì về văn bản gốc, ngoại trừ độ dài. Với một văn bản đã mã hoá cho trước, chúng ta có thể nghĩ ra các chuỗi khoá để “giải mã” nó về bất kỳ văn bản nào chúng ta muốn! Các phương pháp mã hoá mới sau này như DES (Data Encryption Standard), AES (Advanced Encryption Standard), PGP (Pretty Good Privacy), PKI (Public Key Infastructure)… tuy tiện dụng và có nhiều ưu điểm khác, nhưng về mặt lý thuyết không phải là không phá được. Nhưng trong sử dụng thực tế, có những lý do sau khiến OTP trở nên không an toàn:
-
Chuỗi khóa OTP không thực sự ngẫu nhiên (các nhân viên thư ký của KGB tạo ra OTP bằng cách gõ ngẫu nhiên lên máy đánh chữ, nhưng xu hướng gõ phím của tay người vẫn có những pattern nhất định).
-
Việc cất giữ và tiêu huỷ OTP có quá nhiều yếu tố rủi ro (đã có tình huống CIA giải được mã nhờ một cuốn sổ OTP đã bị đốt nhưng chưa cháy hết).
-
Mỗi trang OTP chỉ được dùng một lần (đã có lúc trong tình hình khẩn cấp, nhân viên KGB bất cẩn dùng một trang OTP cho nhiều lần mã hoá, dẫn đến việc CIA giải được khoảng 1% trong số những thông điệp gửi bởi KGB trong những năm 1945 ~ 1950).
Điểm yếu nhất của OTP nằm trong quá trình trao đổi khoá (key exchange), đó là một trong những lý do hình thành phương pháp public key rất tiện dụng sau này. Đến bây giờ, khi những phương tiện mã hoá và truyền thông đã quá hiện đại, người ta vẫn còn tiếp tục dùng OTP cho những kênh thông tin thuộc loại top secret (như đường dây hotline Washington DC – Moscow, liên lạc với tàu ngầm…) vì tính tuyệt đối an toàn đã được chứng minh lý thuyết của nó. Có thể kiểm chứng dấu vết của việc sử dụng OTP trong thực tế:
Các Number Station nổi tiếng bí ẩn, là những đài phát thanh không rõ nguồn gốc, phát trên băng tần sóng ngắn (shortwave) những bản tin toàn chữ số, được xem như những hoạt động tình báo của nhiều nước. Trên internet, những Numbers Relay Pages như nrp.write2me.com là hình thức mới của Number Station, cho phép mọi người gửi đi những thông điệp bí mật. Tất cả đều dưới hình thức những bộ 5 chữ số của mã hoá OTP (e.g: 41888 42037 89537 55295 14846 82981 63440…).