Hãy để tôi nhắc mọi người nhớ lại, đa số trong chúng ta, một lần nào đó trong quãng đời 3 ~ 13 tuổi (còn tuỳ thuộc từng người), cái ngày hôm trước khi bạn biết bơi, bổng dưng phát hiện ra mình tự nổi được, tự “đứng nước” được. Đó đúng là một phát hiện diệu kỳ của tuổi thơ, phải vậy không? Khi bạn bổng phát hiện ra: cơ thể chúng ta vốn có độ nổi (buoyancy) là dương (positive), nghĩa là không cần làm gì cả là tự nó đã nổi rồi.
Tuy vậy, giá trị dương này là khá nhỏ, nên khi có sóng gió, hay khi vận động, cơ thể có thể chìm xuống một tí, nên sau đó, bạn tự học cách vẩy chân tay nhẹ nhàng để giữ cho cơ thể luôn được nổi, nôm na gọi là “đứng nước”. Một điều tưởng chừng nhỏ nhoi nhưng hết sức quan trọng, một khi bạn đã cảm thấy tự tin, tự nhiên trong môi trường nước, không còn sợ hãi, thì những kỹ năng khác như bơi, lặn rồi sẽ từ từ tự mình học được!
Tương tự với kayak, khi xuồng lật, bạn chỉ cần nằm ườn ra đó là nó đã tự nổi rồi, tuy nhiên đôi khi cũng phải hỗ trợ thêm một tí, vẫy cái mái chèo nhẹ nhẹ, kỹ thuật này gọi là “sculling brace”, xem clip (từ 0:35 đến 0:50) vẫy mái chèo từ trước ra sau rồi từ sau ra trước, tạo thành hình rẻ quạt. Để ý là phải xoay mái chèo một góc nhỏ hướng lên trên (angle of attack – góc tấn), giống như chuyển động của cánh máy bay, tạo ra lực nâng (lift)!
Giống như “đứng nước” khi học bơi, khi thuyền lật, phản xạ tự nhiên là hoảng sợ, vùng vẫy, ngoi lên để thở. Nhưng thật ra, cần phải làm điều ngược lại, cố gắng dìm cơ thể xuống, chỉ thò đúng cái mũi lên thôi. Tôi có thể nằm cân bằng như thế đọc báo nhiều giờ liền, nằm được đã là một nửa thành công của kỹ thuật brace rồi, nằm để cảm nhận “độ nổi”, rồi đưa ra các phán đoán và hành động tiếp theo!