không tính, không tính!?

Xuất hiện nhiều sự việc quay lén, sử dụng hình ảnh cá nhân trái phép, sử dụng cho mục đích không trong sạch, số lượng vụ việc nhiều như thế, mà khắp cả các mặt báo, không thấy có bài nào nghe cho được. Về mặt luật pháp, chỉ có thể xử người vi phạm đến một mức độ nào đó, thứ nhất là xử phạt hành chính, thứ nhì là phạt tiền nếu chứng minh được hành động gây ảnh hưởng xấu đến cá nhân và xã hội. Nhưng đây cũng gần như là giới hạn của pháp luật. Đương nhiên cách diễn giải, mức độ ảnh hưởng thiệt hại sẽ khác nhau tùy từng người. Ví dụ như tôi, đàn ông, trên răng, dưới dép, tôi chả có gì phải sợ, kể cả khi hình ảnh riêng tư của mình rò rỉ đâu đó! Nhưng sâu xa hơn, đi qua ranh giới của pháp luật chính là đạo đức cộng đồng! Chính những thể loại bên trong trống hoác, không có gì khi tự soi rọi tâm hồn mình, nên họ sẽ luôn tìm cách đi soi người khác!

Người bình thường, trong một xã hội lành mạnh, sẽ dành phần lớn thời gian cho việc phát triển bản thân, chẳng ai rảnh hơi đi tìm sự “thỏa mãn” trong hành vi “soi mói”! Những gì chúng nó, đám lưu manh nhìn thấy, chỉ là cái mà “tâm” chúng nó muốn nhìn thấy mà thôi, chính là sự phản ánh của những cái tôi bệnh hoạn! Chúng nó không nhìn thấy được gì khác, những nhân cách đã “bần cùng hóa”, “lưu manh hóa”, “bị thối rữa”, chúng nó mắc cứng vào những cái bản năng máy móc như thế, phần “người” trong chữ “con người” vẫn chưa phát triển được mấy! Mạng xã hội là cái môi trường nơi ai ai cũng tranh thủ thể hiện, tôi là như thế này, tôi đã làm những điều này, v.v… Nhưng đạo đức xã hội, cái chúng ta cần, là những thứ ngược lại: tôi KHÔNG làm những điều này này, và tôi kiên định như thế! Mà để hiểu được cái tính KHÔNG này thì vô cùng khó, phi thường khó!

biking, 7

Vận động nhẹ nhàng cuối tuần, thời tiết mát mẻ, mưa bụi bay bay, đạp xe thong thả không ép tốc độ. Tổng chặng đường 49 km, trung bình 19 kmph, tính cả quãng nghỉ làm ly cafe giữa chừng thì 15.4 kmph. Garmin ước tính đã đốt khoảng 500 calories. Nói về calories, các con số nói trong sách vở, trên báo chí đều ảo ảo thế nào á. Nói một người trung bình mỗi ngày tiêu thụ hết 2000 ~ 2500 cal là với nông dân, người lao động nặng á, chứ dân VN ở thành phố thì chỉ cỡ 1000 thôi, không hơn!

Trong đó hết hơn 70 ~ 80% là dành cho vận động trí óc, dành cho vận động cơ bắp không có bao nhiêu! Năng lượng dành cho não bộ, cho các hoạt động suy nghĩ, cân nhắc, lo lắng, etc… thực ra chiếm một tỷ lệ rất lớn (lớn hơn nữa là thời gian hóng hớt, ghen ghét và nói xấu trên mạng xã hội!) Nói theo một cách nào đó, đôi khi tôi có suy nghĩ rằng, chính cái thân xác này thực chất cũng chỉ là một cái công cụ, phương tiện, hiểu & xài nó như thế nào là hoàn toàn phụ thuộc ở bạn! :D

máy tính tương tự

Những máy tính tương tự – analog computer đang dần dần trở lại, ít nhất trong một vài lĩnh vực hẹp! Thấy các bạn thanh thiếu niên ở Anh, châu Âu toàn bắt đầu học lập trình với các mạch Arduino, Raspberry pi, etc… theo tôi đây là cách học rất hay, học một điều gì thì nên bắt đầu từ cái đơn giản, cụ thể, đừng vội biến nó thành vấn đề trừu tượng, to tát, mang tính học thuật! Nhưng như thế nào là một máy tính tương tự, ngay điều này cũng không phải lúc nào cũng dễ hình dung! Giả sử ta làm một mạch điện đơn giản chỉ có biến trở R, được áp một điện thế V! Dòng điện đi qua được hiển thị bằng đồng hồ đo là I. Vì I tương quan với V và R theo công thức: I=V/R, nên khi thay đổi V và R (xoay các núm điều khiển), ta sẽ có được kết quả I hiển thị trên đồng hồ đo, như là kết quả của phép chia V cho R.

Như thế, phép chia không được biểu diễn bằng các bít nhị phân, mà được biểu diễn bằng “vật chất”, tức là dòng điện! Các nhà giáo dục phải bỏ công suy nghĩ về những cách trình bày, chứ nếu chỉ như câu số 6, đề Toán tuyển sinh lớp 10 tp.HCM thì vẫn còn đơn giản lắm! Bắt đầu bằng những cái cụ thể, đơn giản, giữ liên hệ chặt chẽ với thế giới xung quanh, làm cho việc học trở thành sự ham thích lâu dài! Nếu không chúng ta chỉ biến học sinh trở thành những cỗ máy tụng bài chạy theo các số đo hư ảo, những vọng động nào đó trong “tâm” của những người “đóng vai” phụ huynh và thầy cô mà thôi! Muốn tụi nhỏ thực á, trước hết chúng ta phải tự biết cái gì là thực và phải có bản lĩnh để kiên định cái thực đã! Vì không làm được nên quay sang ép con trẻ chạy theo những cái “bánh” do mình “vẽ” ra!

photography consent

Điều 32, Bộ luật Dân sự 91/2015/QH13: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.” Chỉ một câu này thôi là đủ để xử phạt hành chính tất cả những hành vi quay phim chụp ảnh một người rồi phát hành, xuất bản dưới bất kỳ dạng nào, kể cả trên mạng xã hội mà không được người đó đồng ý. Rất tiếc là ở phần thi hành, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, không quy định cụ thể mức phạt, chỉ có thể phạt nếu kết luận được hành vi chia xẻ này là: “giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan , tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”. Hiểu như vậy thì vẫn có thể cưỡng chế thi hành, bắt phải xóa phim, ảnh được, chỉ là chưa định được mức phạt cụ thể mà thôi!

Ví dụ như bạn đăng tấm ảnh đi uống bia với bạn bè lên mạng xã hội, thế nào cũng sẽ có thằng cóp lại cái ảnh, rồi giật dòng tít: Tác hại của chứng nghiện rượu! Đương nhiên, đây chỉ là tôi rảnh, ngồi tưởng tượng ra kịch bản thế thôi, nhưng phần lớn báo chí và mạng xã hội VN cũng giống y vậy! Nó thể hiện cái tâm thức xấu xí của cộng đồng Việt, bản thân không chịu vận động, chỉ la liếm khắp nơi, thấy cái gì lạ thì một là sợ, hai là ghét, và ba là tìm cách nói ra nói vào! Rồi dùng những nội dung sai lệch tìm cách gây “sóng”, anh A nói như thế này, anh B bảo anh C như thế kia, kích cho thiên hạ đánh nhau! Nên cái phần “hướng hạ” trong cộng đồng quá lớn, không thấy phần “hướng thượng” đâu, riết xã hội nó bị “quy đồng” về những “mẫu số chung” như thế!

Chính những cái thành phần thiểu năng, không có khả năng suy nghĩ, trống hoác không có nội dung gì, hạ bút viết câu tiếng Việt cho suôn sẻ cũng chưa làm được! Chính những thành phần đó là dạng la liếm khắp nơi, luôn luôn “ta đây biết rồi”, chính là những kẻ thêu dệt, bịa đặt tích cực nhất! Muốn “sáng tạo nội dung” á, chuyện không dễ thế đâu, phải xem từ nhỏ học hành chữ nghĩa thế nào đã, phải có quá trình cố gắng hàng chục năm thì mới hơi hơi có nội dung được, mà người không có công phu gì chỉ cần nói mấy câu là biết ngay! Phải sớm cụ thể hóa, chi tiết hóa luật về chuyện này, quy định ra thành mức phạt chi tiết, cụ thể, có như thế mới dẹp được đám du-tu-bơ, tíc-tốc-cơ, phây-búc-cơ và cả những dạng báo chí thiểu năng khác!

Thường những việc như thế này do chưa xảy ra với mình, hoặc giả sử nếu có xảy ra thì mình cũng cho qua vì không quá quan trọng, nhưng vẫn phải hiểu rõ luật để tự bảo vệ. Còn đối với trường hợp ông Anh Tú – Minh Tuệ, có 2 khả năng có thể xảy ra. #1. Ông Anh Tú ủy quyền cho luật sư khởi kiện vụ án sử dụng hình ảnh cá nhân trái phép! #2. Viện kiểm sát, xét thấy sự việc ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, quyết định khởi tố vụ án sử dụng hình ảnh trái phép! Điều này nằm trong nghĩa vụ và quyền hạn của Viện kiểm sát! Cứ bốc ra 100 ku đầu têu, phạt mỗi ku 20tr, kiếm 2 tỷ trả án phí, cứ làm như thế cho chúng nó sợ, khỏi đăng hình ảnh, video gì cả, còn chữ á, muốn đăng bao nhiêu thì tùy, chỉ sợ là chúng nó không có nhiều chữ để mà đăng đâu!

thần quyền

Một trong những thuộc tính rất đặc trưng, cố hữu của Phật giáo, dù là tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, hay Việt Nam, xuyên suốt tất cả các giai đoạn lịch sử, đó là tính chất “tổ chức, hội đoàn yếu” của nó! Đây có thể xem vừa là nhược điểm, vừa là ưu điểm nổi bật của Phật giáo. Khác với những tôn giáo khác, Phật luôn là vấn đề rất cá nhân, mục tiêu cao nhất là đạt đến giác ngộ, những cái khác chỉ là phụ. Nên tính đoàn thể thì vẫn phải có, như bất kỳ một tổ chức nào khác, nhưng Phật giáo tập trung nhiều vào việc giáo dục con người, chứ không tập trung vào những chương trình hành động mang tính xã hội rộng lớn. Suốt mấy ngàn năm lịch sử, Phật giáo hiếm khi tự biến mình thành một tổ chức “Thần quyền” can thiệp vào “Thế quyền”, như đã xảy ra phổ biến với nhiều tôn giáo khác, ví dụ như Thiên Chúa giáo.

Thiên Chúa giáo, như tại Bùi Chu và Phát Diệm, vào thời của các giám mục Lê Hữu Từ, Phạm Ngọc Chi… chính là một kiểu Thần quyền và Thế quyền hợp nhất, các linh mục nắm toàn quyền sinh sát, thậm chí có cả quân đội vũ trang riêng. Tính tổ chức cao, hoạt động hiệu quả luôn là truyền thống của Thiên Chúa giáo Tây phương, điều này thể hiện rõ với các cha xứ theo chân đoàn quân thực dân đi xâm chiếm nước khác! Khi thực dân Pháp hoàn tất việc cai trị Việt Nam, các tri thức VN đương thời đều nhận ra tính hiệu quả của mô hình tôn giáo, tổ chức ngoại lai, và họ cũng nỗ lực làm giống như vậy! Như Cao Đài tổ chức thành các xóm đạo, họ đạo như Thiên Chúa giáo, xây các nhà thờ dạng 2 tháp hệt như Thiên Chúa giáo. Nhưng các quyết định quan trọng được đưa ra bởi một hình thức… “cầu cơ” (!!!) thay vì bỏ phiếu.

Ở miền Nam ngoài Cao Đài còn có Hòa Hảo, và nhiều hình thức tôn giáo “ngồ ngộ” khác. Mê tín dị đoan (như chữa bệnh bằng nước lã, tro than) là phổ biến, bùa chú, sấm ký là phổ biến, và nhiều hình thức khó tin khác theo như suy nghĩ hiện đại ngày nay, ví dụ như tuyên truyền rằng súng của Việt Minh sẽ không thể nổ được trước những tín đồ Hòa Hảo. Những điều này xảy ra nói thẳng là vì dân trí quá thấp! Mặc dù ở phần tư tưởng, Hòa Hảo tự nhận mình là một nhánh Phật giáo (Tịnh độ tông), nhưng ở phần thực hành, họ xa rời tôn chỉ của Phật giáo là giáo dục con người, mà tập trung vào tổ chức Giáo hội Thần quyền kiêm quản Thế quyền giống như các nhánh tôn giáo khác đương thời. Các chỉ huy Hòa Hảo như Năm Lửa, Ba Cụt… cai trị các vùng lãnh thổ riêng, không ai chịu ai, tàn bạo không khác gì lãnh chúa.

Trở lại với thời gian đầu chống Pháp, nỗ lực “toàn dân kháng chiến” của Việt Minh mâu thuẫn nghiêm trọng với tính cô lập, tự trị và lạc hậu của các giáo phái! Nhất là ở thời gian vài năm đầu, bất kỳ ai “tích cực kháng chiến” đều được chấp nhận, nên trong hàng ngũ Việt Minh xuất hiện một số kẻ “cơ hội chủ nghĩa” như Kiều Đắc Thắng, hay hành xử “tự tung tự tác” như Bửu Vinh. Đám Bình Xuyên mặc dù đi làm cách mạng nhưng vẫn có nhiều người, cung cách không khác với thời ăn cướp ngày trước là mấy! Thế nên khá nhiều sự việc đáng tiếc đã xảy ra! Theo dòng tiến bộ của lịch sử, ngày nay, tách biệt Thần quyền và Thế quyền là một nguyên tắc cần được thực hiện nghiêm nhặt, cũng nghiêm nhặt y như là bảo đảm quyền Tự do tôn giáo vậy, và các Tôn giáo nên trở lại đúng với vai trò của nó, đó là giáo dục con người!

hòa hảo

23/9/1945, Nam Bộ kháng chiến bùng nổ… Tình hình miền Nam lúc này, các lực lượng giáo phái Hòa Hảo, Cao Đài, mỗi nhánh có khoảng 2000 ~ 3000 tay súng, nhưng chống Pháp theo kiểu nửa vời. Mạnh nhất là Việt Minh, bao gồm Thanh niên tự vệ và khoảng 2000 bộ đội Bình Xuyên (quân của Ba Dương, Tám Mạnh, tuy vẫn có một bộ phận Bình Xuyên không hoàn toàn quy phục Việt Minh như Bảy Viễn), tổng cộng không quá 5000 ~ 6000 tay súng! Bình Xuyên, những người trước đây là dân giang hồ, anh chị, ăn cướp, bảo kê, .v.v. nói cho đúng vẫn là lực lượng chiến đấu tương đối hiệu quả, ít nhất là vào thời gian đầu kháng chiến, nhờ cái máu “yêng hùng” của họ! Nhưng do đâu Việt Minh lại nắm được, sai khiến được đám giang hồ này, đó là từ một sai lầm của người Pháp! Từ nhiều năm trước đó, người Pháp nhốt chung tù chính trị với tù hình sự, hy vọng có thể dùng đám đầu gấu để trị các tay tù chính trị. Nhưng kết quả hóa ra ngược lại, vào tù rồi, anh chị cỡ nào đi nữa, nó đánh cho vài trận là khai hết, là phục tùng hết. Nhưng đám tù chính trị dù có chặt tay, chân thì vẫn không khuất phục.

Kết quả là đám tù chính trị quay ngược lại cảm hóa, thuyết phục được đám du đãng, vì họ đã cho đám “cơ bắp” thấy được có loại sức mạnh nằm ngoài cơ bắp! Đến khi kháng chiến bùng nổ, các đơn vị “bộ đội” như của Ba Dương, Tám Mạnh đều rắp rắp nghe lệnh Việt Minh. Nhưng tổng số 5000, 6000 tay súng là quá ít, không đủ để đối đầu với quân Pháp! Miền Nam cho đến lúc đó vẫn là vùng đất mới, lòng người không vững, lại chia năm xẻ bảy không ai chịu ai! Ngay trong tháng 9-1945, các đơn vị Nam Tiến từ miền Bắc, Trung được thành lập để chi viện cho miền Nam, Hải Phòng, Hà Nội mỗi nơi gởi một chi đội, Bắc Ninh, Bắc Giang gởi một chi đội, Thừa Thiên cũng gởi cỡ một chi đội, Quảng Nam gởi 3 chi đội… đặc biệt Quảng Ngãi gởi vào Nam 15 ngàn người! Cái gọi là “chi đội” lúc bấy giờ là những đơn vị không cố định quân số, thường khoảng 1000 ~ 1500 người! Đến tận giờ không thể biết chính xác bao nhiêu người đã Nam Tiến, ước tính ít nhất 30 ngàn người đã chi viện cho miền Nam trong vòng chưa đến 5 tháng! Nhưng tình hình miền Nam lại diễn biến vô cùng phức tạp!

Những khúc mắc, ân oán giữa Việt Minh với Hòa Hảo, Cao Đài và những thành phần xã hội khác, đến tận ngày nay người ta vẫn tránh nói về những đề tài ấy, bởi vì muốn nói cho cùng thì phải nhìn vào bản chất lạc hậu, manh mún, nhìn vào dân trí, những điều vẫn chưa cải thiện mấy cho đến tận ngày hôm nay! Quay ngược lịch sử trăm năm trước, khi vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương, phong trào Nghĩa Hội bùng phát khắp Quảng Nam, cầm đầu bởi Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến, Nguyễn Tiểu La… xây căn cứ ở Quế Sơn tính chống Pháp lâu dài. Nhưng người Pháp không chỉ hơn ở khoa học, kỹ thuật, vũ khí mà họ hơn ở… tất cả mọi mặt: âm mưu, kế sách, thủ đoạn, mua chuộc, đe dọa, cài cắm, tin giả, ly gián, etc… Được khoảng 2 năm thì Nguyễn Duy Hiệu bị bắt, phong trào tan rã. Nói đến tinh thần yêu nước nhưng nhiều người không dám nói thẳng về kết quả của Nghĩa Hội Quảng Nam: giết được vài chục người Pháp, nhưng tự mình giết người mình vì nghi ngờ, phản bội, thanh trừng lẫn nhau, con số phải lên đến nhiều trăm. Và chuyện như thế kéo dài mãi đến về sau…

nguyên hùng

Lại nói về văn và sử, sử và văn, hư và thực, thực và hư… Có nhưng thứ văn chương nghe có vẻ hư cấu, nhưng lại cực kỳ thực. Và có những thứ sử tưởng chừng thực, kỳ thực lại rất hư. Văn mà mô tả đầy đủ chi tiết về văn hóa, cuộc sống đương thời, từ địa lý, sắc tộc cho đến ngôn ngữ, ẩm thực, ăn mặc, v.v. thì đó là lối văn cực kỳ thực, không có hiểu biết, từng trãi cuộc sống thì không thể nào viết ra như vậy được. Sử mà chỉ gồm toàn những cái gạch đầu dòng giản đơn, tìm cách máy móc kết nối các điểm lại với nhau, kỳ thực là một lối sử rất là hư! Lại nói về những nhân vật trong các cuốn sách của nhà văn Nguyên Hùng: Lê Văn Viễn có cha là người Triều Châu, mẹ người Việt, là một tướng cướp lừng danh. Huỳnh Văn Trí cũng là một tay anh chị khét tiếng, cả 2 vào tù ra khám không biết bao nhiêu lần, quen nhau trong tù, nhiều lần vượt ngục cùng nhau và kết nghĩa làm anh em.

CMT8 nổ ra, cả hai tổ chức những đơn vị vũ trang đầu tiên chống Pháp, cả 2 đều là đàn em dưới trướng của Dương Văn Dương, thủ lĩnh “nghĩa quân” Bình Xuyên, người ngay từ năm 1948 đã được truy phong Thiếu tướng! Nhưng Mười Trí đi kháng chiến đến cùng, còn Bảy Viễn như ta biết, trở về làm ông trùm Chợ Lớn. Không thuyết phục được người anh em kết nghĩa, Mười Trí bày tỏ nỗi lòng qua một bài thơ, lối văn dân dã Nam bộ. Hư hay là thực thì để cho người đọc suy nghĩ, nhưng lối văn này, dù người ta cũng đã tìm cách giả, nhưng tối hậu vẫn không thể nào giả được: Thế là hết, tôi với anh đành đoạn tuyệt, Vì anh ơi, đời hồ hải hết tung hoành. Anh giam mình vào lưới sắt, bả hư danh, Thân lồng chậu, anh mong nằm trên nệm ấm. Anh có biết tay quân thù còn đỏ thắm, Máu đồng bào ngùn ngụt lửa căm thù. Kiếp tôi đòi, anh nhớ lại mùa Thu, Mùa lịch sử đã mở tù cho dân tộc…

người bình xuyên

Thực ra ở VN, cũng có nhiều người viết văn theo lối “nửa thực, nửa hư” như thế (và họ nói rõ ràng đây là văn, không phải sử), viết để trình bày một dạng sử ít chính thức hơn. Ví dụ thú vị là nhà văn Nguyên Hùng, tác giả những cuốn Người Bình Xuyên, Nguyễn Bình – huyền thoại và sự thật, Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ… những sách nói cho độc giả biết về các nhân vật kháng chiến, tôn giáo, quân phiệt miền Nam 1945 ~ 1975, một giai đoạn cũng gần giống như thời Dân quốc bên TQ vậy! Sách của ông nói cho chúng ta về những góc ít biết của lịch sử: Huỳnh Phú Sổ, Phạm Công Tắc, Lê Văn Viễn, Dương Văn Dương, Nguyễn Bình…

Nhưng khác là Nguyên Hùng thực sự là người trong cuộc, tham gia kháng chiến từ đầu đến cuối! Vì là người trong cuộc nên Nguyên Hùng có khả năng phác họa chân dung con người với những hiểu biết sống động: ngôn ngữ, giáo dục, văn hoá, tâm lý, và nhiều chi tiết khác liên quan đến đời sống, xã hội đương thời! Còn với trường hợp Huy Đức, ông ấy chỉ là người đến sau, mãi về sau, tìm cách hình dung lại lịch sử qua những gì được nghe kể lại, hay qua những gì mình tưởng tượng ra, tìm cách lắp ghép, sắp xếp thông tin thu nhặt được theo những định kiến có sẵn, nên sách nghe rất khiên cưỡng, máy móc và vô hồn…

bên thắng cuộc

Giữa trưa 7-1-1979, khi nghe con rể là Giáo sư Hồ Ngọc Đại đánh thức báo tin quân ta đã vào Phnom Penh, ông Lê Duẩn chỉ ừ rồi ngủ tiếp… Đọc đến đây là tôi vất cuốn truyện qua một bên, không đọc nữa! Vì những tình tiết kiểu như thế nó xuất hiện quá quá nhiều! Tác giả viết giống như thể lúc đó, ông ta đang nằm ở dưới gầm giường của ông Lê Duẩn nên biết được sự việc vậy! Mặc dù một số tình tiết trong truyện tôi cũng muốn tin lắm, nó giống những truyền khẩu dân gian người ta thường kể cho nhau nghe lúc trà dư tửu hậu! Nhưng lịch sử mà viết theo lối “tiểu thuyết dã sử, giả sử” như thế không hề ổn một chút nào!

Lần cuối cùng người ta làm như thế có lẽ là từ thời của Homer (Trường ca Iliad và Odyssey) kia! Mà tất cả những kiểu như Đèn cù, Đêm giữa ban ngày, Bên thắng cuộc, etc… đều cùng một kiểu, cùng một giọng văn, cùng một phong cách: nói giống như là đúng rồi vậy, đưa tin theo kiểu “từ trên trời rơi xuống”, tìm cách nhào nặn những sự thật nhiều người biết, trộn thêm vào đó những tình tiết tưởng tượng theo cảm tính, tìm cách tô màu mức tranh theo ý của mình, hư hư thực thực đan xen vào nhau! Và có cơ sở để tin rằng tất cả những thủ pháp “sáng tác văn chương” như thế đã được đúc kết để dạy thành bài bản!

rú chá

Nhiều năm trước, thấy mọi người nói nhiều về Rú Chá, chụp ảnh thấy cũng đẹp, “khu rừng” ngập mặn, hệ sinh thái đầm phá ven biển Thừa Thiên. Nghe danh mà đến, trên đường chạy xe máy xuyên Việt, tôi ghé qua thử xem sao, ghé rồi mới chạy quanh vài phút thì hết mịa nó cái Rú Chá! Nói cho đúng, đó chỉ là mảnh đất rộng 5 hecta, trong khi một cái khu dân cư nho nhỏ ở SG có thể rộng đến hơn 50 hecta. Chưa đi thì cứ tượng tượng ra cả một khu rừng rộng lớn, nhưng tới rồi thấy một mảnh vườn con con! Nên MXH là tác nhân chính tạo ra những hình ảnh sai lệch về thực tại! Nhưng đó vẫn chưa phải là điều nguy hiểm nhất! Nguy hiểm nhất là MXH tạo ra những cái tôi méo mó về tính cách, lệch lạc về nhận thức! Nó tạo ra những “phiên bản thay thế”, các “hình ảnh đại diện”, những “bộ lọc lung linh”…

Toàn những thứ ảo giác giả tạo, để cho con người ta lạc vào đó, tự đánh mất chính mình lúc nào không hay! Đó chính là một sự “đánh tráo”, mà người ta dùng đến thủ thuật đánh tráo chỉ khi nào muốn lừa bịp hay cướp đoạt cái gì đó mà thôi! Con người ta sinh ra trong đời có hai mối kết nối quan trọng, cái đầu tiên là kết nối với tự nhiên, khi chỉ cần thảy ra một cây phượng, một cây vông “cô đơn” cho bà con bu vào chụp ảnh, là ta đã thấy nó rất kỳ cục, vô duyên rồi, họ không tắm rừng, tắm biển thực sự, tất cả những gì họ muốn là có cái hình post Facebook! Và cái kết nối thứ hai là giữa con người với nhau, một môi trường sống nơi người ta còn cảm nhận thấy sự chân thành, tử tế, dù chỉ là nhỏ nhoi, nhưng cái kết nối này cũng đã đứt gãy từ lâu! Khủng hoảng xã hội là điều không thể tránh khỏi!