thị dân ca, phần 2

Nhưng như thế nào mới gọi là “thị dân” và “thị dân ca”!? Một số người tự tạo cho mình cái vỏ bọc “thị dân” và trong chuyện đấy cũng có nhiều thứ hay ho thú vị. Phải có cái gì đấy “cũ kỹ”, “vintage”, vương bụi thời gian… thì mới có thể trở thành một… Saigonese, hay một… Hanoist được. Đầu tiên ví dụ như là một chiếc xế cổ, như là xe Vespa cổ. Cũng có lúc tôi muốn có một chiếc, nhưng nghĩ đến cảnh xe đạp không nổ, hư hỏng vặt, phải sửa chữa liên tục nên nản, bèn thôi không ham. Kế đến là thú chơi nhiếp ảnh, dày công sưu tập body, lens các kiểu, từ Lomo, Minolta cho đến Leica, etc… Với “nhiếp ảnh gia” loại “point & shoot” như tôi, không muốn đầu tư hay công phu gì, thì một chiếc Sony Nex 5 cũng đã là quá pro rồi.

Rồi thì gì nữa? Cũng đã có lúc tập tành đĩa thanmáy chơi đĩa nhạc, nhưng tôi không quá quan tâm đến các kiểu âm thanh mộc, analog bằng việc sưu tầm cho được những đĩa nhạc quý, hiếm, ví dụ như một số đĩa rất hiếm của Thái Thanh. Cái việc tập tành để trở thành “thị dân” ấy, nó công phu, nhiêu khê, nhiễu sự lắm, ví dụ như cà phê là phải loại này loại kia, phòng trà ATB dạo này có tiết mục gì mới, nhạc sống ở quán Acoustic tuần sau có điều gì lạ, etc… Kể ra để thấy con đường cố gắng trở thành thị dân của tôi “thất bại” hết tập này đến tập khác. Và cũng đúng thôi, tôi khó có thể trở thành thị dân được, vì chính xác là: cha tôi là nông dân, còn tôi sinh ra ở nông thôn, lại trích dẫn Nguyễn Huy Thiệp đấy!

Cách dẫn dắt câu chuyện của tôi nãy giờ có ai nhận ra điều gì không ổn không!? Thực ra thị dân là không vứt rác ra đường, xếp hàng không chen lấn, thị dân tức là đi đường không bia rượu, tuân thủ luật giao thông, khuya về không nẹt pô làm phiền hàng xóm… và rất rất nhiều chuyện khác. Chứ đâu có phải là xe Vespa cổ, máy ảnh đắt tiền này nọ!? Phải xin lỗi các bác có các thú chơi kể trên, vì chơi cái gì cho nghiêm chỉnh, công phu cũng đều đáng quý. Chỉ tại thời buổi bây giờ có nhiều kẻ mạo danh, bày vẽ, học đòi hình thức nên đôi khi cũng bức xúc một chút! Những điều về “thị dân” ấy kể cũng là hiển nhiên, còn những điều về “thị dân ca” thì khó diễn tả hơn một chút, nhưng cũng không phải là quá khó để hiểu!



thị dân ca, phần 1

Những năm loanh quanh 20 tuổi (nghĩa là rất nhiều năm trở về trước), tôi rất thích nghe nhạc rock. Nhưng rock là một khái niệm chung chung gồm đủ thứ loại hùm bà lằng trong đó, riêng tôi thì thích một số nhóm nhạc như Green Day, Red Hot Chili Peppers… những thứ đại loại như thế. Và cũng phải nói cho nó rõ ràng, trong cái nhìn của tôi, những thể loại như power metal… suốt ngày lảm nhảm về nhà vua, công chúa, hiệp sĩ giết rồng… so với các thể loại ngôn tình hay game võ hiệp hiện nay mà giới trẻ đang đọc, đang chơi… về tinh thần thì chúng có khác chó gì nhau!? Thế nên cũng gọi là nghe, thích rock, nhưng tôi nhìn 95% những đứa nghe rock khác như người ngoài hành tinh, chả liên quan gì đến nhau!

Nói thật là thích Green Day, Red Hot Chili Peppers lắm lắm. Tự nghĩ ra một cái thể loại gọi là… “thị dân ca” để miêu tả, phân loại những phong cách nhạc đó. Dĩ nhiên chỉ là một sự đặt tên mang tính cá nhân, không có gì là chính xác, nhưng trong cách hình dung của tôi, “thị dân ca” tức là… dân ca viết dành cho người thành thị. Nghĩa là vẫn mang dân ca trong âm hưởng, trong gốc rễ, nhưng không phải là nông thôn nữa rồi. Nhưng cũng không hoàn toàn là thành phố theo kiểu công nghiệp hoá, hiện đại hoá… Một nơi mà 4 thành viên của nhóm nhạc The Beatles có thể thản nhiên băng qua đường (là tôi nói cái bức ảnh nổi tiếng ấy đấy), mà không phải nhìn trước nhìn sau dè chừng xe tông. Đấy, đại loại là như thế!

Dĩ nhiên là tôi còn thích nhiều thể loại nhạc khác nữa, rock có, cổ điển có, dân ca có, phương Tây có, Đông phương có, Việt Nam có, trãi khắp từ thái cực “chỉ có tiết tấu” đến thái cực “chỉ có giai điệu”, có lời lẫn không lời, mỗi thứ một tí, etc… chuyện nghĩ cũng là bình thường. Một hôm, có một người con gái hỏi tôi: thế anh thích thể loại nhạc nào nhất?, đáp: nhiều lắm em à!, hỏi tiếp: nhưng phải có cái gì là nhất chứ!?, đáp: nhạc nó cũng giống như gái thế em à!, tiu nghỉu: thôi, vậy em hiểu rồi!. Đấy đại khái cái tuổi trẻ với âm nhạc của tôi nó như thế, bao đồng, dông dài một chút để… làm cái mở bài cho bài viết dài hôm nay. Mà cũng chưa biết chính xác là sẽ viết cái gì về chủ đề “dân ca” và “thị dân ca”.



bắc hành – 2016, phần 50

Lũ chúng ta, đầu thai lầm thế kỷ,
Một đôi người u uất nỗi chơ vơ,
Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị,
Thuyền ơi thuyền, xin ghé bến hoang sơ.

Kết thúc loạt 50 bài viết, cũng là 50 ngày đêm xuôi ngược của hành trình núi cao ta trông, đường rộng ta đi. Ban ngày thì đi đây đó ghi hình ảnh, ban đêm về ghi chép, rất nhiều tư liệu của riêng tôi về các vùng đất, con người khác nhau. Thực ra, những gì thấy trên blog này… chỉ là phần nổi của tảng băng, không đến 1/10 của những gì tôi ghi chép hàng ngày.

Khoảng 8000 km hành trình, đi rất chậm, trung bình mỗi ngày chỉ 180 km, đi chậm như thế thì mới có thời gian để ngó nghiêng, quan sát được. Cũng như bao hành trình khác, nhiều lúc mệt mỏi, có lúc chán nản, đôi khi bực mình với những chuyện xảy ra dọc đường… Chặng đường ta đã đi qua, hiếm hoi mới gặp đóa hoa thắm hồng, ngẩng đầu lên hỏi mênh mông…

Rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau đã trải qua, những “cổng trời” ở các vùng miền núi phía Bắc, những cung đường đèo chênh vênh, vắt vẻo, những địa danh lịch sử chỉ mới đọc qua sách báo, và những con người, như là “hoa thơm quả ngọt” của các vùng đất ấy. Những ngày rét đến gần 0 ℃, những chiều mưa tầm tã, những sớm mù sương phủ kín trời…

Đến hôm nay đường xuôi về biển, những khung cảnh tuyệt đẹp dọc hàng ngàn km bờ biển, cách duy nhất để thực sự trải nghiệm chúng một cách kỹ càng, “trên từng cây số” là phải đi bằng đường thuỷ. Chào năm mới 2016, nên nhớ 2016 là năm nhuận, thế có nghĩa là, tôi sẽ có thêm một ngày để vui sống, để đi chèo thuyền, để đùa giỡn cùng sóng nước!

bắc hành – 2016, phần 49

Chặng 49: Quy Nhơn ❯ Sông Cầu ❯ Tuy Hoà ❯ đèo Cả ❯ Đại Lãnh ❯ Vạn Giã ❯ Ninh Hoà ❯ Nha Trang

Bắc hành 2016 p1
Mai Châu, Mộc Châu 2016
Điện Biên 2016
Lai Châu 2016
Hà Giang 2016
Cao Bằng 2016
Lạng Sơn 2016
Bắc Ninh 2016
Ninh Bình 2016
Bắc hành 2016 p2

Thong thả dạo quanh thành phố Quy Nhơn, đầm Thị Nại, ghềnh Ráng, rồi theo quốc lộ 1D bám sát biển đi thị xã Sông Cầu. Từ đây vào đến Khánh Hoà có rất nhiều đầm phá, vịnh biển: đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan, vũng Rô, ghềnh Đá Đĩa, vịnh Vân Phong, đầm Nha Phu, vịnh Cam Ranh… cảnh quan núi đèo, biển cả, cù lao… nhìn đến là thích mắt.

Những đầm phá ven biển thế này rất thích hợp nuôi trồng thuỷ hải sản, và người dân vùng này cũng dần dần sống khấm khá hơn nhờ các nghề đó. Đánh bắt xa bờ chỉ có tập trung ở những cảng lớn mà thôi. Thanh bình nhất là khung cảnh rất nhiều con thuyền nho nhỏ tụ tập về trong một vịnh biển, tất cả buông neo theo chiều gió, đậu san sát bên nhau.

Cuộc sống trong những xóm chài, so với ký ức xa xưa thời còn nhỏ của tôi, cũng chưa khác đi là mấy. Sau một ngày làm việc mệt nhọc, những người đàn ông trở về trên những con thuyền nhỏ, bữa cơm, chai rượu, và phim chưởng Hồng Kông, phim tình cảm sướt mướt Đài Loan inh ỏi khắp xóm. Những người phụ nữ nếu không làm cá, làm mắm hay việc nhà…

Thì cũng tụ tập chơi bài, chơi tứ sắc, buôn chuyện… trong lúc chờ chồng và thuyền về. Thực ra cuộc sống cũng vẫn như thế, muốn khác chăng thì phải khác từ cái suy nghĩ của chính mình, bất giác nhớ lại một vài câu thơ cũ: đâu những đường con bước vạn đời, xóm nhà tranh thấp ngủ im hơi, giữa dòng ngày tháng âm u đó, không đổi nhưng mà trôi cứ trôi…

bắc hành – 2016, phần 48

Chặng 48: Hội An ❯ Tam Kỳ ❯ Chu Lai ❯ Quảng Ngãi ❯ Mộ Đức ❯ Đức Phổ ❯ Tam Quan ❯ An Nhơn ❯ Quy Nhơn

Bắc hành 2016 p1
Mai Châu, Mộc Châu 2016
Điện Biên 2016
Lai Châu 2016
Hà Giang 2016
Cao Bằng 2016
Lạng Sơn 2016
Bắc Ninh 2016
Ninh Bình 2016
Bắc hành 2016 p2

Con đường Nam tiến tiếp tục đi qua những vùng một thời đã quen biết… Tất cả đang thay đổi với một tốc độ chóng mặt, những thị trấn, thị xã, thành phố mới liên tiếp mọc lên… Hội An, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Quy Nhơn… bây giờ đều đã là những thành phố khá lớn. Cứ như thế này thì miền Trung cũng sẽ sớm đất chật người đông chẳng khác gì đồng bằng Bắc bộ.

Những con đường quen thuộc từng đi bây giờ chẳng thể nào nhận ra, cùng với tốc độ xây dựng, đô thị hoá, thì tôi cũng nhận thấy, con người cũng đang đổi thay nhanh chóng, cái “khoảng cách thế hệ” cứ thế mà tăng dần, xa dần. Nhiều khi tôi cũng không hiểu những người trẻ đương thời đang nghĩ gì trong đầu nữa, nhưng thôi, đó là chuyện của tụi nó!

Quy Nhơn, tức là… người về… uh thì người sắp về, hành trình đang đi vào những đoạn cuối! Từ đây trở vào Nam, cảm thấy không còn nhiều cảm hứng để chụp ảnh và viết bài nữa. Đi tức là để nhìn thấy và tiếp thu những điều mới lạ. Nhưng lúc này đây, tôi lại đang có cảm giác, đi là để thấy rằng, quê choa một dải, từ mục Nam Quan đến mũi Cà Mau…

Có biết bao nhiêu điều tươi đẹp, có những dân tộc, con người, những văn hoá không giống nhau. Đi là để xác nhận lại những điều trước kia ta đã biết, nhưng chưa được rõ ràng lắm. Nhưng đồng thời, đi cũng là để, nhìn thấy từ một góc độ nào đó, quê choa là một vùng đất chật chội, với rất nhiều vấn đề của riêng nó, và thực ra… ta cần điều gì đó rộng lớn hơn thế!

bắc hành – 2016, phần 47

Neo buông sâu như những sợi tơ lòng,
Thuyền lớn nhỏ đều chứa đầy hy vọng.
Thuyền ra đi, bến đã động lòng thương,
Ai phăng neo vội vã để đoạn trường?

Suốt dọc miền Trung, làng mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim, thành phố Hội An) ngày xưa từng là một trung tâm đóng ghe tàu danh tiếng. Hội An thì đã quá quen thuộc rồi, ghé qua lần này chỉ để biết rõ hơn về làng Kim Bồng, bây giờ đa số đã chuyển sang làm mộc gia dụng, gỗ trang trí, đi khắp cả làng đếm không đến chục chiếc thuyền lớn nhỏ đang đóng mới.

Đây rồi những hình thuyền trong giấc mơ tuổi nhỏ của tôi! Nhưng không chính xác là những thân thuyền truyền thống, thon dài để lợi sức gió, sức chèo như trước, bây giờ chỉ toàn xài máy. Cũng những hình thể đó, nhưng ngắn lại và mập ra để tăng tải trọng. Việc đóng hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm, không bản vẽ, không công thức, không khuôn mẫu nào cả!

Theo như chính người làng nói, thì giới thợ trẻ bây giờ chỉ làm mộc gia dụng, dể có việc, dể kiếm tiền. Đóng thuyền chỉ còn sót lại ít người tuổi trung niên trở lên, khó có đơn hàng, dù đơn hàng cũng thường lớn tiền hơn. Nhưng quan trọng là đóng thuyền cực khổ, đòi hỏi thể lực, kinh nghiệm, còn giới trẻ chỉ muốn công việc nhàn hạ, kiếm tiền nhanh chóng.

Lang thang khắp một vùng cửa Đại, hạ lưu sông Thu Bồn, đây đó vẫn còn có thể tìm thấy những mẫu hình thuyền theo đúng truyền thống, những hoài niệm xưa cũ… mấy ai là người hiểu và cảm được!? Quê choa một dải, từ cửa Hàn cho đến cửa Đại, từ núi Sơn Trà cho đến cù lao Chàm, đây đó vẫn luôn còn nhiều điều thú vị cho những ai để tâm tìm hiểu!

bắc hành – 2016, phần 46

Chặng 46: Huế ❯ cửa Thuận An ❯ QL 49B ❯ cửa Tư Hiền ❯ đèo Hải Vân ❯ Đà Nẵng ❯ Hội An

Bắc hành 2016 p1
Mai Châu, Mộc Châu 2016
Điện Biên 2016
Lai Châu 2016
Hà Giang 2016
Cao Bằng 2016
Lạng Sơn 2016
Bắc Ninh 2016
Ninh Bình 2016
Bắc hành 2016 p2

Từ đây trở đi là những vùng đất đã quá quen thuộc, nhưng vẫn luôn có gì đó mới mẻ nếu chịu khó để tâm tìm tòi, quan sát. Dừng chân ghé thăm một xưởng đóng tàu ở gần cửa Thuận An, một con tàu đánh cá lớn đang được đóng, ván gỗ kiền kiền 5.5 phân. Sau một vài câu nói chuyện với ông chủ xưởng: rứa chú là người gốc Vinh Mỹ à!?, đúng là tài thiệt!

Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi, hương âm vô cải mấn mao thôi!, đã bao nhiêu chục năm mà người ta vẫn nhận ra giọng nói. Câu chuyện tiếp diễn một hồi nữa, ông chủ xưởng hỏi: rứa trong làng chú họ chi!?, đáp: dạ, họ Trần, ổng phán: cái dòng nớ hắn thông minh ghê lắm!. Biết là những câu xã giao nhưng vẫn không khỏi mỉm cười trong bụng.

Mà xã giao ở cái miền quê ni hắn dông dài, vòng vo, đưa đón kinh khủng lắm, nói tiếp vài câu rồi kiếm cớ từ biệt lên đường. Nhìn sơ qua về cách đóng những con tàu đánh cá theo cách cổ truyền, chủ yếu vẫn phải dựa nhiều vào sức bền vật liệu (kiền kiền là một loại gỗ nặng, chịu nước rất tốt), chứ chưa đạt được đến mức xây dựng nên độ bền cấu trúc!

Quê choa một dải, từ cửa Thuận An đến cửa Tư Hiền, phá Tam Giang, đầm Thuỷ Tú, đầm Lập An, đầm Cầu Hai, từ núi Bạch Mã đến vịnh Chân Mây, cảnh quan đến thật là quyến rũ lòng người. Lặng đứng bên bờ cửa Tư Hiền, những chiếc thuyền nan bé tí một người chèo, và cái động tác mạnh mẽ, tự tin, an nhiên của họ giữa muôn trùng sóng to gió lớn cửa sông!

bắc hành – 2016, phần 45

Chặng 45: Vịnh Mốc ❯ tt. Cửa Tùng ❯ tt. Cửa Việt ❯ tx. Quảng Trị ❯ Hải Lăng ❯ An Lỗ ❯ Sịa ❯ Bao Vinh ❯ tp. Huế

Bắc hành 2016 p1
Mai Châu, Mộc Châu 2016
Điện Biên 2016
Lai Châu 2016
Hà Giang 2016
Cao Bằng 2016
Lạng Sơn 2016
Bắc Ninh 2016
Ninh Bình 2016
Bắc hành 2016 p2

Ghé thăm địa đạo Vịnh Mộc, Vĩnh Linh. Điều đặc biệt là huyện Vĩnh Linh có nhiều xã là đất đỏ bazan (một số xã là đất cát), người dân trồng nhiều hồ tiêu, cao su… Cũng chính nhờ cái đất ấy nên địa đạo mới có thể hình thành được, đơn giản là với phương tiện thô sơ ngày trước, không thể đào hầm trong đất cát. Quy mô nhỏ hơn địa đạo Củ Chi nhiều…

Nhưng Vịnh Mốc có một vai trò khác biệt, là điểm gần với đảo Cồn Cỏ nhất, con đường tiếp tế cho đảo đi qua đây, thế nên Vịnh Mốc chịu sự đánh phá ác liệt. Toàn bộ cuộc sống ở đây ngày xưa được tổ chức dưới lòng đất, nhìn tổng thể như một pháo đài 3 tầng, ngầm trong một sườn đồi, hướng ra biển cả. Bức ảnh cô du kích Vịnh Mốc ai đó chụp đến là đẹp!

Hành trình tiếp tục đi ven biển, cửa Tùng (sông Bến Hải), cửa Việt (sông Thạch Hãn)… Biển Cửa Tùng, Cửa Việt rất đẹp, bắt đầu từ nơi đây trở vô Nam, con đường di dân của người Việt ngày xưa từ phía Bắc, bắt đầu chủ yếu bằng đường biển với ghe thuyền, chứ không phải trên bộ như các vùng Nghệ An, Hà Tĩnh nữa. Đất miền Trung dài và hẹp vì như thế!

Người ta chỉ đi bằng ghe thuyền đến các vùng đất có thể cư trú được dọc theo bờ biển, rồi cứ thế tiếp tục xuôi về Nam, chứ không mở rộng ra về phía núi (phía Lào). Một lúc nào đó, cùng với chiếc kayak của mình, tôi sẽ rong chơi cho bằng hết tất cả những vụng biển, đầm phá, bãi bờ, sông nước này! Đến để thấy một nụ cười hồn nhiên thật quá là xinh!

bắc hành – 2016, phần 44

Chặng 44: Vũng Áng ❯ Vũng Chùa ❯ tx. Ba Đồn ❯ tt. Hoàn Lão ❯ tp. Đồng Hới ❯ tt. Hồ Xá ❯ Vịnh Mốc

Bắc hành 2016 p1
Mai Châu, Mộc Châu 2016
Điện Biên 2016
Lai Châu 2016
Hà Giang 2016
Cao Bằng 2016
Lạng Sơn 2016
Bắc Ninh 2016
Ninh Bình 2016
Bắc hành 2016 p2

Từ Vũng Áng, băng qua đèo Ngang là vào đến địa phận tỉnh Quảng Bình, hoàn tất điều chưa làm được trong chuyến xuyên Việt năm ngoái, đó là ghé Vũng Chùa – Đảo Yến viếng thăm mộ phần đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khu vịnh nho nhỏ khuất gió, sóng vỗ rì rào, hòn đảo be bé xinh xinh, cát trắng nước trong, cây cối xanh tươi, cảnh quan yên tịnh vô cùng.

Mất nhiều thời gian ở cửa sông Gianh và nhất là cửa sông Nhật Lệ. Cửa Nhật Lệ có dáng dấp một thời yên bình nào đó đã qua, những con tàu lười biếng nằm đợi ngày ra biển. Bức hình thứ 3 dưới đây rất đặc biệt, nó chứa đựng đầy đủ hình ảnh của quá khứ và hiện tại. Phần hậu cảnh là những con tàu đánh cá lớn, đuôi vuông đóng theo kiểu đương thời.

Trong hai con tàu nằm ở tiền cảnh, chiếc bên phải hoàn toàn là truyền thống Việt Nam (với chút xíu thêm thắt), thiết kế kiểu double – ender: đầu và đuôi đều vát nhọn, để ý con mắt thuyền vẫn còn vẽ rõ ràng. Chiếc thứ hai bên trái là một dạng lai giữa truyền thống và hiện đại, thân tàu thon dài như các bậc tiền bối, nhưng đuôi vuông theo kiểu hiện nay.

Một cảm xúc rộn ràng khó tả khi chứng kiến hình ảnh này, giờ đây, một thân tàu truyền thống như thế rất khó gặp, chiếc như trong ảnh ít nhất phải trên 60, 70 năm tuổi. Nước sơn mới, hay những thêm thắt sau này (cabin, boong sau đuôi…) không dấu đi được cái thiết kế kinh điển Việt: sức chở yếu, nhưng linh hoạt, nhanh nhẹn, chịu đựng sóng to gió lớn!

bắc hành – 2016, phần 43

Chặng 43: tx. Cửa Lò ❯ tp. Vinh ❯ tx. Hồng Lĩnh ❯ tp. Hà Tĩnh ❯ Cẩm Xuyên ❯ tx. Kỳ Anh ❯ Vũng Áng

Bắc hành 2016 p1
Mai Châu, Mộc Châu 2016
Điện Biên 2016
Lai Châu 2016
Hà Giang 2016
Cao Bằng 2016
Lạng Sơn 2016
Bắc Ninh 2016
Ninh Bình 2016
Bắc hành 2016 p2

Qua một đêm, gió mùa đông bắc lại tràn về, nhiệt độ giảm còn 15 ~ 16 ℃, thời tiết mát lạnh dễ chịu. Đứng từ trên tầng cao nhất nhìn ra cửa sông Lam, không còn tĩnh lặng, mơ màng như ngày hôm qua nữa, sóng cửa sông lớn bạc trắng xoá đầu, biển là như thế đấy! Những con sóng cửa sông (tidal waves) như thế này rất nguy hiểm với ghe xuồng nhỏ!

Lang thang dọc bờ sông Lam, đoạn từ sát biển lên đến cầu Bến Thuỷ qua quốc lộ 1. Vùng này có chế độ nhật triều, trung bình mỗi ngày chỉ có một lần triều lên / xuống. Quan sát dọc bờ sông cho thấy thuỷ triều yếu, chênh lệch cao nhất / thấp nhất chỉ khoảng 1 ~ 1.5 m, không như vùng sông Sài Gòn, bán nhật triều, nhưng biên độ có thể lên đến 3 ~ 4 m.

Ghe tàu đánh cá khắp cả Việt Nam đều là loại đáy bằng, đáy tròn, nên ít phụ thuộc vào thuỷ triều lên xuống hơn các loại đáy sâu chuyên đi biển xa. Đến tận bây giờ, số liệu thuỷ triều ở các cảng Việt Nam vẫn chưa công bố (hay chưa có!?), việc tính thuỷ triều chỉ dựa vào các công thức lý thuyết chứ chưa có hiệu chỉnh thực tế theo số liệu đo đạc thực nghiệm!

Thiếu kiến thức và kỹ năng, thiếu trang thiết bị đi biển cần thiết, thì không một ngư dân nào, cho dù là lão luyện hay liều lĩnh đến đâu, lại có thể đi xa bờ được! Xa ở đây nên hiểu không phải chỉ vài ngàn cây số, phải 10 lần nhiều hơn thế! Đã đến lúc chúng ta nên thôi cái điệp khúc: dân ta cần cù chịu khó… mà hiểu đúng vai trò của kiến thức và công nghệ.

bắc hành – 2016, phần 42

Chặng 42: Sầm Sơn ❯ tt. Tĩnh Gia ❯ Quỳnh Lưu ❯ tx. Hoàng Mai ❯ tt. Cầu Giát ❯ Diễn Châu ❯ tx. Cửa Lò

Bắc hành 2016 p1
Mai Châu, Mộc Châu 2016
Điện Biên 2016
Lai Châu 2016
Hà Giang 2016
Cao Bằng 2016
Lạng Sơn 2016
Bắc Ninh 2016
Ninh Bình 2016
Bắc hành 2016 p2

Sáng đang lười biếng cà phê khởi động ngày mới, thì ở đâu ra cái hội xe máy Exciter Thanh Hoá tụ tập, gặp mặt offline ở ngay cái quán mình đang ngồi, hàng trăm chiếc Ex xanh xanh giống hệt nhau, mấy trăm con người ồn ào nhộn nhịp! Mỗi một mình mình là con cừu đen giữa bầy trắng, dắt xe nổ máy tiếp tục lên đường giữa hàng trăm cặp mắt ngó vào!

Lại tiếp tục điệp khúc Thuyền và Biển, đi ngang qua cảng cá Sầm Sơn, những chiếc tàu đánh bắt xa bờ hiện đại, cái thiết kế nhìn có vẻ… ổn thoả, hợp logic hơn một chút. Cả một vùng Quảng Xương này hầu như chẳng trồng gì tốt được ngoài thuốc lá. Thửa ngay một cái điếu cày (tre) và ít thuốc lào, kẻo về đến Sài Gòn lại hơi khó kiếm những thứ này!

Biết thêm một chút về kênh nhà Lê, một hệ thống kênh đào được kiến tạo qua nhiều triều đại, nhiều thế hệ, bắt đầu từ Lê Đại Hành (tiền Lê), Lý, Trần, hậu Lê… trải trên 800 năm. Hệ thống kênh đào kết nối các sông ngòi tự nhiên này kéo dài hàng trăm km, nối thông từ Ninh Bình qua Thanh Hoá, Nghệ An đến Hà Tĩnh để phục vụ cho công cuộc mở mang bờ cõi.

Một cảnh tượng thanh bình đến nao lòng khi đứng nhìn cửa Hội, nơi dòng sông Lam ra gặp biển, phía nam tx. Cửa Lò. Ngoài kia là đảo Song Ngư, có cảm giác muốn nhảy ùm một phát làm vài sải là ra tới đảo, ngay và luôn! Nói vậy thôi, chứ sự thực thì… khoảng cách đo trên bản đồ chỉ khoảng 3 km, non hay già một chút, hoàn toàn có thể bơi dễ dàng!

bắc hành – 2016, phần 41

Chặng 41: Phát Diệm ❯ Nga Sơn ❯ Hậu Lộc ❯ tp. Thanh Hoá ❯ Quảng Xương ❯ Sầm Sơn

Bắc hành 2016 p1
Mai Châu, Mộc Châu 2016
Điện Biên 2016
Lai Châu 2016
Hà Giang 2016
Cao Bằng 2016
Lạng Sơn 2016
Bắc Ninh 2016
Ninh Bình 2016
Bắc hành 2016 p2

Quốc lộ 10 chạy từ Kim Sơn đi Nga Sơn đi qua đền thờ Mai An Tiêm, nằm bên cạnh một vòng cung núi đá vôi rất đẹp. Lộ 10 nhập vào quốc lộ 1A một đoạn chưa xa thì đến đền thờ Bà Triệu, huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá. Con đường xuôi Nam lần này sẽ sát biển nhất có thể, một phần để quan sát, tìm hiểu phục vụ cho những dự tính xa xôi hơn trong tương lai…

Phổ biến ở những vùng biển Thanh Hoá này là những chiếc thuyền đi biển nhỏ, đan bằng nan tre, xảm dầu rái, hay những chiếc mảng lớn hơn một chút, đóng bằng luồng, một loại tre dài. Tôi đến tận nơi để xem cách họ đóng, sửa chữa thuyền bè… kỹ thuật chế tác gỗ rất thô sơ, vụng về, sử dụng những phương pháp chẳng tiến bộ hơn… thời kỳ đồ đá là mấy.

Các cây luồng được buộc lại với nhau bằng những sợi cước nhựa, kẹp vào giữa là nhiều lớp mút (xốp). Quan sát từ thiết kế con thuyền cho đến kỹ thuật đóng tàu… những phương tiện này chẳng thể nào đi biển xa một cách nghiêm chỉnh, an toàn được. Thật đáng buồn khi thấy từ trăm năm trước đến trăm năm sau, về cơ bản, vẫn chưa có điều gì là thay đổi!

Ngay các trung tâm nghề cá phát triển như Đà Nẵng, Vũng Tàu… những con tàu lớn đóng với ván đáy dày 20 cm, vẫn không bền hơn được một con tàu tương tự của Thái Lan với ván đáy dày 5 cm. Phải nói thẳng ra rằng người Việt không muốn thay đổi và không chịu thay đổi, chứ còn về kỹ thuật, những điều này chẳng có gì là khó khăn hay phức tạp cả!

bắc hành – 2016, phần 40

Bỏ ra một ngày suốt từ sáng đến chiều để quan sát các điêu khắc đá và gỗ ở nhà thờ chính toà Phát Diệm. Được xây dựng bởi cha Phêrô Trần Lục (ảnh 3), một người tuy được thụ phong linh mục nhưng chưa bao giờ theo học ở một chủng viện nào khác ở ngoài Việt Nam, và cũng không phải là có kiến thức chuyên biệt về kiến trúc hay mỹ thuật phương Tây.

Nhưng như còn lại đến ngày hôm nay, nhà thờ chính toà Phát Diệm có thể được xem như một sự phát triển độc đáo và riêng biệt của kiến trúc cổ truyền Việt Nam… theo đường lối Công giáo. Trong lịch sử từ xa xưa, tôn giáo đã luôn luôn là động lực lớn để đoàn kết, tập hợp nhiều con người, xây dựng nên những công trình kiến trúc, điêu khắc lớn lao, kỳ vĩ.

Nhưng lịch sử Công giáo ở vùng đất Phát Diệm, Ninh Bình này là một quá trình phức tạp, tôn giáo cũng chỉ là một trong những yếu tố gây nên cách biệt, mâu thuẫn, lồng ghép trong những mâu thuẫn cục bộ địa phương, mối quan hệ giữa địa phương với chính quyền, và sâu rộng hơn, là sự cọ xát giữa các nền văn minh khác nhau (clash of civilizations).

Con đường xuôi Nam tiếp tục đi gần hơn về phía biển, Nga Sơn, Hậu Lộc, Quảng Xương, Thanh Hoá… nghe trong hơi gió đã thoáng mùi muối mặn, và những ngữ âm địa phương đã dần xoắn lại, bớt mềm mại hơn, có lẽ vì… muối. Ðâu trúc mai sân đình, đâu dáng ai ưa nhìn, động lòng tôi câu hát người xinh… – Mái đình làng biển – Nguyễn Cường.

bắc hành – 2016, phần 39

Bố cục khuôn viên gồm một hồ nước lớn phía trước, phương đình (đồng thời là lầu chuông, gác trống), nhà thờ chính và 4 nhà thờ nhỏ hơn nằm hai bên, cùng với một nhà thờ nhỏ xây toàn bộ bằng đá. Nhà thờ chính có 48 cột gỗ lim cao đến 11 m (chỉ sau điện Thái Hoà), rất cao so với kỹ thuật xây dựng đương thời, tạo nên một không gian giáo đường cực rộng.

Đến Phát Diệm là để xem mỹ thuật của điêu khắc đá, thật sự là tinh vi và tuyệt đẹp. Các tượng thiên sứ được Việt hoá, phảng phất nét người Việt trên khuôn mặt. Nhưng điêu khắc gỗ nội thất mới thực sự là đỉnh điểm tài hoa và đẹp đẽ ở ngôi giáo đường này. Có thể nói không đâu khác ở Việt Nam mà điêu khắc gỗ đạt đến mức phức tạp, tinh vi, kỳ tài như thế!

Thật tiếc là không phải gian thờ nào cũng mở cửa cho du khách vào thưởng lãm, nên tôi cũng chỉ chiêm ngưỡng được phần nào các điêu khắc gỗ. Một số nơi, thời gian, chiến tranh đã tàn phá rất nhiều trang trí mỹ thuật. Và Phát Diệm đang chịu sự huỷ hoại dần dần theo thời gian do xây dựng trên nền đất yếu, các công trình dần bị nghiêng, xô lệch.

Chính giữa phương đình có xây một bệ tam cấp đá rất lớn, tương truyền là để dành cho quan lại địa phương (quan nhà Nguyễn) ngồi giám sát mỗi khi giáo dân hành lễ. Phải đến và xem, thì mới hiểu được, một thời, đạo pháp và dân tộc đã được hội nhập, biến hoá và dung hoà, đã đạt tới những trình độ nghệ thuật mà có lẽ thời bây giờ không thể bằng được!

bắc hành – 2016, phần 38

Một di tích rất quan trọng muốn viếng thăm trong chuyến Bắc hành năm ngoái nhưng chưa làm được, đó là nhà thờ chính toà Phát Diệm, Kim Sơn, Ninh Bình. Đường về vùng đất khai hoang lấn biển đi qua khu nhà tưởng niệm cụ Nguyễn Công Trứ, người có công lớn trong việc di dân khai hoang lập nên hai huyện mới: Kim Sơn và Tiền Hải (núi vàng & biển bạc).

Và cũng là người đặt nên cái tên Phát Diệm (Diễm) (1829). Cũng không phải ngẫu nhiên mà đương thời, một vùng đất vừa mới thành lập chưa lâu trở thành một trong những chiếc nôi của Công giáo Việt Nam, với nhà thờ chính toà Phát Diệm có thể xem như là nhà thờ đẹp nhất Việt Nam. Được khởi công xây dựng năm 1875 và cơ bản hoàn tất năm 1898.

Tuy là nhà thờ Công giáo, nhưng nhà thờ chính toà Phát Diệm chỉ hơi phảng phất nét kiến trúc Tây phương, hầu hết các yếu tố cấu thành đều mang đậm dấu ấn kiến trúc đình chùa Việt Nam. Phương đình (cổng chính) có bức hoành chữ Hán đề: Thánh cung bảo toà, mái cong lợp ngói như mái chùa, kiến trúc cột kèo cũng là đặc trưng của đình, đền Việt Nam.

Ngay cả tiếng chuông cũng nghe trầm ấm, gần giống với tiếng chuông chùa. Các chủ đề điêu khắc trong chùa phổ biến có: long, lân, quy, phụng, tùng, trúc, cúc, mai… thậm chí tượng Đức Mẹ ôm Chúa hài đồng cũng mặc áo dài với khăn đóng. Có rất nhiều yếu tố kiến trúc, điêu khắc được Việt hoá triệt để, nhiều người đã nhận xét nó giống một ngôi chùa hơn là nhà thờ.

bắc hành – 2016, phần 37

Chùa Bút Tháp nằm đối diện Phật Tích, phía bên kia sông Đuống, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Nhưng phải đi dọc triền đê chừng 7, 8 km lên đến cầu Hồ, qua sông rồi quay ngược lại. Đây là ngôi chùa mà tôi thích nhất, những tượng gỗ rất đẹp, các vị La Hán mang sắc diện Việt Nam rất chi đời thường. Có cảm giác rằng phải nhỏ nhắn, xinh xắn mới là Việt!

Ghé thăm lăng Kinh Dương Vương, được xem là ông vua thuỷ tổ của người Việt, nằm cạnh bờ sông Đuống. Phía trước có cái bia nhỏ đề Hạ mã (hình đầu tiên dưới đây). Đầy đủ phải là Khuynh cái, Hạ mã: nghiêng lọng, xuống ngựa, kiểu gần giống như bây giờ là: xuống xe, tắt máy, xuất trình giấy tờ vậy! Ghé thăm chùa Dâu và vết tích thành cổ Luy Lâu.

Cảm thấy có nhiều quyến luyến với vùng đất, con người Thuận Thành này, chẳng phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Quang Dũng viết: Nhớ mưa Thuận Thành, long lanh mắt ướt, và những vùng quan họ khác dọc đôi bờ sông Đuống. Đây có thể xem là vùng đất “cổ nhất” Việt Nam, các di tích lịch sử dày đặc, nhiều không kể xiết, tất thảy đều rất lâu đời:

Tranh Đông Hồ, làng gỗ Đồng Kỵ, chùa Trăm Gian, đình Quang Đình, đình Ngô Xá, đình Ngọc Quan, đình Tam Tảo, chùa Phúc Lâm… Chỉ có thể cưỡi ngựa xem hoa, thăm lấy vài nơi tiêu biểu. Đôi điều rất đáng suy nghĩ về vùng đất quan họ lâu đời Bắc Ninh, khi là tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam, nhưng thu nhập bình quân đầu người lại cao nhất!

bắc hành – 2016, phần 36

Sau đình Bảng là đến đền Đô (lại là những địa danh đơn âm), đền thờ 8 vua triều Lý. Đền Đô toạ lạc trên một khuôn viên rộng, bố cục tổng thể rất đẹp. Bi đình lập từ thời vua Minh Mệnh, bia viết: Lý triều chư hoàng đế. Thuỷ đình rất đẹp nằm giữa một hồ nước bán nguyệt lớn. Tấm hoành chính điện đề: Lý triều bát đế, và bức tiếp theo đề: Cổ pháp vĩnh truyền.

Cổ Pháp cũng là tên chữ của làng. Tự dưng đặt câu hỏi cái chữ ‘cổ’ (trong: Cổ Loa, Cổ Bi, Cổ Pháp…) và chữ ‘kẻ’ (Kẻ Bàng, Kẻ Vang, Kẻ Chợ…) có phải từ một gốc mà ra!? Thực sự là mãn nhãn với cái bố cục đẹp của ngôi đền, chứ nếu đi vào chi tiết từng chữ Nho, từng nét thư pháp thì vẫn chưa vừa ý, vì ngôi đền bị phá huỷ nghiêm trọng trong kháng chiến.

Và được trùng tu tôn tạo lại gần như toàn bộ trong những năm cuối 80, đầu 90. Đình chùa đầu năm đông không thể tả, không chỉ ngột ngạt khó chịu cho du khách, mà cũng chẳng thể nào chụp được một bức ảnh cho hoàn chỉnh! Sang đến chùa Phật Tích thì thấy biển người nườm nượp chen vai thích cánh nhau đi chùa, nhìn là đã không muốn vào.

Chùa Phật Tích cũ nổi tiếng với nhiều điêu khắc đá rất đẹp, nhưng tôi chẳng thể nào tham quan được gì khi mà người đi chùa cứ vai sát vai thế này. Trên đỉnh là toà tháp và bức tượng Phật lớn, được xây mới trong vài năm đổ lại đây, nhìn cũng khá hoành tráng. Chợt nhớ ra, ngôi chùa trên đảo VinPearl, Nha Trang chính là xây theo nguyên mẫu chùa Phật Tích này.

bắc hành – 2016, phần 35

Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh có lẽ là ngôi đình lớn nhất Việt Nam còn tồn tại đến ngày hôm nay, lớn hơn hẳn đình Mông Phụ, Đường Lâm tôi đã ghé thăm trong chuyến Bắc hành năm ngoái. Đình xây theo hình thể chữ đinh, điểm đẹp nhất là mái đầu đao vươn xa, bố cục rộng lớn. Nhìn kỹ, sẽ thấy hai con lân chầu ở cửa đình… không giống nhau.

Không phải là một cặp cân xứng giống hệt nhau, mà mỗi con lại là một điêu khắc khác biệt. Điều thú vị trong kiến trúc, điêu khắc, mỹ thuật Việt là ở chỗ này chỗ kia, bạn lại bắt gặp một chi tiết gì đó phá cách, bất thường, không tuân thủ theo những quy tắc phổ biến. Như tượng con đá chó phía sau ngôi đình cũng là một điều đặc biệt, tự nhiên, không ước lệ.

Những điêu khắc gỗ trong đình còn lại không quá nhiều, cũng như những điêu khắc đá mới bổ sung, tôn tạo sau này, cùng với những chiếc đèn lồng đỏ nhìn… lạc tông, không đồng điệu. Nhưng ít ra chúng ta còn có được một công trình tương đối hoàn thiện, để biết được rằng kiến trúc Việt ngày xưa như thế nào, trải qua bao thăng trầm của chiến tranh và thời gian.

Nếu như ai đó nghĩ rằng kiến trúc Việt, từ dân gian, đình chùa đến cung đình đều chỉ be bé, xinh xinh, không có gì quá vĩ đại thì… thực ra đúng là như thế. Khắp cả Bắc, Trung, Nam, kiến trúc Việt còn kém đặc sắc so với kiến trúc Lào, Campuchia. Nhưng mặt khác, các bạn cũng hãy bớt xem phim Tàu đi, mà nhìn rõ trên quê hương chúng ta còn lại những gì.

bắc hành – 2016, phần 34

Từ Lạng Sơn qua Bắc Giang, Bắc Ninh về Hà Nội theo quốc lộ 1A, con đường đi trong một “thung lũng” rộng nằm giữa hai dãy núi, càng lúc càng hẹp dần, thắt lại như một cái cuống phễu ở quá thị trấn Chi Lăng một chút. “Ải Chi Lăng” bây giờ chỉ là đôi bờ kè đá nhỏ đánh dấu chỗ hẹp nhất đó. Từ đây bắt đầu vào địa phận tỉnh Bắc Giang đã hầu như là đồng bằng.

Qua thị trấn Lạng Giang, Bắc Giang, nhác thấy một cái biển nhỏ xíu đề: Đoàn An Lão (1 km). Thế nghĩa là E2, F3 (và thực tế là toàn bộ F3) đang đứng chân ở cái thị trấn nằm ngay sát tỉnh Lạng Sơn này, hơi lùi sâu vào nội địa một chút so với điều tôi nghĩ. Và ở đây cũng có dấu hiệu của ít nhất một vài F lẻ khác, không trực thuộc Quân đoàn 2 Hương Giang.

Những địa danh đơn âm đến mức tối thiểu: Vôi, Kép, Lim, Dâu, Đô… những miền đất rất cổ của người Việt. Qua sông Cầu (sông Như Nguyệt), ranh giới giữa hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Từ đây, có thể thấy đồng bằng Bắc Bộ đang bị đô thị hoá cao độ, các thị trấn nằm san sát nhau, và ngay cả một số làng xã nông thôn nhìn cũng chẳng khác gì phố thị.

Bắc Ninh, Kinh Bắc, Hà Bắc… tên qua những giai đoạn khác nhau, nhưng đều ám chỉ nơi đây, vùng đất phía Bắc, rất gần, chỉ khoảng 20 ~ 50 km tính từ thủ đô Hà Nội. Có rất nhiều di tích lịch sử văn hoá ở vùng đất có lịch sử lâu đời nằm ngay sát kinh kỳ này. Dừng chân ít ngày, thăm thú một số nơi, trước khi bỏ qua những vùng đất đã biết để đi suốt về Nam.

bắc hành – 2016, phần 33

Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, cách thành phố Lạng Sơn tầm 30 km, sát với biên giới Trung Quốc. Tuy không quá cao, chỉ khoảng 1500 m, nhưng khí hậu luôn mát lạnh quanh năm. Thực ra có đến hai đỉnh núi nằm cạnh nhau, ngọn thấp hơn vẫn thường gọi là Mẫu Sơn, một đỉnh cao hơn nằm ngay kế bên cạnh (Phụ Sơn!?) nhưng chưa có đường cho xe lên.

Một ngày nắng ấm đẹp trời, đường từ chân núi lên tới đỉnh chỉ khoảng 15 km đường bê tông nhựa nhỏ, không khó đi lắm. Tuy vậy, muốn biết về những đường cung đường quanh co uốn lượn đến mức quái dị, hãy lên gần đỉnh Mẫu Sơn sẽ thấy! Từ trên đỉnh nhìn ra bốn phía trông rất ngoạn mục và mãn nhãn, tiếc một điều là núi trọc, tỷ lệ phủ xanh thấp.

Quay trở lại thành phố Lạng Sơn, bên ly cà phê, cuộc trò chuyện với những người “quen cũ”. Thực ra chỉ có người ở lại là sẽ thay đổi, kẻ ra đi chẳng đổi thay bao giờ. Vì hắn đã chủ động “keep moving” liên tục, để cho con người luôn nhìn sự việc từ những góc độ biến động khác nhau, sur les chemins mouvants, thế nên tâm hồn hắn thì vẫn mãi mãi là như thế!

Từ đây về Hà Nội chỉ 154 km đường thẳng, địa hình núi đồi thấp, các bác bên Bộ quốc phòng sẽ luôn có khối chuyện đau đầu về cái sự “defence in depth” ở một khu vực như thế này! Vẫn còn do dự mong muốn đẩy hành trình đi xa hơn nữa, nhưng năm nay tạm bằng lòng với chừng ấy. Chặng áp cuối của hành trình, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội.