Lý Tử Thất trở lại, sau vài năm vắng bóng… Thật ra tôi nghĩ, họ Lý, Sơn Bạch và nhiều người khác nữa đều nằm trong một nỗ lực tuyên truyền văn hóa, khuyến khích người trẻ tìm tòi, rèn luyện bản thân! Những gì họ làm chưa thể gọi là “công phu” được, nhiều cái mới ở mức nhập môn! Nhưng cái chính là khuyến khích đám trẻ làm cái này, chế cái kia, nâng cao hiểu biết và tay nghề! Phần quan trọng của mọi quá trình phát triển con người là yếu tố tâm lý, phải tạo ra một “cảnh nền” nên thơ, một không gian đáng sống, phải tạo ra cảm xúc về cái đẹp để nhẹ bớt quá trình lao động mệt mỏi. Câu chuyện đó, thực đến đâu thì còn tùy nhận định của mỗi người. Nhưng nhìn kỹ lại toàn bộ quá trình, ví dụ như làm “sơn mài”, thực ra đâu có mài sơn, chẳng qua là “mài tâm” – ma tâm – 磨心 mà thôi! Phải dẹp “cái tâm” nhiễu loạn, “cái tôi” lau nhau đi, thì mới học và làm được!
Nếu xét về đỉnh cao tư tưởng, học thuật, khoa học kỹ thuật, Trung Quốc chưa hẳn đã hoàn toàn thuyết phục được người khác, nhưng xét về những phát minh làm thay đổi đời sống dân sinh và biến đổi xã hội thì phương Tây nhiều lần phải… sợ hãi TQ. Karl Marx đã nói về 4 phát minh cổ điển vĩ đại của người TQ: thuốc súng thổi bay giai cấp phong kiến quý tộc ẩn nấp sau những lâu đài kiên cố thời Trung Cổ, la bàn giúp phát triển thuộc địa, kết nối các vùng của thế giới, phát triển thương mại và vận tải, giấy + in ấn giúp cải cách tôn giáo, hình thành nên tầng lớp tri thức, tư sản mới, 4 cái đó gộp lại tạo nên giai đoạn Phục Hưng ở châu Âu và Cách mạng tư sản dân quyền! Ngoài ra còn có 3 cái nữa giúp trực tiếp tạo nên Cách mạng công nghiệp: trà, gốm sứ và tơ lụa, như đã đề cập đến trong một bài viết trước ở đây, và cả 3 cái đó, một lần nữa, lại cũng đến từ TQ.
Rồi một hai ba năm,
Danh thành, anh trở lại.
Với em, anh chăn tằm,
Với em, anh dệt vải.
Anh và em sẽ sống,
Trong một mái nhà tranh.
Lấy trúc thưa làm cổng,
Lấy tơ liễu làm mành!