trường hận ca, 2

Bữa rảnh rỗi nhảy vô hỏi ChatGPT: bài Trường hận ca của Bạch Cư Dị bắt đầu thế này, “Hán hoàng trọng sắc tư khuynh quốc… – Hoàng đế nhà Hán say mê nữ sắc, luôn nghĩ đến giai nhân nghiêng nước nghiêng thành”, vậy cụm từ “Hán hoàng” thực ra là nói về ai!? ChatGPT trả lời : “Hán hoàng” là nói về Đường Minh hoàng, vị hoàng đế thứ 7 đời Đường. Khá là kinh ngạc vì ChatGPT thông minh như vậy, liền hỏi tiếp: nhưng “Hán hoàng” nghĩa đen tức là hoàng đế nhà Hán mà, sao lại nói về hoàng đế nhà Đường được?! ChatGPT liền giải thích loanh quanh: đây là một cách diễn đạt mang tính thi ca, ước lệ, thực chất không đề cập đến Hoàng đế nhà Hán!

Nghĩ kỹ, hóa ra ChatGPT không thông minh đến như thế, nó chỉ lặp lại những gì được nhồi nhét cho mà thôi, thực sự không có chút tìm hiểu hay suy luận nào! Một ví dụ nữa là bài “Yên ca hành” của Cao Thích, mở đầu thế này: “Hán gia yên trần tại đông bắc”, rõ ràng là nói chuyện thời nhà Đường, nhưng mở đầu cứ phải là “Hán hoàng, Hán gia”. Đơn giản là vì Bạch Cư Dị, Cao Thích là quan lại, thần tử của Đường Huyền tông, người đương thời không ai dám nói về “đương kim hoàng đế” một cách trực tiếp thẳng thừng cả, đều phải nói chệch, nói tránh đi! Đây là điều mà ChatGPT không hiểu, nhưng thực ra kiến thức của nó cũng đã hơn rất nhiều người!

trường hận ca, 1

Rất lâu về trước, đọc Trường hận ca – Bạch Cư Dị, đến đoạn: Quy lai trì uyển giai y cựu, Thái Dịch phù dung Vị Ương liễu. Phù dung như diện liễu như mi, Đối thử như hà bất lệ thùy… 歸來池苑皆依舊,太液芙蓉未央柳。芙蓉如面柳如眉,對此如何不淚垂。 để ý thấy: “cựu” và “liễu” không được hợp vận cho lắm, còn nếu đọc là “kiệu”, theo cùng một cách như rượu – riệu…

Thì lại rất đúng vần, hợp với “liễu”, từ đó có thể suy ra, ngay từ thời Đường, âm của nó đã là “kiệu”, “riệu”, còn “cựu” và “rượu” có lẽ là âm còn xưa hơn nữa. Đương nhiên, vấn đề ngữ âm không thể chỉ suy luận đơn giản như vậy, nhưng cũng có lý do để tin rằng lối đọc “kiệu, riệu….” không phải là một loại giọng địa phương của VN, mà chính là ảnh hưởng từ TQ!

bát trạo ca

Facebook nhắc lại ngày này năm trước, chùm thơ “Bát trạo ca” của “Đức Thành thuyền tử” (cái tên này có nghĩa là: người chèo thuyền Đức Thành), thi nhân, thiền sư thời Đường. Đây là một chùm nhiều bài lấy chủ đề sông, nước, thuyền, trăng, câu cá (vì là nhà sư nên ông ta luôn câu bằng lưỡi câu thẳng, nôm na, thực chất chính là… đi cho cá ăn). Các làng chài ven biển miền Trung Việt Nam có lối “Hát bả trạo”, chính là từ chữ “bát trạo” mà ra! Bát trạo ca, tức là bài ca chèo thuyền, chỉ là một trong vô số nội dung của thơ Đường. Nói về các chủ đề của Đường thi…

Đầu tiên là dòng thơ cung đình, toàn những lời chúc tụng, hoa mỹ, sáo rỗng. Đối lập với nó là dòng thơ điền viên, diễn tả niềm vui, sự an lạc của cuộc sống nơi thôn dã. Một dòng nữa tạm gọi là “khuê trung oán”, mô tả nỗi ai oán, sầu não của người phụ nữ chốn khuê phòng khi trượng phu ra trận đã lâu ngày. Dòng mà tôi thích đọc nhất là Biên tái, có nội dung về chiến trận, sa mạc, đời sống nơi biên ải, kiểu như: Chiến sĩ quân tiền bán tử sinh, Mỹ nhân trướng hạ do ca vũ!Chiến sĩ nơi trận tiền nửa sống nửa chết, Mà dưới trướng, người đẹp vẫn múa hát!

Có dòng thơ hiện thực khốc liệt của Đỗ Phủ, hay lãng mạn cao vời của Lý Bạch, lại có những dòng thơ thể hiện rõ ảnh hưởng của Đạo giáo, Phật giáo như của Vương Duy, Mạnh Hạo Nhiên. Cứ thử đọc thử vài ngàn bài, để thấy cái thế giới tâm hồn, cái kỹ năng sử dụng ngôn từ của người ta phong phú đến cỡ nào, mà đó đã là thời của hơn một ngàn năm ba trăm trước nhé! Có tác giả đã nhận xét về Đường thi: Từ khi nhà Đường dựng nghiệp đến nay, ngữ ngôn ra ngoài trời đất, tư tưởng vượt xa quỷ thần… Không phải là lời của thế gian, thì có thơ Lý Bạch!

Nhiều khi nghĩ mà buồn, có những loại bên trong trống hoác, đến bản thân dốt, kém chỗ nào cũng chưa thể tự nhận thức, không thể tự luận ra được! Lại có những loại ngồi trước TV xem toàn phim Trung Quốc suốt mấy chục năm, ấy thế mà vẫn không học được điều gì! Và cũng có những loại, loay hoay hiểu được một vài câu chữ rồi… mắc cứng luôn vào đó, dùng câu chữ như một loại “bùa chú” để “lòe người” chứ không thực sự lĩnh hội được cái tinh thần, hồn cốt bên trong! Và khổ nỗi, đó chính là những loại vỗ ngực: “ta đây là nhà thơ” các kiểu!

thi ca

Đường thi là một đỉnh cao, cao vời vợi của thi ca cổ điển TQ, sẽ không bao giờ có lại một thời đại mà nhà nhà làm thơ, tạo ra không biết bao nhiêu cách diễn đạt, ý tưởng mới lạ, làm giàu thêm đời sống văn hóa. Sang đến thời Tống, dù văn nhân vẫn tiếp tục làm thơ theo thể Đường luật, họ tiếp tục sáng tạo ra thể loại Tống từ mới, cách diễn đạt uyển chuyển, gần với âm nhạc hơn. Sang đến thời Nguyên, với sự cai trị của đế chế Nguyên Mông, ngôn ngữ có sự thay đổi lớn, dần dần trở thành có 4 âm thay vì 6 âm như trước. Nên rất nhiều thơ làm theo lối Đường luật trở nên… sai âm luật. Dù vẫn tiếp tục làm theo thể Đường thi, Tống từ, nhưng thời Nguyên phát triển mạnh về Nguyên khúc, hình thức hý kịch mang tính âm nhạc sinh động. Sang đến thời Minh, dù vẫn thấy Đường thi, Tống từ, nhưng đời sống tinh thần sang một trang mới, văn xuôi dạng tiểu thuyết phát triển mạnh!

Nên cụ Nguyễn Du mới chuyển thể Kim Vân Kiều truyện thành thể lục bát vốn quen thuộc với người Việt, chứ văn xuôi nhiều chữ như thế, đa số không đọc nổi. Sang đến thời hiện đại, các văn nhân thi thoảng vẫn làm Đường thi, Tống từ, nhưng đó chỉ là sự “hoài cổ” bất chợt, không ai muốn tiếp tục một cái thể loại đã không còn đúng, hay về âm điệu, không có sự mới mẻ trong ý tưởng. Ngay tại TQ, thi ca hiện đại đã như một dòng sông ngừng chảy, chưa biết đi về đâu. So với Hoa ngữ, tiếng Việt vẫn giữ được một lợi thế rõ rệt là còn bảo lưu đủ 5, 6 âm! Nhưng bù lại, sự tìm tòi sáng tạo trong ý tưởng, trong cách diễn đạt thực sự không thể so bì được. Mà nói cho cùng thì, thời thế góp một phần vô cùng quan trọng trong việc việc định hình nên ngôn ngữ thi ca, chỉ có số phận bi thảm như Văn Thiên Tường mới viết lên nổi một bản “Chính khí ca” hùng tráng đến vậy!

Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh, những dòng thơ mà người người, đời đời truyền tụng và ngưỡng vọng, đấy là loại thơ ca được viết ra bằng mồ hôi và máu, so với những kiểu được viết bằng… nước bọt hẳn không cùng một loại! Phải có thời thế đổi thay, lịch sử biến động, phải có cuộc sống phong phú, con người vận động thì mới có cảm hứng và chất liệu cho những loại thơ ca đích thực được. Tại Việt Nam, thơ Mới cũng giống như một buổi hoàng hôn rực rỡ, chính là báo hiệu màn đêm sắp buông xuống! Với những tia nắng cuối ngày: Anh đi đấy, anh về đâu? Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm! (Nguyễn Bính) Về đâu thì chưa biết, nhưng chắc chắn là phải có cách diễn đạt mới lạ cũng như ý tưởng khác biệt. Không thể cứ lặp lại mãi vài câu chữ nghèo nàn trong cái thể lục bát cũ rích rồi vỗ ngực “ta đây nhà thơ” được!

Mà để tạo ra sự khác biệt, cũng có người đã vò đầu, bứt tai, dày vò bản thân để tạo ra câu chữ hiểm hóc, kiểu như Giả Đảo, Lý Hạ, Mạnh Giao thời Đường, tạo ra cả một “trường phái khổ thi”, suốt ngày chỉ vặn vẹo câu chữ! Tuy cũng có người khen ngợi, nhưng toàn là loại thi ca thiếu sức sống, thực chất chính là phản ánh sự đau khổ, ốm yếu, bệnh tật của các tác giả làm ra nó! Ngay ở thời Đường, đã có nhiều dòng thơ và vô số tác giả khác đáng đọc hơn nhiều: Từ khi nhà Đường dựng nghiệp đến nay, ngữ ngôn ra ngoài trời đất, tư tưởng vượt xa quỷ thần… không phải là lời của thế gian, thì có thơ Lý Bạch! Giả, Mạnh so với Lý-trích-tiên như đom đóm với trăng rằm mà thôi. Mà để được như họ Lý, đầu tiên là phải cỡi ngựa, đánh kiếm, chèo thuyền… sống một cuộc đời cho nó đủ đầy ý nghĩa đã! Nôm na, ngắn gọn là cứ tập thể dục đi rồi hẵng nói chuyện thi ca, nhé! :D

ma tâm

Lý Tử Thất trở lại, sau vài năm vắng bóng… Thật ra tôi nghĩ, họ Lý, Sơn Bạch và nhiều người khác nữa đều nằm trong một nỗ lực tuyên truyền văn hóa, khuyến khích người trẻ tìm tòi, rèn luyện bản thân! Những gì họ làm chưa thể gọi là “công phu” được, nhiều cái mới ở mức nhập môn! Nhưng cái chính là khuyến khích đám trẻ làm cái này, chế cái kia, nâng cao hiểu biết và tay nghề! Phần quan trọng của mọi quá trình phát triển con người là yếu tố tâm lý, phải tạo ra một “cảnh nền” nên thơ, một không gian đáng sống, phải tạo ra cảm xúc về cái đẹp để nhẹ bớt quá trình lao động mệt mỏi. Câu chuyện đó, thực đến đâu thì còn tùy nhận định của mỗi người. Nhưng nhìn kỹ lại toàn bộ quá trình, ví dụ như làm “sơn mài”, thực ra đâu có mài sơn, chẳng qua là “mài tâm” – ma tâm – 磨心 mà thôi! Phải dẹp “cái tâm” nhiễu loạn, “cái tôi” lau nhau đi, thì mới học và làm được!

Nếu xét về đỉnh cao tư tưởng, học thuật, khoa học kỹ thuật, Trung Quốc chưa hẳn đã hoàn toàn thuyết phục được người khác, nhưng xét về những phát minh làm thay đổi đời sống dân sinh và biến đổi xã hội thì phương Tây nhiều lần phải… sợ hãi TQ. Karl Marx đã nói về 4 phát minh cổ điển vĩ đại của người TQ: thuốc súng thổi bay giai cấp phong kiến quý tộc ẩn nấp sau những lâu đài kiên cố thời Trung Cổ, la bàn giúp phát triển thuộc địa, kết nối các vùng của thế giới, phát triển thương mại và vận tải, giấy + in ấn giúp cải cách tôn giáo, hình thành nên tầng lớp tri thức, tư sản mới, 4 cái đó gộp lại tạo nên giai đoạn Phục Hưng ở châu Âu và Cách mạng tư sản dân quyền! Ngoài ra còn có 3 cái nữa giúp trực tiếp tạo nên Cách mạng công nghiệp: trà, gốm sứ và tơ lụa, như đã đề cập đến trong một bài viết trước ở đây, và cả 3 cái đó, một lần nữa, lại cũng đến từ TQ.

Rồi một hai ba năm,
Danh thành, anh trở lại.
Với em, anh chăn tằm,
Với em, anh dệt vải.
Anh và em sẽ sống,
Trong một mái nhà tranh.
Lấy trúc thưa làm cổng,
Lấy tơ liễu làm mành!

olympic

Mặt cúi, mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau,
Quay theo tám hướng hỏi trời sâu.
Một câu hỏi lớn, không lời đáp!
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau!

Chính là khẳng định vị trí số 2, ngấp nghé vị trí dẫn đầu! Kỷ lục thế giới mà bị phá những 0.4 giây thì ai cũng phải tâm phục khẩu phục, mà đánh ngay vào chính điền kinh, bơi lội, những môn được xem là trọng yếu, cốt lõi của Olympic! Kiểu này, trong tương lai gần, chuyện Trung Quốc vươn lên dẫn đầu thế giới là hoàn toàn có thể dự báo được!

Thực tế đã ngang với Mỹ về số HCV, tạm giữ ngôi nhì do kém số HCB! Dân tộc như thế, nói được làm được, còn tại sao VN vẫn là con số 0 tròn trĩnh, còn không tự luận ra được ngu chỗ nào! Tại sao XH toàn loại bệnh hoạn, không bệnh thì cũng… hoạn! Haizza, mấy câu hỏi này, những pho tượng chùa Tây Phương không biết cách trả lời…

phong hoá… phong hóa

Facebook nhắc lại ngày này năm trước… Lý Bạch, một tính cách thi ca “lớn hơn cả cuộc đời – larger than life”. Thiếu niên lên núi Nga Mi ngắm trăng, thanh niên xách kiếm đến Trường An, tương truyền chỉ riêng khoản đấu kiếm là ông ta đã giết cả chục mạng người! Cả đời xê dịch đi khắp Trung Quốc, lúc đi ngựa, lúc đi thuyền! Dấu vết về sông, hồ, biển, sóng và thuyền trong thơ của họ Lý thì nhiều vô số. Mới ngồi nhẩm mấy phút đã trích được cả chục bài, ngũ ngôn, thất ngôn đủ cả!

Giang thôn thu vũ yết, Tửu tận nhất phàm phi.
江村秋雨歇,酒尽一帆飞。
Thiên thanh nhất nhạn viễn, Hải khoát cô phàm trì.
天清一雁远,海阔孤帆迟。
Phiêu phiêu giang phong khởi, Tiêu táp hải thụ thâu.
飘飘江风起,萧飒海树秋。
Minh triêu quải phàm khứ, Phong diệp lạc phân phân.
明朝挂帆去,枫叶落纷纷。
Lưỡng ngạn viên thanh đề bất tận, Khinh chu dĩ quá vạn trùng san.
两岸猿声啼不住,轻舟已过万重山。
Trường phong phá lãng hội hữu thời, Trực quải vân phàm tế thương hải.
长风破浪会有时,直挂云帆济沧海。
Cô phàm viễn ảnh bích không tận, Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu.
孤帆远影碧空尽,惟见长江天际流。
Bạch lãng như sơn na khả độ, Cuồng phong sầu sát tiễu phàm nhân.
白浪如山那可渡,狂风愁杀峭帆人。
Lý Bạch thừa chu tương dục hành, Hốt văn ngạn thượng đạp ca thanh.
李白乘舟将欲行,忽闻岸上踏歌声。

Qua đó thấy được hồn thơ như sông dài, biển rộng! Hơn 1300 năm trước người ta như thế, nhìn lại hiện tại xem, toàn những loại thiểu năng, xàm xí kiểu như: “Vợ tôi nửa dại nửa khôn, Làm thơ phải tránh vần ‘ồn’ biết chưa!?”, nói ra là đụng phải hàng vạn “nhà thơ” lổm nhổm như chấy rận! Đĩ miệng thì rất giỏi, chỉ là không tự luận ra được ngu dốt ở chỗ nào! Haiza, cái thời mà phong hóa (丰化) đã bị… phong hóa (风化), suy đồi, biến dạng đến mức dị hợm, khuyết tật!

chữ

Đầu năm nói chuyện “chữ”… Trước em có biết một số vị làm việc liên quan đến cổ ngữ! Chữ các vị ấy đương nhiên nhiều rồi, em không bằng được! Nhưng làm bộ hỏi vài câu Đường thi thông dụng, các vị ấy đều lơ ngơ, ướm thử vài câu Tống từ phổ biến, các vị ấy đều lấp lửng! Nên em tạm rút ra nhận định: chữ của các bác ấy nhiều, nhưng lại không hàm thụ được vẻ đẹp của thi ca cổ, hay ít nhất là tâm trí các bác không quan tâm những điều ấy! Em băn khoăn tự hỏi tâm các bác ấy đặt ở chỗ nào!? Sau thì phát hiện ra, phần lớn thời gian các bác dùng “chữ” để khoe mẽ, đấu tố nhau, kích động ghen ghét cá nhân, phân biệt vùng miền, thường khi là lồng ghép trong đó những đấu đá chính trị, tôn giáo, một số trường hợp rõ ràng là “bồi bút” được các thế lực ngoài giật dây, dùng “chữ” kích động mâu thuẫn, đánh vào cái tôi “vừa ghen ghét, vừa tự ti vặt của người Việt”, đánh vào cái dân trí lè tè không tự luận ra được. Với những người ấy, tốt nhất là cứ… “kính nhi viễn chi”.

Vấn đề quay lại điểm khởi đầu, học để làm gì!? Lịch sử Trung Quốc lâu dài như vậy, văn minh Hoa Hạ rực rỡ như vậy, họ làm ra biết bao nhiêu chuyện kỳ vĩ, từ văn hoá, thi ca cho đến các công trình quốc kế, dân sinh, đào Vận hà, xây Trường thành, và biết bao nhiêu thành tựu to lớn khác! Em chỉ cần nhìn vào một thoáng là em biết, họ học chữ để đấu đá và kèn cựa nhau, chứ trong tâm không có cái mộng học được cái đẹp, cái hay của thiên hạ! Nói nghe có vẻ to lớn, nhưng học chưa chắc đã làm được như người ta, trở thành sĩ phu kẻ sĩ, kinh bang tế thế, chuyện đời đâu có dễ thế! Nhưng ít nhất và đầu tiên, học có thể thay đổi tính cách, tâm hồn con người! Bản thân còn không thay đổi được, làm sao thay đổi ngoại giới!? Muốn xem công phu của một người tới đâu, đầu tiên hãy xem cách anh ta nhìn nhận, đặt ra yêu cầu đối với… chính bản thân mình! Em lạy các bác, mở mắt ra xem người ta sống như thế nào, đừng bám vào mấy cái gốc tre làng mãi như thế nữa!

quỳnh lâm

Facebook nhắc lại ngày này năm trước, hình chụp ở chùa Quỳnh Lâm, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Thoảng bên tai một tiếng chày kình, Khách tang hải… giật mình trong giấc mộng…

hồng lâu mộng

Đầy trang những chuyện hoang đường,
Tràn trề nước mắt bao nhường chua cay.
Đừng cho tác giả là ngây,
Ai hay ý vị chứa đầy bên trong!

Chương trình âm nhạc cuối tuần… Khi xưa cực kỳ thích nghe bài này, Hồng Lâu Mộng phiến đầu khúc, nhưng không cách nào biết chính xác trong đó xài những nhạc cụ gì, âm thanh phức tạp, nghe ra được: đàn nhị, sáo, tì bà, cổ tranh, cổ cầm, và dương cầm, có thể còn những nhạc cụ khác (dương cầm tiếng Trung là cây đàn tam thập lục, còn piano tiếng Trung gọi là “cương cầm”). Post ở đây để lâu lâu nghe lại…

minh kính

Bồ đề bản vô thụ, Minh kính diệc phi đài…
菩提本無樹,明鏡亦非臺。。。

Hiểu theo một nghĩa nào đó, sách là một tấm gương, người ta đọc sách chẳng qua là một hình thức tự phản chiếu tâm hồn mình! Cách nói: “một tấm gương để noi theo” là sai hoàn toàn về ngữ nghĩa, vì khi soi gương, người ta chỉ thấy chính mình trong đó mà thôi! Có nhiều người cũng có đọc, có soi đấy, nhưng không có sự vận động, biến đổi nội tâm, rút cuộc cũng chỉ trở thành một dạng máy photocopy! Nếu hiểu theo nghĩa đó, soi một tấm gương xấu, gương méo có thể gây ảo giác, loạn thị, loạn thần! Và khoe nhà có hàng ngàn cuốn sách cũng giống như kiểu nói rằng: tôi đẹp là vì trong nhà có hàng ngàn cái gương vậy!

Thực chất, bạn chỉ cần 1, 2 cái mà thôi, có khi chả cần cái nào! Ấy nhưng thời buổi tiêu dùng, chúng nó cố gắng bơm vào đầu bạn cái suy nghĩ rằng mua càng nhiều gương càng tốt! Đã có rất nhiều người mua thật nhiều gương và sau đó tìm cách… chịu đựng nó, tìm cách vẽ nên vô số khuôn mặt biến ảo và phản chiếu lấp lánh trong những cái gương đó! Đến lúc chịu đựng hết nổi rồi thì sẽ biết là… đập mịa nó gương đi sẽ tốt hơn, nhất là tình trạng hàm lởm, hàng chợ, hàng độc hại, nhảm nhí tràn lan như hiện nay! Ảnh: đến tận giờ tôi vẫn đọc, chủ yếu là trên Kindle cho đỡ hại mắt, và mỗi năm chỉ đọc 1, 2 cuốn thôi, không nhiều hơn!

2023

Tư thế năm cũ và tư thế năm mới… Thoáng chốc lại thêm một năm nữa qua đi… Haiza… Chỉ tri sự trục nhãn tiền khứ, Bất giác lão tòng đầu thượng lai….隻知事逐眼前去,不覺老從頭上來。。。 Chúc mọi người năm mới 2023 thân tâm an lạc!

mộng lạc hoa

Đêm qua thanh vắng mộng hoa rơi, Nhà chửa về, xuân quá nửa rồi… – Tạc dạ nhàn đàm mộng lạc hoa! Khả liên xuân bán bất hoàn gia… – 昨夜閒潭夢落花,可憐春半不還家。。。 – Xuân giang hoa nguyệt dạ.

5h30, ku Tom ngủ quay tròn, dắt xe ra đường, thời tiết mát lạnh thật dễ chịu, làm vòng 20km rồi về ăn sáng, cafe! Cái ghi-đông phụ, ver2.0, bắt chặt bằng khoen sắt, có thể tháo rời dễ dàng, không phải cột bằng thun nữa!

vỹ dạ

Bên cầu Chu Tước cỏ hoa,
Ô Y đầu ngõ, bóng tà tịch dương.
Én xưa nhà Tạ, nhà Vương,
Lạc loài đến chốn tầm thường dân gian.

Chính là Vỹ Dạ trong thơ Hàn Mạc Tử, giữa sông là cồn Hến (tên chữ là Dã Viên), góc trên phải là xóm vương hầu ngày xưa, một kiểu Ô y hạng – ngõ áo đen: 朱雀橋邊野草花,烏衣巷口夕陽斜。Chu tước kiều biên dã thảo hoa, Ô y hạng khẩu tịch dương tà… Tại sao ngày xưa nét đẹp thành huyền thoại, mà ngày nay tuyệt không còn gì cả!? Gần chỗ cây cầu nhỏ bắc qua là nhà ngoại tôi!

Xuống tí nữa là phủ đệ của Tuy Lý Vương, Tùng Thiện Vương. Góc trái dưới là khách sạn Hương Giang, bên cạnh đó là quán bún bò vẫn thường ăn. Ở giữa phía dưới, căn biệt thự 2 tầng ven sông, chỗ nhiều cây là nhà ông Nguyễn Đắc Xuân, người nhờ viết các chuyện thâm cung bí sử nhà Nguyễn, những kiểu “truyện dưới gầm giường” mà xây được căn nhà 5 tỷ (giá của thời cách hơn 30 năm)…

Sông Hương, người ta cho rằng mấy trăm năm trước, nhờ có giống cỏ “thạch xương bồ” mọc 2 ven bờ phía thượng nguồn làm nước sông có mùi thơm (Lý Bạch: Nhĩ khứ xuyết tiên thảo, Xương bồ hoa tử nhung). Giờ thì nước đục ngầu, bốc mùi, không ai dám tắm! Haiza, chỉ còn là thế giới trong tâm tưởng mà thôi: 我有萬古宅,嵩陽玉女峰。Ngã hữu vạn cổ trạch, Tung dương Ngọc nữ phong…

vông đồng

Biền, nam, khởi, tử, chẳng vun trồng,
Cao lớn làm chi những thứ vông.
Tuổi tác càng cao càng xốp xáp,
Ruột gan không có, có gai chông…

Càng có tuổi, đôi lúc thường bâng quơ nhớ chuyện ngày xưa, lại thường hay suy nghĩ vẩn vơ những chuyện: thập niên chi kế, mạc như thụ mộc – 十年之计莫如树木。 Những cây vông đồng, hầu như trường phổ thông nào ở Đà Nẵng, nhất là các trường cấp 2, cũng đều có trồng một vài cây, sở dĩ chọn thứ cây vừa gai góc, vừa có độc như thế là để… không cho học sinh leo trèo nguy hiểm!

mách qué

Hồi đó cứ lang thang quanh quẩn ở mấy tiệm sách cũ quanh khu chợ Bà Chiểu và góc đường Trần Huy Liệu… bắt gặp cuốn thơ Cao Bá Quát bản in chữ viết tay siêu đẹp, chủ quán nhìn mặt kêu giá 500K, mà học sinh làm éo gì có tiền, đành tiếc mãi thôi! Đương nhiên quá trình lớn lên và học hỏi cũng có đọc ít nhiều Thơ mới, thơ VN, nhưng mà sâu từ trong nhận thức, chỉ có “chữ Hán”, chỉ có Đường thi mới là thơ. Còn “Nôm na là cha mách qué”, tiếng Việt vẫn là một ngôn ngữ “mách qué – không đứng đắn”! Một lũ từ ngữ trơn tuột, cưỡng từ đoạt lý, giảo hoạt, nói cho lấy có lấy được, cứ ưa hơn người bằng cách lấp liếm, hoa ngôn xảo ngữ, chứ không thực sự nhắm đến nội dung bên trong!

Học “cổ văn”, cái đầu tiên là phải kiên nhẫn suy nghĩ xem ý tứ nó ra làm sao, không phải nghe có nửa câu đã nhảy vào miệng người ta ngồi: “ah ta biết rồi, nó là như thế này, thế kia!” Bởi đa số người Việt vẫn chỉ biết: “Cầm đao chém nước chảy cuồng, Tiêu sầu nâng chén càng buồn thêm thôi!”, nhưng có ai chịu khó đọc tiếp mấy câu sau: “Trần gian chưa thoã ý người, Sớm mai xoã tóc rong chơi với thuyền”!? Tiếp sau luôn luôn có những cái “ý tại ngôn ngoại”, viện dẫn sự tích, điển cố, làm cho ngữ nghĩa nó thâm trầm, bao quát! Nói thẳng muôn đời vẫn là một kiểu dân tộc tính khó sửa, học một ông “thầy Tàu” nào đó nhưng vì bản chất nó “đoản” nên lúc nào cũng chỉ học được… một nửa câu!

nhớ đồng

Đâu gió cồn thơm đất nhả mùi, Đâu ruồng tre mát thở yên vui. Đâu từng ô mạ xanh mơn mởn, Đâu những nương khoai ngọt sắn bùi? Đâu những đường cong bước vạn đời, Xóm nhà tranh thấp ngủ im hơi. Giữa dòng ngày tháng âm u đó, Không đổi, nhưng mà trôi cứ trôi… Gì sâu bằng những trưa hiu quạnh, Ôi ruộng đồng quê thương nhớ ơi!

14/02/2022

Tìm nàng thuở Dương Đài lối cũ,
Gặp chàng nơi Tương Phố bến xưa.
Sum vầy mấy lúc tình cờ,
Chẳng qua trên gối một giờ mộng xuân.

Nhân chuyện cũ, ngồi nhớ lại những tựa sách thiếu niên phiêu lưu mạo hiểm ngày xưa đã đọc, nhiều không kể xiết, dễ có đến cả trăm tựa sách khác nhau, tất cả đương nhiên là văn học Âu – Mỹ, là từ cái văn hoá biển cả rộng rãi, hàng hải khai phóng mà ra, có rất nhiều truyện đến giờ thậm chí đã không còn nhớ tên, tác giả…

nhị cú tam niên

Cứ như thế, càng năm càng rơi rụng đi, rồi dần dần chỉ còn đám ngu dốt đến mức nhảm nhí kiểu bolero mà thôi! Người như Nguyễn Tài Tuệ thì… “nhị cú tam niên đắc – 二句三年得 – hai câu làm mất ba năm” là chuyện bình thường, cả một đời chỉ đề lại hơn chục bài, nhất là khí nhạc, chứ về thanh nhạc lại thấy không nổi trội bằng…

02/02/2022

Facebook nhắc ngày này năm trước, mới đó mà đã 2 năm, thời gian như bóng câu qua cửa. Mới Canh Tý 02/02/2020, thoắt cái đã Nhâm Dần 02/02/2022… Cảm giác thời gian trôi đi mất, chưa níu kéo lại được!

Ai bày Tết nhất làm chi?
Lo quần, lo áo, lo đi chạy tiền.
Người người vui Tết liên miên,
Riêng tôi nghĩ Tết mà điên cái đầu!
Lo nhiều đến nỗi mọc râu,
Năm cùng tháng tận qua cầu xổ xui.
Cũng liều xăng-xít đít-đuôi,
Để ba ngày Tết vui cười no say.
Rồi sang năm ta lại kéo cày…