mai hương – 2020

Mới post về bà hôm trước… lại thêm ngôi sao băng nữa vụt sáng qua bầu trời 😢 cháu gọi Thái Thanh bằng cô ruột, tuy không được như Thái Thanh (TT thì hiển nhiên cao theo mọi nghĩa) nhưng giọng ca này cũng rất sang trọng, quý phái, một tài năng nữa của gia đình Phạm Đình. Xem những bài viết gắn tag Mai Hương, nghe 100 ca khúc do Mai Hương trình bày.

vnexpress.net – Danh ca Mai Hương qua đời

cổ kính – tàn y

Đập cổ kính ra, tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại, để dành hơi!

M ột bài thơ cổ, tương truyền là của Ôn Như hầu – Nguyễn Gia Thiều, theo thể Thất ngôn Đường luật, tác giả thương khóc người vợ đã mất, trong đó có hai câu luận rất “đắt”: Đập cổ kính ra, tìm lấy bóng, Xếp tàn y lại, để dành hơi. Tác giả muốn đập vỡ kính (gương) ra, để tìm bóng người yêu từng soi trong đó, rồi đành xếp manh áo lại, để giữ chút hương xưa còn sót của người đã khuất. Cổ thi mà ngôn từ, ý tứ như thế quả thật là quá mới lạ, táo bạo và cũng rất lãng mạn. Dù lời văn nghe có vẻ xưa cũ, “thơ tình” như thế này, ngay cả thời hiện đại dễ gì sánh được!?

Tình hoài hương - Thái Thanh 
Tình ca - Thái Thanh 
Cành hoa trắng - Quỳnh Giao 
Quê nghèo - Quỳnh Giao 
Nhớ người thương binh - Mai Hương 
Nương chiều - Mai Hương 
Thu chiến trường - Kim Tước 
Dạ lai hương - Kim Tước 
Chinh phụ ca - Hà Thanh 

Nhạc của Phạm Duy, với tôi cũng giống như là “cổ kính” và “tàn y”! “Dân ca VN”, xem như là một thứ đã mất, một người đã khuất, không mấy ai còn biết bóng dáng thế nào! Âm nhạc của Phạm Duy cũng giống như “cổ kính” – chiếc gương còn lưu giữ lại bóng dáng của người đẹp, cũng giống như “tàn y” – manh áo cũ còn lưu lại chút hương thơm của giai nhân, âm nhạc Phạm Duy còn lưu lại phảng phất hình bóng dân ca Việt. Về sau, muốn tìm lại bản sắc, e rằng cũng phải làm những việc “đập kính – xếp áo”, tìm lại sự phản chiếu trong âm nhạc của Phạm Duy vậy!

100 ca khúc mai hương

M ột chất giọng tự nhiên, nhẹ nhàng, trong sáng, không quá điêu luyện như Thái Thanh, cũng không quá sang trọng như Quỳnh Giao, nhưng cũng khó có thể kém hơn vị trí thứ 3 xếp sau 2 người vừa kể trên. Xem ra, gia đình họ Phạm Đình ấy sinh ra được 3 giọng ca nữ: Thái Thanh, Thái Hằng, Mai Hương (chưa kể những tài năng âm nhạc khác như Phạm Đình Chương, Phạm Đình Viêm, etc…) thực sự cũng đã là tập trung, hun đúc quá nhiều tinh khí tốt đẹp của đất trời vào cùng một nơi vậy!



dân ca mới

Chiều về, chiều về trên cánh đồng xanh,
Có nàng gánh lúa cho anh ra đi diệt thù, u hù,
Từ ngày chinh chiến mùa Thu…

Hồi ký Phạm Duy có nhắc đến việc xây dựng những sáng tác âm nhạc mới dựa trên dân ca, chính thức thì trong những cuộc trao đổi, học tập kinh nghiệm với các chuyên gia TQ tại chiến khu Việt Bắc (các nhạc sĩ “Bát Nhất” đã rất thành công trong thể loại này), ý tưởng đó đã được nêu ra, và khái niệm “dân ca mới” được đặt tên.

Gánh lúa – Thái Thanh 
Nương chiều – Quỳnh Giao 
Nhớ người thương binh – Mai Hương 

Dĩ nhiên, các nhạc sĩ Tân nhạc đã sáng tác nhiều tác phẩm mang âm hưởng dân ca lâu từ trước, nhưng biến nó thành một trào lưu, một phương pháp thì buồn thay không có mấy người thành công: Phạm Duy, Nguyễn Xuân Khoát… nằm trong số ít những tác giả tạo ra được nhiều tác phẩm thành danh còn lại đến ngày hôm nay. Hồi ký Phạm Duy cũng nêu rõ:

  • Dùng chuyển hệ ngũ cung (metabole) để không giới hạn giai điệu trong một làn điệu dân ca duy nhất.

  • Ca từ chủ đạo vẫn là lục bát, nhưng linh động, thêm thắt để phù hợp nhạc điệu.

Nếu những nguyên tắc sáng tác (bên đây) chỉ đơn giản có vậy, tại sao chỉ có một số ít người làm được? Nó gợi cho tôi nhớ đến những lĩnh vực khác, như IT, nơi có quá nhiều suy nghĩ hình thức và có rất rất ít người được việc! Lý do tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ai cũng hiểu. Tôi cá có nhiều người sẵn sàng tỏ ra “hiểu”, “biết” Phạm Duy mà chưa nghe lấy được một chục ca khúc của ông, mà giả sử có nghe đi nữa thì cũng chắc gì đã hiểu? 😬

Đến hôm nay, những ca khúc dạng này được thế giới biết đến như là “Vietnamese folksongs” (như một ví dụ ở đây), kỳ thực chúng là những “dân ca mới”, nghe có vẻ cũ mà không phải cũ, nghe có vẻ là dân ca mà lại không phải dân ca… Chàng về, chàng về nay đã cụt tay, Máu đào đã nhuốm trên thây bao nhiêu quân thù, u hù, Từ ngày chinh chiến mùa Thu…

Rất nhiều những “dân ca mới” của Phạm Duy ghi lại một giai đoạn lịch sử đầy bi thương và hào hùng, những ca khúc đã sống trong lòng bao nhiêu thế hệ: Nhớ người thương binh, Dặn dò, Ru con, Người lính bên tê, Đường ra biên ải, Mười hai lời ru, Mùa đông chiến sĩ, Nhớ người ra đi, Tiếng hát trên sông Lô, Nương chiều, Bao giờ anh lấy được đồn Tây (Quê nghèo), Bà mẹ Gio Linh, Về miền Trung, Gánh lúa

xa quê

…Ôi cánh chim chơi vơi,
triền miên áng mây trôi, hoàng hôn rơi rơi.
Lặng nhìn vầng dương phai,
nhớ nhung vườn trăng soi, nay đã xa vời…

Nghe bài này một lần duy nhất cách đây đã mấy chục năm, khi còn rất nhỏ, thoáng qua không biết tác giả là ai, nhưng đã để ý thấy sự khác biệt nên gần đây cố lần lại lai lịch bài hát. Một ca khúc đơn giản, nhưng là loại đơn giản chỉ gặp trong không gian, thời gian của các bậc đàn anh: Nguyễn Hữu Ba, Nguyễn Văn Thương, Thông Đạt, Thẩm Oánh, Lê Trọng Nguyễn… và phần nào của thế hệ kế tiếp: Phạm Mạnh Cương, Hoàng Nguyên

Xa quê - Mai Hương 
Xa quê - Lệ Thu 

Rất nhiều ca khúc tôi chỉ biết hát hoặc ghi nhớ chứ không hề biết tác giả, thậm chí là tiêu đề, vì trước đây làm gì có internet đâu để mà tra cứu, giờ thì cập nhật thông tin đã tương đối dễ dàng hơn… Ca từ bài này có phần “sáo” nếu không đặt ca khúc đúng vào thời gian của nó, thời của Đêm đông, Ai về sông Tương… nhạc điệu thể hiện hoàn hảo cái mood “serenata” – khúc nhạc ban chiều!

(Khá nhiều những thu âm ở hải ngoại là hòa âm computer, hay là lạm dụng kỹ thuật máy tính để mix lại những thu âm có sẵn, đơn giản vì những home – brew recording như thế tiện lợi và ít tốn kém hơn. Tuy vẫn thể hiện được dáng nhạc với tai nghe rành rõi nhưng những âm thanh synthetized làm bản nhạc trở nên vô hồn, mất đi sức truyền cảm 😢)

mai hương


Sau Thái Thanh, Hà Thanh, ca sĩ pre75 tôi yêu thích nhất, không phải là Khánh Ly hay Lệ Thu mà là… Mai Hương. Điểm lại một chút tình hình âm nhạc trước 75, đây quả là thời kỳ “trăm hoa đua nở”: ngoài hoạt động ở các phòng trà, vũ trường, nhạc sĩ, ca sĩ thường được bảo trợ bởi các đài phát thanh, truyền hình. Ngoài ra băng đĩa cũng được phát hành với số lượng không nhỏ (tôi sẽ còn đề cập đến hoạt động thu âm trong một post sau).

Trương Chi (Văn Cao) 
Khúc hát sông Thao (Đỗ Nhuận) 

Mai Hương là con của hai nghệ sĩ Phạm Đình Sỹ và Kiều Hạnh, là cháu gọi bằng cậu của Hoài Bắc (Phạm Đình Chương) và Hoài Trung (Phạm Đình Viêm), và cháu gọi bằng cô của Thái Hằng, Thái Thanh. (Ảnh trên: ban nhạc Tuổi Xanh, Mai Hương là cô con gái lớn đứng bên cạnh bố mẹ, click vào ảnh để xem phiên bản đầy đủ).

Cũng như Hà Thanh, Mai Hương là ca sĩ hát đài, chứ không hát phòng trà. Tuy không có những phẩm chất đặc trưng riêng như Thái Thanh hay Hà Thanh, Mai Hương có giọng hát thanh, tự nhiên như mây bay nước chảy (hãy thử nghe lại giọng ca Mai Hương qua tác phẩm Hoàng Hạc tịch dương).

bến xuân xanh

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và vợ, ca sĩ Minh Trang.

Ca khúc thứ 6 trong chuỗi những điệu valse chào xuân, một ca khúc thật tuyệt vời của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, bài hát được xem như là điệu valse đẹp nhất của Tân nhạc Việt Nam. Những giai điệu của Dương Thiệu Tước, như nhạc sĩ Phạm Duy đã nói, là những giai điệu rất mượt mà sang trọng, chỉ có một người nghệ sĩ dòng dõi nhà quan mới viết lên được những melodies như thế này (nhạc sĩ Dương Thiệu Tước là cháu nội Dương Khuê – bác Dương thôi đã thôi rồi, nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta – Nguyễn Khuyến).

Bến xuân xanh - Thái Thanh 
Bến xuân xanh - Mai Hương 

Mời các bạn thưởng thức điệu valse thật mượt mà yêu đời của người nhạc sĩ rất đặc biệt này. Khi ông viết nhạc Tây, chúng ta có cảm giác như đang nghe như Chopin, Schumann. Khi ông viết nhạc ngũ cung, cả một khung trời Đường thi ngày xưa trở về hiển hiện.

album: con tạo xoay vần


Chiều nao nơi bãi hoang, lại ghé thăm mộ nàng, nhặt đóa hoa rụng vàng, thế thôi ngủ ngon em nhé, một giấc mơ màng. Nhìn hàng cây liễu dương, chạy suốt muôn dặm đường, chạnh nhớ câu đoạn trường. Cố nhân vừa rũ áo, về với vô thường. Chiếc bóng khoác nón ra đi cuối nơi con đường.

Vốn dĩ tính không thích giải thích, nên chọn cách nói bằng nhạc. Hôm nay xem lại những post của mình, cảm giác: tệ! nói (viết) nhiều mà chẳng có nhiều điều mới! Nếu làm tư liệu thì đã có khối những web khác, nếu là tâm sự cá nhân thì hơi lang bang. Muốn diễn đạt điều gì mới (cho dù là trong những thứ cũ) nhưng sợ không có người đồng cảm.

Hoàng hạc tịch dương - Mai Hương 
Nguyên tác: Dolente immagine di Fille mia – Vincenzo Bellini.

Dạ hương thiên lý - Thái Hiền 
Nguyên tác: Memory (từ vở opera Cats) – Adrew Lloyd Webber.

Đặt lời Việt cho nhạc cổ điển không phải là điều gì mới, nhạc sĩ Phạm Duy và những nhạc sĩ khác đã đặt lời cho rất nhiều nhạc phẩm cổ điển: Dòng sông xanh, Sóng nước biếc, Vũ nữ thân gầy, Trở về Soriento, Khúc ban chiều .v.v.

Album Con tạo xoay vần sau đây thì thật sự mới lạ: đem ý Đường-thi phổ vào nhạc cổ điển phương Tây. Đem ý thơ của Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Tiết Đào, Lý Hạ… phổ vào nhạc của Offenbach, Tchaikovsky, Bellini… đem tinh yếu của Đông và Tây hòa lẫn vào nhau. Hòa âm đơn giản, chỉ có một piano đệm, và các giọng hát được thu âm trực tiếp bằng kỹ thuật thu âm nổi, không qua xử lý bằng máy tính.

Album này theo tôi là hay và tinh tế hơn nhiều so với Chat với Mozart của Mỹ Linh. Trong album của Mỹ Linh, phần lời chưa ăn khớp được vào giai điệu và tiết tấu. Với album này, những giai điệu nhẹ nhàng được chọn từ các bản opera nổi tiếng, với lời nhạc lấy ý từ Đường-thi, tất cả tạo nên một loại âm nhạc vừa cao sang, vừa gần gũi. Kỹ thuật thu âm càng giúp cho hơi nhạc giản dị, tự nhiên đi vào lòng người.

hương xưa – scents of yester-years

Khói dâng huyền ảo tiếng ca,
Rừng phong lác đác sương sa bóng chiều.
Tầm Dương bến cũ hoang liêu,
Ai đem hết cả tiêu điều thời xưa.
Phổ vào cung bậc gió mưa,
Tiếng ca chìm dứt, còn chưa tạnh hờn.

Mỗi lần ngồi lại hát bài này là lại buồn, cái buồn như đã ngầm định tự bao giờ, cái buồn tự bài nhạc đã nói lên hết cả: ôi, những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một kiếp xa xôi, dù đã quên lời hẹn hò… lời Đường thi nghe vẫn rền trong sương mơ… tình Nhị Hồ vẫn yêu âm xưa, cung Nguyệt Cầm vẫn thương Cô Tô… vẫn yêu muôn đời nàng Quỳnh Như thuở đó… .

Hương xưa - Mai Hương 

Chợt nhớ đến cái “tổ cú” 45-HHBạc của chúng ta ngày trước, cái thời lầy lội, nhà dột mưa ướt, ngồi ôm đàn hát suốt đêm… Nhớ Chính “béo”, cứ mỗi lần gặp nhau lại nhắc: anh Xuyên, anh hát Hương Xưa đi!… Cái thằng nhạc cảm tuyệt vời, không biết mấy về nhạc xưa, mà nghe một chút là thấy ngay dáng nhạc. Đến giờ thì cũng chẳng nhớ cái “hương xưa” đó là “hương xưa” nào, yester-years cũng chỉ là một yester-years nào đó thôi, không biết đã từng có không, mà có cũng không biết còn nhớ không nữa…

La restauration: bài hát này phảng phất nét Thánh nhạc (nhạc nhà thờ) ẩn tàng bên dưới. Ca khúc đã được đặt lời Anh bởi Paulina Nguyễn (Giáng Tiên) với tựa đề mới: Scents of yester-years. “Chuông được đem đi đánh xứ người” trong chương trình Duyên Dáng Việt Nam 18 tổ chức ở Singapore, nhạc sĩ Đức Trí làm hòa âm, trình bày là Đức Tuấn và Nguyên Thảo.

Việc chuyển ngữ thực sự khá tốt, không dể với một bài vừa cổ điển về lời và về nhạc như thế này. Nếu như phần tiếng Anh phát âm chuẩn một chút nữa thì sẽ hay hơn. Thật sự là không ngờ một bài hát cũ lại có thể hồi sinh như thế! Về lyric tiếng Anh, do phần chuyển ngữ này còn quá mới, không thể tìm đâu ra trên mạng phần lyric được. Báo hại phải ngồi nghe đi nghe lại bao nhiêu lần mới viết được một phần lời, còn thiếu một vài chỗ.

Have you ever let your soul wander along a dream? A dream of a path to far away dear home, sweet home. Where leaves sound are whispering, where trees still stand waiting. Where nights are still immense with stars and sounds of distant flutes.

And I still remember tales of once upon a time. When life was filled with sweet dreams and peaceful lullabies. The sound of spinning looms, shadows of lazy kites. And all of my everlasting loving memories.

Oh, I have wandered in my dreams through every night. Not much joy in my life. For love and life are often at strife. Though I have been calmly waiting. Melodies of old moon lutes, hamonize with (a) romance mood. And the strings of violin softly sing in the breeze. Just like my heart is chanting for love.

Oh, I have gone through nights dreaming about your love. And get used to despair. The good old days have gone far away. When will I be in love again? Nights embraced in pure silence. Days began with innocence. Now there’s only emptiness, and sorrowful regrets. Love is sinking in darkness.

My love, is the sun still shining warmly everywhere? Don’t you hear the sounds of falling leaves in autumn night? Has love ever been sweet. Or filled with bitterness. Just keep your heart widely open to love and to life. Life is as sweet as lovers’ song. Life is as sweet as lovers’ song.

Cũng xin cám ơn sự hỗ trợ từ bạn hadang82. Bạn nào nghe được rõ ràng hơn xin góp phần hiệu đính chỗ lyric này. Sau một thời gian tìm kiếm, được sự giúp đỡ từ chính tác giả ca từ Paulina Nguyễn (xin xem phần comment), thông qua bạn hadang82, nay tôi đã có được phần lời ca gốc (tiếng Anh). Xin cảm ơn tác giả Paulina Nguyễn và bạn hadang82. Xin đăng lại lời ca ở đây để mọi người cùng tham khảo.

⓵⏎ Về chuyện tình bi lệ của Trương Quỳnh Như và Phạm Thái, điển tích được nhắc đến trong bài hát, xin đọc thêm Văn tế Trương Quỳnh Như, đọc Sơ Kính Tân Trang (Phạm Thái) hay tiểu thuyết kiếm hiệp Tiêu Sơn tráng sĩ (Khái Hưng).

thiên thai

Anh Ngọc (đứng giữa) và ban nhạc Tiếng Tơ Đồng trình bày ca khúc Thiên Thai.

Xin giới thiệu đến các bạn một bản thu âm hiếm, ca khúc Thiên Thai của nhạc sĩ Văn Cao. Tham gia trình bày ca khúc này có nhiều nghệ sĩ tài danh: Anh Ngọc (giọng nam chính), Thái Thanh (hát bè nữ chính) và những thành viên của ban nhạc Tiếng Tơ Đồng vang bóng một thời: Mai Hương, Kim Tước, Quỳnh Giao, Hà Thanh, Bạch La, Hoàng Oanh…

Tuy chất lượng âm thanh không thật tốt (do thời gian và do cả kỹ thuật studio lúc bấy giờ), nhưng bản thu âm này thể hiện một trình độ hợp xướng điêu luyện: “tiếng hát trượng phu” Anh Ngọc với phần hát bè nữ (gồm toàn những ngôi sao) phong phú, biến hóa. Và cả phần hòa âm tài ba do chính nhạc sĩ Hoàng Trọng thực hiện.

Thiên Thai - ban Tiếng tơ đồng 

Nếu bỏ qua những yếu tố kỹ thuật, mà chỉ tập trung vào “dáng nhạc”, các bạn sẽ nhận thấy một điều: trình độ thẩm âm, khả năng sáng tạo của lớp nhạc sĩ trước thật tuyệt vời. Chỉ vì thiếu hiểu biết nên một số người bây giờ mới đánh đồng nhạc này với những loại nhạc của Chế Linh – lính chê, Chế Thanh – thánh chê 😀… dưới cái tên nhạc vàng.

Phải chăng âm nhạc đương đại của chúng ta, dù có rất nhiều điều mới, vẫn yếu kém ở những điểm cốt yếu nhất!? Thật là điều đáng buồn về khả năng thẩm âm khi mà những nhạc sĩ, nhạc công nhạc cổ truyền bây giờ (như Nhã nhạc, Ca trù…) đã và đang chơi nhạc ngũ cung với tai nhạc thất cung, không những không hiểu được những tinh túy của âm nhạc ngũ cung và phát triển được cái vốn mình có, mà còn làm nó mai một thêm.