hư ảo

Các câu hỏi đặt ra phần lớn là những “câu hỏi thông minh”, hỏi tức là gợi ý vấn đề, và mục đích là để kiểm tra xem người khác thông minh tới mức nào. Nhưng cũng có loại câu hỏi đặt ra chỉ để kiểm tra người khác có… bị ngu hay không? Ví dụ điển hình là cái câu: “làm sao bỏ một con voi vào trong tủ lạnh” nổi tiếng trong ngành CNTT ấy, ngày trước tôi ghét cái câu đó vô cùng, và ghét luôn bất kỳ ai hỏi câu đó! Vì nó không truyền tải bất kỳ một ý tứ hay nghĩa lý nào, chỉ là kiểm tra xem bao nhiêu thằng đủ ngu, đủ máy móc để lặp lại câu trả lời: “thì mở cửa tủ ra, bỏ con voi vào”! Nguyên là một kiểu nói đùa, đùa thô đến mức phải tự thọc lét thì mới cười được, ấy vậy mà cũng có những loại thiểu năng đem câu hỏi đó đi kiểm tra IQ.

Nhưng các “sử gia internet” VN thì có vô số dạng câu hỏi ngu như thế, một số trường hợp là… kết nối 2 sự kiện chẳng có liên quan gì với nhau, bịa ra tin giả từ… không khí, ví dụ như: Trần Hữu Lượng ở TQ là con của Trần Ích Tắc nhà Trần VN chạy sang! Một số trường hợp nữa, vì mặc cảm nhược tiểu, thua kém nên đã… nói ngược, ví dụ như: Hồ Nguyên Trừng đã đem nghề đúc súng của VN truyền bá vào TQ, được xem là ông tổ nghề đúc súng ở TQ. Một dạng khác là cường điệu thực tế lên cả chục lần, kiểu như bảo nhà Tây Sơn có 9 chiến hạm được trang bị 60 súng đại bác! Các khẩu thần công còn sót lại ở VN chỉ có một số rất ít (đếm trên đầu ngón tay) là súng bắn đạn 24 pound, loại dài đến 3m và nặng khoảng 2.5 tấn.

Tất cả súng này đều đặt ở những vị trí phòng thủ cố định trên bộ. Hiện chưa có bằng chứng khảo cổ nào cho thấy VN đã đặt được súng nặng hơn 1 tấn lên thuyền, vì di chuyển và điều khiển 1 tấn đó không hề đơn giản, khi dây thừng tốt còn chưa làm được, và chưa biết cách xài ròng rọc cho rành! Mà súng cỡ 1 tấn là tương đương với loại bắn đạn 9 pounder, là loại súng được dùng trên… các tàu buôn châu Âu thời bấy giờ, chưa phải là súng tàu chiến thật sự, tàu chiến phải từ 12 pound trở lên kia! Phần lớn các súng thần công tìm được ở những vùng biển VN cho đến thời hiện đại là loại 6 pound hay nhỏ hơn, thường chỉ nặng dưới 500 ~ 700 kg. Nói cho đúng thì VN lúc bấy giờ còn chưa có Hải quân theo đúng kiểu châu Âu!

Lại càng chưa thể nói về nói những con tàu 60 súng, mỗi súng bắn đạn 24 pound, những loại như thế phải hơn 1000 tấn. Cũng có thể đó là một kiểu “léo lận ngôn từ” trong các giấy tờ, sách vở xưa, khi xem một khẩu pháo tép (swivel gun) nặng cỡ 100kg cũng là “một khẩu súng”, “lập lờ đánh lận” nó với “hải pháo” thật sự. Một dạng câu hỏi ngu khác là vẽ ra những điều hư ảo, xàm xí, kiểu như sau chiến tranh Nha phiến thất bại, TQ muốn dựa vào VN để học hỏi công nghệ đóng tàu. Đã đến thời hiện đại rồi, không lừa được ai với những kiểu xàm xí này đâu, cứ ôm mãi những điều hư ảo, không có năng lực thực tế thì cuối cùng cũng chỉ có… “hư ảo” mà thôi! Nhưng có bộ phận rất lớn cứ suốt ngày ngồi bịa ra những chuyện như vậy!

Dùng một câu chuyện “tiếu lâm” để mô tả cách người Việt tìm hiểu quá khứ và tự nhận thức về bản thân, nó giống như một khoảng trống hoác vậy! Các nhà khảo cổ Nga, sau một thời gian đào bới, khai quật đã tìm được một cọng dây đồng, họ nghiên cứu kỹ lưỡng và đi đến kết luận: 4000 năm trước, tổ tiên người Nga đã dùng mạng cáp đồng! Người Mỹ cũng không chịu kém, sau một thời gian đào bới cũng tìm được một mẩu thủy tinh giống hình sợi cáp, họ nghiên cứu chán chê rồi đi đến kết luận: 4000 năm trước, tổ tiên người Mỹ đã dùng mạng cáp quang! Một số người Việt cũng bắt chước đào bới như vậy, nhưng đào mãi mà không thấy gì, bèn kết luận: 4000 năm trước, tổ tiên chúng ta đã xài mạng không dây! :D

120 bpm

Nhìn chung là đã đi khá đều và đẹp, nhưng mà cái nhịp chậm lê thê phát chán… người Nga thường đi với tempo – nhịp là 120 bpm – beat per minute, trông vô cùng sinh động. Người Trung Quốc thường đi với tempo khoảng 100 bmp, chậm hơn chút, cũng rất là khí thế. Mà người VN toàn đi với tempo vừa chậm lê thê, vừa không chuẩn, đâu đó trong khoảng 85 ~ 90.

Xem clip thấy các bạn TQ phải cố tình kéo nhịp chậm lại cho khớp với các khối quân khác mà thấy tội! Haiza, đều và đẹp là một chuyện, nhưng nhịp là một cái gì đó rất căn cơ, thể chất kiểu này ngó bộ phải nhiều thế hệ nữa! Hãy xem & nghe clip để hình dung nhịp 120 bpm nó như thế nào nhé. Chương trình âm nhạc cuối tuần, Bài ca người lính – Ballad of a Soldier!

huyền sử

Tại sao ghi chép thời Nguyễn Ánh – Tây Sơn lại có quá nhiều thứ xàm xí, tào lao như vậy!? Trước hết là vì người Việt không có thói quen làm tài liệu một cách chính xác, còn chính sử của nhà Nguyễn (viết bằng chữ Hán) cũng có những vấn đề của riêng nó. Những gì chúng ta biết bây giờ, đa số là biết thông qua các thư từ, ghi chép của những người Pháp, người phương Tây từng phục vụ cho chúa Nguyễn, mà những ghi chép của họ rất rất có vấn đề. Điểm qua một số người nước ngoài phục vụ trong biên chế chúa Nguyễn: Philippe Vannier: thuyền trưởng, chỉ huy tàu Phụng Phi, nhưng các tài liệu Pháp thì ghi ông ta là… Đô đốc(!!!) Jean-Marie Dayot: đại úy hậu cần, chỉ huy 2 tàu của Chúa, phụ trách vẽ bản đồ và huấn luyện.

Olivier de Puymanel: có lẽ là người quan trọng nhất trong số những người phương Tây phục vụ Chúa, giám sát thi công thành Bát Quái. Jean-Baptiste Chaigneau: thuyền trưởng tàu Long Phi, được phong tước Hầu. Laurent André Barisy: thuyền trưởng, phụ trách mua sắm vũ khí với các nước Nam Á, cũng được phong tước Hầu. Hầu hết những người này được phong chức Chưởng cơ! Nói theo ngôn từ ngày nay thì Chưởng cơ tương đương với cỡ Trung tá, nhưng theo quan chế thời đó, thường chỉ chỉ huy khoảng 500 ~ 600 quân chính quy. Nhưng đó chỉ là danh nghĩa, trên thực tế, những người Pháp này chỉ được giao 50 ~ 100 lính cho có hình thức mà thôi. Về các tước Hầu, đây là vấn đề của thời Gia Long tẩu quốc!

Để tranh thủ sự giúp đỡ của nhiều người, nhà Chúa đã phong Hầu… một cách vô tội vạ, chỉ là những tước Hầu hữu danh vô thực! Phần lớn những người phương Tây hỗ trợ chúa Nguyễn là thuộc loại mà bây giờ chúng ta gọi là những kẻ phiêu lưu, cơ hội – adventurist, như Barisy nhờ được giao phụ trách mua sắm vũ khí nên đã biển thủ, gom góp được một số tiền kha khá. Thư của Barisy kể về quân Tây Sơn như đúng rồi luôn: chúng tôi đã chiến đấu với quân Tây Sơn, họ có 9 tàu loại 60 súng, mỗi tàu 700 lính, 5 tàu loại 50 súng, mỗi tàu 600 lính, 40 tàu loại 16 súng, mỗi tàu 200 lính, etc… và chúng tôi đã chiến thắng! Trận Thị Nại, Barisy chỉ được đứng sau quan sát mà thôi! Dễ dàng nhận thấy ông ta (Barisy) chỉ phét lác!

Nếu cộng các con số của Barisy lại, thì nhà Tây Sơn sẽ có đến… 6 ~ 7 vạn Thủy quân, con số mà ngay cả Hải quân Việt Nam thời giờ cũng chưa có! Ngoài Barisy, nhiều người khác cũng thế, cái đám phiêu lưu đi tìm cơ hội làm giàu này không gì là không dám nói, dù trong số những người Pháp làm việc cho chúa Nguyễn cũng có 1, 2 người không tham lam, gian dối và được Chúa tin tưởng! Vấn đề không dừng lại ở đó, sau nữa, những người Pháp khác, các thừa sai, linh mục, các “nhà nghiên cứu”, các “sử gia” giả danh… đã tìm cách “hợp thức hóa” quá trình Pháp can thiệp vào VN, dùng vô số chiêu thức lộng giả thành chân, các “thuyền trưởng – Chưởng cơ” này đều được phong khống lên thành “Đô đốc – Tướng quân” cả!

Tất cả nằm trong một mưu đồ gieo rắc “sương mù thông tin”, nghi ngờ và thù hận, chia rẽ người Việt, và cũng là một kế hoạch “kêu gọi đầu tư” từ Pháp! Ngay trong chuyện chúa Nguyễn trả thù nhà Tây Sơn một cách vô cùng dã man tàn bạo, có nhiều chi tiết có thể được xem là bịa đặt! Các vị ấy đã “vẽ rắn thêm chân” vô số chuyện hoang đường mà ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra! Rồi sau nữa, nhiều “tri thức” căn cứ vào những ghi chép đó, không biết có suy nghĩ gì không mà lặp lại như vẹt vậy, đẩy sự “vô tri” lên một tầm cao mới! Nếu nói rằng làm cho ngu dốt để dễ cai trị thì người Pháp đã vô cùng thành công! Những ghi chép của giai đoạn này cần phải được đọc với sự phân tích chi li và thận trọng tối đa!

công nghiệp hỗ trợ

Ghe thuyền cổ truyền VN, mới nhìn sơ qua thì nó hao hao, giống giống ghe thuyền TQ, nhưng đi sâu vào chi tiết thì lại khác nhau… xa chừng! Nhớ hồi năm 2017, tôi có chạy đi Quảng Yên, Quảng Ninh gặp bác nghệ nhân Lê Đức Chắn, nhìn cái cột buồm làm bằng một cây tre khá mong manh, tôi hỏi bác ấy: nếu mà gió bão to quá thì làm sao, ông ấy trả lời: thì hạ cột buồm xuống! Câu trả lời hoàn toàn đúng, người dân họ làm như vậy thật, cột buồm được gắn trên một cái đế (tabernacle), có thể nâng lên hạ xuống dễ dàng. Nhưng qua đó cho thấy cái sơ khai, tạm bợ của kỹ nghệ đóng thuyền VN xưa. Gần như không có đinh hay ốc, chỉ là khoan lỗ, xỏ dây và xiết lại! Rồi xảm chỗ nối bằng vôi bột trộn với dầu trẩu (tung oil).

Loại xảm này không bền, chưa tới 10 năm là phải cạo ra làm lại, trong khi các mối xảm thuyền TQ là bền hơn 100 năm! Không có dây thừng hay cáp gì, phần nhiều xài dây mây (rattan), vì thiếu những ngành công nghiệp hỗ trợ nên không thể có dây tốt, trong khi thuyền TQ đã xài dây Manila, loại dây “nhập khẩu” tốt nhất thời đó. Thậm chí, một số nơi còn chưa có vải buồm đúng nghĩa, chỉ là lá dừa, lá cọ đan và chằm (may) lại với nhau. Các loại ròng rọc, tời… gia công mộc rất thô sơ, lực kéo nặng do ma sát lớn! Các chi tiết này được mô tả rất kỹ trong cuốn “The junk blue book”! Từ cuốn “Hải thuyền thanh thư” đó rút ra được rất nhiều thông tin thú vị! Tất cho thấy những “công nghệ” rất thô sơ, tạm bợ, độ ổn định thấp!

Đó là chưa nói về tính an toàn và tiện dụng, kiểu như vậy mà đi biển xa, gặp giông gió lớn là hư hỏng, tai nạn bất kỳ lúc nào! Kỹ thuật thuyền VN xưa đôi khi cho thấy có những khéo léo bất ngờ, nhưng tựu trung là thông minh nhỏ, chỉ ứng biến nhất thời chứ không theo đuổi những “giải pháp căn cơ” thật sự! Nhưng biết làm sao khác được, đơn giản vì mỗi ngành “công nghiệp hỗ trợ” đó là một chuyên môn riêng, phải có những hiểu biết kỹ năng riêng thì mới làm được! Mà để người ta yên tâm xây dựng “công nghiệp hỗ trợ” thì nói cho cùng là… xã hội phải tôn trọng giá trị, phải có cơ chế bảo lưu và trao đổi giá trị. Nhưng cái văn hóa “sợ hãi – hoài nghi – khinh thị – và lạm phát” mà, không làm được điều đó!

nail, spike, screw, bolt

Người ta trục vớt một chiếc xuồng nhỏ dài chỉ 4.4m đóng năm 1836 ở Anh và thấy trên xuồng dùng những loại đinh sau: #1. đinh đồng và đinh sắt (nail), đồng được dùng ở những nơi dưới mực nước (vì nó bền trong nước biển) và sắt được dùng ở những chỗ trên mực nước (vì sắt cứng và rẻ hơn đồng). #2. đinh tán đồng (copper spike), đây là dạng tán giống như rivet, dùng đồng nguyên thay vì đồng thau vì đồng nguyên mềm, dễ tán hơn #3. đinh vít bằng đồng thau – brass screw, #4. đinh ốc (bolt) bằng đồng thau, sắt và thép đã xi mạ. Như thế là phải có cả một nền “công nghiệp hỗ trợ” để sản xuất ra các loại: đinh, đinh tán, đinh vít và đinh ốc, etc… dùng nhiều loại vật liệu khác nhau và gồm nhiều cách thức chế tạo khác nhau!

Các thuyền truyền thống Việt Nam thường chỉ dùng đinh gỗ và một ít đinh sắt. Đinh gỗ tuy cũng có những ưu điểm nhất định, nhưng tàu lớn đến một mức nào đó thì không thể dùng đinh gỗ được nữa vì nó không đủ mạnh! Cần có các phương thức khác để liên kết các cấu kiện gỗ lại với nhau một cách chắc chắn, bền bỉ. Muốn nói có công nghiệp đóng tàu lớn, thì trước hết phải xem có các ngành “công nghiệp hỗ trợ” hay không: làm đinh, xẻ gỗ, làm ròng rọc, bện dây thừng, may buồm, gia công vô số các chi tiết máy móc trên tàu và 1001 những chuyện khác. Nếu làm đinh vít, đinh ốc thì cắt / tạo ren bằng phương pháp gì, quặng đồng khai thác ở đâu, hay đồng thau phải pha kẽm với tỷ lệ bằng bao nhiêu?!

Nếu là làm dây thừng thì nguồn xơ sợi (fiber) là gì: dừa, dứa, đay hay chuối, vùng nguyên liệu trồng ở đâu, đan dây thế nào!? Nếu làm thuốc súng thì lưu huỳnh, diêm tiêu khai thác ở đâu, hay ít nhất là mua từ nguồn nào? Nếu đã làm thực sự thì đương nhiên đến hiện tại phải để lại vết tích, không thể trống hoác như thế được, đến tận giờ những loại ròng rọc VN làm ra còn chưa xài được! Nên, không thể chấp nhận những loại “khảo cổ trên giấy, hoang tưởng, vĩ cuồng”, đào lên không thấy gì và kết luận tổ tiên chúng ta đã xài “mạng không dây”! :D Đừng nghĩ nó “không là cái đinh gì”, vấn đề nó echo – vang vọng một cách nhức nhối cho đến tận thời hiện đại, trước tiên phải xem có làm đinh, ốc, vít được không đã!

giao thông vận tải

Những năm giữa 198x hồi đó… bao cấp, gạo thiếu, cả nước đang trong giai đoạn gọi là rationed – chia khẩu phần, bao nhiêu người, bao nhiêu gạo là đã tính cả! Ông bô, bà bô tôi mỗi người 13kg/tháng, bữa ăn toàn cơm độn, rau muống chấm với với xì dầu, bằng một cách thần kỳ nào đó mà họ vẫn sống được! Đó là ở thành phố, tình hình vẫn tạm, chứ ở các vùng quê sâu xa là đã… gần với tình trạng đói! Cứ thỉnh thoảng vài ba tháng, ông bô tôi lại chở gạo về quê tiếp tế cho ông bà nội. Đường về quê chỉ chừng 50km tính theo đường chim bay, khoảng 75km tính theo đường… chim đi bộ, nhưng đi mất hơn 18 tiếng! Nếu là thời giờ, chạy xe máy qua hầm, qua cầu, chưa tới 2 tiếng là về đến nơi! Nhưng thời đó, hành trình nó như thế này:

Từ ĐN, bắt tàu hỏa lúc chập tối, loại tàu chợ chạy chậm như… xe đạp, lê lết 6 tiếng mới qua được bên kia đèo Hải Vân, đến nơi thì nửa đêm, xuống tàu, vào nhà người quen ngủ tạm một đêm. Sáng hôm sau, bắt xuồng máy băng qua đầm Cầu Hai, xuồng chạy ì ạch 2 tiếng thì qua tới bên kia. Rồi dùng xe đạp chở cái bao gạo 30kg đi qua những triền cát trắng, đi một bước muốn thụt lùi một bước, thằng nhóc 6 tuổi là tôi hì hục đẩy phụ xe 2 tiếng nữa thì tới nơi, đó là đúng 12h trưa hôm sau! Mất hơn 18h chỉ để đi 75km, bao gồm đủ các loại tàu – thủy, hỏa, mà tốc độ trung bình… vẫn còn không bằng đi bộ, vô cùng mệt mỏi! Giờ thuật lại thì bảo là “than nghèo kể khổ”, nhưng có một thời như thế, thậm chí còn tệ hơn!

thủy quân, p2

Ngang lưng thì thắt bao vàng,
Đầu đội nón dấu, vai mang súng dài.
Một tay thì cắp hoả mai,
Một tay cắp giáo, quan sai xuống thuyền.
Tùng tùng trống đánh ngũ liên,
Chân bước xuống thuyền nước mắt như mưa.

Bài toán lớn nhất thời Nguyễn Ánh – Tây Sơn chính là giao thông vận tải. Nước VN có hình dạng dài và hẹp, chủ yếu là các làng mạc dọc theo bờ biển, bị chia cắt mạnh bởi núi non và sông ngòi. Bài toán vận tải thực sự rất nan giải, trong điều kiện ngày xưa không thể xây dựng hệ thống cầu đường xuyên suốt, rộng khắp được. Cứ thử tưởng tượng vận chuyển những khẩu pháo 1, 2 tấn đi hàng ngàn km bằng đường bộ qua đồi núi xem, chuyện không thể làm được! Trong cuộc hành quân Kỷ Dậu – 1789, một giáo sĩ đã kể lại rằng quân Tây Sơn, sau 15 ngày đêm hành quân gần như liên tục, trông như một băng đảng rách rưới, ốm đói, bệnh tật! Nên việc vận tải trong chiến thắng Kỷ Dậu vẫn phải dựa phần lớn vào thuyền!

Trong nhiều thế kỷ, các triều đại VN đều dựa nhiều vào đường thủy, như hệ thống kênh Nhà Lê xây dựng suốt mấy trăm năm. Hay xa hơn, Hưng Đạo vương thắng được quân Nguyên cũng chỉ với cách di chuyển quân bằng thuyền, xích tới xích lui, loanh quanh trong phạm vi không quá lớn của châu thổ sông Hồng, nơi hệ thống sông ngòi rộng khắp khiến cho kỵ binh Nguyên Mông khó vượt qua và không phát huy được sức mạnh! Đến thời Nguyễn Huệ – Nguyễn Ánh, đất nước trãi dài ra như vậy, cả 2 bên đều hiểu rằng phải tổ chức phần lớn quân đội dạng… thủy quân lục chiến! John Barrow trong hồi ký của mình đã dùng chữ “Marine” (chứ không phải “Navy”) là rất đúng khi nói về Thủy quân của chúa Nguyễn..

Những điều này thì một vị vua tài ba như Quang Trung dĩ nhiên hiểu rõ, nhưng tiếc là ông ta… đoản mệnh, qua đời khi mới 40 tuổi, chưa kịp thực hiện các ý tưởng của mình! Mà các tướng lĩnh Tây Sơn không có ai hiểu rõ vai trò của thủy quân, không dự trù được các hình thức tác chiến dựa vào thuyền. Còn một vị vua như Nguyễn Ánh, tuy không tài giỏi bằng, tầm nhìn cũng hạn hẹp hơn, nhưng ông ta đủ thông minh để hiểu rõ cách thức tiến hành chiến tranh, và quan trọng là sống đủ lâu, đủ kiên trì để biến những hiểu biết đó thành chiến thắng! Tình hình phân tranh ở VN trong các thế kỷ 17, 18, 19 giống hệt như các sứ quân – Daimyo đánh nhau ở Nhật Bản, như mô tả trong tiểu thuyết Shogun (James Clavell) vậy.

Nhật cũng là một đất nước toàn đồi núi, việc chuyển quân phần lớn trên bộ, nhưng hậu cần là gần như dựa hoàn toàn vào vận tải biển! Điển hình như sau thủy chiến đầm Thị Nại, Võ Văn Dũng và Trần Quang Diệu rút quân về phía Bắc để hội quân với vua Quang Toản, nhưng phải đi bằng “thượng đạo – đường rừng” chứ không thể đi đường ven biển. Sau khi đã mất thủy quân, mất khả năng cơ động, thì nhà Tây Sơn liên tục rơi vào thế bị động, không có đường thủy thì không thể vận tải quân lính, súng đạn, lương thực thuận tiện được. Và chúa Nguyễn đã nắm thế chủ động khi có thể, chỉ trong vài ngày, đổ bộ quân bất kỳ đâu dọc theo bờ biển để ngăn chặn các tướng Tây Sơn! Sự việc sau đó diễn ra đúng như vậy!

Sau khi đi đường thượng đạo từ Quy Nhơn ra Quảng Nam thì 2 tướng Tây Sơn bị thủy quân nhà Nguyễn đổ bộ, chặn lại ở Hội An. Không còn súng đạn, lương thực, lại buộc phải rút lên theo đường rừng, sang đất Lào ra bắc, đến nơi thì không còn bao nhiêu người! Mất đi quân bài chiến lược, nhà Tây Sơn sụp đổ nhanh chóng trong 2 năm! Từ nhiều ghi chép trong lịch sử, có thể thấy rằng: các thuyền chèo tay – galley là một lực lượng đáng gờm nếu: #1. tập trung đủ số lượng, #2. có các pháo hạm (thuyền mành kiểu TQ hay pháo hạm kiểu Tây phương) hỗ trợ hỏa lực, và #3. tác chiến ven bờ, không đi ra vùng biển xa, và chiến thắng chẳng qua là dùng số lượng lớn, vận động linh hoạt trong không gian không quá rộng!

Lịch sử thời Nguyễn ghi lại nhiều lần thủy quân đã đánh thắng Hải tặc, thậm chí đã có lần hiếm hoi chiến thắng cả hải quân Tây phương, đó là khi có đủ 3 điều kiện này. Ngược lại, các thuyền chèo tay galley này sẽ là “miếng mồi ngon” cho các thuyền mành nếu ra vùng biển mở, có không gian rộng để vận động, vì thuyền mành có pháo lớn, tầm bắn xa hơn! Lịch sử nhà Nguyễn cũng ghi lại nhiều trường hợp, các đội thuyền galley thất bại trước các nhóm hải tặc Quảng Đông, do đi xa bờ và không có súng lớn hỗ trợ. Do đó, không nên ảo tưởng về khả năng tác chiến xa bờ của “Hải quân” Tây Sơn cũng như nhà Nguyễn! Thủy chiến đầm Thị Nại (1801) và cửa Tư Hiền (1802) là những ví dụ rõ ràng về tác chiến đổ bộ ven biển!

Sau khi Nguyễn Huệ qua đời, nhà Tây Sơn đã mắc phải sai lầm chiến lược, đặt phần lớn thủy binh ở đầm Thị Nại, không nắm bắt được sự phát triển vượt trội của thủy quân chúa Nguyễn, không có các hình thức tác chiến chủ động, còn sự hỗ trợ của cướp biển Quảng Đông thì chỉ chừng mực, suy cho cùng họ là lính đánh thuê chứ không phải quân triều đình! Các tay cướp biển Quảng Đông thừa hiểu rằng họ không thể địch lại “hạm đội” thuyền chèo đông đảo của chúa Nguyễn, nhất là khi phải tác chiến trong các vùng đầm phá ven bờ, dù đi xa bờ thì hạm đội của chúa Nguyễn không thể đối chọi lại cái “Liên đoàn cướp biển Quảng Đông” khá là lớn mạnh đó. Có quá nhiều bài báo, tài liệu giật tít rất kêu, “nổ” tận mây xanh!

Nào là người Việt chinh phục đại dương, tự đóng được tàu hơi nước, có nhiều pháo hạm 60 súng, và nhiều sự hoang đường, vĩ cuồng khác! Những tài liệu này đều có câu cú lủng củng, văn viết không thông, ngoại ngữ Anh, Pháp đọc không hiểu, sai vô số chỗ, nhưng vẫn nói như đúng rồi vậy! Tác chiến ven bờ hoàn toàn khác với hải quân “nước xanh” (blue water), loại sau đòi hỏi một trình độ kỹ thuật cao hơn hẳn! Còn cái đầu cơ bản chỉ là một hạm đội đông đảo thuyền chèo tay mà thôi, qua các tài liệu đương thời, có thể nhận định rằng người Việt lúc bấy giờ vẫn còn chưa nắm được hết các kỹ thuật điều khiển buồm, càng không nên nói đến một nền “công nghiệp quốc phòng” đủ khả năng đóng tàu to, súng lớn!

thủy quân, p1

Ba năm trấn thủ lưu đồn,
Ngày thì canh điếm, tối dồn việc quan.
Chém tre, đẵn gỗ trên ngàn,
Hữu thân, hữu khổ phàn nàn cùng ai!
Miệng ăn măng trúc, măng mai,
Những giang cùng nứa biết ai bạn cùng?

Đọc những thông tin về Hải quân thời Nguyễn Ánh – Tây Sơn phân tranh, có thông tin về các con tàu đến 50~60 súng, tương đương với chiến hạm hạng 4 (fourth rate ship) ở châu Âu. Tôi cho rằng đây là những thông tin không thực, có thể do chính người Pháp trong cuộc đương thời bịa đặt ra để kích động cuộc chạy đua vũ trang giữa 2 phe, cũng có thể là một kế hoạch “kêu gọi đầu tư” từ Pháp! Vì tàu 50~60 súng là rất lớn, khoảng 1000~1200 tấn, thường có 2 boong (tầng), loại súng lớn đặt ở tầng dưới, loại nhẹ ở trên, đóng những con tàu lớn như vậy rất phức tạp, sợ là với sự giúp đỡ hạn chế của người Pháp đương thời thì chúa Nguyễn không thể làm nổi. Còn cái gọi là “Định Quốc đại hiệu” của Tây Sơn đến 50~60 súng…

Có thể cũng chỉ là những “floating battery”, bè nổi chứa pháo, dùng để phòng ngự ở những vị trí bán cố định, không phải là những con tàu di động thật sự. Qua thông tin từ 2 cuốn hồi ký cùng mang cái tên: “A voyage to Cochinchina”, một của John Barrow, đến VN năm 1800 và một của John White, đến VN năm 1819 thì một bức tranh toàn cảnh hiện ra về Thủy quân lúc đó. Điều đáng nói, 1800 là chỉ 1 năm trước trận thủy chiến đầm Thị Nại, thời điểm có thể ước đoán là thủy quân Nguyễn Ánh đã đạt mức phát triển cao nhất, và 1819, gần 20 năm sau, là chỉ 1 năm trước khi vua Nguyễn Ánh qua đời và các chiến thuyền đã đóng còn chưa mục nát để tác giả John White có thể đến tận nơi quan sát và kể lại.

Dựa trên thông tin của John Barrow, có thể thấy Thủy quân Nguyễn Ánh có tổng cộng 26800 người, thuộc về 4 hạng mục sau: #1. 8000 thủy thủ trên 100 thuyền chèo tay dài 20~30m, mỗi thuyền khoảng 50~80 tay chèo, được trang bị các dạng pháo nhỏ bắn đạn 3~4 pounds (1~2 kg). Đây là loại mà phương Tây gọi là “galley”, thuyền chèo tay tác chiến ven bờ. Chức năng chính yếu của galley là vận chuyển hàng vạn bộ binh! #2. 8000 thủy thủ trên các ghe bầu lớn đóng theo kiểu truyền thống VN, kết hợp giữa buồm và chèo, đây đa số là các thuyền có nhiệm vụ vận tải! Đương nhiên galley và ghe bầu khó có thể đi biển xa, dài ngày được, và cũng rất hạn chế về hỏa lực! Để bù đắp cho sự thiếu hụt hỏa lực này là:

#3. các thuyền mành (junk) kiểu TQ, thủy quân của Chúa Nguyễn có 1600 người trên khoảng 20~30 thuyền mành, mỗi thuyền được trang bị 6~12 khẩu pháo loại bắn đạn 9~12 pounds (4~6 kg). Việc chế tạo các tàu này không quá khó về kỹ thuật, hoặc có thể mua trực tiếp từ người TQ. Và ở lớp trên cùng là: #4. 4 chiến hạm do người Pháp viện trợ (e là những tàu này không đóng tại VN), phối hợp nhiều nguồn thông tin, ta có thể suy đoán tương đối chính xác rằng 4 tàu này tương đương cỡ chiến hạm hạng 6 (sixth rate ship), mỗi chiếc có tải trọng 500 tấn, được trang bị 30 súng, thủy thủ đoàn chừng 300 người (tổng cộng 1200 người trên 4 chiếc), và do các thuyền trưởng người Pháp trực tiếp chỉ huy!

Như thế có thể thấy, nhà Chúa có một tư duy thực dụng về thủy chiến. Đó không phải là tàu to, súng lớn như mọi người thường nghĩ, mà chỉ là một “hạm đội” các thuyền lớn chèo tay chở bộ binh, làm sao vận chuyển binh lính + hàng hóa đi xa, hàng trăm người chia phiên, thay nhau chèo có thể đi cả trăm km mỗi ngày. Đội tàu này được bổ sung thêm vài chục “pháo hạm” kiểu thuyền mành (junk) TQ, và trên cùng của lưới hỏa lực là 4 con tàu kiểu Tây phương, 4 chiếc này cũng chỉ ngang cỡ tàu chiến hạng 6, hạng thấp nhất trong số 6 hạng tàu chiến ở châu Âu đương thời. Ngoài ra nhà Chúa còn có một đội 8000 thợ thủ công đóng thuyền, và dĩ nhiên là các ngành “công nghiệp hỗ trợ” khác như xẻ gỗ, đúc pháo…

Những thông tin này trùng khớp với những gì John White ghi nhận gần 20 năm sau đó khi đến Huế, hàng trăm “chiến thuyền” chèo tay – galley, vài chục thuyền mành kiểu TQ, nhưng tại thời điểm đó, chỉ còn thấy có 2 tàu kiểu Pháp, ngoài ra tác giả John White nhấn mạnh rằng không có dấu hiệu cho thấy có thuyền lớn hơn! Một năm sau thì nhà Vua băng hà, người kế vị chỉ tập trung vào học hành, thi cử, quan chế… bỏ bê võ bị, các con tàu kéo lên bờ, đưa vào trong các căn nhà có mái che, và nằm đó mục nát theo thời gian! Hình dung tổng thể về thủy quân giai đoạn đó như thế, không nên “tán láo” những thứ “hư ảo” kiểu: thuyền chiến 60 súng, 300 pháo hạm, tự đóng tàu hơi nước, hải pháo 24 pounds, etc…

Sử sách các triều đình xưa có cách dùng từ ngữ vô cùng “gian manh”, ví dụ như nói về đội quân 18 ngàn người, 1200 thuyền chiến, 300 pháo hạm, 600 pháo, nói như vậy thì một chiếc “thuyền chiến” chở… 18K/1200=15 người hóa chẳng phải chỉ là một chiếc xuồng nhỏ hay sao? Hay 18K quân mà 600 pháo thì trung bình 30 người có xoay nổi một khẩu pháo nặng 1, 2 tấn hay không, chưa nói đến chuyện vận chuyển khẩu pháo đó đi hàng ngàn km, từ đó suy ra cái gọi là “pháo” đó chẳng qua là những loại hỏa khí vác vai cỡ nhỏ. Suy luận tương tự thì cái gọi là “pháo hạm” đó chẳng qua là một chiếc xuồng có gắn 1, 2 khẩu pháo tép (swivel gun) mà thôi. Nên các mô tả trong sách sử xưa, mới nghe thì có vẻ “đúng” về ngôn từ…

Nhưng thực ra rất sai nếu đặt trong các hệ quy chiếu khác, sợ là so với Cướp biển Quảng Đông còn chưa được chứ chưa nói so với Hải quân phương Tây. Phần đầu của bài viết sơ lược như vậy để nói rằng: cái gọi là Hải quân Tây Sơn, Hải quân Nguyễn Ánh thực chất là lực lượng lính thủy đánh bộ ven bờ, được xây dựng để giải quyết bài toán giao thông vận tải (vận chuyển người và hàng), trong điều kiện nước VN bị chia cắt về địa hình, đường sá kém phát triển, đi lại rất khó khăn và các loại ngựa, xe vận tải rất ít. Phần sau sẽ nói kỹ hơn về cái gọi là hải chiến thời đó, thực chất là những cuộc chiến đổ bộ và chống đổ bộ, diễn ra trong các đầm phá ven biển, không phải là “hải chiến” theo nghĩa chúng ta hiểu ngày nay!

WhangHo junk

Tàu buồm TQ WhangHo, tàu hàng, buôn lậu và cướp biển, được đóng năm 1753 và có một cuộc đời rất dài, đến 162 năm, gồm nhiều hoạt động phong phú. Con tàu đổi chủ nhiều lần, bị cướp qua cướp lại giữa Hải quân Thanh triều và cướp biển Nam Trung Hoa, có giai đoạn tàu phục vụ trong biên chế của khởi nghĩa Thái Bình thiên quốc, và cuối cùng, đến năm 1913 thì người Mỹ mua xác tàu về trưng bày hội chợ. TQ thế kỷ 18 đã có khả năng đóng những con tàu lên đến 3000 tấn, nên về kích thước, WhangHo không phải là lớn! Một con tàu như thế thường được trang bị khoảng dưới 10 súng, nhỏ và nhanh nhẹn, phù hợp với vai trò… cướp biển! Và phần lớn những con tàu cướp biển của Trịnh Thất, Trịnh Nhất, Trịnh Nhất tẩu…

Trương Bảo, Trần Thiêm Bảo, Mạc Quan Phù, Ô Thạch Nhị, Vương Quý Lợi, v.v… cái “Liên đoàn cướp biển Quảng Đông” này là một lực lượng đáng kể, gồm hàng vạn người, hàng trăm tàu, phần lớn những tàu nhỏ cỡ dưới 300 tấn, trang bị 6 ~ 12 súng (loại súng “tiêu chuẩn” lúc bấy giờ là hải pháo nặng khoảng 1 ~ 1.5 tấn, bắn đạn 9 ~ 12 pounds). Khi nhà Thanh dần ổn định phương Nam, các nhóm hải tặc TQ mất địa bàn, mất căn cứ và phải dạt sang Việt Nam. Trên danh nghĩa là họ vẫn mang cái chiêu bài “phản Thanh phục Minh” và được vua Quang Trung thu dụng làm lính đánh thuê, vì các con tàu luôn cần home port – cảng nhà để sửa tàu, cứu chữa người bị thương, cung cấp vật tư hậu cần và… tiêu thụ tài sản cướp được!

Chính sử về mặt này thường tránh nói, hay nếu có nói cũng chỉ nói vô cùng sơ sài, về vai trò của Hải quân chính quy và Hải tặc đánh thuê trong chiến thắng Kỷ Dậu – 1789. Một cuộc hành quân lớn như thế, thần tốc như thế, cả chục vạn quân đi liên tục 15 ngày từ Phú Xuân ra đến Nghệ An, đâu phải chỉ đi có người không, còn phải có lương thực, vũ khí, súng ống, đạn dược… muốn vận chuyển nhanh một khối lượng lớn vật chất hậu cần, là bắt buộc phải đi bằng đường biển. Chưa kể các cánh quân vu hồi tấn công bên sườn quân Thanh ở Hải Dương, Lạng Giang chắc chắn phải đi từ biển vào theo ngã sông Hồng, sông Lục Đầu! Lịch sử là như thế, ấy thế mà nay không còn mấy ghi chép, chứng cứ, để cho con cháu suy đoán!

Khi còn nhỏ, đọc những dòng giải thích kiểu: chia quân thành nhóm 3 người, 2 người võng 1 người thay nhau đi và nghỉ, liên tục suốt ngày đêm, ấy thế mà tin sái cổ chứ phải! :D Lớn lên rồi, chỉ cần có chút vận động vật lý là biết những lời giải thích đó nó xàm xí, phản khoa học! Nên “sử gia” xưa thực ra có vô số người cũng chỉ biết “chỉ thượng đàm binh – 纸上谈兵“, hoàn toàn không hiểu các hoạt động thực tế diễn ra thế nào! Đến thời hiện đại rồi, cần lắm những cách giải thích khoa học, để cho mọi người hiểu rõ những yếu tố kỹ thuật, công nghệ nền tảng bên dưới! Hiểu để biết rằng trong tất cả các vận động lịch sử, bên cạnh yếu tố quan trọng là con người, thì kinh tế, vật chất và khoa học kỹ thuật vẫn là quyết định!

teksing junk

Tàu buồm TQ Teksing, không ai biết chính xác tên gốc con tàu là gì, nhưng đây thường được xem là một “Titanic phương Đông”. Tàu có cảng nhà – home port ở Hạ Môn, Phúc Kiến, dài 50m, 900 tấn! Lúc này ở TQ có nhiều biến động: Chiến tranh nha phiến lần 1, khởi nghĩa Thái Bình thiên quốc, xã hội bất ổn dẫn đến di dân hàng loạt. Năm 1822, con tàu xuất phát từ Hạ Môn, chở theo một lượng lớn đồ sứ, 200 thủy thủ cùng với 1600 di dân.

Ngày 6/2/1822, trên đường đến Jakarta, Indonesia, khi đang băng qua eo biển Gaspar, tàu đâm vào đá ngầm và chìm. Một chiếc khác đi cùng đoàn và một con tàu Anh đi ngang qua đã cứu được khoảng 200 người, 1600 người thiệt mạng. Năm 1999, người ta đã trục vớt số đồ sứ trên tàu và bán đấu giá được $10 triệu! Ảnh: phần lớn các tranh vẽ Tây phương về các con tàu buồm TQ đều mang các chi tiết cường điệu, thiếu chính xác!

Keying junk

Keying – con tàu buồm TQ đặt theo tên (Ái tân giác la) Kỳ Anh, Hộ bộ thượng thư, lưỡng Quảng tổng đốc, Khâm sai đại thần, tham gia phái đoàn TQ đàm phán kết thúc Chiến tranh nha phiến lần 2, và vì chấp nhận những điều khoản vô cùng bất lợi, hoàng đế Hàm Phong đã ban cho ông ta được chết! Tàu buồm Kỳ Anh là do người Anh mua lại từ TQ, 49 mét, 800 tấn, năm 1846, với thủy thủ đoàn gồm 12 người Anh, 30 người Quảng Đông đã làm một hành trình vòng qua mũi Hảo Vọng đến New York, Boston và sau đó là quay về Anh. Ở đâu con tàu cũng được công chúng chào đón nhiệt liệt!

Vì lần đầu tiên có một con tàu TQ làm một hành trình lớn như thế! Nữ hoàng Victoria đến thăm tàu, nhiều sĩ quan hải quân Hoàng gia chạy thử tàu, và kết luận rằng Keying có khả năng đi biển ít nhất là tương đương, nếu không muốn nói là hơn các con tàu tốt nhất Anh quốc! Không khó đoán ra mục đích thật sự của việc mua tàu Keying, tàu sau đó được mổ xẻ ra để nghiên cứu, người Anh dù đang thống trị đại dương nhưng họ vẫn không ngừng học hỏi từ bất kỳ nguồn nào có thể! Tranh vẽ: đường cong của con tàu Keying bị cường điệu hóa, thực ra tàu không cong đến vậy!

ningpo junk

Hồi đó trong group Thuyền buồm, có câu hỏi là: vì sao các thuyền buồm phương Tây xưa thường có rất nhiều tầng buồm, tàu buôn có 2, 3 tầng, còn tàu chiến thậm chí nhiều hơn, đến 4, 5 tầng?! Thế rồi ai cũng trả lời là: có nhiều tầng buồm để khi đánh nhau, có hư hại 1, 2 tầng thì cũng không sao, không hư hết, thậm chí cái câu trả lời ấy nó còn echo – vang vọng từ người này sang người khác! Em ngồi chờ xem ai đó có câu trả lời thỏa đáng hơn suốt một năm, mà trong group toàn “hiểu biết” cả, từ kỹ sư, kiến trúc sư cho đến nghiên cứu lịch sử, khảo cổ, đủ cả… Giả sử bạn có một cây gậy gỗ đường kính 2cm, dài 1m thì có thể dùng tay bẻ gãy một cách dễ dàng!

Cũng cây gậy ấy mà chỉ dài 0.2m dùng tay có khi không bẻ gãy được! Đó gọi là sức bền vật liệu, một tấm vải buồm 5m gió khó giật rách, nhưng cũng tấm vải ấy mà dài 50m thì gió giật rách ngay! Đó là chuyện không cần phải là kỹ sư, chỉ cần kiến thức vận động, thực hành là hiểu được, các bố chỉ ưa nói chứ không suy nghĩ được cả những điều nhỏ! Em đợi một năm, không ai đưa ra được câu trả lời thích đáng, em “leave group” không vào nữa! Ảnh: tàu buồm TQ Ningpo, đóng năm 1753, 42m, 300 tấn, tàu buôn và cướp biển, tuy không lớn nhưng được xem là con tàu chạy nhanh nhất TQ, Ninh Ba có một cuộc đời dài đến… 185 năm với vô số sự kiện!

thương chiến

Nói tới nói lui, cuộc chiến thương mại này, Mỹ thực sự là… 没门 – không có cửa thắng! Để thắng một cuộc chiến thì hoặc là bạn phải mạnh, hoặc là bạn phải lỳ, mà Trung Quốc thì nó vừa mạnh bạo, lại vừa lỳ đòn. Giả như áp thuế cao chót vót thật, thì một thời gian, dân Mỹ chắc chắn sẽ đi biểu tình vì vật giá tăng cao, đời sống khó khăn! Còn TQ thì như truyền thống cả ngàn năm nay, sức chịu đựng của họ rất lớn, “bớt ăn bớt mặc” một chút có sao đâu, hoặc là quay vào trong phát triển thị trường quốc nội! Thuế quan và mậu dịch là chuyện vô cùng phức tạp, mình không hiểu mấy!

Phương Tây trước giờ vẫn tuyên truyền rằng mậu dịch là “win-win”, đôi bên cùng thắng! Ấy thế mà các luật lệ thương mại song phương là do chính họ soạn ra, rồi sổ toẹt luật lệ, áp đặt ý chí riêng cũng chính là họ! Trung Quốc lâu lâu cũng hùa theo, nói rằng mậu dịch là “win-win”, đôi bên cùng có lợi! Chỉ có riêng mỗi ku Nga là vô cùng thẳng thắn, nói thẳng rằng đây là cuộc chơi “zero-sum”, tổng bằng không, nếu một bên thắng thì bên kia chính là thua vậy! Chỉ mong là đôi bên ra “đòn gió” rồi nhanh chóng kết thúc thương chiến, không thì VN đứng ở giữa, “trâu bò đánh nhau…”

chiêu ứng từ

Vụ án chấn động xảy ra năm 1851 thời Tự Đức, nhà vua nhận được tờ tấu do Binh bộ chuyển báo: Chưởng vệ Phạm Xích và Lang trung Tôn Thất Thiều trình tấu đã đánh đuổi ba tàu hải tặc khi đang đi tuần ở vùng biển Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Xem xong tờ tâu nhà vua liền sinh nghi vì đánh nhau với hải tặc mà không ai bị thương tích gì, còn phía bên kia thì chết sạch không một người bị bắt làm tù binh, bèn nhấc bút phê: giao cho Binh bộ điều tra cho rõ sự tình. Phúc trình từ Binh bộ cho rằng chiếc tàu thu được giống tàu buôn hơn là tàu giặc. Ngay lúc ấy, một phụ nữ đến nha môn cáo giác. Nguyên bà ta là một Hoa kiều, mở tiệm ăn ở phố Gia Hội (Huế), chồng cũng là Hoa kiều đi thuyền về nước, bặt tin đã lâu.

Theo lời bà kể, viên đội trưởng vệ Tuyển Phong tên là Trần Hựu đến ăn uống ở quán nhưng không đủ tiền trả nên rút chiếc nhẫn cầm tạm! Bà chủ xem kỹ nhận ra chiếc nhẫn quý của chồng, Trần Hựu ban đầu chối, nhưng sau lại chịu theo bà đến nha môn trình báo. Trần Hựu khai rằng: ngày 16 tháng 7, 1851, thuyền quan đậu ở cửa Thị Nại, được tin có ba thuyền lạ đậu ngoài hải phận đảo Thanh Dư, chưởng vệ Phạm Xích và Lang trung Tôn Thất Thiều lập tức đuổi theo, bắn bằng súng thần công nhưng ba chiếc thuyền kia không đáp trả, chỉ bỏ chạy! Sau 3 ngày truy đuổi thì hai chiếc chạy thoát, một chiếc bị bắt! Cập lại gần, Phạm Xích ra lệnh cho những người bên thuyền của TQ sang trình diện, họ chấp hành lệnh!

Ba mươi ba người sang trình thẻ, nói là nhà buôn ở Thừa Thiên xin về thăm quê và đã được cấp phép! Dù đã trình thẻ nhưng tổng cộng, 108 người Hoa trên tàu đều bị chém chết rồi quăng xuống biển, toàn bộ hàng hóa được chuyển sang chiếc thuyền Bằng Đoàn của quan binh, thuyền buôn được sơn lại màu đen cho giống tàu hải tặc và dẫn về vụng Chiêm Dữ. Vua Tự Đức nổi cơn thịnh nộ, giao Tam pháp ty xét xử, án xử rất nghiêm, Thiều và Xích đều bị lăng trì, nhiều người bị xử chém, một số quan binh được tha vì đã chống lệnh, từ chối giết người! Từ đó, cộng đồng người Hoa gốc Hải Nam đi đâu cũng xây Chiêu Ứng từ, như một kiểu ấm ức, từ Huế, Đà Nẵng, Hội An, vào tới trong Nam, tận Cà Mau cũng có!

franchise

Từ lâu, thứ duy nhất ở VN đã được hiện đại hóa, công nghiệp hóa vô cùng sâu rộng, đó chính là các loại công nghệ đĩ điếm, lưu manh! Nó đã được phát triển đến mức phổ cập, trở thành dây chuyền công nghiệp! Đã trở thành bài bản được truyền dạy cho nhau, thậm chí đến mức đã trở thành “thương hiệu nhượng quyền”: tất cả đều đã được làm sẵn, từ các sản phẩm giả cầy cho đến bao bì, quảng cáo, chỉ cần mua về và đi “lùa” người khác thôi!

double ender

Thuật ngữ double-ender là nói về những con thuyền mà đầu – đuôi đều thon nhọn như nhau, trái ngược với những kiểu thiết kế đầu nhọn, đuôi vát (hay đầu đuôi đều vát). Từ quan điểm thiết kế thực dụng thì phần đuôi (hay đầu) nhọn này được gọi là “gỗ chết – deadwood” vì có vẻ như, nó không thực sự tham gia vào quá trình “vận hành” của con thuyền, chỉ phần nằm dưới mặt nước mới ảnh hưởng đến độ cản nước, đến tốc độ con tàu.

Và gọi là “gỗ chết” là vì nó làm tăng đáng kể chiều dài tàu mà không tăng sức chứa, tải trọng. Rất nhiều thuyền có thiết kế đuôi vát, thứ nhất là để giảm chiều dài, thứ nhì là để tăng tải trọng hữu ích. Nói là vậy, nhưng thực tế, phần “gỗ chết” này không thực sự “chết”, tưởng tượng trong sóng gió phức tạp, khi con tàu bị nhấn chìm hoàn toàn trong nước, thì phần gỗ này lập tức có tác dụng. Lúc đó, với một con thuyền đuôi vát…

Vì độ nổi giữa đầu và đuôi khác nhau, dẫn đến thuyền kém cân bằng, ổn định khi sóng lớn. Chính vì thế nên quay lại 100 năm trước, trước khi khoa học kỹ thuật phát triển và đưa ra nhiều “giải pháp” mới, thì đa số các thuyền buồm “viễn dương” nhỏ đều có thiết kế double-ender, đầu đuôi thon nhọn như nhau! Nó ăn sâu vào tiềm thức của người đi biển, “form and function”, muốn “chạy tốt” thì đầu tiên là phải… “nhìn đẹp”! :D

pilot cutter

Ngày xưa tại nước Anh, các con tàu hoa tiêu – pilot cutter thuộc vào loại tàu buồm nhỏ tốt nhất thế giới. Vì sao như vậy, vì nghề hoa tiêu thực sự là đem lại lợi nhuận lớn. Các con tàu hàng, chở lượng hàng hóa trị giá hàng chục triệu bảng hay nhiều hơn, làm các hành trình nhiều ngàn hải lý ngoài đại dương. Biển lớn có cái nguy hiểm của biển lớn, nhưng biển nhỏ: nội thủy, vùng nước ven bờ, vịnh, sông ngòi… có cái nguy hiểm của biển nhỏ, nếu không thông thuộc luồng lạch địa phương sẽ dễ dẫn đến tai nạn. Nên các con tàu lớn đã đi nhiều ngàn hải lý thường không tiếc gì một vài món tiền “nhỏ” để thuê hoa tiêu địa phương dẫn đường đến đích an toàn.

Cái nghề pilot ngày xưa là thế: bất kể điều kiện thời tiết thế nào, dù mưa gió bão bùng mà thấy tàu hàng ngoài khơi, là dùng con tàu buồm nhỏ chạy ra, làm dịch vụ “taxi” chở viên hoa tiêu cập mạn lên tàu lớn. Nên các tàu buồm pilot cutter xưa đều là… nhỏ mà có võ, thiết kế của nó là cả một sự chắt lọc, tiến hóa theo thời gian, có khả năng đi trong những điều kiện thời tiết phức tạp. Và từ xưa nghề hoa tiêu tuy có vài nguy hiểm, nhưng được xem là kiếm tiền dễ! Nhưng đó là ngày xưa thôi, ngày nay những con tàu hàng siêu lớn, lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn tấn! Tàu lớn như thế thường chỉ muốn cập cảng nước sâu mà thôi!

Họ rất ngần ngại, không muốn đi vào trong nội thủy, vào vùng nước vừa hẹp vừa nông, rất khó xoay xở với cái kích thước khổng lồ của con tàu, rất dễ gây ra những tai nạn, tổn thất không đáng có! Và nghề hoa tiêu, với sự xuất hiện của thuyền máy công suất lớn, cùng với nhiều máy móc, thiết bị hiện đại, không còn là một cái nghề “khó khăn” có thể mang lại nhiều lợi nhuận như trước! Tới tận bây giờ mà vẫn còn mang tư tưởng “người khác có, ta cũng phải có”, tỉnh nào cũng muốn xây sân bay, cảng biển riêng, rồi ngồi đó “thu tiền xâu”, lạc hậu lắm rồi. Không chỉ lạc hậu mà còn máy móc, ngu xuẩn, kinh tế thế giới đã sang một tầm tối ưu hoàn toàn khác…

30/4

Người ngoài có thể họ không hiểu về Chiến tranh VN, chứ với người trong cuộc, đó chỉ là một vòng lặp “for” vô cùng đơn giản: năm 1964 thử lửa với quân Mỹ ở Quảng Nam một lần đầu, năm 1968 đánh một trận lớn Mậu Thân, năm 1972 lại đánh một trận lớn “Mùa hè đỏ lửa”, và theo dự kiến là thống nhất đất nước trong năm 1976, nhưng tình hình đã phát triển nhanh hơn thế.

Những vòng lặp theo chu kỳ 4 năm một lần này là thấy rất rõ, cứ gom gom “đủ lúa” là lại đi đánh một trận lớn (thực sự thì VN không có đủ nguồn lực để mà dàn trải), và cũng có thể có thêm một nguyên nhân nữa là dự tính các thời điểm song hành với các kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ cứ 4 năm một lần… Và cứ lặp như thế cho đến khi nào thành công thì thôi… :)

Giờ chúng nó nói như đúng rồi vậy: ah, người Mỹ cũng đã phải chịu nhiều đau khổ trong chiến tranh VN, đau khổ kiểu: nhà giàu đứt tay, ăn mày đổ ruột! Khoảng 16 triệu tấn thuốc nổ đã được dùng ở VN (là tính theo khối lượng thuốc nổ chứ không phải khối lượng vũ khí), nhiều gấp 3, 4 lần tổng Thế chiến 2 cộng lại, trung bình mỗi người VN chịu khoảng 400 kg!

địa đạo

Đây là một trong số rất ít những phim mình ra rạp xem đàng hoàng, phim đầu tiên là “Hà Nội trong mắt ai”, phát hành 1983… ah, mà đó là chuyện của 40 năm trước! Nhìn chung với một phim Việt Nam thì Địa đạo rất ổn, từ các cảnh quay, ánh sáng, màu sắc cho đến hiệu ứng khói lửa, bom nổ, đường đạn bay… đều rất thực và đẹp mắt. Câu chuyện kể lại trong phim hoàn toàn là sự thật lịch sử, được nói rõ trong phần giới thiệu, nhóm điệp báo H.63 của Phạm Xuân Ẩn (Hai Trung) và Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) trong nhiều năm, sử dụng nhiều couriers – liên lạc viên để chạy mật thư từ Sài Gòn ra Củ Chi, từ đây mật thư sẽ được gởi qua sóng radio ra Hà Nội.

Một nguồn phát sóng radio cứ như thế hiện diện suốt nhiều năm liền tại Củ Chi như một cái gai trong mắt người Mỹ và họ sẽ làm mọi cách để nhổ cái gai đó! Như Nguyễn Văn Thương, một liên lạc viên thường xuyên chạy xe Honda giữa Sài Còn và Củ Chi, một hôm bị người Mỹ phát hiện và theo dõi! Viên phi công trực thăng vì nôn nóng muốn đổ quân xuống bắt sống nên đã phạm phải một sai lầm chết người, hạ thấp trực thăng xuống sát mặt lộ, từ khoảng cách rất gần, Hai Thương nổ liền 2 phát súng ngắn hạ trực thăng rơi! Không hiểu sao chi tiết đắt giá như vậy lại không đưa vào phim, có lẽ vì số phận Hai Thương là một câu chuyện bi thảm khác!

Tình huống cảm động nhất trong phim theo mình là chuyện Út Khờ mang thai, nhưng chưa rõ ai là cha. Trước tình huống như thế, đội du kích đã quyết định tổ chức… một đám cưới giả giữa Út Khờ với… đội trưởng Bảy Theo! Một cái đám cưới giả được quyết định và tổ chức thành công sau… 5 giây, có cả hoa, cả bánh! Đã có người đứng ra “nhận trách nhiệm”, trước sự việc đã rồi, cấp trên không thể nói gì hơn được và theo thông lệ, phải rút Út Khờ ra khỏi vùng giao chiến, như thế hai mẹ con cô ấy sẽ có cơ hội sống! Đó chính là tâm tư, tình cảm của những người du kích, họ không có chức vụ, cấp bậc gì để mất và sẵn sàng bao che đồng đội như vậy!

Chuyện nhiều “giang cư mận” phê phán cảnh nóng trong phim, nói như đúng rồi luôn. Nếu đã xem phim thì sẽ thấy mấy cái “cảnh nóng” đó chỉ mang tính ước lệ, tượng trưng mà thôi, còn chưa lộ chút da thịt nào. Nếu là đơn vị quân đội chính quy thì chắc chắn sẽ có vài án kỷ luật từ trên rơi xuống. Nhưng đây là du kích, các căn hầm đào ngay dưới nhà của họ, hàng ngày họ vẫn chui lên trồng rau, nuôi gà, v.v.. đó chính là cuộc sống thường ngày của họ, nếu không thì rất nhiều những đứa trẻ sinh ra trong chiến tranh ở Củ Chi từ đâu mà chui ra!? Nên kiểu có nhiều người không hiểu gì về thực tế lịch sử nhưng vẫn cứ ưa tìm chuyện nói ra nói vào!

Những lời thoại trong phim có nhiều chỗ khá đạt, như đoạn một cô du kích, bị ép tập các bài võ cận chiến với dao găm quá nhiều đã than thở vì mệt: tụi em chỉ là du kích thôi, đâu có phải bộ đội đặc công đâu mà… Đội trưởng Bảy Theo quát: mày đi nói chuyện đó với tụi Mỹ á, có khi nó còn gắn cho mày huy chương! :D Cái băn khoăn xuyên suốt bộ phim của người anh cả, đội trưởng luôn là: tụi nó còn nhỏ quá, còn “xanh” quá, sợ “chơi không lại tụi Mỹ”. Tuy phần phụ đề tiếng Anh không tệ, nhưng vẫn phải nói là chưa thực sự được như ý tôi, chưa tìm được cách truyền đạt tốt sắc thái ý nghĩa của lời thoại gốc, nhiều chỗ vẫn kiểu… dịch cho có!

Mình thuộc dạng coi phim vô cùng lý tính và xét nét, nên không khó nhận ra một vài chỗ còn chưa được hợp lý hay có chút khiên cưỡng trong phim. Và những chỗ sai về vật lý đương nhiên nhìn ra khá nhiều, như cách nấu thuốc nổ dẻo (plastic explosive) trong phim thì hầu như chắc chắn là nó sẽ nổ, cuối phim có chiếu lại một đoạn tài liệu đen trắng cũ, chính trong đoạn phim tài liệu đó lại thể hiện cách thức tương đối đúng! Nhưng tóm lại đây là một phim rất đáng xem, dù các cảnh quay có hơi “rubato” (thuật ngữ âm nhạc), nói một cách gần đúng là nhịp độ không được chuẩn, các tình huống thắt nút, cao trào lý ra vẫn có thể làm cho hấp dẫn hơn!

Về chi tiết cuối phim, một người lính Mỹ trong đội quân “chuột chũi” chui vào trong địa đạo, bị thương và được cứu sống, cho nằm trên chiếc bè ven sông, nhiều người cho rằng chi tiết này tuy “nhân văn” nhưng hơi “cường điệu”. Theo tôi thì, không có gì là “cường điệu”, thậm chí cũng chẳng có gì là “nhân văn” trong tình huống này, đó chỉ là sự thật thực dụng của chiến tranh. Nên nhớ rằng, một tù binh Mỹ còn sống dù thế nào cũng là một “tài sản đáng giá”, có thể dùng để “trao đổi” khá nhiều thứ, kể cả các quân nhân Việt Nam bị phía Mỹ bắt. Thế nên phía Việt Nam nhiều khi phải rất cố gắng để giữ cho tù binh còn sống để có thể làm món hàng trao đổi!

Trong thời gian 15 năm, từ 1961 đến 1975, chỉ riêng mạng lưới điệp báo H.63 đã sử dụng khoảng 45 couriers – liên lạc viên để truyền tin, 27 người trong số đó bị bắt, tra tấn… nhưng không một ai khai ra điều gì, mạng lưới vẫn đứng vững và thông tin vẫn không ngừng tuôn chảy. Nếu tính rộng ra cả số du kích, bộ đội đã hy sinh khi tham gia bảo vệ đường dây thông tin này, trực tiếp hay gián tiếp, thì có khi thiệt hại là không đo đếm được! Nên phim chỉ là một lát cắt nhỏ, chỉ vài tuần trên một dòng chảy thời gian nhiều chục năm, chỉ một vài khoảnh khắc đại diện, ngắn gọn cho thấy cha ông chúng ta đã sống, đã chiến đấu chống ngoại xâm như thế nào!

bất ổn tiếp tục…

Trong ngày 30/4, giữa lúc tranh tối tranh sáng khi chuyển giao chính quyền, giữa Sài Gòn xảy ra nhiều vụ án mạng, cướp của giết người. Ngay trong ngày 1/5, một tòa án được thành lập, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được cử làm chủ tịch Bồi thẩm đoàn! Tòa tuyên một bị cáo tử hình, án được thi hành ngay lập tức sau đó, bản án mang tính chất răn đe giữa một Sài Gòn chưa kịp ổn định. Thế nhưng Sài Gòn vẫn không thể ổn định được suốt nhiều năm sau đó! Như vụ sát hại gia đình nghệ sĩ Thanh Nga 1978, vụ bắt cóc con nghệ sĩ Kim Cương, bắt cóc con bác sĩ Lã Hỷ gây rúng động dư luận!

Từ 1975 đến 1978, chỉ trong 3 năm đã xảy ra 45 ngàn vụ án hình sự, trong đó có 1400 vụ cướp lớn, 170 người dân bị bắn chết, hơn 200 người bị thương, chưa kể thương vong của lực lượng Công An trên các mặt trận phòng chống tội phạm. Riêng tại Sài Gòn, cứ trung bình 40 phút là có một vụ cướp, tỷ lệ thuộc loại… cao nhất thế giới! Tình hình nghiêm trọng đến mức, tháng 3 – 1978 phải thành lập những đội SBC – Săn bắt cướp, có quyền “tiền trảm hậu tấu”, có thể xử bắn ngay tại hiện trường! Sau đó là những vụ vượt biên… lại thêm những trang đầy máu và nước mắt.

Tuy không thể phán xét chung chung được, mỗi người là một cảnh đời riêng, mỗi người đều có những nguyên nhân khác biệt, nhưng tôi cho rằng phần lớn các vụ vượt biên là manh động, thiếu suy nghĩ, và đã đẩy nhiều người thân trong gia đình vào chỗ chết. Qua đến bên kia, một phần khá lớn trở thành các băng đảng tội phạm, đâm thuê chém mướn cho các ông trùm gốc Trung, Hàn, Đài, và đã tạo ra một cái danh tiếng vô cùng manh động và tàn ác, nhưng rồi cũng chỉ là lưu manh nhỏ, không trở thành tội phạm lớn được! Cái sự bất ổn cứ thế tiếp tục, cách này hay cách khác…