giả đạo phạt quắc

Sau Covid đi ra đường tôi thấy nơi nơi người ta bán xe đạp, hàng trăm chiếc xe xếp tràn đầy trên vỉa hè bên ngoài các cửa hàng. Nghĩ bụng: con người ta biết bắt đầu sợ chết sau đại dịch đây mà, biết sợ thì sẽ chăm tập thể dục thôi, ai đó nghĩ ra trò bán xe đạp này đúng là biết đón thời cơ, tạo dựng thị trường. Xem sơ qua các xe, kiểu dáng mới lạ, bắt mắt, nhưng nhiều chi tiết bị đơn giản hóa đến đáng sợ, hầu hết khung sườn không có các điểm neo để bắt baga. Xem kỹ thì thấy, đây chỉ là phần nổi của một tảng băng trôi, phần chìm còn lớn hơn thế nhiều, và đương nhiên, cũng không phải là người Việt biết đón thời cơ, tạo ra cái thị trường này, mà thực chất là các ông chủ Đài Loan, Việt Nam chỉ tranh thủ… “lướt sóng” mà thôi!

Thị trường quốc nội không biết lớn tới đâu, số lượng đạp phong trào chụp ảnh khoe Facebook thực chất không bao nhiêu người, phần đông chỉ… “dăm bữa nửa tháng”! Nhưng mỗi năm, “tạm nhập, tái xuất” sang Mỹ cả tỷ đô tiền xe đạp và phụ kiện, mà VN có sản xuất mấy đâu, chỉ là bán hàng dùm thôi, và cũng chính là một dạng “mượn đường diệt Quắc – giả đạo phạt Quắc – 假道伐虢“! Cứ như thế, họ nói xe đạp thì chúng ta cũng nói xe đạp, họ nói AI thì chúng ta cũng a-dua theo… AI, họ nói Blockchain thì chúng ta cũng sẽ lặp lại như vẹt… Blockchain. Hai thằng cùng nói một câu, mới nghe thì có vẻ giống giống nhau, nhưng về bản chất dân trí, trình độ khoa học kỹ thuật, về phát triển kinh tế, là hoàn toàn khác nhau!

thủy thuật

Cũng giống như Kenjutsu (kiếm thuật), Jujitsu (nhu thuật), Aikijutsu (hiệp khí thuật), Sojutsu, Naginatajutsu, Kusarigamajutsu, Shurikenjutsu, Kyujutsu, Bojutsu, Bajutsu, etc… vậy, trong Thập bát ban võ nghệ cổ truyền Nhật Bản có một môn gọi là Suijutsu – Thủy thuật – 水術 là bộ môn dạy các kỹ năng chiến đấu dưới nước: bơi đường dài, bơi khi mặc giáp (mang 20kg giáp vẫn có thể bơi được), bơi biển, bắn cung khi đang bơi, ăn lúc bơi, cách thức lặn, dùng ống thở dưới nước… Khác với Thập bát ban võ nghệ của Trung Quốc, có phần hình thức, xa rời thực tế, sử dụng những binh khí cổ xưa, chủ yếu mang tính quy ước cổ truyền hơn là thực chiến, thập bát ban võ nghệ của người Nhật mang tính thực dụng, thực hành, cụ thể, rõ ràng!

Nếu đặt trong ngữ cảnh hiện đại, so với các đội đặc công nước của thế giới thì những điều này nghe có vẻ rất bình thường, nhưng đáng nói là Suijutsu có chiều dài lịch sử từ nhiều trăm năm về trước, người Nhật đã hình thành nên những trường phái khác nhau chỉ để dạy môn Suijutsu cho các samurai, việc gì họ cũng làm kỹ càng, tường tận, sâu xa, làm đến mức hoàn hảo mới thôi! Chữ Thuật – này, hai bên là chữ Hành – – nghĩa là đi, là làm, mà chữ Hành này rõ ràng là tượng hình của 2 tay (hoặc 2 chân)! Các bố chỉ nói đằng mồm mà không động chân tay sẽ không cách nào mà hiểu được! Và cứ như thế, nói một chặp thì thành ra chỉ cần “trít học, mưu mô, và các ngôn từ xàm xí kiểu Quỷ Cốc tử” là lấy được thiên hạ rồi!? :D

khách gia thổ lâu

Tiếng Hoa có 5 nhánh ngôn ngữ con: Phổ thông thoại – 普通话, là quốc ngữ hiện này, Ngô – là phương ngôn của vùng Thượng Hải, Khách Gia – 客家 là ngôn ngữ của cộng đồng Khách Gia, Việt – là ngôn ngữ của vùng Quảng Đông, và Mân – một phương ngữ có “gốc” từ Phúc Kiến. 5 nhánh ngôn ngữ đến ngày nay tuy không thông hiểu nhau được (mutual intelligible) nhưng đều từ một gốc (tiếng Hoa cổ – Ancient Chinese) mà phát triển ra, do các cộng đồng người Hoa di cư đi khắp nơi, những cuộc di cư từ 2000 năm trước hoặc có thể còn sớm hơn! Ví dụ như Triệu Đà, người Chính Định, Hà Bắc được nhà Tần bổ nhiệm làm huyện lệnh Phiên Ngung, và ông ta đã di cư một số lượng lớn người phía Bắc xuống Quảng Đông.

Một ví dụ thứ 2 là người Khách Gia, đã bắt đầu đi cư từ đồng bằng Hoa Hạ xuống phía Nam cách đây ít nhất là 1000 năm. Khi đến nơi, họ gặp những người Quảng Đông (đã di cư đến đó từ trước) và cho rằng đó là “Chủ, là người bản địa”, tự nhận mình là “Khách”, nhưng đến khi ngồi lại với nhau, tra thư tịch, truy tìm các tài liệu viết (ví dụ như gia phả) thì hóa ra, Quảng Đông, Triều Châu, hay Khách Gia thì đều là người từ Trung Nguyên di cư cả! Lịch sử nó có nhiều những cái ngộ nhận như vậy, không phải lúc nào cũng tường minh, rõ ràng! Đương nhiên trên bước đường di cư đều có sự kết hợp nhất định với những yếu tố “bản địa” đã có ở đó từ trước, như Miêu, Tráng. Tiếng Việt bị ảnh hưởng rất nhiều từ tiếng Hoa trung đại…

Nhất là từ thời Đường, thêm các thành phần tạm gọi là “Bách Việt” (thuật ngữ này theo tôi chỉ là một cách gom nhóm chung chung vô cùng thiếu chính xác), nên đôi khi ta bắt gặp một số điểm tương đồng “đáng ngạc nhiên” giữa tiếng Việt và tiếng Triều Châu, Khách Gia, Quảng Đông. Vì đều phát triển từ, hoặc chịu ảnh hưởng nặng bởi tiếng Hoa, đây là điều chẳng có gì khó hiểu, dù về địa lý hay lịch sử thì người Việt với người Khách Gia, Triều Châu chẳng có mấy liên hệ! Nhưng có một số khá đông những người tự gọi là nhà “ngôn ngữ học” (tôi gọi là lưu manh giả cầy), vin vào một số điểm tương đồng bất chợt, ngẫu nhiên rồi cho rằng… tiếng Việt, Khách Gia, Triều Châu, Quảng Đông là… cùng một họ Bách Việt!

Tiếp nữa là… bắt đầu nói ngược, tìm cách ngụy tạo ra cái gọi là “một Bách Việt thống nhất và hùng mạnh”, bằng cách gom vào nó những nguồn khác một cách… “bá vơ”. Bọn Tây nó có cái chiêu là “đa nguyên”, “đa thành phần”, điều này hiển nhiên có phần đúng khi sự phát triển của văn minh là sự cấu thành của vô số yếu tố! Nhưng sự “đa nguyên, đa thành phần” này hoàn toàn khác với kiểu muốn vẽ ra bất kỳ sự “hoang đường, tùy ý” nào cũng được! Như cách nói của một số “ngáo gia” Việt thì chỉ có Bách Việt thôi, không tìm tòi, nghiên cứu gì, chỉ dựa trên nguồn Tây, Tàu công bố, sau đó xào xáo lại, đưa vào đó những mẹo ngôn từ thiểu năng, đảo lộn trật tự thời gian, và vô số “lú luận” càn quấy để ngụy tạo lịch sử!

Cứ như thế, khắp phía Nam sông Trường Giang đều là Bách Việt cả, chúng nó nói một lúc thì… không có cái gì gọi là Hoa Hạ cả, chỉ có Bách Việt và Mông Cổ mà thôi! Hoa Hạ thực chất chỉ là sản phẩm lai tạo giữa Mông Cổ và Bách Việt! Và Bách Việt mới là cái gốc, cái nguồn lớn, sinh ra mọi thứ! Những dạng thông tin như vậy tạo ra không ít nhiễu loạn trong cộng đồng! Cái sự cuồng loạn của một số thành phần đúng là… vô đối, gọi là bệnh tâm thần không sai! Trống hơ trống hoác: chữ viết không có, tư tưởng sách vở cũng không, khoa học kỹ thuật thì vẫn như thời bán khai, văn hóa cộng đồng thì đến tận giờ vẫn như cái công xã nguyên thủy, nhưng tâm thì cuồng loạn vô đối, chính là 2 mặt của 1 đồng xu mà thôi!

drama

Thích xem các phim cổ trang, cung đấu, gia đấu TQ, đây phần lớn là những phim giả tưởng, mượn cái bối cảnh cổ xưa nhưng thực ra là để phân tích hành vi tâm lý của con người. Hàng ngàn năm trước, điều kiện sống không như bây giờ, chiến tranh, dịch bệnh, đói kém đe dọa thường trực, nên người ta có nhiều chuyện để mà phải lo nghĩ hơn là rửng mỡ. Trong những điều kiện khó khăn, khắc nghiệt, trong những tình huống cực đoan, tới hạn, v.v.. thì con người ta suy nghĩ, phản ứng như thế nào, sự khác biệt nam, nữ, khác biệt giữa các giai tầng, lứa tuổi… Nên cổ trang, lịch sử chỉ là cái vỏ, mượn tạm không gian, bối cảnh để phân tích về con người mà thôi. Và đó cũng là sự khác biệt giữa loại điện ảnh có nội dung, có chiều sâu…

Và những loại phim ảnh chỉ chăm chăm đi tạo drama nhảm nhí, xàm xí đến phi lý! Tuy đều mang tiếng là phản ánh thực tế cuộc sống, nhưng loại media hời hợt, hạ cấp, cổ vũ cho cái xấu, cái ác nhìn là biết ngay! Không cần phải tầm cỡ lý luận phê bình gì mới biết, đây hoàn toàn không phải là kiểu tranh luận: nên “phản ánh thực tế” hay nên “định hướng tư tưởng”, mà thực ra là xem ai có cái nhìn sâu hơn về con người, mà con người thì có học hỏi, thay đổi, có phát triển, con người trong những ràng buộc sinh học và xã hội! Nghĩ mà buồn cho những cái thể loại: thơ thì kiểu “cháu lên 3”, nhạc thì kiểu “cháu đi mẫu giáo”, còn hài thì kiểu “cô khen cháu vì cháu không khóc nhè”, “ngô nghê, trì độn” như ở VN hiện tại, haiza…

con nai trước ánh đèn pha

Hiệu ứng con nai trước ánh đèn pha – viết tiếp phần trước… Thực chất hiện tượng “đứng hình” này liên quan đến phản ứng sinh học của “con nai vàng ngơ ngác”, bị chói mắt, bị bão hòa trước cường độ rất lớn của ánh đèn pha, làm cho nó nhất thời không tiếp nhận được thông tin đúng đắn, và không đưa ra được quyết định kịp thời. Con người cũng vậy, trong một xã hội hiện đại mà thông tin đã đến mức thừa mứa, và phần lớn là những thông tin mang tính chất tiêu cực, xàm xí, ngày này qua ngày khác bị tiêm nhiễm bởi những thứ độc hại, hạ cấp như thế, rút cuộc họ không còn khả năng phân biệt thị phi, đúng sai nữa. Và cái thủ thuật của đám truyền thông bẩn chính là thế: phải tạo ra sự bão hòa thông tin, loại thông tin nhảm!

Phân biệt đúng sai, thị phi chỉ là bước đầu tiên, tiếp đến là đánh vào khả năng trì định đúng sai bên trong mỗi người. Chính bản thân con người không có công phu trì định, đã mất đi khả năng hướng thiện bên trong, thì thành ra như cái chong chóng xoay trước gió mà thôi, đạo đức cá nhân và cộng đồng đã bị xói mòn đến tận các giá trị cốt lõi nhất, căn bản nhất, chuyện không hiếm gặp trong xã hội ngày nay. Và đến một lúc thì: Tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ – Thiên lý chi đê, hội vu nghĩ huyệt – 千里之堤,溃于蚁穴. Chính vì không tự xác tín một điều gì nên ai đưa cái tin giả nào cũng tin, đó chính là hai mặt của một đồng xu. Và cũng chính vì bên trong không có công phu kiên trì gì, nên ai hơn tôi, khác tôi là không được!

Càng nguy hiểm hơn nữa khi họ không đủ thông minh để tự nhìn nhận bản thân mình, nhưng lại đủ thông minh để tìm ra các lý do để bao biện, tô vẽ, đánh bóng, làm màu… Chính vì mãi “thông minh nhỏ” như thế nên đẻ ra một kiểu tâm lý cộng đồng vô cùng… kỳ dị, kiểu tâm lý “Vietic” đó có lẽ không đâu khác trên thế giới có, là sản phẩm đặc hữu VN, suốt ngày đấu đá, kình chống nhau bằng những trò lưu manh lặt vặt, nếu không ngậm máu phun người thì cũng thọc gậy bánh xe, nếu không ném đá giấu tay thì cũng qua cầu rút ván… Chính vì cái thuộc tính cộng đồng nó “thâm căn cố đế” như thế, nên các thế lực lưu manh mặc sức hoành hành, diễn đi diễn lại những trò ngu xuẩn, thiểu năng từ năm này sang năm khác!

WhangHo junk

Tàu buồm TQ WhangHo, tàu hàng, buôn lậu và cướp biển, được đóng năm 1753 và có một cuộc đời rất dài, đến 162 năm, gồm nhiều hoạt động phong phú. Con tàu đổi chủ nhiều lần, bị cướp qua cướp lại giữa Hải quân Thanh triều và cướp biển Nam Trung Hoa, có giai đoạn tàu phục vụ trong biên chế của khởi nghĩa Thái Bình thiên quốc, và cuối cùng, đến năm 1913 thì người Mỹ mua xác tàu về trưng bày hội chợ. TQ thế kỷ 18 đã có khả năng đóng những con tàu lên đến 3000 tấn, nên về kích thước, WhangHo không phải là lớn! Một con tàu như thế thường được trang bị khoảng dưới 10 súng, nhỏ và nhanh nhẹn, phù hợp với vai trò… cướp biển! Và phần lớn những con tàu cướp biển của Trịnh Thất, Trịnh Nhất, Trịnh Nhất tẩu…

Trương Bảo, Trần Thiêm Bảo, Mạc Quan Phù, Ô Thạch Nhị, Vương Quý Lợi, v.v… cái “Liên đoàn cướp biển Quảng Đông” này là một lực lượng đáng kể, gồm hàng vạn người, hàng trăm tàu, phần lớn những tàu nhỏ cỡ dưới 300 tấn, trang bị 6 ~ 12 súng (loại súng “tiêu chuẩn” lúc bấy giờ là hải pháo nặng khoảng 1 ~ 1.5 tấn, bắn đạn 9 ~ 12 pounds). Khi nhà Thanh dần ổn định phương Nam, các nhóm hải tặc TQ mất địa bàn, mất căn cứ và phải dạt sang Việt Nam. Trên danh nghĩa là họ vẫn mang cái chiêu bài “phản Thanh phục Minh” và được vua Quang Trung thu dụng làm lính đánh thuê, vì các con tàu luôn cần home port – cảng nhà để sửa tàu, cứu chữa người bị thương, cung cấp vật tư hậu cần và… tiêu thụ tài sản cướp được!

Chính sử về mặt này thường tránh nói, hay nếu có nói cũng chỉ nói vô cùng sơ sài, về vai trò của Hải quân chính quy và Hải tặc đánh thuê trong chiến thắng Kỷ Dậu – 1789. Một cuộc hành quân lớn như thế, thần tốc như thế, cả chục vạn quân đi liên tục 15 ngày từ Phú Xuân ra đến Nghệ An, đâu phải chỉ đi có người không, còn phải có lương thực, vũ khí, súng ống, đạn dược… muốn vận chuyển nhanh một khối lượng lớn vật chất hậu cần, là bắt buộc phải đi bằng đường biển. Chưa kể các cánh quân vu hồi tấn công bên sườn quân Thanh ở Hải Dương, Lạng Giang chắc chắn phải đi từ biển vào theo ngã sông Hồng, sông Lục Đầu! Lịch sử là như thế, ấy thế mà nay không còn mấy ghi chép, chứng cứ, để cho con cháu suy đoán!

Khi còn nhỏ, đọc những dòng giải thích kiểu: chia quân thành nhóm 3 người, 2 người võng 1 người thay nhau đi và nghỉ, liên tục suốt ngày đêm, ấy thế mà tin sái cổ chứ phải! :D Lớn lên rồi, chỉ cần có chút vận động vật lý là biết những lời giải thích đó nó xàm xí, phản khoa học! Nên “sử gia” xưa thực ra có vô số người cũng chỉ biết “chỉ thượng đàm binh – 纸上谈兵“, hoàn toàn không hiểu các hoạt động thực tế diễn ra thế nào! Đến thời hiện đại rồi, cần lắm những cách giải thích khoa học, để cho mọi người hiểu rõ những yếu tố kỹ thuật, công nghệ nền tảng bên dưới! Hiểu để biết rằng trong tất cả các vận động lịch sử, bên cạnh yếu tố quan trọng là con người, thì kinh tế, vật chất và khoa học kỹ thuật vẫn là quyết định!

teksing junk

Tàu buồm TQ Teksing, không ai biết chính xác tên gốc con tàu là gì, nhưng đây thường được xem là một “Titanic phương Đông”. Tàu có cảng nhà – home port ở Hạ Môn, Phúc Kiến, dài 50m, 900 tấn! Lúc này ở TQ có nhiều biến động: Chiến tranh nha phiến lần 1, khởi nghĩa Thái Bình thiên quốc, xã hội bất ổn dẫn đến di dân hàng loạt. Năm 1822, con tàu xuất phát từ Hạ Môn, chở theo một lượng lớn đồ sứ, 200 thủy thủ cùng với 1600 di dân.

Ngày 6/2/1822, trên đường đến Jakarta, Indonesia, khi đang băng qua eo biển Gaspar, tàu đâm vào đá ngầm và chìm. Một chiếc khác đi cùng đoàn và một con tàu Anh đi ngang qua đã cứu được khoảng 200 người, 1600 người thiệt mạng. Năm 1999, người ta đã trục vớt số đồ sứ trên tàu và bán đấu giá được $10 triệu! Ảnh: phần lớn các tranh vẽ Tây phương về các con tàu buồm TQ đều mang các chi tiết cường điệu, thiếu chính xác!

Keying junk

Keying – con tàu buồm TQ đặt theo tên (Ái tân giác la) Kỳ Anh, Hộ bộ thượng thư, lưỡng Quảng tổng đốc, Khâm sai đại thần, tham gia phái đoàn TQ đàm phán kết thúc Chiến tranh nha phiến lần 2, và vì chấp nhận những điều khoản vô cùng bất lợi, hoàng đế Hàm Phong đã ban cho ông ta được chết! Tàu buồm Kỳ Anh là do người Anh mua lại từ TQ, 49 mét, 800 tấn! Năm 1846, với thủy thủ đoàn 12 người Anh, 30 người Quảng Đông đã làm một hành trình vòng qua mũi Hảo Vọng đến New York, Boston và sau đó quay về Anh. Ở đâu con tàu cũng được công chúng chào đón nhiệt liệt!

Vì lần đầu tiên có một con tàu TQ làm một hành trình lớn như thế! Nữ hoàng Victoria đến thăm tàu, nhiều sĩ quan hải quân Hoàng gia chạy thử tàu, và kết luận rằng Keying có khả năng đi biển ít nhất là tương đương, nếu không muốn nói là hơn các con tàu tốt nhất Anh quốc! Không khó đoán ra mục đích thật sự của việc mua tàu Keying, tàu sau đó được mổ xẻ ra để nghiên cứu, người Anh dù đang thống trị đại dương nhưng vẫn không ngừng học hỏi từ bất kỳ nguồn nào có thể! Tranh vẽ: đường cong của con tàu Keying bị cường điệu hóa, thực ra tàu không cong đến vậy!

ningpo junk

Hồi đó trong group Thuyền buồm, có câu hỏi là: vì sao các thuyền buồm phương Tây xưa thường có rất nhiều tầng buồm, tàu buôn có 2, 3 tầng, còn tàu chiến thậm chí nhiều hơn, đến 4, 5 tầng?! Thế rồi ai cũng trả lời là: có nhiều tầng buồm để khi đánh nhau, có hư hại 1, 2 tầng thì cũng không sao, không hư hết, thậm chí cái câu trả lời ấy nó còn echo – vang vọng từ người này sang người khác! Em ngồi chờ xem ai đó có câu trả lời thỏa đáng hơn suốt một năm, mà trong group toàn “hiểu biết” cả, từ kỹ sư, kiến trúc sư cho đến nghiên cứu lịch sử, khảo cổ, đủ cả… Giả sử bạn có một cây gậy gỗ đường kính 2cm, dài 1m thì có thể dùng tay bẻ gãy một cách dễ dàng!

Cũng cây gậy ấy mà chỉ dài 0.2m dùng tay có khi không bẻ gãy được! Đó gọi là sức bền vật liệu, một tấm vải buồm 5m gió khó giật rách, nhưng cũng tấm vải ấy mà dài 50m thì gió giật rách ngay! Đó là chuyện không cần phải là kỹ sư, chỉ cần kiến thức vận động, thực hành là hiểu được, các bố chỉ ưa nói chứ không suy nghĩ được cả những điều nhỏ! Em đợi một năm, không ai đưa ra được câu trả lời thích đáng, em “leave group” không vào nữa! Ảnh: tàu buồm TQ Ningpo, đóng năm 1753, 42m, 300 tấn, tàu buôn và cướp biển, tuy không lớn nhưng được xem là con tàu chạy nhanh nhất TQ, Ninh Ba có một cuộc đời dài đến… 185 năm với vô số sự kiện!

thương chiến

Nói tới nói lui, cuộc chiến thương mại này, Mỹ thực sự là… 没门 – không có cửa thắng! Để thắng một cuộc chiến thì hoặc là bạn phải mạnh, hoặc là bạn phải lỳ, mà Trung Quốc thì nó vừa mạnh bạo, lại vừa lỳ đòn. Giả như áp thuế cao chót vót thật, thì một thời gian, dân Mỹ chắc chắn sẽ đi biểu tình vì vật giá tăng cao, đời sống khó khăn! Còn TQ thì như truyền thống cả ngàn năm nay, sức chịu đựng của họ rất lớn, “bớt ăn bớt mặc” một chút có sao đâu, hoặc là quay vào trong phát triển thị trường quốc nội! Thuế quan và mậu dịch là chuyện vô cùng phức tạp, mình không hiểu mấy!

Phương Tây trước giờ vẫn tuyên truyền rằng mậu dịch là “win-win”, đôi bên cùng thắng! Ấy thế mà các luật lệ thương mại song phương là do chính họ soạn ra, rồi sổ toẹt luật lệ, áp đặt ý chí riêng cũng chính là họ! Trung Quốc lâu lâu cũng hùa theo, nói rằng mậu dịch là “win-win”, đôi bên cùng có lợi! Chỉ có riêng mỗi ku Nga là vô cùng thẳng thắn, nói thẳng rằng đây là cuộc chơi “zero-sum”, tổng bằng không, nếu một bên thắng thì bên kia chính là thua vậy! Chỉ mong là đôi bên ra “đòn gió” rồi nhanh chóng kết thúc thương chiến, không thì VN đứng ở giữa, “trâu bò đánh nhau…”

bạch lạp

Facebook nhắc lại ngày này năm trước, Bạch lạp truyền kỳ… Tôi còn nhớ ông nội tôi kể, thời trẻ, khoảng những năm 193x, thường theo ghe bầu đi buôn bán, từ Thuận Hóa ngược ra bắc, Thanh Hóa, Nghệ An hay xa hơn, tại đây thường có nhiều ghe thuyền từ Trung Quốc sang. Những câu chuyện được kể lại tựa hồ vô cùng sống động, một thời ghe thuyền xuôi Nam, ngược Bắc, những ghe từ Bình Định ra thường tổ chức đấu võ, những cuộc đấu giao hữu hàng đêm trên bãi biển, mà dân làng tôi luôn tham gia để cho cái quan hệ giao thương này được thêm phần xôm tụ, gắn kết!

Hàng hóa trao đổi bao gồm rất nhiều thứ: đồ đồng, đồ sắt, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, giấy, bút mực, sách vở và… một thứ không thể thiếu là… bạch lạp! Đến thời tôi mấy chục năm sau, trong nhà vẫn còn lưu lại rất nhiều đồ đạc từ một cái thời xưa như quả đất, những loại hàng hóa theo các chuyến tàu buồm đi khắp nơi! Và chúng ta vẫn xài “bạch lạp” mãi cho đến khi có loại đèn “Huê kỳ” dùng dầu hỏa, xài suốt mấy trăm năm như thế nhưng không học được cách người TQ chế tạo ra nó! Bạch lạp truyền kỳ, câu chuyện về một “công nghệ” vô cùng quan trọng của TQ thời cổ!

công phu “đá bèo”

Trước làm việc và quen một ku người Pháp, thỉnh thoảng vẫn trao đổi với nó, bằng cái loại tiếng Pháp “école primaire – tiểu học” han gỉ vì đã lâu không xài đến của mình! Như khi bắt đầu một mối tiếp xúc thì cả hai bên đều có những thao tác rào đón, khách sáo, đãi bôi nhất định. “Mày biết không, người Pháp chúng tao có một cái rất dở, là đi đến đâu thì đều phá đến đó, chỉ có ăn hại, phá nát chứ không làm được gì, từ Việt Nam cho đến Algeria…” Đương nhiên mình hiểu đây là những câu xã giao, nhưng nghĩ lại, e cũng là một cách diễn đạt rất là lắt léo, xỏ xiên… Trở lại với việc học ngoại ngữ, cũng như 2000 năm trước tổ tiên chúng ta học chữ Hán vậy…

Đọc được vài cuốn kiểu Kinh dịch, Hoàng đế nội kinh, blabla, vội cho đó là chân lý, rồi bắt đầu “Âm dương, ngũ hành, kim mộc thủy hỏa thổ”, dùng cái loại “huyền học” đó đi lòe bịp người. Chỉ mới đọc ABC như thế chứ đâu hiểu rằng, từ hàng trăm năm trước, người TQ đã biên soạn những bộ sách như Cổ kim đồ thư tập thành, 10 ngàn quyển, 100 triệu chữ, hay Vĩnh Lạc đại điển, 11 ngàn tập, 50 triệu chữ, nhiều gấp 3, 4 lần nội dung Wikipedia hiện đại (!!!), bao quát vô số vấn đề từ thiên văn, địa lý, sinh học, kinh tế, võ bị… Học tiếng Anh như hiện tại thì cũng như 2000 năm trước học chữ Hán thôi, kiểu công phu “đá bèo” này không biết rồi sẽ đi về đâu?!

penicillin

Cứ hễ phim mà có Trương Tịnh Nghi là mình lại xem :) ! Phim có nhiều sạn, dù diễn xuất theo tôi khá là đạt! Về Penicillin: được tìm ra một cách tình cờ năm 1928 bởi Alexander Fleming, nhà vi sinh vật học người Scotland, được áp dụng chữa bệnh trên người lần đầu năm 1930, nhưng mãi đến 1943 mới sản xuất được ở quy mô lớn và có ứng dụng rộng trong chiến tranh. Cỡ năm 1943, Liên Xô cũng đã có những nghiên cứu, phát hiện về Penicillin nhưng vẫn chưa thể đạt đến quy mô ứng dụng đại trà! Penicillin thật sự là một phát minh vô cùng quan trọng đã làm thay đổi lịch sử! Giải Nobel Y – Sinh năm 1945 đã trao cho Alexander Fleming và hai tác giả khác!

Và năm trước đó, 1944, Fleming đã được phong tước hiệp sĩ – “Sir” như một sự ghi nhận về đóng góp của ông, về vai trò của Penicillin – gần như là loại kháng sinh đầu tiên đã giúp cứu vô số mạng người trong Thế chiến 2! Nên tại thời gian trong phim là năm 1930, địa điểm là Thượng Hải, Trung Hoa dân quốc… thì cơ bản người ta vẫn còn chưa biết Penicillin là cái gì! Xem phim Trung Quốc, nhiều khi ta thấy toát lên cái dáng vẻ “cấp tiến” rất đáng sợ! Thực sự thì văn hóa TQ trên một số mặt là rất “cấp tiến”, nhất là trong các vấn đề quốc kế dân sinh, nhưng dĩ nhiên lịch sử không đơn giản, ngây thơ và hàm hồ như mô tả trong phim ảnh!

trường hận ca, 2

Bữa rảnh rỗi nhảy vô hỏi ChatGPT: bài Trường hận ca của Bạch Cư Dị bắt đầu thế này, “Hán hoàng trọng sắc tư khuynh quốc… – Hoàng đế nhà Hán say mê nữ sắc, luôn nghĩ đến giai nhân nghiêng nước nghiêng thành”, vậy cụm từ “Hán hoàng” thực ra là nói về ai!? ChatGPT trả lời : “Hán hoàng” là nói về Đường Minh hoàng, vị hoàng đế thứ 7 đời Đường. Khá là kinh ngạc vì ChatGPT thông minh như vậy, liền hỏi tiếp: nhưng “Hán hoàng” nghĩa đen tức là hoàng đế nhà Hán mà, sao lại nói về hoàng đế nhà Đường được?! ChatGPT liền giải thích loanh quanh: đây là một cách diễn đạt mang tính thi ca, ước lệ, thực chất không đề cập đến Hoàng đế nhà Hán!

Nghĩ kỹ, hóa ra ChatGPT không thông minh đến như thế, nó chỉ lặp lại những gì được nhồi nhét cho mà thôi, thực sự không có chút tìm hiểu hay suy luận nào! Một ví dụ nữa là bài “Yên ca hành” của Cao Thích, mở đầu thế này: “Hán gia yên trần tại đông bắc”, rõ ràng là nói chuyện thời nhà Đường, nhưng mở đầu cứ phải là “Hán hoàng, Hán gia”. Đơn giản là vì Bạch Cư Dị, Cao Thích là quan lại, thần tử của Đường Huyền tông, người đương thời không ai dám nói về “đương kim hoàng đế” một cách trực tiếp thẳng thừng cả, đều phải nói chệch, nói tránh đi! Đây là điều mà ChatGPT không hiểu, nhưng thực ra kiến thức của nó cũng đã hơn rất nhiều người!

trường hận ca, 1

Rất lâu về trước, đọc Trường hận ca – Bạch Cư Dị, đến đoạn: Quy lai trì uyển giai y cựu, Thái Dịch phù dung Vị Ương liễu. Phù dung như diện liễu như mi, Đối thử như hà bất lệ thùy… 歸來池苑皆依舊,太液芙蓉未央柳。芙蓉如面柳如眉,對此如何不淚垂。 để ý thấy: “cựu” và “liễu” không được hợp vận cho lắm, còn nếu đọc là “kiệu”, theo cùng một cách như rượu – riệu…

Thì lại rất đúng vần, hợp với “liễu”, từ đó có thể suy ra, ngay từ thời Đường, âm của nó đã là “kiệu”, “riệu”, còn “cựu” và “rượu” có lẽ là âm còn xưa hơn nữa. Đương nhiên, vấn đề ngữ âm không thể chỉ suy luận đơn giản như vậy, nhưng cũng có lý do để tin rằng lối đọc “kiệu, riệu….” không phải là một loại giọng địa phương của VN, mà chính là ảnh hưởng từ TQ!

bát trạo ca

Facebook nhắc lại ngày này năm trước, chùm thơ “Bát trạo ca” của “Đức Thành thuyền tử” (cái tên này có nghĩa là: người chèo thuyền Đức Thành), thi nhân, thiền sư thời Đường. Đây là một chùm nhiều bài lấy chủ đề sông, nước, thuyền, trăng, câu cá (vì là nhà sư nên ông ta luôn câu bằng lưỡi câu thẳng, nôm na, thực chất chính là… đi cho cá ăn). Các làng chài ven biển miền Trung Việt Nam có lối “Hát bả trạo”, chính là từ chữ “bát trạo” mà ra! Bát trạo ca, tức là bài ca chèo thuyền, chỉ là một trong vô số nội dung của thơ Đường. Nói về các chủ đề của Đường thi…

Đầu tiên là dòng thơ cung đình, toàn những lời chúc tụng, hoa mỹ, sáo rỗng. Đối lập với nó là dòng thơ điền viên, diễn tả niềm vui, sự an lạc của cuộc sống nơi thôn dã. Một dòng nữa tạm gọi là “khuê trung oán”, mô tả nỗi ai oán, sầu não của người phụ nữ chốn khuê phòng khi trượng phu ra trận đã lâu ngày. Dòng mà tôi thích đọc nhất là Biên tái, có nội dung về chiến trận, sa mạc, đời sống nơi biên ải, kiểu như: Chiến sĩ quân tiền bán tử sinh, Mỹ nhân trướng hạ do ca vũ!Chiến sĩ nơi trận tiền nửa sống nửa chết, Mà dưới trướng, người đẹp vẫn múa hát!

Có dòng thơ hiện thực khốc liệt của Đỗ Phủ, hay lãng mạn cao vời của Lý Bạch, lại có những dòng thơ thể hiện rõ ảnh hưởng của Đạo giáo, Phật giáo như của Vương Duy, Mạnh Hạo Nhiên. Cứ thử đọc thử vài ngàn bài, để thấy cái thế giới tâm hồn, cái kỹ năng sử dụng ngôn từ của người ta phong phú đến cỡ nào, mà đó đã là thời của hơn một ngàn năm ba trăm trước nhé! Có tác giả đã nhận xét về Đường thi: Từ khi nhà Đường dựng nghiệp đến nay, ngữ ngôn ra ngoài trời đất, tư tưởng vượt xa quỷ thần… Không phải là lời của thế gian, thì có thơ Lý Bạch!

Nhiều khi nghĩ mà buồn, có những loại bên trong trống hoác, đến bản thân dốt, kém chỗ nào cũng chưa thể tự nhận thức, không thể tự luận ra được! Lại có những loại ngồi trước TV xem toàn phim Trung Quốc suốt mấy chục năm, ấy thế mà vẫn không học được điều gì! Và cũng có những loại, loay hoay hiểu được một vài câu chữ rồi… mắc cứng luôn vào đó, dùng câu chữ như một loại “bùa chú” để “lòe người” chứ không thực sự lĩnh hội được cái tinh thần, hồn cốt bên trong! Và khổ nỗi, đó chính là những loại vỗ ngực: “ta đây là nhà thơ” các kiểu!

kiểm soát vũ khí

Xem phim cổ trang TQ, một vị hoàng đế mặc thường phục vi hành… Trong ảnh có thể thấy mấy người thị vệ cầm đoản đao, dài chưa đến 5 tấc kể cả cán. Nghĩ bụng cẩm y vệ mà không sắm được trường đao cho nó đàng hoàng hay sao!? Nhưng nghĩ lại, đây là thời Tống, vũ khí được kiểm soát chặt chẽ!

Mang trường đao thì khác nào tự để lộ thân phận lính triều đình!? Thời Tống, xã hội dân sự phát triển cao, nhiều quy định kiểm soát vũ khí rõ ràng! Ví dụ quy định dân thường được xài đao dài tới bao nhiêu, quy cách thế nào!? Ấy thế mà thời hiện đại, chờ mãi cũng chưa thấy quy cách nào!

thi ca

Đường thi là một đỉnh cao, cao vời vợi của thi ca cổ điển TQ, sẽ không bao giờ có lại một thời đại mà nhà nhà làm thơ, tạo ra không biết bao nhiêu cách diễn đạt, ý tưởng mới lạ, làm giàu thêm đời sống văn hóa. Sang đến thời Tống, dù văn nhân vẫn tiếp tục làm thơ theo thể Đường luật, họ tiếp tục sáng tạo ra thể loại Tống từ mới, cách diễn đạt uyển chuyển, gần với âm nhạc hơn. Sang đến thời Nguyên, với sự cai trị của đế chế Nguyên Mông, ngôn ngữ có sự thay đổi lớn, dần dần trở thành có 4 âm thay vì 6 âm như trước. Nên rất nhiều thơ làm theo lối Đường luật trở nên… sai âm luật. Dù vẫn tiếp tục làm theo thể Đường thi, Tống từ, nhưng thời Nguyên phát triển mạnh về Nguyên khúc, hình thức hý kịch mang tính âm nhạc sinh động. Sang đến thời Minh, dù vẫn thấy Đường thi, Tống từ, nhưng đời sống tinh thần sang một trang mới, văn xuôi dạng tiểu thuyết phát triển mạnh!

Nên cụ Nguyễn Du mới chuyển thể Kim Vân Kiều truyện thành thể lục bát vốn quen thuộc với người Việt, chứ văn xuôi nhiều chữ như thế, đa số không đọc nổi. Sang đến thời hiện đại, các văn nhân thi thoảng vẫn làm Đường thi, Tống từ, nhưng đó chỉ là sự “hoài cổ” bất chợt, không ai muốn tiếp tục một cái thể loại đã không còn đúng, hay về âm điệu, không có sự mới mẻ trong ý tưởng. Ngay tại TQ, thi ca hiện đại đã như một dòng sông ngừng chảy, chưa biết đi về đâu. So với Hoa ngữ, tiếng Việt vẫn giữ được một lợi thế rõ rệt là còn bảo lưu đủ 5, 6 âm! Nhưng bù lại, sự tìm tòi sáng tạo trong ý tưởng, trong cách diễn đạt thực sự không thể so bì được. Mà nói cho cùng thì, thời thế góp một phần vô cùng quan trọng trong việc việc định hình nên ngôn ngữ thi ca, chỉ có số phận bi thảm như Văn Thiên Tường mới viết lên nổi một bản “Chính khí ca” hùng tráng đến vậy!

Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh, những dòng thơ mà người người, đời đời truyền tụng và ngưỡng vọng, đấy là loại thơ ca được viết ra bằng mồ hôi và máu, so với những kiểu được viết bằng… nước bọt hẳn không cùng một loại! Phải có thời thế đổi thay, lịch sử biến động, phải có cuộc sống phong phú, con người vận động thì mới có cảm hứng và chất liệu cho những loại thơ ca đích thực được. Tại Việt Nam, thơ Mới cũng giống như một buổi hoàng hôn rực rỡ, chính là báo hiệu màn đêm sắp buông xuống! Với những tia nắng cuối ngày: Anh đi đấy, anh về đâu? Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm! (Nguyễn Bính) Về đâu thì chưa biết, nhưng chắc chắn là phải có cách diễn đạt mới lạ cũng như ý tưởng khác biệt. Không thể cứ lặp lại mãi vài câu chữ nghèo nàn trong cái thể lục bát cũ rích rồi vỗ ngực “ta đây nhà thơ” được!

Mà để tạo ra sự khác biệt, cũng có người đã vò đầu, bứt tai, dày vò bản thân để tạo ra câu chữ hiểm hóc, kiểu như Giả Đảo, Lý Hạ, Mạnh Giao thời Đường, tạo ra cả một “trường phái khổ thi”, suốt ngày chỉ vặn vẹo câu chữ! Tuy cũng có người khen ngợi, nhưng toàn là loại thi ca thiếu sức sống, thực chất chính là phản ánh sự đau khổ, ốm yếu, bệnh tật của các tác giả làm ra nó! Ngay ở thời Đường, đã có nhiều dòng thơ và vô số tác giả khác đáng đọc hơn nhiều: Từ khi nhà Đường dựng nghiệp đến nay, ngữ ngôn ra ngoài trời đất, tư tưởng vượt xa quỷ thần… không phải là lời của thế gian, thì có thơ Lý Bạch! Giả, Mạnh so với Lý-trích-tiên như đom đóm với trăng rằm mà thôi. Mà để được như họ Lý, đầu tiên là phải cỡi ngựa, đánh kiếm, chèo thuyền… sống một cuộc đời cho nó đủ đầy ý nghĩa đã! Nôm na, ngắn gọn là cứ tập thể dục đi rồi hẵng nói chuyện thi ca, nhé! :D

từ nguyên: ấn loát

In ấn, đã in sao lại còn ấn? Thực chất “in” là âm hiện đại của “ – âm Hán Việt: ấn”, cả hai chỉ là một chữ mà thôi. Kỹ thuật in đầu tiên chính là khắc gỗ, về hình thức, không khác gì với ấn – triện, như thế có thể xác định là khi kỹ thuật in truyền vào VN thì âm của nó đã là “in” chứ không còn là “ấn” nữa. Tiếng Việt có rất nhiều trường hợp như thế, chỉ một chữ viết nhưng âm có nhiều hơn một, do du nhập vào VN tại nhiều thời điểm khác nhau!

Còn ấn loát – 印刷, loát là cái bàn chải, động từ nghĩa là lau, xoa… Dùng chữ “ấn loát” vì ngày xưa khi in mộc bản, thạch bản, họ dùng cái bàn chải/cọ lớn để xoa, vỗ lên mặt giấy cho mực ăn đều! Vậy tại sao là “ấn loát” mà không phải là “in loát”!? Hình: lấy từ cuốn “Giới tử viên họa phổ”, một công trình đồ sộ nhiều tập, xuất bản năm 1679, in mộc bản 5 màu, được xem là cẩm nang lý luận và thực hành mà tất cả họa gia (cổ điển) TQ phải học!

sở hữu yếu

Xem phim lịch sử, cổ trang Trung Quốc thấy được vài điều… Điều gì khiến cho triều Thanh trở nên mạnh mẽ, chiếm được “thiên hạ” và hoàn toàn khác biệt so với các triều đại khác của TQ? Nếu chỉ xem lướt lướt các phim thì có vẻ như triều đại phong kiến nào cũng giống nhau! Nhưng thực ra, so với thể chế chính trị cực kỳ hủ bại và tàn ác của triều Minh trước đó, thì triều Thanh “ngoại tộc” thực sự có những yếu tố mới mẻ và lấy được lòng dân! Ít nhất là ở giai đoạn đầu, yếu tố cơ bản khiến Thanh triều khác biệt chính là cái mà tôi gọi là “quyền sở hữu yếu” của nó.

Nhưng như thế nào là “quyền sở hữu yếu”!? Đầu tiên, vì gốc gác là dân tộc du mục, người Mãn không có khái niệm sở hữu đất đai, không phân phong cho ai quyền cai quản đất đai vĩnh viễn. Nên dùng chữ “phong kiến” ở đây chỉ đúng một nữa, vì tuy có “phong vị” nhưng lại không có “kiến địa”. Xã hội Mãn châu nguyên thủy được tổ chức thành các đơn vị cơ bản, một mô hình dân – quân hợp nhất gọi là “Tá lĩnh”, mỗi Tá lĩnh bao gồm khoảng 300 chiến binh cùng với gia đình, vợ con, cha mẹ của họ. Toàn Thanh triều lúc cực thịnh có tổng cộng khoảng 664 Tá lĩnh.

Một người có thể được giao cho quản lý một hoặc nhiều Tá lĩnh, tùy theo địa vị, công trạng, nhưng quyền quản lý này có thể bị thu hồi thông qua quyết định của một hội đồng, hay qua mệnh lệnh trực tiếp từ Khả Hãn. Việc thế tập (cha truyền con nối) là phổ biến, nhưng không phải là hiển nhiên, các thế hệ sau muốn duy trì quyền kiểm soát này thì phải cố gắng tạo dựng công trạng! Như xem trong các phim cổ trang thì các Kỳ nhân đều xưng hô với Kỳ chủ là “nô tài” này nọ, thực chất đó chỉ là khiêm xưng, bản thân Kỳ nhân hoàn toàn không phải là nô tài, nô tì.

Họ là những lương nhân tự do, chỉ bị ràng buộc với Chủ từ qua các quan hệ lao động. Những Kỳ nhân này làm việc cho Chủ tử theo những chế độ lương, thưởng được quy định rõ ràng! Và các Kỳ nhân cũng được luật pháp bảo vệ, Chủ tử không thể giết hại họ tùy ý được! Trong thực tế, điều này hiếm khi xảy ra, và nếu xảy ra thì Chủ tử sẽ bị truy cứu trách nhiệm nghiêm khắc! Như thế, “sở hữu” một Tá lĩnh thực chất không phải là quyền sở hữu đất đai, cũng không phải là quyền sở hữu con người (nông nô, nô lệ), mà gần như chỉ là quyền “quản lý” tài sản và lao động!

Luật pháp Thanh triều quy định phân biệt rõ ràng giữa tài sản riêng và tài sản chung. Như xem trong các phim cung đấu thì khi một phi tần được sủng ái, họ sẽ được ban cho cung điện, châu báu, tài sản, người hầu hạ này nọ. Nhìn thì có vẻ xông xênh, ra ngoài được khiêng kiệu, che lọng, tiền hô hậu ủng, nhưng tất cả những “tài sản” đó đều chỉ là… cho mượn, khi bị giáng vị, thăng vị, huyền vị… thì toàn bộ đều phải trả lại! Thế nên mới có tình huống hoàng đế, vì sủng ái một vị thê tử nào đó, mới xuất tiền túi ra cho riêng, để vị nương nương này có chỗ dựa khi về già!

Quý tộc thế tập thời Thanh, dù vẫn là cha truyền con nối, nhưng đa số là “Thế tập đệ giáng”: qua một đời thì giáng xuống một cấp, như Trấn quốc công thì giáng thành Phụ quốc công, và cứ thế tiếp tục, điều này giúp làm giảm gánh nặng kinh tế xã hội. Vì quyền thừa kế không phải là nguyên vẹn và vĩnh viễn, nên con cháu đời sau vẫn phải cố gắng nếu muốn duy trì gia tộc hưng thịnh! Những điều này dần thay đổi khi Mãn tộc chung sống và bị đồng hóa bởi người Hán, nhưng ít nhất ở giai đoạn đầu, “sở hữu yếu – không có gì là vĩnh viễn” là ưu điểm rất lớn của thể chế!