Em ơi nhẹ cuốn bức rèm tơ,
Tìm thử chân mây khói tỏa mờ.
Có bóng tình quân muôn dặm ruổi,
Ngựa hồng tuôn bụi cõi xa mơ.
Hà Nội, một đêm tháng mười hai, ngoài trời B52 quần đảo. Ô cửa nhỏ một căn gác phố Khâm Thiên, nàng công chúa thắp một ngọn nến lung linh, đợi chờ chàng hoàng tử của cuộc đời mình đến. Nàng không mơ ngựa trắng, đã qua rồi cái tuổi đọc cổ tích, nhưng trong những giấc mơ của nàng, hình ảnh một trượng phu lừng lững vẫn còn đấy.
Trong đầu nàng không có hình ảnh anh chàng bán lạc – xoong dưới phố, không có những anh chàng trẻ trung đang ngắm thẳng trời xanh bằng SAM – 2, nàng cố vẽ ra chân dung chàng hoàng tử của cuộc đời nàng. Phải là ai đó nhỉ, phải là ai đó mà ngay từ khoảnh khắc đầu tiên gặp mặt, nàng đã biết đó là chàng hoàng tử của cuộc đời mình chăng? Cũng không hẳn vậy, có những tình cảm đến chậm hơn, nàng biết vậy, nhưng cũng phải là một ai đó chứ?
Đó phải là ai đó bước ra từ tranh Đông Hồ chăng? Mà thực thì những hình ảnh Đông Hồ, bầy lợn nái, thầy đồ cóc… chẳng đẹp chút nào. Chỉ cần nghĩ đến những hình ảnh đấy thôi cũng đã đủ làm mình khó chịu rồi. Cái ông Hoàng Cầm ấy mới lẩm cẩm làm sao, chừng này tuổi rồi còn: Nhớ mưa Thuận Thành, Long lanh mắt ướt
, nhưng dù sao cũng đáng yêu phết! Cái ông Quang Dũng ở trên gác nhỏ phố Bà Triệu, còn đâu hình ảnh ông thời Tây Tiến nữa, suốt ngày chỉ cõng bà vợ nhỏ con ốm yếu đi lên đi xuống bốn tầng gác. Cô gái vườn ổi ngày xưa ông yêu cũng còn đâu nữa: Bỏ em anh đi, Đường hai mươi năm dài bao chia ly
.
Mà lạ, sao cái miền trung du Sơn Tây ấy lại làm cho các ông ấy chết mê chết mệt thế không biết. Mấy lần mình lại qua, chỉ thấy ngổn ngang công sự và hầm dã chiến. Ừ, thì những người ấy già cả rồi, một thời mình cũng được dạy để biết thưởng thức, nhưng mình cũng chẳng biết điều đấy là cái gì nữa. Thơ ư, văn ư, điều gì quá đẹp mà không bao giờ với đến được. Còn cái con bé Xuân Quỳnh đáng ghét ấy, viết chính tả còn sai thì nói chuyện thơ văn gì, sao mà mọi người cứ tán dương những gì nó viết thế nhỉ? Những Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu ngày xưa đâu cả rồi, thơ họ viết ra bây giờ khác nào một kiểu tuyên truyền văn hoá mới.
Thời gian qua đi, năm tháng qua đi, người cha ra đi để lại cho nàng một đứa con gái bé bóng. Nàng nâng niu nó như báu vật của cuộc đời mình. Nàng truyền lại cho con gái nàng những chuyện cổ tích ngày xưa nàng được kể, những mẩu chuyện về xứ Kinh Bắc nàng được nghe, con gái nàng lớn lên, thiếu một người cha, và dư những hoài niệm xa xôi về một thời gian, một không gian đã mất. Người con gái lại tiếp tục nghĩ về chàng hoàng tử của cuộc đời mình, như mẹ nàng từng nghĩ.
Cái không gian xưa cũ với những gam màu cơ bản mẹ kể giờ đây chỉ còn là những mảng màu đen và trắng. Có chăng những liên hệ vô hình nào đó giữa những mảng màu đen trắng và cái không gian mà mình biết mẹ vẫn còn ít nhiều mơ mộng. Triển lãm tranh Bùi Xuân Phái tuần qua, những Hà Nội phố, những Hát Chèo trong tranh ông, những mãng màu nguyên không pha, những đường nét thô ráp, cái không gian thuần nhất và nhuần nhị ấy, cái không gian của mẹ.
Nhưng cũng chỉ là trong tranh ông và trong trí nhớ của mẹ thôi, cái thế giới ấy sao mà xa vời vợi. Con bạn mình vừa sắm cái Nokia, màn hình có những 65525 màu, và bao nhiêu những design mang tông màu công nghiệp khác, sao mà chúng phong phú và đa dạng đến vậy. Những bài giảng Mỹ Thuật Công Nghiệp mà mình đang theo học, những mixed media, những computer design. có biết bao nhiêu cách sử dụng màu và đường nét mới, nhưng dường như là chúng tuân theo một vài nguyên tắc nào đấy, ngoài ra không còn có gì hơn.
Cái thế giới đơn giản ngày xưa ấy, mà thực chất thế giới bên trong mình là thế, vẫn chỉ những mãng màu nguyên thô ráp không pha, buồn sao là buồn.
TKXuyên, giáp Tết 2004