trường hận ca, 2

Bữa rảnh rỗi nhảy vô hỏi ChatGPT: bài Trường hận ca của Bạch Cư Dị bắt đầu thế này, “Hán hoàng trọng sắc tư khuynh quốc… – Hoàng đế nhà Hán say mê nữ sắc, luôn nghĩ đến giai nhân nghiêng nước nghiêng thành”, vậy cụm từ “Hán hoàng” thực ra là nói về ai!? ChatGPT trả lời : “Hán hoàng” là nói về Đường Minh hoàng, vị hoàng đế thứ 7 đời Đường. Khá là kinh ngạc vì ChatGPT thông minh như vậy, liền hỏi tiếp: nhưng “Hán hoàng” nghĩa đen tức là hoàng đế nhà Hán mà, sao lại nói về hoàng đế nhà Đường được?! ChatGPT liền giải thích loanh quanh: đây là một cách diễn đạt mang tính thi ca, ước lệ, thực chất không đề cập đến Hoàng đế nhà Hán!

Nghĩ kỹ, hóa ra ChatGPT không thông minh đến như thế, nó chỉ lặp lại những gì được nhồi nhét cho mà thôi, thực sự không có chút tìm hiểu hay suy luận nào! Một ví dụ nữa là bài “Yên ca hành” của Cao Thích, mở đầu thế này: “Hán gia yên trần tại đông bắc”, rõ ràng là nói chuyện thời nhà Đường, nhưng mở đầu cứ phải là “Hán hoàng, Hán gia”. Đơn giản là vì Bạch Cư Dị, Cao Thích là quan lại, thần tử của Đường Huyền tông, người đương thời không ai dám nói về “đương kim hoàng đế” một cách trực tiếp thẳng thừng cả, đều phải nói chệch, nói tránh đi! Đây là điều mà ChatGPT không hiểu, nhưng thực ra kiến thức của nó cũng đã hơn rất nhiều người!

trường hận ca, 1

Rất lâu về trước, đọc Trường hận ca – Bạch Cư Dị, đến đoạn: Quy lai trì uyển giai y cựu, Thái Dịch phù dung Vị Ương liễu. Phù dung như diện liễu như mi, Đối thử như hà bất lệ thùy… 歸來池苑皆依舊,太液芙蓉未央柳。芙蓉如面柳如眉,對此如何不淚垂。 để ý thấy: “cựu” và “liễu” không được hợp vận cho lắm, còn nếu đọc là “kiệu”, theo cùng một cách như rượu – riệu…

Thì lại rất đúng vần, hợp với “liễu”, từ đó có thể suy ra, ngay từ thời Đường, âm của nó đã là “kiệu”, “riệu”, còn “cựu” và “rượu” có lẽ là âm còn xưa hơn nữa. Đương nhiên, vấn đề ngữ âm không thể chỉ suy luận đơn giản như vậy, nhưng cũng có lý do để tin rằng lối đọc “kiệu, riệu….” không phải là một loại giọng địa phương của VN, mà chính là ảnh hưởng từ TQ!

bát trạo ca

Facebook nhắc lại ngày này năm trước, chùm thơ “Bát trạo ca” của “Đức Thành thuyền tử” (cái tên này có nghĩa là: người chèo thuyền Đức Thành), thi nhân, thiền sư thời Đường. Đây là một chùm nhiều bài lấy chủ đề sông, nước, thuyền, trăng, câu cá (vì là nhà sư nên ông ta luôn câu bằng lưỡi câu thẳng, nôm na, thực chất chính là… đi cho cá ăn). Các làng chài ven biển miền Trung Việt Nam có lối “Hát bả trạo”, chính là từ chữ “bát trạo” mà ra! Bát trạo ca, tức là bài ca chèo thuyền, chỉ là một trong vô số nội dung của thơ Đường. Nói về các chủ đề của Đường thi…

Đầu tiên là dòng thơ cung đình, toàn những lời chúc tụng, hoa mỹ, sáo rỗng. Đối lập với nó là dòng thơ điền viên, diễn tả niềm vui, sự an lạc của cuộc sống nơi thôn dã. Một dòng nữa tạm gọi là “khuê trung oán”, mô tả nỗi ai oán, sầu não của người phụ nữ chốn khuê phòng khi trượng phu ra trận đã lâu ngày. Dòng mà tôi thích đọc nhất là Biên tái, có nội dung về chiến trận, sa mạc, đời sống nơi biên ải, kiểu như: Chiến sĩ quân tiền bán tử sinh, Mỹ nhân trướng hạ do ca vũ!Chiến sĩ nơi trận tiền nửa sống nửa chết, Mà dưới trướng, người đẹp vẫn múa hát!

Có dòng thơ hiện thực khốc liệt của Đỗ Phủ, hay lãng mạn cao vời của Lý Bạch, lại có những dòng thơ thể hiện rõ ảnh hưởng của Đạo giáo, Phật giáo như của Vương Duy, Mạnh Hạo Nhiên. Cứ thử đọc thử vài ngàn bài, để thấy cái thế giới tâm hồn, cái kỹ năng sử dụng ngôn từ của người ta phong phú đến cỡ nào, mà đó đã là thời của hơn một ngàn năm ba trăm trước nhé! Có tác giả đã nhận xét về Đường thi: Từ khi nhà Đường dựng nghiệp đến nay, ngữ ngôn ra ngoài trời đất, tư tưởng vượt xa quỷ thần… Không phải là lời của thế gian, thì có thơ Lý Bạch!

Nhiều khi nghĩ mà buồn, có những loại bên trong trống hoác, đến bản thân dốt, kém chỗ nào cũng chưa thể tự nhận thức, không thể tự luận ra được! Lại có những loại ngồi trước TV xem toàn phim Trung Quốc suốt mấy chục năm, ấy thế mà vẫn không học được điều gì! Và cũng có những loại, loay hoay hiểu được một vài câu chữ rồi… mắc cứng luôn vào đó, dùng câu chữ như một loại “bùa chú” để “lòe người” chứ không thực sự lĩnh hội được cái tinh thần, hồn cốt bên trong! Và khổ nỗi, đó chính là những loại vỗ ngực: “ta đây là nhà thơ” các kiểu!

phong hoá… phong hóa

Facebook nhắc lại ngày này năm trước… Lý Bạch, một tính cách thi ca “lớn hơn cả cuộc đời – larger than life”. Thiếu niên lên núi Nga Mi ngắm trăng, thanh niên xách kiếm đến Trường An, tương truyền chỉ riêng khoản đấu kiếm là ông ta đã giết cả chục mạng người! Cả đời xê dịch đi khắp Trung Quốc, lúc đi ngựa, lúc đi thuyền! Dấu vết về sông, hồ, biển, sóng và thuyền trong thơ của họ Lý thì nhiều vô số. Mới ngồi nhẩm mấy phút đã trích được cả chục bài, ngũ ngôn, thất ngôn đủ cả!

Giang thôn thu vũ yết, Tửu tận nhất phàm phi.
江村秋雨歇,酒尽一帆飞。
Thiên thanh nhất nhạn viễn, Hải khoát cô phàm trì.
天清一雁远,海阔孤帆迟。
Phiêu phiêu giang phong khởi, Tiêu táp hải thụ thâu.
飘飘江风起,萧飒海树秋。
Minh triêu quải phàm khứ, Phong diệp lạc phân phân.
明朝挂帆去,枫叶落纷纷。
Lưỡng ngạn viên thanh đề bất tận, Khinh chu dĩ quá vạn trùng san.
两岸猿声啼不住,轻舟已过万重山。
Trường phong phá lãng hội hữu thời, Trực quải vân phàm tế thương hải.
长风破浪会有时,直挂云帆济沧海。
Cô phàm viễn ảnh bích không tận, Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu.
孤帆远影碧空尽,惟见长江天际流。
Bạch lãng như sơn na khả độ, Cuồng phong sầu sát tiễu phàm nhân.
白浪如山那可渡,狂风愁杀峭帆人。
Lý Bạch thừa chu tương dục hành, Hốt văn ngạn thượng đạp ca thanh.
李白乘舟将欲行,忽闻岸上踏歌声。

Qua đó thấy được hồn thơ như sông dài, biển rộng! Hơn 1300 năm trước người ta như thế, nhìn lại hiện tại xem, toàn những loại thiểu năng, xàm xí kiểu như: “Vợ tôi nửa dại nửa khôn, Làm thơ phải tránh vần ‘ồn’ biết chưa!?”, nói ra là đụng phải hàng vạn “nhà thơ” lổm nhổm như chấy rận! Đĩ miệng thì rất giỏi, chỉ là không tự luận ra được ngu dốt ở chỗ nào! Haiza, cái thời mà phong hóa (丰化) đã bị… phong hóa (风化), suy đồi, biến dạng đến mức dị hợm, khuyết tật!

xuân tứ

Bữa hôm nọ, bỗng dưng nảy ra ý định viết một cuốn truyện, có thể là dạng truyện vừa, mà cũng có thể là dạng tiểu thuyết dài hơi. Và để bắt đầu, như nó thường phải bắt đầu từ đâu đấy, bỗng dưng nhớ đến mấy câu trong bài Xuân tứ của Lý Bạch: Yên thảo như bích ty, Tần tang đê lục chi… Vậy là đã có ý tưởng rồi… nữ chính của chúng ta sẽ đặt tên là Yên Thảo, vừa hay, Yên (Yến) là một cái họ, còn nam chính của chúng ta sẽ mang tên là Tần Tang (cũng vừa hay, Tần cũng là một cái họ)!

Mà nữ chính Yên Thảo chắc chắn phải có một con nha hoàn đi theo, đặt tên là Bích Ty, còn người hầu của nam chính Tần Tang đương nhiên sẽ là Lục Chi rồi. Mới dùng có 2 câu thơ cổ, tổng cộng 10 chữ, là đã đặt được tên cho 4 nhân vật rồi. Chỉ cần thêm vài chục bài Đường thi, độ một tá Tống từ, lại dặm ghém thêm đôi ba Nguyên khúc nữa, chắn chắn sẽ vẽ ra được một cái truyện kiếm hiệp hay ngôn tình “cẩu lương, cẩu huyết” ngay thôi! Viết văn là dễ, nào ta bắt đầu thôi…

hạnh hoa thôn

Đêm qua ngủ, nằm mơ thấy câu: Tá vấn tửu gia hà xứ hữu? Mục đồng dao chỉ Hạnh Hoa thôn – 借問酒家何處有?牧童遙指杏花村。 – Hỏi thăm quán rượu nơi đâu? Mục đồng chỉ hướng thôn đầu Hạnh Hoa! (Thanh minh – Đỗ Mục). Sáng dậy lên net tìm tư liệu thẩm tra lại, hoá ra, Trung Quốc có cả vài chục cái “Hạnh hoa thôn” khác nhau, nhưng không thể khẳng định “Hạnh hoa thôn” mà Đỗ Mục nhắc tới chính xác là chỗ nào! Nhưng chỉ cần vin vào một câu thơ như thế mà ngày nay, Hạnh hoa thôn – Phần Dương – Sơn Tây đã trở thành kinh đô của ngành công nghiệp rượu TQ, danh tiếng thậm chí có phần còn vượt qua cả Mao Đài. Cũng tương tự như bài Đào Nguyên hành – Vương Duy vậy: Cư nhân cộng trú Vũ Lăng nguyên, Hoàn tùng vật ngoại khởi điền viên – 居人共住武陵源,還從物外起田園。。。

Không ai có thể khẳng định Đào nguyên – Vũ Lăng nguyên mà Vương Duy nói đến là ở đâu, là địa danh có thật hay chỉ là nơi chốn tưởng tượng! Nhưng lại vin vào câu đó thơ nên ngày nay, Trương Gia giới – Vũ Lăng nguyên có được cái tên rất đẹp! Rất lâu về trước, mới nghe đến khu du lịch nổi tiếng này là tôi đã luận ra được tên được lấy từ đâu ra! Nên cái quan trọng của văn chương, văn hoá viết nó là như thế, lịch sử, cư dân biến đổi, thành quách, thiên nhiên đều có thể hư hoại, nhưng chữ nghĩa thì còn đó! Và đôi khi những thứ tưởng tượng, hư cấu lại trở ngược lại thành hiện thực! Nên bảo Trung Quốc nó bẻ một vài chữ cũng ra tiền, quả không sai, văn hoá nó đẻ ra tiền, điều ngược lại chưa chắc đã đúng! Chỉ có thiểu năng mới nghĩ rằng có thể cứ đầu tư tiền để đẻ ra văn hoá!

vị thành triêu vũ

Tình hình là bão có vẻ lệch cao lên phía Bắc, trong hình là hiện tượng hiếm gặp, xuất hiện cả 3 cơn bão cùng lúc. Nhưng chắc là VN chắc chỉ bị ảnh hướng nhẹ, kiểu áp thấp nhiệt đới! Biết vậy nên sáng ngủ nướng…

Dậy muộn, cafe sáng xong là… ăn trưa luôn! Thời tiết mát mẻ dễ chịu, mưa bụi bay bay, thật đúng là: Vị thành triêu vũ ấp khinh trần, Khách xá thanh thanh liễu sắc tân – 渭城朝雨浥輕塵,客舍青青柳色新。

avatar

Thử ông bạch đầu chân khả liên, Y tích hồng nhan mỹ thiếu niên… – Ông già đầu bạc này thực là đáng thương, Y (hắn ta) tiếc nuối những tháng ngày niên thiếu hồng nhan tươi đẹp – 此翁白頭真可憐,伊昔紅顏美少年。。。

2023

Tư thế năm cũ và tư thế năm mới… Thoáng chốc lại thêm một năm nữa qua đi… Haiza… Chỉ tri sự trục nhãn tiền khứ, Bất giác lão tòng đầu thượng lai….隻知事逐眼前去,不覺老從頭上來。。。 Chúc mọi người năm mới 2023 thân tâm an lạc!

mộng lạc hoa

Đêm qua thanh vắng mộng hoa rơi, Nhà chửa về, xuân quá nửa rồi… – Tạc dạ nhàn đàm mộng lạc hoa! Khả liên xuân bán bất hoàn gia… – 昨夜閒潭夢落花,可憐春半不還家。。。 – Xuân giang hoa nguyệt dạ.

5h30, ku Tom ngủ quay tròn, dắt xe ra đường, thời tiết mát lạnh thật dễ chịu, làm vòng 20km rồi về ăn sáng, cafe! Cái ghi-đông phụ, ver2.0, bắt chặt bằng khoen sắt, có thể tháo rời dễ dàng, không phải cột bằng thun nữa!

vỹ dạ

Bên cầu Chu Tước cỏ hoa,
Ô Y đầu ngõ, bóng tà tịch dương.
Én xưa nhà Tạ, nhà Vương,
Lạc loài đến chốn tầm thường dân gian.

Chính là Vỹ Dạ trong thơ Hàn Mạc Tử, giữa sông là cồn Hến (tên chữ là Dã Viên), góc trên phải là xóm vương hầu ngày xưa, một kiểu Ô y hạng – ngõ áo đen: 朱雀橋邊野草花,烏衣巷口夕陽斜。Chu tước kiều biên dã thảo hoa, Ô y hạng khẩu tịch dương tà… Tại sao ngày xưa nét đẹp thành huyền thoại, mà ngày nay tuyệt không còn gì cả!? Gần chỗ cây cầu nhỏ bắc qua là nhà ngoại tôi!

Xuống tí nữa là phủ đệ của Tuy Lý Vương, Tùng Thiện Vương. Góc trái dưới là khách sạn Hương Giang, bên cạnh đó là quán bún bò vẫn thường ăn. Ở giữa phía dưới, căn biệt thự 2 tầng ven sông, chỗ nhiều cây là nhà ông Nguyễn Đắc Xuân, người nhờ viết các chuyện thâm cung bí sử nhà Nguyễn, những kiểu “truyện dưới gầm giường” mà xây được căn nhà 5 tỷ (giá của thời cách hơn 30 năm)…

Sông Hương, người ta cho rằng mấy trăm năm trước, nhờ có giống cỏ “thạch xương bồ” mọc 2 ven bờ phía thượng nguồn làm nước sông có mùi thơm (Lý Bạch: Nhĩ khứ xuyết tiên thảo, Xương bồ hoa tử nhung). Giờ thì nước đục ngầu, bốc mùi, không ai dám tắm! Haiza, chỉ còn là thế giới trong tâm tưởng mà thôi: 我有萬古宅,嵩陽玉女峰。Ngã hữu vạn cổ trạch, Tung dương Ngọc nữ phong…

nhị cú tam niên

Cứ như thế, càng năm càng rơi rụng đi, rồi dần dần chỉ còn đám ngu dốt đến mức nhảm nhí kiểu bolero mà thôi! Người như Nguyễn Tài Tuệ thì… “nhị cú tam niên đắc – 二句三年得 – hai câu làm mất ba năm” là chuyện bình thường, cả một đời chỉ đề lại hơn chục bài, nhất là khí nhạc, chứ về thanh nhạc lại thấy không nổi trội bằng…

bắc đẩu

徐安貞 – 聞鄰家理箏

北斗橫天夜欲闌
愁人倚月思無端

Hai bức “sơ đồ” chòm sao Bắc Đẩu, cái đầu vào nửa đêm, chòm sao thẳng đứng, cái sau ban ngày, chòm sao nằm ngang. Thơ của Từ An Trinh thời Đường: – Bắc đẩu hoành thiên dạ dục lan, Sầu nhân ỷ nguyệt tứ vô đoan – Đêm tàn, Bắc đẩu quay sang, Người ngồi dựa nguyệt, ngổn ngang mối tình… Sao Bắc đẩu xoay ngang tức là trời sắp sáng…

lạc hà thu thuỷ

Facebook lại nhắc, hồi đó mới chèo được 2, 3 năm… xuồng đi thuê ở khu du lịch chứ chưa tự đóng. Vạn sự khởi đầu nan, lúc mới đầu nhảy xuống nước, từ con kênh nhỏ vài chục mét ra đến con sông SG ngang mấy trăm mét nhìn mênh mông đáng sợ, cảm giác hồi hộp vô cùng.

Giờ mấy chục cây số ngang biển vẫn thấy nhỏ. Cái gì cũng phải tập từ từ, tự tay làm rồi mới hiểu, hồi xưa, nghe “bọn Tây” nói chuyện chèo vài ngàn cây số bằng cái xuồng ngang 50cm, nếu không đã tự tay chèo vài trăm cây, thì e là nghe như chuyện khoác lác, tào lao…

bát trạo ca

Tam thập niên lai hải thượng du, Thủy thanh ngư hiện bất thôn câu. Điếu can chước tận trùng tài trúc, Bất kế công trình đắc tiện hưu. – Ba chục năm qua dạo sông chơi, Nước trong nên cá chẳng ham mồi. Hết cần trồng trúc làm cần mới, Đâu quản nhọc nhằn được mới thôi!

德成禪師 – 得便休

三十年來海上遊
水清魚現不吞鉤
釣竿斫盡重栽竹
不計功程得便休

bạc tần hoài

Thuyền mơ trong khúc Nam Ai, đàn khuya vẳng trên sông dài, ai luyến, ai tiếc khúc ca Tần Hoài… Bao kiếp giang hồ, ly biệt thường tình… (Đêm tàn bến Ngự – Dương Thiệu Tước). “Khúc ca Tần Hoài” nhắc đến trong bài hát là khúc ca nào?

Yên lung hàn thuỷ nguyệt lung sa,
Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia.
Thương nữ bất tri vong quốc hận,
Cách giang do xướng Hậu đình hoa.
Khói mờ sóng lạnh bãi trăng trong,
Đêm đậu bến Tần quán rượu đông.
Thương nữ không hay sầu nước mất,
Hậu đình hoa hát vọng sang sông.

Ấy chính là gợi nhớ lại bài thơ “Bạc Tần Hoài” – Đỗ Mục đã có nhắc đến về trước… Giờ đây, phim ảnh Trung Quốc bắt đầu đưa Tần Hoài trở lại, xem 4, 5 phim đều thấy có cảnh này, còn ở Việt Nam người ta đã quên mất từ lâu, chỉ có họ Dương kia là còn nhớ!

杜牧 – 泊秦淮

烟籠寒水月籠沙
夜泊秦淮近酒家
商女不知亡國恨
隔江猶唱後庭花

tặng thiếu niên

Tặng thiếu niên – Ôn Đình Quân – Giang hải tương phùng khách hận đa, Thu phong diệp há Động Đình ba. Tửu hàm dạ biệt Hoài Âm thị, Nguyệt chiếu cao lâu nhất khúc ca!

溫庭筠 – 贈少年

江海相逢客恨多
秋風葉下洞庭波
酒酣夜別淮陰市
月照高樓一曲歌

thủ không thuyền

Khứ lai giang khẩu thủ không thuyền, Nhiễu thuyền nguyệt minh giang thuỷ hàn, Dạ thâm hốt mộng thiếu niên sự, Mộng đề trang lệ hồng lan can… – Thuyền không đậu bến mặc ai, Quanh thuyền trăng dãi, nước trôi lạnh lùng. Đêm khuya chợt nhớ tuần tuổi trẻ, Lệ trong mơ, hoen vẻ phấn son…

白居易 – 琵琶行

去來江口守空船
繞船明月江水寒
夜深忽夢少年事
夢啼妝淚紅闌干

xuân dạ lạc thành văn địch

Thuỳ gia ngọc địch ám phi thanh, Tán nhập xuân phong mãn Lạc thành. Thử dạ khúc trung văn chiết liễu, Hà nhân bất khởi cố viên tình? – Sáo ngọc nhà ai tiếng mơ màng, Theo gió xuân vào khắp Lạc Dương. Văng vẳng đêm nay bài chiết liễu, Ai người không chạnh nỗi tha hương?

李白 – 春夜洛城聞笛

誰家玉笛暗飛聲
散入春風滿洛城
此夜曲中聞折柳
何人不起故園情

xăm, 2021

賈島 – 寄韓潮州愈

一夕瘴烟風卷盡
月明初上浪西樓

Nhất tịch chướng yên phong quyển tận, Nguyệt minh sơ thướng Lãng Tây lâu.

Một đêm gió thổi, khói tan, Lầu Lãng Tây, ánh trăng vàng hiện ra.

Lâu ko bốc quẻ xăm nào, những ngày cuối năm, nghĩ tới những việc dự định sẽ làm, bèn đem 100 câu “Đường thi thiêm” đã làm trước đây ra, dùng điện thoại phát sinh 1 số ngẫu nhiên, bốc được ngay 1 câu của Giả Đảo. Đang nghĩ xem là điềm gì, là ý gì đây!?