Khu vực tôi sinh ra & lớn lên, bên này & bên kia đèo Hải Vân, cách nhau một ngọn núi nhưng đời sống người dân có nhiều khác biệt: giọng nói khác nhau, tâm tính khác nhau, tập quán sinh hoạt cũng hơi khác nhau. Chính vì những sự khác biệt nho nhỏ ấy mà đẻ ra biết bao nhiêu mâu thuẫn, kèn cựa, thù ghét, mỉa mai, đàm tiếu, hài hước…
Ấy là còn cách nhau một con đèo, còn cách trở một chút. Gần hơn, như một dải từ Quảng Bình, Quảng Trị đến Thừa Thiên, con người từng vùng cũng khác biệt. Với người miền ngoài mà nói thì hầu như không thể phân biệt giọng Quảng Bình với Quảng Trị, Quảng Trị với Huế. Nhưng với người địa phương thì sự khác biệt là rất rõ ràng, hiển nhiên.
Ngay bên trong một tỉnh, từ huyện này sang huyện khác, từ làng này sang làng khác cũng không hoàn toàn giống nhau. Sự khác biệt từ ngôn ngữ giọng nói, đến phong tục, tập quán, đến độ có những câu “thành ngữ” kiểu như: Bất thú Dạ Lê thê, bất thực Nguyệt Biều kê… – không lấy vợ làng Dạ Lê, không ăn gà làng Nguyệt Biều…
😀
Cái ám ảnh tự kỷ về những khác biệt nhỏ đó, theo cái nhìn của Freud, là một trong những động lực chính để các nền văn minh đấu tranh và phát triển. Trong nỗ lực tạo nên sự khác biệt, con người ta có xu hướng ghét những cái giống mình, mà thích những thứ khác biệt với mình, đó âu cũng là bản tính tự nhiên của con người và muôn loài!
Suốt lịch sử nhân loại, hầu hết những xung đột đều là những mâu thuẫn cục bộ nhưng gay gắt, càng giống nhau lại càng gay gắt. Xưa đã có Hy Lạp & La Mã, Ngô vương Phù Sai & Việt vương Câu Tiễn, gần hơn thì Anh & Pháp (nội chiến 2 Hoa hồng), Anh & Đức (WWI & II), Iran & Iraq, gần nữa thì Nam & Bắc Triều Tiên, Ukraine & Nga, etc…
Cái ám ảnh tự kỷ về những khác biệt nhỏ đó nó lặp đi lặp lại trên nhiều mức độ, quy mô khác nhau. Như người Việt tự nhìn mình thì Nam VN và Bắc VN khá là khác nhau: Mạc & Trịnh khác nhau, Trịnh & Nguyễn khác nhau, Nguyễn & Tây Sơn khác nhau. Nhưng từ góc nhìn phương Tây thì cả Nam & Bắc VN đều giống nhau và đều rất giống… Trung Quốc.
Suốt hơn 2000 năm, Trung Quốc là cái lý do căn bản để VN… đến như ngày hôm nay. Chúng ta học họ mọi thứ, từ ngôn ngữ đến văn chương, từ phương thức sản xuất đến thể chế chính trị. Đến tận hôm nay, chúng ta vẫn tiếp tục học, TQ làm cái gì là y như rằng 5, 10 năm sau, chúng ta bắt chước làm theo (kiểu như “điện mặt trời” và “ví điện tử”).
Nhưng cũng vì quá giống nhau như thế, nên hết lần này đến lần khác, xuyên suốt lịch sử, cái ám ảnh tự kỷ đó lại thôi thúc VN đi tìm kiếm, khẳng định bản sắc riêng của mình, luôn muốn tách ra để được “độc lập”, không chịu nằm trong vòng ảnh hưởng của TQ. Căn bản, đó cũng là một điều tốt, tiếc là sự “khác biệt” tạo ra chỉ ở trên “đầu lưỡi”.
Khác biệt nhỏ, nhưng thế nào là to, thế nào là nhỏ…tất cả đều tương đối. 15 tuổi, tôi đã thấy những khác biệt địa phương là nhảm nhí, 25 tuổi, đã thấy toàn VN đâu cũng như nhau… Toàn cầu hoá, kết nối thông tin, thế giới lại càng trở nên “không phẳng” hơn bao giờ hết, tất cả khác biệt, to hay nhỏ sẽ đều được đem ra xét lại… (to be continued)