Cách đây chừng hơn 10 năm (1997) chương trình ca nhạc Làn sóng xanh (LSX) được khởi phát trên sóng radio Đài tiếng nói nhân dân tp. HCM (băng tần FM 99.9 MHz, 7h sáng mỗi Chúa nhật hàng tuần). Quãng thời gian ấy, đang còn là sinh viên, tôi thường chú ý lắng nghe chương trình này, và thêm một vài chương trình khác như Quà tặng âm nhạc hay Rock on the Radio. Bây giờ đã có nhiều phương tiện: băng đĩa, TV, internet, các show diễn, phòng trà… nhưng lúc ấy LSX là chương trình bình chọn âm nhạc danh tiếng đầu tiên, cùng với Đêm Trẻ là những sự kiện âm nhạc thu hút được nhiều khán thính giả.
Những Đêm Trẻ sôi động, tổ chức hàng tháng không cố định, lúc thì ở nhà Văn hoá Thanh niên, lúc ở sân khấu Mạc Đỉnh Chi, lúc lại ở công viên Lê Văn Tám. Cái tuổi sinh viên thời ấy của tôi rất hiếu kỳ, đêm nhạc Trẻ nào cũng chen chân đi xem cho bằng được (hình thức này gần giống như các Đại nhạc hội thường tổ chức trước 1975).
Tiếng trống paranưng (Trần Tiến) ►
Vẫn hát lời tình yêu (Dương Thụ) ►
Chương trình LSX lúc ấy mang lại nhiều điều mới mẻ cho công chúng yêu nhạc. Hầu như tuần nào cũng có một vài tác phẩm mới được giới thiệu, so với những Cô gái Sài-gòn đi tải đạn, Tiến về Sài-gòn, Mùa xuân trên tp. HCM… vẫn thường được phát trên các kênh thông tin chính thức thì đó quả là một điều mới mẻ. Cũng qua những dịp như thế này mà các “diva” Mỹ Linh, Hồng Nhung, Thanh Lam lên ngôi. Có thể nói đây là một bước ngoặt của âm nhạc Việt, một giai đoạn tạm gọi bằng cái tên “tình ca mới”, lấn lướt có hiệu quả ảnh hưởng của nhạc ngoại, nhạc Việt hải ngoại (không còn bao nhiêu sinh khí), nhạc tiền chiến (đẹp nhưng lỗi thời lỗi mode) và cả nhạc đỏ (quá văn công, văn nghệ).
Điểm qua một số tác giả, tác phẩm: nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thỉnh thoảng lại cho ra một bài mới, na ná nhau nhưng được bảo trợ bằng danh tiếng “cây đa, cây đề” của mình: Sóng về đâu, Tiến thoái lưỡng nan… Một số tác phẩm đặc sắc nhưng ít ỏi về số lượng: Dòng sông lơ đãng – Việt Anh (dáng nhạc Việt Anh đẹp, nhưng lời thì khá… lơ đãng), Gửi đôi mắt nai – Trần Minh Phi (bài này ý nhạc rất tốt). Lại có nhiều ca khúc mang cùng một air “lãng đãng xa vắng”: Có đôi khi – Lã văn Cường, Về lại phố xưa – Phú Quang và nhiều ca khúc về Hà Nội khác.
Nhạc sĩ Dương Thụ – cháu của NS Dương Thiệu Tước (Mặt trời êm dịu, Bài hát ru cho anh, Vẫn hát lời tình yêu, Cho em một ngày…), Thanh Tùng (Hát với chú ve con, Chuyện tình của biển, Hoa tím ngoài sân, Phố biển…) đóng góp khá nhiều ca khúc hay mang ảnh hưởng của đất Bắc. Hai anh em nhạc sĩ Bảo Phúc, Bảo Chấn với các ca khúc viết cho phim: Nỗi nhớ dịu êm, Nơi ấy bình yên, Bên em là biển rộng, Những nẻo đường phù sa… mang nhiều ảnh hưởng của phương Nam. Nhạc sĩ Nguyễn Cường với những sáng tác mang âm hưởng Tây Nguyên, nhạc sĩ Phó Đức Phương với các thể nghiệm ca trù, ngoài ra cũng không thể không nhắc đến người đi tiên phong Trần Tiến, và nhiều nhạc sĩ khác…
Say mê với một đợt sóng âm nhạc mới, rất nhiều sáng tác hay được trình làng, nhưng tôi đã mơ hồ cảm thấy một số vấn đề. Đến khoảng năm 2001 (4 năm sau) thì đợt sóng đầu tiên qua đi, nhường chỗ cho dòng nhạc thị trường nhộn nhạo. Khi những Mr. Đàm Vĩnh Hưng, Mr. Đan Trường, Mr. Lam Trường… “lên ngôi” thì tôi bỏ không theo dõi LSX nữa. Quãng 4 năm sau nữa (2005), người ta hy vọng sự quay lại của đợt sóng “tình ca mới”, nhưng nó tương đối mờ nhạt không rõ nét (như khi Mỹ Linh cho ra đời Chat với Mozart thì cũng có nghĩa là nguồn sáng tác mới không còn dồi dào như trước nữa – cứ với “bước sóng” λ (lambda) = 4 năm một thế này thì chúng ta có quyền hy vọng năm 2009 này sẽ có một đợt sóng mới với nhiều hứa hẹn 😬). Dần dần tôi hiểu ra LSX đợt đầu là tập trung thành quả sáng tác của khoảng 20 năm sau 1975, tất cả gia tài đã được giới thiệu, sau đó thì… hết vốn.
Tôi cảm nhận sự hụt hơi, hết vốn không phải từ số lượng bài hát mà từ chất lượng của chúng. Trong đợt sóng “tình ca mới” này, không nhiều bài hát mới mẻ về nhạc thuật, đa số chủ đề vẫn quay đi quay lại với cái “thời xa vắng”, các hướng khai thác mới (dân ca, ca trù, nhạc Tây Nguyên…) cho thấy sự tiêu hoá vội vàng những nền tảng này, phần nhiều vẫn là copy & paste dân ca dân nhạc, hướng nhạc ngũ cung hầu như không có bài mời nào. Tôi nhận ra những điều này rất sớm, cái bề sâu thật sự vẫn rất mỏng, (ảnh hưởng của chiến tranh, địch hoạ 😬), dường như chúng ta chưa bao giờ sẵn sàng để có những khởi đầu mới.
Để kết ý: những sáng tác “tình ca mới” thật sự đã mang đến một bầu không khí khác cho sinh hoạt âm nhạc, sau bao nhiêu năm điêu tàn, nghèo đói, cũng đã đến lúc phải có những yếu tố mới mẻ. Nhưng cũng từ trong chính những yếu tố mới rất được chào đón ấy, tôi nhìn thấy sự thiếu chiều sâu không dể khắc phục một sớm một chiều 😢.