reenactment

Tái hiện khá phù hợp với lịch sử, người đứng vẫy tay trên xe là Bác sĩ Trần Duy Hưng, thị trưởng đầu tiên của Hà Nội, chọn người “đóng thế” rất giống về khuôn mặt, hình dáng. Người ngồi cùng xe ghế trước là Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, đại đoàn trưởng đại đoàn 308, cũng khá giống. Người dẫn đầu đoàn quân đi bộ, ôm nhiều hoa, là trung đoàn trưởng trung đoàn Thủ Đô, anh hùng Nguyễn Quốc Trị.

Những điều này được đông đảo phóng viên ảnh của nhiều nước ghi lại. Nhưng đầy đủ nhất là trong bộ phim phóng sự tài liệu “Việt Nam” do đạo diễn Liên Xô Roman Karmen thực hiện, 1954 ~ 1955! Lịch sử thuộc về những người đã đổ máu đề biến nó thành hiện thực, chứ không thuộc về những kẻ “đứng bên lề” tìm cách nói ra, nói vào, và cũng chỉ nói thôi chứ không dám động tay động chân làm gì cả!

Sabotage

Về cách thức phá hoại, đặt thuốc nổ trong máy nhắn tin, bộ đàm, laptop mà Israel đã thực hiện, việc này hoàn toàn không có gì mới! Chúng nó sẽ vừa ăn cướp, vừa la làng như thế, sau khi thực hiện mưu đồ xong, thì quay sang buộc tội ngược: các bạn hãy đề phòng vì Nga và TQ sẽ làm như vậy! Trong chiến tranh VN, người Mỹ cũng đã dùng đến chiêu này, đạn AK được nạp một liều thuốc nổ mạnh gấp 5 lần, mạnh đến nổi đẩy bệ khóa nòng ngược vào mặt người bắn, hay đạn cối được tráo ngòi, khiến nó nổ ngay trong nòng súng! Sau khi làm giả đạn, họ sẽ cố tình dàn cảnh để cho Quân giải phóng lấy được, thường là dưới hình thức những gùi đạn giống hệt như cách thức người VN vận chuyển đạn dược. Số lượng đạn giả được tính toán chỉ vừa ở mức cần thiết!

Và thường là, đạn đã nổ rồi thì rất khó tìm ra nguyên nhân chính xác! Mục tiêu chính không phải là gây ra thương vong, mà là khiến cho Quân giải phóng bắt đầu nghi ngờ, bất an về chất lượng súng đạn, và phải hao tổn rất nhiều công sức để tìm cách phân biệt, loại bỏ đạn giả giữa đống đạn thật! Sau đó, thông qua các cách thức tình báo tinh vi, ví dụ như phát hành tài liệu “huấn luyện nội bộ”, hướng dẫn lính Mỹ không được xài các loại súng đạn chiến lợi phẩm thu được, sẽ rất nguy hiểm do… “chất lượng luyện kim” kém, và người Mỹ tìm cách bảo đảm rằng những tài liệu “nội bộ” này người VN sẽ lấy được, qua đó tìm cách “mớm, gieo” cái nghi ngờ là TQ đã cố tình viện trợ đạn “đểu”! Nên thực ra, ai mới thực là ông trùm của các thủ đoạn gián điệp & khủng bố!?

cao giao

Là Durov hay là Durak (durak – tiếng Nga – thằng ngốc), là thông minh hay là ngu xuẩn!? Trong cuốn “The spy who loved us” – Thomas Bass, tác giả có nói về một nhân vật khá đặc biệt, bạn của ông Phạm Xuân Ẩn, tên là Cao Giao, quá thông minh (hay quá ngu) nên sống ở thời nào thì cũng như cây thu lôi vậy, liên tục bị trời đánh! Cao Giao lân la chơi với người Nhật để dò la tin tức cho Việt Minh, nên bị người Pháp bắt bỏ tù.

Nhưng Việt Minh cũng không tin Cao Giao, bắt ông ta bỏ tù vì nghi ngờ cộng tác với Pháp. Đến sau năm 1954 ổng chạy vào Nam cũng bị họ Ngô bắt bỏ tù vì nghi là CS, đến năm 1978, lại bị CH XHCN VN bỏ tù thêm lần nữa nghi là điệp viên CIA, cứ như thế, bất kỳ chế độ nào cũng đều đơn giản là… bắt ông ta bỏ tù cả! 😀 Và sau rất nhiều lần tù tội như vậy, cuối cùng thì ông ta được cho xuất ngoại, sống lưu vong ở Bỉ!

maskirovka

Trung Đông là kiểu một nồi canh hẹ, không thể rối hơn, chia 5 xẻ 7 để cho thằng Do Thái và Mỹ nó lợi dụng, ám sát hết người này đến người khác! Đây căn bản là vấn đề của con người, không phải là vấn đề của vũ khí và công nghệ! Các bài bản “maskirovka” – nghi binh chắc là ku Nga đã dạy cho hết rồi, nhưng không hiểu sao khi áp dụng lại kém đến thế! Ví dụ như ở VN trước 75, chiến trường ở đâu có điểm nóng là TW lại gởi tướng Lê Trọng Tấn đến! Được xem như fire-fighter, lính chữa cháy, tướng VN giỏi nhất đương thời, những trận quan trọng, ông Tấn trực tiếp cầm quân, như chiến dịch Lam Sơn 719 / Đường 9 – Nam Lào.

Nhưng cũng có khi ông ta chỉ đóng vai trò giám sát, để cho các sĩ quan trẻ hơn thực hành! Chỉ cần biết tướng Tấn đang ở đâu, các sư đoàn chủ lực VN đang ở đâu là đã có thể đoán ra thế trận rồi! Nên chuyện nghi binh, bảo mật nó phải trở thành một nghệ thuật! Thế là hàng ngày vẫn có ô-tô đến đón tướng Tấn (giả) đi họp ở BQP, cuối giờ chiều, người qua đường vẫn nghe thấy Tấn (giả) chơi bóng chuyền với cảnh vệ, hò reo ý ới, gọi tên như đúng rồi luôn! Nhưng thực ra trong lúc đó, tướng Tấn thật đang nằm trên một con tàu không số nào đó, chạy lòng vòng trên biển Đông, tìm cách cập vào một bến bí mật nào đó ở miền Nam!

olympic 2024

Chúng nó đang tìm cách biến sự lố lăng, dị hợm, bệnh hoạn thành một kiểu “bình thường mới”! Đến cả những người phương Tây phóng khoáng, tự do nhất cũng cảm thấy cái lễ khai mạc này tởm lợm, có nhiều vấn đề! Riêng người VN chúng tôi thì cảm thấy rằng: những người đàn ông Pháp đích thực cuối cùng là đã chết hết ở Điện Biên Phủ rồi! 😀

Mà chưa hẳn là đàn ông Pháp đâu, hơn phân nửa trong các binh đoàn Lê-dương là lính Đức! Đây là những lính Đức từ thời Chiến tranh thế giới 2 bị kết tội, vì muốn được giảm án nên tình nguyện đi lính cho Pháp, một kiểu đưa phạm nhân ra chiến trường, ‘lấy máu để rửa cho sạch sự xấu hổ’, một truyền thống xa xưa chẳng của riêng nước nào!

đại đồng

Ngồi nhớ nghĩ lung tung về những nơi đã đến, những vùng đất đã từng đi qua, những con người đã từng gặp! Đại Đồng, Đại Lộc, Quảng Nam, vùng quê trung du lâu đời. Cả cái tên Đại Đồng (大同) cũng gợi lên nhiều suy nghĩ sâu xa… Khắp các đô thị miền Nam trước 1975 từ Đà Nẵng, Nha Trang cho đến Sài Gòn đều có các đội biệt động thành, nhưng phần lớn chỉ biết đến “Biệt động Sài Gòn” nhờ bộ phim nổi tiếng cùng tên. Biệt động Sài Gòn tuyển dụng nhân viên như thế nào!?

Họ về những nơi như Đại Lộc, Tiên Phước, Quảng Nam, những vùng quê cách mạng lâu đời… Chọn ra một đứa bé tầm 13 ~ 15 tuổi, cha mẹ đứa bé, có khi là cả nhà, đều đã chết trong một trận càn của quân Mỹ , nên đứa bé nuôi cái ám ảnh phải báo thù! Chưa biết chữ, đi chân trần, chỉ qua một vài khóa huấn luyện, đào tạo ngắn, nó đóng vai thành đứa trẻ bán báo, đánh giày, bán vé số, lê la khắp các đường phố đô thị miền Nam làm công tác giao liên, nghe ngóng cho các đội biệt động!

thần quyền

Một trong những thuộc tính rất đặc trưng, cố hữu của Phật giáo, dù là tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, hay Việt Nam, xuyên suốt tất cả các giai đoạn lịch sử, đó là tính chất “tổ chức, hội đoàn yếu” của nó! Đây có thể xem vừa là nhược điểm, vừa là ưu điểm nổi bật của Phật giáo. Khác với những tôn giáo khác, Phật luôn là vấn đề rất cá nhân, mục tiêu cao nhất là đạt đến giác ngộ, những cái khác chỉ là phụ. Nên tính đoàn thể thì vẫn phải có, như bất kỳ một tổ chức nào khác, nhưng Phật giáo tập trung nhiều vào việc giáo dục con người, chứ không tập trung vào những chương trình hành động mang tính xã hội rộng lớn. Suốt mấy ngàn năm lịch sử, Phật giáo hiếm khi tự biến mình thành một tổ chức “Thần quyền” can thiệp vào “Thế quyền”, như đã xảy ra phổ biến với nhiều tôn giáo khác, ví dụ như Thiên Chúa giáo.

Thiên Chúa giáo, như tại Bùi Chu và Phát Diệm, vào thời của các giám mục Lê Hữu Từ, Phạm Ngọc Chi… chính là một kiểu Thần quyền và Thế quyền hợp nhất, các linh mục nắm toàn quyền sinh sát, thậm chí có cả quân đội vũ trang riêng. Tính tổ chức cao, hoạt động hiệu quả luôn là truyền thống của Thiên Chúa giáo Tây phương, điều này thể hiện rõ với các cha xứ theo chân đoàn quân thực dân đi xâm chiếm nước khác! Khi thực dân Pháp hoàn tất việc cai trị Việt Nam, các tri thức VN đương thời đều nhận ra tính hiệu quả của mô hình tôn giáo, tổ chức ngoại lai, và họ cũng nỗ lực làm giống như vậy! Như Cao Đài tổ chức thành các xóm đạo, họ đạo như Thiên Chúa giáo, xây các nhà thờ dạng 2 tháp hệt như Thiên Chúa giáo. Nhưng các quyết định quan trọng được đưa ra bởi một hình thức… “cầu cơ” (!!!) thay vì bỏ phiếu.

Ở miền Nam ngoài Cao Đài còn có Hòa Hảo, và nhiều hình thức tôn giáo “ngồ ngộ” khác. Mê tín dị đoan (như chữa bệnh bằng nước lã, tro than) là phổ biến, bùa chú, sấm ký là phổ biến, và nhiều hình thức khó tin khác theo như suy nghĩ hiện đại ngày nay, ví dụ như tuyên truyền rằng súng của Việt Minh sẽ không thể nổ được trước những tín đồ Hòa Hảo. Những điều này xảy ra nói thẳng là vì dân trí quá thấp! Mặc dù ở phần tư tưởng, Hòa Hảo tự nhận mình là một nhánh Phật giáo (Tịnh độ tông), nhưng ở phần thực hành, họ xa rời tôn chỉ của Phật giáo là giáo dục con người, mà tập trung vào tổ chức Giáo hội Thần quyền kiêm quản Thế quyền giống như các nhánh tôn giáo khác đương thời. Các chỉ huy Hòa Hảo như Năm Lửa, Ba Cụt… cai trị các vùng lãnh thổ riêng, không ai chịu ai, tàn bạo không khác gì lãnh chúa.

Trở lại với thời gian đầu chống Pháp, nỗ lực “toàn dân kháng chiến” của Việt Minh mâu thuẫn nghiêm trọng với tính cô lập, tự trị và lạc hậu của các giáo phái! Nhất là ở thời gian vài năm đầu, bất kỳ ai “tích cực kháng chiến” đều được chấp nhận, nên trong hàng ngũ Việt Minh xuất hiện một số kẻ “cơ hội chủ nghĩa” như Kiều Đắc Thắng, hay hành xử “tự tung tự tác” như Bửu Vinh. Đám Bình Xuyên mặc dù đi làm cách mạng nhưng vẫn có nhiều người, cung cách không khác với thời ăn cướp ngày trước là mấy! Thế nên khá nhiều sự việc đáng tiếc đã xảy ra! Theo dòng tiến bộ của lịch sử, ngày nay, tách biệt Thần quyền và Thế quyền là một nguyên tắc cần được thực hiện nghiêm nhặt, cũng nghiêm nhặt y như là bảo đảm quyền Tự do tôn giáo vậy, và các Tôn giáo nên trở lại đúng với vai trò của nó, đó là giáo dục con người!

hòa hảo

23/9/1945, Nam Bộ kháng chiến bùng nổ… Tình hình miền Nam lúc này, các lực lượng giáo phái Hòa Hảo, Cao Đài, mỗi nhánh có khoảng 2000 ~ 3000 tay súng, nhưng chống Pháp theo kiểu nửa vời. Mạnh nhất là Việt Minh, bao gồm Thanh niên tự vệ và khoảng 2000 bộ đội Bình Xuyên (quân của Ba Dương, Tám Mạnh, tuy vẫn có một bộ phận Bình Xuyên không hoàn toàn quy phục Việt Minh như Bảy Viễn), tổng cộng không quá 5000 ~ 6000 tay súng! Bình Xuyên, những người trước đây là dân giang hồ, anh chị, ăn cướp, bảo kê, .v.v. nói cho đúng vẫn là lực lượng chiến đấu tương đối hiệu quả, ít nhất là vào thời gian đầu kháng chiến, nhờ cái máu “yêng hùng” của họ! Nhưng do đâu Việt Minh lại nắm được, sai khiến được đám giang hồ này, đó là từ một sai lầm của người Pháp! Từ nhiều năm trước đó, người Pháp nhốt chung tù chính trị với tù hình sự, hy vọng có thể dùng đám đầu gấu để trị các tay tù chính trị. Nhưng kết quả hóa ra ngược lại, vào tù rồi, anh chị cỡ nào đi nữa, nó đánh cho vài trận là khai hết, là phục tùng hết. Nhưng đám tù chính trị dù có chặt tay, chân thì vẫn không khuất phục.

Kết quả là đám tù chính trị quay ngược lại cảm hóa, thuyết phục được đám côn đồ, du đãng, vì họ đã cho đám “cơ bắp” thấy được có loại sức mạnh nằm ngoài cơ bắp! Đến khi kháng chiến bùng nổ, các đơn vị “bộ đội” như của Ba Dương, Tám Mạnh đều rắp rắp nghe lệnh Việt Minh. Nhưng tổng số 5000, 6000 tay súng là quá ít, không đủ để đối đầu với quân Pháp! Miền Nam cho đến lúc đó vẫn là vùng đất mới, lòng người không vững, lại chia năm xẻ bảy không ai chịu ai! Ngay trong tháng 9-1945, các đơn vị Nam Tiến từ miền Bắc, Trung được thành lập để chi viện cho miền Nam, Hải Phòng, Hà Nội mỗi nơi gởi một chi đội, Bắc Ninh, Bắc Giang gởi một chi đội, Thừa Thiên cũng gởi cỡ một chi đội, Quảng Nam gởi 3 chi đội… đặc biệt Quảng Ngãi gởi vào Nam 15 ngàn người! Cái gọi là “chi đội” lúc bấy giờ là những đơn vị không cố định quân số, thường có khoảng 1000 ~ 1500 người! Đến tận giờ không thể biết chính xác bao nhiêu người đã Nam Tiến, ước tính ít nhất 30 ngàn người đã chi viện cho miền Nam trong vòng chưa đến 5 tháng! Nhưng tình hình miền Nam lại diễn biến vô cùng phức tạp!

Những khúc mắc, ân oán giữa Việt Minh với Hòa Hảo, Cao Đài, nhóm Trotskist và những thành phần xã hội khác, đến tận ngày nay người ta vẫn tránh nói về những đề tài ấy, bởi vì muốn nói cho cùng thì phải nhìn vào bản chất lạc hậu, manh mún, nhìn vào dân trí, tư duy, những điều vẫn chưa cải thiện mấy cho đến tận ngày hôm nay! Quay ngược lịch sử trăm năm trước, khi vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương, phong trào Nghĩa Hội bùng phát khắp Quảng Nam, cầm đầu bởi Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến, Nguyễn Tiểu La… xây căn cứ ở Quế Sơn tính chống Pháp lâu dài. Nhưng người Pháp không chỉ hơn ở khoa học, kỹ thuật, vũ khí mà họ hơn ở… tất cả mọi mặt: âm mưu, kế sách, thủ đoạn, mua chuộc, đe dọa, cài cắm, tin giả, ly gián, etc… Được khoảng 2 năm thì Nguyễn Duy Hiệu bị bắt, phong trào tan rã. Nói đến tinh thần yêu nước nhưng nhiều người không dám nói thẳng về kết quả của Nghĩa Hội Quảng Nam: giết được vài chục người Pháp, nhưng tự mình giết người mình vì nghi ngờ, phản bội, thanh trừng lẫn nhau, con số phải lên đến nhiều trăm. Và chuyện như thế kéo dài mãi đến về sau…

nguyên hùng

Lại nói về văn và sử, sử và văn, hư và thực, thực và hư… Có nhưng thứ văn chương nghe có vẻ hư cấu, nhưng lại cực kỳ thực. Và có những thứ sử tưởng chừng thực, kỳ thực lại rất hư. Văn mà mô tả đầy đủ chi tiết về văn hóa, cuộc sống đương thời, từ địa lý, sắc tộc cho đến ngôn ngữ, ẩm thực, ăn mặc, v.v. thì đó là lối văn cực kỳ thực, không có hiểu biết, từng trãi thực tế cuộc sống thì không thể nào viết ra như vậy được. Sử mà chỉ gồm toàn những cái gạch đầu dòng giản đơn, tìm cách máy móc kết nối các điểm lại với nhau, kỳ thực là một lối sử rất là hư! Lại nói về những nhân vật trong các cuốn sách của nhà văn Nguyên Hùng: Lê Văn Viễn có cha là người Triều Châu, mẹ người Việt, là một tướng cướp lừng danh. Huỳnh Văn Trí cũng là một tay anh chị khét tiếng, cả 2 vào tù ra khám không biết bao nhiêu lần, quen nhau trong tù, nhiều lần vượt ngục cùng nhau và kết nghĩa làm anh em.

CMT8 nổ ra, cả hai đều tổ chức những đơn vị vũ trang đầu tiên chống Pháp, cả 2 đều là đàn em dưới trướng của Dương Văn Dương, thủ lĩnh “nghĩa quân” Bình Xuyên, người ngay từ năm 1948 đã được truy phong Thiếu tướng! Nhưng Mười Trí đi kháng chiến đến cùng, còn Bảy Viễn như ta biết, trở về làm ông trùm Chợ Lớn. Không thuyết phục được người anh em kết nghĩa, Mười Trí bày tỏ nỗi lòng qua một bài thơ, lối văn dân dã Nam bộ. Hư hay là thực thì để cho người đọc suy nghĩ, nhưng lối văn này, dù người ta cũng đã tìm cách giả, nhưng tối hậu vẫn không thể nào mà giả cho được: Thế là hết, tôi với anh đành đoạn tuyệt, Vì anh ơi, đời hồ hải hết tung hoành. Anh giam mình vào lưới sắt, bả hư danh, Thân lồng chậu, anh mong nằm trên nệm ấm. Anh có biết tay quân thù còn đỏ thắm, Máu đồng bào ngùn ngụt lửa căm thù. Kiếp tôi đòi, anh nhớ lại mùa Thu, Mùa lịch sử đã mở tù cho dân tộc…

người bình xuyên

Thực ra ở VN, cũng có nhiều người viết văn theo lối “nửa thực, nửa hư” như thế (và họ nói rõ ràng đây là văn, không phải sử), viết để trình bày một dạng sử ít chính thức hơn. Ví dụ thú vị là nhà văn Nguyên Hùng, tác giả những cuốn Người Bình Xuyên, Nguyễn Bình – huyền thoại và sự thật, Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ… những sách nói cho độc giả biết về các nhân vật kháng chiến, tôn giáo, quân phiệt miền Nam 1945 ~ 1975, một giai đoạn cũng gần giống như thời Dân quốc bên TQ vậy! Sách của ông nói cho chúng ta về những góc ít biết của lịch sử: Huỳnh Phú Sổ, Phạm Công Tắc, Lê Văn Viễn, Dương Văn Dương, Nguyễn Bình…

Nhưng khác là Nguyên Hùng thực sự là người trong cuộc, tham gia kháng chiến từ đầu đến cuối! Vì là người trong cuộc nên Nguyên Hùng có khả năng phác họa chân dung con người với những hiểu biết sống động: ngôn ngữ, giáo dục, văn hoá, tâm lý, và nhiều chi tiết khác liên quan đến đời sống, xã hội đương thời! Còn với trường hợp Huy Đức, ông ấy chỉ là người đến sau, mãi về sau, tìm cách hình dung lại lịch sử qua những gì được nghe kể lại, hay qua những gì mình tưởng tượng ra, tìm cách lắp ghép, sắp xếp thông tin thu nhặt được theo những định kiến có sẵn, nên sách nghe rất khiên cưỡng, máy móc và vô hồn…