Bernoulli’s principle – 2

Trên không gian mạng, thấy có nhiều vị Tiến sư, Giáo sĩ, bằng cấp học hành ghê gớm, mà không thể hiểu được những công thức, nội dung toán/lý đơn giản! Em đang nói về nguyên lý Bernoulli, nguyên lý chi phối cánh buồm, cánh máy bay! Nói tới nói lui, 2, 3 năm thời gian suy nghĩ thì rút cuộc vẫn chưa thông, mà em e là trí năng như thế, chưa thể thông sớm được!

Con “tàu lượn dưới nước” Trung Quốc “海翼 – Hải Dực – cánh biển – SeaWing” này có thể đi xa hơn 10000 (mười ngàn) km, chỉ lượn lờ chậm rãi, không nhanh nhưng đi rất xa, rất thích hợp làm công cụ do thám! Mà kích thước chỉ bé như thế thôi, làm sao dự trữ lượng lớn năng lượng để làm những hành trình dài như thế!? Bác nào giải thích được thì mới gọi là hiểu nguyên lý Bernoulli!

tán-học

Xuất hiện vô số nhà Tán-học, phân tích quy luật, diễn giải số liệu! Em đi coi phim, chả buồn đọc! Chiến lược đối phó với dịch bệnh vẫn nhất quán từ đầu cho đến hiện tại: truy vết, cách ly, hy sinh kinh tế, mua thời gian để… chờ vaccine! Thế nên các bác Tán-học có nói gì cũng thế thôi!

Ở mặt tích cực, có thể thấy số ca nhiễm vẫn tăng/giảm tuyến tính, chưa có dấu hiệu bùng nổ tổ hợp! Với việc tăng năng lực xét nghiệm lên 1 triệu test/ngày thì cứ việc đắp mương, tát nước để bắt cá thôi! Tất cả những suy nghĩ về “sống chung với lũ” vẫn là “premature” ở thời điểm hiện tại!

koku

Hôm trước thông báo tạm cách ly 3 ngày, phong toả cả một khu vực khá lớn! Sáng nay chính quyền chở xuống, phát đổ đồng cho mỗi đầu người 10kg gạo, ai cũng như nhau, thế là em biết không phải là 3 ngày nữa mà là 3 tuần! 10 kg này là tính cho một anh nông dân ăn tiết kiệm trong 20 ngày đây! Đi nhận gạo về mà cứ thấy ngượng ngượng, vì đồ ăn khô thì em không đến nỗi thiếu, trong khi vẫn có nhiều người xung quanh cần gạo hơn!

Trong ảnh là đồ từ chuyến đi chèo xuồng trước vẫn còn dư lại, thôi em tính rồi, vác cái cần câu ra bờ sông nữa chắc là sẽ đủ! Đến một lúc kinh tế không còn tính bằng đồng (tiền) nữa mà tính bằng koku. Một “koku” hay “thạch” – là đơn vị của Nhật Bản có nguồn gốc từ Trung Quốc (thạch, đấu, thăng, hợp, chước, tài), được định nghĩa là một lượng gạo đủ nuôi một người ăn trong một năm, hiện tại tương đương khoảng 180 lít…

numerology

Ngày xưa cấp 2, ngồi chơi với mấy đứa bạn, tôi có 1 trò làm nhiều người “tròn mắt”. Nói với bạn A: hãy nghĩ ra 1 con số có 3 chữ số, ví dụ như abc, nhưng đừng cho tôi biết, sau đó đúp nó lên thành số có 6 chữ số: “abc abc”, rồi đưa cho B. B lấy số “abc abc” đó chia cho 7, đưa cho C. C lấy kết quả chia cho 11, đưa cho D. D lấy kết quả đó chia cho 13, rồi đưa cho tôi! Tôi sẽ nói cho A biết con số bạn ấy nghĩ lúc ban đầu!

Nó là như thế này, abc abc=abc x 1001, 1001 phân tích thành thừa số nguyên tố tức là 1001 = 7 x 11 x 13! Chả có cái gì thần bí ở đây cả! Đưa mấy con số chạy lòng vòng gạt người, đám numerology là như thế! Đương nhiên, nói về số học, các con số, chúng nó có một ý nghĩa “tiên nghiệm – a priori” sâu xa theo hình dung của triết học Immanuel Kant, nhưng đó không phải là điều mà đám numerology có thể hiểu được!

Học toán vì điều gì?

Toán cũng như âm nhạc, là một loại “ngôn ngữ”, là cách chúng ta tìm hiểu, phản ánh, biểu diễn thế giới xung quanh. Một đứa trẻ lớn lên luôn có sự tò mò về những thứ quanh nó, nó luôn tìm hiểu, đo đạc, ước lượng, tìm cách kết nối các sự việc rời rạc thành quy luật, nó không ngừng khám phá ngoại giới, xây dựng thành bản vẽ, mô hình. Khởi đầu từ những tập từ vựng và ngữ pháp đơn giản, dần dà xây nên hệ thống ngôn ngữ phức tạp! Ai đã học kỹ số học cấp 2, cấp 3, sẽ hiểu một điều là: những trò “numerology”, cái gì mà “Thần số học”, nhẹ thì có thể bảo là chơi đùa, nặng thì có thể nói là lừa bịp! Cũng như thế, nếu xem âm nhạc là một ngôn ngữ, thì bolero là ngôn ngữ của học sinh tiểu học! Nên với cái “não trạng” như thế, không ngạc nhiên gì khi đám “bolero”, “numerology” tự xem mình là “đỉnh”, tự khoác lên cái vẻ “cao sang” giả tạo!

Đọc xong bài, thấy một điều, dù là tác giả nổi tiếng, đưa ra nhiều ví dụ, luận điểm hay ho, nhưng ông chưa trả lời câu hỏi học toán vì điều gì!? Ông ấy vẫn xem Toán là môn hàn lâm chết cứng, ông ấy đã quên cái thời còn là một đứa trẻ, tìm cách hình dung, tìm cách xây dựng mô hình về thế giới xung quanh! Học Toán là vì cái lý do nội tại, tự thân ấy mà thôi, những chuyện khác như ứng dụng thực tế, đóng góp xã hội, đều là hệ quả! Có rất nhiều người hiểu và chia xẻ các giá trị toán học trong cuộc sống! Nhưng số người bước vào ngành toán thì rất ít! Số có khả năng đi con đường Toán lý thuyết, chỉ đếm trên đầu ngón tay! Không nên có cái tham vọng truyền “đam mê toán” đến với đa số quần chúng, chuyện đó đơn giản là không thể, số đông không thể hiểu cái mà họ bên-trong-không-có, nhất là thời buổi nhiễu loạn như hiện tại!

sail away

Sau WW2, ở Tây Âu, Anh, Mỹ xuất hiện những trào lưu hoài cổ, archaic, những con người dong buồm ra khơi, xa lánh xã hội, tại sao lại như thế? Họ lớn lên trong dịch cúm Tây Ban Nha giết chết gần 50 triệu người, rồi sống sót, trưởng thành qua thế chiến thứ 2, giết thêm gần 80 triệu người nữa. Họ hiểu rõ bản chất mong manh của con người cũng như sự giả tạo của văn minh xã hội! Thế là họ… sail-away, chỉ có chúng ta giờ đây, đọc lịch sử nhiều đấy, nhưng vẫn chưa rút ra được bài học gì đáng kể…

đậu mùa

Trung Quốc là nước sớm nhất trên thế giới tìm ra những dạng vaccine sơ khai đầu tiên. Ngay từ những năm 16xx, theo lệnh của Khang Hy đế, đã tiến hành “chủng” đậu mùa trên gần như là toàn quốc, tiến đến xoá sổ căn bệnh này! Nhưng dĩ nhiên, họ không dạy cho Việt Nam cách “chủng”, nên đậu mùa vẫn hoành hành ở VN mãi… 300 năm sau, ít nhất là đến những năm 195x! Thuận Trị đế chết vì đậu mùa, Hiếu Trang hoàng thái hậu có nhiều lựa chọn kế vị, nhưng đã chọn Khang Hy vì ông ta là một đứa trẻ khoẻ mạnh, và quan trọng nhất là: đã từng nhiễm đậu mùa và đã qua khỏi! Lịch sử đã chứng minh đó là sự lựa chọn đúng đắn, hiếm có vị hoàng đế TQ nào giỏi giang, ham học hỏi như Khang Hy, cùng với cháu nội mình là Càn Long, đã tạo dựng nên một giai đoạn phồn thịnh rực rỡ gọi là “Khang – Càn thịnh thế”! Nói theo ngôn từ hiện đại thì vaccination và variolation là hai khái niệm tuy có liên quan nhưng khác nhau! Ghi chép văn bản đầu tiên về các phương pháp “chủng” ở TQ xuất hiện khoảng 1499!

Phương pháp đã được áp dụng từ thời Minh và phát triển rộng rãi thời Thanh, là phương pháp chủ động nhiễm bệnh nhẹ để sinh kháng thể! Phương pháp có tỉ lệ tử vong dưới 2%, dù vậy cũng đã là “cứu tinh” nếu so với tỷ lệ tàn khốc 20 ~ 30% nếu để dịch bệnh xảy ra! Nguyên nghĩa, chủng – là gieo, trồng, cấy. Nghĩa phái sinh trong y học cổ truyền tức là lấy một mẫu bệnh phẩm nhỏ của bệnh nhân, tán nhỏ, hít vào theo đường hô hấp, hoặc rạch da, cấy vào theo đường máu, nguồn gốc của những từ như “tiêm chủng”, “chủng ngừa” ngày nay! Như vậy có thể thấy, hơn 300 năm trước, bằng các quan sát, phương pháp thuần tuý thực nghiệm, chưa có các cơ sở khoa học hiện đại như ngày nay, TQ đã tiến hành “chủng ngừa” cho phần lớn dân số! So ra với thời hiện tại, ngay cả ở những nước văn minh phát triển, vẫn có đến khoảng 20% dân số mang tâm lý anti-vaccine… Dĩ nhiên, đánh vào những nỗi sợ hãi bản năng, tự nhiên của con người vẫn hiệu quả hơn là một sự tiếp cận lý tính!

cycling

Tin giả nhưng nội dung… thật đang “hot” gần đây! Người đạp xe là thảm hoạ với kinh tế! Họ không mua xe máy, xe hơi, không vay nợ, không trả góp, không đổ xăng, không mua bảo hiểm, không phí đậu đỗ. Họ không béo phì và ít có vấn đề sức khoẻ, ít đi bác sĩ, ít mua thuốc! Người đạp xe không đóng góp gì cho GDP và là thảm hoạ của nền kinh tế!

Nói túm lại, người yếu và ngu thì đem lại nhiều lợi ích hơn cho kinh tế, yếu dễ quản, ngu dễ trị! Nhưng phải làm cho họ yếu và ngu một cách tự nguyện và hài lòng kia, như thế mới là “tư bản” giỏi! Ngồi trước TV ăn MacDonald là xưa rồi, giờ là đặt đồ ăn nhanh và lên net hóng hớt tin showbiz, xem livestream đấu tố, như thế nó mới “thời thượng” và “thoả mãn”!

QC

Đây là kỹ sư quản lý chất lượng dự án (quality control engineer), mình làm gì là nó đi theo, nằm quan sát xem công việc có đạt yêu cầu hay không!

AIS – 2

Theo dõi công nghệ AIS (automatic identification system) cho tàu bè nhiều năm qua, giá giảm dần (1000, rồi 500…) thiết bị trở nên nhỏ gọn hơn, và quan trọng là mức tiêu hao năng lượng cũng giảm (5W, rồi 2W). Giờ thì ngay cả một chiếc kayak cũng có thể nghĩ đến việc trang bị AIS.

Gần giống hệ thống nhận diện địch/ta (friend or foe) trong quân sự, nhưng đơn giản hơn, cung cấp các thông tin cơ bản trên màn hình radar/định vị, ví dụ: “P/V Serenity, 4.8m, 1 person kayak” AIS có 2 loại: class A dùng cho tàu lớn, class B dùng cho tàu nhỏ, phải đăng ký mã định danh 9 số…

uproot

Ai về bên kia sông Đuống,
Có nhớ từng khuôn mặt búp sen?
Những cô hàng xén răng đen,
Cười như mùa thu tỏa nắng!

Bên kia sông Đuống – Hoàng Cầm

Tội nghiệp cho ông trọng tài, Việt Nam vốn dĩ là xứ dao loé giữa chợ, gậy lùa cuối thôn mà! Mạng xã hội, chỉ cần cho họ một cơ hội để tỏ ra “ta đúng”, bất kể thế nào, cái tài khoản kia có chính chủ không, hay có người xúi dục tự lập ra, rồi tự nó hô hào tấn công! Nói một cách thô tục là giống như chó chạy ngoài đường, ai ném c… ra là nó ăn à!

Những con người bị “uproot” – nhổ gốc ra khỏi sự thuần lương xưa cũ, không còn hiểu biết, khái niệm gì về vốn văn hoá cũ, cũng không đủ căn cơ, vốn liếng để tạo dựng lên giá trị mới! Đó là những kẻ rất đáng sợ, bị treo lơ lửng giữa các thang giá trị khác nhau, cuộc sống đẩy đưa, xúi dục, rút cuộc sẽ biến họ thành những kẻ lưu manh, phá hoại!

disinformation

Xem các phim tình báo, phản gián Liên-Xô, thấy các “sếp” có nhận định rất đúng: thông tin giả (disinformation) thường là rất đầy đủ chi tiết, nghe có vẻ rất khoa học và logic, vừa thuyết phục lại vừa lôi cuốn, vì chúng được thiết kế như thế! Còn thông tin thật, thường là ngắn gọn và đơn giản đến trần trụi, đôi khi chẳng có chút tính thuyết phục nào!

Sống giữa thời đại đảo điên, lòng người trắc trở, việc lĩnh hội “TÍNH KHÔNG” – 空性 của nhà Phật là rất cần thiết, giữ cho tâm hồn, suy nghĩ, nhận định được trung tính, quân bình, không cảm xúc bầy đàn, không mang quá nhiều “cái tôi” phiến diện, nhìn thấu qua mọi sự nhiễu loạn, cả trong lẫn ngoài, để hiểu đúng sự việc như nó vốn là thế!

siniy platochek

Chương trình âm nhạc cuối tuần, bài ca nổi tiếng, đã trở thành một kiểu “dân ca mới” của nước Nga và có hàng tá lời ca khác nhau. “Chiếc khăn xanh”, thường là bài sau cùng của các chương trình lễ hội, duyệt binh ở Nga, điệu valse nhẹ nhàng giảm bớt những căng thẳng!

Nhưng chỉ nhẹ phần nhạc thôi, phần lời lại là một sự lặp đi lặp lại, bắt các thế hệ sau không được quên: Tháng 6, ngày 22, chiến tranh bắt đầu…, cũng gần gần giống như kiểu ở Việt Nam là: Mùa thu rồi, ngày 23, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến…

e-ink display

Hiện tại, giá còn hơi chát, nhưng tương lai 1, 2 năm nữa, có một viễn cảnh như thế này: máy tính của coder nên có hai màn hình, một LCD truyền thống, và một e-ink, trong ảnh là màn hình e-ink Dasung, cty trụ sở tại Bắc Kinh, TQ (đã có màn hình kích cỡ 25.3 inch). Tất nhiên, nhiều thao tác máy tính vẫn cần đến màn hình đầy đủ mầu sắc.

Nhưng với một coder – lập trình viên mà nói, một ngày có khi hơn 12 tiếng, phần nhiều chỉ edit text, thì màn hình e-ink hoàn toàn không phát sáng, đúng nghĩa là “giấy trắng mực đen”, có thể bảo vệ mắt tốt hơn rất nhiều, càng tốt hơn nữa nếu có thể hiển thị 256 mức xám! Xứ sở phát minh ra giấy, đương nhiên sẽ làm giấy điện tử thật tốt!

fillet

Tóm tắt các loại fillet dùng trong đóng tàu, xuồng nhỏ: bột đá quá nặng, vết trám cứng nhưng dòn, dễ gãy, không bền, không nên sử dụng trong các mối nối chịu lực. Sillica (fumed, colloidal) và Micro-balloon thì quá nhẹ (một lít chỉ vài chục gram), không bị chảy xệ khi trám trét, dễ tạo hình, phù hợp để trám bề mặt, nhưng độ cứng, độ bền không cao. Trong tất cả các loại fillet, tôi thích nhất và chỉ dùng wood flour (bột gỗ).

Khối lượng nằm ở giữa hai loại kể trên, về độ bền tốt hơn nhiều, nên dùng khi mối nối có yêu cầu chịu lực, tuy nhiên khi gia công dễ bị chảy xệ, thao tác có hơi mất công! Nên xài loại bột gỗ thật mịn, dễ thi công và cho bề mặt đẹp, tôi thường dùng cái fin cafe để rây từ đống mạt cưa trong xưởng, lọc ra bột gỗ mịn phù hợp trong việc đóng xuồng! Nói đúng ra, đóng xuồng gỗ, dùng gỗ để trám gỗ vẫn là cách đúng nhất!

gpsmapp 66

Có nghĩ thế nào thì cũng không qua được Garmin. GPSMap66 có một tính năng đặc biệt là “Expedition mode”, mỗi lần sạc chạy liên tục được khoảng 16 tiếng, khi bật chế độ Expedition, máy sẽ đi vào một dạng ngủ đông – hibernation, chỉ ghi nhận toạ độ GPS 30 phút một lần, kéo dài thời gian sử dụng lên đến 200+ giờ, đủ cho một tuần ~ mười ngày không phải sạc. Khi đang “ngủ”, bấm nút nguồn, máy sẽ mất vài giây để activate trở lại!

Không ghi nhận liên tục vị trí GPS có hơi “không được đẹp”, nhất là với những ai muốn “khoe” GPS track log, nhưng khi đã “chơi thật” thì chuyện đó không quan trọng nữa! Trên con 66 này cũng có “thuê bao inReach”, tin nhắn hai chiều qua vệ tinh (Iridium), người dùng thuê theo tháng, có thể gởi tin nhắn qua/lại với số máy bất kỳ, giá thuê bao không mắc, khi không có nhu cầu nữa có thể dừng dịch vụ, rất cần thiết khi phải gởi tín hiệu SOS!


outdoor tablet

Từ gần 10 năm trước đã thích màn hình e-ink của máy đọc sách điện tử, và tôi có đến hai cái Kindle của Amazon. Từ đó đến nay nghĩ rằng e-ink-display sẽ ngày càng trở nên phổ biến, hoá ra là một suy nghĩ sai lầm, số đông chỉ thích cái gì mượt mà, bóng bẩy thôi, không thích cái màn hình 16-mức-xám xấu và chậm như rùa của e-ink!

Trong ảnh là cái máy đọc sách Kobo đã được rooted, gắn chip GPS và cài phần mềm XCSoar, trở thành một cái flight-computer, máy tính dẫn đường dùng trong trên máy bay, dù lượn! Đang có ý định làm cái như thế này, nhưng cho kayak! E-ink có một ưu điểm vô địch là màn hình không phát sáng nên có thể đọc rõ dưới ánh nắng mặt trời trực tiếp!

E-ink siêu tiết kiệm điện, chỉ hao pin mỗi lần refresh, nên có thể xài nhiều tuần liền, cộng thêm một con chip chậm và hệ điều hành Linux nhỏ gọn! Gắn thêm tấm pin năng lượng mặt trời phía sau lưng nữa, tự sạc cho cục pin là trở thành cái “outdoor tablet”, thích hợp cho các hoạt động ngoài trời! Tuy nhiên vấn đề chống thấm nước sẽ khá đau đầu!

Một cái tablet có pin chỉ sạc một lần là đủ xài nhiều tuần liền, không phải mang pin dự phòng hay thay phải pin hàng ngày như Garmin, có thể hiển thị bản đồ thành phố, bản đồ biển hay bản đồ địa hình, chỉ cần hỗ trợ các tác vụ GPS cơ bản: lưu vết đường đi, tính quãng đường, tốc độ, cao độ, phương hướng la bàn, đo khoảng cách, etc…

Là outdoor-tablet thì không cần đẹp, không cần bóng bẩy, không cần lên net vô mạng xã hội bắng nhắng làm gì, chỉ cần thật bền, chịu được va đập, pin trâu nhiều tuần, chống nước tốt, tính năng GPS và bản đồ thật tốt, và nhiều lắm chỉ cần thêm tính năng email, web cơ bản để vẫn còn giữ chút ít liên lạc với mọi người, với xã hội!


tâm bệnh

Nguyên Vũ giáo chủ, muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ! Chưa bao giờ xã hội Việt lại giống như cái Hội-ma-tuý ở bên trong cái Trại-tâm-thần đến như thế! Nhưng thử hỏi, không hoang tưởng, không tự lừa dối được chính mình, thì làm sao có thể lừa người khác!? Ai cũng có vỏ bọc tốt đẹp, ai cũng ngôn từ đao to búa lớn, với người có chút hiểu biết, sẽ hiểu ngay là để che dấu “cái tôi” bất ổn bên trong!

Ở đây là “lấy điểm chỉ diện”, đơn cử 1 trường hợp mà thôi, chả phải ghét bỏ gì Trung Nguyên, vì hầu như toàn xã hội, ít nhiều đều như thế! Nói cho vui, nhưng mà lại rất không vui, cả một cái XH như thế, từ anh doanh nhân thành đạt đến con điếm ghẻ hạ cấp, thảy đều một dạng tâm lý dễ nhận biết: vừa lưu manh, lại vừa tâm thần, hoà thành một thể! Đó là “bệnh” không có thuốc chữa, gặp ở rất rất nhiều người trong XH hiện tại!