trường ca sông Lô

Chương trình âm nhạc cuối tuần… Rất lâu rồi không theo dõi tình hình, bản thu âm này chất lượng hơi bị tệ… giọng ca “mới” (biết) Duyên Huyền đúng kinh hoàng thật, Đăng Dương hát theo chỉ có đuối! 🙂 Hoà âm rất mới, tiếc là chất lượng âm thanh xấu quá không nghe hết được!

Phạm Duy đã từng nhận xét: bài Trường ca Sông Lô của Văn Cao là một tác phẩm vĩ đại. Thằng bạn này vẫn là một kẻ khai phá, nó là cha đẻ của loại trường ca. Về hình thức, bài của nó chẳng thua gì bất cứ một tuyệt phẩm nào của loại nhạc cổ điển Tây Phương… Bài này đánh dấu sự trưởng thành của Tân nhạc…

TT –  văn cao

tiếp tục post để thành một series, Thái Thanh hát nhạc của Lâm Tuyền, Đặng Thế Phong, Hoàng Trọng, Trịnh Công Sơn, và tiếp theo là Văn Cao. Nhạc của Văn Cao không nhiều, nếu không muốn nói là ít, nhưng chỉ thế thôi cũng đủ để nhạc sĩ Phạm Duy “nhận thua”. Ở một số bài, một số chủ đề, NS Phạm Duy từng nhận rằng ông không thể sánh bằng! NS Phạm Duy có thể có rất nhiều điểm khiến người ta không thích, nhưng ông có một điểm rất hay là đánh giá, nhận xét về những nhạc sĩ khác rất công tâm!

Bến xuân - Thái Thanh 
Buồn tàn thu - Thái Thanh 
Cung đàn xưa - Thái Thanh 
Trương Chi - Thái Thanh 
Suối mơ - Thái Thanh 
Thiên Thai - Thái Thanh 

3 tập hồi ký của ông là một nguồn đồ sộ với vô số những thông tin chi tiết về nền Tân nhạc Việt Nam, suốt từ những năm 30 cho đến 75 và sau này. Một chàng thanh niên bỏ nhà đi theo gánh hát Đức Huy, lang thang trên khắp các nẻo đường đất Việt, làm bạn với rất rất nhiều người, những người sau này là những tên tuổi lớn trong làng âm nhạc, nghệ thuật Việt. Qua 3 tập hồi ký đó, ta biết thêm được rất nhiều điều về lịch sử âm nhạc nói riêng và lịch sử VN nói chung, trong một giai đoạn đầy thăng trầm và biến động!

tt

Với tôi, TT là viết tắt của Thái Thanh, cũng tương tự như MM là viết tắt của Marilyn Monroe hay BB là viết tắt của Brigitte Bardot vậy! ♥ ♥ ♥ Hình bên dưới đây: Thái Thanh trên một chiếc thuyền buồm, hồ Xuân Hương, Đà Lạt, 1953. Bên thềm năm mới, hãy nghe lại một số bài nhạc xuân do Thái Thanh trình bày! 😀😀😀

Bến xuân - Thái Thanh 
Bến xuân xanh - Thái Thanh 
Đêm xuân - Thái Thanh 
Hoa xuân - Thái Thanh 
Xuân ca - Thái Thanh 
Ly rượu mừng - Thái Thanh 
Xuân họp mặt - Thái Thanh 
Xuân nghệ sĩ hành khúc - Thái Thanh 
Xuân tha hương - Thái Thanh 
Xuân và tuổi trẻ - Thái Thanh 

trương chi

Thi thoảng lại thích nghe đủ các loại mùi ngũ cung – pentatonic hoà lẫn vào nhau trong những tác phẩm của nhạc sĩ Văn Cao, thích nhất là những đoạn chuyển bất chợt qua ngũ cung Trung Hoa rồi về lại ngũ cung Việt Nam… Nhạc Văn Cao (giai đoạn đầu) phức tạp theo một cách mà không ai khác làm được, cái phức tạp thoáng thoáng mơ hồ của một distinctive genius.

Trương Chi – Thái Thanh 
Khối tình Trương Chi – Thái Thanh 

Các nghệ sĩ lớn gặp nhau ở những… chủ đề lớn: Trường ca sông Lô của Văn Cao đứng vào hàng tuyệt tác, nhạc sĩ Phạm Duy cũng có bài Tiếng hát sông Lô cũng hay nhưng không bằng. Văn Cao có bài Thiên Thai, Phạm Duy cũng có Tiếng sáo Thiên Thai chưa sánh ngang được. Văn Cao có Trương Chi thì Khối tình Trương Chi của Phạm Duy vẫn còn kém thua.

Tuy vậy cá nhân tôi lại thường thích nghe Khối tình Trương Chi hơn là Trương Chi của Văn Cao, nhạc Phạm Duy có một cái mùi ngũ cung Việt Nam thuần khiết, nguyên bản không pha, không lẫn đâu được. Nhiều người đã ước giá như Văn Cao được sống trong một không gian khác…

Ví von một cách tương đối, nếu xem Phạm Duy như Lý Bạch của Tân nhạc, thì Văn Cao chính là Đỗ Phủ vậy, còn từ quan điểm âm nhạc đại chúng thì Bạch Cư Dị, ta cũng biết là ai đó rồi! Có người đùa bảo giờ ai mà đi thích nhạc ngũ cung thì tức là… cũng ngu 😀. Ai khôn thì mặc, tôi cứ mãi “cũng ngu” như thế!

văn cao – hải quân việt nam


Nếu nhạc sĩ nói chung là những con người mơ mộng thì Văn Cao là con người mơ mộng siêu việt. Ông toàn mơ về những thứ mà mãi 60, 70 năm sau chúng ta mới bắt đầu có 😬! Có 5 bài hát được viết trong những năm 1944, 1945, trước Cách mạng tháng 8. Ngoài Tiến quân ca đã được chọn là quốc ca thì Bắc sơn là bài ca viết cho các đội du kích, Chiến sĩ Việt Nam là ca khúc cho các chiến sĩ bộ binh, Hải quân Việt NamKhông quân Việt Nam là hai bài hát cho hải quân và không quân.

Hải quân Việt Nam 
Không quân Việt Nam 

Quốc ca được viết khi tác giả Văn Cao chỉ mới nghe phong phanh về mặt trận Việt Minh, còn những bài ca cho hải, lục, không quân thì được viết khi bộ binh còn là những guerrilla bands, còn hải quân và không quân hoàn toàn chưa có một chiếc canô hay tàu lượn nào, chưa nói đến những máy bay hay tàu chiến hiện đại. Mãi gần 70 năm sau khi hai bài ca được viết, VN mới bắt đầu có cái có thể gọi là Hải quân.

Việc Nga bán cho VN 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo, cộng với những tàu chiến đã và đang được đóng tại xưởng Ba Son (theo hợp đồng chuyển giao công nghệ từ Nga) đã chính thức hoá những tin tức đồn thổi lâu nay về việc thành lập Hạm đội biển Đông bao gồm khoảng 30 chiến hạm tương đối hiện đại, 6 tàu ngầm (Kilo-class submarine là lớp tàu tiên tiến) và vài chục máy bay đời mới. Thảo nào dạo gần đây, đài báo nói về biên giới, Trường Sa, Hoàng Sa có vẻ rõ ràng mạnh bạo hẳn lên, có đâu cứ “giấm giúi” như trước mãi!

mai hương


Sau Thái Thanh, Hà Thanh, ca sĩ pre75 tôi yêu thích nhất, không phải là Khánh Ly hay Lệ Thu mà là… Mai Hương. Điểm lại một chút tình hình âm nhạc trước 75, đây quả là thời kỳ “trăm hoa đua nở”: ngoài hoạt động ở các phòng trà, vũ trường, nhạc sĩ, ca sĩ thường được bảo trợ bởi các đài phát thanh, truyền hình. Ngoài ra băng đĩa cũng được phát hành với số lượng không nhỏ (tôi sẽ còn đề cập đến hoạt động thu âm trong một post sau).

Trương Chi (Văn Cao) 
Khúc hát sông Thao (Đỗ Nhuận) 

Mai Hương là con của hai nghệ sĩ Phạm Đình Sỹ và Kiều Hạnh, là cháu gọi bằng cậu của Hoài Bắc (Phạm Đình Chương) và Hoài Trung (Phạm Đình Viêm), và cháu gọi bằng cô của Thái Hằng, Thái Thanh. (Ảnh trên: ban nhạc Tuổi Xanh, Mai Hương là cô con gái lớn đứng bên cạnh bố mẹ, click vào ảnh để xem phiên bản đầy đủ).

Cũng như Hà Thanh, Mai Hương là ca sĩ hát đài, chứ không hát phòng trà. Tuy không có những phẩm chất đặc trưng riêng như Thái Thanh hay Hà Thanh, Mai Hương có giọng hát thanh, tự nhiên như mây bay nước chảy (hãy thử nghe lại giọng ca Mai Hương qua tác phẩm Hoàng Hạc tịch dương).

mùa xuân đầu tiên

Thêm một bài trong chuỗi những điệu valse chào xuân. Một bài hát mà ai cũng biết: Mùa xuân đầu tiên. Mùa xuân đầu tiên là mùa xuân nào? Xin thưa đó là mùa xuân 1976, 20 năm kể từ sau vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, nhạc sĩ Văn Cao mới sáng tác trở lại. Và cũng mất chừng ấy thời gian nữa để bài hát được chính thức công bố với công chúng (năm 1996 với tiếng hát Thanh Thuý).

Mùa xuân đầu tiên - Thanh Thuý 

Mà tại sao lại gọi là Mùa xuân đầu tiên, tại sao lại là năm 1976, tại sao lại có những lời ca: từ đây người biết yêu người, mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu…? Thật tội nghiệp con người nghệ sĩ Văn Cao, ông mong mỏi rằng mọi khổ đau đã qua đi, trong khi thực sự chúng mới bắt đầu!

Một vài bìa nhạc Văn Cao:

bến xuân

Chuyện về ca khúc Bến xuân kể ra đây nghe như một giai thoại, nhưng lại là chuyện hoàn toàn có thật. Chuyện về mối tình giữa nhạc sĩ Văn Cao và người đẹp Hoàng Oanh. Một chương trình truyền hình, tôi quên mất là chương trình nào, phỏng vấn Văn Cao và Hoàng Oanh và kể lại mối tình giữa hai người.

Ngày ấy hai người yêu nhau, nhưng cùng yêu người đẹp Hoàng Oanh còn có ca sĩ Kim Tiêu và nhạc sĩ Hoàng Quý (tác giả Cô láng giềng), hai người bạn thân của Văn Cao trong ban nhạc Đồng Vọng nổi tiếng đất cảng Hải Phòng một thời. Nhưng khi cưới, nhà cô Hoàng Oanh thách cưới quá nặng, chỉ có một người đáp ứng đủ yêu cầu và cưới được người đẹp, đó là nhạc sĩ Hoàng Quý.

Bến xuân - Hà Thanh 

Cô Hoàng Oanh vì áp lực gia đình không thể làm khác, nhưng vẫn đến thăm Văn Cao một lần cuối, đó là nguyên lai lời ca: nhà tôi bên chiếc cầu soi nước, em đến tôi một lần… tới đây chân bước cùng ngập ngừng, mắt em như dáng thuyền soi nước…. Mối tình rất đẹp, đến nỗi làm lời cho ca khúc Bến xuân này, có sự tham gia của ít nhất hai nhạc sĩ tài năng là Văn Cao và Phạm Duy. Tôi trích đây lại nguyên văn lời tỏ tình thô mộc của nhạc sĩ Văn Cao: ước gì anh có em để hằng ngày em quạt cho anh sáng tác, em vá quần thủng cho anh, làm mẫu cho anh vẽ 😬.

Mời các bạn nghe Bến xuân qua trình bày của Hà Thanh, muốn biết giọng Huế xưa như thế nào, có lẽ tốt nhất hãy nghe giọng ca ngọt ngào của ca sĩ Hà Thanh (nhất là bài ca Ai lên xứ hoa đào – Hoàng Nguyên).

thiên thai

Anh Ngọc (đứng giữa) và ban nhạc Tiếng Tơ Đồng trình bày ca khúc Thiên Thai.

Xin giới thiệu đến các bạn một bản thu âm hiếm, ca khúc Thiên Thai của nhạc sĩ Văn Cao. Tham gia trình bày ca khúc này có nhiều nghệ sĩ tài danh: Anh Ngọc (giọng nam chính), Thái Thanh (hát bè nữ chính) và những thành viên của ban nhạc Tiếng Tơ Đồng vang bóng một thời: Mai Hương, Kim Tước, Quỳnh Giao, Hà Thanh, Bạch La, Hoàng Oanh…

Tuy chất lượng âm thanh không thật tốt (do thời gian và do cả kỹ thuật studio lúc bấy giờ), nhưng bản thu âm này thể hiện một trình độ hợp xướng điêu luyện: “tiếng hát trượng phu” Anh Ngọc với phần hát bè nữ (gồm toàn những ngôi sao) phong phú, biến hóa. Và cả phần hòa âm tài ba do chính nhạc sĩ Hoàng Trọng thực hiện.

Thiên Thai - ban Tiếng tơ đồng 

Nếu bỏ qua những yếu tố kỹ thuật, mà chỉ tập trung vào “dáng nhạc”, các bạn sẽ nhận thấy một điều: trình độ thẩm âm, khả năng sáng tạo của lớp nhạc sĩ trước thật tuyệt vời. Chỉ vì thiếu hiểu biết nên một số người bây giờ mới đánh đồng nhạc này với những loại nhạc của Chế Linh – lính chê, Chế Thanh – thánh chê 😀… dưới cái tên nhạc vàng.

Phải chăng âm nhạc đương đại của chúng ta, dù có rất nhiều điều mới, vẫn yếu kém ở những điểm cốt yếu nhất!? Thật là điều đáng buồn về khả năng thẩm âm khi mà những nhạc sĩ, nhạc công nhạc cổ truyền bây giờ (như Nhã nhạc, Ca trù…) đã và đang chơi nhạc ngũ cung với tai nhạc thất cung, không những không hiểu được những tinh túy của âm nhạc ngũ cung và phát triển được cái vốn mình có, mà còn làm nó mai một thêm.