Nhân chuyện nhiều VĐV Việt Nam dành được huy chương với bộ môn Jiujitsu tại ASIAD 2018 vừa qua… Jiujitsu dịch từ Kanji – tiếng Nhật sang âm Hán Việt chính là Nhu thuật, vậy nó khác với Nhu đạo – Judo như thế nào!? Ở Nhật Bản, ít nhất là từ gần 100 năm nay, đã có sự phân biệt rõ ràng, ví dụ như: Kendo là Kiếm đạo, Kenjutsu là Kiếm thuật, Judo là Nhu đạo, Jiujitsu là Nhu thuật, Aikido là Hiệp khí đạo, Aikijutsu là… Hiệp khí thuật… tương tự cho nhiều môn võ khác.
Chuyện bắt đầu khi Nhật Bản tiến hành hiện đại hoá các môn võ cổ truyền cách đây non 100 năm: chuẩn hoá, hệ thống hoá các bài bản, đồng thời loại bỏ các đòn thế nguy hiểm, dể gây chấn thương, chết người (các kiến thức đó được bảo lưu trong phần Thuật). Các võ sinh sẽ không được dạy những đòn thế nguy hiểm cho đến khi họ đạt đến một trình độ nhất định. Khi đó, xuất phát từ Đạo, họ sẽ bước chân vào Thuật, và khi đã đi thật xa trên con đường Thuật, đến một lúc họ sẽ… quay trở về với Đạo.
Võ học ngày nay đã không còn chức năng chiến đấu sinh tồn như trước, đa số người học là mục đích thể thao, dưỡng sinh. Thế nên đa số chỉ cần Đạo, một số ít các nghề đặc thù như cảnh sát, đặc công… mới cần Thuật. Không nên nghĩ Thuật chỉ là đôi ba đòn thế bí truyền nguy hiểm, lượng kiến thức được xác định là “hạn chế dạy” này thực sự rất khổng lồ. Tương tự, Thái Cực quyền TQ ngày nay là một môn dưỡng sinh, không phải võ chiến đấu, còn những ai muốn tìm hiểu sâu hơn, xin mời lên núi Võ Đang!
Thuật và Đạo giống như hai mặt của một đồng xu, tuy hai mà một, tuy một mà hai. Nếu như Đạo đặt nặng vấn đề xây dựng những giá trị thể chất và tinh thần con người, thì Thuật lại đi sát với mục đích sơ khai của võ học, đó là để tự vệ hay khống chế đối phương, hay nói thẳng ra, đôi khi là để làm sao giết người nhanh nhất, hiệu quả nhất. Trong trường hợp của Nhật Bản là duy trì phát triển cả hai với hai “trường phái” tuy chung gốc, nhưng hơi khác nhau về phương châm, phương pháp: Thuật và Đạo.
Nếu đã hiểu vấn đề đến đây, thì mới thấy các chiêu trò “thách đấu” võ công, Thái Cực quyền, MMA, etc… mà báo chí cố tình “lăng xê” lâu nay thực ra chỉ là những thứ nhảm nhí, lợi dụng sự “mù mịt” của độc giả để câu view, nguỵ tạo tình huống có vẻ “trớ trêu”, gây sóng gió dư luận vớ vẩn, mà không hề biết “trời cao đất dày” như thế nào! Thực sự thì những điều đó chỉ có một lượng độc giả nhất định ở VN hay TQ, chứ với trình độ dân trí như ở Nhật Bản thì từ lâu họ đã thông suốt, phân biệt được Thuật và Đạo.