bắc hành – 2017, phần 10

ạ Long và Tuần Châu là những khu đô thị mới, được xây dựng rất khang trang và hiện đại, cảnh quan nhìn rất rộng rãi. Hành trình tiếp tục ghé qua Bãi Cháy, vượt cầu Bãi Cháy bắt qua cửa vịnh Cửa Lục để đi về thị xã Hồng Gai cũ, nay là một phường của tp. Hạ Long. Cầu Bãi Cháy nằm trên một địa thế chênh vênh, phức tạp, nối liền hai ngọn đồi cao nơi cửa vịnh, độ tĩnh không 50 m cho thuyền lớn lưu thông, là một cảnh tượng khá ngoạn mục. Dải bờ biển Hồng Gai là một vùng rất rất đẹp.

Một vùng biển nước êm xanh mướt với vô số những hòn đảo nhỏ nằm rải rác cách bờ không xa, như những bức bình phong chắn sóng gió. Trong một giây phút, tôi ước gì mình có thể sắp đặt cuộc sống của mình quanh vùng này, cảnh tượng hoành tráng, đẹp không thua gì dải bờ biển Phan Thiết – Cam Ranh, nhưng lại có nét đặc sắc rất riêng. Cảnh quan này thật đúng là: Nhận nước trăm sông sóng cuộn đầy, Núi bày cờ thế, biếc liền mây… (thơ của vua Lê Thánh Tông khắc trên núi Bài Thơ).

Quá Hồng Gai một chút, đoạn bắt đầu của vịnh Bái Tử Long, đã thấy dấu vết của những vùng khai thác than, tàu chở than đậu san sát trên mặt vịnh. Ven bờ là những nhà máy “tuyển than”, bụi than đen bám khắp sông ngòi phố xá. Nhưng khai thác xuất khẩu than đã bị hạn chế lại đáng kể những năm gần đây, không còn dạng xuất than vô tội vạ đi Trung Quốc, chính sách chung là để dành than cho những nhà máy nhiệt điện đang được xây ven bờ biển Việt Nam suốt dọc từ Bắc vào Nam.

Cứ đi dọc bờ vịnh Bái Tử Long như thế đến thị trấn Cửa Ông, nay là phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả. Rồi từ Cửa Ông, qua một loạt 3 chiếc cầu để ra đảo Vân Đồn. Dọc bờ biển vùng từ Hạ Long đến Cẩm Phả này, có thể thấy khá nhiều di tích lịch sử gắn liền với triều Trần, như đền Trần Quốc Nghiễn, đền Cửa Ông, đền Cửa Suốt, đền Cặp Tiên… Tiếp tục đi dọc bờ biển đến thành phố Móng Cái, ghé thăm đảo Trà Cổ, mũi đất Sa Vĩ, vùng đất địa đầu tổ quốc sát biên giới với Trung Quốc.

Đình Trà Cổ (1461) có kiến trúc tương tự như đình Mông Phụ (Đường Lâm, Sơn Tây), đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) đã ghé thăm trong các chuyến xuyên Việt trước, nhưng có tuổi đời nhiều hơn đến 2, 3 thế kỷ! Trà Cổ do một nhóm lính gốc Đồ Sơn vâng lệnh triều đình ra trấn thủ biên cương lập nên. Một ngạc nhiên đến sửng sờ khi phát hiện ra, cư dân ở đây vẫn còn bảo lưu một giọng nói thô ráp, cứng cáp đặc trưng của vùng Thanh Hoá, khác hẳn với chất giọng mềm mại của miền Bắc!

bắc hành – 2017, phần 9

ang thang dọc bờ biển Cát Bà, gặp một bác ngư dân đang… đóng thuyền. Trò chuyện một lúc thì nhận thấy, chiếc vỏ composite, dày khoảng 6, 7 ly, được đúc hàng loạt, khá chắc chắn ở một nơi khác. Bác ngư dân mua về, tự làm thêm phần mộc (boong, cabin…) và phần cơ khí (máy móc, tời kéo…) để thành chiếc tàu cá như ý. Thử hỏi một vài câu, kiểu như: nếu cái vỏ này thủng thì vá như thế nào, thì biết người ngư dân hiểu về composite và rành rẽ cách làm việc với sợi thuỷ tinh và keo.

Tuy không thích đa số các mẫu thiết kế thuyền trong vịnh Bắc bộ, nhưng phải thừa nhận một điều rằng người ngư dân miền Bắc chịu khó, nhanh nhạy và biết việc hơn hẳn những vùng khác. Người ngư dân miền Trung, miền Nam vẫn còn khá trung thành với gỗ, chưa chấp nhận và hiểu nhiều về composite, hoặc có hiểu nhưng làm chưa đúng. Với tình hình gỗ tốt ngày càng hiếm và đắt như hiện này, thì việc chuyển sang chất liệu composite ở các dạng thuyền nhỏ là xu thế không tránh khỏi.

Quyết định ở thêm ít ngày tại Cát Bà, mua một tour nhỏ một ngày đi thuyền trong vịnh Lan Hạ để quan sát thêm về vùng biển quanh đây. Về cái tên Lan Hạ, thực chất đó là vấn đề thương hiệu, để tránh xung đột với cái tên Hạ Long, thực chất, chỉ có một vùng biển, một vịnh biển duy nhất, mỗi công ty du lịch được quyền khai thác một phần của nó! Hoá ra, đây là điều tuyệt vời nhất tôi được chứng kiến, được trải nghiệm trong suốt cả hành trình này: đi thuyền trên vịnh Hạ Long!

Tàu đưa du khách đi qua những vùng biển nước trong xanh như ngọc, luồn lách giữa hàng trăm đảo lớn, nhỏ đủ mọi kích cỡ. Riêng quần đảo Cát Bà này đã có khoảng hơn 340 đảo lớn nhỏ, nhiều cái chỉ bé như một hòn đá với muôn ngàn hình thù kỳ dị nổi lên giữa biển khơi. Rải rác đây đó là những bãi cát, rạng san hô nho nhỏ, những địa điểm lý tưởng để sau này tôi có thể neo thuyền dựng lều, cắm trại! 😀 Những “thuỷ lộ” xinh đẹp mở ra giữa một “thạch lâm” – khu rừng đá!

Chỉ có một số thằng Tây trẻ với thằng Việt già (+khùng) này mới chèo kayak 5km xuyên qua những hang ngầm và bơi 1km trong cái thời tiết rét căm căm này! Nước biển rất rất lạnh, sau cái sốc nhiệt ban đầu thì mọi việc hoá ra cũng không tệ như tôi nghĩ. Một chút vận động, lại được chèo kayak, lại được vẫy vùng giữa biển khơi! Rời Cát Bá trong luyến tiếc, tôi đáp chuyến phà Gia Luận – Tuần Châu đi về đảo Tuần Châu, rồi chạy về thành phố Hạ Long qua cầu nối đất liền với đảo!

bắc hành – 2017, phần 8

ồ Sơn là một bán đảo dài và hẹp, có địa thế rất đẹp, giờ đây đã san sát rất nhiều những khu du lịch, nghỉ dưỡng, nhà hàng và khách sạn. Chỉ chạy một vòng quanh bán đảo, chú ý quan sát địa thế khu vực này, mũi đất nằm giữa hai con sông Văn Úc và Lạch Tray. Sông ngòi miền Bắc thường ít phù sa hơn miền Nam, nên các bãi bồi và rừng ngập mặn cũng thường nhỏ hơn. Biển Đồ Sơn đa phần là bãi cát trắng, nước không được trong lắm, đôi chỗ cũng có bãi bồi với chút ít phù sa và rừng ngập mặn nhỏ.

Điều đáng lưu ý là rừng ngập mặn ở phía Bắc này cũng thường nhỏ và thấp hơn ở miền Trung & miền Nam, những bụi cây chỉ thường cao ngang cỡ đầu người. Những chi tiết cũng rất quan trọng nếu sau này có phải cắm trại hay kéo thuyền lội qua rừng 😀. Trời đã quá trưa xế chiều nên chạy gấp cắt ngang qua thành phố Hải Phòng để đi về bến phà Đình Vũ – Ninh Tiếp qua đảo Cát Hải, chạy xuyên qua đảo Cát Hải để bắt chuyến phà cuối bến Gót – Cái Viềng để ra đảo Cát Bà.

Cầu Tân Vũ – Lạch Huyện nối thành phố Hải Phòng với đảo Cát Hải đang trong giai đoạn xây dựng cuối nhưng vẫn chưa thông xe. Tuy mất hai lần phà để đến được Cát Bà nhưng quan sát thấy giao thông tương đối thuận lợi, đảo lại nằm không xa đất liền, nên đoán rằng du lịch ở đây sẽ rất phát triển. Nhưng phải đến sáng hôm sau mới quan sát được bình minh đang lên trên thị trấn Cát Bà, một khung cảnh tuyệt đẹp hiện ra, bờ vịnh kín gió, nước xanh như ngọc, tàu bè neo đậu thanh bình.

Cát Bà là nơi du lịch rất phát triển, cung cách của người làm du lịch nơi đây (tuy vẫn còn khá chanh chua 😀) cũng đã khá chuyên nghiệp. Kêu một ly cafe ngồi phè bên bờ vịnh hóng gió, nhìn ra khơi xa, thời tiết tuy khá lạnh nhưng đã có nắng và không mưa, rồi chạy xe xuyên qua rừng Quốc gia trên đảo về phía bến phà Gia Luận, cũng là một khung cảnh rất đẹp. Điểm nhấn trong ngày là lên điểm cao 177, pháo đài Thần Công ngắm toàn cảnh thị trấn, một cảnh tượng đẹp đến ngây người.

Hàng chục, hàng trăm hòn đảo nhỏ thu vào trong tầm mắt, và qua chiếc ống nhòm đặt tại quán cafe trên điểm cao, có thể quan sát hoạt động chi tiết của rất nhiều tàu thuyền cách xa hàng chục cây số, những điều không thể trông thấy bằng mắt thường. Pháo đài này là một công trình khá quy mô xây thời chống Mỹ, kiểm soát một vùng biển rộng lớn. Nhiều điểm đã mở cửa, nhưng tôi ngờ rằng, nhiều hầm ngầm âm trong lòng núi vẫn bị đóng cửa không cho du khách tham quan.

bắc hành – 2017, phần 7

hị trấn Quất Lâm không phải chỉ có điều mà ai cũng biết tới, thực sự đây là một cảng cá, vùng nuôi trồng thuỷ sản và là nơi đóng tàu khá lớn. Những con tàu cá đóng bằng gỗ ở đây nhìn khá bắt mắt, được đóng theo một lối nửa hiện đại, nửa truyền thống, nghĩa là vẫn xây dựng một số (khá ít) khung cơ bản trước rồi mới ghép ván vào, nhưng tàu hoàn toàn không có ki (sống lưng), chỉ có một ít đà, sống ở gần mũi và gần đuôi để chịu lực, ở dưới đáy tàu chỉ có duy nhất một lớp ván gỗ.

Từ Quất Lâm, tiếp tục đi dọc theo triền đê biển đến vườn quốc gia Xuân Thuỷ. Lại là những hệ thống đê điều, cống, ngòi… thể hiện sự dày công tạo tác của con người. Ngoài cũng phía biển là những bờ kè chắn sóng, trong một chút là những bãi bồi với rừng ngập mặn xen lẫn với bãi cát. Trong nữa là đê biển, có nhiệm vụ ngăn mặn, với nhiều cống xả nước từ sông ra. Bên trong đê là vùng nuôi tôm, trong nữa là vùng trồng lác, cói (dệt chiếu), trong nữa mới đến vùng trồng lúa và những loại hoa màu khác!

Một phát hiện rất đáng ngạc nhiên về sự sáng tạo của người ngư dân, lần đầu tiên tôi thấy ghe biển chạy máy mà có cái xiếm – centerboard (thanh gỗ màu đỏ, hình 5, 6) như ghe buồm! Trò chuyện với một bác ngư dân và xác nhận đó chính là cái xiếm, đâm xuống rất sâu đằng mũi ở vị trí ngay sát mớn nước. Và không phải chỉ có một chiếc, thuyền đi biển vùng này đồng loạt đóng như thế. Có thể vì cấu trúc thuyền đáy tròn, thân ngắn và rộng nên cần xiếm để cho bớt lắc và đi thẳng hơn.

Từ Giao Thuỷ, qua phà Cồn Nhất bắc qua sông Hồng, bên kia đã là tỉnh Thái Bình. Mất một vài giờ đi lạc trong cái ma trận những cầu cống, đê điều và sông ngòi này… những hệ thống đường phức tạp mà Google Map chưa kịp cập nhật đến. Cũng phải nói thêm rằng, đồng bằng Bắc bộ, mà điển hình là tỉnh Thái Bình, đã đô thị hoá cao độ, nhiều nơi không thể phân biệt đâu là nông thôn, đâu là phố thị… nhà cửa và công trình xây dựng san sát. Loay hoay một hồi mới đến được thị trấn Tiền Hải.

Rồi qua sông Trà Lý, sông Diêm Hộ đi về thị trấn Diêm Điền, là một thị trấn biển nhỏ, nhưng có một vẻ “miền Nam” đáng kinh ngạc, có thể dễ dàng tìm thấy những đồ ăn thức uống phổ biến của phía Nam ở đây: cà phê, cơm tấm, bánh xèo, chè Huế, etc… Rồi từ đây, qua sông Hoá (một nhánh của sông Thái Bình) là đã vào địa phận Hải Phòng, dừng lại một lúc để mua một ít thuốc Lào Tiên Lãng 😀, rồi lại theo tỉnh lộ 354 qua cầu Khuế (sông Văn Úc), theo tỉnh lộ 402 đi về phía bán đảo Đồ Sơn.

hạ long

hiều nhiều con trăng về trước, tự dưng có mối quan tâm đến nhiếp ảnh, thằng này nghĩ rằng mình có những khả năng nhất định với những nghệ thuật “tĩnh” của thị giác như hội hoạ, nhiếp ảnh, đồ hoạ… Trên chuyến tàu Hạ Long này, gặp một ông già người Ý, ông ấy đem theo một “tấn” dụng cụ để sáng tác.

Thấy có một số máy medium – format, không phải chỉ là những loại full – frame DSLR bình thường. Đứng trên boong tàu này, nhìn ra chân trời, như một sự chế nhạo hài hước, giấc mơ nhiếp ảnh đã tan như bọt nước! Một ngày nào đó, có thể là 30, 40 năm nữa, có thể cũng sẽ loay hoay chụp hình như ông già kia. Nhưng ko phải bây giờ, vị trí của mình bây giờ phải là ở đâu đó trên lưng những con sóng! 😀

bắc hành – 2017, phần 6

ây là lần thứ 3 trở lại vùng hạ lưu sông Lam, một dải từ cửa Hội đến cửa Lò (sông Cấm), huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Có những điều khó diễn tả nên lời, nhưng nhìn bến cảng, nơi neo đậu thuyền, cách tổ chức đường sá đi lại, có một cái gì đó rộng rãi, ngay ngắn, sạch sẽ… thể hiện cá tính có tổ chức của người dân nơi đây. Vùng cửa Hội, tàu bè neo đậu ven sông hay trong những kênh rạch một cách ngay hàng thẳng lối, không dầy đặc lộn xộn như phần nhiều các cảng cá khác của Việt Nam.

Rồi lại chạy dọc ven biển đến Bãi Lữ, cửa Lạch Vạn, thuộc huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Rồi lại lang thang vùng cửa Lạch Quèn, làng muối Quỳnh Long, vùng cửa Còn, nay là thị xã Hoàng Mai, Nghệ An. Rồi theo quốc lộ 36 thăm cảng nước sâu Nghi Sơn, tới đây là đã bước sang địa phận huyện Tĩnh Gia, Thanh Hoá. Bỏ qua một đoạn từ Sầm Sơn, thành phố Thanh Hoá (đã thăm thú kỹ trong chuyến xuyên Việt năm ngoái) theo quốc lộ 10 đi về hướng thị trấn Phát Diệm, Ninh Bình.

Từ Phát Diệm, qua đò Mười và đò Cau, hai chuyến phà nằm rất gần nhau băng qua sông Đáy và sông Ninh Cơ là đã vào địa phận tỉnh Nam Định. Trong chuyến xuyên Việt năm trước, đã tham quan kỹ vùng Phát Diệm, và cũng đã để ý phần nào đến hệ thông sông ngòi, kênh rạch, cống ngăn mặn và tưới tiêu thuỷ lợi nơi đây. Nhưng càng đi sâu vào vùng duyên hải của các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình… mới cảm nhận được hết tầm vóc và quy mô của các công trình thuỷ lợi này!

So với miền Nam, thì sông ngòi kênh rạch vùng này không thể bì được về độ lớn và độ phức tạp. Nhưng so về các công trình tạo tác của con người: đê, kè, đập, cầu, cống, ngòi… bao nhiêu thế hệ đã dày công xây dựng, thì nơi đây quả thật đáng kinh ngạc. Những công trình thuỷ lợi lớn như thế này thể hiện một đời sống cộng đồng lâu đời, có quy hoạch và tổ chức nghiêm chỉnh, có sự phân công lao động chi tiết, có những luật lệ, quy ước rõ ràng về đời sống, về tổ chức làng trên xóm dưới.

Thêm nhiều điều đáng suy nghĩ về cuộc sống của đồng bằng Bắc bộ xưa, những lề luật, khuôn khổ của nó, những mâu thuẫn giữa duyên hải và nội địa, giữa trung ương và địa phương, giữa nhu cầu duy trì ổn định cộng đồng và nhu cầu sáng tạo, phát triển những cái mới. Vùng duyên hải Bắc bộ này cũng có nhiều làng Công giáo lâu đời, nhà thờ mới cũ mọc lên san sát… Hành trình tiếp tục đi ven biển, về hướng nhà thờ đổ Nam Định, thị trấn Quất Lâm và vườn quốc gia Xuân Thuỷ.

cát bà

hỉ một số thằng Tây trẻ & thằng Việt già (+khùng) mới chèo kayak 5km, bơi 1km trong cái thời tiết rét căm căm này. Một trãi nghiệm cực kỳ thú vị, sau cái sốc lạnh ban đầu thì mọi việc cũng ko đến nỗi tệ lắm. Cát Bà quá tuyệt!! Leo lên pháo đài Thần Công (điểm cao 177) ngồi uống cafe ngắm toàn cảnh thị trấn, hay đi thuyền trong vịnh Hạ Long… Rồi sẽ có một ngày, tự ta sẽ chèo qua bằng hết những thuỷ lộ này!

composite boat

ù không thích các mẫu ghe thuyền trong vịnh Bắc Bộ, nhưng phải thừa nhận một điều: ngư dân miền Bắc chịu khó, nhanh nhạy và biết việc hơn hẳn các vùng khác. Cái vỏ composite dày khoảng 6, 7 ly, được đúc hàng loạt ở một nơi khác, người ngư dân mua về, tự làm thêm phần mộc (boong, cabin…), phần cơ khí (máy, chân vịt, tời…) để tạo thành chiếc ghe như ý.

Thử hỏi vài câu, kiểu như: “nếu cái vỏ này thủng thì vá làm sao”… là biết ngay người ngư dân rành rẽ cách làm việc với sợi thuỷ tinh và keo (polyester resin?), không như đa số ngư dân miền Trung & miền Nam (không kể thợ đóng tàu chuyên nghiệp) vẫn còn trung thành với gỗ, chưa biết nhiều về composite, hoặc có biết, nhưng vẫn chưa được thành thạo chuyên nghiệp lắm…

bắc hành – 2017, phần 5

ột cuộc gặp gỡ trên đường, ven đầm Đề Gi, Bình Định, một bác già ngoài 60 tuổi, tự giới thiệu là ngư dân (!?), bề ngoài nhìn lam lũ, nhưng nét mặt sắc sảo, tinh anh khác người. Nói chuyện trên trời dưới đất một hồi thì mình phát hiện ra bác ấy hiểu chi tiết về đội hình 1 hàng dọc, đội hình 2 hàng dọc, chiến thuật cắt mặt hình chữ T (crossing the T) cùng một lô một lốc những chiến thuật hải quân cổ điển khác… Ôi má ơi, tôi không tin một người ngư dân bình thường lại có được những kiến thức ấy!

Một cuộc trò chuyện khác, bác thợ đóng thuyền bên bờ vịnh thắc mắc: “Trông chú giống người gốc Chà Và?”, trả lời: “Dạ không, em Việt 200% mà”. Nhủ thầm trong bụng: mịa, đúng là ông đây có 1 chút “da nâu, rậm râu, sâu mắt” (Chà Và) thật, nhưng… luận về mô – đen của đàn ông Việt cách đây non 1 thế kỷ, cũng trên dải đất Trung Trung bộ này, không tin xem lại ảnh các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Phan Khôi, Phan Thành Tài, etc.. thì sẽ thấy toàn là “phường” “da nâu, rậm râu, sâu mắt” cả đấy! 😀

Từ Bình Định trở ra Bắc, tôi xem như “miền đất cũ”, nơi quá trình di dân định cư đã có một truyền thống lâu đời, làng xã có tổ chức sản xuất quy cũ hơn hẳn. Tuy vậy, những cảnh quan thiên nhiên đa phần không còn nguyên sinh, rừng cây đa số là rừng tái sinh, mới trồng lại đều tăm tắp, không có được vẻ tự nhiên như các vùng Ninh Thuận, Bình Thuận. Một ngày gió mùa Đông Bắc giảm bớt giúp có thể “thăm dò” thêm một đoạn đường ven biển bắt đầu từ phía Bắc của tp. Quy Nhơn đến Tam Quan.

Cửa sông Lại Giang với một cồn cát dài và hẹp chắn ngang chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, cửa sông Tam Quan là một cảng cá lớn, đi sâu vào trong cảng cá xem xét cách tổ chức sinh hoạt. Rồi chạy tiếp qua bãi biển Sa Huỳnh, qua Đức Phổ, Mộ Đức, tp. Quảng Ngãi, rẽ phải đi về phía cảng Sa Kỳ và khu công nghiệp Dung Quốc. Đến đây, thời tiết càng trở nên lạnh và mưa, nên tăng ga chạy nhanh qua Tam Kỳ, Đà Nẵng, Huế, Đông Hà và Đồng Hới, đây là những vùng đất đã biết khá rõ.

Hình thứ 4: chụp gần địa đạo Kỳ Anh, Tam Kỳ, Quảng Nam, 1 đoàn xe đạp hơn 20 người Hàn Quốc, đi dọc theo QL1, đa số là trẻ, chỉ có 1 số ít già. Sau lưng mỗi người có buộc 1 mảnh vải in dòng chữ: “I’m sorry Vietnam”, họ đang gởi đi 1 thông điệp… Biết rằng thời tiết mưa dầm rét buốt này còn tiếp diễn cho đến quá Quảng Bình, Hà Tĩnh, nên tiếp tục bỏ qua nhiều vùng đất chạy đến Nghệ An. Lúc này thời tiết đã hết mưa, chỉ còn lạnh khô, đây rồi cửa sông Lam rộng mở, một vùng đất mà tôi rất ưa thích!

xiếm

gạc nhiên nhất trong ngày, lần đầu tiên thấy ghe biển chạy máy mà có cái xiếm – centerboard (thanh gỗ màu đỏ) như ghe buồm!!! Đã nói chuyện với một bác ngư dân và xác nhận đó chính là cái xiếm, đâm xuống đằng mũi ở vị trí ngay sát mớn nước. Và không phải chỉ có một chiếc, thuyền đi biển vùng này đồng loạt đóng như thế. Có thể vì cấu trúc thuyền đáy tròn, thân ngắn và rộng nên cần xiếm để cho bớt lắc và đi thẳng hơn. Hình chụp đâu đó giữa thị trấn Quất Lâm và vườn quốc gia Xuân Thuỷ – Nam Định…