Từ lâu tôi có một suy nghĩ, ẩn dụ vui vui về software engineering. Nay tìm được một bài viết tương tự ở đây, người ta cũng nghĩ như mình, và diễn đạt tốt hơn. Không có cách nào khác hơn là dịch lại nguyên văn bên dưới.
Có ba “lực lượng” hoàn toàn khác biệt có liên quan đến những giai đoạn hình thành và phát triển của một công ty, đó là: “biệt kích”, “bộ binh” và “cảnh sát”.
Biệt kích
Khi xâm chiếm một vùng lãnh thổ (hay thị trường), lực lượng tham chiến đầu tiên thường là các nhóm biệt kích. Như Stephen Wozniak và Steve Jobs của Apple, Don Estridge của IBM PC, Mitch Kapor và Jonathan Sachs của Lotus 1-2-3… là những nhóm biệt kích. Nhảy dù vào sau lưng địch, đổ bộ bí mật lên bờ, gây ra thật nhiều thiệt hại cho đối phương, đặt đầu cầu cho những cuộc tấn công tiếp theo là công việc của biệt kích. Họ làm điều đó bằng cách tạo ra những mẫu hình sản phẩm mà ý tưởng sáng tạo của chúng xuất sắc đến nỗi những sản phẩm tương tự không có cách nào khác hơn là thua cuộc và bị đào thải.
Với hầu hết các loại sản phẩm, “biệt kích” là nhóm duy nhất có quyền sáng tạo: đẩy công nghệ tới những giới hạn mới, tìm ra những khách hàng tiềm năng, và xem quá trình phát triển như một cuộc phiêu lưu. Tuy vậy, cái họ làm ra được còn lâu mới có thể gọi là sản phẩm, chúng thường có những điểm yếu chết người mà cá tính “biệt kích” khó lòng nhận ra được.
“Biệt kích” thường chóng chán. Tôi (ND: tác giả) nhớ lại cuộc phỏng vấn đội trưởng một đội biệt kích Hoa Kỳ sau khi đổ bộ vào Panama: Chẳng có gì thần kỳ! Chúng ta vẫn còn đang ở đây! Một đôi khi nhóm biệt kích đâm chán nản ngay cả khi mẫu sản phẩm đầu tiên vẫn chưa xuất hiện, lúc đó đành phải chờ đến khi họ có hứng thú trở lại (hay là thuê một nhóm biệt kích khác). Một ví dụ: Ron Crane, trưởng nhóm “biệt kích” tại 3COM Corp, công ty sản xuất card Ethernet trước tiên, khi đang thiết kế card này, Crane phát chán và bỏ đi nghiên cứu hiệu ứng phản xạ âm thanh trên trần nhà công ty. Mọi người đành phải chờ cho đến khi Crane kết thúc việc nghiên cứu, thiết lập nên chuẩn nội thất mới cho công ty, tiếp tục với card mạng và đưa 3COM lên mức lợi nhuận 900 triệu.
BỘ BINH
Biệt kích là người tạo bước đột phá đầu tiên, tuy vậy hầu hết mọi cuộc chiến (hay thương vụ) đều là chiến tranh quy ước. Tiếp theo sau biệt kích, lực lượng bộ binh tấn công với số lượng lớn để phát triển hơn nữa những lợi thế có được ban đầu. Thử nghiệm, cải tiến, sản xuất, tiếp thị sản phẩm dựa trên nguyên mẫu ban đầu và bắt đầu thu về lợi nhuận. Nếu biệt kích sáng tạo những cách mới đề làm bị thương đối thủ, bộ binh mới thực sự là người kết liễu hoặc đẩy lùi đối phương, chiếm lĩnh trận địa và cắm cờ chiến thắng. Đôi khi, bộ binh cũng phải sửa chữa những sai lầm mà nhóm biệt kích mắc phải. Vì là một tập thể số đông, nhiều người, nhiều loại, bộ binh cần có một cơ chế quản lý, luật lệ phức tạp mà những tay biệt kích giỏi đều cảm thấy không thích hợp.
Cảnh sát
Khi các lực lượng biệt kích và bộ binh đã tiến được về Berlin (hay Baghdad 😀), những vùng đất bị bỏ lại phía sau cũng cần được bình định, quản lý. Lúc đó cần có một đội ngũ cảnh sát: thiết lập cuộc sống dân sự, xây dựng phát triển kinh tế. Cảnh sát thường xem công việc là công việc hơn là một cuộc phiêu lưu, họ ngại thay đổi, chấp nhận phần thưởng ít hơn với những vị trí ít rủi ro hơn. IBM, AT&T… những công ty lâu đời, đa phần thuộc lực lượng thứ 3 này, nhiều khi họ còn không nhớ những thành viên “biệt kích” hay “bộ binh” đầu tiên là những ai.
Thành lập và phát triển một công ty, hay điều hành một dự án phần mềm lớn đều cần dùng đến cả 3 lực lượng này. Dùng sai người (như “biệt kích”) vào sai vị trí (như bảo trì) là một thảm họa. Làm một “biệt kích” nghe thật hấp dẫn, tuy nhiên cũng còn tùy vào tình huống, “biệt kích” cũng có thể gây hại nghiêm trọng cho chính dự án anh ta đang phục vụ.