ma tăng

Quê hương của Đức Phật, tiểu quốc Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu) ngày nay nằm ở Nepal, chồng lấn lên biên giới với Ấn Độ, là vùng cận nhiệt đới chịu ảnh hưởng bởi gió mùa, khí hậu có thể được xem là tương đối ôn hòa, và đất đai thì phì nhiêu màu mỡ. Đây là cơ sở khiến cho đời sống dân chúng không đến nổi quá khó khăn, việc xin một bát cơm, mỗi ngày ăn một bữa, là việc có thể chấp nhận được, để có thể dành thời gian cho việc tu tập! Nhưng khi Phật giáo truyền lên phía bắc, vào Tây Tạng, Mông Cổ, Trung Quốc… thì lại hoàn toàn khác, đây phần lớn là những nơi có khí hậu lạnh giá. Ở những xứ ôn đới, hàn đới, không có quần áo ấm thì chưa chắc sống được qua vài giờ, không có giày mũ bảo vệ đầy đủ thì khó sống qua vài ngày. Còn không có dự trữ lương thực thì không thể sống qua mùa đông.

Do điều kiện như thế nên hình thành văn hóa, người phương Bắc có “bản năng” tích trữ, phòng xa lớn hơn so với người phương Nam. Ở những nơi như thế, ngửa tay xin một bát cơm là người ta nhìn anh như kẻ từ trên trời rơi xuống vậy, đây không phải là chuyện đúng hay sai, chỉ là văn hóa nó thế! Nên khi Thiền tông thành lập ở TQ, họ chủ trương “bất tác bất thực – không làm thì không ăn”, sư cũng làm việc như những người khác! Tuy như vậy nghĩa là thời gian dành cho việc tu tập phải bớt lại, nhưng có thế thì Phật giáo mới hòa nhập được vào với xã hội! Nên khất thực hay không khất thực đều do điều kiện thực tế cụ thể, chứ không mang tính đúng sai gì cả! Còn cái thể loại đi khất thực mà chỉ nhận tiền, không nhận đồ ăn (khất: xin, thực: thức ăn) thì chỉ có thể là ma-tăng mà thôi!