nhớ đồng

Quà xế tại nhà… nhớ thời xa xưa hơn 30 năm về trước, thời quả đất còn chưa nóng như bây giờ, mắc võng trong khu vườn rộng cả hecta sum suê cây lá, ngủ trưa dậy là ngồi hóng gánh hàng đi qua, họ đi dọc con đường theo một giờ cố định: bánh nậm, bánh ít trắng, bánh ít đen, bánh bèo, bánh lọc, bánh ướt tôm chấy, bánh ướt thịt nướng, nếu còn chưa vừa bụng nữa thì làm thêm đĩa bánh khoái! Ăn đẫy rồi đợi chiều mát hẳn đi tắm sông! Đồng tử lục thất nhân – 童子六七人, trẻ con 3, 4 đứa, ôm ống xối từ dưới nước, leo lên nhà hàng nổi trên sông!

Thực khách đang ngồi dưới mái hiên nhà hàng nổi, ngờ đâu có mấy đứa trẻ nghịch ngợm thay nhau nhảy từ trên mái nhà xuống, nước văng tung tóe ướt hết cả, rồi chúng nó cút một hơi, lặn đi đâu mất, không tìm ra được! Chơi chán thì bơi qua cồn Hến bên kia đi bẻ trộm bắp, tay ôm một đống bắp gói trong cái áo, miệng thì hô: Có ai bán bắp không!? Nếu có người xuất hiện thì mình… trả tiền đàng hoàng, còn không thì… cứ thế nhảy xuống sông bơi về đốt lửa nướng bắp! Gì sâu bằng những trưa hiu quạnh, Ôi ruộng đồng quê thương nhớ ơi…

vỹ dạ

Bên cầu Chu Tước cỏ hoa,
Ô Y đầu ngõ, bóng tà tịch dương.
Én xưa nhà Tạ, nhà Vương,
Lạc loài đến chốn tầm thường dân gian.

Chính là Vỹ Dạ trong thơ Hàn Mạc Tử, giữa sông là cồn Hến (tên chữ là Dã Viên), góc trên phải là xóm vương hầu ngày xưa, một kiểu Ô y hạng – ngõ áo đen: 朱雀橋邊野草花,烏衣巷口夕陽斜。Chu tước kiều biên dã thảo hoa, Ô y hạng khẩu tịch dương tà… Tại sao ngày xưa nét đẹp thành huyền thoại, mà ngày nay tuyệt không còn gì cả!? Gần chỗ cây cầu nhỏ bắc qua là nhà ngoại tôi!

Xuống tí nữa là phủ đệ của Tuy Lý Vương, Tùng Thiện Vương. Góc trái dưới là khách sạn Hương Giang, bên cạnh đó là quán bún bò vẫn thường ăn. Ở giữa phía dưới, căn biệt thự 2 tầng ven sông, chỗ nhiều cây là nhà ông Nguyễn Đắc Xuân, người nhờ viết các chuyện thâm cung bí sử nhà Nguyễn, những kiểu “truyện dưới gầm giường” mà xây được căn nhà 5 tỷ (giá của thời cách hơn 30 năm)…

Sông Hương, người ta cho rằng mấy trăm năm trước, nhờ có giống cỏ “thạch xương bồ” mọc 2 ven bờ phía thượng nguồn làm nước sông có mùi thơm (Lý Bạch: Nhĩ khứ xuyết tiên thảo, Xương bồ hoa tử nhung). Giờ thì nước đục ngầu, bốc mùi, không ai dám tắm! Haiza, chỉ còn là thế giới trong tâm tưởng mà thôi: 我有萬古宅,嵩陽玉女峰。Ngã hữu vạn cổ trạch, Tung dương Ngọc nữ phong…

thời xa vắng

Có thời, hành trình Bắc Nam là một quãng trần ai đáng sợ: từ Hà Nội đi Sài Gòn mất hơn 3 ngày 2 đêm, vật vạ trên tàu suốt hơn 60h, chật chội, bẩn thỉu, lưu manh móc túi, đủ trò bài bạc bịp. Tàu chạy siêu chậm, lâu lâu lại thắng gấp, dừng lại, trưởng tàu phát loa kêu gọi quyên góp ủng hộ một nạn nhân xấu xố nào đó vừa không may bị tàu cán qua! Haiza, cái xứ Vịt, cái gì cũng đắt đỏ, chỉ có con người là rẻ bèo.

Con tàu Việt Nam đi suốt mùa vui, qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi… hát thì nghe văn vẻ rứa đó, chứ trước khi vô đèo là phải dừng, gắn thêm một cái đầu máy phụ phía sau (như trong ảnh), hai đầu máy, một đẩy, một kéo, phì phò nhả khói mới lê lết qua được con đèo, qua bên kia lại dừng, cắt cái đầu máy phụ kia ra và tiếp tục hành trình! Đầu máy diesel thời hiện đại bây giờ kéo 50 toa chạy phăng phăng!

nhớ đồng

Đâu gió cồn thơm đất nhả mùi, Đâu ruồng tre mát thở yên vui. Đâu từng ô mạ xanh mơn mởn, Đâu những nương khoai ngọt sắn bùi? Đâu những đường cong bước vạn đời, Xóm nhà tranh thấp ngủ im hơi. Giữa dòng ngày tháng âm u đó, Không đổi, nhưng mà trôi cứ trôi… Gì sâu bằng những trưa hiu quạnh, Ôi ruộng đồng quê thương nhớ ơi!

14/02/2022

Tìm nàng thuở Dương Đài lối cũ,
Gặp chàng nơi Tương Phố bến xưa.
Sum vầy mấy lúc tình cờ,
Chẳng qua trên gối một giờ mộng xuân.

Nhân chuyện cũ, ngồi nhớ lại những tựa sách thiếu niên phiêu lưu mạo hiểm ngày xưa đã đọc, nhiều không kể xiết, dễ có đến cả trăm tựa sách khác nhau, tất cả đương nhiên là văn học Âu – Mỹ, là từ cái văn hoá biển cả rộng rãi, hàng hải khai phóng mà ra, có rất nhiều truyện đến giờ thậm chí đã không còn nhớ tên, tác giả…

ép dầu

Ký ức tuổi thơ, máy ép dầu thời kỳ “tiền công nghiệp”. Xưa ở làng ép dầu phụng bằng cách như thế này, nhưng cái “máy” ở làng to hơn, và nhìn chỉnh tề hơn, đường kính cả mét, thân cây khoét rỗng ruột, như cái xy-lanh, đậu phụng luộc xong xếp vào trong, một khúc cây tròn làm cái piston, được ép dần dần bằng những cái nêm (wedge) đóng từ trên xuống.

Máy chạy bằng cơm, hai thanh niên khoẻ mạnh đứng trên khúc cây, thay nhau quai búa, chêm hết con nêm này đến con nêm khác, vắt hết dầu thì đậu trở thành “bánh dầu”, bị ép lại cứng như đá luôn! Haiza, cái không gian làng xã ngày xưa, mở miệng ra là: “dạ vâng, xưa bày nay làm”, éo dám nói khác! Ảnh: ép cây sơn ta để lấy dầu làm sơn mài, xảm ghe thuyền…

sinh nhật

Sinh nhật tuổi 41… Ah, mà nói theo Khổng Tử thì đó chính là bắt đầu cái tuổi “tứ thập nhi bất hoặc” – 四十而不惑, chẳng còn hồ nghi, nghi ngờ cái gì nữa! Nhưng “cái gì” là những gì? Nhắc lại một câu khác của ổng đã nhắc tới trước đây: Núi cao ta trông, đường rộng ta đi – Cao sơn ngưỡng chỉ, cảnh hành hành chỉ – 高山仰止, 景行行止…

parkers

Hoài niệm – Nostalgia… nhớ bố H.Ngọc Anh xưa, hiệu phó TV, luôn có 2 cây bút, 1 xanh 1 đỏ, kẹp nơi túi áo. Cái thời người ta may áo sơ-mi nam luôn có cái vòng nhỏ trong túi áo trước ngực, chỉ để kẹp bút, giờ không thấy như thế nữa. Haiza cuộc sống, thời thế đổi thay. Hình dưới: 2 cây Parker quý giá của tui, sắm hẳn cái túi gấm để đựng bút cho khỏi xước! Năm 19xx hồi đó, ngày cuối cùng năm lớp 9, chuẩn bị rời trường cấp 2, ko biết ai còn nhớ, thầy hiệu phó Hứa Ngọc Anh đi thăm từng lớp một (cả thảy có 11 lớp 9), mỗi lớp ổng đều có bài nói chuyện ngắn, đại ý giống nhau:

Các em cố gắng tiếp tục học hành thêm, sau này kiếm lấy một vị trí trong XH, vì tuy là hiệu phó một trường XHCN, nhưng tôi nói thẳng với các em rằng, ko XH nào là ko có giai cấp!” – Đúng người ta nói: “nhứt lé nhì lùn”! Giờ đã thoáng hơn trước nhiều, tại thời điểm đó, nói thế có thể mất chức như chơi, hoặc còn tệ hơn thế! Cái lứa tuổi 13 ẩm ương, giai đoạn “dậy thì”, với một số học sinh, những suy nghĩ như thế là khá sớm, nhưng với một số khác thì… cũng không phải là sớm lắm, cũng đủ gây nên những tiếng cười “khục khục”! Đến tận giờ tôi cũng chỉ phục nhưng ai sống thật được với lòng mình, “bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”…

14/02/2020

Mới có 22 năm…!!! Khách phong lưu đương chừng niên thiếu, Sánh nhau cùng dan díu chữ duyên. Nỡ nào đôi lứa thiếu niên, Quan san cách trở hàn huyên bao đành…

letters

Hai mươi bốn năm xưa, Một đêm vừa gió lại vừa mưa…

Con cháu chúng ta sau này sẽ tự hỏi đây là cái gì, không hiểu ông bà làm cái gì mà phức tạp đến thế! Thời chúng nó, khoa học kỹ thuật sẽ tiến bộ vượt bậc, sẽ không cần đến tin nhắn, điện thoại, các thể loại “confession” chỉ còn là dĩ vãng, chỉ cần nghĩ thôi, là ý tứ sẽ tự động “xuyên không” qua lại giữa chàng & nàng, sẽ không còn khó khăn, khổ sở tràn đầy cả một hộp như chúng ta ngày xưa nữa!

toccata

Toccata, từ tiếng Ý “toccare” – “to touch”, là những khúc nhạc nhỏ, để cho người đánh đàn thể hiện “ngón” (kỹ thuật). Nhớ lại lần đầu gặp pianist ấy, mấy chục năm về trước, đã đề nghị cô ấy chơi Toccata (Gaston Rolland). Kỷ niệm đầu đời, một cái “touch – khẽ chạm” không bao giờ quên!

Cô ấy là tiểu thư con nhà gia giáo, được nuôi lớn bằng chuyện cổ tích, cơm gạo tám thơm và chả giò, bố cô ấy chỉ toàn nghe Bach và Beethoven, nhà treo đầy ảnh danh nhân. Còn tôi chỉ biết biểu diễn âm nhạc bằng cách thọc 2 ngón tay vào mồm… (a.k.a huýt sáo) Mais naïve ou bien profonde!?

ký ức màu nguyên

Ký ức “màu nguyên” tuổi thơ: xác mai vàng hoà với xác pháo đỏ dịp Tết Âm lịch, rải rác đầy ở một nơi nào đó ven bờ sông Hoài, Hội An. Đỏ và vàng, vàng và đỏ, mai và đào, đào và mai. Hãy nhìn vào những lá cờ – – đỏ nhiều vàng ít, hay vàng nhiều đỏ ít, cũng đều là những “màu nguyên” thuần khiết không pha. Hình dưới: bảo vật quốc gia – bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc – sơn mài – hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí.


down to earth

Trở lại không gian một thành phố hãy còn là tỉnh lẻ, hơn 1/4 thế kỷ trở về trước, một Đà Nẵng nhỏ bé, nghèo nàn và lạc hậu. Hàng sáng cứ khoảng 4h là nhiều người dân lại đạp xe 10, 15 km đi tắm biển, bơi lội chán chê đến hơn 6, 7h mới về, chậm rãi ăn sáng rồi thong thả đi làm. Thành phố thời bao cấp, cũng chẳng có mấy công việc, tội gì phải vội!? Thế nên dân chúng giữ được thói quen tập thể dục đúng giờ rất lành mạnh! Một vài người đi bơi, mùa hè cũng như mùa đông, biển êm cũng như khi dông bão, dù trời lạnh cóng, họ vẫn bơi đều đặn hàng chục km mỗi sáng!

Một lối sống cực kỳ “xa xỉ” so với cuộc sống ở Sài Gòn thời bây giờ: mở mắt ra là kẹt đường đầy xe, khói, bụi, chen lấn, dẫm đạp, chửi bới nhau, thời gian ăn sáng chưa chắc có, nói gì đến việc đi bơi 1, 2 tiếng mỗi sáng? Đúng là thói quen “xa xỉ”, đúng là đồ “dở hơi biết bơi”, chỉ có dân “thượng lưu” mới có điều kiện như thế! Tôi vẫn thường luôn nhớ về những tháng ngày xa xưa ấy, những gì rất cơ bản, rất sơ đẳng, tạm gọi là “down – to – earth”, sống gần mặt đất! Những thói quen có ích cho sức khoẻ thể chất và tinh thần, nó tạo ra những con người rất tough – rất cứng!

alma mater mea

Bắc hành 2017 p4

Sitting in the sandpit, life is a short trip… It’s so hard to get old without a cause. Youth’s like diamonds in the sun, and diamonds are forever…

Sơn Trà, chỉ là bán đảo nho nhỏ, đường vòng quanh chưa đầy 60 km. Những năm cấp 2, bọn tôi thường rong chơi ở đây: leo núi, băng rừng, cắm trại, tắm biển… Khi đó chưa có đường nhựa như giờ, chỉ là đường mòn rộng chừng 0.5m làm năm 1979 để đưa pháo cối ra đặt ngoài đó (đề phòng Trung Quốc đổ bộ đường biển). Đến giờ, tôi lờ mờ hiểu ra rằng, đã có những người dành cả đời để bảo vệ một đám xanh nhỏ nhoi như thế, và cũng sẽ có những kẻ tìm cách phá hoại bằng mọi giá.

Tạm dịch: (từ lúc còn) ngồi trong “hố cát”, (đến giờ) cuộc đời chỉ như một chuyến rong chơi ngắn. Thật khó để già đi mà không cho ta một lý do nào. Tuổi trẻ long lanh như kim cương trong ánh nắng, mà kim cương là mãi mãi… Hố cát (sandpit) là cái ô chứa cát ở vườn trẻ, làm để cho trẻ nghịch phá, đào bới, chơi đùa. Dễ có mấy chục năm, hôm nay mới trở lại cái “hố cát” tuổi thơ tôi, nguyên một vùng bán đảo Sơn Trà tuyệt đẹp, cái “hố cát” của một thời nghịch phá, vẫy vùng, mơ mộng.

chuyện cái mo cau

Đã vài thập niên về trước, những làng quê miền Trung nghèo khó, cái mo cau có một công dụng ít người biết và còn nhớ đến… đó là thay giấy. Những ghi chép, khế ước trong thôn xã, hợp đồng, cam kết giữa hai đối tượng dân sự, cứ lấy mo cau mà viết và ký tên lên đó. Nhiều khi kiện cáo ra uỷ ban, cầm cái mo cau đi làm chứng cứ. Chuyện vẫn chưa xa, giờ nghe bàn cách mạng công nghiệp 4.0 cứ như… vịt nghe sấm!

nồi đồng

Ký ức tuổi thơ – ai đã từng ăn cơm nấu trong những chiếc nồi đồng như thế này!? Loại nồi này chỉ được sản xuất trước năm 45, nên nếu có thì tối thiểu là từ đời ông bà để lại. Nồi được đúc bằng đồng, khá dày và nặng, dáng bầu tròn, rất khó múc cơm và cọ rửa, nhưng cũng do cấu trúc bầu tròn mà nhiệt lan toả đều cả bên trên và dưới nên rất ngon cơm.

Những cái “garde-manger” – chạn, tủ đựng đồ ăn bằng gỗ, 4 chân kê trên 4 chiếc bát nước nhỏ nhằm ngăn kiến và riện leo lên. Quá khứ và ký ức phải trôi qua, cuộc sống là phải đi lên phía trước. Nhưng đôi khi vẫn có cảm giác rằng, trong “tâm hồn” và “văn minh” Việt, chúng ta vẫn đang sống tối tăm, lạc hậu như trong một “thời đại đồ đồng” (bronze age) xa xưa…

portrait

It is me, turning exactly 32 years old, graphite on paper, drawn by a senior student of École des beaux arts de Gia Định. Nice painting, I really love it, although the character in the drawing was not in the best mood for a portrait! Just something for me to remember… “the stains of time”.

I’m sorry having to blank out the artist signature, she is a brave one, having chosen the difficult way of becoming an artist, and even among the very small minority who has chosen Vietnamese lacquer painting for her path!

See a large version here.

bánh chưng

Mọi năm, đa số những đồ ăn Tết đều do trong nhà tự làm: bánh, mứt các loại, nem chả, rượu… ngày trước có những năm trong nhà tự làm đến cả chục loại bánh mứt khác nhau, hai ba loại rượu! Thật không có dịp nào để thể hiện khả năng DIY (Do It Yourself) như là dịp Tết!

Nhưng càng năm càng bớt dần, với tất cả mọi người, thời gian càng lúc càng ít lại. Thế nên Tết nhứt cũng bớt về số lượng, bớt luôn cả sự cầu kỳ, những năm gần đây thì chỉ còn làm tượng trưng vài loại. Nhưng cũng mất hẳn một ngày gói và nấu bánh chưng, bánh làm theo kiểu Huế, bé tí ti vừa đủ cho một người trong một lần ăn, kích cỡ mỗi cạnh vào khoảng 10 cm.

Ở Huế có những nhà thậm chí còn làm nhỏ hơn, chỉ khoảng 8cm. Có thể so sánh với cặp bánh chưng làm theo kích thước điển hình kiểu miền Bắc do nhà bên cạnh làm tặng (16 ~ 17 cm). Đem cặp bánh nhà làm tặng đáp lễ thì hẳn người ta sẽ ngạc nhiên phải biết! Bánh chưng làm kiểu miền Nam thậm chí còn có thể to hơn đến 20 ~ 22 cm.

flowers in my garden

Flowers in my garden, we have bamboo, lotus, water lily, pansy, rose, moss rose (vn: hoa mười giờ), night-jasmine (vn: dạ lý hương), water-jasmine (vn: mai chiếu thủy), hydrangea (vn: cẩm tú cầu), lantana (vn: hoa ngũ sắc)… Photo courtesy of my sister, sillygoose82 (click on each thumbnail below to see full image). I’m seeking if they sell a cardinal bird (vn: chim hồng y) somewhere, that would add more to my “color collection”. If anyone know, please kindly inform me!

Hey, don’t just overlook things, beauties are all around you!

bạch mã – 1

Mô hình 3D Google Earth của khu vực Hải Vân – Bạch Mã: từ Đà Nẵng, đi theo lộ 1 – đường đỏ nét liền – đến quá Lăng Cô thì bắt đầu đi bộ lên đỉnh – đường đỏ nét đứt. Click vào ảnh để xem chi tiết.

Đầm Cầu Hai và cửa biển Tư Hiền xa xa, nhìn từ lưng chừng Bạch Mã


Lâu lắm rồi, năm 199x (không nhớ rõ), một nhóm bạn cũ ít gặp, những kỷ niệm lúc nhỏ trở về, một nhu cầu “reconnect & retreat” chợt xuất hiện… thế là một chuyến đi chơi không hẹn lại nên. Ngày 23 tháng chạp âm lịch, nhóm 5 người chúng tôi tổ chức một chuyến dã ngoại lên đỉnh Bạch Mã. Đây gần như là khu bảo tồn thật sự nguyên sinh duy nhất còn lại trên cả VN, và cái quyết định thất thường đi Bạch Mã vào một ngày giáp Tết đã cho phép chiêm ngưỡng nơi này vào mùa đẹp nhất trong năm. Tuy vậy đẹp nhất cũng đồng nghĩa là khó chịu nhất, cái lạnh và ẩm ướt gần như làm kiệt sức mọi thành viên.

Nếu xét riêng từng mặt thì đây không phải là một vùng quá ư đặc biệt, nhưng tính tổng hòa hệ sinh thái: núi, rừng, biển, đầm nước lợ ven biển, và sự đa dạng sinh học kỳ lạ thì nơi đây thật là một cảnh quang diễm lệ có một không hai. Tuy có đường nhựa cho xe chạy nhưng cả nhóm quyết định cuốc bộ, đi theo đường chính, thỉnh thoảng cắt rừng để thăm thú đó đây. Ngày đầu tiên nắng chang chang, lên cao thời tiết mát được thêm chút ít, và thảm thực vật cũng dần thay đổi theo. Đêm đầu tiên cả nhóm hạ trại trên đỉnh thác Đổ Quyên, một ngọn thác hùng vĩ cao hơn 400m, nước tuôn đổ xuống xuyên qua sương mù.

Từ một sườn núi nhìn về thác, có chiếc cầu nhỏ nối hai bờ, uốn hình vòng cung ôm ngọn thác vào giữa. Nhìn dòng nước này không thể không nghĩ đến Lý Bạch: Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên, Dao khan bộc bố quải tiền xuyên… Gọi là thác Đổ Quyên vì có loài hoa đổ quyên mọc đỏ đầy ven bờ, một loài hoa mang nét đẹp quý phái. Rồi những ngọn tùng xuất hiện, hàng trăm năm qua, chỉ có thời gian khắc tạc nên nhiều hình thù cổ quái, nhiều cây mọc bên bờ vực, vươn mình như muốn lao vào khoảng không mù mịt. Cảnh tượng thiên nhiên hoang sơ quả thật quyến rũ lòng người.

Phần lớn những bức ảnh chụp trong chuyến đi bị mất khi lội qua suối Đổ Quyên: chiếc máy ảnh buộc không chặt trôi theo dòng nước, máy thì vẫn lấy lại được, nhưng những khung hình đẹp nhất đã không còn nữa. Những hình ảnh chung chung như thế này không đủ để lột tả vẻ đẹp của rừng nguyên sinh Bạch Mã… những ngọn tùng, những khu rừng trúc mù mịt trong màn sương khói phủ. Về sau xem những trường đoạn trong phim Ngọa hổ tàng long, tôi tự nhủ những hình ảnh trong phim cũng không khác Bạch Mã là mấy, ấy vậy mà chưa có ai bỏ công khai thác kỳ quan Bạch Mã lên phim ảnh.

Càng lên cao, hệ động thực vật càng thay đổi. Từ 1500m trở lên, chúng tôi bắt gặp một cảnh quan ôn đới, những rừng cây khoác một màu áo đỏ hay vàng sáng rực cả không gian. Những cây dương xỉ thân gỗ cao như cây cau, những con giun đất (dài hơn 1m) bò qua lại trên nền rừng ẩm mục. Nhiều thế hệ học trò của kỹ sư lâm nghiệp Nguyễn Hữu Đính (thuộc lứa kỹ sư lâm nghiệp đầu tiên của VN do Pháp đào tạo – một người bạn của gia đình tôi) đã dày công bảo vệ vun xới nơi này, biến nó thành một công viên quốc gia thật sự, nơi nhiều loài thảo mộc, động vật quý hiếm có được không gian sống, được giới thiệu cho chúng ta biết đến. Những năm gần đây nghe nói loài hổ Đông Dương tưởng chừng đã tuyệt chủng đã bắt đầu xuất hiện trở lại ở vùng rừng Bạch Mã.

Đến cuối ngày thứ 2, tình hình thời tiết và sức khỏe đã không cho phép phần lớn thành viên của nhóm có thể xem đây là một chuyến du ngoạn được nữa. Chỉ có tôi là vẫn vừa đi vừa xuýt xoa trước cảnh tượng dọc đường. Trời chuyển bão cấp 9, nhiệt độ tụt xuống 8°C, sương mù dày đặc đến nỗi khó có thể thấy gì trước mặt quá 2, 3m. Mãi cho đến khi “đám tàn quân” đâm sầm vào một khối đen kịt lù lù bất chợt hiện ra trong sương mù thì mới phát hiện ra đó là tòa biệt thự cũ gần đỉnh núi (ảnh bên dưới). Chúng tôi nghĩ lại đêm thứ hai ở đây, đến mờ sáng hôm sau chỉ có tôi và một người nữa leo nốt 300m còn lại để đứng được trên nóc nhà Bạch Mã.

Cái câu nói không có hạnh phúc cuối con đường, chính con đường là hạnh phúc chưa bao giờ trở nên đúng đắn như thế. Đứng trên Wuthering Height mù mịt trong sương, nghe gió gào thét và nghĩ đến những cảnh tượng kỳ vĩ hoành tráng trên đường đã đi qua. Riêng trong đám bạn tôi, có lẽ một vài người tìm được “hạnh phúc cuối con đường” trong một căn phòng (bây giờ là khách sạn), chiếc chăn bông dày cả tấc và bữa cơm nóng cứu đói được các nhân viên gác rừng ở đây hào phóng “ban phát”. Những kỷ niệm về chuyến đi ấy mãi còn lưu lại trong chúng tôi, những trò chuyện tranh luận quanh suốt hành trình, những người “nhất định phải đến”, những kẻ “nhất định phải về”, những người “về cũng tốt nhưng đi tốt hơn”, lại có người “đi cũng tốt nhưng về tốt hơn”.