Truyền thống chân chính không phải là làm lại những
gì người khác đã làm mà là tìm lại cái tinh thần
đã khiến thực hiện nên những đại sự ấy!
(Paul Valéry)
Phạm Duy, ông là một con người kỳ lạ. Lúc xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ trước còn xem âm nhạc là dạng xướng ca vô loài thì ông đã lang thang trên khắp những nẻo đường đất Việt theo chân gánh hát Đức Huy, và làm bạn với tất cả những nhân vật tên tuổi trong nền âm nhạc Việt Nam sau này như: Văn Cao, Hoàng Trọng, Hoàng Quý, Cung Tiến, Đặng Thế Phong, Trần Văn Khê .v.v… Ông đã quyết con đường xướng ca vô loài đó, khởi đi từ chỗ cơ bản nhất: nuôi sống gia đình bằng âm nhạc.
Em bé quê - ban Tuổi Xanh ►
Đốt lá trên sân - Thái Hiền ►
Ông là nhạc sĩ đầu tiên và duy nhất đương thời sống được và sống tốt bằng nghề nhạc: mua nhà, mua ôtô, nuôi con, thảy đều bằng những hoạt động âm nhạc của mình. Khi những đứa con ông lớn lên, những Duy Quang, Thái Hiền… sau này, ông có những nhạc phẩm cho riêng những người con của mình. Và những bài ca viết cho tuổi thơ, tuổi ô mai này đến bây giờ vẫn nằm trong top những bài ca hay nhất.
Tuổi mộng mơ - Thái Hiền ►
Tuổi ngọc - Như Mai ►
Khoảng cuối cấp 1 đầu cấp 2, tôi có một băng nhạc chừng 20 bài ca viết cho tuổi thơ: Ông trăng xuống chơi, Chú bé bắt được con công, Thằng Bờm, Bé bắt dế, Đốt lá trên sân.. Nhưng mà cái tâm hồn ông cụ non của tôi lúc đó không hảo những món này lắm, chỉ khi lớn lên rồi mới biết những ca khúc này phù hợp với lứa tuổi như thế nào.
Xin cho em, một chiếc áo dài, cho em đi, mùa xuân tới rồi. Mặc vào người rồi ra, ngồi lạy chào mẹ cha, hàng lụa là thơm dáng tiểu thơ… Xin cho em một mớ tóc dài, cho em phơi ngoài hiên nắng rọi. Rụng một vài sợi thôi, còn lại một con suối, dòng mượt mà buông xuống chùm vai…
Càng về sau, những ảnh hưởng của hòa âm phối khí Mỹ đã thấy rõ trong nhạc PD, ông viết những bản “dân ca mới” cho trẻ em trên nền tiết tấu nhanh, sôi động, và nhiều biến hóa hơn. Mỗi lần nghe lại những bản nhạc cho tuổi ô mai này, tôi luôn rất thích phần hòa âm rộn ràng, sôi nổi bên dưới.
(Còn tiếp…)