đầu tiên

Người Nga, họ cứ thích làm những chuyện “đầu tiên”, mà họ không hỏi “tiền đâu”! 😃 Bộ phim đầu tiên được quay trong không gian, “The Challenge – Vyzov – 2023”, đạo diễn Klim Shipenko và nữ diễn viên chính Yulia Peresild được đào tạo 4 tháng trước khi cỡi tàu Soyuz lên đóng phim trên trạm ISS, thêm 2 cosmonaut nữa cũng tham gia kịch bản!

Kịch bản chính: một phi hành gia bị tai nạn bất tỉnh trên trạm không gian, vì quá yếu để có thể quay về quả đất, nên một bác sĩ (Yulia Peresild) được đưa lên để tiến hành phẫu thuật tim ngay trên đó! Mấy năm trước, cũng chính Yulia Peresild là người vào vai nữ xạ thủ bắn tỉa huyền thoại Lyudmila Pavlichenko trong phim Battle for Sevastopol – 2015.

“Một số thành phần mạng xã hội rảnh rỗi nói rằng tôi đã dùng hết nước trên trạm không gian ISS để gội đầu, họ vẫn nghĩ như thế, cho rằng những người làm phim chúng tôi là chỉ biết có từ hồ bơi bước lên thảm đỏ, rồi từ thảm đỏ bước về hồ bơi! Tôi chỉ không muốn mọi người nhìn tôi như con bé mắt xanh tóc vàng ngu ngốc, đi ké lên trạm ISS mà không làm được việc gì… 😀

3-K

Một bức ảnh cũ, bên trái là Sergei Korolev, Kiến trúc sư trưởng chương trình Tên lửa vũ trụ, ở giữa (râu dê) là Igor Kurchatov, Kiến trúc sư trưởng chương trình Vũ khí hạt nhân Liên Xô, hai ông lớn nhất trong lĩnh vực vũ khí! Nhưng cả 2 đều đã không thể thành công nếu thiếu người bên phải: Lý thuyết gia trưởng – chief theorist, Mstislav Keldysh, người “bảo đảm toán học” cho các công trình nghiên cứu!

Bộ 3-K này (Korolev, Kurchatov, Keldysh) là tập hợp đỉnh cao trí tuệ Xô-viết, quan trọng nhất là Keldysh, một con người kỳ lạ, thiếu ông ta thì bom hạt nhân đã không nổ, và tên lửa đã không bay! Thực tế, cả 2 cơ quan cấp bộ: Tên lửa chiến lược và Vũ khí hạt nhân đều không chịu “nhả” Mstislav Keldysh, một tuần ông ta làm việc 3 ngày cho bộ này, và 3 ngày cho bộ kia, và 3 lần nhận danh hiệu Anh hùng lao động Xô-viết!

Alexei Leonov

Phim tài liệu dài 1h về Alexei Leonov, không phải là người đầu tiên bay vào vũ trụ như Gagarin, nhưng là người thực hiện chuyến đi bộ trong không gian đầu tiên. Trong số những phi hành gia Sô viết, Leonov có lẽ là người sống một cuộc đời đầy đủ nhất, viên mãn nhất, đa tài, đa nghệ, về sau trở thành phó giám đốc của một ngân hàng lớn.

Con người ấy toát ra sức sống âm thầm nhưng mãnh liệt, sự khôn ngoan và điềm tĩnh. Sống qua tất cả những giai đoạn tồi tệ nhất của lịch sử, xuất thân từng là thành phần “kẻ thù của nhân dân”, 2 ngôi sao vàng trên ngực áo (2 lần Anh hùng Sô viết). 80 tuổi, người ta thấy ông khiêu vũ với những nhịp điệu sôi động như một chàng trai trẻ.

Xem thêm bộ phim Nga – 2017 về Alexei Leonov, The spacewalker – The Age of Pioneers

thiên vấn

Con tàu vũ trụ Thiên Vấn-1 (天問) của TQ vừa phóng thành công cách đây ít ngày, dự kiến sẽ đáp xuống sao Hoả khoảng đầu năm sau. Thiên Vấn tức là “hỏi ông trời”, cái tên lấy cảm hứng từ một bài thơ cổ của Khuất Nguyên. Đấy, người ta “bắt thang” đã khiếp chưa!? Việt Nam chúng ta cũng có “thiên vấn” đó thôi, Nguyễn Du viết: Cổ kim hận sự thiên nan vấn – 古今恨事天難問。。。, haiza, thiên nan vấn, hỏi trời khó lắm, hỏi khó lắm, khó lắm! 🙁 🙁 vnexpress.net – Tàu Trung Quốc điều chỉnh quỹ đạo thành công

Vũ trụ sơ khai,
Ai truyền gốc tích?
Trời đất chưa thành,
Biết đâu lai lịch?

age of space

Chiến tranh thế giới lần 2 kết thúc, các chàng trai giã từ vũ khí và trở về nhà. Đa số về lại làm cao – bồi, đi chăn bò, tiếp tục cưỡi ngựa trên đồng cỏ. Số khác vào làm việc trong những nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ… Những tưởng cuộc sống sẽ quay trở lại nhịp điệu yên bình như trước. Nhưng không, vốn dĩ có “một vài gã Nga ngố”, rặt gốc “nông dân” từ nhiều ngàn năm nay, những người suốt ngày “gãi đầu, gãi tai”, “nhìn xa xăm và cười vô lý”. Những kẻ mộng mơ về những vì sao, mơ về khoảng không vũ trụ bao la, về cái “outer space” sâu thẳm rộng lớn ở ngoài kia. Từ cuối thế kỷ 19, đã có một “gã ngố” Konstantin Tsiolkovsky, người xuất bản hơn 500 công trình, xây dựng nền tảng lý thuyết của tên lửa nhiều tầng (multi – stage rocket). Ý tưởng căn bản là: vật thể phải dần bỏ lại đằng sau khối lượng của chính nó thì mới thắng được lực hút của quả đất!

Nhưng phải đến chờ đến gần 100 năm sau, có thêm một “gã siêu ngố” Sergei Korolev nữa, người cuối cùng biến ý tưởng thành hiện thực. Suốt những năm tháng chết chóc của WW2 và The-great-purge, ông ta vẫn ngước lên trời, cũng mơ về khoảng không gian vô tận ngoài kia. Người ta tìm thấy trong kho tài liệu của Wernher von Braun một cuốn sách do Konstantin Tsiolkovsky là tác giả. Bên lề các trang sách, Braun ghi chi chít những chú thích, suy nghĩ. Braun là người thiết kế đồng thời cả V2 (Đức quốc xã) và cả Saturn (NASA) giúp đưa con người lên Mặt trăng. Những con người “đầy năng lượng”, “không nghỉ ngơi” ấy làm cho thế giới trở nên “không yên ổn”. Chiến tranh lạnh, các siêu cường tranh nhau vị trí dẫn đầu về KHKT, gay cấn nhất là cuộc đua hướng về các vì sao! Ngày nay, cuộc đua vẫn tiếp diễn, dưới hình thức này hay hình thức khác…

the final count down

Ai cũng biết bài hát xưa như trái đất này, nhưng mấy người biết nó nói về cái gì!? “The final count down” – lệnh đếm ngược: 9, 8, 7… 3, 2, 1… Preliminary stage, Intermediate, Main, Lift – off… đọc lời bài hát sẽ rõ, ngồi trên hàng trăm tấn thuốc nổ, trong một tích tắc là đi vào lịch sử (hoặc trở về với cát bụi) 😅

We’re leaving together, but still it’s farewell. And maybe we’ll come back to earth, who can tell? I guess there is no one to blame. We’re leaving ground. Will things ever be the same again? It’s the final countdown! We’re heading for Venus and still we stand tall. Cause maybe they’ve seen us and welcome us all, yeah. With so many light years to go and things to be found. I’m sure that we’ll all miss her so. It’s the final countdown!

analog computers

Một chủ đề ưa thích của tôi là lịch sử Khoa học Kỹ thuật. Lên Đại học, tiếp xúc với các khái niệm automata, tự động hoá và điều khiển, tôi được học chung về các nguyên tắc đầu vào và đầu ra của các hệ thống máy tính điện tử. Tất cả các tín hiệu “in và out” (sensor, control, actuator…) được “lượng hoá” từ tín hiệu analog thành digital, vì máy tính hoạt động trên nguyên tắc tín hiệu số, dĩ nhiên có một số bộ chuyển đổi AD, DA ở đâu đó. Nhưng mãi lâu về sau, tôi mới được biết đến cái gọi là “analog computer”, ngược hẳn với “digital computer”, đó là những “máy tính tương tự”, hoạt động trên các “tín hiệu tương tự”, sử dụng những nguyên tắc cơ, điện, quang là chủ yếu. Một ví dụ “kinh khủng” nhất cho các “analog computer” loại này là các “máy tính” sử dụng trong điều khiển tàu vũ trụ của Liên Xô, mở ra bên trong thấy toàn các bánh xe cơ giới!

Một sự thật làm tôi há hốc mồm vì kinh ngạc! Tàu con thoi Soyuz được phóng lên vũ trụ và hạ cánh xuống mặt đất, được tự động hoá từ A đến Z, không cần có người điều khiển, sử dụng những bánh xe, cánh tay đòn, “hoàn toàn cơ giới”… như thế. Trong khi “Tàu con thoi – space shuttle” của Mỹ, sử dụng “digital computer” hẳn hoi – hiện đại hơn Liên Xô cả một thế hệ, nhưng không thể tự động hoá hoàn toàn, mà cần phải có người điều khiển! Các hình dưới đây, bảng điều khiển tàu vũ trụ Liên Xô, một quả địa cầu được xoay bằng các trục và bánh xe, để chỉ cho phi công biết con tàu đang ở đâu so với mặt đất! Mở ra bên trong trông như một cái đồng hồ, một kỳ quan thực sự về các cơ chế cơ khí siêu phức tạp! Phải mất rất lâu ta mới hiểu ra rằng, có nhiều hơn một cách để làm “chuyện ấy”, và những “cách khác” ấy đôi khi rất “dị” so với “quan điểm thông thường”!!! 😅

sputnik

Ngày này, cách đây 60 năm… Từ một động cơ “kép”, vừa để thể hiện sức mạnh khoa học kỹ thuật của “Moguchiy Sovetskiy Soyuz – Liên bang Xô viết hùng mạnh”, vừa phát triển công nghệ quốc phòng; đã khởi đầu cho kỷ nguyên không gian, nhờ đó mà bây giờ chúng ta có GPS, có điện thoại vệ tinh, có vệ tinh thời tiết, và vô số những thành tựu khác. Đưa được vệ tinh vào quỹ đạo cũng có nghĩa là người Nga đã có loại tên lửa đưa được đầu đạn hạt nhân đến bất kỳ nơi đâu trên toàn cầu! Nước Mỹ không còn an toàn như trước!

Nó cũng tạo ra “ấn tượng” rằng, trình độ KHKT của Liên bang Xô viết đã vượt qua phương Tây! Chiến tranh lạnh cũng có mặt tích cực của nó, KHKT được ưu tiên phát triển! Cuộc chạy đua vào không gian bắt đầu! Một năm sau, bố tôi về nhà thông báo với ông nội rằng người Mỹ vừa đặt chân lên mặt trăng! Ông nội lắc đầu hoài nghi, hoàn toàn không tin, kiên quyết phản đối. Không thể nào cái vầng trăng tuyệt mỹ, thiêng liêng như trong thơ Đường của ông lại có thể bị “xâm hại” như thế được! Chuyện ấy đơn giản là không thể, tuyệt đối không thể… 😅

power plants on the moon?

Trong 1 thoáng suy nghĩ tình cờ, tôi chợt nhận ra lý do tại sao Elon Musk vừa đầu tư cho công nghệ điện mặt trời, lại vừa đầu tư cho du hành vũ trụ. Họ sẽ làm những “solar farm” – nông trại điện mặt trời trên mặt trăng để tạo ra điện, chuyển qua dạng vi ba (microwave) và truyền về trái đất, kiểu giống như sạc điện không dây cho các thiết bị di động vậy! Không phải chỉ có Mỹ, cả Nga và TQ tuy không nói ra nhưng đều nhắm đến việc xây nhà máy điện mặt trời trên mặt trăng. Ở đó cường độ bức xạ cao hơn trái đất nhiều lần, không bị che bởi khí quyển như mặt đất, hầu như là có sáng 24/7, nên hiệu suất điện năng rất cao, xây ở một quy mô siêu lớn dùng robot, vì số lao động có thể đưa lên mặt trăng khá hạn chế!

Năng lượng mặt trời, cùng với xăng sinh học (ở VN đang là E5, Mỹ là E75, Brazil đã là E100) sẽ giải quyết triệt để vấn đề năng lượng hoá thạch (không thể tái tạo) và năng lượng hạt nhân (không an toàn). Dĩ nhiên với xăng sinh học vẫn còn đó lưỡng đề nan giải: “food or fuel”! Haizza, cảm nghĩ vẩn vơ trong một chiều bị “nướng” bởi hàng triệu ống bô xe ở SG! Đừng vội cho rằng tôi “cả nghĩ”! Một tương lai sạch và xanh đúng nghĩa, không dùng đến năng lượng hoá thạch, hạn chế tối đa khí thải, toàn bộ năng lượng hầu như đều có khả năng tái tạo, tương lai đó hoàn toàn khả thi! Không những chỉ khả thi mà tôi tin chắc rằng mình sẽ còn sống đến ngày được thụ hưởng những thành quả ấy!