Bỗng dưng yêu đời, bỗng dưng yêu đời! Nhìn mây trăng trắng, bay trên nền trời, nhìn mây trăng trắng, bay ra ngoài khơi. Bỗng dưng yêu người, bỗng dưng yêu người! Một con tim bé, bao nhiêu là tình, chỉ lo nó vỡ, con tim nhỏ xinh! 🙂 Tuổi xuân – Phạm Duy – Thái Hiền
Tag: Thái Hiền
8 bài bé ca
Lại qua giọng ca Thái Hiền (TH), post thêm ở đây một số bài ca viết cho lứa tuổi nhi đồng của nhạc sĩ Phạm Duy, ông hay có thói quen tập hợp các ca khúc cùng chủ đề thành những bộ 10 bài: 10 bài Đạo ca, 10 bài Hương ca, 10 bài Tâm ca… nhưng ca khúc chủ đề “nhi đồng” của ông thực ra nhiều hơn thế, chỉ post lại ở đây một số bài thường nghe lúc nhỏ! Sự phong phú, đa dạng trong âm nhạc Phạm Duy là điều không cần phải bàn cãi!
Bầy trẻ thăm hỏi cung trăng, chú Cuội đâu vắng, cô Hằng đâu xa!? Từ ngày có vệ tinh bay, bay có 3 ngày lên tới mặt trăng, Cuội đành đem chị Hằng Nga, tìm xứ xây nhà không biết ở đâu!
(bài Một đàn chim nhỏ) Những ca từ siêu dể thương, chú Cuội ở đây chính là Phạm Duy tự ám chỉ mình, là bài ca “cưa gái” viết cho vợ ông, Thái Hằng (cô Hằng), trước khi hai người cưới nhau… (tìm nghe bài Chú Cuội do Thái Thanh hay Ái Vân trình bày) 😁
8 bài nữ ca
tám ca khúc nhạc sĩ Phạm Duy viết cho tuổi teen, mà cụ thể là cho Thái Hiền, con gái ông hát! Giai điệu bay bổng, tiết tấu rộn ràng, phối khí hay, những bài này đến giờ vẫn là những ca khúc hay nhất viết cho lứa tuổi: Tuổi thần tiên nép trong tay mẹ hiền, một dòng sữa thơm xa xưa còn truyền. Tuổi thần tiên đến khi em vừa lớn, áo ngắn đi dần, may áo mới luôn…
(Tuổi thần tiên), hay như là: Xin cho em, một chiếc áo dài, cho em đi, mùa xuân tới rồi. Mặc vào người rồi ra, rồi lạy chào mẹ cha, hàng lụa là thơm dáng tiểu thơ…
(Tuổi ngọc) vẫn luôn là những ký ức âm nhạc rất đẹp của tôi!
tiếng đàn tôi
Mênh mông lả ơi, người về xoã tóc không lời.
Khoan khoan hò ơi, nhịp sầu xa vắng mà thôi.
Mênh mông lả ơi, đường về xa tắp không lời.
Khoan khoan hò ơi, lạnh lùng em đã rời tôi.
Ghi ra đây một chuyện thú vị trong chuyến xuyên Việt vừa qua. Thoáng nghe một bà lão (chừng trên 70 tuổi) vừa rửa chén bát, vừa hát bài này ở thành phố Điện Biên Phủ. Dừng xe lại, đúng vào cái khúc: mênh mông lả ơi
ấy, và giả vờ hỏi: cụ ơi, cụ đang hát bài gì thế ạ!?
, thì nhận được câu trả lời: tôi cũng không nhớ đâu, chỉ hát chơi thế thôi!
Cái thú vị là ở chỗ, nghe được một điệu dân ca rất xa xưa, lồng trong một ca khúc cũng đã khá xa xưa, được hát bởi một người cũng đã vào tuổi “xưa nay hiếm”. Và người trình diễn cũng chỉ nhớ và hát nó hoàn toàn tình cờ, thậm chí không còn biết đến tựa đề hay tác giả. Cái sự đi vào lòng người, thấm vào trong tiềm thức, thành công của âm nhạc chính là ở chỗ đó.
Tôi cũng không biết là bài này được phát triển từ điệu dân ca nào, nhưng NS Phạm Duy hẳn là sẽ mỉm cười khi biết chuyện thế này! Nghe thêm cụ Phạm Ngọc Lân đàn và hát bài này dưới đây, và hát đầy đủ cả 2 lời của ca khúc. Còn có thêm một lời ca nữa: Xuân Hương nàng ơi, thuyền về tới bến mê rồi
, nhưng lời đó thì chỉ có NS Phạm Duy mới biết mà thôi! 😀
Tiện nói luôn, lặp lại một số điệu phổ biến, kiểu: tình tang nọn tàng tinh, tính tang nọn tang tình (Lý ngựa ô Huế) mà gọi là hiểu dân ca thì… nực cười lắm, cái đó mới gọi là học vẹt thôi. Hiểu thực sự là nắm được những thể phát triển từ dân ca, lần theo được những biến hoá tinh vi của nó. Đó cũng là lý do tại sao các nhạc sĩ hiện đại không sáng tác được dân ca (học vẹt).
Tiếng đàn tôi – Phạm Duy
Đời lạnh lùng trôi theo giòng nước mắt, với bao tiếng tơ xót thương người. Vì cuộc tình đã chết một đêm nao, lúc trăng hãy còn thơ ấu.
Dù đời tàn trên cánh nhạc chơi vơi, vẫn còn mong nhớ khúc yêu đời. Lúc bao nhiêu tiếng cười, rộn ràng chảy về xuôi.
1. Mênh mông lả ơi, thuyền về tới bến mê rồi, khoan khoan hò ơi, dặt dìu trong tiếng đàn tôi. Mênh mông lả ơi, thuyền về bát ngát hương trời, khoan khoan hò ơi, nhịp sầu xa vắng mà thôi!
Buồm về dội nắng trên khơi, bao nhiêu hoàng hôn đến cho êm vui người ơi! Có tiếng hát theo đàn tôi, như ru như thương linh hồn đắm đuối. Mênh mông lả ơi, thuyền chờ mong gió lên trời, mang theo đàn tôi chảy về đậu bến ngày mai.
2. Mênh mông lả ơi, đường về dương thế xa vời. Khoan khoan hò ơi, lệ sầu rụng xuống đàn tôi. Mênh mông lả ơi, người về xoã tóc không lời. Khoan khoan hò ơi, nhịp sầu xa vắng mà thôi.
Buồm về dội nắng trên khơi, bao nhiêu màu hoa ngát trên đôi môi, người ơi! Có tiếng hát theo đàn tôi, như ru như thương linh hồn đắm đuối. Mênh mông lả ơi, đường về xa tắp không lời. Khoan khoan hò ơi, lạnh lùng em đã rời tôi.
cô gánh gạo
Yêu thích bài Cô gánh gạo này từ lâu nhưng gần đây mới biết đó chỉ là lời khác của ca khúc Người lính bên tê, một bài “tuyên truyền địch vận” sáng tác mãi từ năm 1947: Bên tê là phía sầu u, có người dân Việt, gục đầu trên đất tù, bên ni là phía tự do, đã nhờ Cha già, mà toàn dân ấm no… Anh ơi quay súng lại ngay, máu người dân Việt còn cần cho luống cày. Tôi mong từng phút từng giây, sống chẳng oán thù để chờ anh tới đây!
Sau khi “dinh tê về thành”, nhạc sĩ Phạm Duy đã đặt lời mới cho rất nhiều ca khúc đã sáng tác trước đó, không phải chỉ riêng một bài này. Cũng bài này, NS Phạm Duy còn có một lời ca “cưa gái” như sau: bên tê là phía thùy dương, có một cô nàng chải đầu bên suối vàng, ta mong dòng nước tràn dâng, bắc một cây đàn để chờ em bước sang…
Bao thể chế đổi thay, nhưng dân tộc thì vẫn còn, cũng như bao lời ca đổi thay, nhưng giai điệu thì vẫn thế! Một nền âm nhạc với đa số là ca khúc thì dĩ nhiên ca từ hay cũng quan trọng. Nhưng ai đó cứ vin vào ca từ mà không có được sự thẩm âm cần thiết thì thật là chưa hiểu âm nhạc vậy!
trái tim còn trinh
Hôm nay tình cờ được nghe lại bài hát này, chợt nhận ra thoang thoáng mùi ngũ cung Nhật Bản trong nhạc điệu (nếu nó đậm đặc kiểu như Mùa hoa anh đào thì đã là hiển nhiên rồi). Một bài hát mà tôi đã “bị” nghe ra rả suốt ngày vào quãng những năm 12 ~ 15 tuổi (thời cuối của các giọng ca Nhã Phương, Bảo Yến…). Về nhà google thì hóa ra chính là bác Phạm Duy nhà ta đặt lời Việt cho ca khúc Nhật Bản này, bác mà đặt lời Việt tràn lan thế này thì ai còn biết bác là nhạc sĩ sáng tác vĩ đại nhất Việt Nam nữa bác ơi!?
Tài liệu của nhạc sĩ Phạm Duy cũng xác nhận, hai ca khúc “thành công” nhất (tính theo doanh số) suốt những năm 90s ở hải ngoại chính là bài này và Mười năm tình cũ (Trần Quảng Nam) 😬! Tiếc là chưa tìm được bản nhạc Nhật gốc, cái mùi ngũ cung bản địa dĩ nhiên là cứ nhạt dần qua mỗi lần chuyển ngữ, qua những giọng ca thể hiện khác nhau!
mầu kỷ niệm dvd
Trời thần tiên, đôi bướm nhịp nhàng lả lơi,
Nương cánh nhau đi xa hơn cả cuộc đời!
Tập hợp 25 ca khúc tưởng niệm sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Hòa âm phối khí và kỹ thuật thâu âm tốt, a must – see DVD. Những ca khúc vang bóng một thời: Xóm đêm, Người đi qua đời tôi, Đêm nhớ trăng Sài gòn, Ly rượu mừng, trường ca Hội trùng dương, Tiếng dân chài, Sáng rừng… và đặc biệt là: Mầu kỷ niệm và Đôi mắt người Sơn Tây.
Một số bìa nhạc Phạm Đình Chương:
album: con tạo xoay vần
Chiều nao nơi bãi hoang, lại ghé thăm mộ nàng, nhặt đóa hoa rụng vàng, thế thôi ngủ ngon em nhé, một giấc mơ màng. Nhìn hàng cây liễu dương, chạy suốt muôn dặm đường, chạnh nhớ câu đoạn trường. Cố nhân vừa rũ áo, về với vô thường. Chiếc bóng khoác nón ra đi cuối nơi con đường.
Vốn dĩ tính không thích giải thích, nên chọn cách nói bằng nhạc. Hôm nay xem lại những post của mình, cảm giác: tệ! nói (viết) nhiều mà chẳng có nhiều điều mới! Nếu làm tư liệu thì đã có khối những web khác, nếu là tâm sự cá nhân thì hơi lang bang. Muốn diễn đạt điều gì mới (cho dù là trong những thứ cũ) nhưng sợ không có người đồng cảm.
Đặt lời Việt cho nhạc cổ điển không phải là điều gì mới, nhạc sĩ Phạm Duy và những nhạc sĩ khác đã đặt lời cho rất nhiều nhạc phẩm cổ điển: Dòng sông xanh, Sóng nước biếc, Vũ nữ thân gầy, Trở về Soriento, Khúc ban chiều .v.v.
Album Con tạo xoay vần sau đây thì thật sự mới lạ: đem ý Đường-thi phổ vào nhạc cổ điển phương Tây. Đem ý thơ của Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Tiết Đào, Lý Hạ… phổ vào nhạc của Offenbach, Tchaikovsky, Bellini… đem tinh yếu của Đông và Tây hòa lẫn vào nhau. Hòa âm đơn giản, chỉ có một piano đệm, và các giọng hát được thu âm trực tiếp bằng kỹ thuật thu âm nổi, không qua xử lý bằng máy tính.
Album này theo tôi là hay và tinh tế hơn nhiều so với Chat với Mozart của Mỹ Linh. Trong album của Mỹ Linh, phần lời chưa ăn khớp được vào giai điệu và tiết tấu. Với album này, những giai điệu nhẹ nhàng được chọn từ các bản opera nổi tiếng, với lời nhạc lấy ý từ Đường-thi, tất cả tạo nên một loại âm nhạc vừa cao sang, vừa gần gũi. Kỹ thuật thu âm càng giúp cho hơi nhạc giản dị, tự nhiên đi vào lòng người.
phạm duy – 6
Truyền thống chân chính không phải là làm lại những
gì người khác đã làm mà là tìm lại cái tinh thần
đã khiến thực hiện nên những đại sự ấy!
(Paul Valéry)
Phạm Duy, ông là một con người kỳ lạ. Lúc xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ trước còn xem âm nhạc là dạng xướng ca vô loài thì ông đã lang thang trên khắp những nẻo đường đất Việt theo chân gánh hát Đức Huy, và làm bạn với tất cả những nhân vật tên tuổi trong nền âm nhạc Việt Nam sau này như: Văn Cao, Hoàng Trọng, Hoàng Quý, Cung Tiến, Đặng Thế Phong, Trần Văn Khê .v.v… Ông đã quyết con đường xướng ca vô loài đó, khởi đi từ chỗ cơ bản nhất: nuôi sống gia đình bằng âm nhạc.
Ông là nhạc sĩ đầu tiên và duy nhất đương thời sống được và sống tốt bằng nghề nhạc: mua nhà, mua ôtô, nuôi con, thảy đều bằng những hoạt động âm nhạc của mình. Khi những đứa con ông lớn lên, những Duy Quang, Thái Hiền… sau này, ông có những nhạc phẩm cho riêng những người con của mình. Và những bài ca viết cho tuổi thơ, tuổi ô mai này đến bây giờ vẫn nằm trong top những bài ca hay nhất.
Khoảng cuối cấp 1 đầu cấp 2, tôi có một băng nhạc chừng 20 bài ca viết cho tuổi thơ: Ông trăng xuống chơi, Chú bé bắt được con công, Thằng Bờm, Bé bắt dế, Đốt lá trên sân.. Nhưng mà cái tâm hồn ông cụ non của tôi lúc đó không hảo những món này lắm, chỉ khi lớn lên rồi mới biết những ca khúc này phù hợp với lứa tuổi như thế nào.
Xin cho em, một chiếc áo dài, cho em đi, mùa xuân tới rồi. Mặc vào người rồi ra, ngồi lạy chào mẹ cha, hàng lụa là thơm dáng tiểu thơ… Xin cho em một mớ tóc dài, cho em phơi ngoài hiên nắng rọi. Rụng một vài sợi thôi, còn lại một con suối, dòng mượt mà buông xuống chùm vai…
Càng về sau, những ảnh hưởng của hòa âm phối khí Mỹ đã thấy rõ trong nhạc PD, ông viết những bản “dân ca mới” cho trẻ em trên nền tiết tấu nhanh, sôi động, và nhiều biến hóa hơn. Mỗi lần nghe lại những bản nhạc cho tuổi ô mai này, tôi luôn rất thích phần hòa âm rộn ràng, sôi nổi bên dưới.
(Còn tiếp…)