địa đạo

Đây là một trong số rất ít những phim mình ra rạp xem đàng hoàng, phim đầu tiên là “Hà Nội trong mắt ai”, phát hành 1983… ah, mà đó là chuyện của 40 năm trước! Nhìn chung với một phim Việt Nam thì Địa đạo rất ổn, từ các cảnh quay, ánh sáng, màu sắc cho đến hiệu ứng khói lửa, bom nổ, đường đạn bay… đều rất thực và đẹp mắt. Câu chuyện kể lại trong phim hoàn toàn là sự thật lịch sử, được nói rõ trong phần giới thiệu, nhóm điệp báo H.63 của Phạm Xuân Ẩn (Hai Trung) và Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) trong nhiều năm, sử dụng nhiều couriers – liên lạc viên để chạy mật thư từ Sài Gòn ra Củ Chi, từ đây mật thư sẽ được gởi qua sóng radio ra Hà Nội.

Một nguồn phát sóng radio cứ như thế hiện diện suốt nhiều năm liền tại Củ Chi như một cái gai trong mắt người Mỹ và họ sẽ làm mọi cách để nhổ cái gai đó! Như Nguyễn Văn Thương, một liên lạc viên thường xuyên chạy xe Honda giữa Sài Còn và Củ Chi, một hôm bị người Mỹ phát hiện và theo dõi! Viên phi công trực thăng vì nôn nóng muốn đổ quân xuống bắt sống nên đã phạm phải một sai lầm chết người, hạ thấp trực thăng xuống sát mặt lộ, từ khoảng cách rất gần, Hai Thương nổ liền 2 phát súng ngắn hạ trực thăng rơi! Không hiểu sao chi tiết đắt giá như vậy lại không đưa vào phim, có lẽ vì số phận Hai Thương là một câu chuyện bi thảm khác!

Tình huống cảm động nhất trong phim theo mình là chuyện Út Khờ mang thai, nhưng chưa rõ ai là cha. Trước tình huống như thế, đội du kích đã quyết định tổ chức… một đám cưới giả giữa Út Khờ với… đội trưởng Bảy Theo! Một cái đám cưới giả được quyết định và tổ chức thành công sau… 5 giây, có cả hoa, cả bánh! Đã có người đứng ra “nhận trách nhiệm”, trước sự việc đã rồi, cấp trên không thể nói gì hơn được và theo thông lệ, phải rút Út Khờ ra khỏi vùng giao chiến, như thế hai mẹ con cô ấy sẽ có cơ hội sống! Đó chính là tâm tư, tình cảm của những người du kích, họ không có chức vụ, cấp bậc gì để mất và sẵn sàng bao che đồng đội như vậy!

Chuyện nhiều “giang cư mận” phê phán cảnh nóng trong phim, nói như đúng rồi luôn. Nếu đã xem phim thì sẽ thấy mấy cái “cảnh nóng” đó chỉ mang tính ước lệ, tượng trưng mà thôi, còn chưa lộ chút da thịt nào. Nếu là đơn vị quân đội chính quy thì chắc chắn sẽ có vài án kỷ luật từ trên rơi xuống. Nhưng đây là du kích, các căn hầm đào ngay dưới nhà của họ, hàng ngày họ vẫn chui lên trồng rau, nuôi gà, v.v.. đó chính là cuộc sống thường ngày của họ, nếu không thì rất nhiều những đứa trẻ sinh ra trong chiến tranh ở Củ Chi từ đâu mà chui ra!? Nên kiểu có nhiều người không hiểu gì về thực tế lịch sử nhưng vẫn cứ ưa tìm chuyện nói ra nói vào!

Những lời thoại trong phim có nhiều chỗ khá đạt, như đoạn một cô du kích, bị ép tập các bài võ cận chiến với dao găm quá nhiều đã than thở vì mệt: tụi em chỉ là du kích thôi, đâu có phải bộ đội đặc công đâu mà… Đội trưởng Bảy Theo quát: mày đi nói chuyện đó với tụi Mỹ á, có khi nó còn gắn cho mày huy chương! :D Cái băn khoăn xuyên suốt bộ phim của người anh cả, đội trưởng luôn là: tụi nó còn nhỏ quá, còn “xanh” quá, sợ “chơi không lại tụi Mỹ”. Tuy phần phụ đề tiếng Anh không tệ, nhưng vẫn phải nói là chưa thực sự được như ý tôi, chưa tìm được cách truyền đạt tốt sắc thái ý nghĩa của lời thoại gốc, nhiều chỗ vẫn kiểu… dịch cho có!

Mình thuộc dạng coi phim vô cùng lý tính và xét nét, nên không khó nhận ra một vài chỗ còn chưa được hợp lý hay có chút khiên cưỡng trong phim. Và những chỗ sai về vật lý đương nhiên nhìn ra khá nhiều, như cách nấu thuốc nổ dẻo (plastic explosive) trong phim thì hầu như chắc chắn là nó sẽ nổ, cuối phim có chiếu lại một đoạn tài liệu đen trắng cũ, chính trong đoạn phim tài liệu đó lại thể hiện cách thức tương đối đúng! Nhưng tóm lại đây là một phim rất đáng xem, dù các cảnh quay có hơi “rubato” (thuật ngữ âm nhạc), nói một cách gần đúng là nhịp độ không được chuẩn, các tình huống thắt nút, cao trào lý ra vẫn có thể làm cho hấp dẫn hơn!

Về chi tiết cuối phim, một người lính Mỹ trong đội quân “chuột chũi” chui vào trong địa đạo, bị thương và được cứu sống, cho nằm trên chiếc bè ven sông, nhiều người cho rằng chi tiết này tuy “nhân văn” nhưng hơi “cường điệu”. Theo tôi thì, không có gì là “cường điệu”, thậm chí cũng chẳng có gì là “nhân văn” trong tình huống này, đó chỉ là sự thật thực dụng của chiến tranh. Nên nhớ rằng, một tù binh Mỹ còn sống dù thế nào cũng là một “tài sản đáng giá”, có thể dùng để “trao đổi” khá nhiều thứ, kể cả các quân nhân Việt Nam bị phía Mỹ bắt. Thế nên phía Việt Nam nhiều khi phải rất cố gắng để giữ cho tù binh còn sống để có thể làm món hàng trao đổi!

Trong thời gian 15 năm, từ 1961 đến 1975, chỉ riêng mạng lưới điệp báo H.63 đã sử dụng khoảng 45 couriers – liên lạc viên để truyền tin, 27 người trong số đó bị bắt, tra tấn… nhưng không một ai khai ra điều gì, mạng lưới vẫn đứng vững và thông tin vẫn không ngừng tuôn chảy. Nếu tính rộng ra cả số du kích, bộ đội đã hy sinh khi tham gia bảo vệ đường dây thông tin này, trực tiếp hay gián tiếp, thì có khi thiệt hại là không đo đếm được! Nên phim chỉ là một lát cắt nhỏ, chỉ vài tuần trên một dòng chảy thời gian nhiều chục năm, chỉ một vài khoảnh khắc đại diện, ngắn gọn cho thấy cha ông chúng ta đã sống, đã chiến đấu chống ngoại xâm như thế nào!

thorn birds

Một góc làng chài ven biển, không biết từ lúc nào đã xuất hiện một cái nhà thờ nho nhỏ cùng với một cộng đồng giáo dân be bé, lúc tôi sinh ra thì nó đã có ở đó rồi. Đó là những năm đầu 198x, lâu đến mức tưởng đã quên luôn khúc nhạc trong phim “Theme from the thorn birds – Tiếng chim hót trong bụi mận gai” này. Phim gì đâu mà mô tả chuyện tình ngang trái, vụng trộm không thể giấu giữa một cha xứ… cha Ralph de Bricassart và cô gái bé nhỏ mang tên Meggie, nhỏ đến mức giống như là Lolita vậy!

Nhạc và phim thì không còn nhớ mấy, nhưng điều tôi còn nhớ rất rõ là, trong cái xóm chài đó, khi truyền hình đang chiếu phim này, thì giáo dân nhiều người đã… đập TV! Nhiều TV bị đập nát đến không dùng được, mà tại thời điểm đó, TV là cả một tài sản! Không thể chấp nhận chuyện tình vừa trái cả đạo lý, vừa trái cả giáo lý như thế! :D Nét nhạc có phần đơn giản nhưng tươi sáng, đã di cư đến Úc đến cả mấy trăm năm rồi, nhưng chất nhạc dân ca Scotland và Celtic không lẫn đi đâu được!

Làm tôi nhớ đến một ông “tiến sư giáo sĩ” người đã dạy tôi hồi còn ở Đại học: đẹp trai như các anh chị ngồi đây, hay xấu trai như tôi, từ quan điểm xác suất thống kê thì… khả năng lấy được vợ đẹp là như nhau! Ông ấy lại tiếp tục: tôi khuyên các anh lo học hành đi, thời bây giờ đàn ông lấy vợ kém 10, 15 tuổi là việc tương đối bình thường, nên bây giờ đừng có tập trung quá nhiều cho việc yêu đương, luyến ái, hẹn hò làm gì, vì vợ tương lai của các anh, ngay lúc này, còn đang đi học mẫu giáo kìa! :D

penicillin

Cứ hễ phim mà có Trương Tịnh Nghi là mình lại xem :) ! Phim có nhiều sạn, dù diễn xuất theo tôi khá là đạt! Về Penicillin: được tìm ra một cách tình cờ năm 1928 bởi Alexander Fleming, nhà vi sinh vật học người Scotland, được áp dụng chữa bệnh trên người lần đầu năm 1930, nhưng mãi đến 1943 mới sản xuất được ở quy mô lớn và có ứng dụng rộng trong chiến tranh. Cỡ năm 1943, Liên Xô cũng đã có những nghiên cứu, phát hiện về Penicillin nhưng vẫn chưa thể đạt đến quy mô ứng dụng đại trà! Penicillin thật sự là một phát minh vô cùng quan trọng đã làm thay đổi lịch sử! Giải Nobel Y – Sinh năm 1945 đã trao cho Alexander Fleming và hai tác giả khác!

Và năm trước đó, 1944, Fleming đã được phong tước hiệp sĩ – “Sir” như một sự ghi nhận về đóng góp của ông, về vai trò của Penicillin – gần như là loại kháng sinh đầu tiên đã giúp cứu vô số mạng người trong Thế chiến 2! Nên tại thời gian trong phim là năm 1930, địa điểm là Thượng Hải, Trung Hoa dân quốc… thì cơ bản người ta vẫn còn chưa biết Penicillin là cái gì! Xem phim Trung Quốc, nhiều khi ta thấy toát lên cái dáng vẻ “cấp tiến” rất đáng sợ! Thực sự thì văn hóa TQ trên một số mặt là rất “cấp tiến”, nhất là trong các vấn đề quốc kế dân sinh, nhưng dĩ nhiên lịch sử không đơn giản, ngây thơ và hàm hồ như mô tả trong phim ảnh!

kiểm soát vũ khí

Xem phim cổ trang TQ, một vị hoàng đế mặc thường phục vi hành… Trong ảnh có thể thấy mấy người thị vệ cầm đoản đao, dài chưa đến 5 tấc kể cả cán. Nghĩ bụng cẩm y vệ mà không sắm được trường đao cho nó đàng hoàng hay sao!? Nhưng nghĩ lại, đây là thời Tống, vũ khí được kiểm soát chặt chẽ!

Mang trường đao thì khác nào tự để lộ thân phận lính triều đình!? Thời Tống, xã hội dân sự phát triển cao, nhiều quy định kiểm soát vũ khí rõ ràng! Ví dụ quy định dân thường được xài đao dài tới bao nhiêu, quy cách thế nào!? Ấy thế mà thời hiện đại, chờ mãi cũng chưa thấy quy cách nào!

sở hữu yếu

Xem phim lịch sử, cổ trang Trung Quốc thấy được vài điều… Điều gì khiến cho triều Thanh trở nên mạnh mẽ, chiếm được “thiên hạ” và hoàn toàn khác biệt so với các triều đại khác của TQ? Nếu chỉ xem lướt lướt các phim thì có vẻ như triều đại phong kiến nào cũng giống nhau! Nhưng thực ra, so với thể chế chính trị cực kỳ hủ bại và tàn ác của triều Minh trước đó, thì triều Thanh “ngoại tộc” thực sự có những yếu tố mới mẻ và lấy được lòng dân! Ít nhất là ở giai đoạn đầu, yếu tố cơ bản khiến Thanh triều khác biệt chính là cái mà tôi gọi là “quyền sở hữu yếu” của nó.

Nhưng như thế nào là “quyền sở hữu yếu”!? Đầu tiên, vì gốc gác là dân tộc du mục, người Mãn không có khái niệm sở hữu đất đai, không phân phong cho ai quyền cai quản đất đai vĩnh viễn. Nên dùng chữ “phong kiến” ở đây chỉ đúng một nữa, vì tuy có “phong vị” nhưng lại không có “kiến địa”. Xã hội Mãn châu nguyên thủy được tổ chức thành các đơn vị cơ bản, một mô hình dân – quân hợp nhất gọi là “Tá lĩnh”, mỗi Tá lĩnh bao gồm khoảng 300 chiến binh cùng với gia đình, vợ con, cha mẹ của họ. Toàn Thanh triều lúc cực thịnh có tổng cộng khoảng 664 Tá lĩnh.

Một người có thể được giao cho quản lý một hoặc nhiều Tá lĩnh, tùy theo địa vị, công trạng, nhưng quyền quản lý này có thể bị thu hồi thông qua quyết định của một hội đồng, hay qua mệnh lệnh trực tiếp từ Khả Hãn. Việc thế tập (cha truyền con nối) là phổ biến, nhưng không phải là hiển nhiên, các thế hệ sau muốn duy trì quyền kiểm soát này thì phải cố gắng tạo dựng công trạng! Như xem trong các phim cổ trang thì các Kỳ nhân đều xưng hô với Kỳ chủ là “nô tài” này nọ, thực chất đó chỉ là khiêm xưng, bản thân Kỳ nhân hoàn toàn không phải là nô tài, nô tì.

Họ là những lương nhân tự do, chỉ bị ràng buộc với Chủ từ qua các quan hệ lao động. Những Kỳ nhân này làm việc cho Chủ tử theo những chế độ lương, thưởng được quy định rõ ràng! Và các Kỳ nhân cũng được luật pháp bảo vệ, Chủ tử không thể giết hại họ tùy ý được! Trong thực tế, điều này hiếm khi xảy ra, và nếu xảy ra thì Chủ tử sẽ bị truy cứu trách nhiệm nghiêm khắc! Như thế, “sở hữu” một Tá lĩnh thực chất không phải là quyền sở hữu đất đai, cũng không phải là quyền sở hữu con người (nông nô, nô lệ), mà gần như chỉ là quyền “quản lý” tài sản và lao động!

Luật pháp Thanh triều quy định phân biệt rõ ràng giữa tài sản riêng và tài sản chung. Như xem trong các phim cung đấu thì khi một phi tần được sủng ái, họ sẽ được ban cho cung điện, châu báu, tài sản, người hầu hạ này nọ. Nhìn thì có vẻ xông xênh, ra ngoài được khiêng kiệu, che lọng, tiền hô hậu ủng, nhưng tất cả những “tài sản” đó đều chỉ là… cho mượn, khi bị giáng vị, thăng vị, huyền vị… thì toàn bộ đều phải trả lại! Thế nên mới có tình huống hoàng đế, vì sủng ái một vị thê tử nào đó, mới xuất tiền túi ra cho riêng, để vị nương nương này có chỗ dựa khi về già!

Quý tộc thế tập thời Thanh, dù vẫn là cha truyền con nối, nhưng đa số là “Thế tập đệ giáng”: qua một đời thì giáng xuống một cấp, như Trấn quốc công thì giáng thành Phụ quốc công, và cứ thế tiếp tục, điều này giúp làm giảm gánh nặng kinh tế xã hội. Vì quyền thừa kế không phải là nguyên vẹn và vĩnh viễn, nên con cháu đời sau vẫn phải cố gắng nếu muốn duy trì gia tộc hưng thịnh! Những điều này dần thay đổi khi Mãn tộc chung sống và bị đồng hóa bởi người Hán, nhưng ít nhất ở giai đoạn đầu, “sở hữu yếu – không có gì là vĩnh viễn” là ưu điểm rất lớn của thể chế!

chính danh

Mỗi nền văn hóa đều có những mặt mạnh, yếu riêng, những mặt yếu thường khi là dễ thấy, nhưng những mặt mạnh đôi khi lại khó thấy hơn, dù nó… ở ngay trước mắt! Ví như Trung Quốc, từ hàng ngàn năm nay, tính “chính danh” là một yếu tố quan trọng, xuyên suốt. Xem phim cổ trang thấy rất nhiều: tù nhân là phải mặc áo có chữ “tù – “, rõ ràng không sai được, binh lính đương nhiên phải mặc áo có chữ “binh – “, người của nha môn, cơ quan công quyền thì mặc áo có chữ “nha – “. Cảnh sát điều tra, truy nã tội phạm mặc áo có chữ “bộ – ” (bộ có nghĩ là truy bắt, như trong “bộ đầu”). Mặc áo có chữ “hà – ” chính là cơ quan quản lý đường sông, đê điều… Xem phim cổ trang, giai đoạn Thanh triều thì thấy:

Mặc áo có chữ Binh – tức là lính triều đình, hàng ngũ Bát Kỳ giai đoạn đầu là những chiến binh chuyên nghiệp, thế tập, được tổ chức và trang bị tốt, nhờ sức mạnh đó nên lấy được “thiên hạ”. Nhưng tiếc thay, chưa đến 3 thế hệ chung sống với người Hán, bị đồng hóa đến mức quên luôn Mãn ngữ, và mất luôn sức chiến đấu ban đầu! Dũng – là thành phần tinh nhuệ, thiện chiến trong số binh, kiểu như đặc nhiệm, đặc công vậy! Tốt – về danh nghĩa cũng là binh sĩ, nhưng là lính địa phương, thường chỉ tham gia bảo đảm an ninh trật tự, hiếm khi bị điều động cho chiến tranh. Còn Đinh – đơn giản là thành phần phu phen khuân vác, hỗ trợ chiến đấu, lấy thẳng từ dân lên, không phải là binh sĩ chính thức.

Quan viên các triều Minh, Thanh trên triều phục đều có một hình ô vuông phía trước ngực (gọi là bổ tử – 補子, chữ bổ trong “bổ nhiệm”) thêu nhiều chi tiết trang trí khác nhau nhưng đều có ý nghĩa rất rõ ràng: chim hạc tức là quan văn nhất phẩm, chim trĩ vàng tức là quan văn nhị phẩm, chim công là tam phẩm, thêu hình nhạn (ngỗng trời) là tứ phẩm, v.v… Với quan võ, thay vì các loài chim, ô vuông này thêu các loài thú: kỳ lân tức là nhất phẩm, sư tử là nhị phẩm, báo là tam phẩm, hổ là tứ phẩm, v.v… Còn riêng con rồng (năm móng, bốn móng) thì dành riêng cho các thành viên Hoàng gia! Và ý nghĩa của tính chính danh là như thế: người nào, vật nào, chỗ đó; có trật tự, thứ bậc, có danh phận và trách nhiệm rõ ràng!

như nguyện

Ca khúc: Như nguyện – Vương Phi, nhạc nền của phim “Tôi và cha ông chúng ta” (我和我的父輩 – Ngã hòa ngã đích phụ bối), 2021, phim nặng tính tuyên truyền, thích hay không thì tùy mỗi người. Phim tóm tắt một quá trình kéo dài 3 thế hệ, từ những ngày đầu “chinh chiến sa trường”, cho đến thế hệ con cháu, Trung Quốc chuyển mình từ một nước lạc hậu nhất…

Lên tầm hiện đại, lớn mạnh nhất thế giới! Truyền thông TQ đã bắt đầu dùng chữ “thịnh thế – 盛世“, như xưa từng nói “Khang – Càn thịnh thế”, thời đại thịnh trị của Khang Hy, Càn Long vậy. Không có con đường tắt nào, trừ khi tính cách quyết liệt đến mức điên cuồng như ku Nga, còn không thì “đi tắt, đón đầu” chỉ là ngôn từ của phường cường đạo!

niệm niệm bất vong

爱与恨的边际聚与散的别离
问你为何会在意直到现在还惦记
归去你还在我依赖身分开心回来
记得这份爱我们明白这就是爱

每当感觉自己受了伤
不辞而别逃去了远方
躲多久走多远算疗伤
不如回到相爱的地方

没有告别静默的离场
房间冰冷不再有暖阳
多想留住你我的时光
念念不忘等待爱回响

trà mã cổ đạo

Trong Minh Lan Truyện, Thịnh lão thái thái có một câu thoại: ở đời nếu chỉ nói đằng mồm mà được, thì Yên Vân thập lục châu đã lấy lại được lâu rồi! Yên Vân thập lục châu – Mười sáu châu Yên Vân là vùng đất rộng lớn, ngày nay thuộc các tỉnh Hà Bắc, Sơn Tây và một phần Nội Mông, đất đã mất từ cuối thời Đường, các triều Tống, Minh nhiều lần tìm cách lấy lại nhưng chưa bao giờ thành công. Không chỉ có tài nguyên phong phú, đây còn là vùng thảo nguyên rộng lớn, cần thiết để nuôi ngựa, mà ngựa là phần vô cùng quan trọng của quân đội, xuyên suốt lịch sử, chưa bao giờ TQ có đủ lực lượng kỵ binh để đối chọi lại với các bộ tộc phương Bắc. Nên một trong những mối quan tâm hàng đầu của các triều đại TQ là… ngựa!

Ngựa Trung Nguyên vừa thiếu lại vừa yếu, chỉ những giống ngựa sinh tồn trong môi trường khắc nghiệt mới mạnh mẽ, lì lợm, mới sử dụng được trong chiến tranh! Để có được ngựa tốt, họ mua bán trao đổi với Tây Tạng! Tây Tạng là vùng cao nguyên, khí hậu lạnh giá, khắc nghiệt, không trồng được rau quả, mà dân thì sống theo lối du mục, khẩu phần ăn bao gồm thịt, sữa là chủ yếu nên thiếu rau nghiêm trọng, từ chuyện thiếu rau đâm ra… nghiện trà, vì trà bổ sung một lượng vitamin đáng kể! Nắm được điều đó, người TQ đem trà đổi ngựa, tạo nên mạng lưới đường sá giao thương kéo dài hàng ngàn cây số! Từ xưa, họ đã viết nhiều cuốn sách khảo cứu, chỉ chuyên về đề tài thương mại Trà – Mã, làm sao đổi trà lấy ngựa!

ngưu bất hát thủy

Đoạn này phụ đề Việt ngữ ghi như vậy, nói một câu nôm na đơn giản cho nó nhanh chóng dễ hiểu, nhưng nguyên văn tiếng Trung lại là: Ngưu bất hát thủy, ngạnh án đầu a!? – 牛不喝水硬按头啊 – Trâu đã không muốn uống nước, có ấn đầu nó xuống được không!? Câu thoại hàm chứa một ý phản kháng mạnh mẽ hơn rất nhiều, thể hiện đúng cá tính của nhân vật Thịnh Như Lan: đơn thuần, ngay thẳng, si ngốc, đáng yêu… Hiếm thấy phim nào chú tâm xây dựng các tuyến nhân vật phong phú, đa dạng và phản ánh muôn mặt của cuộc sống thực tế sinh động đến như thế!

Xem phim, thưởng thức văn hóa, phải soi từng câu, từng chữ, hiểu cho tường tận điều người ta muốn diễn đạt! Nhưng đa số khán giả Việt thì chỉ muốn “ta biết rồi”, “ta được quyền đánh giá”, một cách nhanh chóng nhất! Cũng vì vậy mà xuất hiện vô số dạng “review”, những dạng mì ăn liền, không chịu tìm hiểu điều gì cho tường tận, chính là nhắm vào cái “ta biết”, một kiểu “nhận dạng, so khớp mẫu” thiểu năng, máy móc như đứa trẻ lên 3 vậy. Xem, học mà như thế thì ngoài “cái tôi” trống hoác của chính bản thân mình ra, vĩnh viễn không thấy được điều gì khác!

minh lan truyện

Hiếm có phim nào xem thích như “Minh Lan truyện”, một trong số ít những phim xem đi xem lại nhiều lần để “học chữ”! Đây có thể xem là phim xuất sắc nhất trong dòng “gia đấu – trạch đấu” Trung Quốc! Dù phim vẫn có xen vào một chút xíu “cung đấu”, nhưng thay vì cứ coi mãi toàn những cảnh “cung đấu” cường điệu thái quá và đơm đặt đến mức nhảm nhí, nhàm chán, phim “gia đấu” thể hiện những khía cạnh gần gũi hơn của cuộc sống, những quan hệ vừa hợp tác, vừa xung đột của các thành phần, giai tầng, lứa tuổi, giới tính… Cốt truyện hơi chậm, có thể làm người xem thấy chán, nhưng như thế mới truyền tải được nhiều chi tiết!

Phim có phần “thoại” phải nói là xuất sắc (nhưng phụ đề Việt ngữ, như thường lệ, vẫn kiểu rất lởm chởm, không truyền tải được những chỗ phức tạp, sâu xa trong nguyên văn) diễn xuất tâm lý kỹ càng, nhiều chỗ rất đạt, một số tình huống đến mức ước lệ kinh điển thường thấy trong kịch! Cổ trang hay lịch sử, vốn dĩ cũng chỉ là một sự phóng tác, tưởng tượng, đương nhiên vẫn phải dựa trên ghi chép lịch sử và bằng chứng khảo cổ, nhưng qua đó cho thấy thế giới nội tâm phong phú, tư tưởng suy nghĩ sâu xa và những quan hệ xã hội chồng chéo phức tạp! Nhìn lại cái xứ Vịt, haiza, vẫn là một kiểu “công xã nguyên thủy”…

thượng thư phòng

Trước xem cái phim Trung Quốc nhan đề: Thượng thư phòng – 上书房 (chữ thượng này viết là , hiểu như động từ, không phải , nên đều đọc là “thượng thư” nhưng nghĩa khác nhau!) Mỗi sáng, vẫn còn chưa đến giờ Mão, các người hầu xách một cái mõ, vừa đi vòng vòng vừa gõ mõ vừa hô to: “阿哥门,上书房喽! A-ca môn thượng thư phòng lâu!” nôm na tức là: các A-ca, đã đến giờ đi học rồi! Thế là các hoàng tử lục tục thức dậy, rửa mặt, chải đầu để chuẩn bị lên lớp! Đến lớp thì phải chào thầy, nhưng các hoàng tử là những người có địa vị cao quý, có người sẽ là Hoàng đế tương lai, không thể hành lễ trước với người bề dưới được! Nhưng mặt khác, đã là sư phụ thì cũng không thể không chào! Thế nên các ông thầy phải đứng lên, dịch qua một bên một chút xíu, để cho các hoàng tử chào! Chào ở đây là chào cái ghế, chào cái địa vị sư phụ, chào cái vai làm thầy, chứ không hẳn là chào bản thân các ông thầy!

Trò chào xong thì thầy chào lại, cứ thế rườm rà một lúc, xong phần nghi lễ buổi sáng thì bắt đầu học! Thầy có hai vị, bề ngoài đều đạo mạo, uy nghi như nhau nhưng tính cách hoàn toàn khác nhau. Một người âm mưu, thâm độc, một người nhân từ, đức độ, cách dạy cũng không giống nhau! Ông âm mưu thì dạy cho các hoàng tử hết sách này đến sách khác, thiên kinh vạn quyển, văn chương lưu loát, biện luận hùng hồn! Người còn lại ra đề đúng một chữ Nhân – … Rồi suốt một năm sau đó, các trò chỉ luận về chữ Nhân này, luận đến khi nào phát ngán, phải khóc thét thì thôi… Mới vô đầu phim là đạo diễn đã bắt phải hô khẩu hiệu rồi, đương nhiên cũng chỉ là khẩu hiệu thôi, nhưng cũng có ý nghĩa của nó: 立身以至诚为本,读书以明理为先。 – Lập thân dĩ chí thành vi bản, Độc thư dĩ minh lý vi tiên – Làm người thì chân thành là điều căn bản, Đọc sách thì hiểu rõ nghĩa lý là chuyện tiên quyết!

the good, the bad…

Làm nhớ đến một đoạn thoại trong bộ phim nổi tiếng “Thiện, Ác, Tà – The good, the bad, the ugly”: Bạn thấy không, thế giới này có 2 loại người, 1 loại súng đã nạp đạn, và loại kia thì đào (mồ) – You see, in this world, there’re two kinds of people, my friend: those with loaded guns and those who dig. You dig!!! dantri.com.vn – Chiến sự Ukraine 19/7: Rộ tin Nga đã thọc sâu vào trung tâm Chasov Yar

parade

Thông lệ hàng năm, 9 tháng Năm là ngày Gấu Nga trình diễn, khoe cơ bắp! Xem mãi các cuộc diễu binh cũng chán, mời các bạn xem trích đoạn bộ phim Người thợ hớt tóc ở Siberia, đoạn Sa-hoàng Alexander-3 dự lễ tốt nghiệp của các sĩ quan. Phim dựng lại theo đúng lịch sử, Alexander-3 là người to lớn, vạm vỡ với sức mạnh phi thường, cầm nguyên bộ bài Tây 54 quân, ông ta xé nó thành 2 mảnh. Hay đang ăn với chiếc đĩa bạc, ông ta dùng tay cuộn tròn cái đĩa lại như người ta cuộn bánh tráng vậy! Cái trò dùng tay cuộn đĩa kim loại này, đã có nhiều đời Sa-hoàng biểu diễn trên các bàn tiệc ngoại giao như một cách… hù đối phương!

Phim có đoạn Sa-hoàng Alexander-3 trò chuyện với hoàng hậu Maria Feodorovna bằng tiếng Anh: – Em còn phải lặp đi lặp lại bao nhiêu lần nữa, tại sao anh không bao giờ nghe em, Michael còn quá nhỏ, nó rất dễ bị kích động bởi các cuộc diễu binh cũng như các trò chơi quân sự. Alexander 3 trả lời rất hóm hỉnh, cũng bằng tiếng Anh: – Nếu tôi mà nghe theo em á, thì đến tận giờ chúng ta còn chưa có con được đâu! Haiza, xem phim để thấy rằng, đây đúng là một dân tộc kiêu hãnh và mạnh bạo, một nền văn hóa đầy màu sắc, một loại âm nhạc sinh động, tuôn chảy, phức tạp! Luôn tràn đầy sức sống, luôn tiến về phía trước!

thăng long đệ nhất kiếm

Đó là một cái thời vô cùng chậm rãi, như trong phim Hà Nội trong mắt ai vậy, chậm đến chảy nước, và điện ảnh thì lèo tèo, nghèo nàn chỉ vài ba bộ phim, và cũng đủ loại thượng vàng hạ cám khác nhau trong đó: Đêm hội Long Trì, Sơn ca trong thành phố, Phạm Công Cúc Hoa, Tráng sĩ bồ đề, Thăng Long đệ nhất kiếm… Vâng chính là muốn nói đến cái phim “kiếm hiệp dã sử” Thăng Long đệ nhất kiếm này…

Ấn tượng nhất chính là kiếm khách đệ nhất đất Thăng Long, do diễn viên Lý Hùng thủ vai, cỡi trên lưng một con ngựa to lắm, to bằng… con chó béc-giê ấy, ngồi trên lưng ngựa mà hai chân gần như chạm xuống tới đất! Công nhận giới trẻ giờ có điều kiện mọi mặt để tiếp cận nhiều thứ mới mẻ, hơn ngày xưa xa chừng! Ít nhất cũng có thể làm được phim lịch sử, cổ trang cho nó chân thực, sống động, hấp dẫn!

https://www.facebook.com/reel/1842064452914465

nam lai bắc vãng – 2

Chê trước để khen sau, đầu tiên là không khó nhặt ra vài hạt sạn, một số tình huống thắt nút hơi bị cường điệu, chưa hợp lý về logic, chưa thật sự thuyết phục! Nhưng xem đến hết 36 tập phim mới thấy đây là một phim cực hay! Mà cái hay trước tiên là xây dựng nhân vật nào ra nhân vật nấy, diễn xuất thuyết phục, từ ông già mù ăn xin, lang thang vật vạ trên tàu suốt hơn 30 năm đi tìm con gái bị bắt cóc, cho đến những nhân vật lưu manh móc túi, du côn trấn lột, lừa gạt buôn người, từ động tác cho đến tâm lý đều xây dựng công phu! Nhưng đạt nhất chính là nhân vật Giả Kim Long, một người xuất thân chỉ là buôn chuyến nhỏ lẻ trên tàu hỏa, 20 năm sau trở thành ông chủ lớn.

Người này làm quen với hai anh cảnh sát đường tàu, qua lại, ăn uống, chuyện trò, xem như người thân quen! Anh này từng có một số lần “lập công” giúp tìm người bị bắt cóc, thậm chí cưới một cô gái nhân viên hỏa xa làm vợ! Đến cuối mấy chục tập phim mới hiện nguyên hình là trùm ma túy, không cái vỏ bọc nào được xây dựng tốt hơn, kỳ công hơn thế! Làm phim công phu, cho thấy sự thay đổi của bối cảnh xã hội qua nhiều thập kỷ, từ xe đạp, radio, TV, tủ lạnh, máy nhắn tin, điện thoại… đều đúng với trình tự thời gian! Nghĩ lại thấy chán cho phim VN (thực ra chính là phản ánh đúng xã hội VN), lưu manh mà mới nhìn qua, mới nói có 2 câu đã biết tỏng là lưu manh rồi, chả thú vị gì!

5 xu

Dần dà thì chúng nó cũng sẽ tìm ra những công thức để làm thức ăn công nghiệp sao cho hiệu quả, thu về trăm tỷ này nọ! Trực tiếp làm phim về cave, gái ngành thì đã nhan nhản rồi, sẽ trở nên nhàm chán, lại còn bị nói là hạ cấp! Nên, bí quyết chính là không làm phim kiểu 3 xu như thế nữa, thay vào đó, ta phải làm phim… 5 hoặc 7 xu! Cũng y hệt như kiểu nhạc bolero (và xa xưa hơn là vọng cổ) thôi. Nguyên tắc đầu tiên chính là khán thính giả không nghe lọt tai những cái khác biệt, xa lạ, phức tạp đâu! Phải trình diễn cái gì đơn giản, thậm chí tối giản càng tốt! Cốt yếu là phải phổ thông, phải quen thuộc, sao cho khán giả dễ nghe, dễ nhớ, đánh vào cái “ta biết rồi”, “mình nghĩ đúng mà”, phải đánh vào những cái phản xạ có điều kiện của họ, bổ trợ thêm vào đó là những tràng cười thiểu năng, những kiểu kích động giật gân của MXH bây giờ!

Cũng y như ngày xưa diễn cải lương thôi, khán giả đã thuộc nằm lòng từng tình tiết, họ có thể ngồi dưới vừa xem, vừa “thổn thức” lặp lại chính xác từng lời thoại! Đấy, thưởng thức nghệ thuật kiểu “nhai lại” như thế chính là công thức! Đưa ra những thứ xa vời, bắt khán giả phải suy nghĩ mệt óc là sẽ không thành công đâu! Ngay cả đạo lý muốn truyền tải cũng phải có tính “catch-phrase”, làm sao để cho khán thính giả có thể “nhại” lại được dễ dàng, trong một câu ngắn gọn lập tức trở thành “người khác”, ví dụ như “nghèo mà có tình thì cao quý hơn”! Đấy, phải lập lờ như thế, chữ “mà” nói ra phải thật trơn tuột, làm cho nó mất đi ý nghĩa “giả sử” thì mới tốt! Nói thẳng là ra là phải biết phỉnh nịnh, đưa ra vài cái giá trị bánh vẽ giản đơn, hạ cấp để khán thính giả cảm thấy được thỏa mãn, cảm thấy mình có quyền phán xét, có giá trị!

nam lai bắc vãng

Thế là hết một cái Tết, toàn ở nhà làm việc nhà, kêu một chiếc xe tải 2 tấn chở đi vất những thứ đồ đạc không còn dùng đến, rồi lại tiếp tục làm mộc, hoàn thiện cái phòng tập GYM và làm thêm một số đồ gia dụng khác! Rồi lười biếng nằm dài xem phim… Phim này hay, chân thực và cảm động, điện ảnh phía Bắc Trung Quốc hiếm khi sa đà vào các kiểu trai xinh gái đẹp, khoe giàu khoe của nông cạn, nhảm nhí… nó dám nhìn lại một cách chân thực, thực đến mức trần trụi, cái quá khứ nghèo đói, lạc hậu, tệ nạn! Phim về đội cảnh sát đường sắt TQ những năm 197x…

Đường sắt TQ lúc đó hãy còn là một cái ổ tệ nạn đúng nghĩa: móc túi, cướp giật, bài bạc, lừa đảo, trấn lột, bắt cóc, buôn người, ma tuý… không thiếu thứ gì! TQ có cục Cảnh sát riêng trực thuộc Bộ Hoả xa, còn VN thì mới thành lập lực lượng cảnh sát đường sắt năm 2017, mới cách đây 7 năm, trong khi người ta đã làm từ gần 70 năm trước. Haiza, mà đường sắt VN đến tận bây giờ cũng gần gần giống như thế, cái này ai đã có kinh nghiệm đi tàu 30, 40 năm trước sẽ hiểu rất rõ! Xem để thấy rằng, tiến bộ xã hội đạt được thật không dễ dàng tí nào…

tảo luyến

Có mấy chuyện thuộc về tâm lý lứa tuổi và ngôn ngữ. Trong các phim thanh xuân vườn trường TQ, hiện tượng này được gọi là “tảo luyến – 早恋“, chữ tảo nghĩa là sớm, như trong từ “tảo hôn”. Nhưng họ gọi “luyến” chứ không gọi là “ái”… là chính xác! Lứa tuổi đó nó như vậy, có thể đôi khi (khá hiếm hoi) tình cảm sẽ đi hết đời người, còn đa phần sẽ là… học kỳ sau quay sang “luyến” đứa khác! Nên gọi là “luyến”, còn “ái” nó mang nghĩa rộng lớn hơn nhiều. Ai cũng từng trãi qua chuyện như vậy, ấy thế mà trở ngược trở lại cấm cản con trẻ, ấy cái lạ! Thế nên mới bảo là người Việt không lớn, tâm thức, nhận thức không chịu lớn! Nếu “lớn” thì sẽ hiểu rằng mỗi lứa tuổi đều có những điều thuộc về lẽ tự nhiên, không thể bắt người khác phải sống giống như mình được!

Sâu xa là cái tâm thức “giống như tôi mới đúng”, bằng vào cái kinh nghiệm phiến diện, khô cứng của bản thân, cố đảo dòng chảy thời gian, ngược tiến trình sinh học! Vội cho rằng đó là “ái”, kỳ thực chưa từng biết “ái” nó như thế nào, và nó có thể sẽ như thế nào, cứ bắt người khác phải sống theo vọng tưởng (thực chất là sợ hãi) của bản thân! Nghĩ rộng ra, đã là người thì đều có những “hỉ nộ ái ố” như nhau, chúng ta chỉ khác nhau trong cách xử lý những vấn đề đó! Càng cấm đoán áp đặt, trẻ sẽ càng bám víu vào cái chấp niệm đó là đúng, duy nhất đúng! Điều nên làm là dạy, mở ra cho con trẻ thấy những khả năng, những sự phát triển khác của tâm hồn, của cuộc sống! Đương nhiên, người ta không thể dạy cái mà bản thân người ta cũng không có!

thiên hạ trường hà

Lâu lắm mới xem được một phim “chính kịch” TQ hay như thế, mà phim thế này thường sẽ không có phụ đề tiếng Việt, chả ai đi dịch cái phim mà biết chắc không có mấy khán giả xem! Không có khán giả vì không có trai xinh, gái đẹp cùng với những màn giật gân, đồng bóng khác! Nhưng đúng là khá lâu mới được xem lại những thủ pháp phim “chính kịch” TQ, nhiều năm không thấy gặp, nhiều đoạn rất thấm với cái nội dung thâm thuý của nó! Đây có lẽ là phim làm để chuẩn bị tiền đề dư luận cho dự án “Nam thuỷ Bắc điều” hiện đại của TQ. Phim lấy bối cảnh triều Thanh, Khang Hy gia, Hoàng Hà tràn bờ, nước lụt đe doạ nhiều tỉnh! Hoàng đế lệnh xuống cho các quan lại địa phương và các quan phụ trách đê điều (Hà đạo): Nhân tại đê tại, Đê vong nhân vong – 人在堤在,堤亡人亡 – Người còn thì đê còn, Đê mất thì người mất! Hà đạo tham quan, Vương Quang Dụ biết chạy không thoát tội nên đã tự sát!

Tuần phủ An Huy – Cận Tử Viên mấy chục ngày ở tại công trường đốc thúc hộ đê, nhưng cuối cùng đê vẫn vỡ! Tử Viên bị dòng nước cuốn đi, nhưng may mắn được cứu sống, bị áp giải về kinh để điều tra! Quần thần nghị luận: giết hay không giết!? Ai ai cũng muốn giết, làm con dê tế thần, giết là bịt luôn đầu mối không truy ra được những quan nào đã ăn bớt việc sửa đê! Chỉ có một người khuyên can Khang Hy không giết, giết rồi dư luận sẽ bảo rằng hoàng đế: Sát nhân hữu phương, Trị hà vô lực – 杀人有方,治河无力 – Có cách để giết người, nhưng vô phương trị thuỷ! Từ đó bắt đầu một đại công trình kéo dài hơn mấy chục năm, Trị lý Hoàng hà! Xem để thấy rằng với những công trình quốc kế dân sinh to lớn, người TQ làm với trách nhiệm và quyết tâm lớn lao! Khác với thời cổ đại, đơn giản chỉ là đắp đê cho cao và khơi thông dòng chảy cho rộng, việc trị thuỷ hiện đại có nhiều chuyện phức tạp hơn thế…