Nhiều khi một quan điểm đứng từ phía đối nghịch, nghe thật ngỗ ngược và vô lý. Nó nghe có vẻ vô lý ngay từ cách đặt vấn đề cho đến các kết luận rút ra. Nhưng đôi khi tự đặt mình vào những vị trí như thế mới có thể hiểu vấn đề từ đủ các góc độ khác nhau, để rồi có cái nhìn chính xác hơn về mọi việc. Bài viết trích dưới đây đã xuất phát từ một cái nhìn như thế, nhìn về thể thơ lục bát truyền thống Việt Nam từ góc độ tiết tấu của âm nhạc. Bài này đọc đã lâu, giờ xem lại mới thấy ý kiến của tác giả có nhiều phần chính xác.
Lục bát là thể văn vần căn bản trong ca dao và nhiều tác phẩm văn chương khác của Việt Nam, và thường được gọi là quốc hồn quốc túy Đoạn văn sau đây (từ VHNT) tôi cho là tiêu biểu cho lối văn tán lục bát:
Hãy thử nghĩ về dòng thơ lục bát. Dòng sông thơ mộng chảy luân lưu và phổ thông nhất của thi ca Việt Nam. Lục bát thấm vào máu, vào ca dao, vào lời ru, vào câu hò của văn học Việt Nam, và không một nhà thơ nào không ghé đến tắm thử trên dòng sông này một lần, nhiều lần, có khi ở lại, có khi bỏ đi, hoặc đi rồi trở lại nhiều lần, như cuộc hẹn với người tình trăm năm còn lưu luyến mãi…
Những lời tán tụng say mê như vậy tôi đã đọc nhiều và tôi tự hỏi tại sao lục bát lại chiếm một vai trò quan trọng trong thơ Việt Nam như vậy? Và, vì là một người yêu nhạc, tôi muốn biết lục bát có ảnh hưởng gì lên nhạc Việt Nam… Trước hết xin xem xét các dặc điểm về âm điệu của lục bát:
1. Dùng số chẵn âm tiết (syllables). Thơ Tàu thường dùng 5 hoặc 7.
2. Hai câu lục bát tạo thành tế bào căn bản (unit cells). Không có cấu trúc nào ở tầng trên đơn vị này, ngoài sự móc nối (interlocking) 2 vần ở câu bát.
3. Vần luôn luôn là âm bằng, tức là chỉ có thể có một trong hai âm vần.
4. Mỗi vần chỉ dùng ở 2 câu, thay vì 3, 5 hoặc hơn trong thơ Tàu, Tây, và do đó luôn luôn thay đổi trong một bài thơ dài.
5. Vần chen vào trong câu để móc nối những couplets.
6. Số kết hợp khác nhau (combinations) rất ít ỏi vì hai vần ở câu bát phải khác dấu: huyền – ngang hoặc ngang – huyền (không có ngang – ngang hay huyền – huyền). Nói nôm na thì phải hoặc là TÌNH TÍNH TANG hoặc là TANG TÍNH TÌNH:
Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh vốn TÌNH TÍNH TANG
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà TANG TÍNH TÌNH
Vần ở câu lục có thể huyền hoặc ngang, cho ta tổng cộng là 4 kết hợp.
7. Nhịp cũng rất đều đặn, luôn luôn đi theo nhịp nhẹ – mạnh (n – M – n – M – n – M, n – M – n – M – n – M – n – M). Cuối 2 câu luôn luôn là 1 nhịp mạnh. Sự thực thì nếu cộng 2 cái nghỉ (rest) ở cuối câu lục thì nhịp lại càng cứng và đều đều buồn tẻ hơn nữa:
ta ĐA ta ĐA ta ĐA (nghỉ nghỉ)
ta ĐA ta ĐA ta ĐA ta ĐA
Nếu phải nghe cái nhịp đều đều này mấy ngàn lần liên tiếp trong một tác phẩm lục bát dài thì quả là 1 cực hình! …
… Trở lại lục bát, vì cách cấu trúc như vậy nên lục bát rất ít thay đổi. Vì vần luôn luôn là âm bằng nên lục bát có 1 âm điệu êm ả, ru ngủ… Cái vần bằng này được củng cố bằng tính chẵn và sự đều đều của nhịp: nhẹ mạnh, ắc ê, một hai, không có nhịp lẻ.
Vì mỗi cặp lục bát luôn luôn kết thúc ở nhịp mạnh âm bằng nên gây cho ta một cảm tưởng đã chấm dứt (finality), không thể dùng âm điệu hay nhịp để dựng lên một sự căng thẳng rồi dần dần đưa đến giải quyết. 1000 câu lục bát thì có 500 câu hỏi và 500 câu trả lời, chứ không thể có 1 câu hỏi lớn, đưa đến tranh chấp dài hơi, đưa đến 1 sự giải quyết mãnh liệt ở cuối. Về mặt âm điệu (xin nhấn mạnh tôi không muốn nói về những khía cạnh khác ngoài âm điệu), truyện Kiều là mấy ngàn mô đất nhỏ đứng cạnh nhau chứ không phải là 1 rặng núi lớn. (Tiện đây tôi cũng lấy làm lạ rằng hình như Việt Nam là nước duy nhất mà tác phẩm lớn của dân tộc lại được dùng vào việc ru ngủ, và có nhiều nhà phê bình văn học lại hãnh diện về chuyện đó)
… Một thể thơ như vậy, nếu coi là quốc hồn quốc túy thì sẽ cho ta thấy cái gì ở con người Việt Nam? Đó sẽ là 1 dân tộc không thích mạo hiểm, không thích cấu trúc lớn, mà thích an phận với những cái tầm thường, chóng giải quyết. Không thích hỏi câu hỏi lớn, xa xôi và tốn thì giờ đi tìm câu trả lời. Không thích sự căng thẳng mà thích giải quyết vội vã, chóng vánh, dễ dãi. Không thích sự đa dạng, bất đồng, bất định (uncertainies) mà thích cái gì cũng vào 1 số nhỏ khuôn mẫu nhất định. Không thích cái xáo trộn của vần trắc mà luôn luôn tìm ngay đến cái êm ả của vần bằng. Gãi tai rồi (vần bằng ở chữ 6 câu bát) vẫn chưa đủ đã ngứa, lại phải gãi thêm một cái nữa cho chắc ăn (chữ 8 câu bát). Có thật dân Việt Nam như vậy không? NẾU đã chấp nhận lục bát là quốc hồn quốc túy, thì phải chấp nhận những sự thật kể trên…
… Lục bát thường được coi là quốc hồn quốc túy của Việt Nam, nhưng theo tôi nó tượng trưng và biểu hiện những khuynh hướng bảo thủ của dân tộc. Trong khi các tác giả dân ca đã có nhiều thành công trong việc thăng hoa lục bát thành những bài hát đặc sắc, thì tân nhạc Việt Nam dường như lại thừa hưởng nguyên vẹn những đặc tính kém cỏi của lục bát… với những bài ca ngắn ngủi, cấu trúc không thay đổi (luôn luôn là thể ABA với 4 câu điệu A nhắc lại, 4 câu điệu B, rồi trở lại A), chủ đề cũ kỹ (tình yêu, thiền, chán đời, hoài hương – ở hải ngoại nhớ quê hương đã đành mà ngay ở Việt Nam cũng nhớ!) , kỹ thuật quen thuộc, tiết tấu buồn tẻ không bao giờ thay đổi, âm điệu êm tai dễ dãi (gần như không bao giờ đi ra ngoài tonality), kết thúc vội vã, trở về chủ âm chóng vánh, v.v… Tân nhạc cho tới nay phần lớn là nhạc để ru ngủ, cũng như lục bát phần lớn là thơ để ru ngủ. Với sự tiếp cận thế giới càng ngày càng mạnh mẽ, hy vọng rằng tân nhạc Việt Nam chóng thực sự trưởng thành và vượt qua những nhược điểm này.