Tôi đặc biệt thích những tác phẩm đầu tiên của nhạc sĩ Phạm Duy, từ Cô hái mơ, Tình kỹ nữ… đến Thu chiến trường, Bên cầu biên giới, Nhớ người ra đi, Bà mẹ Gio Linh… Những tác phẩm ấy báo hiệu một Phạm Duy đầy sức sống và sức sáng tạo về sau. Và cho đến bây giờ đó vẫn là đỉnh cao nhất trong những nhạc phẩm tiền chiến. Có lẽ sẽ không ai kìm được nước mắt khi giai điệu như thôi miên Bà mẹ Gio Linh qua giọng ca oán hờn “dựng tóc gáy” Thái Thanh:
Mẹ già cuốc đất trồng rau, nghe tin xóm làng kêu gào. Quân thù đã bắt được con, mang ra giữa chợ cắt đầu. Nghẹn ngào không nói một câu, mang khăn gói đi lấy đầu. Chiều về trên xóm buồn teo, xa xa tiếng chuông chùa ngân…
Cái lời ca ấy ám ảnh tôi, và tâm hồn non nớt lúc nhỏ tôi đã biết rưng rưng nước mắt khi nghe những lời ca: Nhưng mỗi khi dưới mái nhà đơn sơ, dừng chơi nắm tay mẹ hỏi rằng, rằng, rằng: Cha chúng con đâu, về mua bánh cho con, mẹ ơi!
(Nhớ người ra đi). Những giai điệu vừa là dân ca, vừa không phải là dân ca, thoát thai từ những gốc rễ bình dị xa xưa, vừa mang đầy màu sắc hiện đại và tân kỳ. Phải nói chỉ có một mình ông, PD, là đủ tài năng để làm một công cuộc Phục sinh cho dân ca dân nhạc.
Bên cầu biên giới - Thái Thanh ►
Thuyền viễn xứ - Lệ Thu ►
Những gì mà các tác giả sau này làm: Trần Tiến, Phó Đức Phương, Dương Thụ, Nguyễn Cường… chỉ là copy & paste lại dân nhạc, khó có thể gọi là “hồi sinh”. Trong số những tác phẩm của giai đoạn này, tôi đặc biệt yêu thích hai bài: Thu chiến trường và Bên cầu biên giới. Đến bây giờ chủ đề ấy vẫn còn được lặp lại đôi khi, ai đó vẫn còn đặt câu hỏi: Đời tôi sao vẫn còn biên giới, lòng tôi sao vẫn ngừng nơi đây?
. Cái âm giai La thứ huyền bí, vừa thiêu thiếu, vừa đầy đủ trong Thu chiến trường quả thật quá hấp dẫn, đặc sắc về mặt âm nhạc. Nghe Thu chiến trường tôi cảm giác như nghe một giai điệu bắc phương nào đó của vùng sa mạc, nghe không khí Biên tái của Đường thi trỗi dậy.
Thu chiến trường - Kim Tước ►
Chiều về trên sông - Lệ Mai ►
Mời các bạn nghe kỹ hai tác phẩm này, chỉ một vài lần thôi để cảm thấy cái “touch”, cái khẽ chạm của thiên tài. Bên cạnh những ca khúc làm rung cảm cả một dân tộc ấy, cùng một lúc, con người nghệ sĩ Phạm Duy vẫn loan truyền đi niềm vui sống, nét phơi phới yêu đời qua những giai điệu: Quê nghèo, Nương chiều, Gánh lúa, Về miền Trung, Tiếng hát sông Lô, Chinh phụ ca… Lại là phục sinh dân ca dân nhạc, nghe cũ đấy mà mới đấy, như một nguyên lý fractal đồng dạng vốn tiềm ẩn trong tất cả hủy diệt và tái tạo của cuộc sống.
Mẹ tôi đến giờ vẫn hay hát Quê nghèo: làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói, có những cánh đồng cát dài…
, cái lời ca làm bà nhớ lại không gian một làng Vĩ Dạ xanh biếc như ngọc xưa, nơi nuôi bao kỷ niệm tuổi ấu thơ: nằm mơ, mơ thấy trăm họ tốt tươi, mơ thấy bên lề cuộc đời, áo dài đùa trong tiếng cười…
Trong những bài ca viết cho quê hương ấy, PD đã lột tả chính xác đặc trưng của từng vùng miền, từ địa lý, khí hậu, giọng nói đến tâm hồn. Ít ai có được cái cảm quan tinh tế sâu sắc như ông. Ông là người đầu tiên đề cập vấn đề hệ ngũ cung Huế, nghe “lơ lớ” khác hẳn những hệ ngũ cung khác, và đã có những ca khúc phản ánh chính xác được những cảm nhận ấy. Trong số những tình ca quê hương này, ngoài Tình hoài hương mà tầm vóc của nó đã phổ quát, tôi còn rất yêu thích bài Về miền Trung. Cái giai điệu chỉ có thể thoát thai từ giọng nói, tâm hồn người xứ dân gầy ấy:
Đêm hôm nao gió u buồn trên sông vắng, có tiếng hát xao xuyến ánh trăng vàng. Người đi trên đống tro tàn, thương em nhớ mẹ hương vàng về đâu? Chiều khô nước mắt rưng sầu, tan thân thiếu phụ, nát đầu hài nhi… Về miền Trung, còn chờ mong núi về đồng xanh, một chiều nao đốt lửa rực đô thành…
Qua những năm 50, nhạc sĩ Phạm Duy lại tiếp tục cho ra đời những nhạc phẩm vi diệu hơn nữa về nhạc thuật. Dáng nhạc, lời ca không kém phần mỹ miều, nhưng đã được mài giũa để trở nên đài các, sang trọng hơn. Giai đoạn này chủ yếu là những bài tình ca quê hương: Nụ tầm xuân, Tiếng sáo Thiên Thai, Tình hoài hương, Tình ca, Thuyền viễn xứ, Dạ lai hương, Bà mẹ quê, Lữ hành, Viễn du, Hoa xuân, Ngày trở về, Hẹn hò, Chiều về trên sông, Tiếng hò miền Nam…
Chưa ai xưng tụng quê hương, vừa riêng tư, vừa phổ quát, thành công được như Phạm Duy. Riêng Tình ca phải được xem như một tuyên ngôn cho tiếng nói, cho con người Việt, một tuyên ngôn chan chứa yêu thương và tự hào (xem thêm bài về Tình ca trong một post trước của tôi). Một tác phẩm để lại trong tôi dấu ấn rất lớn là Thuyền viễn xứ. Lần đầu tìm nghe được, tôi đã nghe đi nghe lại suốt cả một ngày trời và tự nhủ với mình: từ nay mình được biết một loại âm nhạc mới. Từ đó tôi dần dần chuyển qua yêu thích các giai điệu ngũ cung huyền ảo. Một bản nhạc đặc biệt nữa mà tôi cũng rất yêu thích: Chiều về trên sông, nửa ngũ cung, nửa thất cung, bản nhạc được viết trên mode Dorian, lai lai gần giống hệ ngũ cung Oán của dân ca Nam bộ, gây cảm giác buồn, buồn nhưng thanh thản.
(Còn tiếp…)