Bắc hành – 2017

ại thêm một hành trình đi suốt chiều dài của đất nước hình chữ S này nữa. Ban đầu, tôi dự tính một hành trình bằng xe đạp, với mong muốn đi thật chậm, nhưng tính đi tính lại, thời gian không có nhiều, nên xe máy vẫn là phương tiện tốt để thăm thú đó đây, chủ động trên mọi mặt. Cốt yếu một điều rằng, chưa bao giờ tôi nghĩ mình đã biết đủ về đất nước này, dù cho bao nhiêu vẻ nghèo nàn lạc hậu mà nó thể hiện, thì trong suy nghĩ của mình, dải đất này vẫn đầy tính đa dạng văn hoá và sinh học!

Hành trình bắt đầu từ Vũng Tàu, đi ngược ra Bắc bằng con đường ven biển. Hệ thống đường quốc phòng ven biển hoàn thiện trong những năm gần đây phát lộ ra nhiều cảnh quan, nhiều góc nhìn mới. Trước đây, trong cái nhìn của mình, tôi nghĩ rằng biển Đà Nẵng hay Nha Trang là đẹp nhất, đến giờ có lẽ điều đó không còn đúng nữa. Hành trình cũng có một mục đích khác: thăm dò tất cả những điểm quan trọng dọc bờ biển, chuẩn bị cho một chuyến xuyên Việt bằng thuyền kayak nào đó trong tương lai! 😀

Thực ra, ngay lúc này đây, tôi cũng không chắc là bao giờ sẽ tổ chức được một hành trình kayak như thế, nhưng thầm nghĩ trong đầu, cứ chuẩn bị dần dần, từ từ từng ít một, lúc nào đó mình sẽ làm được! Từ tp. biển Vũng Tàu, băng qua sông Cỏ May, đi ven biển dọc theo Long Hải, Phước Hải. Ghi chú lại vị trí những bờ kè bê – tông chắn sóng. Ngay từ điểm này, bờ biển đã mang tính chất của biển miền Trung, cát trắng, biển trong, ít phù sa. Đi dọc cửa sông Ray về hướng Hồ Cốc, Hồ Tràm, Bình Châu.

Con đường ven biển đoạn này rất tốt, rộng, bằng phẳng, đi qua những vùng cây cối ít nhiều xanh tươi, bãi cát trắng tinh sáng mờ trong ánh bình minh. Chẳng mấy chốc đã đến tx. Lagi, Bình Thuận, thời tiết nắng đẹp, mặt biển trong xanh sáng lấp lánh, sông Dinh chỉ là một con sông nhỏ, nhưng cảng cá ở đây khá lớn, cửa sông Dinh tàu neo đậu san sát, đi lại tấp nập! Tiếp tục ghi nhận những vị trí đá ngầm (rạng) dọc bờ biển, và những nơi có thể cập thuyền dọc theo bờ đê chắn sóng và bờ kè ven sông.

Từ tx. Lagi, lại theo tỉnh lộ 709, 719 chạy dọc bờ biển, chạy dọc theo sông Phan (một con sông bé) rồi vòng đến mũi Kê Gà (đến lạ, đã Kê lại còn Gà 😀). Hải đăng mũi Kê Gà nằm trên một hòn đảo nhỏ, cách bờ chỉ tầm 200, 300 mét. Rồi lại chạy dọc theo đường 719 đi thành phố Phan Thiết. Một thành phố nho nhỏ, xinh xinh, yên bình, hãy còn mang dáng dấp một đô thị thời Pháp thuộc. Toàn bộ thành phố Phan Thiết xưa nằm gọn giữa hai con sông, hai cảng cá: sông Cà Ty và sông Phú Hài.

 

 

iều tôi chẳng lấy làm thích ở hầu hết các cảng cá VN, đó là dưới sông thì san sát thuyền, nhiều khi chen chúc dày đặc đến mức hỗn độn, đậu tràn kín cả mặt sông, chẳng có trật tự nào. Ngộ nhỡ xảy ra cháy, thì tất cả những tàu thuyền gỗ ấy sẽ chẳng biết xoay xở ra làm sao. Đấy là dưới sông, trên bờ thì san sát quán nhậu, những ngư dân ở đây sau những ngày vất vả trên biển, là những ngày say luý tuý, cuộc sống nghe ra vẫn có điều gì bế tắc, xoay đi xoay lại như một cái vòng luẩn quẩn!

Rời Phan Thiết đi tiếp về phía Mũi Né… từ đây trở đi là san sát các khu du lịch, các resort, nhiều không thể đếm hết. Tôi vốn không thích những chỗ đông người, nhưng không thể không cảm thấy xiêu lòng trước vẻ đẹp của bờ biển nơi đây, bờ cát trắng phớt vàng, những rạng đá ngầm nho nhỏ. Biển Mũi Né có một vẻ đẹp đơn giản, thanh bình, không hùng vĩ, nhưng cũng không đe doạ, những bờ nước hiền hoà ít vẻ hiểm trở. Toàn bộ dãy bờ biển này, hầu như nơi nào cũng đều có thể ghé thuyền cắm trại tốt.

Từ thành phố Phan Thiết trở đi, địa hình mang tính “bán sa mạc” thấy rõ: những rặng đồi dài với rừng cây bụi thấp xen lẫn những trảng cát rộng mênh mông. Con lộ 716 tiếp tục dẫn đến Hồ Trắng, một cụm hai hồ nước ngọt lớn nằm kề nhau ven bờ biển. Đến đây lúc trời gần tối, bỗng sửng sờ đứng lại trước vừng trăng tròn cực lớn đang dần nhô lên phía Đông Bắc bên kia hồ, vầng sáng lung linh lay bóng, rung động như một ảo ảnh sa mạc, một cảnh tượng đẹp đến huyền ảo, ma mị.

Màn đêm dần buông xuống thôi thúc dồn bước tiếp theo con đường về thị trấn Phan Rí Cửa, một đô thị bé tí xíu nằm bên bờ sông Luỹ. Đây cũng là một cảng cá nữa, nhưng nhỏ hơn, nơi nhịp điệu cuộc sống mang vẻ rất chi an nhàn và chậm rãi. Ngày hôm sau tiếp tục con đường ven biển đi về phía mũi đất Lagan (huyện Bình Thạnh, tỉnh Bình Thuận), và liền kề đó là bãi đá 7 màu và thị trấn Liên Hương với chùa Cổ Thạch (Tuy Phong, Bình Thuận), một vùng đất rất rất đẹp trong mắt người lữ khách!

Một vùng quê với những dãy rú (rừng cây ven biển) xanh tốt, những con tàu đánh cá nằm ngay ngắn dọc bờ vịnh, một vài chiếc được kéo lên đà sửa chữa. Thị trấn Liên Hương vốn là 1 làng chài cũ, trong làng còn có nhiều ngôi nhà đề năm xây 192x, 193x. Tôi thích những nơi có 1 tí truyền thống xưa cũ: cuộc sống ổn định, cư dân hiền hoà. Dự tính là 1 nơi rất tốt để ghé vào nghỉ ngơi, tiếp thêm nước uống, lương thực cho… chuyến chèo thuyền xuyên Việt… 1 lúc nào đó trong tương lai! 😀

 

 

ạm biệt thị trấn Liên Hương, làng quê – phố thị yên bình tuyệt đẹp nằm bên bờ con sông Đại Hoà, hành trình ven biển tiếp tục đi về phía Bắc theo QL 1A, qua nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân (lại thêm 1 công trình nữa mang dấu ấn Trung Quốc). Vừa qua hết ranh giới của tỉnh Bình Thuận, vào đến Ninh Thuận là đến Cà Ná, một vùng đầm lớn ven biển, con đường làm du lịch vừa mới xây xong rộng đến 4 làng xe băng ngang giữa vịnh Cà Ná, xung quanh là những đầm nuôi tôm rộng lớn.

Từ đây, con đường ven biển tiếp tục vòng qua mũi Dinh, đây thực sự là một cảnh quan hùng vĩ khoáng đạt lôi cuốn tầm mắt. Con đường đi qua những động các lớn bao quanh chân các núi đá, hai bên đường phải xây những dãy tường cao chắn cát, nếu không thì chỉ sau một mùa gió, cát sẽ lấp hết những mặt đường nhựa này. Mũi Dinh, nhìn từ xa, với phần “chân” cát trắng xoá như hoà lẫn vào mặt biển và đường chân trời, chỉ còn thấy một chóp núi xanh nổi lên bềnh bồng giữa khoảng không bao la.

Qua mũi Dinh, không bao xa nữa là đến Phan Rang – Tháp Chàm. Một đô thị nhỏ, thanh bình nữa, nằm giữa hai con sông Dinh (là một con sông cùng tên, nhưng khác sông Dinh ở Ninh Thuận), và đầm Nại (bãi biển Ninh Chữ). Đấy có phải là mẫu hình chung cho khá nhiều đô thị miền Trung, luôn được xây dựng giữa hai vùng nước: đầm, sông hay phá!? Tạm dừng ăn trưa ở Phan Rang – Tháp Chàm, rồi lại tiếp tục khởi hành, ngay sát phía Đông – Bắc của Phan Rang – Tháp Chàm đã là vườn quốc gia Núi Chúa.

Từ đây trở ra đến vịnh Cam Ranh, vịnh Vân Phong theo tôi là cung đường ven biển đẹp nhất Việt Nam, con đường 702 đi qua những khung cảnh hết sức ngoạn mục, một bên là biển xanh biếc với nhiều ghềnh đá hiểm trở xen kẽ với những bãi cát trắng tinh, một bên là khu bảo tồn quốc gia ít nhiều vẫn còn nguyên sinh xanh tốt. Hành trình đi qua khu vực này trở nên rất chậm thì tôi gần như phải dừng liên tục để chụp hình và đánh dấu trên bản đồ những bãi cát có thể neo thuyền, cắm trại.

Tôi không biết điều gì làm bạn vui thú nhất, với tôi, đó là neo thuyền, cắm trại bên một vịnh biển hoang vắng, không thể đến được bằng phương tiện gì khác ngoài thuyền… Như thế bạn được an toàn khỏi “văn minh hiện đại”, ít nhất là trong một khoảng thời gian… 😀 Vịnh Vĩnh Hy, một lõm nhỏ ăn sâu vào đất liền, tuy không quá lớn nhưng lại là một nơi lý tưởng để tránh gió bão: lối vào hẹp, hầu như 4 phía đều là những sườn núi cao, từ trên nhìn xuống y hệt như một lòng chảo tròn trĩnh, xinh xắn.

 

 

ừ vịnh Vĩnh Hy tiếp tục đi về phía Bắc chẳng bao lâu là đã thấy những dãy đảo ven bờ của vịnh Cam Ranh, bắt đầu bằng đảo Bình Hưng, rồi đảo Bình Ba. Lúc này vẫn chưa qua hết vườn quốc gia Núi Chúa, cảnh quan vẫn một màu xanh biếc, thêm vào cái nắng hanh vàng của một ngày quang trời tuyệt đẹp. Những đợt sóng lớn xô bờ tung bọt trắng xoá. Riêng năm nay, gió mùa Đông Bắc không mạnh như các năm trước, sóng biển tuy hơn lớn một chút, tầm 1 ~ 1.5m, nhưng vẫn thanh bình đến lạ!

Dọc suốt bờ biển miền Trung, có rất nhiều những địa điểm cùng mang những cái tên giống nhau như: Nước Ngọt, Nước Mặn, Đá Bạc, .v.v… những cái tên mang đậm tâm thức di dân và hàng hải! Qua hết vườn quốc gia Núi Chúa, con lộ 702 nhập vào với QL 1, từ đây tôi chạy nhanh băng qua vịnh Cam Ranh, Nha Trang, đầm Nha Phu, vịnh Vân Phong… bỏ qua Ninh Hoà vì đoạn này đã thăm thú kỹ trong hành trình xuyên Việt năm ngoái. Tạm dừng nghĩ đêm ở làng chài Vạn Giã gần bờ bắc vịnh Vân Phong.

Gọi là làng chài chứ thực ra giờ đây, Vạn Giã đã là một thị trấn hiện đại, nhà cửa san sát, giá cả sinh hoạt có phần đắt đỏ, một thị trấn phồn vinh nhờ vào nghề nuôi tôm. Và theo như quan sát, thủ đô của giới buôn gỗ lậu Nam Trung bộ có lẽ đã chuyển về Vạn Giã (chứ không phải ở miệt Cam Ranh như trước). Thời tiết, khác hẳn cái nắng ấm dễ chịu của mấy ngày hôm trước, giờ đây đã chuyển sang lạnh và mưa, càng đi về phía Bắc, sự hiện diện của gió mùa Đông Bắc càng lúc càng thấy rõ!

Mục tiêu của hành trình ngày hôm sau là Vũng Rô và mũi Điện, nhưng quá Đại Lãnh, trời đổ mưa tầm tã, chiếc xế nổ của tôi liên tục tắt máy do cái nắp chụp bugi hở và thấm nước. Đành phải bỏ qua hai điểm đến quan trọng đã dự tính mà chạy tiếp đến thành phố Tuy Hoà, nơi có thể sửa được xe. Xác định đây không phải là vấn đề lớn, khắc phục dễ dàng và có thể yên tâm tiếp tục hành trình còn dài phía trước. Trời mỗi lúc mỗi mưa nặng hạt, và rét buốt đến cắt da, cảm giác rất khó chịu!

Một đợt rét vừa tràn về đúng như dự báo thời tiết vài ngày trước đã cảnh báo! Cái lạnh ướt khi chưa quen với nó gây cảm giác buốt và khiến cơ thể mất năng lượng nhanh chóng. Thời tiết này mà đi dọc ven biển thì chẳng có gì hay ho cho lắm, suy đi tính lại, quyết định tăng ga chạy nhanh qua hết đoạn Trung Trung bộ này, một phần cũng vì đoạn từ Quy Nhơn đến Quảng Bình đã biết khá rõ, một phần cũng dự tính dành lại một vài vị trí còn lại cho chuyến hành trình ngược từ Bắc vào Nam!

 

 

ột cuộc gặp gỡ trên đường, ven đầm Đề Gi, Bình Định, một bác già ngoài 60 tuổi, tự giới thiệu là ngư dân (!?), bề ngoài nhìn lam lũ, nhưng nét mặt sắc sảo, tinh anh khác người. Nói chuyện trên trời dưới đất một hồi thì mình phát hiện ra bác ấy hiểu chi tiết về đội hình 1 hàng dọc, đội hình 2 hàng dọc, chiến thuật cắt mặt hình chữ T (crossing the T) cùng một lô một lốc những chiến thuật hải quân cổ điển khác… Ôi má ơi, tôi không tin một người ngư dân bình thường lại có được những kiến thức ấy!

Một cuộc trò chuyện khác, bác thợ đóng thuyền bên bờ vịnh thắc mắc: “Trông chú giống người gốc Chà Và?”, trả lời: “Dạ không, em Việt 200% mà”. Nhủ thầm trong bụng: mịa, đúng là ông đây có 1 chút “da nâu, rậm râu, sâu mắt” (Chà Và) thật, nhưng… luận về mô – đen của đàn ông Việt cách đây non 1 thế kỷ, cũng trên dải đất Trung Trung bộ này, không tin xem lại ảnh các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Phan Khôi, Phan Thành Tài, etc.. thì sẽ thấy toàn là “phường” “da nâu, rậm râu, sâu mắt” cả đấy! 😀

Từ Bình Định trở ra Bắc, tôi xem như “miền đất cũ”, nơi quá trình di dân định cư đã có một truyền thống lâu đời, làng xã có tổ chức sản xuất quy cũ hơn hẳn. Tuy vậy, những cảnh quan thiên nhiên đa phần không còn nguyên sinh, rừng cây đa số là rừng tái sinh, mới trồng lại đều tăm tắp, không có được vẻ tự nhiên như các vùng Ninh Thuận, Bình Thuận. Một ngày gió mùa Đông Bắc giảm bớt giúp có thể “thăm dò” thêm một đoạn đường ven biển bắt đầu từ phía Bắc của tp. Quy Nhơn đến Tam Quan.

Cửa sông Lại Giang với một cồn cát dài và hẹp chắn ngang chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, cửa sông Tam Quan là một cảng cá lớn, đi sâu vào trong cảng cá xem xét cách tổ chức sinh hoạt. Rồi chạy tiếp qua bãi biển Sa Huỳnh, qua Đức Phổ, Mộ Đức, tp. Quảng Ngãi, rẽ phải đi về phía cảng Sa Kỳ và khu công nghiệp Dung Quốc. Đến đây, thời tiết càng trở nên lạnh và mưa, nên tăng ga chạy nhanh qua Tam Kỳ, Đà Nẵng, Huế, Đông Hà và Đồng Hới, đây là những vùng đất đã biết khá rõ.

Hình thứ 4: chụp gần địa đạo Kỳ Anh, Tam Kỳ, Quảng Nam, 1 đoàn xe đạp hơn 20 người Hàn Quốc, đi dọc theo QL1, đa số là trẻ, chỉ có 1 số ít già. Sau lưng mỗi người có buộc 1 mảnh vải in dòng chữ: “I’m sorry Vietnam”, họ đang gởi đi 1 thông điệp… Biết rằng thời tiết mưa dầm rét buốt này còn tiếp diễn cho đến quá Quảng Bình, Hà Tĩnh, nên tiếp tục bỏ qua nhiều vùng đất chạy đến Nghệ An. Lúc này thời tiết đã hết mưa, chỉ còn lạnh khô, đây rồi cửa sông Lam rộng mở, một vùng đất mà tôi rất ưa thích!

 

 

ây là lần thứ 3 trở lại vùng hạ lưu sông Lam, một dải từ cửa Hội đến cửa Lò (sông Cấm), huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Có những điều khó diễn tả nên lời, nhưng nhìn bến cảng, nơi neo đậu thuyền, cách tổ chức đường sá đi lại, có một cái gì đó rộng rãi, ngay ngắn, sạch sẽ… thể hiện cá tính có tổ chức của người dân nơi đây. Vùng cửa Hội, tàu bè neo đậu ven sông hay trong những kênh rạch một cách ngay hàng thẳng lối, không dầy đặc lộn xộn như phần nhiều các cảng cá khác của Việt Nam.

Rồi lại chạy dọc ven biển đến Bãi Lữ, cửa Lạch Vạn, thuộc huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Rồi lại lang thang vùng cửa Lạch Quèn, làng muối Quỳnh Long, vùng cửa Còn, nay là thị xã Hoàng Mai, Nghệ An. Rồi theo quốc lộ 36 thăm cảng nước sâu Nghi Sơn, tới đây là đã bước sang địa phận huyện Tĩnh Gia, Thanh Hoá. Bỏ qua một đoạn từ Sầm Sơn, thành phố Thanh Hoá (đã thăm thú kỹ trong chuyến xuyên Việt năm ngoái) theo quốc lộ 10 đi về hướng thị trấn Phát Diệm, Ninh Bình.

Từ Phát Diệm, qua đò Mười và đò Cau, hai chuyến phà nằm rất gần nhau băng qua sông Đáy và sông Ninh Cơ là đã vào địa phận tỉnh Nam Định. Trong chuyến xuyên Việt năm trước, đã tham quan kỹ vùng Phát Diệm, và cũng đã để ý phần nào đến hệ thông sông ngòi, kênh rạch, cống ngăn mặn và tưới tiêu thuỷ lợi nơi đây. Nhưng càng đi sâu vào vùng duyên hải của các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình… mới cảm nhận được hết tầm vóc và quy mô của các công trình thuỷ lợi này!

So với miền Nam, thì sông ngòi kênh rạch vùng này không thể bì được về độ lớn và độ phức tạp. Nhưng so về các công trình tạo tác của con người: đê, kè, đập, cầu, cống, ngòi… bao nhiêu thế hệ đã dày công xây dựng, thì nơi đây quả thật đáng kinh ngạc. Những công trình thuỷ lợi lớn như thế này thể hiện một đời sống cộng đồng lâu đời, có quy hoạch và tổ chức nghiêm chỉnh, có sự phân công lao động chi tiết, có những luật lệ, quy ước rõ ràng về đời sống, về tổ chức làng trên xóm dưới.

Thêm nhiều điều đáng suy nghĩ về cuộc sống của đồng bằng Bắc bộ xưa, những lề luật, khuôn khổ của nó, những mâu thuẫn giữa duyên hải và nội địa, giữa trung ương và địa phương, giữa nhu cầu duy trì ổn định cộng đồng và nhu cầu sáng tạo, phát triển những cái mới. Vùng duyên hải Bắc bộ này cũng có nhiều làng Công giáo lâu đời, nhà thờ mới cũ mọc lên san sát… Hành trình tiếp tục đi ven biển, về hướng nhà thờ đổ Nam Định, thị trấn Quất Lâm và vườn quốc gia Xuân Thuỷ.

 

 

hị trấn Quất Lâm không phải chỉ có điều mà ai cũng biết tới, thực sự đây là một cảng cá, vùng nuôi trồng thuỷ sản và là nơi đóng tàu khá lớn. Những con tàu cá đóng bằng gỗ ở đây nhìn khá bắt mắt, được đóng theo một lối nửa hiện đại, nửa truyền thống, nghĩa là vẫn xây dựng một số (khá ít) khung cơ bản trước rồi mới ghép ván vào, nhưng tàu hoàn toàn không có ki (sống lưng), chỉ có một ít đà, sống ở gần mũi và gần đuôi để chịu lực, ở dưới đáy tàu chỉ có duy nhất một lớp ván gỗ.

Từ Quất Lâm, tiếp tục đi dọc theo triền đê biển đến vườn quốc gia Xuân Thuỷ. Lại là những hệ thống đê điều, cống, ngòi… thể hiện sự dày công tạo tác của con người. Ngoài cũng phía biển là những bờ kè chắn sóng, trong một chút là những bãi bồi với rừng ngập mặn xen lẫn với bãi cát. Trong nữa là đê biển, có nhiệm vụ ngăn mặn, với nhiều cống xả nước từ sông ra. Bên trong đê là vùng nuôi tôm, trong nữa là vùng trồng lác, cói (dệt chiếu), trong nữa mới đến vùng trồng lúa và những loại hoa màu khác!

Một phát hiện rất đáng ngạc nhiên về sự sáng tạo của người ngư dân, lần đầu tiên tôi thấy ghe biển chạy máy mà có cái xiếm – centerboard (thanh gỗ màu đỏ, hình ) như ghe buồm! Trò chuyện với một bác ngư dân và xác nhận đó chính là cái xiếm, đâm xuống rất sâu đằng mũi ở vị trí ngay sát mớn nước. Và không phải chỉ có một chiếc, thuyền đi biển vùng này đồng loạt đóng như thế. Có thể vì cấu trúc thuyền đáy tròn, thân ngắn và rộng nên cần xiếm để cho bớt lắc và đi thẳng hơn.

Từ Giao Thuỷ, qua phà Cồn Nhất bắc qua sông Hồng, bên kia đã là tỉnh Thái Bình. Mất một vài giờ đi lạc trong cái ma trận những cầu cống, đê điều và sông ngòi này… những hệ thống đường phức tạp mà Google Map chưa kịp cập nhật đến. Cũng phải nói thêm rằng, đồng bằng Bắc bộ, mà điển hình là tỉnh Thái Bình, đã đô thị hoá cao độ, nhiều nơi không thể phân biệt đâu là nông thôn, đâu là phố thị… nhà cửa và công trình xây dựng san sát. Loay hoay một hồi mới đến được thị trấn Tiền Hải.

Rồi qua sông Trà Lý, sông Diêm Hộ đi về thị trấn Diêm Điền, là một thị trấn biển nhỏ, nhưng có một vẻ “miền Nam” đáng kinh ngạc, có thể dễ dàng tìm thấy những đồ ăn thức uống phổ biến của phía Nam ở đây: cà phê, cơm tấm, bánh xèo, chè Huế, etc… Rồi từ đây, qua sông Hoá (một nhánh của sông Thái Bình) là đã vào địa phận Hải Phòng, dừng lại một lúc để mua một ít thuốc Lào Tiên Lãng 😀, rồi lại theo tỉnh lộ 354 qua cầu Khuế (sông Văn Úc), theo tỉnh lộ 402 đi về phía bán đảo Đồ Sơn.

 

 

ồ Sơn là một bán đảo dài và hẹp, có địa thế rất đẹp, giờ đây đã san sát rất nhiều những khu du lịch, nghỉ dưỡng, nhà hàng và khách sạn. Chỉ chạy một vòng quanh bán đảo, chú ý quan sát địa thế khu vực này, mũi đất nằm giữa hai con sông Văn Úc và Lạch Tray. Sông ngòi miền Bắc thường ít phù sa hơn miền Nam, nên các bãi bồi và rừng ngập mặn cũng thường nhỏ hơn. Biển Đồ Sơn đa phần là bãi cát trắng, nước không được trong lắm, đôi chỗ cũng có bãi bồi với chút ít phù sa và rừng ngập mặn nhỏ.

Điều đáng lưu ý là rừng ngập mặn ở phía Bắc này cũng thường nhỏ và thấp hơn ở miền Trung & miền Nam, những bụi cây chỉ thường cao ngang cỡ đầu người. Những chi tiết cũng rất quan trọng nếu sau này có phải cắm trại hay kéo thuyền lội qua rừng 😀. Trời đã quá trưa xế chiều nên chạy gấp cắt ngang qua thành phố Hải Phòng để đi về bến phà Đình Vũ – Ninh Tiếp qua đảo Cát Hải, chạy xuyên qua đảo Cát Hải để bắt chuyến phà cuối bến Gót – Cái Viềng để ra đảo Cát Bà.

Cầu Tân Vũ – Lạch Huyện nối thành phố Hải Phòng với đảo Cát Hải đang trong giai đoạn xây dựng cuối nhưng vẫn chưa thông xe. Tuy mất hai lần phà để đến được Cát Bà nhưng quan sát thấy giao thông tương đối thuận lợi, đảo lại nằm không xa đất liền, nên đoán rằng du lịch ở đây sẽ rất phát triển. Nhưng phải đến sáng hôm sau mới quan sát được bình minh đang lên trên thị trấn Cát Bà, một khung cảnh tuyệt đẹp hiện ra, bờ vịnh kín gió, nước xanh như ngọc, tàu bè neo đậu thanh bình.

Cát Bà là nơi du lịch rất phát triển, cung cách của người làm du lịch nơi đây (tuy vẫn còn khá chanh chua 😀) cũng đã khá chuyên nghiệp. Kêu một ly cafe ngồi phè bên bờ vịnh hóng gió, nhìn ra khơi xa, thời tiết tuy khá lạnh nhưng đã có nắng và không mưa, rồi chạy xe xuyên qua rừng Quốc gia trên đảo về phía bến phà Gia Luận, cũng là một khung cảnh rất đẹp. Điểm nhấn trong ngày là lên điểm cao 177, pháo đài Thần Công ngắm toàn cảnh thị trấn, một cảnh tượng đẹp đến ngây người.

Hàng chục, hàng trăm hòn đảo nhỏ thu vào trong tầm mắt, và qua chiếc ống nhòm đặt tại quán cafe trên điểm cao, có thể quan sát hoạt động chi tiết của rất nhiều tàu thuyền cách xa hàng chục cây số, những điều không thể trông thấy bằng mắt thường. Pháo đài này là một công trình khá quy mô xây thời chống Mỹ, kiểm soát một vùng biển rộng lớn. Nhiều điểm đã mở cửa, nhưng tôi ngờ rằng, nhiều hầm ngầm âm trong lòng núi vẫn bị đóng cửa không cho du khách tham quan.

 

 

ang thang dọc bờ biển Cát Bà, gặp một bác ngư dân đang… đóng thuyền. Trò chuyện một lúc thì nhận thấy, chiếc vỏ composite, dày khoảng 6, 7 ly, được đúc hàng loạt, khá chắc chắn ở một nơi khác. Bác ngư dân mua về, tự làm thêm phần mộc (boong, cabin…) và phần cơ khí (máy móc, tời kéo…) để thành chiếc tàu cá như ý. Thử hỏi một vài câu, kiểu như: nếu cái vỏ này thủng thì vá như thế nào, thì biết người ngư dân hiểu về composite và rành rẽ cách làm việc với sợi thuỷ tinh và keo.

Tuy không thích đa số các mẫu thiết kế thuyền trong vịnh Bắc bộ, nhưng phải thừa nhận một điều rằng người ngư dân miền Bắc chịu khó, nhanh nhạy và biết việc hơn hẳn những vùng khác. Người ngư dân miền Trung, miền Nam vẫn còn khá trung thành với gỗ, chưa chấp nhận và hiểu nhiều về composite, hoặc có hiểu nhưng làm chưa đúng. Với tình hình gỗ tốt ngày càng hiếm và đắt như hiện này, thì việc chuyển sang chất liệu composite ở các dạng thuyền nhỏ là xu thế không tránh khỏi.

Quyết định ở thêm ít ngày tại Cát Bà, mua một tour nhỏ một ngày đi thuyền trong vịnh Lan Hạ để quan sát thêm về vùng biển quanh đây. Về cái tên Lan Hạ, thực chất đó là vấn đề thương hiệu, để tránh xung đột với cái tên Hạ Long, thực chất, chỉ có một vùng biển, một vịnh biển duy nhất, mỗi công ty du lịch được quyền khai thác một phần của nó! Hoá ra, đây là điều tuyệt vời nhất tôi được chứng kiến, được trải nghiệm trong suốt cả hành trình này: đi thuyền trên vịnh Hạ Long!

Tàu đưa du khách đi qua những vùng biển nước trong xanh như ngọc, luồn lách giữa hàng trăm đảo lớn, nhỏ đủ mọi kích cỡ. Riêng quần đảo Cát Bà này đã có khoảng hơn 340 đảo lớn nhỏ, nhiều cái chỉ bé như một hòn đá với muôn ngàn hình thù kỳ dị nổi lên giữa biển khơi. Rải rác đây đó là những bãi cát, rạng san hô nho nhỏ, những địa điểm lý tưởng để sau này tôi có thể neo thuyền dựng lều, cắm trại! 😀 Những “thuỷ lộ” xinh đẹp mở ra giữa một “thạch lâm” – khu rừng đá!

Chỉ có một số thằng Tây trẻ với thằng Việt già (+khùng) này mới chèo kayak 5km xuyên qua những hang ngầm và bơi 1km trong cái thời tiết rét căm căm này! Nước biển rất rất lạnh, sau cái sốc nhiệt ban đầu thì mọi việc hoá ra cũng không tệ như tôi nghĩ. Một chút vận động, lại được chèo kayak, lại được vẫy vùng giữa biển khơi! Rời Cát Bá trong luyến tiếc, tôi đáp chuyến phà Gia Luận – Tuần Châu đi về đảo Tuần Châu, rồi chạy về thành phố Hạ Long qua cầu nối đất liền với đảo!

 

 

ạ Long và Tuần Châu là những khu đô thị mới, được xây dựng rất khang trang và hiện đại, cảnh quan nhìn rất rộng rãi. Hành trình tiếp tục ghé qua Bãi Cháy, vượt cầu Bãi Cháy bắt qua cửa vịnh Cửa Lục để đi về thị xã Hồng Gai cũ, nay là một phường của tp. Hạ Long. Cầu Bãi Cháy nằm trên một địa thế chênh vênh, phức tạp, nối liền hai ngọn đồi cao nơi cửa vịnh, độ tĩnh không 50 m cho thuyền lớn lưu thông, là một cảnh tượng khá ngoạn mục. Dải bờ biển Hồng Gai là một vùng rất rất đẹp.

Một vùng biển nước êm xanh mướt với vô số những hòn đảo nhỏ nằm rải rác cách bờ không xa, như những bức bình phong chắn sóng gió. Trong một giây phút, tôi ước gì mình có thể sắp đặt cuộc sống của mình quanh vùng này, cảnh tượng hoành tráng, đẹp không thua gì dải bờ biển Phan Thiết – Cam Ranh, nhưng lại có nét đặc sắc rất riêng. Cảnh quan này thật đúng là: Nhận nước trăm sông sóng cuộn đầy, Núi bày cờ thế, biếc liền mây… (thơ của vua Lê Thánh Tông khắc trên núi Bài Thơ).

Quá Hồng Gai một chút, đoạn bắt đầu của vịnh Bái Tử Long, đã thấy dấu vết của những vùng khai thác than, tàu chở than đậu san sát trên mặt vịnh. Ven bờ là những nhà máy “tuyển than”, bụi than đen bám khắp sông ngòi phố xá. Nhưng khai thác xuất khẩu than đã bị hạn chế lại đáng kể những năm gần đây, không còn dạng xuất than vô tội vạ đi Trung Quốc, chính sách chung là để dành than cho những nhà máy nhiệt điện đang được xây ven bờ biển Việt Nam dọc hết từ Bắc vào Nam.

Cứ đi dọc bờ vịnh Bái Tử Long như thế đến thị trấn Cửa Ông, nay là phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả. Rồi từ Cửa Ông, qua một loạt 3 chiếc cầu để ra đảo Vân Đồn. Dọc bờ biển vùng từ Hạ Long đến Cẩm Phả này, có thể thấy khá nhiều di tích lịch sử gắn liền với triều Trần, như đền Trần Quốc Nghiễn, đền Cửa Ông, đền Cửa Suốt, đền Cặp Tiên… Tiếp tục đi dọc bờ biển đến thành phố Móng Cái, ghé thăm đảo Trà Cổ, mũi đất Sa Vĩ, vùng đất địa đầu tổ quốc sát biên giới với Trung Quốc.

Đình Trà Cổ (1461) có kiến trúc tương tự như đình Mông Phụ (Đường Lâm, Sơn Tây), đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) đã ghé thăm trong các chuyến xuyên Việt trước, nhưng có tuổi đời nhiều hơn đến 2, 3 thế kỷ! Trà Cổ do một nhóm lính gốc Đồ Sơn vâng lệnh triều đình ra trấn thủ biên cương lập nên. Một ngạc nhiên đến sửng sờ khi phát hiện ra, cư dân ở đây vẫn còn bảo lưu một giọng nói thô ráp, cứng cáp đặc trưng của vùng Thanh Hoá, khác hẳn với chất giọng mềm mại của miền Bắc!

 

 

ời Trà Cổ nhưng trong lòng vẫn không hết băn khoăn tại sao những cộng đồng di dân rải rác dọc khắp bờ biển Việt Nam đều mang một đặc tính chung là rất cô lập và cực kỳ bảo thủ, những ngữ âm địa phương ít nhiều giống nhau được bảo lưu với rất ít đổi thay trong suốt hơn 500, 600 năm lịch sử. Trong khi đó, những cộng đồng di dân về phía miền núi lại thường hoà nhập vào với môi trường bản địa tốt hơn, trong suy nghĩ của tôi, lý ra, điều ngược lại đúng hơn mới phải!?

Đã đến với Trà Cổ, Móng Cái, vùng đất địa đầu tổ quốc, hành trình quay ngược lại theo quốc lộ 4B đi về phía Lạng Sơn, cách không xa chỉ chừng hơn 100 km. Nhưng trước khi đến thành phố Lạng Sơn, ghé qua bản Chu, xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình, nơi vẫn còn lưu giữ một ít lịch sử di dân của tộc Việt. Ở miền biên viễn này, có những thôn xóm nhìn vào như là của người Tày, từ nhà ở, trang phục cho đến phong tục tập quán… nhưng cư dân ở đó lại không nói tiếng Tày, chỉ nói tiếng Việt.

Đó là con cháu của những cư dân Việt di cư đến nhiều thế kỷ trước, như nhà họ Vi, vốn gốc Đông Thành, Nghệ An, chuyển đến châu Lộc Bình này từ thời Lê Lợi. Đến đời cụ tổng đốc Vi Văn Định là 14 đời làm thổ ti cai quản xứ Cao Lạng (Cao Bằng, Lạng Sơn). Đó là một chính sách giữ đất nhất quán của các triều đại phong kiến xưa, di dân người Việt, dùng người miền núi quản mặt núi, dùng người miền biển giữ mặt biển! Sau bao thời gian chiến tranh tàn phá, nay chỉ còn duy nhất một chiếc cổng!

Bản Chu nằm trong một thung lũng nhỏ sườn đông nam của đỉnh núi Mẫu Sơn, một cộng đồng Tày – Việt với nhiều di tích hoang tàn (bản bị tàn phá nhiều nhất trong chiến tranh biên giới năm 1979, nằm cách đường biên chỉ tầm 6, 7 km theo đường chim bay), nhưng vẫn còn đây đó một số vết tích cổ: giếng nước, tường thành, bờ ao, các công trình phòng thủ… Và nhất là những ngôi nhà cổ xây gạch hai tầng khang trang bề thế, tất cả giúp hình dung nên những nề nếp sinh hoạt xưa.

Hành trình tạm dừng đón Tết ít ngày ở thành phố Lạng Sơn, thời gian trôi qua ở thành phố “mậu biên” này, những tiếp xúc nhiều hơn với người địa phương, những cảm nhận thực hơn về cuộc sống, những mối quan tâm của giới trẻ, những suy nghĩ toan tính của lớp già… Có nhiều cân nhắc về những chặng kế tiếp của hành trình, có một sự phân vân không hề nhẹ giữa ước muốn đi lên miền núi đầy màu sắc ở phía Bắc, hay xuôi về những cộng đồng Việt giàu truyền thống ở đồng bằng…

 

 

au nhiều do dự và cân nhắc, hành trình quyết định xuôi về miền đồng bằng thay vì miền núi. Cách Lạng Sơn không xa là Hải Dương, một tỉnh với nhiều di tích gắn liền với nhà Trần và nhất là Phật giáo thời Trần… Hành trình xuôi Nam lại đi qua địa phận ải Chi Lăng như năm ngoái, một vùng nay trồng nhiều mãng cầu (miền Bắc gọi là quả na), đến địa phận thị trấn Kép & Vôi (Bắc Giang) thì vào quốc lộ 37 đi về phía Chí Linh, mà sườn tây của thị xã là vùng Vạn Kiếp, thái ấp của Hưng Đạo vương xưa kia.

Vạn Kiếp nằm không xa Lục Đầu giang, là nơi hội tụ của 6 con sông: sông Thương, sông Cầu, sông Lục Nam, sông Đuống, sông Kinh Môn, sông Thái Bình. Phải đến đây thì mới hiểu những ghi chép mơ hồ, thiếu chi tiết thực tế trong sử sách về 3 cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông của nhà Trần, phần nhiều các trận đánh lớn đều diễn ra trên địa hình sông, đầm lầy, biển để lợi dụng sức mạnh của thuỷ binh, thế mạnh của nhà Trần, và hạn chế, né tránh bớt sức mạnh của kỵ binh Mông Cổ.

Ghé thăm đền Kiếp Bạc, thuộc địa phận 2 làng Kiếp và Bạc, thái ấp xưa kia của Hưng Đạo Vương. Dù đền thờ Trần Quốc Tuấn có tại rất nhiều nơi trên khắp cả nước (như đền Trần ở Nam Định), nhưng thiết nghĩ đền Kiếp Bạc ở Vạn Kiếp này mới là công trình tiêu biểu nhất. Dù thời gian đã xoá mờ phần nhiều những đường nét hoa văn, trang trí, những nét chữ xưa, nhưng đại để cũng hình dung ra được phần nào địa thế rất đẹp của công trình, trong chính điện, 1 tấm hoành phi lớn đề: Trần triều hiển thánh.

Cách đền Kiếp Bạc không xa là chùa Côn Sơn, công trình gắn liền với Nguyễn Trãi, người chọn nơi đây là nơi an dưỡng, trí sĩ những năm cuối đời. Nhưng chùa Côn Sơn ra đời từ rất lâu trước thời Nguyễn Trãi, Côn Sơn, cùng với Yên Tử và Quỳnh Lâm là 3 trung tâm lớn của Trúc Lâm thiền phái thời Trần. Chùa Côn Sơn phải nói là ngôi chùa cổ đẹp và hoành tráng nhất mà tôi từng thăm thú, dĩ nhiên không kể các công trình chùa chiền xây bằng kỹ thuật hiện đại (bê – tông giả gỗ) sau này.

Chùa nằm dưới chân một ngọn núi thấp, địa thế rộng rãi, bằng phẳng, tiền môn, cổng chính, tiền điện vẫn là những công trình cổ được tôn tạo lại. Nhưng chính điện và hậu điện đã không còn tồn tại được với thời gian, và đã được xây dựng mới dựa trên nguyên bản cũ, từ hình dáng cho đến kích thước, nên đại khái tạo nên một cảnh quan rộng rãi, hài hoà, đẹp mắt. Đứng giữa sân chùa này, tự dưng nhớ và đọc lại được suôn sẻ nguyên bản Hán Văn của Côn Sơn ca, một bài ngỡ đã quên từ lâu! 😀

 

 

hận thấy một loạt những di tích lịch sử gắn liền với nhà Trần nằm kề cận nhau trong địa bàn 2 tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh, bèn quyết định đi thăm cho được đầy đủ, nhất là những ngôi chùa gắn liền với Thiền phái Trúc Lâm thời Trần. Nằm cách Côn Sơn chỉ độ 50 km là Yên Tử, một đỉnh núi cao trên 1000 m thuộc vòng cung Đông Triều. Quyết định leo lên đỉnh Yên Tử cũng khá là ngẫu hứng nên phần nào… đã không lường trước hết được những khó khăn của chặng đường.

Con đường lên đỉnh núi chỉ dài khoảng 6 km, những bậc thang được xây dựa vào sườn núi, gần đỉnh là đường đi trên những mỏm đá, nhưng có chút ít tôn tạo, xây dựng của bàn tay con người để dễ đi hơn. Mất hơn 6 tiếng đồng hồ cả đi và về trên con đường chỉ 6 km ấy, đơn giản vì rất nhiều đoạn là… dốc đứng. Đường lên Yên Tử không dành cho người có sức khoẻ kém, ngay cả khi bạn đi bằng cáp treo, vì 2 hệ thống cáp treo nối tiếp nhau chỉ giúp tiết kiệm được khoảng 60% quãng đường.

Rải rác từ chân lên đỉnh núi là những ngôi chùa nhỏ, và những cụm bảo tháp, nơi chôn cất tro cốt của các chư tăng tiền bối… mà nổi bật nhất là của Phật hoàng Trần Nhân Tông, Trúc Lâm đệ nhất tổ, và hai vị tổ đời thứ 2, thứ 3 là Pháp Loa và Huyền Quang. Những ngọn tháp đá, gạch đơn sơ nằm lưng chừng núi, những cây thông, tùng, sứ (hoa đại) cổ thụ hàng trăm năm tuổi, cảnh tượng tịch liêu mà thanh nhã lạ thường. Chùa Hoa Yên nằm lưng chừng núi, tuy là kiến trúc trung tâm, lớn nhất của Yên Tử.

Nhưng thực ra, Hoa Yên chỉ là một công trình tương đối nhỏ, đơn giản, mộc mạc, chính điện hình chữ công và tả vu, hữu vu ở hai bên. Nhưng trong mắt tôi, chính những công trình nhỏ, nguyên bản như thế mới phản ánh đúng lịch sử, và mới toát lên vẻ đẹp của một chốn Thiền môn linh thiêng ngày xưa. Từ chùa Hoa Yên trở lên, có một số công trình hiện đại đang được xây dựng quy mô rất lớn, rất bề thế, như tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được đúc nguyên khối bằng đồng nặng trên 130 tấn…

Một trong những điều tốt đẹp mà Yên Tử còn giữ được, nhờ bởi uy linh của đức Phật hoàng, chính là cảnh quan tự nhiên tuyệt đẹp, những rặng tùng cổ thụ, những rừng trúc xanh mướt. Cái tên Trúc Lâm chính là bắt nguồn từ những rừng trúc này, một giống trúc thanh cảnh, thân nhỏ chỉ bằng ngón tay, ngón chân. Gần đỉnh có thể thấy rất nhiều cây hoa trà my cổ thụ, thật tiếc mới chỉ đang mùa kết nụ. Có lẻ đó là một ân hạnh tuyệt vời nhất, cho những ai hành hương Yên Tử trong mùa hoa trà my nở!

 

 

i tích lịch sử gắn liền với nhà Trần ở vùng Hải Dương và Quảng Ninh này nhiều vô số kể, ấy là còn chưa nói đến 2 tỉnh ở tương đối gần đó là Thái Bình và Nam Định… Nằm giữa Côn Sơn và Yên Tử, cách nhau chỉ độ 30, 40 km là Quỳnh Lâm, ngôi chùa cuối trong 3 ngôi chùa trung tâm gắn liền với Trúc Lâm tam tổ: Phật hoàng Trần Nhân Tông, đệ nhị tổ Pháp Loa và đệ tam tổ Huyền Quang. Đứng lặng hồi lâu trước cái tháp chuông quá đẹp của chùa Quỳnh Lâm (đang trong giai đoạn trùng tu).

Từ nhỏ đến lớn, đã đi rất nhiều chùa, nhà thờ, cũng như các loại đền miếu… Ấy thế mà chưa bao giờ thắp một cây nhang, chưa bao giờ vái một vái, và cũng chưa bao giờ cầu xin bất kỳ một điều gì. Chẳng phải Thiền tông có câu: Phùng Phật sát Phật, Phùng Tổ sát Tổ – gặp Phật thì giết Phật, gặp Tổ thì giết Tổ đó sao!? Cái loại “siêu việt logic” này hẳn nghe không lọt tai nhiều người! 😀 Trong suy nghĩ của tôi, “Phật giáo” về bản chất là vô thần, thậm chí nó còn không phải là một tôn giáo!

Côn Sơn, Yên Tử & Quỳnh Lâm là 3 ngôi chùa trung tâm của Trúc Lâm phái, cả 3 đều đều bắt nguồn từ chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang (chùa Vĩnh Nghiêm Sài Gòn cũng là từ Vĩnh Nghiêm Bắc Giang mà ra). Mặt chính tháp chuông có tấm hoành phi đề: Quỳnh Lâm đại thiền môn, nơi đây ngày trước là một học viện Phật giáo được xây dựng với quy mô rất lớn, nhưng giờ đây vết tích chỉ còn mỗi cái tháp chuông này là đáng lưu ý. Bên trong hậu điện thờ ba tượng rất đẹp của Trúc Lâm tam tổ.

Hành trình tiếp tục đi về phía thị xã Quảng Yên cách đó không xa, về một điểm đã định trước là làng nghề đóng tàu cổ tại Cống Mương, phường Phong Hải, đảo Hà Nam, Quảng Yên, Quảng Ninh. Đây là nơi đóng tàu thuyền nổi tiếng của vịnh Bắc bộ, mà điển hình là mẫu tàu “ba vách” chạy buồm cánh dơi. Không chỉ được xem những mô hình thu nhỏ, quý hoá nhất là ngay tại xưởng của nghệ nhân ưu tú Lê Đức Chắn, sừng sững một chiếc “ba vách” thật, dài 11 mét, đang được đóng gần hoàn thiện.

Tôi như đứng sững lại trước một vật thể cực đẹp, những đường cong (line – tuyến hình) của một thân thuyền mà theo như nhận xét của tôi, kinh nghiệm đóng thuyền dân gian Việt Nam đã đúc kết lại được một dạng vỏ tàu đặc trưng mà khi đi kèm với buồm cánh dơi (junk rig) tạo nên một con thuyền buồm hoàn hảo! Cuộc trò chuyện với bác nghệ nhân đóng thuyền cũng làm rõ thêm nhiều chi tiết về cột, buồm, cách đi dây, mái chèo, tời… và như nhiều chi tiết trên thuyền khác.

 

 

ành trình trên đất Bắc đã bước qua tuần thứ 4, chuyến đi nào rồi cũng sẽ phải đến hồi vãn cuộc… 😢 Từ Quảng Ninh, hành trình quay trở lại Hà Nội rồi xuôi về Nam theo quốc lộ 1. Dự tính trong đầu là sẽ đi nhanh, đi suốt để nhanh chóng trở về, nhưng những ngẫu hứng dọc đường thôi thúc có thêm nhiều tò mò, hiểu biết mới. Ngang Hà Trung, Thanh Hoá, quyết định đi về phía Gia Miêu ngoại trang, xưa thuộc phủ Thượng Bạn, huyện Tống Sơn, đất phát tích, “thang mộc” của triều Nguyễn.

Và nay là thôn Gia Miêu, thuộc xã Hà Long, huyện Hà Trung, một thời là nơi có những công trình kiến trúc bề thế, tinh xảo hàng đầu xứ Thanh, mà điển hình là Triệu miếu, nơi thờ hai bậc tổ tiên dòng họ Nguyễn là Nguyễn Kim và Nguyễn Hoàng. Xem lại ảnh xưa, Triệu Miếu như một kinh thành Huế thu nhỏ lại, mà nay không còn vết tích gì. Tất cả đã bị tháo dỡ, phá hoại những năm 50, 60 thế kỷ trước, chỉ còn đình làng Gia Miêu sót lại vì nó không đại diện cho dòng họ Nguyễn mà cho cả làng.

Triệu miếu nay đã được xây dựng mới lại trên nền cũ, nhưng quy mô và độ tinh xảo thì đã mất đi vĩnh viễn. Hành trình tiếp tục đi về phía đình làng Thượng Phú, xã Hà Đông, huyện Hà Trung cách đó không xa. Đình đã xuống cấp nhiều, những khắc hoạ trang trí đã phai mờ cùng năm tháng, nhưng đáng lưu ý là khác với những đình khác, bên cạnh những motif trang trí long lân quy phụng, tùng cúc trúc mai, đình Thượng Phú có nhiều chi tiết trang trí mô tả sinh hoạt hàng ngày: chọi gà, bắt cá… rất sống động!

Hành trình tiếp tục đi dọc triền đê sông Mã lên phía thượng nguồn, về xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, quê nhà của các đời chúa Trịnh. Miếu thờ các đời chúa Trịnh ngoài cổng có đề: Trịnh vương phủ, nét chữ nguệch ngoạc xấu xí mà tôi ngờ rằng là do người đời nay tạo tác. Điện thờ những bức tượng các đời Chúa, làm bằng đất sét phủ sơn, nhìn khá sang trọng, đường bệ. Chính giữa điện thờ có bức hoành đề: Tiên tổ thị vương như một lời tự hào, nhắc nhở con cháu!

Như thế, hai họ Trịnh và Nguyễn thực ra ngày xưa sống khá gần nhau, chỉ cách nhau độ 15, 20 km tính theo đường chim bay. Hành trình bỏ qua di tích thành nhà Hồ (đã ghé thăm trong các chuyến xuyên Việt trước) mà đi về Lam Kinh, xã Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, khu di tích miếu thờ và lăng mộ các vua Lê đã được tôn tạo, xây mới lại gần đây (2009) trông rất là bề thế, nằm bên bờ sông Chu (một nhánh của sông Mã) trên một quả đồi, giữa một cánh rừng nhỏ được bảo vệ, gìn giữ cẩn thận.

 

 

hó có thể ước định được quy mô xây dựng của Lam Kinh ngày trước, vì đa số các công trình là được tạo tác mới gần đây, dù có tham khảo các thông tin khảo cổ. Tại hiện trường, những hố khảo cổ vẫn được bảo lưu cho du khách tham quan, dấu vết nền móng cung điện xưa, xây bằng gạch vồ, có thể thấy rõ những đường ống dẫn nước làm bằng sứ, đường kính chừng 20 cm. Bên cạnh khu du tích mới xây này là đền thờ vua Lê Thái Tổ cũ, do nhân dân tự phát xây dựng vì ngôi đền cũ đã bị tàn phá.

Phía trước đền đề: Lam Sơn động chủ linh từ, tức Lê Lợi, người thường hay tự gọi mình là Lam Sơn động chủ, hay Ngọc Hoa động chủ, phía trong có treo một bức hoành mà theo tôi là rất hay, không giống như những lời tán tụng công đức tầm thường khác: Nam quốc sơn hà tự thử, nghĩa là: Sông núi nước Nam từ đó…, một kiểu nói lấp lửng, gợi ý, như kiểu ngày nay phải viết có dấu 3 chấm, để cho người đọc muốn hình dung, muốn điền gì vào chỗ trống thì điền! 😀

Cả một khu rừng nhỏ xanh mướt, với rất nhiều cây cổ thụ lớn nhỏ, nhiều cây lớn sừng sững, có tuổi đời trên 600, 700 năm tuổi, hiếm khi thấy được một khu đền miếu, lăng tẩm mà cảnh quan chung quanh được bảo lưu tốt đến như thế! Phần trước của khu di tích có trưng bày bản sao của tấm bia Thân chinh phục Lễ châu Đèo Cát Hãn xưa nằm tại Mường Lay, Lai Châu, do vua Lê Lợi ngự bút đề khi thân chinh đi dẹp loạn Đèo Cát Hãn, tấm bia “ký tên”: Ngọc Hoa động chủ.

Quan sát thư pháp trên tấm bia này, như chữ Ngọc được viết với một lối rất lạ, dấu chấm nằm lệch vị trí. Suy nghĩ một hồi, tôi cho rằng rất khó có khả năng người xưa viết sai, hay công tác nhân bản bia đá làm sai, có thể chỉ là… nghệ thuật Việt Nam, trong rất nhiều các thể loại: thư pháp, hội hoạ, gốm sứ… nếu quan sát kỹ, thi thoảng vẫn luôn có chỗ “lệch chuẩn” như thế, luôn luôn có một vài yếu tố bất chợt, ngẫu hứng, tự phát ở đâu đó trong cách trình bày, trang trí một tác phẩm mỹ thuật.

Những công trình mới tôn tạo sau này, dù chưa hoàn tất, cũng giúp hình dung lại một Lam Kinh rất bề thế ngày xưa. Rải rác đây đó vẫn còn nhiều chi tiết giúp hình lại đường nét kiến trúc, điêu khắc cổ: bờ kênh đào và giếng nước lớn lát đá, cổng Ngọ môn rất lớn với hai con nghê chầu phía trước, sân chầu với cặp rồng đá độc đáo, Vĩnh Lăng (lăng vua Lê Thái Tổ), Hựu Lăng đơn giản với 5 cặp tượng nhỏ: quan hầu, nghê, ngựa, tê giác, hổ phía trước, bia Vĩnh Lăng do Nguyễn Trãi soạn thảo…

 

 

ành trình xuôi Nam tiếp tục đi qua địa phận tỉnh Nghệ An, xuôi về Vinh, một đô thị tấp nập, hiện đại, có phần giống Đà Nẵng nhiều năm về trước. Ở đó, lại gặp gỡ được một số con người thú vị, nửa mới nửa cũ, hăm hở đón nhận những điều mới, nhưng vẫn còn đó một chút dè dặt, suy xét, tôn trọng nét xưa. Chính trong những điều mới & cũ ấy, ta mới nhận ra đâu là bản lĩnh thật sự của con người, của một vùng đất! Leo lên núi Dũng Quyết, tìm dấu vết của Phượng Hoàng trung đô năm nào.

Chỉ thấy miếu thờ vua Quang Trung được xây dựng theo lối giả cổ, nhàm chán. Lịch sử là một quá trình vận động biến đổi liên tục, là một điều thú vị khi nhà vua Quang Trung muốn đặt kinh đô tại Vinh, Nghệ An này, ông không xem vùng đất từ Nha Trang trở vào là “đất cũ”, là một phần của nước Việt. Thật đáng buồn khi đa số người Việt bây giờ nhìn nhận lịch sử theo cách tách rời sự việc ra khỏi bối cảnh của nó, “đem râu ông nọ chắp cằm bà kia”, như một lũ “ngáo” chẳng hiểu gì về di sản của ông cha.

Một đoạn còn thiếu chưa “thăm dò” trong các chuyến xuyên Việt là khúc bờ biển huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh (biển Thiên Cầm). Đến đây trong một buổi chiều mưa mù khá lạnh, thuỷ triều rút cạn hết nên quan sát được hình dáng cửa biển rất hẹp, dòng sông Lạc Giang chảy ven chân núi Thiên Cầm, cảnh quan thật là hữu tình. Lang thang một chút trong xóm chài nghèo Cẩm Trung với những âu thuyền nhỏ ven sông. Dọc các làng chài khắp cả Việt Nam, luôn thấy tồn tại song song 2 dạng thuyền đánh cá.

Một dạng hiện đại, lớn, hao hao giống nhau dùng để đánh bắt xa bờ. Một dạng cổ điển, nhỏ hơn, dùng để đánh bắt gần bờ. Dạng thứ hai này thì mỗi nơi mỗi kiểu, không đâu giống đâu trên khắp Việt Nam. Một số là những dạng thân thuyền thuần tuý truyền thống VN, một số vẫn còn mang nét truyền thống, nhưng đã được cái tiến, thay đổi ít nhiều. Người ngư dân, với kinh nghiệm của riêng mình, thêm vào những sửa đổi, mỗi nơi mỗi khác, như thuyền máy có cái xiếm đã thấy ở vùng biển Quất Lâm.

Hay những ghe đi biển thon dài của Trung Trung bộ được làm ngắn lại, rộng ra, với phần đuôi vát để thích hợp hơn với chạy máy và tăng tải trọng hữu ích. Tần ngần hồi lâu trước một con thuyền vừa mới hạ thuỷ, vết sơn mới tinh, thậm chí còn chưa kịp vẽ mắt và sơn số tàu, những đường cong tuyệt đẹp. Tuy không phải là những thân thuyền nguyên thuỷ, và không hoàn toàn hài lòng với một số chi tiết, nhưng vẫn vui khi thấy rằng, người ngư dân vẫn duy trì, bảo lưu những đường nét mà họ cho là tốt đẹp.

 

 

ừ Hà Tĩnh trở đi đến bắc đèo Hải Vân, một đợt gió mùa đông bắc nữa lại tràn về. Nhiệt độ chỉ tầm 17 ~ 18 độ, nhưng cảm giác rét buốt rất khó chịu. Nói thêm về kiểu khí hậu lạnh ẩm của vùng này, nước khi bám vào người sẽ mượn thân nhiệt để bay hơi, nếu có gió thì việc bay hơi càng mạnh, điều đó khiến cơ thể mất năng lượng nhanh chóng, lập tức “báo động”… run bần bật. Thế nên đôi khi thời tiết chỉ rét cỡ 17 ~ 18 độ, nhưng cảm giác như là 10 ~ 12 độ, ngay cả khách Tây cũng phải xuýt xoa.

Thực ra, thời tiết đã ấm hơn một chút so với chuyến đi ra, nhưng cũng vẫn rất khó chịu. Sau khi ghé thăm biển Thiên Cầm xong, liền chạy nhanh qua cho hết vùng khu 4 này: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Những địa danh thành phố, thị xã, thị trấn lướt qua vùn vụt: tx. Ba Đồn, tt. Hoàn Lão, tp. Đồng Hới, tt. Quán Hàu, truông nhà Hồ, tt. Hồ Xá, tt. Gio Linh, tp. Đông Hà, tt. Ái Tử, tx. Quảng Trị, tt. Hải Lăng, tt. Phong Điền, tx. Hương Trà, tp. Huế, tx. Hương Thuỷ, tt. Phú Vang, tt. Phú Lộc, tt. Lăng Cô…

Qua đèo Hải Vân vào đến địa phận Đà Nẵng, trời vẫn hơi lạnh nhưng đã dễ chịu hẳn. Đã rất nhiều lần đi ngang qua Đà Nẵng trong các chuyến xuyên Việt trước, nhưng chưa ghé lại bao giờ. Nay thử ghé qua xem thử diện mạo thành phố đã thay đổi như thế nào sau chừng ấy năm, từ con đường ven biển Vũng Thùng đến làng chài Thuận Phước, đường Bạch Đằng dọc sông Hàn, cầu Thuận Phước qua Sơn Trà… 20 năm… thành phố bây giờ mới có được một gương mặt khang trang nhìn hướng ra biển lớn.

Nó không còn là một thành phố khép kín, hướng mặt ra sông như thời xa xưa nữa, vùng cửa sông Hàn ven Thuận Phước và Tiên Sa, những âu thuyền được quy hoạch rõ ràng, tàu thuyền đánh cá của ngư dân đậu thành hàng lớp ngay ngắn, đường sá cũng thật rộng rãi, tinh tươm. Không thể dằn lòng chạy xe một vòng quanh Sơn Trà, trên con đường hơn 30 km vòng quanh bán đảo, nay đã là đường trải nhựa rộng và đẹp. Khi tôi còn nhỏ, vòng quanh đảo chỉ có một con đường mòn nhỏ.

Đường làm từ năm 1979 (do sợ Trung Quốc đổ bộ đường biển nên làm con đường đất để kéo pháo ra đặt ở đó), về sau không dùng nữa nên cây cỏ mọc che lấp hết, nhiều đoạn thậm chí không còn vết tích. Con đường ra đó qua bãi Bụt, bãi Trẹ, bãi Nồm, bãi Bắc… phải băng qua nhiều quãng rừng, leo qua nhiều ghềnh đá. Giờ đã thành một khu bảo tồn thiên nhiên được quy hoạch, chăm sóc cẩn thận. Đây chính là “thiên đường tuổi thơ” của tôi, một thời rong chơi, nghịch ngợm, vẫy vùng, mơ mộng… 😀

 

 

ại tiếp tục đi về phương Nam, từ Đà Nẵng theo con đường ven biển, chẳng mấy chốc đã đến Hội An, lại tiếp tục băng qua cầu Cửa Đại vừa mới xây xong để đi Tam Kỳ, Núi Thành, vẫn theo con đường ven biển. Từ đây vào đến quá Bình Định là những vùng đất đã biết tương đối rõ nên không phải để tâm quan sát nhiều nữa. Gần đến Sa Huỳnh (cuối Quảng Ngãi), bổng gặp 2 nhà sư đang hành hương từ Cà Mau về Yên Tử, đi theo kiểu bước 2 bước lại quỳ xuống lạy một lạy sát đất.

Họ đã đi như thế được 2 năm rưỡi, và hiện tại cũng chỉ mới được khoảng hơn nửa đường. Tôi thấy nhiều người vẫn hay trích dẫn những lời Phật dạy về từ bi, trí tuệ, những loại “bi” và “trí” lặt vặt, phiến diện, lập lờ cố tình đặt sai ngữ cảnh, mà quên đi rằng lời Phật dạy đầy đủ phải là: bi, trí và dũng. Sống trên cuộc đời này, nếu “trí tuệ” và “từ bi” mà chỉ cần dùng những lời nói chót lưỡi đầu môi mà có được dễ dàng thì dân tộc Việt Nam đâu có phải trải qua nhiều kiếp nạn đến thế!?

Người ta đã cố tình lờ đi rằng lời Phật dạy đầu tiên là phải có dũng khí, đảm lược hơn người. Không có hùng tâm, tráng khí thì không thể hoàn thành những hành trình như thế này được, ấy mới là công đức, chứ không phải việc đi chùa, cúng dường, phóng sanh, và lên Face tán láo về Phật pháp. Chính tiện nghi của cuộc sống hiện đại, sự phổ thông của các kênh truyền thông đại chúng đã dẫn đến một sự xuống cấp, lệch lạc tệ hại đến như thế, chẳng có loại “bi” và “trí” nào mà lại dễ dàng và rẻ tiền cả!

Dừng ăn trưa ở tt. Bồng Sơn, Hoài Nhơn, Bình Định, đối diện quán ăn nhác thấy một biển chữ Hoa đề: Nam Sinh dược phòng, à thì ra là 1 tiệm thuộc Bắc. Nhìn xung quanh lại thấy thêm 6, 7 tiệm như thế, chỉ trong vòng 1, 2 trăm mét, đã là một chuyện lạ. Các cửa hàng ở đây đồng loạt đề: “hiệu buôn X”, “hiệu buôn Y”, không dùng những từ ngữ hiện đại hơn như: “cửa hàng” hay “shop”. Đoán trong đầu, quanh đây thế nào cũng có vài nhà may, tiệm đóng giày hay sửa đồng hồ… quả đúng là như thế! 😀

Hành trình tiếp tục đi qua Bình Định: An Nhơn, Quy Nhơn, chạy dọc phía Đông của đầm Cù Mông để về tx. Sông Cầu. Rồi tiếp tục đi về phía ghềnh Đá Đĩa, nằm ở phía Nam của vịnh Xuân Đài, qua sông Phú Ngân bằng cầu Ông Cọp, một cấu trúc cầu gỗ làm theo lối dân gian xưa dài trên 800m. Đến ghềnh Đá Đĩa để tưởng tượng ra, hàng triệu năm trước, những dòng nham thạch núi lửa nóng chảy tràn xuống, gặp nước nguội lại và tạo nên những cột đá đa giác (mà phổ biến là lục giác) như thế nào!

 

 

ại tiếp tục bị quyến rũ bởi 5000 sắc thái của màu xanh, nên tiếp tục đi dọc bờ biển, từ ghềnh Đá Đĩa, dọc theo sườn Đông của đầm Ô Loan, về phía thành phố Tuy Hoà. Nơi đây vùng cửa sông Đà Rằng là đồng bằng ven biển rộng nhất miền Trung, những thửa ruộng rộng thẳng cánh cò bay đã ngả sang mầu vàng, chờ ngày thu hoạch, nhìn rất thích mắt. Bằng giờ này ở các tỉnh miền núi phía Bắc thì lúa mới chỉ vừa gieo sạ xong. Tiếp tục đi dọc bờ biển về phía cửa Đà Nông (sông Bàn Thạch).

Từ đây là đã thấy núi Đá Bia sừng sững, tương truyền vua Lê Thánh Tông đã đến và xác định ranh giới nước Đại Việt tại đây năm 1471, gọi là nó Đá Bia, Linga hay Cùi Bắp tuỳ vào cách nhìn của những dân tộc khác nhau trong vùng 😀. Đi thêm một quãng không xa là bãi Môn và mũi Điện, điểm được xem là cực Đông của phần lãnh thổ trên đất liền của Việt Nam. Nước biển xanh một màu ngọc huyền hoặc, gió mùa đông bắc vẫn còn vương vất chút đỉnh gây nên những đợt sóng bạc đầu đẹp mắt.

Phía nam của mũi Điện là vũng Rô, một vịnh kín gió, nơi neo đậu nhiều tàu cá, một vùng nuôi trồng hải sản và cả một thương cảng nhỏ. Cách đây chừng 5 năm, nơi đây đã xây nên một đài tưởng niệm đoàn tàu không số (phần tượng đài và phù điêu trang trí cực kỳ xấu xí, chẳng đâu vào đâu). Đi dọc bờ vũng Rô, ngắm nhìn những con tàu cá nhỏ, lại thêm những mảng màu xanh, với muôn ngàn sắc thái khác nhau, thay đổi tuỳ thuộc vào góc nhìn và điều kiện ánh sáng khác nhau trong ngày!

Tất cả những sắc màu xanh trong các ảnh này đều rất tự nhiên, vì tôi vốn chẳng phải là 1 tay chụp chuyên nghiệp gì cho lắm, và ảnh cũng không hề có chỉnh sửa gì nhiều khác ngoài 1 số tính năng tự động của phần mềm Lightroom. Từ vũng Rô đi tiếp theo đèo Cả, Đại Lãnh, Vạn Giã, dọc theo vịnh Vân Phong về đến thị xã Ninh Hoà. Từ Ninh Hoà, men theo con đường ven biển chạy dọc bờ vịnh Nha Phu đi về thành phố Nha Trang, rồi lại là những dải bờ biển tuyệt đẹp của vịnh Cam Ranh.

Vẫn còn muốn tiếp tục chiêm ngưỡng thêm hàng ngàn sắc thái đa dạng khác nhau của tự nhiên, của một dải bờ biển đầy màu sắc Nam Trung bộ, nhưng hành trình đã kéo dài hơn 40 ngày, đã đến lúc phải… trở về nhà và tiếp tục nhiều công việc đang trì hoãn. Những chuyến di dài không chỉ mở mang tầm mắt, quan sát được những cảnh quan, sự việc, con người khác, mới lạ. Chúng còn “đặt nền móng”, tạo “tầm nhìn”, “tiền đề” cho… những hành trình còn dài hơn trong tương lai 😀!

 

 

àng vào Nam, thời tiết càng lúc càng nóng bức, mà dải bờ biển từ Cam Ranh vào đến Vũng Tàu đã thăm thú tương đối kỹ. Thế nên quyết định “đổi gió” một chút cho hành trình, thay vì toàn là những cảnh quan vùng biển, cũng nên trải qua một chút không khí miền núi. Từ Cam Ranh, rẽ qua quốc lộ 27B đi Đà Lạt, thăm lại quãng đèo Ngoạn Mục mà đã từ lâu không đi lại. Đèo Ngoạn Mục cái tên được dịch từ tiếng Pháp là Bellevue (nice view) hay còn được gọi là đèo Sông Pha, lấy theo tên con sông “Krong Fa”.

Dọc tuyến đường này, còn thấy nhiều vết tích của tuyến đường xe lửa răng cưa mà người Pháp xây dựng từ Tháp Chàm đi Đà Lạt (nay đã hoang phế). Đoạn đường này nổi tiếng nguy hiểm với các loại xe khách, mặc dù núi đồi không phải là quá hiểm trở, độ dốc cũng không phải là quá lớn, các khúc cua cũng không phải là quá khúc khuỷu so với các con đèo khác. Nhưng đơn giản là vì các con dốc quá dài, hơn 150 km toàn lên (xuống) dốc liên tục, dể cháy thắng xe nếu tài xế không lưu ý!

Từ trên đỉnh đèo Ngoạn Mục nhìn xuống, cảnh quan thật đúng là… ngoạn mục. Đứng ở đây có được một cảm giác, hình dung rất rõ về cao nguyên Lâm Viên nổi bật lên hẳn trên nền cảnh quan xung quanh như thế nào. Hành trình tiếp tục đi về Đà Lạt, thành phố ngày càng hiện đại và đông đúc, trước khi đổ đèo Prenn, đèo Bảo Lộc, đèo Chuối, theo quốc lộ 20 qua Phương Lâm, Tân Phú, Định Quán, La Ngà, Thống Nhất, Dầu Giây, Trảng Bom, Biên Hoà… về lại Sài Gòn, kết thúc hành trình!

44 ngày đi dọc theo bờ biển Việt Nam, với quá nhiều những trải nghiệm, những phát hiện thú vị. Như thuyền máy có xiếm ở Quất Lâm, Nam Định, ghe buồm “ba vách” cổ truyền ở Quảng Yên, Quảng Ninh, hay những chiếc ghe composite nhỏ trên đảo Cát Bà. Từ những cảnh quan thoáng đạt của vùng biển khu bảo tồn Núi Chúa, Phan Thiết, hay hoàng hôn cửa biển Cẩm Trung, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, đến không gian đầy kỷ niệm của bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, hay chèo kayak trên vịnh Hạ Long…

 

 

Photo albums