Nói chuyện… chính tả, lần này từ góc nhìn của một kẻ tập tễnh làm nhà ngôn ngữ học 😁. Xưa giờ, dù thi thoảng vẫn viết sai chính tả (thường là do vô ý hay do đánh máy quá nhanh), tôi vẫn chủ trương mọi người viết đúng một thứ chính tả chung! Đó là lẽ hiển nhiên, vì mình viết là cho số đông người khác đọc và xã hội phát triển thì mọi điều cần phải được chuẩn hoá! Nên sai thì thi thoảng vẫn sai, nhưng chuẩn thì vẫn cứ phải chuẩn. Thế nhưng vẫn có những suy nghĩ khác, khác với số đông thường nghĩ. Những suy nghĩ bất chợt đến khi trò chuyện với những thiếu nữ Mông ở Đồng Văn và Mèo Vạc, những người đã đi học và nói tiếng Phổ thông còn xịn hơn, còn dể nghe và hay hơn cả tôi, ít nhất là về mặt phát âm!
Hồi trước nghĩ rằng tiếng Việt có 6 thanh sắc (hoặc 5 thanh tuỳ vùng) đã là nhiều lắm rồi, nhưng đến khi lên cao nguyên Đồng Văn, nghe người Mông nói mới biết tiếng Mông ở Việt Nam có đến 7 thanh, tiếng Mông một số vùng ở Trung Quốc có đến… 8 thanh. Thật khó hình dung một ngôn ngữ lại có nhiều thanh điệu như vậy, líu lo còn hơn cả chim hót! 😁 Tiếng Hoa cổ (cổ ở đây là nói thời Đường), lấy âm địa phương Trường An làm chuẩn, theo ghi nhận của “Thiết vận”, có 6 thanh. Thiết vận (phiên thiết) là gì thì người học chữ Hán mới biết, nhưng nôm na là một phương pháp ghi âm của người xưa, xuất hiện từ thời Tuỳ, Hán, thậm chí có thể còn sớm hơn. 6 thanh của tiếng Hán cổ đó, miễn cưỡng có thể “ánh xạ” vào 6 thanh của tiếng Việt.
Tiếng Mông 8 thanh, tiếng Việt 6 thanh, tiếng Hoa hiện đại chỉ còn 4 thanh… Nói điều này sẽ có người phản đối, nhưng một nền văn minh càng khép kín, càng lạc hậu thì ngôn ngữ càng có nhiều thanh sắc! 😁 Đó là vì càng hiện đại, càng có nhu cầu giao tiếp đến lượng lớn thính giả, thì ngôn ngữ càng phải bỏ bớt những “khu biệt” địa phương, vùng miền, dần dần bỏ bớt số thanh điệu. Tại thời điểm lưu truyền vào Việt Nam, Thiết vận đã ghi nhận những phát âm không còn tồn tại, vì nó là một hệ thống ký âm đã có từ trước đó rất lâu. Có nghĩa là tiếng Hoa thời Đường đã khác thời Hán rất nhiều, nhiều “ký âm” chỉ còn tồn tại trong sách vở chứ không còn trên thực tế! Điều tương tự cũng đúng cho tiếng Việt và hệ thống ký âm “Quốc ngữ”.
Hệ thống ký âm Quốc ngữ, từ khi hình thành, lấy “chuẩn” là một địa phương đâu đó ở vùng Quảng Bình, khá nhiều ký âm cổ cũng đã không còn tồn tại ngay tại gốc Quảng Bình, ví dụ như: “các” & “cát”, “ngan” và “ngang”… theo như quan sát hiện tại hầu như đã đồng nhất. Các địa phương càng cổ, càng bảo thủ (điển hình là một dải khu 4, từ Thanh Hoá, Nghệ An đến Huế) thì sự “khu biệt” càng lớn. Tiếng Hoa hiện đại đã phát triển đến một mức mà rất nhiều ký âm không thể phân biệt được, không những “mam” và “man” đọc như nhau, mà “man” và “nan” cũng đọc như nhau, nghĩa là “m” và “n” đọc như nhau, dù đứng đầu hay cuối con chữ. Suy nghĩ lan man… nhận thấy rằng sự tiến hoá của tự nhiên, nó khác xa những điều người ta thường nghĩ!
Nghe có vẻ ngược đời, nhưng tôi nghĩ, không nhất thiết phải chấp nhất quá triệt để vào hệ thống ký âm “Quốc ngữ”, vì nguyên thuỷ, nó đã không phải là một hệ thống ký âm phổ quát (mà thực sự thì làm gì có một thứ tiếng Việt phổ quát!?), và quan trọng nhất là xu hướng tiến hoá của ngôn ngữ thường không bảo lưu những khác biệt quá “tinh vi, nhỏ nhặt”. Viết đúng chính tả vẫn là việc cần phải làm, nhưng bên cạnh đó, sự phát triển của “chuẩn hoá”, cái suy nghĩ băn khoăn cho rằng tự nhiên là “deterministic” hay “non – deterministic”, là “tất định” hay “bất định”, vẫn luôn còn đó (tức là Einstein sẽ vẫn luôn đối nghịch với Heisenberg). Dù gì đi nữa, ngôn ngữ vẫn sẽ phát triển theo hướng âm luật dần đơn giản hoá, dần thống nhất!