Khi tình tơ chít khăn tang, Ai gào ai giữa đêm trăng?
Cho từng lớp sóng kêu than, Ôi, Nha Trang ngày về,
Ngồi đây tôi lắng nghe, Đê mê lòng tôi khóc.
Chặng 1: Sài Gòn ❯ Nha Trang ❯ Đà Nẵng ❯ Hà Tĩnh ❯ Hà Nội
Cứ nghĩ chạy xe máy từ SG đi HN không có gì khó khăn, hoá ra không phải thế. Đường xấu kinh khủng, QL1 đang thi công mở rộng trên suốt tuyến, nhiều đoạn dài không có nhựa, chỉ toàn sỏi đá. Qua sông Côn (Bình Định), nhác thấy một cánh buồm bé tí xa tít tận chân trời, vội dừng xe, zoom máy ảnh hết cỡ chỉ bắt được một khung hình không rõ nét lắm (ảnh thứ 6). Ở đâu đó ngoài kia, vẫn có người nghêu ngao vui thú yên hà
với chiếc thuyền câu, cánh buồm và sông nước!
Ảnh thứ 3: tinh mắt có thể nhìn thấy một chiếc thúng chai đang chơi vơi trên muôn trùng sóng. Quá đèo Hải Vân, đường tốt hơn một tí, nhưng bắt đầu trở lạnh, cái lạnh cộng với mưa dầm tê buốt, nhất là khi nước đã thấm ướt hết cả giày, găng tay, và cái gió ở tốc độ 60 ~ 70 kmph, cứ như thế từ sáng sớm đến tối mịt. Thật đúng là: Hơi gió lạnh, người rầu mặt dạn, Dòng nước sâu, ngựa nản chân bon
, chỉ biết: Cứ theo đường lớn mà đi, ngày đi đêm nghỉ, đói ăn khát uống…
😀
Qua Lệ Thuỷ, Quảng Bình, bánh xe bị thủng 1 lỗ, may đã có chuẩn bị dụng cụ bơm vá nên tự làm lấy, 30 phút lại lên đường. Chẳng mấy chốc (4 ngày, mỗi ngày trung bình 13, 14 tiếng) đã đến được HN, thời tiết không quá rét, tầm 12 ~ 14 độ, nhưng ẩm, mù sương và buốt. Chui vào khách sạn và chăn ấm rồi, vẫn còn nghĩ đến cảnh: Màn sương trướng tuyết xông pha, Nghĩ thêm lạnh lẽo kẻ ra cõi ngoài…
Trên đường đi không chụp nhiều ảnh lắm, vì mục tiêu chủ yếu sẽ là ở miền Bắc.
Tôi từ chinh chiến đã ra đi
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì.
Chặng 2: Hà Nội ❯ Sơn Tây ❯ tp. Yên Bái ❯ Trấn Yên ❯ Văn Chấn ❯ Suối Giàng ❯ Nghĩa Lộ
Rời Hà Nội đi Sơn Tây một sáng rét và nhiều mưa, ghé thăm làng cổ Đường Lâm trong vài giờ. Biết như thế là cưỡi ngựa xem hoa, nhưng cũng có chút e ngại về thời tiết và đường còn dài phía trước. Đình Mông Phụ, cũng như các ngôi đình cổ miền Bắc khác, mang dấu ấn văn hoá Việt – Mường, bên trên nền gạch còn có sàn gỗ, cao hơn độ 0.7m, vết tích của lối kiến trúc nhà sàn xa xưa. Trần điện chính có tấm bản nhỏ đề: Tự Đức kỷ mùi đông, năm trùng tu lần thứ nhất, 1858.
Thăm chùa Mía và một vài ngôi nhà cổ khác. Thực ra không quan tâm đến đường lối kiến trúc xây dựng ở cái xứ Đất đá ong xưa nhiều ngấn lệ
này lắm, điều tôi quan tâm là những vật dụng sinh hoạt hàng ngày còn được bảo lưu bên trong: bình phong, bàn ghế tủ thờ, hoành phi câu đối, ấm chén bình vại, điếu bát, văn phòng tứ bảo, đờn sáo, tranh ảnh… và tất cả những vật dụng bình thường linh tinh nhưng phản ánh một cách chân thực hơi thở của cuộc sống thường nhật một thời xưa cũ.
Ngồi “bút đàm” một lúc với bác chủ nhà Hà Nguyên Huyến, người dù tự nhận học chữ Hán với bút lông chỉ ngoài 3 năm, bắt đầu nối lại nếp nhà xưa khi đã già, nhưng lại có thư pháp rất đẹp, nhất là lối hành thư, thảo thư. Với mình, thư pháp đã là một giấc mơ dang dở, nhưng 3 cái Tết gần đây nhất, Tết nào cũng có dịp để ôn lại một chút Hương xưa như thế này. Thích cái cách bác ấy chiết tự, tự cắt nghĩa tên mình, Huyến – 绚, tức mặt trời bị che lại trong bộ bao, vĩnh viễn không thoát ra được!
Quê em miền trung du,
Đồng suối lúa xanh rờn,
Giặc tràn lên thôn xóm.
Chặng 3: Nghĩa Lộ ❯ Tú Lệ ❯ Khau Phạ ❯ Mù Cang Chải ❯ Than Uyên ❯ Tân Uyên ❯ Bình Lư ❯ Sapa
Sơn Tây đi Yên Bái: theo QL32 chạy dọc triền đê sông Thao lên đến tp. Yên Bái, qua huyện Trấn Yên là đã vào vùng trung du đồi núi trập trùng. Ghé qua Suối Giàng, ở độ cao 1400 m, quê hương của giống chè Shan Tuyết, “vua của các loại chè” Việt Nam, những gốc chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, vừa vòng tay 1, 2 người ôm trồng tít mãi trên những đỉnh núi cao, những đồi chè xanh ngát trập trùng. Rồi chạy tiếp đến Nghĩa Lộ, Mường Lò, cánh đồng (“mường”) lớn thứ hai vùng Tây Bắc.
Đến Tú Lệ ăn xôi nếp với muối vừng, xôi ở đây rất thơm và ngọt. Đi du lịch dài ngày thế này không nên ghé các hàng quán sang trọng, cứ vào những hàng ăn bình dân, người địa phương ăn gì mình ăn đó, sẽ luôn có những phát hiện thú vị. Vượt đèo Khau Phạ, con đèo dài thậm thượt trong một buổi trưa mà sương mù dầy đặc, hầu như không thể thấy gì quá 5, 10 m phía trước. Thế nên cũng không thưởng ngoạn được gì phong cảnh hùng vĩ, đành tăng ga chạy tiếp để đến Mù Cang Chải!
Mù Cang Chải (và cả Tây Bắc) mùa này không phải vào vụ lúa mới gieo hay sắp thu hoạch, nên chủ yếu là chiêm ngưỡng cảnh quan núi non trùng điệp, chứ không có các khung hình ruộng bậc thang xanh mướt hay vàng rộm như thường thấy, một Mù Cang Chải không son phấn. Cứ chạy dọc theo chân dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ vào đến địa phận Lai Châu, qua Than Uyên, Tân Uyên, Bình Lư, vượt đèo Ô Quý Hồ để đến Sapa. Dừng chân Sapa 2 ngày để ghé thăm thêm các vùng lân cận.
Gối đầu trên Lào Cai, Việt Trì,
Em nằm tóc xõa bãi cát dài,
Thả hồn mơ tới Thái Bình qua Sơn Tây.
Chặng 4: Sapa, đèo Ô Quý Hồ và các vùng lân cận
Lên đến Sapa một ngày rét đậm, hôm đầu tiên chứng kiến ngay một trận mưa đá, những giọt nước đóng băng bằng cỡ hạt đậu, rơi xuống đất rào rào bắn tung toé như muối hạt. Cũng có ý ở Sapa lâu một chút, hy vọng sẽ có tuyết… Chính giữa trưa mà khắp thành phố chìm ngập trong biển sương mù. Những người dân tộc nhóm lửa sưởi bên nhà sàn, còn mình thì cứ tay trần lái xe từ giờ này sang giờ khác, mới biết những tháng ngày chèo thuyền cũng tương đối mang lại chút kết quả!
Người ta vẫn thường hay kháo nhau về những miền gái đẹp như ở huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu… Thực ra theo tôi, đó chỉ là một cách nói. Ở đâu đất đai rộng rãi, khí hậu tương đối ấm áp, có thể sản xuất được, đời sống không quá khó khăn, ở đâu sơn thuỷ hữu tình, núi non hùng vĩ, lòng người cũng khoáng đạt, rộng rãi như thiên nhiên vậy. Ở đâu hội đủ cả hai điều kiện vật chất và tinh thần nói trên, thì ở đó con người sẽ đẹp, gọi là miền gái đẹp cũng là đương nhiên, không có gì là lạ!
Năm ngoái đã thăm thú kỹ Sapa và các vùng phụ cận, năm nay chỉ ghé qua để đi lại vùng chân núi Hoàng Liên Sơn, phía bên kia đèo Ô Quý Hồ. Cảnh quan rộng lớn, núi non cao ngút choáng ngợp, thật là nơi mở rộng tầm mắt và lòng người. Cái cảm giác tay lái chênh vênh trên bờ vực thẳm, cảm giác mỗi người chỉ là một hạt cát trong thiên nhiên bao la… Con người ta sinh ra vốn là như vậy, không phải những thứ gian vặt, tẹp nhẹp, tủn mủn của cuộc sống thường ngày trong cái xã hội bây giờ.
Bên cầu biên giới, tôi lặng nghe dòng đời từ từ trôi.
Sông nước xa xôi, mây núi khắp nơi, không tỏ một đôi lời.
Chặng 5: Sapa ❯ Y Tý ❯ A Mú Sung ❯ Trịnh Tường ❯ Bát Xát ❯ tp. Lào Cai
Quãng đường này đi sát với biên giới TQ, nhiều đoạn quốc lộ 4D ở lưng chừng núi, ngay dưới chân núi đã là đường biên. Đây là một cung đường khó khăn, đường đi rất xấu, nhiều đoạn đang xây dựng dở dang, taluy cao ngút tầm mắt, nhiều đoạn dốc dể trên 30%. Cứ nhìn mức độ tiêu hao xăng của xe là biết đường xấu hay tốt. Con ngựa sắt đến tận giờ vẫn là người bạn trung thành, hoạt động trơn tru không có vấn đề gì lớn ngoài đôi lần hơi khó khởi động do thời tiết quá lạnh.
Đường biên nhiều nơi rừng núi nương rẫy trơ trụi, xơ xác, nhưng vẫn còn tốt hơn vùng Yên Bái, một số nơi người dân đã biết trồng rừng phòng hộ bảo vệ bản làng, nên nhìn tươi tốt và xanh mướt. Đoạn chạy dọc đầu nguồn sông Hồng, nơi đoàn kinh tế quốc phòng 345 trú chân thì quy cũ hẳn ra, ruộng nương làng bản trông khá bài bản đẹp mắt. Bên kia sông, các công trình do phía TQ xây thì không cần phải nói, trông hoành tráng bề thế hơn hẳn. Trở về lại thành phố biên giới Lào Cai.
Ngừng đây soi bóng bên dòng nước lũ, Cầu cao nghiêng dốc trên dòng sông sâudừng chân bên cầu Cốc Lếu, tp. Lào Cai, bên kia là Hà Khẩu, TQ, thầm hát câu:
Bên cầu biên giới, tôi lặng nghe dòng đời từ từ trôi. Sông nước xa xôi, mây núi khắp nơi, không tỏ một đôi lời. Ôi giấc mơ xưa, mộng đời phiêu lãng giang hồ. Sống trong lòng người đẹp Tô Châu, hay là chết bên dòng sông Danube!?– Bên cầu biên giới (Phạm Duy), người nghệ sĩ tài hoa đã nói thay hết lời muốn nói!
Chiều ơi, mái nhà sàn thở khói âm u,
Cô nàng về để suối tương tư, ới chiều!
Chặng 6: tp. Lào Cai ❯ Mường Khương ❯ Pha Long ❯ Si Ma Cai ❯ Cốc Pài (Xín Mần) ❯ Vinh Quang (Hoàng Su Phì)
tiếp tục đi sát đường biên với TQ, từ Lào Cai sang Hà Giang. Không giống như phần trước của hành trình (đoạn từ Yên Bái sang Lào Cai) đoạn sau này đi qua những vùng tương đối xanh tươi, sung túc hơn, người dân cũng thân thiện hơn. Những đèo dốc dài miên man bất tận vắt ngang các sườn núi hiểm trở. Trên bản đồ trông rất gần, nhưng thật ra là rất xa. Địa hình chia cắt kinh khủng như vậy, nên con người từ vùng này sang vùng khác có khi là rất khác nhau, phải lưu ý điều đó!
Một mình đi giữa thiên nhiên hoang vắng, chỉ thỉnh thoảng mới bắt gặp một mái nhà, một bóng người bé tí ti giữa núi rừng trùng điệp. Chiều đứng trong màn sương, tiếng lục lạc bò ngựa đây đó khắp rừng rất khẽ cùng hoà nhịp ngân nga, phải lắng tai mới nghe ra, nghe như âm hưởng của một serenata, khúc nhạc chiều tà: Chiều ơi, lúc chiều về rợp bóng nương khoai, trâu bò về giục mõ xa xôi, ơi chiều. Chiều ơi, áo chàm về quảy lúa trên vai, in hình vào sườn núi chơi vơi, ới chiều!
Chiều ơi, lúc chiều về mọc ánh trăng tơ, cho ngày mùa bài hát nên thơ, ơi chiều. Chiều ơi, mái nhà sàn thở khói âm u, cô nàng về để suối tương tư, ới chiều!
Mây trôi bơ vơ, mang theo niềm nhớ,
Ánh trăng vàng úa soi bóng hình ai phương trời nào đây.
Chặng 7: Hoàng Su Phì ❯ Tân Quang ❯ Vị Xuyên ❯ tp. Hà Giang ❯ Tam Sơn (Quản Bạ) ❯ Yên Minh ❯ Đồng Văn
Khi đường đi bắt gặp muôn ngàn con sông suối nho nhỏ, nước xanh biêng biếc rì rào chảy, là biết đã đến địa phận tỉnh Hà Giang, vùng đất địa đầu tổ quốc, lần này là lần thứ hai trở lại. Còn rất nhiều điều tôi chưa biết hết ở vùng đất Hà Giang này, đặc biệt là khu cao nguyên đá Đồng Văn. Biết có ở đây bao ngày, bao tuần cũng chỉ như là cưỡi ngựa xem hoa. Phong cảnh, con người, cuộc sống nơi đây có điều gì cuốn hút đến mức kỳ lạ, khó diễn tả thành lời, chỉ biết nói là rất rất đẹp!
Đồng Văn, Mèo Vạc là “quê hương” của người Mông, những nhóm đầu tiên di cư từ TQ đến VN cách đây hơn 300 năm về trước, tập trung chủ yếu ở khu vực này rồi mới phân tán đi các tỉnh khác. Trong lịch sử truyền khẩu, người Mông các miền vẫn xem Mèo Vạc là quê hương, gốc gác của mình. Và có lẽ vì thế, người Mông ở đây có thể được xem là “nguyên bản” nhất, các đặc điểm y phục, tập quán, phong tục cũng rõ nét nhất. Có nhiều điều để tìm hiểu về những cuộc diaspora của họ.
Và không chỉ có người Mông, các sắc dân khác cũng đều như thế. Ví như người Dao ở Việt Nam vốn là di cư từ đảo Hải Nam, TQ sang, trước hết bằng đường biển, qua Quảng Ninh, Bắc Giang, rồi lại ngược lên cư ngụ tại miền núi. Cuộc sống, vốn dĩ từ trong bản chất, dù ít dù nhiều, cũng mang tính chất một công cuộc diaspora, đâu phải chỉ có người Do Thái mới thiên di!? Thế nên phải đi và phải hiểu, phải biết nhìn nhận sự khác biệt, con người và văn hoá thật sự là rất phong phú, đa dạng.
Hình dung một chiếc thắt lưng xanh, một chiếc khăn màu trắng trăng,
Một chiếc vòng sáng long lanh, với nụ cười nàng quá xinh.
Chặng 8: Đồng Văn, Phó Bảng, phố Cáo, Sủng Là và các vùng lân cận
Năm nay cao nguyên đá Đồng Văn khác nhiều so với những gì tôi thấy năm ngoái. Ngoại trừ thị trấn Đồng Văn, hồ trữ nước còn đầy, ở các xã khác, những hồ treo chứa nước hầu như cạn trơ đáy, hạn hán đang đến rất gần. Không khó để thấy ở một số xã xa thị trấn một chút, cảnh những người dân địa phương gùi từng can 50 lít nước trên lưng, đi nhiều cây số để chở nước về nhà trên các vách đá cheo leo. Giá trung bình cho một can nước như vậy là 50 ngàn, vị chi cứ 1 ngàn 1 lít.
Sức chịu đựng của con người ở đây thật phi thường, tôi dám cá có mấy người dân thành phố có thể làm được như thế! Nhưng đập vào con mắt của du khách, hoa cải vẫn nở vàng ươm trên nương, hoa tam giác mạch vẫn khoe mầu quyến rũ, mùa màng có vẻ như còn tươi tốt hơn những gì tôi chứng kiến năm ngoái. Người dân cõng từng gùi củ cải trắng tinh vào chợ. Và đặc biệt, hoa đào mận đồng loạt nở những màu hồng, trắng phơn phớt khắp bản làng, như chưa bao giờ nhiều và đều như thế!
Cao nguyên Đồng Văn đang bước vào thời điểm chín muồi của xuân sắc! Những gì khiến Đồng Văn cuốn hút du khách đến vậy!? Một cao nguyên đá vôi với muôn vẻ địa hình, địa mạo, độc đáo và duy nhất. Những nhóm dân tộc ít người đầy mầu sắc, muôn màu muôn vẻ không trùng lặp. Nhưng trên hết vẫn là hơi thở sinh sôi mãnh liệt của cuộc sống, như hoa đào, mận vẫn nở, như mía, ngô, khoai vẫn đâm chồi đây đó trên vùng đất chỉ toàn sỏi đá một màu xám xịt, khô cằn và lạnh buốt.
Này áng mây chiều,
Thuyền mây ơi trôi đi đừng vấn vương,
Về phương xa nhắn ai khuây tơ lòng,
Là nam nhi chí trai tang bồng.
Chặng 9: Đồng Văn, Mèo Vạc, Mã Pí Lèng và các vùng lân cận
Hầu hết chúng ta nghĩ về người Mông, Dao, Tày, Thái… như những sắc dân kém phát triển. Trên đường đi tôi thấy nhiều, những người dân tộc vì đói nghèo, vì hôn nhân cận huyết, vì cả những tệ nạn của cuộc sống hiện đại… làm cho suy kiệt. Nhưng vẫn còn nhiều người mà khi tiếp xúc với họ, ta có được cảm giác vững vàng, tự tin, ta vẫn đọc được trong họ nét riêng, chiều sâu trong cách sống. Họ như những cây thông, cây tùng đầu núi, dù thế nào vẫn vững chãi xanh tươi.
Đôi khi tôi nghĩ có lẽ là ngược lại, những “người dân tộc thiểu số” đó văn minh hơn người Kinh chúng ta hiện nay, trên nhiều mặt. Khách sạn tôi ở có một cây đào cổ thụ rất đẹp trước cổng, du khách Việt đa số chẳng thèm bận tâm đến cây đào, cũng chỉ là một trong hàng triệu cây đào khác. Những người Mông, Dao… đi qua, hầu như ai cũng dừng lại ngắm nhìn và trầm trồ khen hoa đẹp. Trong họ có một mối liên hệ gắn bó máu thịt với rừng núi, với cây cỏ, với môi trường sống chung quanh.
Và còn nhiều điều khác không thể nói hết trong những post chơi chơi, ngắn gọn như thế này. Có một điều rõ ràng, những con người ấy cho tôi thấy một chút giá trị tự thân của cá nhân và cộng đồng, chứ không phải những chiêu trò vụn vặt rẻ tiền sẽ chẳng đi đến đâu của cái xã hội người Việt hiện tại. Nói như Tản Đà: Dân hai nhăm triệu ai người lớn? Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con!
Rời Đồng Văn về tp. Hà Giang qua đèo Mã Pí Lèng và Mèo Vạc, kết thúc những chặng chính của hành trình.
Đường về miền xuôi, biết bao đò bao quán mới,
Đường dài mà vui, hỡi người bạn đường nặng vai.
Chặng 10: Hà Giang ❯ Việt Quang ❯ Tuyên Quang ❯ Đoan Hùng ❯ Phú Thọ ❯ Vĩnh Yên ❯ Hà Nội ❯ Phủ Lý ❯ Ninh Bình ❯ Tam Điệp ❯ Hà Trung ❯ Vĩnh Lộc ❯ Cẩm Thuỷ ❯ Ngọc Lặc ❯ Lam Sơn ❯ Yên Cát ❯ Nghĩa Đàn
Vẫn còn muốn rong ruổi thêm nữa trên các nẻo đường biên giới phía Bắc, nhưng chắc phải để dành cho những chuyến sau. Bắt đầu hành trình ngược trở lại, từ Hà Giang qua Tuyên Quang xuống Hà Nội để về lại Sài Gòn. Từ miền núi qua trung du, xuôi theo dòng sông Lô qua Bình Ca, Đoan Hùng, Việt Trì… rồi về với đồng bằng. Tuyên Quang là miền đất có rất nhiều địa danh lịch sử, danh lam thắng cảnh, nhưng đã có kế hoạch cho Tuyên Quang trong một chuyến đi khác.
Quá Ninh Bình, vào địa phận Bỉm Sơn, Thanh Hoá, nhận thấy QL1 mùa này đường quá xấu và đông đúc, quyết định rẽ nhánh về Nam bằng đường Hồ Chí Minh, nhân tiện ghé qua thăm thành nhà Hồ ở huyện Vĩnh Lộc, một biểu tượng của những ước vọng, dự tính non trẻ, dở dang, không thành của Việt tộc… Đường HCM khúc này rất tốt, rộng, thẳng, độ dốc vừa phải, vắng người và xe, lại ít gió bụi, tốc độ lúc nào cũng có thể giữ trên 60 kmph, chỉ hơi vòng vo hơn một chút so với QL1.
Cả một vùng trung du, miền núi phía tây khu 3 (Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh) không như tôi nghĩ ban đầu, phong cảnh xanh mướt, đất đỏ bazan màu mỡ, hoạt động nông nghiệp quy cũ, làng quê có vẻ trù phú. Đôi chỗ, người nông dân đã liên kết xoá ranh giới đất đai từng nhà để trồng trọt và sản xuất trên quy mô lớn hơn, nương rẫy dài nối tiếp nhau… Phong cảnh tuy không thể đặc sắc như vùng Tây Bắc, nhưng cũng có nét thú vị riêng. Thật là: đi một ngày đàng học một sàng khôn
vậy!
Nằm mơ, mơ thấy trăm họ tốt tươi,
Mơ thấy bên lề cuộc đời,
Áo dài đùa trong tiếng cười.
Chặng 11: Nghĩa Đàn ❯ Thái Hoà ❯ Tân Kỳ ❯ Khai Sơn ❯ Thanh Thuỷ ❯ Phố Châu ❯ Vũ Quang ❯ Phúc Đồng ❯ Hương Khê ❯ Tân Ấp ❯ Khe Ve ❯ Minh Hoá ❯ đèo Đá Đẽo ❯ Phong Nha ❯ Khe Gát ❯ Đông Sơn ❯ Bến Quan ❯ Cam Lộ
Xuôi theo đường HCM, từ Hà Tĩnh, ngã ba Đồng Lộc, Tân Ấp, vượt đèo Đá Đẽo, đến Phong Nha, Quảng Bình. Trời đã về chiều nên không đi trên nhánh Tây của đường HCM, một đoạn 250 km không có lấy một cụm dân cư hay cây xăng nào, đi theo nhánh Đông, về đến Cam Lộ, Quảng Trị lúc 10h tối do mải mê chụp ảnh dọc đường. Đoạn đi qua vườn quốc gia Vũ Quang, khu bảo tồn thiên nhiên Phong Nha, Kẻ Bàng, nhiều nơi vẫn còn là rừng nguyên sinh trông rất hấp dẫn.
Nhiều đoạn đi sát với đường biên giới Việt – Lào, đây đó thấy có kiểu nhà rất cao, chỉ 1 trệt nhưng cao bằng 2 tầng so với nhà nơi khác, là kiểu nhà tránh cái nóng của gió Lào. Suốt đoạn đường khu 3, khu 4 đi qua, rừng núi toàn một màu xanh tốt. Tuy phần nhiều là rừng tái sinh, nhưng làm tôi đặt câu hỏi không lẽ công việc trồng rừng lại được thực hiện tốt đến vậy? Ít nhất thì dọc toàn tuyến đường HCM đoạn này, hầu như không thấy đồi núi trọc, sông suối một màu xanh biêng biếc.
Nếu để ý kỹ, sẽ thấy nhiều yếu tố văn hoá bản địa đan xen với nhau, và dần dần chuyển biến từ vùng này sang vùng khác, trong một đoạn rất ngắn và hẹp, từ Quảng Bình, Quảng Trị vào đến Thừa Thiên Huế, bề ngang có nơi chỉ khoảng hơn 40 km, mà có đến 3 tuyến quốc lộ dọc chính: đường 1A, đường HCM nhánh Đông & nhánh Tây. Những tộc người Cơtu, Pacô, Vân Kiều nhỏ bé, trông nghèo khổ, nhếch nhác, những mái nhà sàn & nhà mồ bé xíu nằm rải rác dọc đường đi…
Tôi yêu những sông trường,
Biết ái tình ở dòng sông Hương.
Chặng 12: Cam Lộ ❯ Đakrông ❯ Tà Rụt ❯ đèo Pêke ❯ A Lưới ❯ A Đớt ❯ A Roàng ❯ Prao – Đông Giang (Hiên) ❯ Thạnh Mỹ – Nam Giang (Giằng) ❯ Khâm Đức – Phước Sơn
Mải miết rong ruổi trên con đường cái quan xuyên Việt, thử rẽ sang đi nhánh Tây của đường Trường Sơn, từ Cam Lộ ngược lên Đăk Rông, qua Tà Rụt, vượt đèo Pêke là đã rời Quảng Trị vào Thừa Thiên – Huế. Mới độ hơn chục năm về trước, nhắc đến A Sầu, A Lưới là người ta hình dung một chốn thâm sơn cùng cốc, khỉ ho cò gáy, giờ thì đã là phố thị văn minh lắm rồi. Mà đâu có phải cách trở gì cho cam, chỉ mười mấy cây số về phía dưới kia đã là không xa kinh kỳ sáng chói
.
Nếu đi trên nhánh Đông, từ đèo Pêke sẽ về cầu Tuần, Khe Tre, đèo Bê Bay, đèo Mũi Trâu, đi sát rìa tây nam khu bảo tồn thiên nhiên Bạch Mã về đến phía tây Đà Nẵng ở Tuý Loan. Nhưng nếu đi trên nhánh Tây, sẽ qua tt. A Lưới, khu bảo tồn sao la A Roàng, qua thị trấn Prao, huyện Đông Giang (trước đây gọi là huyện Hiên) đến Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang (trước đây gọi là huyện Giằng). Một đoạn đường trên 200 km không thấy tên một cái đèo nào… vì không chỗ nào là không đèo dốc cả!
Qua A Roàng, cung đường này rất đẹp. Một mảng rừng nguyên sinh lớn, đèo dốc quanh co dài dằng dặc, 2 hầm chui xuyên núi, đường bêtông chống sạt lở trên toàn tuyến, những cơn mưa rừng Trường Sơn rỉ rả nhiều giờ liền, vắng hoe không một bóng người, không một mái nhà, chỉ có vài đồn biên phòng lẻ loi. Ngoại trừ vài người dân tộc, hầu như không thấy bóng một người Việt nào, ấy thế mà thấy rất nhiều cô/chú Tây cặm cụi đạp xe đạp, hay cưỡi xe máy với một cái GoPro gắn trên mũ.
Anh sẽ ra đi về miền mênh mông,
Cơn gió cao nguyên từng đêm lạnh lùng.
Chặng 13: Khâm Đức ❯ đèo Lò Xo ❯ Đăk Glei ❯ Plei Cần (Ngọc Hồi) ❯ Đăk Tô ❯ Đăk Hà ❯ Kon Tum ❯ Plei Ku ❯ Chư Sê ❯ Ea H’Leo ❯ Ea Drang ❯ Buôn Hồ ❯ Buôn Ma Thuột
Phía trước là con đường… hành trình tiếp tục theo đường Trường Sơn, từ Khâm Đức (Phước Sơn, QN), vượt đèo Lò Xo chạy kế bên khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh là qua địa phận tỉnh Kontum. Con đèo dài và khá khó đi, dưới chân đèo, một chiếc 50 chỗ cháy trơ trụi còn đang bốc khói nghi ngút, các xe đi ngược chiều cũng toả ra một mùi bố thắng khét lẹt. Tuy nhiên, đã đi qua những cung đường Tây Bắc khó khăn hơn nhiều nên đèo Lò Xo cũng không phải là vấn đề gì quá lớn.
Từ đây là chấm dứt những cảnh quan xanh tươi, cao nguyên Trung phần dần hiện ra với trong tầm nhìn rộng lớn, bạt ngàn đồn điền cao su, cà phê, tiêu, chè… cùng với… vô vàn đồi hoang núi trọc, sông suối vàng một màu hoàng thổ. Trong đầu thoáng lên ý nghĩ, dù sao ở những “miền đất cũ”, dân chúng cũng còn biết tổ chức lo lắng cho tương lai lâu dài về sau hơn là ở những “miền đất mới”. Cảm thấy mất hứng, bèn tăng ga chạy tiếp cho hết những nẻo đường rộng lớn của cao nguyên.
Cả Tây Nguyên mùa này đang là mùa khô, gió và bụi bao trùm lên các tuyến đường, đoạn Plei Ku đi Buôn Mê Thuột rất xấu, đang sửa chữa dở dang. Nhưng cũng có những đoạn đường rất đẹp, mới xây, rộng rãi, phẳng lỳ, đi qua những rừng thông, cao su rợp bóng mát. Rất nhiều địa danh lịch sử bắt gặp trên đường đi nhưng không ghé vào thăm được, đành đánh dấu lại trên bản đồ điện tử, hẹn trong một chuyến đi khác. Rồi sẽ có một ngày ngược tuyến đường này, đi lại những gì đã bỏ sót!
Đường chiều mịt mùng, cát bay tỏa bước ngựa phi đường trường.
Đường về nước chập chùng xa, nhiều đồi núi cheo leo.
Chặng 14: Buôn Ma Thuột ❯ Đăk Mil ❯ Đức An ❯ Gia Nghĩa ❯ Kiến Đức ❯ Bù Đăng ❯ Đồng Xoài ❯ Thủ Dầu Một ❯ Sài Gòn
Chặng cuối của hành trình, phong cảnh, con người càng lúc trông càng quen thuộc. Càng vào nam, thời tiết càng thêm nóng bức, cộng với cái gió bụi mù trời của những đoạn đường đang xây, nên không còn hứng thú nhởn nhơ chụp ảnh nhiều nữa, chỉ tập trung hoàn tất cho xong phần cuối của chuyến hành trình xuyên Việt kéo dài đúng 1 tháng, 30 ngày rong ruổi trên lưng ngựa (sắt) này. Post thêm ở đây một số hình ảnh vùng của Tây Bắc, những chặng chính của chuyến đi.
Hoàn tất Bắc hành tạp lục
này, công – tơ – mét chiếc xe nhảy thêm hơn 6000 km: khoảng 1700 km từ SG đi HN theo QL1, tầm 2300 km lang thang ở các tỉnh phía Bắc, và chừng 2000 km ngược trở lại theo đường HCM. Trái với suy nghĩ ban đầu, thực sự những chuyến đi dài thế này cũng không có gì là khó khăn hay mệt mỏi (nhưng cũng nên có sự chuẩn bị tốt hơn cho những tình huống dọc đường). Biết bao nhiêu chuyện Sở kiến hành
trên những quãng đường đất Việt đã đi qua.
Nhìn lại những địa danh xe đã lăn bánh qua: Suối Giàng, Nghĩa Lộ, Khau Phạ, Mù Cang Chải, Than Uyên, Ô Quý Hồ, Sa Pa, Y Tý, Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai, Xín Mần, Hoàng Su Phì, Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Mã Pí Lèng… và trên con đường HCM xuyên Việt: Vĩnh Lộc, Cẩm Thuỷ, Nghĩa Đàn, Tân Lập, Vũ Quang, Khe Gát, đèo Đá Đẽo, Phong Nha, Đăk Rông, đèo Pêke, A Roàng, đèo Lò Xo, Ngọc Linh… những chặng đường khó khăn, nhưng cũng là đẹp nhất Việt Nam!
Về về đây miền Đồng Nai có Cửu Long,
Cuộn chảy dâng trời Nam mạch sống.
Đường đi đã tới… nhưng vẫn còn nhiều điều đọng lại sau chuyến đi muốn nói thêm ở đây, không phải chỉ là về những con đường, những cảnh quan tuyệt đẹp đã qua. Đó là về người Mông ở Đồng Văn, Mèo Vạc, Hà Giang và các nơi khác, ở họ có nhiều điểm khác biệt với các sắc dân còn lại. Nếu đồng bằng là lãnh địa của người Việt, lưng chừng núi là khu vực sinh sống của những dân tộc: Mường, Tày, Thái, Dao… thì người Mông luôn chọn sống trên đỉnh những ngọn núi cao.
Bản chất du mục, du cư ăn sâu vào trong tâm thức người Mông, suốt nhiều ngàn năm phải trốn chạy sự lấn ép của người Hoa và nền văn minh Hán. Mặc cảm lưu vong trên “đất người”, thái độ kép “bên này bên kia”, khép kín với người ngoài và phát triển tính tự trị cộng đồng. Mặt khác, lại văn minh ở một số khía cạnh: tự do tình yêu và hôn nhân, khai phóng tính dục, tục kéo dâu, chợ tình, mộng mơ, yêu thích tự do, thiện chiến, nhiều bất mãn và nổi loạn hơn thảy những dân tộc khác.
Một số người có thể nhìn người Mông (và những sắc dân khác) như những dân tộc chậm tiến, riêng tôi cảm thấy thích thú và đồng cảm với lối sống tôn trọng giá trị cá nhân của họ. Vẫn biết cuộc sống hiện đại là một quá trình khó có thể đảo ngược, nhưng người Mông vẫn duy trì cá tính dân tộc của mình như cố thủ trên các đỉnh núi cao. Cá tính Mông như thể vùng họ sống: hùng vĩ, hiểm nguy, tự do và thơ mộng, như những đỉnh núi cao bất tận, vô danh, đời đời mù sương phủ!