Đế chế Ottoman, tại thời điểm cực thịnh của nó, bao gồm một phần hay toàn bộ lãnh thổ các nước Iraq, Iran, Ai Cập, Hy Lạp, Bulgaria, Romani, Croatia, Serbia, Moldova, Ukraine, etc… nhiều lần đe doạ Áo và miền Trung châu Âu! Châu Âu và đế chế Ottoman có một lịch sử mâu thuẫn ân oán lâu dài, xem như cuộc Thánh chiến, Thập tự chinh mở rộng. Muốn hiểu thêm về mấy trăm năm chiến tranh này, tìm đọc tiểu thuyết “Những ngôi sao Eger” – Gárdonyi Géza. Đương thời, châu Âu, Nga và Thổ tạo thành thế vạc 3 chân! Một mặt châu Âu không ưa gì Thổ, và trong một chừng mực ít hơn, cũng không ưa gì Nga, nên muốn dùng 2 thế lực đó kiềm chế lẫn nhau và không muốn bên nào thắng hẳn! Người Nga thì trên danh nghĩa muốn đứng đầu liên minh Thiên chúa giáo chống lại Hồi giáo, trên thực tế, họ tìm đường ra Địa Trung Hải. Người Nga tấn công Thổ từ 2 hướng, một từ Ukraine tiến sang Moldova, Romania, một hướng về Caucasus, qua ngã Georgia, Armenia.
Đỉnh điểm của mâu thuẫn là chiến tranh Nga – Thổ (1768 ~ 1774), hạm đội của đô đốc Alexei Orlov từ biển Baltic ra Đại Tây Dương vòng vào lại Địa Trung Hải, đánh bại hạm đội Thổ, nhưng bao vây Constantinople không thành công! Trên bộ, cánh quân của Alexander Suvorov đánh bại Thổ tại trận Kozludzha. Suvorov là vị Nguyên soái bất bại của Nga, ông ta chưa từng thua một trận nào trong toàn bộ sự nghiệp rất nhiều trận chiến của mình! Người Nga họ có cả một bảng “Phong thần” liệt kê các anh hùng lịch sử, ở hạng mục tướng quân, Suvorov đứng đầu bảng, kế đến là Fyodor Ushakov, sau nữa mới đến Georgy Zhukov. Kết quả cuộc chiến, Thổ phải nhượng cho Nga vùng đất Bessarabia nằm giữa Moldova và Ukraine, là tiền thân của Transnistria ngày nay (dù đã bị thu hẹp hơn trước nhiều, nhưng sau hơn 250 năm vẫn “ một lòng hướng về đất mẹ”). Giờ nếu như Nga tấn công Odessa, thông với Transnistria là biến Ukraine thành quốc gia lục địa đúng nghĩa.