nhớ đồng

Quà xế tại nhà… nhớ thời xa xưa hơn 30 năm về trước, thời quả đất còn chưa nóng như bây giờ, mắc võng trong khu vườn rộng cả hecta sum suê cây lá, ngủ trưa dậy là ngồi hóng gánh hàng đi qua, họ đi dọc con đường theo một giờ cố định: bánh nậm, bánh ít trắng, bánh ít đen, bánh bèo, bánh lọc, bánh ướt tôm chấy, bánh ướt thịt nướng, nếu còn chưa vừa bụng nữa thì làm thêm đĩa bánh khoái! Ăn đẫy rồi đợi chiều mát hẳn đi tắm sông! Đồng tử lục thất nhân – 童子六七人, trẻ con 3, 4 đứa, ôm ống xối từ dưới nước, leo lên nhà hàng nổi trên sông!

Thực khách đang ngồi trên nhà hàng nổi, ngờ đâu có mấy đứa trẻ nghịch ngợm thay nhau nhảy từ trên mái nhà xuống, nước văng tung tóe ướt hết cả, rồi chúng nó cút một hơi, lặn đi đâu mất, không tìm ra được! Chơi chán thì bơi qua cồn Hến bên kia đi bẻ trộm bắp, tay ôm một đống bắp gói trong cái áo, miệng thì hô: Có ai bán bắp không!? Nếu có người xuất hiện thì mình… trả tiền đàng hoàng, còn không thì… cứ thế nhảy xuống sông bơi về đốt lửa nướng bắp! 😀 Gì sâu bằng những trưa hiu quạnh, Ôi ruộng đồng quê thương nhớ ơi…

sinh nhật

Ngày xa xưa, sinh nhật từng là một chuyện rất đơn giản, như trong nhà tôi, con nít được mua cho vài cái bánh ngọt nhỏ dạng cupcakes, vài loại trái cây, vài chai nước ngọt, cho nó ngồi chơi tám chuyện với 2, 3 đứa bạn thân, như thế xem như là tổ chức sinh nhật rồi! Còn người lớn thì quên đi, có khi còn chẳng nhớ và không tổ chức sinh nhật của mình! Thế rồi, thời buổi thay đổi, giờ đây người ta chăng rạp, tràn ra hết hơn nửa con đường, nhậu nhẹt, hét hò ầm ĩ, tưng bừng như mấy con “linh trưởng” – primate thiểu năng vậy, một năm có khi cả chục cái sinh nhật ấy! Người có ý thức đi ngang qua chỉ biết nói đúng một câu: “LŨ MỌI” !!! Chúng ta sinh ra trên đời này, có khi chỉ để phí thêm một lượng oxy vô ích – just an oxygen – wasting creature! Nên trên Facebook cũng vậy, những cái thao tác chúc mừng này nọ thôi thì ta cứ giản lược đi, không nhất thiết cứ phải chúc tụng qua lại phiền phức!

Còn dưới đây là quà sinh nhật… mọi năm đều tự tặng quà sinh nhật cho mình, khi thì là chiếc xe đạp, khi thì là cái laptop, nhưng chỉ những vật dụng cần thiết thôi! Năm nay khác chút, Garmin Fenix 7X Pro Sapphire Solar, vâng, cái tên nó dài như thế, kích cỡ X – 51mm, phiên bản Pro, mặt kính Sapphire kiêm tính năng sạc pin mặt trời (tăng thêm đáng kể thời gian sử dụng)! Dù dùng ở chế độ GPS rất hao pin thì vẫn có thể đến 120h một lần sạc, nếu xài ở mode “Expedition” thì có thể kéo đến hơn 2 tháng, hoặc nếu chỉ xài như cái đồng hồ bình thường thì đến một năm! Và tính năng vẽ bản đồ của nó thật tuyệt với một cái máy đeo tay nhỏ xíu như thế! Và vô số tính năng cần thiết khác cho một “nhà thám hiểm” thực thụ: la bàn, máy đo cao, đo áp suất không khí, dự báo bão, nhiệt kế, đèn chiếu sáng trắng + đèn tín hiệu đỏ, lịch mặt trăng, lịch thủy triều, đo nhịp tim, đo oxy máu, etc…

space-time

U50 rồi, “hơn nửa đời hư” (chữ “hư – ” này không phải là “hư hỏng” như thường hiểu trong tiếng Việt nhé, gì chứ lão Vương kia là khá rành chữ Hán đấy). U50 rồi, không thể tránh khỏi có những giai đoạn giấc ngủ xáo trộn. Dù vẫn ngủ rất đủ, và rất sâu, y như thanh niên 20, nhưng thỉnh thoảng vẫn bị kiểu jet-lag rất khó chịu! Nhiều đêm trằn trọc, đưa tay chạm nhẹ cái đồng hồ đặt trên tủ đầu giường, nó có cái “máy chiếu” tí hon, phóng ảnh lên trần nhà để thông báo giờ hiện tại. Thời gian cứ thế trôi đi, một lúc lại chạm nhẹ xem giờ lần nữa, trằn trọc không ngủ nên suy nghĩ linh tinh…

Đêm nghe tiếng mưa rơi, đếm mấy triệu hạt rồi… Có một không gian nào đo chiều dài nỗi nhớ…, đương nhiên đây sẽ là không-thời-gian Minkowski (Minkowski spacetime) rồi, không thể là không gian Euclide hình học cổ điển được, bởi vì chỉ có trong không gian Minkowski thì khoảng cách giữa 2 sự kiện (events) là độc lập (không phụ thuộc) vào hệ quy chiếu quán tính (inertial frame of reference) dùng để quan sát, đo lường hai sự kiện đó. Nhưng, những điều này cần phải được đặt vào trong một phép biến đổi Lorentz (Lorentz transformation) thì mới có thể hình dung được! 😀

nhạc lộc thư viện

Từ thời Hán cho đến qua thời Tống, Nguyên, Minh, suốt khoảng 1500 năm, nơi có nhiều đầu sách nhất thế giới chính là… Trung Quốc! Từ các thư viện hoàng gia cho đến các thư viện tư nhân như Nhạc Lộc, họ có khoảng 6 ngàn đầu sách (tựa sách), nhiều hơn bất kỳ nơi đâu, dù là Baghdad, Varanasi hay Rome, thì cũng không có nhiều sách bằng! Viết bằng thứ chữ giun dế siêu phức tạp như thế, bao quát đủ mọi lĩnh vực, từ Sơn hải kinh, Thủy kinh chú, Cửu chương toán thuật, Hải đảo toán kinh, Võ bị chí, etc.. bao quát đủ mọi mặt kiến thức, trên thiên văn, dưới địa lý, từ tư duy trừu tượng cho đến các vấn đề xã hội… công phu, trình độ quả thực đáng nể! Các đoàn sứ thần VN sang TQ, sau khi nộp cống phẩm xong đều được “lại quả”, loại “quả” thường được yêu cầu (và đáp ứng) nhiều nhất chính là… sách! Mà chẳng riêng gì VN, các nước đương thời như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng thế: chẳng phải mọi phát minh tốt đẹp đều đến từ Trung Quốc đó sao, người Nhật Bản đương thời nói như vậy!

Mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi kỹ thuật in ấn bắt đầu được phổ biến sang châu Âu! Chính vì kỹ thuật in có thể tạo ra được số lượng ấn phẩm lớn, đưa kiến thức đến với nhiều người hơn, nên dần dà, nó tạo thành một kiểu hiệu ứng đô-mi-nô, bắt đầu từ đó, châu Âu càng ngày càng đẻ ra thêm nhiều tựa sách, và bắt đầu vượt qua Trung Quốc. Số lượng đầu sách (tính trên tựa, không phải tính trên bản in) không còn ở mức số ngàn nữa mà bắt đầu tăng, đương nhiên khởi đầu chậm nhưng sau đó cứ nhanh dần theo cấp số nhân, bắt đầu đạt con số chục ngàn, trăm ngàn, rồi đến mức triệu… Quá trình này mất đến vài thế kỷ, dần dần đưa nhân loại bước vào “kỷ nguyên Ánh sáng”… Sang đến thế kỷ 21, ở cái xứ mọi rợ phương Nam kia cũng bày đặt nói chuyện sách, toàn những thứ như Thám tử Sherlock Holmes, Trở lại Eden, Những năm ảo tưởng, Cánh buồm đỏ thắm, .v.v… haiza, sách vở gì chúng nó!? 🙁

tảo luyến

Có mấy chuyện thuộc về tâm lý lứa tuổi và ngôn ngữ. Trong các phim thanh xuân vườn trường TQ, hiện tượng này được gọi là “tảo luyến – 早恋“, chữ tảo nghĩa là sớm, như trong từ “tảo hôn”. Nhưng họ gọi “luyến” chứ không gọi là “ái”… là chính xác! Lứa tuổi đó nó như vậy, có thể đôi khi (khá hiếm hoi) tình cảm sẽ đi hết đời người, còn đa phần sẽ là… học kỳ sau quay sang “luyến” đứa khác! 😀 Nên gọi là “luyến”, còn “ái” nó mang nghĩa rộng lớn hơn nhiều. Ai cũng từng trãi qua chuyện như vậy, ấy thế mà trở ngược trở lại cấm cản con trẻ, ấy cái lạ! Thế nên mới bảo là người Việt không lớn, tâm thức, nhận thức không chịu lớn! Nếu “lớn” thì sẽ hiểu rằng mỗi lứa tuổi đều có những điều thuộc về lẽ tự nhiên, không thể bắt người khác phải sống giống như mình được!

Sâu xa là cái tâm thức “giống như tôi mới đúng”, bằng vào cái kinh nghiệm phiến diện, khô cứng của bản thân, cố đảo dòng chảy thời gian, ngược tiến trình sinh học! Vội cho rằng đó là “ái”, kỳ thực chưa từng biết “ái” nó như thế nào, và nó có thể sẽ như thế nào, cứ bắt người khác phải sống theo vọng tưởng (thực chất là sợ hãi) của bản thân! Nghĩ rộng ra, đã là người thì đều có những “hỉ nộ ái ố” như nhau, chúng ta chỉ khác nhau trong cách xử lý những vấn đề đó! Càng cấm đoán áp đặt, trẻ sẽ càng bám víu vào cái chấp niệm đó là đúng, duy nhất đúng! Điều nên làm là dạy, mở ra cho con trẻ thấy những khả năng, những sự phát triển khác của tâm hồn, của cuộc sống! Đương nhiên, người ta không thể dạy cái mà bản thân người ta cũng không có!

ốc mượn hồn

Em mà nhìn vào thấy chính tả viết sai chi chít, “Founder” viết thành “Fouder”, “bộ môn” viết thành “bổ môn” là em đập ngay vào mặt chứ không có lèn èn gì! Giờ những thể loại “ốc mượn hồn” như thế này rất nhiều, ăn cắp nguyên CV, đóng giả thành một vai khác! Bấy lâu va chạm với toàn “người trong ngành” mà không bị phát hiện sớm, kể cũng lạ! Chuyện này em nghĩ các giáo viên chân chính chỉ cần hỏi mấy câu là phát hiện ra ngay, nhưng có dám tố giác từ sớm hay không mà thôi! VN thì vẫn bị cái bị bệnh cả nể, ngại va chạm, không biết ku này có ai chống lưng, kiểu như thế! Đến khi hiểu ra rồi thì sẽ biết nó chỉ là một ku lưu manh đứng giữa mọi người, dùng người này đánh người kia, anh A đã nói thế này, đồng chí B nói thế kia…

Chúng nó sống được bằng sự nhiễu nhương, vô minh của xã hội, của nền tảng dân trí quá thấp! Nói thực ra, học rồi lặp lại một vài “bài” phổ thông, xạo xạo với mọi người, thậm chí “đứng lớp” giảng dạy không quá khó! Nhưng chỉ cần hỏi vài câu, bài bản thì như thế nhưng áp dụng, biến hoá như thế nào là sẽ lòi ngay cái dốt thôi, vì chữ nó chưa kịp dính vào người! Còn thẩm tra trình độ trí tuệ lên đến mức sáng tạo, nghĩ ra được cái mới hay không thì bố nó cũng không giả được! Thời đại mà cái dốt, cái ác lộng hành, không ai dám làm gì… Các nhà giáo, nhà nghiên cứu chân chính cũng nên dần bước khỏi “tháp ngà” của mình, làm những việc thực tế, hữu ích, mà đầu tiên… là góp sức phân định rõ ràng “chân – nguỵ”, “ngay – gian”, “thật – giả”…

giao thông

Xem các clip camera ghi lại được các tai nạn giao thông, các thanh thiếu niên vì bốc đồng mà gây tai hoạ, tài xế xe tải thì 7, 8 phần nghiện ma tuý, bà con đi ra đường như đi vào chỗ… không người, thực trạng đúng là đau lòng! Nhưng suy nghĩ kỹ sẽ thấy: tăng động, manh động thực chất chính là… một mặt khác của sự ít vận động! Người vận động hiểu được các nguyên tắc vật lý, các tình huống nguy hiểm, từ đó nhận thức về an toàn, mặt khác cải thiện khả năng điều khiển cơ thể, từng bước khống chế, kiểm soát những xung động cảm tính! Đám trẻ chính vì ít vận động, thể trạng ù lỳ, tâm hồn nghèo nàn, nên đột nhiên, một lúc nào đó lại bộc phát trở thành manh động nhất thời, đây chính là 2 mặt của một đồng xu mà thậm chí có người còn nhầm, nhầm lẫn giữa tăng động với… khỏe mạnh, đâu có tự hiểu, tự ngộ ra được! Đến cả những tai nạn do nhầm chân ga, thắng xe hơi cũng y như vậy!

Là con người thì không ai có thể loại trừ 100% khả năng mắc sai lầm, nhưng bỏ chút thời gian, công phu tập luyện động tác cho nhuần nhuyễn sẽ giúp giảm tối thiểu khả năng gây tai nạn! Nhưng mà không, làm có được đâu, từ nhỏ đã lười vận động rồi, đến khi lớn, già có tiền mua xe, thì tập bao nhiêu cho đủ!? Đó là chưa kể suốt ngày lên mạng, xem những thứ tào lao, nghe các chuyện xàm xí, tranh hơn thua những chuyện vớ vẩn, cái tâm vọng động liên tục, không thể tập trung làm chuyện gì cho tử tế, ra hồn! Nói một câu có vẻ ngang: tất cả vấn đề nan giải của người Việt là do cái ý bất thành, cái tâm bất chính mà ra! Giáo dục luật lệ, mũ nón bảo hiểm, chỉ nói đằng mồm không thể giúp ích được gì đâu, trừ khi trị được cái “tâm”! Mà trị “tâm” thì vô cùng khó, phi thường khó, đầu tiên là phải trị được “nơi chứa” cái “tâm”, tức là cái “thân”, nói vòng vo nhưng quay lại, cụ thể tức là… thể dục và vận động!

sailors’ soap

Lảm nhảm về “khoa học thường thức”… Mấy năm gần đây ở VN rộ lên phong trào tự làm xà phòng để dùng ở nhà, cơ bản là quy trình thuỷ phân các chất béo (dầu ăn đã qua sử dụng, dầu dừa…) bằng kiềm – xút, thường dùng nhất là Natri hydroxide – NaOH! Nhưng từ hàng ngàn năm trước, khi chưa chế tạo được NaOH, từ Lưỡng Hà cho đến Trung Quốc, người ta đều sản xuất xà phòng với Kali hydroxide – KOH, từ chất béo (dầu olive, mỡ lợn…) trộn với vôi tôi và tro than từ gỗ.

Phương trình: Ca(OH)2 + K2CO3 → CaCO3 + KOH. Trong tro than gỗ có nhiều K2CO3, phản ứng với vôi tôi Ca(OH)2 tạo nên KOH! Thời hiện đại, NaOH được dùng vì nó rẻ hơn mà thôi, còn các loại xà – phòng từ xa xưa đều dùng Kali hydroxide – KOH. So với NaOH, KOH cho ra loại xà phòng mềm hơn (đôi khi còn có dạng chất lỏng), có tính tẩy rửa và sát khuẩn mạnh hơn, tan mạnh cả trong nước muối (vì muối là NaCl), nên còn được gọi là Saltwater soap, sailors’ soap, vì dùng tốt cả trong nước biển.

radio clock

Radio clock, là loại đồng hồ được tự động đồng bộ qua sóng radio! Đồng hồ (hiểu theo nghĩa rộng) có vô số hình thức và công năng khác nhau: đồng hồ công cộng ở sân bay, bến xe, đồng hồ trong các thiết bị điều phối giao thông đường bộ, đường sắt, đồng hồ trong các thiết bị cảm ứng đo lường (khí tượng, thuỷ văn, thời tiết…) hàng triệu đồng hồ này đều có sai số nhất định.

Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu thiết bị bẻ ghi – điều hướng tàu hoả bị sai giờ!? Cần có các tháp / trạm phát tín hiệu thời gian để những đồng hồ này tự chỉnh lại cho đúng! Như Nga và Mỹ, mỗi nước có 11 trạm phát sóng, Trung Quốc có 5 trạm, Đức có 3, Nhật Bản có 2, Anh, Pháp, Đài Loan mỗi nước có 1 trạm… phần lớn những vùng còn lại trên thế giới, ví dụ như Ấn Độ, không có trạm nào!

đẳng cấu

Kể chuyện “vui vui” hàng xóm… mọi người biết là tôi không đánh giá con người qua tài sản, xuất thân… không đánh giá họ xài điện thoại gì, đi xe gì! Nhưng mà dân trí nhiều khi thấp quá, thành ra nảy sinh đủ thứ chuyện phiền phức! Đi ngoài sông ghé qua, thấy đang nấu cơm, thế là đon đả chào mình: anh vào đây, tụi em đang nấu cơm có món này ngon lắm, thế rồi mở nồi cơm đang sôi khoe 2 con chuột con đỏ hỏn đang được hấp trên mặt cơm! Không cần phải nói, cảm giác muốn ói tại chỗ luôn! Chuyện xảy ra ở ngay giữa Sài Gòn này nhé! Rồi sau kiếm được việc làm gì đó, có chút tiền vô ra, ngày nào mà dư được 100 ~ 200K thì coi như ngày đó không đá gà thì cũng đánh bài, suốt từ sáng đến tối!

Bẵng đi thời gian không gặp, thấy chuyển nghề làm “môi giới BĐS”! Sáng sáng ra quán cafe ngồi, tay cầm cái “iPad” làm bộ xem chứng khoán! Đi đâu cũng khoe cái “iPad” vỏ nhựa trắng hếu, hàng Tàu chạy Android, mà nhất quyết là “iPad” nhé, ai nói khác là không được! Thế rồi lặp đi lặp lại một số thuật ngữ thị trường vừa nghe là biết học lỏm đâu đó, thậm chí lặp còn không đúng chữ! Đương nhiên làm “môi giới BĐS” được 3×7=21 ngày, vì trình kiểu đó hầu như ai cũng “lật tẩy” được! Nhưng mà liều lĩnh và manh động vô đối, ai nói gì cũng tin, ai xúi gì cũng làm, ta lúc nào cũng biết rồi! Thành phần như vậy XH Việt là không ít đâu, ở nhiều mức độ, trình độ khác nhau, nhưng đều “đồng dạng, đẳng cấu” như thế! 🙁