hms dreadnought

Có rất nhiều thứ để nói về con tàu Dreadnought này, được xem là một cột mốc quan trọng trong lịch sử hàng hải toàn thế giới. Đầu tiên là cái tên Dreadnought, hiểu nôm na trong tiếng Việt là “éo ngán thằng nào, chả sợ cái gì” Dreadnought tích hợp trong nó quá nhiều công nghệ tiên tiến thời đó, đến mức lịch sử thiết kế tàu chiến chia làm 2 giai đoạn: tiền – Dreadnought và hậu – Dreadnought. Dreadnought tàu chiến hạm lớn đầu tiên chạy bằng động cơ turbine hơi nước, tốc độ đạt đến hơn 40 kmph, đủ cho tất cả chiến hạm khác thời đó “ngửi khói”.

Dreadnought là tàu đầu tiên chạy than kết hợp dầu mỏ! Hệ thống súng lớn bắn xa hơn 17 km, hệ thống quan trắc, chỉ thị mục tiêu từ xa (đây là một dạng máy tính cơ-điện đầu tiên). Đáng kể là Anh quốc hoàn thành Dreadnought trong thời gian kỷ lục 4 tháng, kiểu phô trương sức mạnh công nghiệp! Dù vậy, sự nghiệp chinh chiến của Dreadnought không có gì đáng kể, thời gian WW1 thì tàu đang sửa chữa nên bỏ lỡ hầu hết sự kiện. Dreadnought bị loại biên sau chưa đến 20 năm phục vụ, vì công nghệ tiến bộ không ngừng đẻ ra nhiều thế hệ tàu chiến mới!

hms viper

Viper là chiếc tàu dùng động cơ turbine hơi nước đầu tiên của Hải quân Hoàng gia, thử nghiệm đã đạt đến tốc độ 57 kmph. Nhưng trước hết, phải nói về chiếc Turbinia, con tàu nhỏ được đóng bởi Charles Algernon Parsons để thử nghiệm động cơ do ông chế tạo. Kỷ niệm 60 năm trị vì của nữ hoàng Victoria, một lễ duyệt binh Hải quân được tổ chức, 1897. Chiếc Turbinia xuất hiện tại lễ duyệt binh này, chạy qua chạy về mấy vòng. Hải quân đưa vài chiếc tàu ra đuổi bắt, nhưng không ai có thể theo được cái tốc độ kinh hoàng 34.5 kn (gần 65 kmph) của nó.

Catch me if you can! Lúc đó, Turbinia là con tàu nhanh nhất thế giới. Chừng đó là đủ để con tàu “xấc xược” này lọt vào mắt xanh của Bộ Hải quân, và họ quyết định đóng Viper và Cobra để thử nghiệm về công nghệ turbine. Đến 1905 thì quyết định toàn bộ tàu chiến Hải quân tương lai sẽ được trang bị động cơ turbine. Nhân nói về gas-turbine và steam-turbine, đọc báo chí VN 10 bài thì hết 9 không phân biệt được sự khác nhau giữa 2 loại này, dịch thuật thì làm ơn đầu tư học hỏi chút xíu đi, kiến thức cơ bản hơn 120 năm trước mà mơ hồ như đi trên mây!

hms magpie

Magpie là con tàu khảo sát ven bờ của Hải quân Hoàng gia, lượng giãn nước… 37 tấn, là con tàu nhỏ nhất vẫn có cái prefix HMS, tức nó là “ship” chứ không phải là “boat”. Theo cách hiểu thông thường, phải trên 500, thậm chí trên 1000 tấn thì mới gọi là “ship”, đặc biệt trong một số lực lượng Hải quân, 1500 tấn vẫn chỉ là boat, nên boat hay ship, đó chỉ là quy ước chung chung mà thôi.

Thực tế có khá nhiều tàu nhỏ xíu mà vẫn được gọi là “ship”, vậy “ship” lớn hơn “boat” ở chỗ nào? Lớn hơn là ở cái role & mission – vai trò và sứ mệnh, và lớn hơn ở hàm lượng chất xám đổ vào trong đó, chứ không đơn thuần lớn ở kích thước! Hải quân Hoàng gia ngày nay về “lượng” chỉ có rất ít, 75 chiếc so với thời cao điểm của nó (Thế chiến 2, trên 2300 tàu), nhưng về “chất” thì đều là hạng nhất!

hms victoria

Victoria, 1887 là con tàu hơn 11.000 tấn hiện đại, là tàu chiến đầu tiên được trang bị động cơ hơi nước giãn nở 3 kỳ (triple expansion steam engine), cũng là tàu đầu tiên có động cơ turbine để chạy máy phát điện sơ khai. Victoria là soái hạm của phó đô đốc George Tryon, người đã chết cùng với hơn 350 thuỷ thủ trong một tai nạn kỳ lạ và ngớ ngẩn. Tryon nổi tiếng trong Hải quân Hoàng gia là người có nhiều ý tưởng sáng tạo, nhưng đôi khi kỳ cục, một người mềm mỏng, nhưng xa cách với cấp dưới, các sĩ quan dưới quyền rất ít khi dám chất vấn! Rất nhiều tai nạn trong hải quân Anh, Mỹ là do kiểu cá tính này gây ra! Tháng 6, 1893, ở Địa trung hải, con tàu đang hành tiến trong đội hình 2 hàng dọc song song với nhau, một hàng dẫn đầu bởi Victoria, một hàng dẫn đầu bởi HMS Camperdown!

Phó đô đốc Tryon ra lệnh 2 hàng ôm cua, hàng trái cua phải và hàng phải cua trái, đảo ngược hướng đi! Lệnh đưa ra rất rõ, nhưng các sĩ quan cảm thấy không ổn… Bán kính ôm cua của mỗi đội tàu là lớn hơn 700m, trong khi khoảng cách giữa 2 hàng chỉ có 1100m. HMS Camperdown trì hoãn thi hành lệnh vì thấy rõ nó không ổn, Tryon thúc dục bằng lệnh cờ semaphore: “còn đợi gì nữa”! Sự việc sau đó là Victoria và Camperdown đâm vào nhau. Camperdown ngập nhiều nước nhưng vẫn cứu được. Tryon lúc này vẫn chủ quan, lệnh đâm thuyền vào bờ, cách hơn 8km để giữ nó khỏi chìm và ra hiệu các xuồng cứu hộ xung quanh lui ra. Nhưng diễn biến sau đó quá nhanh, Victoria chìm sau 13 phút, các sĩ quan phớt lờ lệnh xông vào cứu người nhưng chỉ cứu được 1/2 thuỷ thủ đoàn, Tryon chết cùng 1/2 còn lại!

hms resolute

Con tàu Resolute tham gia tìm kiếm đoàn thám hiểm không bao giờ trở về của John Franklin trong 2 năm 1848 ~ 1850, sau đó về Anh, rồi quay lại tiếp tục tìm kiếm trong 2 năm nữa, 1852 ~ 1854. Suốt những mùa đông bị vây hãm trong băng giá, thuỷ thủ đoàn toả ra các hướng, đi bằng xe chó kéo để tìm vết tích của Franklin, nhưng không tìm được gì, họ chỉ tìm và cứu được đoàn đi trên chiếc HMS Investigator. Về sau, cũng phải bỏ tiếp chiếc Resolute bị kẹt trong băng giá, đoàn người trở về Anh năm 1854 trên các con tàu khác của đoàn thám hiểm!

Một năm sau đó, Resolute được tìm thấy trôi dạt trên biển bởi một tàu đánh cá voi Mỹ, cách 1900 km so với nơi ban đầu. Quốc hội Mỹ mua lại con tàu và gởi nó về Anh như món quà tặng cho nữ hoàng Victoria! Đến lúc này, Bộ Hải quân đã hết hy vọng việc tìm đoàn Franklin nên dừng các cuộc tìm kiếm. Chỉ riêng có Lady Jane, vợ của Franklin quá cố, vẫn tiếp tục tìm kiếm… 20 năm nữa, tài trợ tất cả 7 đoàn thám hiểm chỉ để tiếp tục tìm! Lady Jane đi vào văn hoá đại chúng Anh với bài hát “Lady Jane’s Lament” – nỗi đau khổ của quý bà Jane!

hms investigator

Năm 1848, Investigator và Enterprise, 2 con tàu do James Clark Ross chỉ huy, khởi hành đi tìm vết tích của John Franklin. Ross lúc này đã 72 tuổi, đành đứng ra nhận nhiệm vụ vì không còn ai có đủ uy tín cũng như kinh nghiệm! Ross từng thề với vợ là sẽ không bao giờ đi thám hiểm nữa, sau vụ này 2 vợ chồng giận nhau cho đến cuối đời. Sau 5 năm tìm kiếm vô vọng, con tàu Investigator bị đông cứng trong băng suốt 3 năm.

Cho đến khi họ được phát hiện và giải cứu bởi HMS Resolute, một trong 3 nhánh tìm kiếm gọng kìm được tổ chức bởi Bộ Hải quân. Resolute sau đó cũng không thoát ra được khỏi vùng băng giá, lại phải bỏ tàu, sau đó lại được cứu bởi một tàu khác! Nhiều hành trình theo vết đoàn thám hiểm của Franklin, lúc này đã trở thành một cuộc “Thập tự chinh” thần thánh đúng nghĩa, liên tục nhiều năm, với vô số kỳ tích!

hms terror

Sau chuyến thám hiểm Nam cực của James Clark Ross, 2 con tàu Terror và Erebus lần nữa được trang bị lại, chuẩn bị cho chuyến thám hiểm của John Franklin, lại là mục tiêu muôn thủa: Con đường Tây Bắc (the North West Passage), tìm ra một thuỷ lộ ngắn nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương mà không phải đi vòng xuống Mũi Sừng xa xôi! Cho đến ngày nay người ta vẫn biết rất ít về số phận bi thảm của cuộc thám hiểm này, toàn bộ 129 người không ai trở về! Bộ Hải quân tổ chức một vài đoàn tìm kiếm. Jane Franklin, vợ của John Franklin, nhà thám hiểm quá cố, con gái một nhà đại tư sản là tiếp tục vận động, tài trợ, bỏ tiền tổ chức thêm nhiều cuộc tìm kiếm nữa suốt 25 năm sau đó! Họ đem về được 2, 3 mảnh giấy, chôn dưới những cột đá xếp đánh dấu, để lại một số ít ỏi thông tin!

Đến ngày nay, người ta chỉ biết đại khái là cả 2 con tàu bị chôn vùi trong băng giá suốt một năm rưỡi, nhiều người lần lượt chết trước khi số còn lại bỏ tàu, tìm cách trở về bằng đường bộ nhưng không một ai về tới đích! Rất nhiều giả thiết được đưa ra, kể cả giả thiết ngộ độc botulinum trên loại đồ hộp thế hệ đầu tiên mà đoàn sử dụng! Hai cuộc thám hiểm thất bại, một của Franklin, một của Robert Scott khiến người ta phải nghĩ lại về cách tiếp cận, rõ ràng việc sử dụng những đoàn thám hiểm lớn cả trăm người là không phù hợp! Roald Amundsen người Na Uy, hơn 50 năm sau, là người đầu tiên hoàn thành cả 3 mục tiêu: đến Nam cực, đến Bắc cực, và đi hết con đường Tây Bắc, dĩ nhiên là với những trang thiết bị hiện đại hơn, và chỉ dùng những nhóm nhỏ 5 ~ 15 bao gồm những cá nhân đặc biệt xuất sắc!

hms discovery

Discovery, 1789 là con tàu được đặt theo tên của chiếc Discovery trước đó, 1774, một tàu trong đoàn thám hiểm của James Cook. Hải quân Hoàng gia liên tiếp có rất nhiều thế hệ tàu Discovery khác nhau! Discovery, 1789 do George Vancouver làm thuyền trưởng. Vancouver cũng tham gia đoàn thám hiểm của Cook với vị trí midshipman. Cũng giống như Nelson vậy, từ đội ngũ của Nelson nảy sinh nhiều sĩ quan tài năng, thì từ đội ngũ của Cook, cũng nảy sinh nhiều nhà thám hiểm tài năng.

Discovery làm nhiều chuyến đo đạc, vẽ bản đồ ở Thái Bình Dương suốt 5 năm, nhất là vùng Tây Bắc lục địa châu Mỹ! Để đi vào các vùng nước nông, thuỷ thủ đoàn thường rời tàu mẹ, chèo xuồng con xa cả trăm km, sâu vào bên trong các vịnh biển, sông suối thì mới vẽ bản đồ chính xác được! Hòn đảo Vancouver, Canada chính là đặt theo tên nhà thám hiểm này! Những bản đồ của Vancouver chính xác đến nỗi, chúng được dùng đến gần 200 năm sau, đến khi có phương pháp đo đạc bằng GPS mới!

hms eagle

Sự kiện tai nạn hàng hải năm 1707 ở quần đảo Scilly, đoàn tàu chiến Anh trở về sau cuộc chiến với Pháp. Suốt nhiều ngày liền, thời tiết rất xấu, không thấy mặt trời để đo kinh-vĩ, nhiều tính toán toạ độ sai lầm dẫn đến việc đoàn tàu chiến hơn 20 chiếc đâm vào đảo! 4 tàu chìm hoàn toàn, ước tính gần 2000 người đã chết! Sau vụ này, nữ hoàng Anne ban hành Đạo luật Kinh tuyến – 1714, quy định sẽ thưởng 20.000 bảng cho ai tìm ra được cách xác định kinh độ chính xác. Người thắng cuộc là John Harrison, nhưng đó là một câu chuyện rất dài và phức tạp! John Harrison, thợ làm đồng hồ, người đã bỏ cả cuộc đời mình để làm ra chiếc đồng hồ chính xác – chronometer đầu tiên trên thế giới.

Ở đây nói một từ tiếng Anh là watch, watch nguyên nghĩa là “phiên gác”, gác tàu hay các cơ sở quân sự, định kỳ phải đổi gác nên cần có một cái đồng hồ đo thời gian! Cùng là đo thời gian, nhưng watch khác với clock, clock cố định tại một vị trí, trong khi watch là portable! Câu chuyện những chiếc đồng hồ này là một đề tài kỹ thuật hấp dẫn, có thể viết nhiều ngàn trang giấy. John Harrison bỏ ra 50 năm ròng rã để hoàn thành công trình, nhưng Uỷ ban Kinh độ từ chối trao giải thưởng. Ở tuổi 80, ông ấy kiện lên vua George III nhờ can thiệp đòi danh dự, vì thực ra giá trị của giải thưởng không còn quan trọng! Đến khi vua George doạ “đến tận nơi xử lý” thì vụ việc mới được giải quyết!

hms dominica

Bermudan-rig là kiểu buồm phổ biến ở Bermuda, vùng biển Đông Nam nước Mỹ cho đến Caribe, kiểu buồm thường thấy trên các con tàu giải trí ngày nay! Bermudan-rig phù hợp với các con tàu nhỏ, dễ điều khiển, cần ít người vận hành, và thường đi sát gió tốt hơn square-rig. Thế nên nhiều người có cái cảm giác là nó “ưu việt” hơn square-rig! Nên nhớ square-rig được dùng trên những con tàu siêu lớn hàng ngàn tấn, phải chở nhiều hàng hoá nặng nề, và đi trong những vùng biển ôn đới, vốn thường sóng gió dữ dội hơn là các vùng biển nhiệt đới!

Square-rig mạnh hơn, bền hơn, và có thể tuỳ-biến tốt hơn bermudan-rig, nhưng nó cũng cần nhiều kỹ năng, kinh nghiệm hơn! Trong tranh là HMS Dominica, con tàu quốc tịch Pháp đóng ở Mỹ, cũng là con tàu “đổi chủ” 4 lần, hết bị Anh đến Pháp chiếm qua chiếm về! Tranh thể hiện sự kiện Dominica bị con tàu privateer Mỹ – Decatur bắt năm 1813. Trên cột buồm sau của con tàu Decatur, có lá buồm skyscraper, loại buồm tam giác gắn trên cùng (skysail), về sau chữ skyscraper mang nghĩa phái sinh – toà nhà chọc trời như chúng ta biết ngày nay!

hms java

Trong tranh là USS Constitution, một trong 6 chiếc tàu hộ vệ – frigate đầu tiên của Hải quân Mỹ non trẻ, đối đầu với HMS Java, nguyên gốc là một tàu chiến Pháp bị Anh bắt được. HMS Java nhỏ và nhanh nhẹn hơn, USS Constitution lớn và có hoả lực mạnh hơn. Kết quả là HMS Java bị bắt, và sau đó bị đốt cháy, 18212. Tranh minh hoạ chiến thuật Hải quân crossing-the-T, cắt mặt hình chữ T.

Con tàu nằm ở nét ngang của chữ T có lợi thế là có thể đưa toàn bộ súng một bên mạn tàu tập trung vào một điểm, gây thiệt hại rất lớn cho đối phương. Ngày nay USS Constitution là con tàu già nhất trên thế giới, 209 tuổi, vẫn còn có thể chạy buồm tốt! Để ý chi tiết trong tranh, cả hai con tàu đều cuốn tầng buồm dưới cùng lên cho gọn, kiểu như xăn tay áo để chuẩn bị đánh nhau vậy!

hms st lawrence

Trong hàng hải, bị gọi là “thuỷ thủ nước ngọt” được xem như một lời chế nhạo, thậm chí là sỉ nhục! Nhưng điều đó không hẳn đã đúng với HMS St. Lawrence, con tàu được đóng trên hồ Ontario, biên giới giữa Canada và Mỹ! Ontario là hồ nước ngọt, diện tích 19.000 km2, thông với Đại Tây Dương qua một con sông nhỏ, chảy xiết và nhiều chướng ngại, chỉ những con tàu nhỏ xíu mới đi lại được! Nên khi đóng chiếc St. Lawrence, là người ta đã tính nó chỉ loanh quanh trong hồ này mà thôi, đây là con tàu siêu lớn, lớn nhất của Hải quân Hoàng gia cho tới lúc đó!

Và vì chỉ đi loanh quanh trên hồ nước ngọt nên tàu không cần mang theo quá nhiều lương thực, thực phẩm, nước uống… nên có không gian để trang bị đến 112 súng! Lúc này thì Mỹ đã dành được độc lập, nhưng hai bên Anh & Mỹ vẫn còn tiếp tục xung đột với nhau ở vùng biên giới Mỹ & Canada. Từ khi hoàn thành, St. Lawrence chưa bao giờ tham gia một hoạt động chiến trận nào, vì chả ai dám dây dưa với cái kích thước của nó, vùng biên giới vì thế được yên bình! Thế nên cái câu thành ngữ La-tinh: Si vis pacem para bellum đúng là có cái lý của nó!

hms shannon

Đội tàu đầu tiên do Quốc hội Mỹ đặt hàng, 6 chiếc tàu hộ vệ – frigate đầu tiên của Hải quân Mỹ đều là những tàu tốt, lượng giãn nước lớn, trang bị khá. Đội tàu này tham gia nhiều cuộc chiến, xung đột khác nhau, nhất là thời kỳ đầu đã đánh nhau rất thành công với Hải quân Anh, bắt hàng loạt tàu buôn và tàu chiến Anh. Điều này gia tăng sĩ khí cho hạm đội non trẻ, tuy nhiên công bằng mà nói, những tàu Anh thất bại đều là những tàu nhỏ, hoả lực “dưới cơ” các tàu Mỹ. Điều này cũng gây ra những tức tối, bức xúc trong hàng ngũ sĩ quan Hải quân Hoàng gia.

Thuyền trưởng Philip Broke của HMS Shannon công khai thách đấu, gởi chiến thư tới USS Chesapeake, giọng văn kiểu: “mày ra đây, tao với mày chơi tay đôi”! Kiểu đấu “hiệp sĩ” này khá công bằng, hai tàu tương đối ngang nhau về tải trọng, về số súng. Đáng nói là Shannon tuy không lớn, nhưng là một trong những con tàu thiện chiến nhất Hải quân Anh, thuỷ thủ tập bắn bốn buổi một tuần đều đặn. Chuyện xảy ra sau đó thì khá rõ, Shannon giải quyết trận đấu trong chỉ hơn 10 phút, phía Mỹ thương vong rất lớn, thuyền trưởng Broke được phong Nam tước!

hms buffalo

Buffalo như cái tên của nó (con trâu), là con tàu vận tải 540 tấn của Hải quân Hoàng gia, đóng ở Ấn Độ bằng gỗ giá tỵ. Buffalo đi đi về về giữa Anh và Úc, chở phạm nhân, hàng hoá. Năm 1824, đại dịch tả toàn cầu lan ra khắp châu Á. Nhưng tới năm 1832, làn sóng dịch thứ 2 mới lan tới Anh. Trên phạm vi toàn cầu, cả chục triệu người đã chết!

Trong 2 năm, Buffalo trở thành con tàu cách ly. Haiza, giá như VN cũng có vài chục con tàu cách ly thế này thì tốt biết mấy, cứ đậu giữa sông, khỏi phải đau đầu chuyện trốn trại! Về sau, Buffalo bị đắm trong một cơn bão ở New Zealand, bức tranh bên dưới thể hiện đúng sự việc lúc đó, con tàu treo lá cờ ngược, báo hiệu tình trạng nguy cấp!

hms captain

Captain là con tàu mang số phận bi thảm, tàu lật và chìm ngay trong chuyến thử nghiệm đầu tiên, 500 sinh mạng bị lãng phí! Câu chuyện lần nữa cho thấy, ý kiến của đám đông ngu dốt chỉ mang lại thảm hoạ mà thôi! Chuyện bắt đầu với tháp pháo xoay, thiết kế của thuyền trưởng Cowper Phipps Coles năm 1855, về cơ bản là đi trước thời đại, thay vì dùng dãy nhiều súng, con tàu được thiết kế chỉ có vài tháp pháo xoay, có thể bắn được nhiều hướng mà không phải quay thuyền. Ít súng hơn, tức là súng phải to hơn, và công nghệ chế tạo đã cho phép có những khẩu súng cỡ nòng 200 ~ 300 mm, nặng cả vài chục tấn!

Bản thiết kế của thuyền trưởng Cowper Phipps Coles không được Bộ Hải quân chấp thuận! Coles thực hiện cả một chiến dịch truyền thông tấn công các quan chức Bộ Hải quân, vận động báo giới và Nghị viện. Bộ Hải quân, trước sức ép, phải chấp nhận cho Coles được đóng chiếc thuyền theo thiết kế của mình! Chuyện tiếp theo là lịch sử, trong buổi bắn thử nghiệm đầu tiên, trong thời tiết xấu, thuyền nghiêng 21 độ và lật úp (những con thuyền khác có thể nghiêng đến ít nhất 50 độ mà vẫn không sao), sau đó chìm, kéo theo gần 500 sinh mạng, nguyên do đơn giản là trọng tâm quá cao, mà phần mạn khô quá thấp!

hms warrior

Nửa cuối thế kỷ 19 bắt đầu kỷ nguyên bùng nổ về công nghệ: kỹ thuật đóng tàu, động cơ, súng và đạn, etc… tất cả liên tục thay đổi, khiến cho một con tàu đóng xong chưa tới 10 năm đã thành ra lạc hậu! HMS Warrior là con tàu như thế, hạ thuỷ năm 1861 để đối trọng lại với một con tàu Pháp – Gloire đi vào phục vụ một năm trước đó! Nhưng Warrior ở một đẳng cấp hoàn toàn khác, lúc hoàn thành, Warrior là tàu chiến lớn nhất, hiện đại nhất thế giới!

Nhanh hơn, được bảo vệ tốt hơn, hoả lực mạnh hơn bất kỳ con tàu nào khác! Nhưng vẫn có một chút không chắc trong thiết kế của Warrior, dù hơn 9000 tấn, vẫn chỉ được xem là frigate, tàu hộ vệ, chứ chưa phải là chiến hạm chủ lực! Đây là thế hệ tàu chiến cuối cùng còn mang đủ toàn bộ hệ thống buồm! Vẻ đẹp cổ điển của buồm đã hoàn toàn phải nhường chỗ cho máy móc, sắt thép, động cơ và sức công phá kinh hoàng của những thế hệ súng, đạn mới!

hms rattler

Ss Archimedes là con tàu hơi nước đầu tiên dùng chân vịt (propeller) thay vì guồng xoay (paddle-wheel). Bộ Hải quân nhận ra đây là cải tiến cần phải có trên tàu chiến, chân vịt nằm phía sau và sâu dưới nước, khả năng trúng đạn thấp hơn nhiều so với guồng xoay, đồng thời không chiếm không gian lớn giữa thân tàu làm cho khó bố trí súng. Họ bắt tay vào đóng con tàu Rattler, 1843 để thử nghiệm.

Các thử nghiệm cho thấy chân vịt đạt tốc độ tốt hơn guồng xoay. Chưa hài lòng, Bộ Hải quân cho 2 con tàu cùng kích cỡ, kiểu dáng, cùng công suất động cơ, một dùng chân vịt (Rattle), một dùng guồng xoay (Alecto), dùng dây buộc đuôi 2 tàu lại với nhau và cùng chơi kéo co! Rattle thắng một cách hiển nhiên và thuyết phục, từ đó chính thức bắt đầu quá trình tàu Hải quân chuyền dần sang hơi nước.

hms comet

Comet, 1822 là con tàu kéo (tugboat) 340 tấn, vỏ gỗ, đáy bọc đồng, con tàu động cơ hơi nước đầu tiên của Hải quân Hoàng gia! Comet được sử dụng như một tàu kéo, kéo các con tàu buồm ra và vào cảng khi gió yếu. Tàu được trang bị một động cơ hơi nước 80 HP – mã lực.

Comet là con tàu đầu tiên được gắn cục kẽm, lớp vỏ đồng hoạt động trong môi trường nước muối thường nhanh bị ăn mòn bởi hiện tượng điện phân. Giải pháp là gắn một cục kẽm lên vỏ đồng để biến nó thành một cathode – điện cực dương, điện cực “hy sinh” thay cho lớp đồng!

hms st george

Năm 1793, John Gell được bổ nhiệm chức vụ đề đốc, chỉ huy một biên đội tàu 7 chiếc! Tháng Tư năm đó, biên đội “cướp” được một món hời, thường được xem là chiến lợi phẩm lớn nhất trong lịch sử Hải quân Hoàng gia. Trước đó 11 ngày, tàu privateer của Pháp mang tên General Dumourier đã cướp được tàu Tây Ban Nha St. Jago vừa từ Peru trở về, sau đó biên đội tàu Anh lại cướp tàu Pháp này, như thế là cướp tổng cộng 2 cấp, 2 thuyền của 2 nước khác nhau! Cả 2 tàu được giải về Anh, ước tính giá trị ban đầu khoảng trên 500,000 bảng.

Sau khi đã nộp toàn bộ tài sản cho Bộ Hải quân thì họ tiếp tục phát hiện ra trên con tàu St. Jago có những thỏi thiếc giả, thật ra là những thỏi vàng được mạ thiếc, tổng trị giá tài sản lúc này lên đến gần 1tr bảng (tương đương với hơn 130tr ngày nay), khoảng 60 tấn cả vàng & bạc. Sau đó xảy ra một cuộc chiến pháp lý kéo dài, TBN thì cay đắng muốn đòi lại của cải. Cuối cùng bộ Hải quân phán quyết toàn bộ tài sản là của Anh, và chia tiền thưởng cho các thành viên, John Gell nhận 20tr, mỗi thuyền trưởng nhận 8tr (theo thời giá hiện tại).

hms sirius

Sirius là con tàu dẫn đầu đoàn 11 chiếc chở 1500 phạm nhân, quản giáo, sĩ quan, binh lính… thành lập khu định cư đầu tiên ở Úc, năm 1787. Đói khát, dịch bệnh khiến cho nhiều người bỏ mạng trong cuộc hải hành 250 ngày, 24.000km đến từ Anh đến Úc. Khu định cư đầu tiên được thành lập, do toàn quyền – governor Arthur Phillip lãnh đạo, hai năm đầu của những người di dân tràn ngập khó khăn và đói khát! Toàn quyền Phillip áp dụng mô hình quản lý cứng nhắc mang từ Anh sang: đánh cá và đi săn là phải có giấy phép, đoàn người phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thực phẩm mang từ Anh sang. HMS Sirius đi về giữa Úc và Cape Town để vận chuyển lương thực, nhưng cũng không đáp ứng đủ nhu cầu.

Nhiều tàu cung ứng (như HMS Guardian) không bao giờ tới đích! Sau khi chiếc HMS Sirius bị đắm ở đảo Norfolk là khu thuộc địa bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài! Cuộc sống quá khó khăn nên Mary Bryant, một nữ phạm nhân cùng chồng, con và một số người khác đã bỏ trốn, họ đánh cắp một chiếc xuồng và đi dọc bờ biển Úc, hơn 5000 km đến Indonesia, tại đây họ bị bắt lại và giải về Anh. Chính nhờ vào hành trình 5000 km phi thường này mà luật sư James Boswell đã dùng nó như “câu chuyện thần tiên” kêu gọi sự cảm thông của công chúng và khiến cho Mary Bryant được giảm án. Về sau câu chuyện được dựng thành bộ phim nổi tiếng: “The Incredible Journey of Mary Bryant”…