Bắc hành – 2016

春思
李白

燕草如碧丝
秦桑低绿枝

Phần 1: Sài Gòn ❯ Đồng Nai ❯ Đà Lạt ❯ Tà Nung ❯ hồ Lăk ❯ Buôn Ma Thuột

Cảnh sắc xuân về trên khắp trời Nam, đất Bắc, chính thị giống như mô tả bằng hai câu thơ trong bài Xuân tứ của Lý Bạch: Yên thảo như bích ty, Tần tang đê lục chi dẫn ở trên. Này là lúc để ung dung lên đường vãn cảnh xuân các xứ. Kế hoạch du xuân năm nay thì đã lên từ… sau Tết năm ngoái, gần một năm trở về trước, nay thì cứ như thế, như thế… mà tiến hành.

Kế hoạch tổng thể là từ cửa khẩu Bờ Y, Ngọc Hồi, Kontum qua nước bạn Lào ở tỉnh Attapeu cực Nam, rồi đi dọc sông Mêkong lên phía Bắc: Champasak, Pakse, Savanaket, Vientiene, Vang Vieng, LuongPhrabang… đủ một hành trình xuyên từ Nam chí Bắc nước Lào, rồi trở lại Việt Nam vào khoảng Điện Biên, qua Hoà Bình, Mai Châu về lại phía Tây của Thanh Hoá.

Rồi từ đó đi dọc đường Trường Sơn về Nam, điểm lại những phần đã bỏ sót trong hành trình năm ngoái! Thực ra với một đất nước đa dạng và phong phú như Lào, hành trình dự kiến hơn 1 tháng kể cũng chỉ là cưỡi ngựa (sắt) xem hoa… kỹ càng hơn chắc còn phải trông đợi nhiều ở những chuyến đi khác! Nghe như đâu đây ai đang hát khúc Đoàn lữ nhạc! 😀

Hành trình dài như thế này, vài ngày đầu tiên rất là mệt mỏi, những ngày tiếp theo đó sẽ… quen dần đi, cơ thể dần thích nghi với cái màn tra tấn kinh khủng của cả chục giờ liền ôm ghi – đông xe máy. Các cột mốc cây số cứ nối tiếp nhau vùn vụt trôi qua, những nẻo đường cao nguyên đèo dốc liên tu bất tận, và những pha ôm cua lượn lờ rất ngọt của chiếc xế.

 

 

Phần 2: Buôn Ma Thuột ❯ Buôn Hồ ❯ Pleiku ❯ Kontum ❯ Ngọc Hồi

Những rẫy cà phê bạt ngàn, mùa này đang đồng loạt ra hoa. Giờ mới biết hoa cà phê có một mùi gần giống dạ lý hương, nhưng nhẹ và dịu hơn, cứ thoang thoảng trên khắp các nẻo đường. Cái mùi hương ấy còn quyến rũ hơn nữa trong màn sương đêm, khi phấn hoa bị “hãm” lại trong đám bụi hơi nước, một mùi hương sảng khoái, đậm đà nhưng thầm lặng!

Dừng chân trên một đỉnh đèo giữa cao nguyên hoang vắng, bốn bề bóng tối, chỉ có bầu trời thẫm đen với chi chít muôn nghìn ánh sao. Đã bao rồi ta không được tận hưởng một bầu trời đầy sao như thế này!? Phải cách xa nơi thị thành, không có chút “ô nhiễm bụi”, và không chút “ô nhiễm ánh sáng” nào, thì mới có thể quan sát những vì sao như thế này được!

Nghĩ rồi cười một mình, trong thâm tâm, tôi vẫn cho rằng mỗi cá thể con người đã là “self sustained, self sufficient” một mức độ nào đó, chúng ta sống bằng những “raison d’être” của chính mình, không nên tự “đổ xăng” bằng những “nhiên liệu” của ghen ghét, của lưu manh vặt vãnh. Nói đơn giản, cái “cỗ máy” là tôi đây đổ những loại “xăng” đó không chạy được!

Không phải lúc nào hành trình cũng gặp toàn những chuyện thú vị. Một tối bổng phát hiện trong tấm drap trải giường khách sạn có vài con rệp! Suy luận logic đầu tiên: khách sạn chắc hẳn làm ăn khấm khá, có khách thường xuyên và đều đặn, nên mấy con rệp này mới béo tốt đến thế. Suy luận logic thứ hai: một cái giường như thế thì không thể ngủ được! 😬

 

 

Phần 3: Ngọc Hồi ❯ cửa khẩu Bờ Y ❯ Attapeu

Thủ tục đơn giản, 20 phút là qua bên kia cửa khẩu. Kế đến là mục đổi tiền đồng Việt sang tiền kíp Lào. Đẩy đưa một hồi thì em nhân viên kiều hối tự động tăng cho mình tỉ giá hối đoái từ 0.33 lên 0.36, gần sát với tỉ giá chính thức của ngân hàng. Nghĩa là hiện tại, 2.77 đồng Việt thì mới ăn được 1 kíp Lào, tiền Việt quá mất giá nên đến dân Lào cũng ko thích xài!

Bên kia đường biên là bạt ngàn rừng cây gỗ lớn, 110 cây số đến Attapeu là những cánh rừng nguyên sinh, thứ sinh xanh mướt. Ngoài một số biển báo giao thông, tuyệt không thấy biển hiệu tuyên truyền cổ động bảo vệ rừng nào! Bên phía Việt Nam, đâu đâu cũng chỉ thấy đồi hoang núi trọc, một màu đỏ loét nhức nhối, và bên trên đó là hàng ngàn hàng vạn khẩu hiệu:

Bảo vệ rừng là nghĩa vụ của toàn dân, Bảo vệ rừng là bảo vệ nguồn sống của chúng ta… nghe như một sự khôi hài châm biếm trái khoáy! Người có thì không nói một lời nào, người không có thì bô bô cứ như là sự thật! Và không phải chỉ là rừng, trong bất cứ chuyện gì khác cũng thế, đến bao giờ người Việt mới thôi hoang tưởng về cái mình không có!?

Attapeu là một thị trấn tỉnh lị nhỏ, quy hoạch rất rộng rãi, vuông vức, xe hơi nhiều hơn xe máy, nhịp sống bình yên, chậm rãi! Nhưng Attapeu vẫn chưa thực sự là Lào, người Việt sinh sống ở đây rất nhiều, phần lớn là các đại gia buôn gỗ, đi đâu cũng có thể chỉ dùng tiếng Việt! Và gỗ dùng trong xây dựng nhà cửa, nội thất ở Attapeu thì nhiều đến mức xa xỉ, hoang phí!

 

 

Phần 4: Champasak, Attapeu ❯ cửa khẩu Bờ Y ❯ Ngọc Hồi

Hầu hết người Việt tôi gặp trên đường cho đến lúc này đều có sẵn một vài “thuyết âm mưu” (conspiracy theory) trong đầu, ai cũng suy đoán tôi đi chơi dài hơi như thế này là vì một business hay một affair gì đó. Em thấy thằng Tây balô, Tây bụi chưa, anh cũng giống như vậy đó, anh là thằng Ta balô, giải thích rõ như vậy nhưng người ta vẫn bán tín bán nghi!

Công an Lào khác công an Việt Nam, ít đi moto, không núp lùm và rượt đuổi chặn bắt, mà làm hẳn một cái lán gỗ ngay giao lộ, xếp mấy cái ghế bố để ngồi, nằm “làm luật” cho nó thoải mái! Mặc dù cũng ăn tiền, nhưng khác cảnh sát Việt, họ khá từ tốn và lịch sự. Vậy cũng nên đối xử với họ tương tự, chớ dại nổi nóng mà buột mồm những từ ngữ không hay.

Vì công an Lào, nhất là các chú đội trưởng, đội phó đều được đào tạo nghiệp vụ tại Việt Nam, nên dù ít hay nhiều, đều có thể nghe, hiểu và nói tiếng Việt! Mấy ngày long rong ở Attapeu, Champasak, lên đến gần Pakse, nhưng không thể đi xa hơn, do hiện tại cửa khẩu Bờ Y phía Lào không cấp phép tạm nhập / tái xuất cho xe máy dưới bất kỳ hình thức nào!

Chỉ cho phép tự do xe máy giữa hai tỉnh Kontum & Attapeu để dân địa phương qua lại làm ăn. Đã thử nhiều cách nhưng không thể qua được! Kế hoạch đi xuyên Lào THẤT BẠI TẬP 1 😢! Một số công việc cá nhân ở Attapeu cũng đã làm xong, hôm nay đành quay lại cửa khẩu Bờ Y. Plan A coi như là failed, nhưng ta vẫn còn plan B, plan C… hành trình tiếp tục!

 

 

Phần 5: Ngọc Hồi ❯ đèo Lò Xo ❯ Khâm Đức ❯ Thạnh Mỹ ❯ Prao

Tiếp tục hành trình ngược ra Bắc theo đường Trường Sơn, nhưng đi toàn bộ trên nhánh Tây sát biên giới Lào. Những địa danh quen thuộc đã từng đi qua, lần này theo chiều ngược lại: Đăk Glei, đèo Lò Xo, Khâm Đức, Prao, A Roàng, A Lưới, Đakrông, Hướng Hoá… Tinh ý một chút sẽ nhận thấy những đổi thay khác biệt so với năm ngoái dọc tuyến đường này.

Cuộc sống hiện đại len lỏi đến từng thôn bản, học sinh tề chỉnh đến trường, người dân nhìn bớt lam lũ, phụ nữ có phần ăn diện hơn một tí… Những mặt trái của nó thì có lẻ phải ở lâu mới thấy được. Những tour du lịch lữ hành cho khách Tây đi xe máy dọc Trường Sơn có vẻ như đang bùng nổ, đâu đâu cũng thấy những anh chàng, cô nàng mắt xanh mũi lõ xuôi ngược.

Những anh chàng Việt mặt mũi bặm trợn làm tour guide, quần bò áo da, cưỡi xe máy PKL dẫn đầu đoàn khách, từ cách ăn mặc, cử chỉ, điệu bộ… đích thị như một thằng Tây con. Trang phục thì chỉ mất vài tuần để học, cử chỉ điệu bộ thì chắc mất vài tháng, nhưng ngôn ngữ thì sẽ phải mất nhiều nhiều năm, còn tinh thần thì chắc phải mất thêm nhiều thế hệ nữa!

Đi qua khu bảo tồn thiên nhiên A Roàng, A Sầu, A Lưới… khu vực mưa nhiều nhất Việt Nam, vùng núi chung quanh Hải Vân, Bạch Mã, những cơn mưa rừng rỉ rả suốt cả ngày! Từ đây trở đi là bắt đầu cái thời tiết “mưa phùn gió bắc”, đã lạnh, lại còn ướt rất khó chịu! Những kinh nghiệm từ chuyến đi trước đã giúp cho hành trình lần này trở nên dễ dàng hơn rất nhiều!

 

 

Phần 6: Prao ❯ A Roàng ❯ A Lưới ❯ Đakrông ❯ Khe Sanh (Hướng Hoá)

Đường Trường Sơn Tây qua Quảng Trị, Quảng Bình khá khó đi, đèo dốc quanh co liên tục, dân cư thưa thớt, mùa này mưa dầm, rét buốt và nhiều sương mù. Như đoạn 50 km cuối đến Khe Gát, Quảng Bình hầu như là chạy trong sương mù đậm đặc, trong màn sương bỗng có tiếng ai đó hét lớn: Ê, đường không đi được, bỏ qua lời khuyên, tôi cứ chạy tiếp 😀!

Đi những đoạn đường như thế này nên có thêm 1 bình 3 ~ 4 lít chứa xăng dự phòng, và một ít bánh trái ăn dọc đường, vì một đoạn dài trên 250 km hầu như không có nhà dân, trạm xăng, khách Tây đi phượt đông hơn dân bản địa! Chiếc xe 6 số của tôi liên tục chạy ở số 4, nhiều đồi núi quanh co, sương mù dày, tầm nhìn rất hạn chế, đi đã chậm lại hao xăng.

Đến Khe Gát, một đoạn đường bỗng nhiên thẳng và rộng một cách lạ thường, hai đầu có hai bảng đề “Di tích lịch sử” (mà không nói rõ là di tích gì), đó chính là sân bay Khe Gát. Gọi là sân bay cho oai chứ thực ra ngày xưa chỉ có đúng 1 đường băng dã chiến, với NHÕN 1 chiếc MIG 21, thỉnh thoảng cất cánh tấn công vào các tàu chiến của hạm đội 7 Mỹ.

Hiểu thêm một chút về những hình thức chiến tranh bất cân xứng (asymmetric warfare), khi độc 1 chiếc MIG cũng khiến cho tàu Mỹ không dám vào quá sâu trong vịnh Bắc Bộ, một cách chống tiếp cận (access denial) hiệu quả với lực lượng tối thiểu. Điều tài tình là suốt cả cuộc chiến, người Mỹ chưa bao giờ phát hiện được cái sân bay bé tí nằm ở đây!

 

 

Phần 7: Hướng Hoá ❯ Hướng Phùng ❯ Tăng Ký ❯ Khe Gát

Gặp gỡ thú vị nhất trên đường, đôi bạn trẻ người Đức, Philipp và Leonie đạp xe từ Đức đến hôm nay đã gần 40 000 km. Leonie đang ăn cơm tự nấu theo kiểu Lào, họ cắm trại dọc đường như thế suốt hành trình hơn 10 tháng của mình. Thật đáng ngưỡng mộ, những chặng đường như thế này, đi bằng xe máy còn thấy khó khăn và mệt mỏi, nói gì đến xe đạp!

Ngồi nói chuyện với họ một lúc lâu rồi tiếp tục lên đường. Cứ mỗi lần qua sông Son, Phong Nha, Quảng Bình là tôi lại có những cảm xúc đặc biệt! Nước sông một màu xanh biêng biếc, từ chính xác nhất để mô tả màu của nó là “bích” – 碧. Trong tiếng Hoa, từ này chỉ một màu xanh pha giữa xanh lá cây và xanh nước biển, không phân biệt rõ được là màu nào.

Giống như ngọc bích, cái màu xanh ấy thực là huyễn hoặc và quyến rũ, nhất là đoạn gần phía thượng nguồn, và nhất là khi làn sương giăng ngang mặt sông vừa chớm tan ra. Chiều nay đứng bên dòng sông này, bỗng dưng nổi hứng đọc hai câu của “thi tướng” Huỳnh Văn Nghệ: Bờ sông xanh, chiều hôm nay buộc ngựa, Kiếm gối đầu, theo gió thả hồn cao!.

Thời tiết ngày càng trở lạnh, lại vừa có thêm một đợt gió mùa Đông Bắc mạnh tràn về. Tiếp tục hành trình lang bạt đây đó, tránh xa các nhà hàng, khách sạn “sang trọng”, những món ăn đặc trưng của địa phương mới chính thị là “ngon, bổ, rẻ”! Một món khoái khẩu hay ăn là bún cầy (bún thịt chó), từ vùng Quảng Bình trở ra phía Bắc vẫn thường hay gặp 😀!

 

 

Phần 8: Khe Gát ❯ đèo Đá Đẽo ❯ Vũ Quang ❯ Hương Khê ❯ Phố Châu

Tiếp tục đi qua vùng có khí hậu khó chịu nhất Việt Nam, suốt một dãy từ Thừa Thiên cho đến Hà Tĩnh. Đi qua khu tưởng niệm cụ Phan Đình Phùng (người đặt căn cứ chống Pháp tại Vũ Quang), một công trình điêu khắc hiếm hoi mà theo tôi là chưa đẹp, nhưng ít ra cũng không xấu! Chẳng hiểu đang nghĩ gì trong đầu mà quên không chụp tấm ảnh nào cả!

Một dải phía tây, miền núi Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh… các nóc nhà thờ mọc lên như nấm sau mưa! Điều này cũng dễ hiểu, vì Thiên Chúa giáo truyền vào Việt Nam đầu tiên hết là ở những vùng này! Nhưng về sâu xa, ở đâu cuộc sống còn quá khó khăn, lòng người còn bấp bênh, dân trí còn thấp… thì con người ta còn cần có niềm tin để tiếp tục tồn tại!

Một cái bảng hiệu đã thấy nhiều trong chuyến đi xuyên Việt năm ngoái, nhưng đến bây giờ mới chụp lại (ảnh thứ 2 dưới đây, click vào ảnh để xem chi tiết dòng chữ Anh, Việt). Viết tiếng Anh như thế này mà người bản ngữ hiểu được chết ngay! 😀 Không thể hiểu bằng cách nào người ta có thể dịch được như thế, vì đến cả Google translate cũng có thể làm tốt hơn!

Đi ngang qua nhà tưởng niệm Hải Thượng Lãng Ông Lê Hữu Trác, nhưng trời lạnh buốt, làm biếng ghé vào, tiếp tục hành trình ra Nghệ An, Thanh Hoá. Từ đây, đường Trường Sơn thôi chạy dọc biên giới Việt – Lào, mà đi sâu vào miền trung du, dân cư cũng đã thêm phần trù mật, cảnh quan cũng đã khai phá nhiều, không còn nguyên sơ như đoạn đường trước!

 

 

Nước non này chỗ đưa nhau,
Một xa, muôn dặm biết đâu cánh bồng!
Chia phôi khác cả nỗi lòng,
Người như mây nổi, kẻ trông bóng tà.

Phần 9: Phố Châu ❯ Đại Yang ❯ Tân Kỳ ❯ Nghĩa Đàn ❯ Yên Cát ❯ Ngọc Lặc

Từ Phố Châu, Hà Tĩnh vừa qua đến địa phận tỉnh Nghệ An, muốn mở điện thoại ra xem bản đồ thì mới biết nó rớt mất từ lúc nào! Vội vào quán bên đường, nhờ điện thoại gọi vào số của mình! May có người nhặt được bắt máy, thế là lội ngược trở lại 50 km để nhận lại cái điện thoại! Thế mà người trả tôi cái điện thoại nhất quyết không nhận bất kỳ sự đền đáp nào!

Cứ mỗi lần đi qua vùng Nghệ An, Thanh Hoá là tôi lại có cảm giác… trở về nhà! Có điều gì đó tương đồng từ trong ngữ âm, giọng nói cho đến tính cách, khó có thể lý giải cho rõ ràng được, mà người ngoài nhìn vào thì chắc chắn sẽ bảo rằng chẳng có gì giống nhau cả! Đứng trên cầu Cẩm Thuỷ, nhìn ra bốn bề cảnh sắc sông xanh núi biếc hữu tình, thầm đọc câu:

Phù vân du tử ý, Lạc nhật cố nhân tình浮雲游子意落日故人情(Tống hữu nhân – Lý Bạch) . Dịch nghĩa: ý của kẻ lãng du thì như mây bay trên tầng không, mà tình người xưa cũ thì như vầng mặt trời sắp lặn. Cái sự cô đọng tối giản mà bao la ngữ nghĩa, mênh mông tình ý của thơ Đường nhiều khi không thể lý giải cho đủ hết ngọn nguồn được!

Tân Kỳ: km số 0 của đường Trường Sơn ngày trước, Nghĩa Đàn: những nông trường bò sữa dài ngút tầm mắt, bỏ qua thành nhà Hồ đã thăm trong chuyến đi năm ngoái, bỏ qua luôn suối cá Cẩm Lương, Cẩm Thuỷ, cũng chỉ là những đàn cá to, không có gì hấp dẫn lắm. Đường lên Mai Châu, Hoà Bình, đây đó đã thấy những y phục của người Mường, người Thái.

 

 

Phần 10: Ngọc Lặc ❯ Cẩm Thuỷ ❯ Cúc Phương ❯ Mường Khến ❯ Mai Châu

Em nhờ anh một việc: vừa qua rừng Cúc Phương, bên trái, đến cây xăng số 14, phía trước có một cô bé người Mường xinh xinh ngồi bán mía, anh xin giùm em số điện thoại cô ấy. Quả nhiên đến cây xăng 14 thì gặp cô bé đó thật! Gởi SMS số điện thoại cho ai đó gần 150 km dưới xuôi về phía Nghệ An, không quên chúc tếu anh chàng một câu hạnh phúc! 😀

Miền tây Thanh Hoá là tiếp tục một dải núi đá vôi thường thấy ở vùng Quảng Bình, cảnh quan có nhiều điều ngoạn mục! Đây là xứ sở của người Mường, một anh em bà con gần với người Việt. Tôi thử nói chuyện với một số người Mường, tuy khó nghe, nhưng cố gắng vẫn hiểu được. Vì tiếng Việt với tiếng Mường vốn chung một gốc, có chung rất nhiều từ vựng!

Đèo Thung Khe, Mai Châu không quá dài (20 km), cũng không hiểm trở như những con đèo khác ở Lào Cai, Hà Giang tôi đã đi qua. Nhưng Thung Khe tạo nên một cảm giác chênh vênh rất lạ. Dưới chân đèo là đồng bằng, phía trên đã là miền núi, dưới còn đang là nhiệt đới, thì đỉnh đèo đã có một ấn tượng ôn đới, với rừng cây nhuộm phớt những sắc đỏ, vàng.

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi trong Tây Tiến – Quang Dũng chính là đây! Đâu có xa, chỉ khoảng hơn 150 km tính từ Hà Nội, nhưng đây đã là một thế giới khác biệt và riêng biệt! Sẽ dừng chân Mai Châu ít ngày để hiểu thêm về sự chuyển tiếp miền ngược / miền xuôi khá đột ngột này, thăm thú loanh quanh một số nơi, trước khi tiếp tục hành trình ngược bắc!

 

 

Phần 11: Mai Châu ❯ Mộc Châu

Mộc Châu cách Mai Châu chừng 70 km, trên đường vào Mộc Châu qua huyện Vân Hồ, là khu vực sinh sống tập trung nhiều người Mông. Khác với vùng Hà Giang, Quản Bạ, người Mông ở đây có vẻ hiện đại hơn, và cũng ít phần “nguyên bản” hơn, đơn giản là vùng này thực ra rất gần đồng bằng Bắc Bộ. Khí hậu kiểu cao nguyên, lúc thì trời quang nắng ấm…

Lúc thì mù sương lạnh buốt, tuỳ vào vị trí và thời điểm trong ngày! Thị trấn Mộc Châu khá lớn, chạy dọc theo một thung lũng rất dài và hẹp, từ đầu này sang đầu kia thị trấn có hơn 40 km, và cuộc sống ở đây hoàn toàn hiện đại, bắt kịp với những thị trấn khác dưới đồng bằng. Cũng giống như Đà Lạt với Sài Gòn, Mộc Châu là nơi người để người Hà Nội đi đổi gió.

Với những ai cần sự thay đổi, Mộc Châu là điểm đến thích hợp, không quá xa trung tâm, đường đi thuận tiện, cuộc sống cũng đã có phần tiện nghi, hiện đại! Nhưng với tôi, đi với con mắt muốn quan sát xem người dân bản địa sống như thế nào, thì đó là một điều không mấy đẹp khi thấy… người Kinh chúng ta đi đến đâu thì làm rất nhiều điều tầm bậy đến đó!

Đến đây, món thích nhất là… sữa chua, ăn theo kiểu Mộc Châu: sữa chua bò sữa Mộc Châu (rất dẻo) trộn với xôi nếp cẩm (miền Trung hay gọi là nếp than), lúc đầu hơi lạ, nhưng ăn quen thấy rất ngon! Nói thêm chút về chuyện ăn uống, đi như thế này, một gói xôi nếp với vài khúc dồi lợn với tôi đã là một buổi tối ngon lành, không cần phải cao lương mỹ vị!

 

 

Phần 12: Mộc Châu ❯ Yên Châu ❯ Mai Sơn ❯ Sơn La

Từ Mộc Châu trở lên là nơi tập trung nhiều người Thái cư ngụ, xen lẫn một số ít người Mông, Mường, Dao và các dân tộc khác. Kiểu búi tóc cao đặc trưng của phụ nữ Thái, cùng với khăn vấn đầu, và một khung cảnh rất ngộ khi họ đi xe máy, chiếc nón bảo hiểm để đối phó với công an giao thông, lủng lẳng trên cao giống như chiếc gáo dừa buộc vào ngọn tre! 😀

Trên địa bàn tỉnh Sơn La, người Thái là sắc dân chiếm đa số, đông hơn cả người Kinh, người Mông… Và những sinh hoạt hằng ngày của họ cũng có vẻ phong phú, nhiều mầu sắc. Tôi đã biết được một chút về người Mông, nhất là ở vùng Hà Giang, Đồng Văn, Mèo Vạc, Lào Cai… nhưng người Thái với tôi vẫn còn khá xa lạ. Tìm cách bắt chuyện với một số người…

Cảm thấy rất có cảm tình với giọng nói, cách phát âm của tiếng / người Thái vùng này. Dù không hiểu, nhưng cái ngôn ngữ 5 thanh điệu đó nghe rất mượt mà, tròn trịa và tinh tế, có sự chú trọng kỹ càng đến âm sắc, đến âm lượng phát ra và ấn tượng đối với người nghe, không như tiếng Mông, nghe hơi thô, gần giống với tiếng Hoa vùng phía nam Trung Quốc.

Thật tiếc là lịch trình đã vạch ra không chú trọng đến vùng Hoà Bình, Sơn La này. Lúc nào đó sẽ phải trở lại đây, ở trong các homestay của chủ nhà người Thái, ăn đồ ăn do họ nấu, giao tiếp với họ hằng ngày, nghe các làn điệu dân ca… thì may ra mới có thể hiểu thêm về họ. Hành trình “cưỡi ngựa xem hoa”, một cách miễn cưỡng, tiếp tục đi về phương Bắc!

 

 

Phần 13: Sơn La ❯ Thuận Châu ❯ đèo Pha Đin ❯ Tuần Giáo ❯ Mường Ảng ❯ Điện Biên

Vượt đèo Pha Đin và một số con đèo nhỏ khác từ tp. Sơn La đi tp. Điện Biên. Với đường sá hiện đại như ngày nay và một cái xe tốt, thì chẳng có gì khó khăn khi chạy bất kỳ con đèo nào ở Việt Nam. Thật dể như ăn bánh, chỉ cần phải cẩn thận khi đi đường một tí! Tôi hơi dị ứng với các kiểu nói quá như: chinh phục, khám phá… “trải nghiệm” nghe có vẻ đúng hơn!

Đèo Pha Đin gây nên một sự hưng phấn nhẹ, cái địa thế núi non rộng lớn, các con dốc dài thăm thẳm. Tưởng đến ngày xưa, khi con đường tiếp vận chính cho chiến trường Điện Biên Phủ từ khu 4 (Thanh Hoá, Nghệ An…) đi qua con đèo này, những anh chị dân công hoả tuyến đẩy xe đạp thồ hàng tạ gạo, trung bình mỗi ngày qua đây chỉ đi được… ít hơn 4, 5 km!

Thời tiết lạnh, sương mù ẩm ướt, được cái ít mưa suốt cả chặng đường. Nhưng riêng đoạn Pha Đin, trời quang nắng ấm, cho tầm mắt được trông xa thoả thích đến hết cảnh vật xung quanh! Các bản làng của người Thái, những ngôi nhà sàn thật dài và lớn, khói lam chiều, và hình ảnh rất dịu dàng của người phụ nữ Thái, váy nhung đen, địu con sau lưng.

Bỗng dưng có suy nghĩ, với một đất nước địa hình chia cắt, nhỏ lẻ như Việt Nam, cộng với cách quy hoạch, xây dựng manh mún, tự phát, cách hay nhất để chụp được những khung hình thật đẹp là dùng một con drone, ví dụ như một quadcopter xịn, chỉ cần bay vượt lên trên cao một tí, từ trên nhìn xuống là thấy được toàn cảnh những non sơn gấm vóc này!

 

 

Phần 14: Điện Biên

Thăm bảo tàng Điện Biên, một công trình có phần hơi đơn giản, sơ sài, thiếu chi tiết, so với một sự kiện tầm cỡ như trận Điện Biên Phủ. Tượng đài chiến thắng nằm ở ngay trung tâm thành phố, bên trên một quả đồi cao (đồi D1, Dominique 2), cái công trình kiến trúc – điêu khắc ấy… không gây được trong tôi bất kỳ một cảm xúc thẩm mỹ nào, dù là nhỏ nhất!

Điều hứng thú duy nhất là đứng trên đỉnh đồi này, có thể nhìn ra bao quát toàn bộ cánh đồng Mường Thanh (không quá rộng lớn) và nhìn xuống trung tâm thành phố, những ngọn đồi bao quanh với mây mù vần vũ, một cảnh tượng rất ngoạn mục! Có cảm giác mọi quy hoạch đô thị ở cái thành phố này đều xoay quanh chủ đề… trận chiến Điện Biên Phủ.

Các loa phóng thanh khắp các phố phường vẫn hàng ngày loan tin, tạo ra một cái không khí như là… của thời bao cấp, hơn 30, 40 năm về trước! Đến cả cô hướng dẫn viên bảo tàng vẫn khóc mỗi khi thuyết minh cho du khách nghe về trận Điện Biên và Đại tướng. Không có ý bất kính, nhưng tôi đoán rằng mỗi ngày, cô ấy khóc khoảng chục lần như thế! 😬

Tin về nửa đêm, hoả tốc, hoả tốc! Ngựa bay lên dốc, đuốc chạy sáng rừng… Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn…. Không cần phải nhờ đến tượng đài hay bảo tàng, lịch sử ngày xa xưa ấy tự nó đã là một điều vĩ đại! Dừng chân Điện Biên ít ngày trước khi bước tiếp hành trình!

 

 

Phần 15: Điện Biên

Hiện tượng rét bất thường trên toàn miền Bắc, khi tuyết rơi ở Ba Vì, ngay gần Hà Nội chứ không phải chỉ ở Sapa, Mẫu Sơn, Y Tý, Bát Xát… như các năm trước, nhiều nơi đã xuống độ âm. Thời tiết ở Điện Biên ngày này thấp nhất 3℃ vào giữa trưa, lạnh hơn cả năm ngoái cũng tầm này lúc tôi ở Sapa, trời mù, mưa lâm thâm, nhưng thật ra vẫn không quá khó chịu.

Thời tiết thật lý tưởng để đi bộ tham quan khắp cánh đồng Mường Thanh, cho cơ thể được vận động chút, thay vì đi xe máy: sông Nậm Rốm, cầu Mường Thanh, hầm chỉ huy của tướng Christian de Castries, đồi A1 (Eliane 2)… Đã đọc khá nhiều đầu sách về Điện Biên Phủ, nhưng phải đến tận nơi đây, chui vào các lô cốt và các đường hầm, thì mới hiểu được tại sao…

Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An (sau này là thượng tướng) phải mất hơn 50% quân số của trung đoàn 174, đại đoàn 316 (chỉ mới tính số hy sinh, chưa tính số bị thương) và 36 ngày đêm ròng rã mới chiếm lĩnh được ngọn đồi này! A1 đổi chủ không biết bao nhiêu lần trong suốt 36 ngày đêm đó, mỗi bên chiếm một nửa, giằng co qua lại trong phần lớn thời gian!

Gần đỉnh đồi, cái hố cực lớn tạo ra bởi một tấn thuốc nổ, chỉ bằng cách đào đường hầm sâu vào trong thân ngọn đồi, đặt thuốc nổ để thổi bay nó đi thì đồi A1 mới thực sự bị đánh bại. Sáng ngày 7 tháng 5 năm 1954, với chiến thắng bước ngoặt ở đồi A1 này, số phận của trận chiến Điện Biên đã được định đoạt. Lịch sử đã được viết bằng máu như thế đó!

 

 

Phần 16: Điện Biên, Tây Trang, Huổi Puốc

Đến cửa khẩu Tây Trang, hơn 30 km từ thành phố Điện Biên. Nhiệt độ xuống sát 0℃, nước ở những nơi có nhiều gió đã đóng băng (ảnh 4). Đến nơi, điều đầu tiên tự nhận ra là… không nói được, miệng cứ đông cứng lại, cố gắng lắm cũng chỉ phát âm những từ không rõ ràng! Thời tiết như thế này ở trong nhà thì không sao, nhưng chạy xe máy nhiều giờ liền thì…

Trẻ em dân tộc đốt lửa sưởi, trên người chỉ mặc đúng một cái áo mỏng. Hỏi gì cũng gật, em là người Việt à?, gật đầu, một lúc sau, thế em là người Lào à, cũng gật. Chúng nó không có sức mà trả lời nữa đâu các bạn ạ! Dĩ nhiên 0℃ chưa là gì so với các nước ôn đới, nhưng với xứ nhiệt đới như Việt Nam, người dân không có sự chuẩn bị cho nhiệt độ đó!

Sau nhiều tìm hiểu, tôi nghĩ rằng vẫn có thể đem xe máy đi xuyên Lào, nhưng không phải qua cửa khẩu Tây Trang (đã chính thức cấm), mà qua cửa khẩu Huổi Puốc (cách đó 20 km), dĩ nhiên là cần một chút bôi trơn và may mắn. Cùng một văn bản luật nhưng mỗi nơi, và tuỳ vào thời điểm, lại có cách diễn dịch khác nhau, dẫn đến tình trạng bất nhất như thế!

Sau một hồi cân nhắc, suy nghĩ, thấy tốt hơn nên cancel kế hoạch đi xuyên Lào trong các điều kiện thời tiết, đường sá, thời gian, tài chính… tất cả chuẩn bị như hiện tại. Plan B THẤT BẠI TOÀN TẬP! 😢😢 Cần phải có sự nghiên cứu kỹ càng hơn cho lần sau, mặc dù cái “thất bại” này cũng đã được dự tính đến từ trước khi khởi hành! Plan C tiếp tục!

 

 

Phần 17: Điện Biên ❯ Mường Lay ❯ Phong Thổ ❯ Lai Châu

Ai đó nói… không phải điểm đến mà là con đường nhỉ 😀 !? Tỉnh Lai Châu không có nhiều địa danh trên bản đồ du lịch, nhưng có nhiều núi đồi, sông suối và cao nguyên. Con đường từ Điện Biên đi Lai Châu qua các bản làng của người Thái, Mông rất đẹp. Du khách nước ngoài thường chỉ thích những gì nguyên bản, chưa thay đổi, như xã Pú Đao, huyện Sìn Hồ…

Và tôi cũng tự thấy mình lạ lẫm với cái chúng ta gọi là làm du lịch: đi ô tô đến, ăn một vài món (kiểu bê chao Mộc Châu, cá sông Đà…), chụp một vài tấm hình ở những di tích đã bị tàn phá, tu sửa lem nhem, những thứ mà giới kinh doanh du lịch đặt ra hoặc phịa ra để moi tiền các bạn. Không có gì xa rời cuộc sống thực tế của người dân bản địa ở đây hơn thế!

Mường Lay cũ bây giờ nằm hoàn toàn dưới lòng hồ thuỷ điện Sơn La. Địa thế tổng thể Mường Lay rất rất đẹp, một hồ nước bình yên rộng lớn, các nhà sàn tái định cư nằm chi chít bên bờ hồ, tựa mình lên triền núi! Mất gần một buổi chiều ngơ ngẩn dạo quanh thị trấn, ngắm nhìn những “con thuyền trên núi” rong chơi giữa không gian mặt nước thẫm xanh.

Gặp gỡ thú vị nhất trong ngày: Hélène và Stéphane, cặp đôi đạp xe dọc con đường tơ lụa (Route de la Soie) từ Pháp đến Trung Quốc, đi hết Đông Nam Á rồi quay lại Pháp. Một dịp thực tập cái thứ tiếng Pháp “rỉ sét” của mình. L’aventure ne doit pas s’arrêter là, voyager loin sans voyager vite: phiêu lưu không dừng lại ở đó, hãy đi thật xa, và đi thật chậm! 😀

 

 

Phần 18: Lai Châu ❯ Tam Đường ❯ đèo Ô Quý Hồ ❯ Sapa ❯ Lào Cai

Thành phố Lai Châu, này là lần thứ 3 qua đây! Cái đẹp của một thành phố được xây mới từ con số không: mọi thứ đều nhìn có vẻ chỉn chu, khang trang, ngăn nắp, quy hoặch rất rõ ràng. Một ngày nắng ấm rất đẹp, bầu trời trong xanh, ở đèo Ô Quý Hồ băng tuyết đã tan và đã thông xe. Đi phượt xe máy như tôi thì thực ra thời tiết băng giá… không hề vui chút nào!

Lai Châu, Điện Biên nằm về phía bắc của Mai Châu, Mộc Châu, Yên Châu, Thuận Châu… nhưng khí hậu lại ấm hơn chút đỉnh, đó là nhờ dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ che chắn bớt một phần gió mùa đông bắc. Đèo Ô Quý Hồ băng ngang qua Hoàng Liên Sơn, bên này đèo thì uống mía đá, bên kia đèo thì đốt lửa sưởi. Lên Sapa không còn dấu tích nào của băng tuyết.

Chỉ có hai bên đường, người dân la liệt chào bán thịt bê, trâu, những gia súc đã chết trong vụ rét mới vừa qua. Sapa đang đổi thay từng ngày, xây dựng bốn bề, người xe nhộn nhịp! Chỉ ghé Sapa độ hơn 1 tiếng đồng hồ, ngồi nói chuyện với những người quen cũ ở đây! Luôn có nhạc Pháp, và cà phê rất ngon, miễn phí dành cho tôi mỗi khi quá bộ Sapa này! 😀

Qua hết Lai Châu, từ Tam Đường, đèo Ô Quý Hồ, thị trấn Sapa về lại thành phố Lào Cai là vùng đất đã quen thuộc, không chụp nhiều ảnh nữa! Như một thói quen, dừng chân Lào Cai, ngồi trầm ngâm bên cầu Cốc Lếu, bên kia sông là Hà Khẩu, Trung Quốc. Đâu đó vẫn nghe loa phát bài hát, hát rằng: rằng anh thương em… hỡi em yêu ở cuối sông Hồng…

 

 

Phần 19: Lào Cai ❯ Phố Lu ❯ Phố Ràng ❯ Việt Quang ❯ Vị Xuyên ❯ Hà Giang

Cũng từ Lào Cai đi Hà Giang, nhưng không chọn con đường đi sát biên giới (Mường Khương, Y Tý, Bát Xát, Si Ma Cai, Xín Mần, Hoàng Su Phì…) như năm ngoái nữa. Từ Lào Cai lùi sâu một chút vào trong nội địa, đến Phố Lu, rồi theo quốc lộ 279 đi Phố Ràng, Quang Bình, Việt Quang, tp. Hà Giang. Nếu nhìn trên bản đồ địa hình, tổng thể miền bắc như một cái quạt.

Mà các nhánh núi (và nương theo đó là những con đường) là những cái nan quạt quy tụ về đồng bằng Bắc Bộ. Nên từ thủ đô Hà Nội đi các tỉnh biên giới thì đều dễ dàng, nhưng đi giữa các tỉnh biên giới với nhau lại rất khó khăn, do thiếu đường sá vượt qua các dãy núi cao. Quốc lộ 279 bổ khuyết sự thiếu hụt đó, bắt đầu từ Điện Biên và kết thúc ở tp. Hạ Long.

Trên bản đồ, nhìn như một vòng cung ôm trọn hết cả miền Đông Bắc và Tây Bắc. Và ngay cả cái tên 279 của con đường cũng mang một ý nghĩa quốc phòng đặc biệt, là trực tiếp gợi nhớ về sự kiện tháng 2 năm 1979. Thời tiết quay trở lại mưa phùn và gió bắc, tuy không thực sự lạnh lắm, đoạn đường từ Phố Ràng đi Việt Quang rất xấu, lầy lội, trơn như đổ mỡ.

Từ đây chủ yếu là thế giới của người Tày, những bộ trang phục đen đơn giản, nam cũng như nữ, chỉ có đôi chút màu sắc, hoa văn ở thắt lưng và khăn đội đầu. Tuy vậy, những bộ y phục ngày Tết, lễ của họ cũng thực sự rất đẹp, cùng một kiểu với quần áo thường ngày, nhưng may bằng chất liệu nhung đen sang trọng, trông có phần chải chuốt và cầu kỳ hơn!

 

 

Phần 20: Hà Giang ❯ Quản Bạ ❯ Yên Minh ❯ Đồng Văn

Những cung đường quen thuộc đã qua lại 4, 5 lần, không muốn chụp nhiều ảnh nữa, và có chụp nữa cũng không thể đẹp hơn (kỹ năng “nhiếp ảnh” của tôi có hạn, xin xem thêm về Hà Giang trong các album ảnh trước). Nhưng vẫn muốn đi qua một lần nữa, cho tâm hồn được lẩn khuất ở đâu đó trong những áng mây mù giăng ngang trên những vách đá tai mèo.

Ghé quán quen cũ, ăn một bát cháo ấu tẩu, trước khi tiếp tục hành trình. Một niềm vui nho nhỏ khi mà mình đi đâu, người ta cũng nhận ra, ah, thằng này đã đến đây năm trước! Và các câu chuyện, vì thế, cũng trở nên cởi mở, chân tình, thân mật hơn. Trong suy nghĩ thoáng qua phút chốc, có khi nào, chỉ là giả sử thôi, mình nhận lấy nơi đây làm quê nhà không nhỉ!?

Cao nguyên Đồng Văn, nơi mà người dân một phố núi như Hà Giang vẫn gọi là… vùng cao. Thời tiết không lạnh lắm, thấp nhất cũng chỉ tầm 10 ~ 12 ℃, như vậy chạy xe máy không giày (chỉ mang dép), không găng tay vẫn thoải mái. Xuống dưới 8℃ thì nên mang giày vào, xuống dưới 4℃ thì nên thêm găng tay, còn xuống dưới 0℃ thì… nên nghỉ không đi nữa!

Những cuộc gặp gỡ bất ngờ, thú vị trên đường, những bạn trẻ, rất trẻ, cùng chia xẻ chung một niềm đam mê dịch chuyển, lang bạt đây đó! Những câu chuyện trao đổi, những thông tin, kinh nghiệm về lộ trình phía trước! Chúc các bạn trẻ đi, hãy đi thật nhiều và đi thật xa! And the road becomes my bride…, nghe đâu đó quanh đây, là nhạc của ai thế nhỉ!? 😀

 

 

Phần 21: Đồng Văn

Đồng Văn năm nay lạnh hơn mọi năm, nhiệt độ giữa trưa tầm 5, 6 ℃, ban đêm khoảng 2, 3 ℃, nhưng cảm giác như rất lạnh vì gió thổi vi vút không ngớt. Những ngày sắp đến dự báo còn rét hơn nữa. Một vùng núi đã vôi trơ trọi, chẳng có nổi một rặng cây lớn hòng chắn gió. Những ngày này, người dân vẫn chưa nghĩ Tết, công việc đồng áng vẫn đang tiếp diễn.

Lần đầu tiên chứng kiến trong giá rét lạnh căm, một người đàn ông dắt bò đi cày trên một sườn núi dốc dễ có hơn 60 độ. Chẳng thể nào hiểu được làm sao người và bò có thể cày được trên một địa hình như thế, chỉ sơ sẩy một chút là lăn xuống núi. Người dân miền Trung (như tôi) vẫn hay than thở, rằng quê mình đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt etc…

Nhưng hãy đến Đồng Văn để thấy như thế nào mới thật sự là khắc nghiệt! Người dân gùi đất lên những sườn núi đá cao, đổ vào giữa các hốc đá để trồng đây đó vài khóm rau cải. Rác, bã mía, cây bụi các nơi được tha về, đốt thành than giữa các hốc đá để làm phân bón. Cứ như thế, qua nhiều thế hệ, người ta biến núi đá khô khốc thành nơi có thể trồng trọt được!

Cái câu thơ “thô thiển” của Hoàng Trung Thông mà ai cũng học ở phổ thông: Có sức người sỏi đá cũng thành cơm, cái câu ấy hiểu theo nghĩa đen hoàn toàn đúng ở nơi đây! Nhiều khi phải mở mắt xem người khác sống như thế nào, mới bớt cường điệu hoá hoàn cảnh, cảm xúc của riêng cá nhân mình, mới thôi tự xem mình là trung tâm của vũ trụ! 😀

 

 

Phần 22: Đồng Văn, Sủng Là

Những cành mận trắng, chi chít hoa nở trên những thân, gốc cây xù xì rêu bám. Thực ra, mặc cho rất nhiều người bàn ra tán vào, nói đi nói lại, tán tụng… tôi chưa bao giờ thấy hoa mai hay hoa đào đẹp cả! Mà có đẹp chăng đi nữa cũng chỉ là một vẻ rất chi nhân tạo, thiếu sức sống, không tự nhiên được như một nhành hoa mận lớn chưng trong nhà giữa ngày xuân!

Cả ba lần lên cao nguyên Đồng Văn này, là cả 3 lần nhìn thấy những tai nạn, những chiếc xe tải lớn đâm xuống vực sâu hàng trăm mét, mà đá tai mèo tua tủa như một rừng chông nhọn hoắt, hầu như không cho ai cơ hội sống sót! Những con đường này không dành cho người yếu tim, nhất là khi thời tiết lạnh cóng và sương mù dày đặc, tầm nhìn hạn chế!

Nhiều khi có cảm giác cao nguyên đá Đồng Văn như một hòn non bộ được phóng to lên, muôn trùng núi đá và đá, những con đường bé tí lượn lờ vắt vẻo, nhiều khúc cua tay áo thật gấp liên tiếp chồng lên nhau. Một cảnh tượng ngồ ngộ khi thấy những chiếc xe tải to một tí phải xích tới, xích lui, xê qua, xê về chán chê mới lọt qua được những khúc cua như thế!

Một cái thế giới được thu nhỏ như trên sa bàn, những bóng người bé tí xinh xắn đây đó giữa thiên nhiên, vài cái hồ nước be bé, những cái nhà con con, vài ngọn cây trơ trụi mọc lẻ loi bên sườn núi, những con đường mòn như kẻ chỉ, đích thị là một hòn non bộ thật sự! Và những câu chuyện về cuộc sống con người, như những con kiến cần mẫn bò quanh hòn núi!

 

 

Phần 23: Đồng Văn, Phố Cáo

Những người dân tộc sống lâu với người Kinh, họ nói tiếng Việt rất thuần thục, với một sắc thái hơi gay gắt, chua ngoa thường thấy của phương ngữ miền Bắc (điều họ học được). Nhưng khi chuyển sang nói tiếng mẹ đẻ, ta thấy ở họ những thái độ khác hẳn. Người Thái thường nói chuyện rất nhẹ nhàng, tinh tế, người Mông thì bộc trực và hơi thô hơn một tẹo.

Âu cũng là ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, hơn thế nữa, đa ngôn ngữ tức là đa văn hoá. Cũng là một điều dễ hiểu khi tôi nói tiếng Việt, tôi là một con người khác, khi nói tiếng Anh, tôi là một con người khác, và khi nói tiếng Pháp, tôi là một con người khác nữa. Giống như khi chụp ảnh, cùng một phong cảnh, nhưng mỗi ngôn ngữ là một ống kính (lens) khác nhau.

Thực ra từ rất rất lâu rồi, tôi đã nhận ra, tiếng Việt có nhiều “điểm yếu” trong cấu trúc, dẫn đến những lỗi tư duy rất ngây ngô, phổ biến trong cộng đồng Việt. Đó là một trong nhiều yếu tố đẩy xã hội Việt tới tình trạng như ngày hôm nay. Nhưng nhận ra điều đó không phải dể, vì để khởi đầu, chúng ta cần 1, 2 ngôn ngữ khác, để đối chiếu so sánh và nhận ra sự khác biệt.

Khác biệt không phải trong cách hành văn, mà trong cách suy nghĩ. Nhưng điều đó là khó, với một thế hệ trẻ như ngày nay, viết chính tả còn sai một cách sơ đẳng, sai có hệ thống, và không hề có một ý thức nào về việc phải sửa sai. Bắt họ nhận ra sự khác biệt trong cách suy nghĩ giữa các cộng đồng ngôn ngữ, văn hoá khác nhau có lẽ là một việc không tưởng!

 

 

Phần 24: Đồng Văn, Phó Bảng

Cách hay nhất để tham quan một nơi là đi chậm, thật chậm, ví dụ như đi bộ hay xe đạp, như thế thì mới có thể nhìn thấy hết tất cả các góc cạnh, ngõ ngách khác nhau của nó. Thực ra khi bắt đầu đi xe máy xuyên Việt, tôi nghĩ rằng đi như thế đã là đủ chậm, chậm hơn ôtô hay máy bay nhiều lần, nhưng đến bây giờ thì lại nhận ra… như thế vẫn là chưa đủ chậm!

Bỏ ra một ngày để đi bộ khắp thung lũng, leo lên đồn Đồng Văn (do người Pháp xây) nằm trên đỉnh ngọn núi đá ngay giữa thị trấn, ngồi nhìn ra bốn bề xung quanh, trong ánh mặt trời đang lặn, lắng nghe gió lạnh lồng lộng thổi! Toàn bộ cái thị trấn con con này gói gọn trong tầm mắt, những ngôi nhà bé tí, những thửa ruộng bậc thang xanh xanh vừa gieo sạ xong!

Đêm xuống dần dương trần, gợi niềm vương vấn, từ năm ấy đã bao nhiêu lần… thời đại của mobile internet, của thông tin cập nhật, của instant message, của fast food… mà một mình lang thang trèo lên ngọn núi cô độc này, ngồi cả buổi chiều và ca những loại nhạc này, có phải là lạc loài quá không nhỉ!? Thoáng nghĩ thế, nhưng cũng chả quan tâm lắm!

Trăng mơ màng khắp làng, lặng nhìn mây nước, đẹp cho những giấc mơ huy hoàng… Rằng: từ sau ánh mắt xanh, bồ câu xâm chiếm tim anh, quên lãng sao đành! Cái thế giới bên trong vẫn thế, như những bức tranh Bùi Xuân Phái, chỉ độc có màu nguyên không pha, ấy là tự giữ cho mình những tự do cuối cùng, tự do suy nghĩ và sống một cuộc sống như mình muốn!

 

 

Phần 25: Đồng Văn, Lũng Cú

Vài ngày trước đây, trong các bản làng của người Mông, những người phụ nữ nhất loạt đem quần áo ra giặt, vừa làm việc, vừa trò chuyện râm ran bên bờ suối, như thế là cái Tết đã đến rất gần. Một số còn dùng cách giặt rất xa xưa với chày, tưởng chỉ còn bắt gặp trong phim cổ trang, hay trong thơ cổ, ví dụ như: Bạch Đế thành cao cấp mộ châm (Đỗ Phủ).

Đến hôm nay thì thỉnh thoảng đã bắt gặp một vài người đàn ông Mông say rượu ngủ bên vệ đường, đâm đầu vào bụi rậm, vất vưởng trong những tư thế lạ lùng nhất. Thanh niên, thiếu nữ, trong những bộ y phục đẹp nhất, bắt đầu vào ra, làng trên xóm dưới rủ nhau đi chơi Tết. Tôi thấy cả một ông già người Tày với bút lông mực Tàu đang chăm chú viết câu đối Tết.

Thoáng nghĩ, khá khen cho ai đặt cái tên Đồng Văn, vì Đồng Văn tức là… “đồng văn” 😀. Đến bây giờ vẫn có cả hơn chục dân tộc, ngôn ngữ khác nhau cùng sống trên cao nguyên này: Mông, Dao, Tày, Giáy, Lô Lô, Việt, Hoa… Ngày xa xưa, khi tiếng Kinh và chữ Quốc ngữ chưa phải là chuẩn chung, thì những giao tiếp hình thức quan trọng đều phải dùng chữ Hán.

Cao nguyên Đồng Văn những ngày này thời tiết ổn định trong khoảng 5 ~ 6 ℃, thấp hơn những vùng khác trong tỉnh Hà Giang 6 ~ 10 độ, trời nhiều sương mù, nhưng ít mưa. Lạnh, nhưng vẫn còn dễ chịu, vì từ 4℃ trở xuống, chạy xe nhiều giờ ngoài đường gây ra cảm giác buốt, rát nghiêm trọng, và chiếc xe của tôi cũng chạy không trơn tru lắm ở nhiệt độ đó.

 

 

Phần 26: Đồng Văn, Mèo Vạc, Lũng Phìn, Khâu Vai

Thường đi như thế này, tôi tin bản đồ với định vị GPS hơn là tin người địa phương. Những người địa phương thường mô tả không giống nhau về phương hướng, chiều dài lộ trình. Hơn nữa, với địa hình chia cắt, đi lại rất khó khăn như ở đây, sự thật là nhiều người… chưa bao giờ đi quá nơi mình cư ngụ hơn 50 km. Thế nhưng không phải lúc nào bản đồ cũng đúng!

Thực sự là một tai hoạ khi bản đồ vẽ sai, mà sai dư chứ không phải sai thiếu. Hôm nay, dựa theo bản đồ trên điện thoại, tôi đi theo con đường từ Mèo Vạc qua Lũng Phìn, rồi tiếp tục từ Mậu Duệ đi Niêm Sơn. Đến nơi thì mới biết cái con đường vẽ trên bản đồ đó không tồn tại trong thực tế, WTF!? Loay hoay cả một ngày trời để rồi phải quay trở lại nơi xuất phát!

Đôi điều về đường đi trên những địa hình như ở Đồng Văn, trên bản đồ, từ điểm A đến điểm B nhìn rất gần, đường chim bay chưa đến 20 km, nhưng thực tế, đường… chim đi bộ dài hơn 100 km, vì phải uốn lượn qua không biết bao nhiêu là núi non. Và 100 km đó, nếu đường bằng bình thường chỉ mất khoảng 2h, thì thực tế, loay hoay 5, 6 h vẫn chưa thấy tới!

Vì đường xấu đèo dốc kinh khủng, sương mù dày đặc, nhiệt độ 4 ℃, mất cả gần một ngày chỉ đi được hơn 100 km. Nên thực sự để đi tốt những cung đường như thế này, không chỉ cần một bản đồ đúng, mà nên nghiên cứu trước luôn bản đồ địa hình (topographic map) của khu vực, hình dung ra những khối núi qua những đường đồng mức (contour lines).

 

 

Phần 27: Mèo Vạc ❯ Khâu Vai ❯ Niêm Sơn ❯ Bảo Lâm ❯ Bảo Lạc

Bức hình đầu tiên, chụp gần chợ tình Khâu Vai, những chữ Mông (Romanized) viết trên thanh rào chắn đường, và phần chữ Việt chú thích (!?). Từ Mèo Vạc đi Niêm Sơn, hơn 50 km xe hầu như không phải nổ máy, cừ từ từ thả trôi suốt đoạn đường để rời khỏi cao nguyên Đồng Văn. Muốn thăm thú Đồng Văn kỹ càng hơn, nhưng lịch trình không cho phép!

Lúc nào đó, phải trở lại, ở đây một tháng, hoặc nhiều hơn nữa, thì may ra mới có thể hiểu rõ hơn về người Mông, ngôn ngữ và văn hoá của họ. Đến Bảo Lâm, Bảo Lạc là đã sang địa phận tỉnh Cao Bằng. Nhiệt độ đang từ 4 ℃ bổng nhảy lên 12 ℃, cảm thấy ấm áp đến mức nóng bức muốn cởi áo ấm! 😀 Thực ra, mọi cảm giác của con người ta chỉ là… tương đối!

Cao Bằng thật đúng nghĩa tức là… cao nhưng bằng. Địa hình gồm chủ yếu là các núi trung bình và nhỏ, nằm tương đối thưa nhau. Nên giữa các quả núi đó có khá nhiều đất đai bằng phẳng cho canh tác nông nghiệp, và đường sá vì thế cũng rộng rãi, ít đèo dốc, dể đi hơn nhiều. Từ đây, các ngôi nhà trình tường xây bằng đất nện của người Mông cũng ít dần đi.

Thay vào đó là các ngôi nhà sàn lớn bằng gỗ của người Tày. Nếu chỉ nhìn trên trang phục, quần áo hàng ngày, thì người Tày chẳng có mấy nổi bật. Nhưng tiếp xúc với họ nhiều mới thấy họ là một dân tộc hiếu khách và chân thành. Và tâm lý chung của người Kinh sống ở những miền này cũng thường xem người Tày đáng tin cậy hơn những sắc dân khác!

 

 

Phần 28: Bảo Lạc ❯ Ca Thành ❯ đèo Phia Oắc ❯ Tĩnh Túc ❯ Nguyên Bình ❯ tp. Cao Bằng

Từ Bảo Lạc chạy dọc theo quốc lộ 34, vượt đèo Phia Oắc đi Tĩnh Túc. Cao trên 1900 m, Phia Oắc là một khung cảnh rất hoành tráng, hai đỉnh núi đá lớn dựng đứng nằm cạnh nhau, ở giữa trũng xuống giống như hình một chiếc yên ngựa. Và con đường đèo chạy vòng quanh, nhìn từ trên cao xuống như làm thành 3/4 (270 độ) của một cung tròn hoàn chỉnh.

Mức độ choáng ngợp của cung đường này có lẽ chỉ đứng ngay sau Ô Quý Hồ hay Mã Pí Lèng, nhưng điều đặc biệt là toàn bộ địa thế ở đây có thể gói gọn hoàn toàn trong tầm mắt, rất ngoạn mục. Tiếc là đi qua đây trong một buổi chiều đầy sương mù, mưa và lạnh, nên không thể chụp một khung hình đẹp lấy được rõ ràng toàn bộ quang cảnh hấp dẫn đó.

Thị trấn Tĩnh Túc (được nhắc đến trong SGK phổ thông) là một mỏ thiếc lớn của Việt Nam. Thị trấn Nguyên Bình toàn bộ là một nông trường mía, xanh mướt, đang mùa sắp thu hoạch. Từ đây, quốc lộ 34 không còn xấu nữa, đã được mở rộng và tráng nhựa phẳng phiu. Tăng ga chạy nhanh suốt đến thành phố Cao Bằng khi trời đã về chiều và dần trở lạnh.

Cao Bằng, Lạng Sơn tuy là những tỉnh miền núi, nhưng địa hình không quá cực đoan như Hà Giang, Đồng Văn. Đường sá rộng và phẳng, đi lại dễ dàng. Hai tỉnh này có nhiều cửa khẩu với Trung Quốc, hàng loạt thị trấn nhỏ sát biên giới mọc lên để phục vụ cho việc giao thương. Đi bằng xe máy nên cẩn thận với các xe tải, xe container lớn nhộn nhịp suốt ngày đêm.

 

 

Phần 29: tp. Cao Bằng ❯ đèo Mã Phục ❯ Quảng Yên ❯ Trùng Khánh ❯ Bản Giốc

Từ tp. Cao Bằng qua đèo Mã Phục (một con đèo xinh xắn thuộc huyện Trà Lĩnh), qua huyện Quảng Uyên, Trùng Khánh, từ đây 25 km nữa là đến thác Bản Giốc. Một buổi sáng nắng ấm đẹp trời như tôn vinh thêm quan cảnh sơn thuỷ hữu tình hai bên đường. Cao Bằng đẹp một cách diễm lệ và thanh bình, tuy không sắc sảo đến mức cực đoan như Đồng Văn.

Dừng chân đỉnh đèo, hai cái bánh chưng chiên be bé của người Tày thay cho bữa sáng. Thác Bản Giốc quả thực như một viên ngọc quý lớn trên cái vương miện du lịch miền Đông Bắc. Thực trạng về phân định biên giới Việt – Trung ở thác Bản Giốc, theo những xác nhận tại địa phương (không giống như một số thông tin kém chính xác trên internet):

Thác gồm hai cụm, một to một nhỏ, cụm nhỏ (rộng nhưng thấp hơn) thuộc về Việt Nam, cụm to (thác chính) thì một nửa thuộc về Việt Nam, một nửa thuộc về Trung Quốc. Hiệp định phân chia biên giới mới nhất xác nhận cột mốc 53 (cũ) nằm ở chính giữa thác lớn, lấy dòng sông Quy Xuân làm ranh giới, chia hai dòng sông tức đồng nghĩa là chia đôi thác lớn.

Nhưng cũng theo những thông tin của nhiều người dân địa phương, ngày xa xưa, cột mốc 53 nằm trên đỉnh núi ngay sát bờ bắc (phía TQ) của dòng sông, theo như xác lập bởi Công ước Pháp – Thanh 1887 thì thác Bản Giốc nằm hoàn toàn trong lãnh thổ Việt Nam. Chính người Trung Quốc đã dời cột mốc xuống quá chân núi để chiếm một nửa dòng thác lớn!

 

 

Phần 30: thác Bản Giốc ❯ động Ngườm Ngao ❯ Trùng Khánh ❯ Quảng Yên ❯ tt. Phục Hoà

Nhân đến thác Bản Giốc nên ghé thăm luôn động Ngườm Ngao nằm cách đó 3 km. Thực ra đi thăm động chỉ là một cách để tiếp xúc và nói chuyện nhiều hơn với những người Tày ở địa phương, nhiều trao đổi thú vị, chứ kể từ sau khi thăm động Thiên Đường, Quảng Bình năm 2013, thì tôi đã không còn hứng thú thăm các hang động be bé nào khác nữa 😀😀.

Những người Tày ở đây có lối xây nhà rất đặc trưng không bắt gặp ở những vùng khác. Thay vì là nhà sàn gỗ, họ xây những ngôi nhà lớn bằng đá hộc, với chất kết dính chỉ là đất sét. Đây đó có thể thấy những ảnh hưởng từ phía Trung Quốc, nhà nào cũng treo một bức hoành Tân gia đại cát ở phía trên cổng chính, và một số câu đối chữ Hoa rải rác khắp nhà.

Quay ngược trở lại Quảng Yên, nhưng không theo quốc lộ 4C, mà theo tỉnh lộ 207 qua thị trấn Hoà Thuận, thị trấn Phục Hoà sát cửa khẩu Tà Lùng với Trung Quốc. Cả một vùng “non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ”, tiếp giáp với khu vực gọi là “Thập Vạn Đại Sơn” phía bên Trung Quốc. Như tên gọi, là hàng ngàn hàng vạn ngọn núi nhỏ nằm liên tiếp nhau.

Rồi từ đây, theo tỉnh lộ 208 đi Đông Khê, Thất Khê rời Cao Bằng qua địa phận tỉnh Lạng Sơn. Có đôi khi, gã lang thang núi đồi cũng biết nhớ phố, đi giữa đại ngàn mênh mông, mà nghe đâu đây tiếng hát: mùa đông năm ấy, tiếng dương cầm trong căn nhà đổ, tan lễ chiều sao vọng tiếng chuông ngân, ta còn em một mầu xanh thời gian, một chiều phai tóc em bay…

 

 

Ngoảnh lại trước: người xưa vắng vẻ,
Trông về sau: quạnh quẽ người sau.
Ngẫm hay trời đất dài lâu,
Mình ta rơi hạt lệ sầu chứa chan.

Phần 31: tt. Phục Hoà ❯ Đông Khê ❯ đèo Bông Lau ❯ Thất Khê ❯ Đồng Đăng ❯ tp. Lạng Sơn

Qua Đông Khê, Thất Khê, đèo Bông Lau… những địa danh huyền thoại trong kháng chiến 9 năm chống Pháp. Các bia đá tưởng niệm giờ chỉ là những vật thể nhỏ nhoi, mờ nhạt, hoang phế hai bên vệ đường, chẳng có mấy người để ý coi sóc đến. Tiểu đoàn 374, mật danh đoàn “Bông Lau”, với bài hát: Bông Lau, Bông Lau, rừng xanh pha máu… (Phạm Duy).

Bài hát đó đến chính tác giả cũng không còn nhớ nhạc điệu nó như thế nào. Mà tất cả những ai từng nhớ, từng say mê hát nó thì đã thành ra người thiên cổ tự bao giờ. Tần ngần đứng lặng hồi lâu: Tiền bất kiến cổ nhân, Hậu bất kiến lai giả前不見古人後不見來者 (Đăng U Châu đài ca – Trần Tử Ngang), quả thật là đáng buồn lắm thay!

Qua Thất Khê, cái thị trấn bé thoang thoảng một mùi hương ngan ngát của hồi (ai đã đọc Rừng hồi xứ Lạng nhỉ). Nếu không phải lái xe, thì cứ muốn nhắm tịt mắt lại, để từ từ trôi qua cái không gian này, tận hưởng mùi hương hồi thơm ngát. Đi qua nhiều vùng đất, ngửi thấy gì cũng đủ biết về chốn xe đang qua, này là hương quả sung chín nẫu thơm đến ngọt…

Này là mùi mật mía đậm đà của những xưởng tinh luyện đường, đây là mùi rơm rạ khô đang cháy, này là mùi ẩm ướt, tươi mát của cỏ non vừa mới cắt xong, kia là mùi hăng hăng của sắn lát khô đang phơi được nắng… Thế giới này không phẳng, không hề phẳng các bạn ạ, không phải chỉ có mùi lavender của các văn phòng, công sở với máy lạnh đâu!

 

 

Hôm nay tạm nghỉ bước gian nan,
Trong lúc gần xa pháo nổ ran.
Rũ áo phong sương trên gác trọ,
Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang.

Phần 32: Lạng Sơn

Tấm hình đầu tiên: quả hồi phơi khô, mùi hương nhẹ nhàng nhưng thật khó phai! Thăm động Tam Thanh, coi như là đi chùa đầu năm. Đồng đăng có phố Kỳ Lừa, Có nàng Tô Thị họ vừa nung vôi chính thị là nơi đây 😀! Cái lời nhại ca dao ấy thực ra là tương đối chính xác, cái tượng nàng Tô Thị họ mới đắp lại sau này trông rất nham nhở, chả đâu vào đâu!

Thăm động Tam Thanh xem như đi cho có. Thực ra, càng lúc tôi càng có cảm giác người Việt cái gì cũng thích đồ giả, không thích đồ thật. Một quả đồi bé xíu, xây vài bậc tam cấp, vài cái đình bé tí ti, đặt những cái tên hoành tráng: cổng trời, hang địa ngục, bàn tay Phật, etc… Càng như thế, họ càng không hiểu được cái rộng lớn của thiên nhiên, của núi non, biển cả.

Leo lên pháo đài Đồng Đăng, một công trình bê tông ngầm to lớn và đổ nát. Nơi đây, hơn 700 con người, vừa dân vừa lính, đã tử thủ cho đến người cuối cùng, trong những ngày đầu của cuộc chiến tranh 1979. Pháo đài Đồng Đăng, ở một quy mô nhỏ hơn, nhưng lại bi thảm hơn, cũng giống như pháo đài Brest trong chiến tranh vệ quốc của người Nga vậy!

Chủ khách sạn, một người lính đặc công 73 tăng cường cho mặt trận Lạng Sơn, sau chiến tranh, đã cưới một cô gái Nùng 15 tuổi và định cư ở đây! Hai vợ chồng cực kỳ hiếu khách, thế nên Tết nhất với tôi không phải thiếu gì. Nhưng đôi khi, chỉ cần một bát nước chè, vài hơi thuốc lào… đang tự biến mình thành một anh chàng Bắc cày, Bắc cầy chính hiệu! 😀

 

 

Phần 33: Mẫu Sơn

Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, cách thành phố Lạng Sơn tầm 30 km, sát với biên giới Trung Quốc. Tuy không quá cao, chỉ khoảng 1500 m, nhưng khí hậu luôn mát lạnh quanh năm. Thực ra có đến hai đỉnh núi nằm cạnh nhau, ngọn thấp hơn vẫn thường gọi là Mẫu Sơn, một đỉnh cao hơn nằm ngay kế bên cạnh (Phụ Sơn!? 😀) nhưng chưa có đường cho xe lên.

Một ngày nắng ấm đẹp trời, đường từ chân núi lên tới đỉnh chỉ khoảng 15 km đường bê tông nhựa nhỏ, không khó đi lắm. Tuy vậy, muốn biết về những đường cung đường quanh co uốn lượn đến mức quái dị, hãy lên gần đỉnh Mẫu Sơn sẽ thấy! Từ trên đỉnh nhìn ra bốn phía trông rất ngoạn mục và mãn nhãn, tiếc một điều là núi trọc, tỷ lệ phủ xanh thấp.

Quay trở lại thành phố Lạng Sơn, bên ly cà phê, cuộc trò chuyện với những người “quen cũ”. Thực ra chỉ có người ở lại là sẽ thay đổi, kẻ ra đi chẳng đổi thay bao giờ. Vì hắn đã chủ động “keep moving” liên tục, để cho con người luôn nhìn sự việc từ những góc độ biến động khác nhau, sur les chemins mouvants, thế nên tâm hồn hắn thì vẫn mãi mãi là như thế!

Từ đây về Hà Nội chỉ 154 km đường thẳng, địa hình núi đồi thấp, các bác bên Bộ quốc phòng sẽ luôn có khối chuyện đau đầu về cái sự “defence in depth” ở một khu vực như thế này! Vẫn còn do dự mong muốn đẩy hành trình đi xa hơn nữa, nhưng năm nay tạm bằng lòng với chừng ấy. Chặng áp cuối của hành trình, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội.

 

 

Phần 34: Lạng Sơn ❯ Bắc Giang ❯ Bắc Ninh

Từ Lạng Sơn qua Bắc Giang, Bắc Ninh về Hà Nội theo quốc lộ 1A, con đường đi trong một “thung lũng” rộng nằm giữa hai dãy núi, càng lúc càng hẹp dần, thắt lại như một cái cuống phễu ở quá thị trấn Chi Lăng một chút. “Ải Chi Lăng” bây giờ chỉ là đôi bờ kè đá nhỏ đánh dấu chỗ hẹp nhất đó. Từ đây bắt đầu vào địa phận tỉnh Bắc Giang đã hầu như là đồng bằng.

Qua thị trấn Lạng Giang, Bắc Giang, nhác thấy một cái biển nhỏ xíu đề: Đoàn An Lão (1 km). Thế nghĩa là E2, F3 (và thực tế là toàn bộ F3) đang đứng chân ở cái thị trấn nằm ngay sát tỉnh Lạng Sơn này, hơi lùi sâu vào nội địa một chút so với điều tôi nghĩ. Và ở đây cũng có dấu hiệu của ít nhất một vài F lẻ khác, không trực thuộc Quân đoàn 2 Hương Giang.

Những địa danh đơn âm đến mức tối thiểu: Vôi, Kép, Lim, Dâu, Đô… những miền đất rất cổ của người Việt. Qua sông Cầu (sông Như Nguyệt), ranh giới giữa hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Từ đây, có thể thấy đồng bằng Bắc Bộ đang bị đô thị hoá cao độ, các thị trấn nằm san sát nhau, và ngay cả một số làng xã nông thôn nhìn cũng chẳng khác gì phố thị.

Bắc Ninh, Kinh Bắc, Hà Bắc… tên qua những giai đoạn khác nhau, nhưng đều ám chỉ nơi đây, vùng đất phía Bắc, rất gần, chỉ khoảng 20 ~ 50 km tính từ Hà Nội. Có rất nhiều di tích lịch sử văn hoá ở vùng đất có lịch sử lâu đời nằm ngay sát kinh kỳ này. Dừng chân ít ngày, thăm thú một số nơi, trước khi bỏ qua những vùng đất đã biết để đi suốt về Nam.

 

 

Phần 35: Bắc Ninh

Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh có lẽ là ngôi đình lớn nhất Việt Nam còn tồn tại đến ngày hôm nay, lớn hơn hẳn đình Mông Phụ, Đường Lâm tôi đã ghé thăm trong chuyến Bắc hành năm ngoái. Đình xây theo hình thể chữ đinh, điểm đẹp nhất là mái đầu đao vươn xa, tạo nên bố cục rộng lớn. Nhìn kỹ, sẽ thấy hai con lân chầu ở cửa đình… không giống nhau.

Không phải là một cặp cân xứng giống hệt nhau, mà mỗi con lại là một điêu khắc khác biệt. Điều thú vị trong kiến trúc, điêu khắc, mỹ thuật Việt là ở chỗ này chỗ kia, bạn lại bắt gặp một chi tiết gì đó phá cách, bất thường, không tuân thủ theo những quy tắc phổ biến. Như tượng con đá chó phía sau ngôi đình cũng là một điều đặc biệt, tự nhiên, không ước lệ.

Những điêu khắc gỗ trong đình còn lại không quá nhiều, cũng như những điêu khắc đá mới bổ sung, tôn tạo sau này, cùng với những chiếc đèn lồng đỏ nhìn… lạc tông, không đồng điệu. Nhưng ít ra chúng ta còn có được một công trình tương đối hoàn thiện, để biết được rằng kiến trúc Việt ngày xưa như thế nào, trải qua bao thăng trầm của chiến tranh và thời gian.

Nếu như ai đó nghĩ rằng kiến trúc Việt, từ dân gian, đình chùa đến cung đình đều chỉ be bé, xinh xinh, không có gì quá vĩ đại thì… thực ra đúng là như thế. Khắp cả Bắc, Trung, Nam kiến trúc Việt còn kém đặc sắc so với kiến trúc Lào, Campuchia. Nhưng mặt khác, các bạn cũng hãy bớt xem phim Tàu đi, mà nhìn rõ trên quê hương chúng ta còn lại những gì.

 

 

Phần 36: Bắc Ninh

Sau đình Bảng là đến đền Đô (lại là những địa danh đơn âm), đền thờ 8 vua triều Lý. Đền Đô toạ lạc trên một khuôn viên rộng lớn, có bố cục tổng thể rất đẹp. Bi đình lập từ thời vua Minh Mệnh, bia viết: Lý triều chư hoàng đế. Thuỷ đình rất đẹp nằm giữa một hồ nước bán nguyệt lớn. Tấm hoành chính điện đề: Lý triều bát đế, và bức tiếp theo đề: Cổ pháp vĩnh truyền.

Cổ Pháp cũng là tên chữ của làng. Tự dưng đặt câu hỏi cái chữ ‘cổ’ (trong: Cổ Loa, Cổ Bi, Cổ Pháp…) và chữ ‘kẻ’ (Kẻ Bàng, Kẻ Vang, Kẻ Chợ…) có phải từ một gốc mà ra!? Thực sự là mãn nhãn với cái bố cục đẹp của ngôi đền, chứ nếu đi vào chi tiết từng chữ Nho, từng nét thư pháp thì vẫn chưa vừa ý, vì ngôi đền bị phá huỷ nghiêm trọng trong kháng chiến 9 năm.

Và được trùng tu tôn tạo lại gần như toàn bộ trong những năm cuối 80, đầu 90. Đình chùa đầu năm đông không thể tả, không chỉ ngột ngạt khó chịu cho người du ngoạn, mà cũng chẳng thể nào chụp được một bức ảnh cho hoàn chỉnh! Sang đến chùa Phật Tích thì thấy biển người nườm nượp chen vai thích cánh nhau đi chùa, nhìn là đã không muốn vào.

Chùa Phật Tích cũ nổi tiếng với nhiều điêu khắc đá rất đẹp, nhưng tôi chẳng thể nào tham quan được gì khi mà người đi chùa cứ vai sát vai thế này. Trên đỉnh là toà tháp và bức tượng Phật lớn, được xây mới trong vài năm đổ lại đây, nhìn cũng khá hoành tráng. Chợt nhớ ra, ngôi chùa trên đảo VinPearl, Nha Trang chính là xây theo nguyên mẫu chùa Phật Tích này.

 

 

Phần 37: Bắc Ninh

Chùa Bút Tháp nằm đối diện Phật Tích, phía bên kia sông Đuống, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Nhưng phải đi dọc triền đê chừng 7, 8 km lên đến cầu Hồ, qua sông rồi quay ngược lại. Đây là ngôi chùa mà tôi thích nhất, những tượng gỗ rất đẹp, các vị La Hán mang sắc diện Việt Nam rất chi đời thường. Có cảm giác rằng phải nhỏ nhắn, xinh xắn mới là Việt!

Ghé thăm lăng Kinh Dương Vương, được xem là ông vua thuỷ tổ của người Việt, nằm cạnh bờ sông Đuống. Phía trước có cái bia nhỏ đề Hạ mã (hình đầu tiên dưới đây). Đầy đủ phải là Khuynh cái, Hạ mã: nghiêng lọng, xuống ngựa, kiểu gần giống như bây giờ là: xuống xe, tắt máy, xuất trình giấy tờ vậy 😀! Ghé thăm chùa Dâu và vết tích thành cổ Luy Lâu.

Cảm thấy có cảm tình quyến luyến với vùng đất, con người Thuận Thành này, chẳng phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Quang Dũng (Tây Tiến) viết: Nhớ mưa Thuận Thành, long lanh mắt ướt, và những vùng quan họ khác dọc đôi bờ sông Đuống. Đây có thể xem là vùng đất “cổ nhất” Việt Nam, các di tích lịch sử dày đặc, nhiều không kể xiết, tất thảy đều rất lâu đời:

Tranh Đông Hồ, làng gỗ Đồng Kỵ, di tích chùa Trăm Gian, đình Quang Đình, đình Ngô Xá, đình Ngọc Quan, đình Tam Tảo, chùa Phúc Lâm… Chỉ có thể cưỡi ngựa xem hoa mà thăm vài nơi tiêu biểu. Đôi điều rất đáng suy nghĩ về vùng đất lâu đời Bắc Ninh, khi là tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam, nhưng thu nhập bình quân đầu người lại cao nhất nước!

 

 

Phần 38: Bắc Ninh ❯ Hà Nội ❯ Hà Nam ❯ Ninh Bình ❯ Phát Diệm

Một di tích rất quan trọng muốn viếng thăm trong chuyến Bắc hành năm ngoái nhưng chưa làm được, đó là nhà thờ chính toà Phát Diệm, Kim Sơn, Ninh Bình. Đường về vùng đất khai hoang lấn biển đi qua khu nhà tưởng niệm cụ Nguyễn Công Trứ, người có công lớn trong việc di dân khai hoang lập nên hai huyện mới: Kim Sơn và Tiền Hải (núi vàng & biển bạc).

Và cũng là người đặt nên cái tên Phát Diệm (Diễm) (1829). Cũng không phải ngẫu nhiên mà đương thời, một vùng đất vừa mới thành lập chưa lâu trở thành một trong những chiếc nôi của Công giáo Việt Nam, với nhà thờ chính toà Phát Diệm có thể xem như là nhà thờ đẹp nhất Việt Nam. Được khởi công xây dựng năm 1875 và cơ bản hoàn tất năm 1898.

Tuy là nhà thờ Công giáo, nhưng nhà thờ chính toà Phát Diệm chỉ hơi phảng phất nét kiến trúc Tây phương, hầu hết các yếu tố cấu thành đều mang đậm dấu ấn kiến trúc đình chùa Việt Nam. Phương đình (cổng chính) có bức hoành chữ Hán đề: Thánh cung bảo toà, mái cong lợp ngói như mái chùa, kiến trúc cột kèo cũng là đặc trưng của đình, đền Việt Nam.

Ngay cả tiếng chuông cũng nghe trầm ấm, gần giống với tiếng chuông chùa. Các chủ đề điêu khắc trong chùa phổ biến có: long, lân, quy, phụng, tùng, trúc, cúc, mai… thậm chí tượng Đức Mẹ ôm Chúa hài đồng cũng mặc áo dài với khăn đóng. Có rất nhiều yếu tố kiến trúc, điêu khắc được Việt hoá triệt để, nhiều người đã nhận xét nó giống một ngôi chùa hơn là nhà thờ.

 

 

Phần 39: Phát Diệm

Bố cục khuôn viên gồm một hồ nước lớn phía trước, phương đình (đồng thời là lầu chuông, gác trống), nhà thờ chính và 4 nhà thờ nhỏ hơn nằm hai bên, cùng với một nhà thờ nhỏ xây toàn bộ bằng đá. Nhà thờ chính có 48 cột gỗ lim cao đến 11 m (chỉ sau điện Thái Hoà), rất cao so với kỹ thuật xây dựng đương thời, tạo nên một không gian giáo đường cực rộng.

Đến Phát Diệm là để xem mỹ thuật của điêu khắc đá, thật sự là tinh vi và tuyệt đẹp. Các tượng thiên sứ được Việt hoá, phảng phất nét người Việt trên khuôn mặt. Nhưng điêu khắc gỗ nội thất mới thực sự là đỉnh điểm tài hoa và đẹp đẽ ở ngôi giáo đường này. Có thể nói không đâu khác ở Việt Nam mà điêu khắc gỗ đạt đến mức phức tạp, kỳ tài như thế!

Thật tiếc là không phải gian thờ nào cũng mở cửa cho du khách vào thưởng lãm, nên tôi cũng chỉ chiêm ngưỡng được phần nào các điêu khắc gỗ. Một số nơi, thời gian, chiến tranh đã tàn phá rất nhiều trang trí mỹ thuật. Và Phát Diệm đang chịu sự huỷ hoại dần dần theo thời gian do xây dựng trên nền đất yếu, các công trình dần bị nghiêng, xô lệch.

Chính giữa phương đình có xây một bệ tam cấp đá rất lớn, tương truyền là để dành cho quan lại địa phương (quan nhà Nguyễn) ngồi giám sát mỗi khi giáo dân hành lễ. Phải đến và xem, thì mới hiểu được, một thời, đạo pháp và dân tộc đã được hội nhập, biến hoá và dung hoà, đã đạt tới những trình độ nghệ thuật mà có lẽ thời bây giờ không thể bằng được!

 

 

Phần 40: Phát Diệm

Bỏ ra một ngày suốt từ sáng đến chiều để quan sát các điêu khắc đá và gỗ ở nhà thờ chính toà Phát Diệm. Được xây dựng bởi cha Phêrô Trần Lục (ảnh 3), một người tuy được thụ phong linh mục nhưng chưa bao giờ theo học ở một chủng viện nào khác ở ngoài Việt Nam, và cũng không phải là có kiến thức chuyên biệt về kiến trúc hay mỹ thuật phương Tây.

Nhưng như còn lại đến ngày hôm nay, nhà thờ chính toà Phát Diệm có thể được xem như một sự phát triển độc đáo và riêng biệt của kiến trúc cổ truyền Việt Nam… theo đường lối Công giáo. Trong lịch sử từ xa xưa, tôn giáo đã luôn luôn là động lực lớn để đoàn kết, tập hợp nhiều con người, xây dựng nên những công trình kiến trúc, điêu khắc lớn lao, kỳ vĩ.

Nhưng lịch sử Công giáo ở vùng đất Phát Diệm, Ninh Bình này là một quá trình phức tạp, tôn giáo cũng chỉ là một trong những yếu tố gây nên cách biệt, mâu thuẫn, lồng ghép trong những mâu thuẫn cục bộ địa phương, mối quan hệ giữa địa phương với chính quyền, và sâu rộng hơn, là sự cọ xát giữa các nền văn minh khác nhau (clash of civilizations).

Con đường xuôi Nam tiếp tục đi gần hơn về phía biển, Nga Sơn, Hậu Lộc, Quảng Xương, Thanh Hoá… nghe trong hơi gió đã thoáng mùi muối mặn, và những ngữ âm địa phương đã dần xoắn lại, bớt mềm mại hơn, có lẽ vì… muối 😀. Ðâu trúc mai sân đình, đâu dáng ai ưa nhìn, động lòng tôi câu hát người xinh… – Mái đình làng biển – Nguyễn Cường.

 

 

Phần 41: Phát Diệm ❯ Nga Sơn ❯ Hậu Lộc ❯ tp. Thanh Hoá ❯ Quảng Xương ❯ Sầm Sơn

Quốc lộ 10 chạy từ Kim Sơn đi Nga Sơn đi qua đền thờ Mai An Tiêm, nằm bên cạnh một vòng cung núi đá vôi rất đẹp. Lộ 10 nhập vào quốc lộ 1A một đoạn chưa xa thì đến đền thờ Bà Triệu, huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá. Con đường xuôi Nam lần này sẽ sát biển nhất có thể, một phần để quan sát, tìm hiểu phục vụ cho những dự tính xa xôi hơn trong tương lai…

Phổ biến ở những vùng biển Thanh Hoá này là những chiếc thuyền đi biển nhỏ, đan bằng nan tre, xảm dầu rái, hay những chiếc mảng lớn hơn một chút, đóng bằng luồng, một loại tre dài. Tôi đến tận nơi để xem cách họ đóng, sửa chữa thuyền bè… kỹ thuật chế tác gỗ rất thô sơ, vụng về, sử dụng những phương pháp chẳng tiến bộ hơn… thời kỳ đồ đá là mấy.

Các cây luồng được buộc lại với nhau bằng những sợi cước nhựa, kẹp vào giữa là nhiều lớp mút (xốp). Quan sát từ thiết kế con thuyền cho đến kỹ thuật đóng tàu… những phương tiện này chẳng thể nào đi biển xa một cách nghiêm chỉnh, an toàn được. Thật đáng buồn khi thấy từ trăm năm trước đến trăm năm sau, về cơ bản, vẫn chưa có điều gì là thay đổi!

Ngay các trung tâm nghề cá phát triển như Đà Nẵng, Vũng Tàu… những con tàu lớn đóng với ván đáy dày 20 cm, vẫn không bền hơn được một con tàu tương tự của Thái Lan với ván đáy dày 5 cm. Phải nói thẳng ra rằng người Việt không muốn thay đổi và không chịu thay đổi, chứ còn về kỹ thuật, những điều này chẳng có gì là khó khăn hay phức tạp cả! 😢

 

 

Phần 42: Sầm Sơn ❯ tt. Tĩnh Gia ❯ Quỳnh Lưu ❯ tx. Hoàng Mai ❯ tt. Cầu Giát ❯ Diễn Châu ❯ tx. Cửa Lò

Sáng đang lười biếng cà phê khởi động ngày mới, thì ở đâu ra cái hội xe máy Exciter Thanh Hoá tụ tập, gặp mặt offline ở ngay cái quán mình đang ngồi, hàng trăm chiếc Ex xanh xanh giống hệt nhau, mấy trăm con người ồn ào nhộn nhịp! Mỗi một mình mình là con cừu đen giữa bầy trắng, dắt xe nổ máy tiếp tục lên đường giữa hàng trăm cặp mắt ngó vào!

Lại tiếp tục điệp khúc Thuyền và Biển, đi ngang qua cảng cá Sầm Sơn, những chiếc tàu đánh bắt xa bờ hiện đại, cái thiết kế nhìn có vẻ… ổn thoả, hợp logic hơn một chút. Cả một vùng Quảng Xương này hầu như chẳng trồng gì tốt được ngoài thuốc lá. Thửa ngay một cái điếu cày (tre) và ít thuốc lào, kẻo về đến Sài Gòn lại hơi khó kiếm những thứ này!

Biết thêm một chút về kênh nhà Lê, một hệ thống kênh đào được kiến tạo qua nhiều triều đại, nhiều thế hệ, bắt đầu từ Lê Đại Hành (tiền Lê), Lý, Trần, hậu Lê… trải trên 800 năm. Hệ thống kênh đào kết nối các sông ngòi tự nhiên này kéo dài hàng trăm km, nối thông từ Ninh Bình qua Thanh Hoá, Nghệ An đến Hà Tĩnh để phục vụ cho công cuộc mở mang bờ cõi.

Một cảnh tượng thanh bình đến nao lòng khi đứng nhìn cửa Hội, nơi dòng sông Lam ra gặp biển, phía nam tx. Cửa Lò. Ngoài kia là đảo Song Ngư, có cảm giác muốn nhảy ùm một phát làm vài sải là ra tới đảo, ngay và luôn 😀! Nói vậy thôi, chứ sự thực thì… khoảng cách đo trên bản đồ chỉ khoảng 3 km, non hay già một chút, hoàn toàn có thể bơi dễ dàng!

 

 

Phần 42: tx. Cửa Lò ❯ tp. Vinh ❯ tx. Hồng Lĩnh ❯ tp. Hà Tĩnh ❯ Cẩm Xuyên ❯ tx. Kỳ Anh ❯ Vũng Áng

Qua một đêm, gió mùa đông bắc lại tràn về, nhiệt độ giảm còn 15 ~ 16 ℃, thời tiết mát lạnh dễ chịu. Đứng từ trên tầng cao nhất nhìn ra cửa sông Lam, không còn tĩnh lặng, mơ màng như ngày hôm qua nữa, sóng cửa sông lớn bạc trắng xoá đầu, biển là như thế đấy! Những con sóng cửa sông (tidal waves) như thế này rất nguy hiểm với ghe xuồng nhỏ!

Lang thang dọc bờ sông Lam, đoạn từ sát biển lên đến cầu Bến Thuỷ qua quốc lộ 1. Vùng này có chế độ nhật triều, trung bình mỗi ngày chỉ có một lần triều lên / xuống. Quan sát dọc bờ sông cho thấy thuỷ triều yếu, chênh lệch cao nhất / thấp nhất chỉ khoảng 1 ~ 1.5 m, không như vùng sông Sài Gòn, bán nhật triều, nhưng biên độ có thể lên đến 3 ~ 4 m.

Ghe tàu đánh cá khắp cả Việt Nam đều là loại đáy bằng, đáy tròn, nên ít phụ thuộc vào thuỷ triều lên xuống hơn các loại đáy sâu chuyên đi biển xa. Đến tận bây giờ, số liệu thuỷ triều ở các cảng Việt Nam vẫn chưa công bố (hay chưa có!?), việc tính thuỷ triều chỉ dựa vào các công thức lý thuyết chứ chưa có hiệu chỉnh thực tế theo số liệu đo đạc thực nghiệm!

Thiếu kiến thức và kỹ năng, thiếu trang thiết bị đi biển cần thiết, thì không một ngư dân nào, cho dù là lão luyện hay liều lĩnh đến đâu, lại có thể đi xa bờ được! Xa ở đây nên hiểu không phải chỉ vài ngàn cây số, phải 10 lần nhiều hơn thế! Đã đến lúc chúng ta nên thôi cái điệp khúc: dân ta cần cù chịu khó… mà hiểu đúng vai trò của kiến thức và công nghệ.

 

 

Phần 44: Vũng Áng ❯ Vũng Chùa ❯ tx. Ba Đồn ❯ tt. Hoàn Lão ❯ tp. Đồng Hới ❯ tt. Hồ Xá ❯ Vịnh Mốc

Từ Vũng Áng, băng qua đèo Ngang là vào đến địa phận tỉnh Quảng Bình, hoàn tất điều chưa làm được trong chuyến xuyên Việt năm ngoái, đó là ghé Vũng Chùa – Đảo Yến viếng thăm mộ phần đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khu vịnh nho nhỏ khuất gió, sóng vỗ rì rào, hòn đảo be bé xinh xinh, cát trắng nước trong, cây cối xanh tươi, cảnh quan yên tịnh vô cùng.

Mất nhiều thời gian ở cửa sông Gianh và nhất là cửa sông Nhật Lệ. Cửa Nhật Lệ có dáng dấp một thời yên bình nào đó đã qua, những con tàu lười biếng nằm đợi ngày ra biển. Bức hình thứ 3 dưới đây rất đặc biệt, nó chứa đựng đầy đủ hình ảnh của quá khứ và hiện tại. Phần hậu cảnh là những con tàu đánh cá lớn, đuôi vuông đóng theo kiểu đương thời.

Trong hai con tàu nằm ở tiền cảnh, chiếc bên phải hoàn toàn là truyền thống Việt Nam (với chút xíu thêm thắt), thiết kế kiểu double – ender: đầu và đuôi đều vát nhọn, để ý con mắt thuyền vẫn còn vẽ rõ ràng. Chiếc thứ hai bên trái là một dạng lai giữa truyền thống và hiện đại, thân tàu thon dài như các bậc tiền bối, nhưng đuôi vuông theo kiểu hiện nay.

Một cảm xúc rộn ràng khó tả khi chứng kiến hình ảnh này, giờ đây, một thân tàu truyền thống như thế rất khó gặp, chiếc như trong ảnh ít nhất phải trên 60, 70 năm tuổi. Nước sơn mới, hay những thêm thắt sau này (cabin, boong sau đuôi…) không dấu đi được cái thiết kế kinh điển Việt: sức chở yếu, nhưng linh hoạt, nhanh nhẹn, chịu đựng sóng to gió lớn!

 

 

Phần 45: Vịnh Mốc ❯ tt. Cửa Tùng ❯ tt. Cửa Việt ❯ tx. Quảng Trị ❯ Hải Lăng ❯ An Lỗ ❯ ❯ Sịa ❯ Bao Vinh ❯ tp. Huế

Ghé thăm địa đạo Vịnh Mộc, Vĩnh Thạch, Vĩnh Linh. Điều đặc biệt là huyện Vĩnh Linh có nhiều xã là đất đỏ bazan (một số xã là đất cát), người dân trồng nhiều hồ tiêu, cao su… Cũng chính nhờ cái đất ấy nên địa đạo mới có thể hình thành được, đơn giản là với phương tiện thô sơ ngày trước, không thể đào hầm trong đất cát. Quy mô nhỏ hơn địa đạo Củ Chi nhiều…

Nhưng Vịnh Mốc có một vai trò khác biệt, là điểm gần với đảo Cồn Cỏ nhất, con đường tiếp tế cho đảo đi qua đây, thế nên Vịnh Mốc chịu sự đánh phá ác liệt. Toàn bộ cuộc sống ở đây ngày xưa được tổ chức dưới lòng đất, nhìn tổng thể như một pháo đài 3 tầng, ngầm trong một sườn đồi, hướng ra biển cả. Bức ảnh cô du kích Vịnh Mốc ai đó chụp đến là đẹp!

Hành trình tiếp tục đi ven biển, cửa Tùng (sông Bến Hải), cửa Việt (sông Thạch Hãn)… Biển Cửa Tùng, Cửa Việt rất đẹp, bắt đầu từ nơi đây trở vô Nam, con đường di dân của người Việt ngày xưa từ phía Bắc, bắt đầu chủ yếu bằng đường biển với ghe thuyền, chứ không phải trên bộ như các vùng Nghệ An, Hà Tĩnh nữa. Đất miền Trung dài và hẹp vì như thế!

Người ta chỉ đi bằng ghe thuyền đến các vùng đất có thể cư trú được dọc theo bờ biển, rồi cứ thế tiếp tục xuôi về Nam, chứ không mở rộng ra về phía núi (phía Lào). Một lúc nào đó, cùng với chiếc kayak của mình, tôi sẽ rong chơi cho bằng hết tất cả những vụng biển, đầm phá, bãi bờ, sông nước này! Đến để thấy một nụ cười hồn nhiên thật quá là xinh! 😀

 

 

Phần 46: Huế ❯ cửa Thuận An ❯ QL 49B ❯ cửa Tư Hiền ❯ đèo Hải Vân ❯ Đà Nẵng ❯ Hội An

Từ đây trở đi là những vùng đất đã quá quen thuộc, nhưng vẫn luôn có gì đó mới mẻ nếu chịu khó để tâm tìm tòi, quan sát. Dừng chân ghé thăm một xưởng đóng tàu ở gần cửa Thuận An, một con tàu đánh cá lớn đang được đóng, ván gỗ kiền kiền 5.5 phân. Sau một vài câu nói chuyện với ông chủ xưởng: rứa chú là người gốc Vinh Mỹ à!?, đúng là tài thiệt!

Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi, hương âm vô cải mấn mao thôi!, đã bao nhiêu chục năm mà người ta vẫn nhận ra giọng nói. Câu chuyện tiếp diễn một hồi nữa, ông chủ xưởng hỏi: rứa trong làng chú họ chi!?, đáp: dạ, họ Trần, ổng phán: cái dòng nớ hắn thông minh ghê lắm!. Biết là những câu xã giao nhưng vẫn không khỏi mỉm cười trong bụng 😀.

Mà xã giao ở cái miền quê ni hắn dông dài, vòng vo, đưa đón kinh khủng lắm, nói tiếp vài câu rồi kiếm cớ từ biệt lên đường. Nhìn sơ qua về cách đóng những con tàu đánh cá theo cách cổ truyền, chủ yếu vẫn phải dựa nhiều vào sức bền vật liệu (kiền kiền là một loại gỗ nặng, chịu nước rất tốt), chứ chưa đạt được đến mức xây dựng nên độ bền cấu trúc!

Quê choa một dải, từ cửa Thuận An đến cửa Tư Hiền, phá Tam Giang, đầm Thuỷ Tú, đầm Lập An, đầm Cầu Hai, từ núi Bạch Mã đến vịnh Chân Mây, cảnh quan đến thật là quyến rũ lòng người. Lặng đứng bên bờ cửa Tư Hiền, những chiếc thuyền nan bé tí một người chèo, và cái động tác mạnh mẽ, tự tin, an nhiên của họ giữa muôn trùng sóng to gió lớn cửa sông!

 

 

Neo buông sâu như những sợi tơ lòng,
Thuyền lớn nhỏ đều chứa đầy hy vọng.
Thuyền ra đi, bến đã động lòng thương,
Ai phăng neo vội vã để đoạn trường?

Phần 47: Hội An, cửa Đại, làng mộc Kim Bồng

Suốt dọc miền Trung, làng mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim, thành phố Hội An) ngày xưa từng là một trung tâm đóng ghe tàu danh tiếng. Hội An thì đã quá quen thuộc rồi, ghé qua lần này chỉ để biết rõ hơn về làng Kim Bồng, bây giờ đa số đã chuyển sang làm mộc gia dụng, gỗ trang trí, đi khắp cả làng đếm không đến chục chiếc thuyền lớn nhỏ đang đóng mới.

Đây rồi những hình thuyền trong giấc mơ tuổi nhỏ của tôi! Nhưng không chính xác là những thân thuyền truyền thống, thon dài để lợi sức gió, sức chèo như trước, bây giờ chỉ toàn xài máy. Cũng những hình thể đó, nhưng ngắn lại và mập ra để tăng tải trọng. Việc đóng hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm, không bản vẽ, không công thức, không khuôn mẫu nào cả!

Theo như chính người làng nói, thì giới thợ trẻ bây giờ chỉ làm mộc gia dụng, dễ có việc, dễ kiếm tiền. Đóng thuyền chỉ còn sót lại ít người tuổi trung niên trở lên, khó có đơn hàng, dù đơn hàng cũng thường lớn tiền hơn. Nhưng quan trọng là đóng thuyền cực khổ, đòi hỏi thể lực, kinh nghiệm, còn giới trẻ chỉ muốn công việc nhàn hạ, kiếm tiền nhanh chóng.

Lang thang khắp một vùng cửa Đại, hạ lưu sông Thu Bồn, đây đó vẫn còn có thể tìm thấy những mẫu hình thuyền theo đúng truyền thống, những hoài niệm xưa cũ… mấy ai là người hiểu và cảm được!? Quê choa một dải, từ cửa Hàn cho đến cửa Đại, từ núi Sơn Trà cho đến cù lao Chàm, đây đó vẫn luôn còn nhiều điều thú vị cho những ai để tâm tìm hiểu!

 

 

Phần 48: Hội An ❯ Tam Kỳ ❯ Chu Lai ❯ Quảng Ngãi ❯ Mộ Đức ❯ Đức Phổ ❯ Tam Quan ❯ An Nhơn ❯ Quy Nhơn

Con đường Nam tiến tiếp tục đi qua những vùng một thời đã quen biết… Tất cả đang thay đổi với một tốc độ chóng mặt, những thị trấn, thị xã, thành phố mới liên tiếp mọc lên… Hội An, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Quy Nhơn… bây giờ đều đã là những thành phố khá lớn. Cứ như thế này thì miền Trung cũng sẽ sớm đất chật người đông chẳng khác gì đồng bằng Bắc bộ.

Những con đường quen thuộc từng đi bây giờ chẳng thể nào nhận ra, cùng với tốc độ xây dựng, đô thị hoá, thì tôi cũng nhận thấy, con người cũng đang đổi thay nhanh chóng, cái “khoảng cách thế hệ” cứ thế mà tăng dần, xa dần. Nhiều khi tôi cũng không hiểu những người trẻ đương thời đang nghĩ gì trong đầu nữa, nhưng thôi, đó là chuyện của tụi nó!

Quy Nhơn, tức là… người về… uh thì người sắp về, hành trình đang đi vào những đoạn cuối 😀! Từ đây trở vào Nam, cảm thấy không còn nhiều cảm hứng để chụp ảnh và viết bài nữa. Đi tức là để nhìn thấy và tiếp thu những điều mới lạ. Nhưng lúc này đây, tôi lại đang có cảm giác, đi là để thấy rằng, quê choa một dải, từ mục Nam Quan đến mũi Cà Mau…

Có biết bao nhiêu điều tươi đẹp, có những dân tộc, con người, những văn hoá không giống nhau. Đi là để xác nhận lại những điều trước kia ta đã biết, nhưng chưa được rõ ràng lắm. Nhưng đồng thời, đi cũng là để, nhìn thấy từ một góc độ nào đó, quê choa là một vùng đất chật chội, với rất nhiều vấn đề của riêng nó, và thực ra… ta cần điều gì đó rộng lớn hơn thế!

 

 

Phần 49: Quy Nhơn ❯ Sông Cầu ❯ Tuy Hoà ❯ đèo Cả ❯ Đại Lãnh ❯ Vạn Giã ❯ Ninh Hoà ❯ Nha Trang

Thong thả dạo quanh thành phố Quy Nhơn, đầm Thị Nại, ghềnh Ráng, rồi theo quốc lộ 1D bám sát biển đi thị xã Sông Cầu. Từ đây vào đến Khánh Hoà có rất nhiều đầm phá, vịnh biển: đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan, vũng Rô, ghềnh Đá Đĩa, vịnh Vân Phong, đầm Nha Phu, vịnh Cam Ranh… cảnh quan núi đèo, biển cả, cù lao… nhìn đến là thích mắt.

Những đầm phá ven biển thế này rất thích hợp nuôi trồng thuỷ hải sản, và người dân vùng này cũng dần dần sống khấm khá hơn nhờ các nghề đó. Đánh bắt xa bờ chỉ có tập trung ở những cảng lớn mà thôi. Thanh bình nhất là khung cảnh rất nhiều con thuyền nho nhỏ tụ tập về trong một vịnh biển, tất cả buông neo theo chiều gió, đậu san sát bên nhau.

Cuộc sống trong những xóm chài, so với ký ức xa xưa thời còn nhỏ của tôi, cũng chưa khác đi là mấy. Sau một ngày làm việc mệt nhọc, những người đàn ông trở về trên những con thuyền nhỏ, bữa cơm, chai rượu, và phim chưởng Hồng Kông, phim tình cảm sướt mướt Đài Loan inh ỏi khắp xóm. Những người phụ nữ nếu không làm cá, làm mắm hay việc nhà…

Thì cũng tụ tập chơi bài, chơi tứ sắc, buôn chuyện… trong lúc chờ chồng và thuyền về. Thực ra cuộc sống cũng vẫn như thế, muốn khác chăng thì phải khác từ cái suy nghĩ của chính mình, bất giác nhớ lại một vài câu thơ cũ: đâu những đường con bước vạn đời, xóm nhà tranh thấp ngủ im hơi, giữa dòng ngày tháng âm u đó, không đổi nhưng mà trôi cứ trôi..,

 

 

Lũ chúng ta, đầu thai lầm thế kỷ,
Một đôi người u uất nỗi chơ vơ,
Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị,
Thuyền ơi thuyền, xin ghé bến hoang sơ.

Phần 50: Nha Trang ❯ Cam Ranh ❯ Phan Rang ❯ Phan Thiết ❯ Đồng Nai ❯ Sài Gòn

Kết thúc loạt 50 bài viết, cũng là 50 ngày đêm xuôi ngược của hành trình núi cao ta trông, đường rộng ta đi. Ban ngày thì đi đây đó ghi hình ảnh, ban đêm về ghi chép, rất nhiều tư liệu của riêng tôi về các vùng đất, con người khác nhau. Thực ra, những gì thấy trên blog này… chỉ là phần nổi của tảng băng, không đến 1/10 của những gì tôi ghi chép hàng ngày.

Khoảng 8000 km hành trình, đi rất chậm, trung bình mỗi ngày chỉ 180 km, đi chậm như thế thì mới có thời gian để ngó nghiêng, quan sát được. Cũng như bao hành trình khác, nhiều lúc mệt mỏi, có lúc chán nản, đôi khi bực mình với những chuyện xảy ra dọc đường… Chặng đường ta đã đi qua, hiếm hoi mới gặp đóa hoa thắm hồng, ngẩng đầu lên hỏi mênh mông…

Rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau đã trải qua, những “cổng trời” ở các vùng miền núi phía Bắc, những cung đường đèo chênh vênh, vắt vẻo, những địa danh lịch sử chỉ mới đọc qua sách báo, và những con người, như là “hoa thơm quả ngọt” của các vùng đất ấy. Những ngày rét đến gần 0 ℃, những chiều mưa tầm tã, những sớm mù sương phủ kín trời…

Đến hôm nay đường xuôi về biển, những khung cảnh tuyệt đẹp dọc hàng ngàn km bờ biển, cách duy nhất để thực sự trải nghiệm chúng một cách kỹ càng, “trên từng cây số” là phải đi bằng đường thuỷ. Chào năm mới 2016, nên nhớ 2016 là năm nhuận, thế có nghĩa là, tôi sẽ có thêm một ngày để vui sống, để đi chèo thuyền, để đùa giỡn cùng sóng nước! 😀