Pressurized stove, tạm dịch tiếng Việt là “lò áp suất” (không phải nồi áp suất), cái tên tiếng Anh này cũng không thật chính xác. Lớn lên trong một làng chài, dụng cụ này với tôi một thời rất quen thuộc, chính là phần bên dưới của cái đèn “măng – sông”! Thật kỳ lạ, những người ngư dân dùng nó rất nhiều nhưng không hiểu cách nó vận hành, họ chỉ biết xài mà thôi. Ngay cả những người thích dã ngoại, cắm trại, cũng rất ít thực sự hiểu “nguyên lý hoạt động” của “lò áp suất” và “đèn măng – sông”! 🙂 Giải thích ở đây luôn cho mọi người hiểu. “Lò áp suất” không đốt nhiên liệu ở dạng lỏng như lò có tim (bấc), nó đốt nhiên liệu dạng khí. Chính vì thế, công suất có thể điều chỉnh lớn, sinh ra nhiều nhiệt, và lò có tiếng hú rất đặc trưng! Muốn xăng trong bình (dạng lỏng) chuyển thành dạng khí, phải có giai đoạn mồi – primer – preheat. Đầu tiên dùng bơm nén khí vào bình, mở van, áp suất đẩy xăng tràn lên. Cho một lượng nhỏ tràn vào chén mồi – primer cup, rồi khoá van lại. Đốt phần xăng mồi này là khởi động cái lò.
Nhiệt lượng phát sinh ở giai đoạn mồi, khoảng 30 ~ 45 giây này làm xăng sôi lên bên trong chén, bốc hơi thành thể khí. Lúc này, ta từ từ mở van, hơi xăng thoát ra ngoài và bắt cháy. Nhiệt lượng phát sinh quay trở lại, tiếp tục làm bốc hơi dòng xăng liên tục được áp suất trong bình bơm lên. Chính vì đã chuyển hoá nhiên liệu từ thể lỏng sang thể khí rồi mới đốt, nên “lò áp suất” có “hiệu suất” sử dụng nhiên liệu cao hơn các loại lò khác (kinh tế hơn), đồng thời cũng thường “nóng” hơn và có “công suất” cao hơn. Về cấu tạo của cây đèn “măng – sông”: bên dưới chính là cái “lò áp suất”, bên trên dùng một loại “bấc” đặc biệt, tiếng Anh gọi là “gas mantle”. Loại “bấc” này thường làm bằng Thorium dioxide (ThO2), một loại khoáng chất có đặc tính phát ra ánh sáng khi bị nung nóng. “Mantle” thường là dạng “túi lưới” trùm lên trên ngọn lửa, chính loại “bấc” này giúp đèn “măng – sông” có độ sáng chói lọi, mượn nhiệt từ “lò áp suất” để nung nóng, chứ bản thân ngọn lửa xăng đơn thuần không thể phát ra nhiều ánh sáng đến như thế!