Xem mãi không chán, video của Ken Preston về những chiếc thuyền nan tre, be gỗ ở Xuân Hải, giáp ranh giữa Quy Nhơn và Sông Cầu, Phú Yên, thuyền chạy tốt trong sóng bờ cỡ 2 mét, hơn nữa thì chưa biết. Xem cái cách nó surf trên sóng thật mê ly. Có nhiều điều ngay trên chính quê hương VN mà ta chưa biết, những chiếc thuyền cong vút như “vầng trăng khuyết”, lần nữa khẳng định chính xác, mấy cái “đường cong” đó mới là chịu đựng sóng gió tốt! Anh nào cứu hộ, cứu nạn VN, cho ra đây học kỹ năng! 🙂
Monthly Archives: December 2020
serenity – 1, p21
Hôm nay hạ thuỷ, chèo 1 đoạn ngắn xem sao, cảm giác ban đầu là hài lòng. Độ ổn định nằm giữa hai chiếc S2 & S3, đây là điều chính yếu muốn đạt được. Thứ đến nữa, cái này dể giải thích, xuồng dể điều khiển, các động tác nhẹ nhàng, vì kích thước nhỏ hơn các chiếc trước.
Có thể đi rất thẳng không cần bánh lái (lái chỉ dùng trong sóng gió nhiễu loạn phức tạp, còn không sẽ cất lên để giảm bớt sức cản nước). Chỉ nghiêng người dịch trọng tâm (edge-turning) là nó cua, chưa cần phải đạp lái hay chèo một bên. Tính “responsive” xem như đạt yêu cầu!
Chỉ mới là cảm giác ban đầu, cần phải thử nghiệm thêm trong điều kiện đầy tải, sóng lớn và đường dài, và đo số liệu với Garmin thì mới biết rõ được. Với kích thước hơi nhỏ như thế này, biết trước là việc sắp xếp hàng hoá đủ cho 1 hành trình dài sẽ là việc… nhức đầu!
bris
Nhiều người sẽ thấy khó hiểu, có chiếc kayak thôi sao lại phức tạp đến thế!? Nhưng kayaking dần biến thành 1 thú chơi với vô số “micro optimization” – tối ưu hoá li ti. Vì nó là như thế mà, để làm ra “tow-line”, dây “lai dắt” cứu kéo 1 chiếc kayak bị nạn, có hẳn nhóm “nghiên cứu” làm việc này, nhiều năm thử nghiệm mới đi đến thiết kế tối ưu. Hay như hệ thống dây nâng/hạ bánh lái trong hình, phải làm 2, 3 lần mới tìm ra cách tốt nhất.
Ý tưởng về “dự án” kế tiếp, chế tạo Bris Sextant – “kính lục phân” kiểu Bris, là thiết bị đo góc siêu nhỏ, kích thước 2x3cm, không có bộ phận chuyển động nào (no moving part), nhưng về căn bản thay thế được kính lục phân truyền thống. Đã tìm hiểu sơ về nguyên tắc thiết kế, cực kỳ đơn giản, chỉ có 3 miếng kính ghép lại với nhau, có thể làm từ lam kính hiển vi, quan trọng là không cần đến “cơ khí chính xác” như các dụng cụ quang học khác!
serenity – 1, p20
Hoàn tất những công việc cuối cùng với chiếc xuồng. Đầu tiên là cái bánh lái, thiết kế và chế tạo mới hoàn toàn khác với cái trước, và do đã có những “bài học”, nên chuyển động nhẹ nhàng, êm hơn nhiều! Có 4 sợi cáp thép bọc nhựa điều khiển cái bánh lái!
2 sợi nối vào bàn đạp (pedal) để điều khiển xoay trái, phải, 2 sợi nữa để điều khiển nâng lên hạ xuống, khi không dùng đến, bánh lái nâng lên, xếp gọn vào hộp phía sau đuôi! Cũng tương đối mất thời gian cân chỉnh mọi thứ để cho mọi hoạt động của bánh lái được trơn tru, nhẹ nhàng!
Vẫn còn ít việc nho nhỏ nữa mới có thể xem là thật sự hoàn tất, test xem máy bơm nước hoạt động thế nào, test xem tấm pin năng lượng mặt trời có sạc điện đúng hay không, lắp đặt, thử nghiệm thêm một vài thiết bị linh tinh khác! Sẽ xuống nước trong 1 vài ngày đến! 😀
serenity – 1, p19
Rất nhiều công việc linh tinh, lắt nhắt trong khâu hoàn thiện chiếc xuồng: khoan lỗ và buộc dây đầu mũi và cuối lái (tay cầm dùng để nhấc, kéo thuyền), đóng cái xe đẩy mới có thể thảo rời thành 3 phần và xếp gọn vào khoang một cách nhanh chóng, tiện lợi hơn!
Chế tạo các chi tiết nho nhỏ của hệ thống điều khiển bánh lái, hệ thống bánh lái nói vậy chứ khá phức tạp, có 4 sợi dây cáp, 2 sợi dùng để điều hướng trái, phải, và 2 sợi để nâng, hạ bánh lái lên xuống. Ngoài ra còn có các bộ phận dùng để cân chỉnh độ căng dây, cân bằng trái phải!
Dặm thêm một lớp sơn bóng trên toàn bộ đáy thuyền, dặm thêm 2, 3 lớp sơn bóng phủ lên trên để bảo vệ các miếng decals, kiểm tra 2 cái nắp khoang có hoàn toàn kín nước hay không! Sẽ cố gắng tranh thủ hoàn thành mọi công việc để xuống nước trước năm mới! 😀
cơ yếu
Facebook nhắc ngày này năm ngoái, đạp 240km cả đi lẫn về thăm chiến khu D, lần đạp xe mệt mỏi nhất cho đến nay, đường dốc, trời nắng, phần nữa cũng vì tuần trước đó bị ngã xuống sông, bàn chân bong gân vẫn còn đau! Trong chiến khu D, học được 2 chữ mới, “cơ công” là người phụ trách vô tuyến, hữu tuyến, máy móc, đường dây, “cơ yếu” là người nắm mật mã, chuyên mã hoá / giải mã thông tin truyền đi / nhận được!
Về nguyên tắc, hai bộ phận này độc lập, không được liên hệ với nhau, anh mã hoá thì không truyền tin, anh truyền tin thì không được biết mình gởi / nhận cái gì! Thế nhưng, trong thực tế chiến tranh, trai gái cơ công / cơ yếu cưới nhau nhiều vô số! Nói về tầm quan trọng thì anh “cơ yếu” là quan trọng bậc nhất, đi đâu cũng có vệ binh kè kè đi theo “bảo vệ”, nói cho chính xác là bảo vệ cái mật mã chứ chẳng phải bảo vệ gì anh cơ yếu! 😀
serenity – 1, p18
Dặm thêm 1 lớp sơn bóng trên toàn bộ phần thân trên của xuồng, đi dây bungee, dặm thêm mấy lớp sơn bóng để bảo vệ bên trên các decals, gắn ghế ngồi, gắn cứng 2 cái bóng đèn LED, kiểm tra lại hệ thống điện: đèn, máy bơm và gắn nhiều thiết bị linh tinh khác!
Và ta chọn một ngày tốt nhất của năm, khi sao Thổ gióng thẳng hàng với sao Mộc, tắm gội sạch sẽ, trai giới không gần nữ sắc, để chuẩn bị hạ thuỷ chiếc thuyền! 😃 Sự kiện Hành tinh đôi – Double planets ngày 21/12 vừa qua là sự kiện đặc biệt, 400 năm mới có một lần.
Sao Thổ và sao Mộc xuất hiện gần như thẳng hàng trên bầu trời, cách nhau chỉ 0.1 độ! Thật sự thì vẫn còn 1 số công việc nữa, quan trọng nhất là hệ thống bánh lái và hệ thống hộp điện trung tâm, chắc sẽ không kịp hạ thuỷ dịp Giáng Sinh nhưng sẽ trước thềm năm mới! 😀
serenity – 1, p17
Dán những miếng decal trang trí, dĩ nhiên đầu tiên không thể thiếu là cặp mắt thuyền Việt Nam đặc trưng. Một câu motto (khẩu hiệu) chạy vòng quanh cái la bàn: Fortitudine Vincimus
😀, phía sau là tên thuyền và thông tin liên hệ của chủ nhân nó!
Bắt vít các anchor point (điểm neo) vào thân thuyền, và đi dây bungee (dây thun buộc hàng), những sợi dây này dùng để mắc, kẹp rất nhiều trang thiết bị linh tinh khác nhau! Các con ốc vít đều là loại inox chịu được nước biển, nhưng để chắc chắn hơn, tôi phết 1 lớp gelcoat lên trên!
Phải nói thêm là gelcoat có độ cứng, bền tốt hẳn các loại sơn mà tôi từng biết, và còn có 1 ưu điểm nữa là có khả năng dính vào kim loại, nhựa khá tốt, không chỉ riêng vật liệp xốp như gỗ, nên có lẽ sẽ chuyển sang dùng gelcoat cho hầu hết các thao tác sơn phủ trên thuyền.
serenity – 1, p16
Công đoạn hoàn thiện xuồng, lắp đặt thiết bị, thực sự là có rất rất nhiều việc không tên, linh tinh và rất tốn thời gian. Đầu tiên là đúc 2 cái roăn chống thấm nước cho nắp khoang, silicone lỏng pha chất xúc tác, đổ vào khuôn, chỉ 1 tiếng sau là thành hình!
Chế tạo và lắp đặt các “anchor point”, các “điểm neo” dùng để bắt dây, dây giằng nắp, dây thun bungee, các điểm neo này được bắt vít chặt vào thân thuyền. Tôi chọn giải pháp đơn giản là bắt vít, chứ không làm điểm neo “âm” phức tạp như ở các chiếc xuồng trước.
Máy bơm nước được sử dụng lại từ chiếc xuồng trước, chỉ đơn giản là tháo và gắn qua, ghế ngồi cũng thế, để giảm bớt thời gian thi công, một số chi tiết được tận dụng lại! Tuy vậy, vẫn còn rất rất nhiều công việc linh tinh phải hoàn thành trước khi có thể “xuống nước”!
ép dầu
Ký ức tuổi thơ, máy ép dầu thời kỳ “tiền công nghiệp”. Xưa ở làng ép dầu phụng bằng cách như thế này, nhưng cái “máy” ở làng to hơn, và nhìn chỉnh tề hơn, đường kính cả mét, thân cây khoét rỗng ruột, như cái xy-lanh, đậu phụng luộc xong xếp vào trong, một khúc cây tròn làm cái piston, được ép dần dần bằng những cái nêm (wedge) đóng từ trên xuống.
Máy chạy bằng cơm, hai thanh niên khoẻ mạnh đứng trên khúc cây, thay nhau quai búa, chêm hết con nêm này đến con nêm khác, vắt hết dầu thì đậu trở thành “bánh dầu”, bị ép lại cứng như đá luôn! Haiza, cái không gian làng xã ngày xưa, mở miệng ra là: “dạ vâng, xưa bày nay làm”, éo dám nói khác! 🙂 Ảnh: ép cây sơn ta để lấy dầu làm sơn mài, xảm ghe thuyền…